ÔNG LÀM THƠ NHƯ THẾ NÀO?
-
Tuyết
- Orhan Pamuk
- 6055 chữ
- 2020-05-09 02:57:40
Số từ: 6043
Người dịch: Lê Quang
NXB: Văn học
Nguồn: Sưu tầm
Nói chuyện về tình yêu, khăn trùm
và tự sát trong bữa tối
Họ thấy một đám người trước Nhà hát nhân dân đứng chờ buổi "biểu diễn" sắp bắt đầu. Mặc cho tuyết rơi như không bao giờ chịu ngớt, tất cả tụ tập trên vỉa hè trước ngôi nhà trên trăm năm tuổi: những người thất nghiệp và không vai vế tự họp ở đây để ít nhất được thay đổi không khí, thanh niên áo vest thắt cà vạt đến từ ký túc xá hoặc từ nhà, trẻ con trốn gia đình đi chơi. Cả những gia đình cùng con cái cũng có mặt. Lần đầu tiên Ka thấy ở Kars một chiếc ô đen mở ra. Kadife biết là trong chương trình có thơ của Ka, nhưng Ka không để cô hỏi tiếp bằng cách thông báo là ông sẽ không đến nhà hát và đằng nào cũng chẳng có thì giờ.
Ông linh cảm một bài thơ mới đang trên đường đến. Ông rảo bước đi nhanh và cố không nói chuyện gì khác nữa cho đến khi vào khám sạn. Lấy cớ muốn ăn mặc tử tế để đi ăn tối, ông lên phòng ngay, cởi áo khoác, ngồi xuống bàn và vội vã viết. Chủ đề chính của bài thơ là tình bạn và các bí mật chung. Tuyết, sao trời, xúc cảm từ những ngày hạnh phúc trôi qua đều được đưa vào bài thơ, cũng như vài câu nói của Kadife được dùng lại nguyên vẹn. Ka theo dõi một cách khoái trá và sung sướng các vần thơ nối nhau hiện ra trên giấy như ngắm một bức họa. Trí óc ông giờ phát hiện ra một logic ẩn trong những đề tài mà ông đã bàn luận với Kadife. Trong bài thơ "Tình bạn giữa các vì sao" này ông lý luận rằng mỗi người có một ngôi sao, mỗi ngôi sao có một sao bạn, và mỗi người mang vì sao đó lại có một người phản chiếu lại ánh sáng của nó, người ấy như là một tâm phúc của người này.
Sau này ông ghi chú rằng đây đó bị thiếu một số vần thơ tuy ông hoàn toàn cảm nhận được âm hưởng và sự hoàn hảo của bài thơ trong tim. Vì còn mải nghĩ đến Ipek và bữa ăn tối mà ông đến muộn, cũng như vì nỗi hạnh phúc thái quá của mình.
Khi làm xong bài thơ, ông chạy vội qua tiền sảnh tới căn hộ nhỏ của ông chủ khách sạn. Một chiếc bàn kê giữa gian nhà rộng, trần cao. Ngồi đầu bàn là Turgut Bey ở giữa hai con gái ông, Kadife và Ipek. Bên bàn còn một cô gái thứ ba trùm chiếc khăn tím lịch thiệp, nhất định là bạn gái Hande của Kadife. Đối diện với cô gái là nhà báo Serdar Bey. Vẻ đẹp và sự lộn xộn khác thường của bàn ăn giữa nhóm người mang vẻ hài lòng vì được ngồi với nhau cũng như động tác tươi tắn khéo léo của bà giúp việc Zahide người Kurd tất bật chạy từ bếp ra phòng khiến ông nhận ra ngay là Turgut và hai con gái ông đã có thói quen tối tối ngồi quây quần ở đây.
"Cả ngày hôm nay tôi đã nghĩ đến ông và lo cho ông, ông ở đâu lâu vậy?" Turgut hỏi và nhổm dậy. Bất chợt ông tiến đến gần Ka rồi ôm ông thắm thiết, làm Ka muốn trào nước mắt. "Bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra những chuyện khủng khiếp," mặt ông lộ vẻ bi ai.
Ka ngồi xuống cuối bàn, chỗ Turgut chỉ cho ở phía đối diện.
Ông lúng túng xúc món xúp đậu được bưng ra. Sau khi hai người đàn ông bên bàn bắt đầu uống Raki và sự chú ý của cả nhóm đã rời ông để chuyển qua màn hình tivi sau lưng ông, Ka được làm một việc mà ông đã muốn làm từ lâu: tha hồ ngắm khuôn mặt xinh đẹp của Ipek.
Tôi biết rõ Ka cảm nhận gì trong khoảnh khắc này, vì sau này ông đã chép lại tường tận cảm giác hạnh phúc bao trùm và vô biên ấy trong cuốn vở: tay chân ông liên tục động cựa như những đứa trẻ sung sướng và sốt ruột ngọ nguậy, như chực đuổi theo cho kịp giờ chuyến tàu đưa ông và lpek đi Frankfurt. Ông tưởng tượng ra ánh sáng nay đang tỏa ra từ cây đèn trên màn làm việc của Turgut Bey ngồn ngộn sách báo, sổ sách và hóa đơn của khách sạn, chỉ vài hôm nữa sẽ tỏa ra từ ngọn đèn trên bàn giấy của mình trong căn hộ nhỏ ở Frankfurt, nơi hai người hạnh phúc chung sống, làm rạng khuôn mặt của Ipek.
Ngay lúc ấy ông nhận ra Kadife đang quan sát mình. Khi ánh mắt hai người giao nhau, trên khuôn mặt cô - không đẹp như chị cô - hiện lên vẻ gì như ghen tương, nhưng Kadife cũng kịp giấu đi sau một nụ cười đồng lõa.
Mọi người bên bàn vẫn thỉnh thoảng liếc mắt lên màn hình.Buổi truyền hình trực tiếp từ Nhà hát nhân dân vừa bắt đầu, anh diễn viên cao lộc ngộc như cây sào mà Ka hôm đầu tiên xuống xe buýt đã thấy mặt trong nhóm diễn viên đang cúi chào sang phải sang trái để bắt đầu giới thiệu thương trình thì Turgut Bey cầm chiếc điều khiển từ xa chuyển kênh. Tất cả nhìn lên màn hình trắng đục mờ mịt một hồi lâu, không nhận ra hình gì cả.
"Cha ơi,"Ipek hỏi. "Tại sao mình lại xem cái này?"
"Trời có tuyết..." cha cô nói. "Ít nhất thì đây cũng là một hình ảnh chính xác, một tin đúng sự thật. Vả lại con biết là xem lâu một kênh làm tổn hại đến lòng tự hào của cha mà."
"Thế thì cha tắt tivi đi," Kadife nói. "Ở đây đang xảy ra một chuyện khác làm tổn thương lòng tự hào của tất cả chúng ta."
"Con giải thích cho vị khách của chúng ta hiểu đi," cha cô ngượng ngùng đáp. "Cha không yên tâm được, chừng nào khách chưa rõ chuyện!"
"Tôi cũng vậy," Hande nói. Đôi mắt to, đen và đẹp kỳ lạ của cô ánh lên thịnh nộ. Tất cả im lặng một hồi lâu.
"Cậu kể đi, Hande," Kadife nói. "Có gì bắt ta phải xấu hổ đâu cơ chứ."
"Có chứ, có rất nhiều chuyện bắt ta xấu hổ, vì vậy tôi muốn kể ra," Hande nói. Trong một thoáng, mặt cô sáng lên vẻ vui mừng khó hiểu. Vừa mỉm cười như đang nhớ lại một kỷ niệm đẹp cô vừa kể: "Hôm nay là bốn mươi ngày kể từ khi bạn gái Teslime của chúng tôi tự tử. Teslime là người đấu tranh cho tôn giáo và Lời của Thượng đế với đức tin mạnh mẽ nhất trong thúng tôi. Đối với Teslime chiếc khăn trùm đầu không chỉ là biểu tượng cho tình yêu đối với Allah mà còn là đức tin riêng và danh dự của mình. Không ai có thể tưởng tượng nổi là cô ấy sẽ tự tử. Các giáo viên ở trường đại học và bố cô ở nhà đã gây áp lực không thương tiếc đối với cô, bắt cô để lộ tóc ra, nhưng Tesline không chịu khuất phục. Cô chuẩn bị nhận kỷ luật đuổi khỏi trường khi đã học đến năm thứ ba và sắp tốt nghiệp. Một hôm, bố cô, chủ hiệu tạp hóa bị bọn người của Sở cảnh sát hăm dọa: "Nếu con gái ông không bỏ khăn ra và để đầu trần đến trường, chúng tôi sẽ đóng cửa hàng của ông và đuổi ông khỏi Kars." Vì thế bố Teslime dọa đuổi cô khỏi nhà. Thấy biện pháp ấy cũng không kết quả, ông tính chuyện gả cô cho một tay cảnh sát bốn mươi lăm tuổi đã có một đời vợ. Tay cảnh sát này thậm chí đã ôm hoa mon men đến cửa hàng tạp hóa của ông. Teslime gọi ông ta là 'lão góa thong manh' và kinh tởm ông ta đến nỗi cô kể với chúng tôi là cô đang tính bỏ khăn trùm đầu để không phải cưới ông ta. Nhưng đơn giản là cô không thực hiện nổi quyết định đó. Một số trong chúng tôi hưởng ứng quyết định ấy, để Teslime không phải cưới lão góa thong manh, những người khác thì nói 'Thử dọa tự tử xem bố cậu nói gì!' Tôi là người khuyên cách này hăng nhất. Vì tôi quyết tâm ngăn cô ấy bỏ khăn trùm đầu. Tôi đã nói bao nhiêu lần: 'Teslime, thà tự tử còn hơn phơi đầu ra!' Tôi chỉ nói thế để nhấn mạnh thôi.Chúng tôi cho rằng những vụ phụ nữ tự sát, như báo chí nói, là do không có lòng tin, do chỉ biết thế giới bên này và do thất tình, và chỉ nghĩ rằng chữ'tự sát' sẽ làm ông bố hoảng sợ. Tôi không tin nổi là Teslime sẽ tự sát thật, vì cô ấy là người ngoan đạo. Khi nghe tin cô ấy treo cổ, tôi tin điều đó sớm hơn tất cả mọi người, bởi vì tôi đã cảm nhận được rằng chính tôi cũng sẽ tự tử nếu ở địa vị Teslime."
Hande òa khóc. Tất cả im lặng. Ipek ra chỗ Hande, hôn và vuốt ve cô. Kadife cũng ra cùng. Các cô gái ôm nhau, Turgut Bey - với chiếc điều khiển từ xa trong tay - nhẹ nhàng khuyên can họ, và mọi người đùa cợt để họ thôi khóc. Turgut Bey chỉ vào những con hươu cao cổ trên màn hình nhu dỗ trẻ con, Hande nhìn lên màn hình với cặp mắt đẫm nước như một đứa trẻ đợi được an ủi.
Tất cả theo dõi một hồi lâu mấy con hươu cao cổ ở một xứ xa vời, có lẽ là châu Phi, đang thanh thản và hạnh phúc cất bước một cách chậm rãi trên nền đất nhiều cây, hầu như quên bẵng số phận của riêng mình.
Sau đó Kadife nói với Ka: "Sau vụ Teslime tự tử. Hande nói với bố mẹ là cô sẽ bỏ khăn và tiếp tục đến lớp, để họ đừng bất hạnh thêm nữa. Họ đã quá vất vả nuôi cô lớn khôn, như nuôi một thằng con một vậy. Bố mẹ cô vẫn mơ ước được Teslime chăm sóc khi về già, vì Teslime rất thông minh."Giọng cô dịu dàng, gần như thủ thỉ, nhưng cũng đủ cho Hande lắng nghe trong khi vẫn hướng cặp mắt đẫm nước lên màn hình. "Nhóm các thiếu nữ trùm khăn chúng tôi thoạt tiên thử thuyết phục cô ấy đừng bỏ tranh đấu, nhưng rồi chúng tôi quyết định ủng hộ cô ấy vì chúng tôi hiểu ra rằng, để cô ấy bỏ khăn trùm đầu còn tốt hơn để cô ấy chết. Thật khó khăn cho một cô gái vốn vẫn cho chiếc khăn là lời răn của Thượng đế và lá cờ của mình nay phải bỏ xuống và đi ra đường như thế. Từ mấy hôm nay Hande khóa cửa ngồi trong nhà và tập trung tinh thần chuẩn bị cho phút giây đó."
Ka ngồi lặng im, đầy mặc cảm tội lỗi như mọi người trong phòng khi nghe câu chuyện, nhưng khi cánh tay ông chạm vào cánh tay Ipek thì trong ông tràn ngập cảm giác sung sướng. Trong lúc Turgut Bey liên tục chuyển hết kênh nọ đến kênh kia thì Ka đi tìm niềm vui riêng của mình bằng cách ép tay mình vào tay Ipek. Thấy Ipek cũng đáp lại, ông quên hết tâm trạng ủ dột bên bàn ăn. Lúc này ti vi đang truyền tiết mục biểu diễn ở Nhà hát nhân dân. Người đàn ông cao lộc ngộc như cây sào đang kể lể vềniềm tự hào được tham gia buổi phát hình trực tiếp đầu tiên ở Kars. Trong khi chương trình được xướng lên, bất chợt Ka nghe thấy sau những tiết mục luân lý, chuyện kín của thủ môn đội tuyển quốc gia, bí mật xấu xa nơi chính trường, những trích đoạn bất hủ kịch Shakespeare. Victor Hugo, những lời thú tội và bê bối bất ngờ, những tên tuổi danh giá vĩnh hãng trong lịch sử sân khấu và phim ảnh Thổ Nhĩ Kỳ - người dẫn chương trình xướng tên mình "nhà thơ lớn của chúng ta lặng lẽ trở về sau nhiều năm vắng bóng". Dưới mặt bàn,Ipek nắm chặt tay Ka.
"Có vẻ như tối nay ông không muốn ra đó," Turgut Bey nói.
"Ở đây tôi hạnh phúc và hài lòng hơn cả, nhờ ông!" Ka trả lời và ép cánh tay mình vào tay Ipek mạnh hơn.
"Dĩ nhiên tôi không muốn phá không khí hạnh phúc ấy của ông," Hande nói. Trong khoảnh khắc này cô khiến mọi người đều sợ hãi. "Nhưng tối nay tôi có mặt ở đây chỉ vì ông. Tôi chưa đọc cuốn nào trong các sách của ông cả, nhưng biết ông là một nhà thơ đã đến tận đất Đức và nhìn thấy thế giới, thế là đủ. Dạo này ông có làm thơ không?"
"Từ khi về Kars tôi sáng tác được rất nhiều thơ."
"Tôi muốn ông cho tôi biết làm cách nào để tập trung vào một chủ đề; ông làm thơ như thế nào? Phải tập trung lắm đúng không ạ?"
Đó là câu hỏi được phụ nữ đặt ra nhiều nhất trong những tối bình thơ với các nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức, song lần nào Ka cũng rúm người lại, tựa như bị hỏi một chi tiết quá riêng tư. "Tôi không biết người ta làm thơ ra sao," ông nói, có thể nói là một bài thơ hay đến từ bên ngoài, từ một chốn rất xa."Ông nhận ra ánh mắt hoài nghi của Hande. "Cô cho tôi biết, cô hiểu thế nào là tập trung?"
"Cả ngày tôi gắng sức tập trung, nhưng có muốn tưởng tượng ra mình không có khăn trùm đến mức nào thì hình ảnh đó cũng không chịu sống dậy. Thay vào đó, tôi thấy những hình ảnh mà tôi chỉ muốn quên đi."
"Ví dụ như hình ảnh gì?"
"Khi số thiếu nữ trùm khăn ngày càng nhiều lên, người ta cử một bà từ Ankara về đây vận động chúng tôi bỏ khăn. Bà ấy nói chuyện hàng tiếng đồng hồ với từng người trong bọn tôi ở phòng riêng. Bà ấy đặt hàng trăm câu hỏi, ví dụ như 'Bố chị có đánh mẹ chị không? Nhà có bao nhiêu anh chị em? Mỗi tháng bố chị kiếm được bao nhiêu tiền? Trước khi trùm khăn thì chị dùng đồ gì? Chị có yêu Atatürk không? Trên tường như chị treo những tranh gì?Mỗi tháng chị đi xem phim mấy lần? Chị có nghĩ nam nữ bình quyền không? Allah hay nhà nước, ai cao hơn? Chị thích sau này có bao nhiêu con? Chị có bị lạm dụng trong gia đình không?' Bà ấy ghi lại các câu trả lời vào giấy và điền những tờ biểu mẫu dằng dặc về chúng tôi. Bà ấy đánh son môi, nhuộm tóc, và tất nhiên để đầu trần, trông bà ấy sành điệu như trong tạp chí thời trang nhưng lại toát ra một vẻ, tôi không rõ tại sao, rất giản dị. Ngay cả khi những câu hỏi của bà làm vài người trong bọn tôi phát khóc lên, nói cho cùng chúng tôi rất mến bà ấy... Vài người thầm mong bà ấy không bị phiền lòng bởi bùn đất bẩn thỉu ở Kars. Về sau tôi còn mơ thấy bà ấy, nhưng mới đầu tôi chẳng để tâm. Bây giờ thì bất cứ khi nào tưởng tượng ra cảnh bỏ khăn trùm, phơi đầu trần đi ra ngoài đường tôi lại thấy mình chính là bà ấy. Tôi cũng sành điệu như bà ấy, mang giày gót nhỏ và váy áo còn thoáng hơn bà ấy nữa. Đàn ông chú ý đến tôi. Một mặt tôi thích thế, mặt khác tôi lại xấu hổ."
"Hande, có lẽ cậu không nên nói về những gì khiến cậu xấu hổ!" Kadife nói.
"Không, tôi sẽ vẫn nói. Vì tôi cảm thấy xấu hổ trong tưởng tượng chứ không xấu hổ vì những gì tôi tưởng tượng ra. Thực ra tôi hoàn toàn không tin mình sẽ trở thành người dâm đãng chỉ luôn đi tán tỉnh đàn ông nếu tôi để đầu trần. Vì lúc đó tôi đang làm một việc mình không tự nguyện chút nào. Nhưng tôi cũng biết rằng người ta có thể bị cuốn vào những ý tưởng dâm đãng, mặc dù không coi thế là tốt, thậm chí cả trong những lúc người ta tin tưởng chắc chắn là hoàn toàn không muốn. Là đàn ông hay đàn bà cũng vậy, đêm đêm tất cả chúng ta đều phạm tội trong mơ với những người mà ban ngày có lẽ chúng ta chẳng thèm để ý Đúng thế không ạ?"
"Đủ rồi, Hande!" Kadife nói.
"Nhưng có đúng thế không?"
"Không!" Kadife ngoan cố.
Cô quay sang Ka. "Trước đây hai năm Hande sắp cưới một anh người Kurd rất đẹp trai. Nhưng anh ấy bị lôi kéo đi làm chính trị và họ đã giết anh ấy..."
"Chuyện ấy chẳng liên quan gì tới việc tôi không sao bỏ khăn ra được."Giọng Hande giận dữ hơn. "Tôi không bỏ khăn ra được vì tôi không thể tập trung tinh thần và không tưởng tượng ra mình để đầu trần sẽ ra sao. Mỗi khi cố gắng tập trung tinh thần thì trong trí tưởng tượng tôi lại biến thành một người lạ độc ác như người đàn bà đến thuyết phục chúng tôi dạo xưa, hay biến thành một ả lẳng lơ. Giá mà tôi có thể hình dung ra một lần duy nhất cảnh mình thả tóc trên vai đi qua cổng trường đại học, đi dọc hành lang vào giảng đường. Lúc đó tôi sẽ đủ sức mạnh hoàn tất việc này, tạ ơn Thượng đế. Lúc đó tôi sẽ tự do. Lúc đó tôi sẽ tự nguyện bỏ khăn ra, chứ không vì bị cảnh sát ép buộc. Nhưng tôi không thể tập trung tinh thần để vẽ ra trong trí khoảnh khắc đó được."
"Chẳng việc gì phải quan trọng hóa khoảnh khắc đó cả," Kadife nói. "Kể cả khi lúc đó cậu gục ngã thì cậu vẫn là Hande yêu quý của chúng tớ."
"Không, tớ sẽ không còn là Hande nữa. Trong thâm tâm, các cậu sẽ lên án và khinh bỉ tớ, vì tớ đã ly khai khỏi tập thể và quyết định bỏ khăn trùm ra.". Cô quay sang Ka. "Thỉnh thoảng tôi tưởng tượng ra một thiếu nữ để đầu trần đến trường, đi qua các hành lang vào giảng đường, nơi tôi mơ ước được quay lại, và lúc đó tôi còn nhớ lại mùi của hành lang, mùi của không khí tù hãm trong phòng.Đúng khi đó tôi nhìn thấy cô gái ấy trong tấm kính ngăn giữa lớp học và hành lang, và nhận ra rằng cô gái tôi đang nhìn thấy ấy không phải tôi, mà là một người lạ. Và tôi òa khóc."
Mọi người tin là lúc này Hande cũng sắp khóc òa lên.
"Tôi không sợ trở thành một người khác cho lắm." cô nói tiếp. "Cái làm tôi sợ là không bao giờ quay lại được con người hiện tại, thậm chí quên mất con người đó. Chừng đó đủ cho người ta tự tử rồi." Cô quay về phía Ka:"Đã lần nào ông muốn tự tử chưa?" giọng cô gần như ve vuốt.
"Không, nhưng sau khi thấy những vụ ở Kars thì người ta không khỏi suy nghĩ về vấn đề ấy."
"Đối với vô số thiếu nữ trong tình cảnh chúng tôi, ước muốn tự tử đồng nghĩa với việc làm chủ cơ thể mình. Những thiếu nữ bị cám dỗ và đánh mất sự trong trắng của mình, những cô gái bị ép gả cho người đàn ông mà họ không yêu, tất cả họ đều tự sát vì chính lý do đó. Trong cái chết tự nguyện là ước vọng tìm đến sự vô tội và trong trắng. Ông đã làm bài thơ nào về tự tử chưa?" Đột ngột cô quay sang Ipek. "Em quấy khách nhà chị quá phải không?" Thôi được, ông ấy chỉ cần nói cho em biết những bài thơ mà ông ấy sáng tác ở Kars bắt nguồn từ đâu, rồi em sẽ để yên."
"Khi linh cảm thấy một bài thơ hiện lên, tôi vô cùng cảm tạ người đã đưa đến cho tôi bài thơ ấy, vì đó là lúc tôi tràn trề hạnh phúc."
"Đó cũng là người làm ông tập trung tinh thần vào bài thơ phải không ạ? Ai vậy?" Kể cả khi chẳng tin, tôi vẫn cảm thấy chính là Người đã đưa đến cho tôi bài thơ."
"Ông không tin gì? Không tin Allah hay không tin là Allah đưa bài thơ đến cho ông?"
"Allah đúng là người đưa thơ đến cho tôi," Ka nói đầy cảm khái.
"Ông ấy được mục kích phong trào toàn thống ở đây mạnh lên ra sao," Turgut Bey nhận định. "Có thể họ đã hăm dọa ông ấy...Vì sợ mà ông ấy bắt đầu tin vào Allah."
"Không, điều đó đến từ cảm nhận của tôi." Ka đáp. "Tôi cũng muốn ở trong đó, như tất cả mọi người."
"Ông sợ. Tôi lên án chuyện đó."
"Vâng, tôi sợ," Ka cùng kêu lên cùng lúc. "Thậm chí rất sợ nữa cơ."
Ông đứng bật dậy, tựa hồ có ai chĩa súng vào mình làm mọi người quanh bàn phát hoảng. "Đâu?" Turgut Bey hét lên như thấy vũ khí chĩa vào họ.
"Tôi không sợ. Chẳng có gì đe dọa nổi tôi cả." Hande nói một mình. Nhưng như mọi người, cô cũng nhìn vào mặt Ka để đoán ra mối nguy hiểm đến từ hướng nào.
Mấy năm sau Serdar Bey sẽ kể lại với tôi rằng mặt Ka lúc đó trắng bệch như vôi. Song trông ông không giống một người sắp lăn quay ra vì sợ hay vì chóng mặt mà như một người trên tột đỉnh hạnh phúc. Bà giúp việc còn kể lại kịch tính hơn rằng trong phòng lóe lên một tia sáng làm mọi vật rực lên trong ánh sáng lấp lánh. Trong mắt bà, Ka lúc đó tắm mình trong một vầng hào quang thần thánh. Hình như lúc đó có ai đó trong phòng nói: "Chắc ông ấy lại nhận được một bài thơ", làm mọi người còn phản ứng mãnh liệt hơn là bị chĩa súng vào người. Sau này Ka sẽ thuật lại chuyện này điềm đạm hơn trong cuốn vở đem theo người, trong đó ông so sánh không khí chờ đợi căng thẳng trong phòng với khoảnh khắc mong mỏi đầy sợ hãi trong những buổi gọi hồn xưa kia. Cách đây hai mươi lăm năm, bà mẹ béo mập sớm góa bụa của một người bạn chúng tôi có tổ chức những buổi gọi hồn như vậy ở nhà bà trong một ngõ nhỏ ở Nişantaşi. Người tham gia là mấy bà nội trợ bất hạnh khác, ngoài ra còn thêm một nhạc công dương cầm bị liệt ngón tay, một ngôi sao màn bạc nóng tính đã có tuổi (chúng tôi quen hỏi "mụ ấy có đến không?"), cô em gái của bà (cứ liên tục lăn đùng ra ngất), một vị tướng về hưu (ưa tán tỉnh bà diễn viên), cậu bạn của chúng tôi (khẽ mở cửa cho chúng tôi luồn vào phòng khách), Ka và tôi.Trong những lúc căng thắng chờ đợi, bao giờ cũng có một người kêu lên: "Lạy hồn, hồn đang ở đâu, hãy hiện lên đi!" Rồi im lặng kéo dài, cho đến khi có tiếng gõ hầu như không nghe thấy được, tiếng ghế kẽo kẹt, tiếng rên rỉ, đôi khi là tiếng đá thô bạo vào chân bàn. Rồi một người kinh hãi thốt lên: "Hồn đến rồi." Nhưng Ka không xử sự như một người mục kích hồn ma, ông đi ra phía cửa bếp, mặt ông đầy vẻ mãn nguyện.
"Ông ấy uống nhiều quá." Turgut Bey nói. "Đỡ ông ấy đi chứ?", ông nói như thể Ipek lúc đó đã chạy đến bên Ka là vì mệnh lệnh này. Ka thả người xuống chiếc ghế đẩu cạnh cửa bếp, rút cuốn vở và bút trong túi ra.
"Tôi không viết được khi mọi người ngồi nhìn." ông nói.
Ipek nói: "Em đưa anh ra phòng sau."
Cô đi trước, Ka theo chân cô đi qua nhà bếp thơm phức - Zahide đang đổ mật lên bánh Kadayif. Họ qua một phòng lạnh ngắt vào một gian tranh tối tranh sáng tận phía cuối nhà.
"Ở đây anh có viết được không?"Ipek hỏi và bật đèn.
Ka nhìn căn phòng sạch sẽ và hai chiếc giường ngăn nắp.
Một đống hổ lốn những tuýp kem, son môi và lọ con con đựng nước hoa, dầu hạnh nhân và cồn, cả sách vở nữa, một túi xách có khóa kéo và một hộp sô-cô-la Thụy Sĩ nhét đầy bút lông, bút viết, bùa chống lại cái nhìn độc địa, dây chuyền và vòng tay. Ông ngồi xuống giường cạnh cửa sổ phủ kín hơi băng.
"Ở đây anh viết được," ông nói. "Nhưng em hãy ở lại đây đi, đừng để anh một mình!"
"Để làm gì?"
"Anh không rõ," Ka vội nói, rồi thêm ngay: "Anh sợ." Trong lúc nói câu đó thì ông đã viết bài thơ của mình, bắt đầu dòng miêu tả hộp sô-cô-la của chính mình, chú ông đem từ Thụy Sĩ về cho từ hồi bé. Giống như trên các bức tường quán trà ở Kars, trên bìa hộp là phong cảnh Thụy Sĩ. Sau này trong những ghi chép để hiểu và phân loại những bài thơ ông sáng tác ở Kars, Ka cho biết từ trong hộp sô-cô-la rơi ra trước hết một chiếc đồng hồ đồ chơi mà hai hôm sau ông mới nhận ra đó là kỷ vật hồi bé của Ipek. Cất bước từ chiếc đồng hồ đó, Ka đi ngược lại thời gian để suy tưởng đến thời thơ ấu và cuộc đời.
"Anh không muốn em đi khỏi đây chút nào." Ka nói với Ipek. "Anh đang si mê em đến điên cuồng."
"Anh có biết gì về em đâu cơ chứ,"Ipek nói.
"Có hai loại đàn ông," Ka giải thích. "Loại thứ nhất phải biết rõ cô gái ấy ăn bánh mì kẹp nhân gì, chải đầu ra sao, ưa những trò ngớ ngẩn nào, tại sao giận dỗi với bố, cũng như nghe hết mọi chuyện hay dở về cô ta rồi mới yêu cô ta được. Loại kia, trong đó có anh, không biết nhiều về cô ta thì mới yêu cô ta được."
"Nghĩa là anh yêu em, vì anh không hề biết rõ em? Anh cho rằng như thế cũng là tình yêu thực sự à?"
"Kiểu tình yêu khiến người ta hiến dâng tất cả xuất hiện như thế đấy. Ka nói.
"Vậy thì tình yêu của anh sẽ chấm dứt một khi anh đã biết em ăn bánh mì kẹp nhân gì và em ghét chuyện gì."
"Nhưng lúc đó thì sự gần gũi giữa chúng mình đã trở nên sâu sắc và biến thành ước vọng bao trùm cả cơ thể và cuộc sống của mình, biến thành niềm hạnh phúc và ký ức gắn chúng mình với nhau."
"Anh ngồi yên, đừng động đậy gì cả!"Ipek nói. "Chừng nào bố em còn ở gần, em không thể hôn ai được." Mặc dù vậy, thoạt tiên cô không chống lại nụ hôn của ông. Nhưng rồi cô đẩy Ka ra:
"Em không muốn thế khi bố đang ở nhà."
Ka ép cô nhận một cái hôn nữa và ngồi xuống cạnh giường."Mình phải cưới nhau càng nhanh càng tốt và đi khỏi đây. Ở Frankfurt mình sẽ rất hạnh phúc, em biết không?"
Im lặng kéo dài.
"Làm sao anh có thể yêu em khi anh thưa biết gì về em cả?"
"Vì em đẹp... Vì anh vẫn mơ thấy được hạnh phúc bên em... Vì anh có thể nói với em mọi điều mà không phải ngượng ngùng. Anh luôn luôn tưởng tượng ra mình ngủ với nhau ra sao trong mơ."
"Ở Đức anh đã làm gì?"
"Anh bận bịu với những bài thơ không sao viết ra được, và anh luôn thủ dâm... Cô đơn là một vấn đề của lòng tự hào; con người kiêu ngạo nhốt mình trong vỏ bọc của chính mình. Nhà thơ chân chính luôn gặp phải cùng tình trạng ấy. Có hạnh phúc một thời gian dài thì anh ta sẽ trở nên tầm thường. Còn nếu anh ta bất hạnh một thời gian dài thì không còn tìm được sức mạnh trong mình để giữ lửa cho thơ... Hạnh phúc và thơ thực sự chỉ đồng hành trong một thời gian ngắn, sau một thời gian thì hạnh phúc sẽ khiến thi sĩ trở nên tầm thường, hoặc sự thực trong bài thơ sẽ phá vỡ hạnh phúc. Giờ thì anh rất sợ nghĩ đến lúc quay về Frankfurt đối mặt với sự bất hạnh."
"Thế thì anh hãy ở lại Istanbul."Ipek nói.
Ka nhìn cô chăm chú. "Em muốn sống ở khu nào của Istanbul?" ông thì thầm. Ông nóng ruột ước ao Ipek sẽ đòi hỏi ông một việc gì.
Và Ipek cũng nhận ra ý ông, cô đáp: "Em chẳng muốn gì cả."
Ka biết là mình quá vội vã. Nhưng ông cũng biết mình sẽ ở Kars không lâu. Và chỉ chốc lát là ông không còn cả khí trời để thở, và không còn cách gì khác là phải vội vàng lên. Họ lắng nghe giọng nói văng vẳng vào tận phòng và tiếng xe ngựa nghiến đường ngoài cửa sổ. Ipek đứng trên ngưỡng cửa, tay cầm một chiếc lược chải đầu và tư lự nhặt ra những sợi tóc vương trong đó.
"Vậy là ở đây thê thảm và vô vọng đến nỗi một người như em đã quên hẳn mọi ham muốn." Ka nói. "Ở đây con người không còn mơ đến cuộc sống, chỉ mơ đến cái chết... Em đi cùng anh chứ?"Ipek không trả lời. "Nếu em định nói điều không lành thì thôi đừng nói nữa!"
"Em không biết,"Ipek nói, mắt nhìn xuống chiếc lược. "Mọi người đợi mình ngoài phòng khách đấy."
"Ở đó người ta đang có âm mưu gì đó. Anh linh cảm, nhưng anh không hiểu đang có gì thực sự xảy ra. Em giải thích cho anh đi!" Ka nói.
Điện tắt phụt. Ipek đứng lặng yên và Ka muốn ôm cô vào lòng. Nhưng nỗi sợ phải đơn thương độc mã quay về Đức đã chế ngự ông hoàn toàn, tới nỗi ông không động cựa nổi tay chân.
"Tối thế này thì anh không viết thơ được đâu,"Ipek nói. "Ta ra ngoài kia đi."
"Em muốn anh làm gì nhất để em yêu nổi anh?"
"Anh hãy là chính anh!"Ipek trả lời. Cô đứng dậy đi khỏi phòng.
Đang sung sướng được ngồi đó, Ka chậm chạp cố nhổm dậy. Ông ngồi vào căn phòng không sưởi cạnh bếp và chép bài thơ "Hộp sô-cô-la" theo trí nhớ vào cuốn vở xanh trong ánh nến chập chờn.
Khi ông đứng dậy định ra chỗ Ipek, ôm cô và vùi đầu vào tóc cô đột nhiên mọi thứ trong đầu ông xáo lộn như trong đêm đen sâu thẳm. Trong ánh nến giữa phòng bếp ông thấy Ipek và Kadife đang ôm nhau. Họ vòng tay qua gáy ghì chặt nhau như một đôi tình nhân.
"Cha bảo đi tìm hai người, Kadife nói.
"Không sao."
"Ông ấy không viết được thơ à?"
"Tôi viết xong rồi." Ka nói và bước khỏi bóng tối. Bây giờ tôi giúp mọi người được rồi." Nhưng khi bước chân vào bếp thì ông không thấy ai trong ánh nến chập chờn cả. Ông tự rót một ly Raki và dốc tuột vào họng, không pha thêm nước. Khi nước mắt trào ra, ông lấy một cốc nước.
Phòng ăn tối mò một cách đáng ngại. Ka nhìn thấy bàn ăn trong ánh nến và đi ra đó. Mọi người quay lại phía ông, bóng đen to tướng của họ trên tường cũng chuyển động theo.
"Ông đã viết xong chưa?" Turgut Bey hỏi. Trước đó ông đã im lặng vài giây và ra vẻ chẳng quan tâm đến Ka.
"Rồi ạ."
"Xin chúc mừng ông!"Ông ấn vào tay Ka một chiếc ly và rót đầy Raki vào. "Nội dung gì vậy?"
"Bất kể nói chuyện với ai ở đây, tôi công nhận tất cả đều có lý. Nỗi sợ hãi ngoài đường phố ở Đức đã thấm sâu vào tôi."
"Tôi hiểu rõ ông lắm," Hande nói với dáng điệu của một người từng trải.
Ka mỉm cười hàm ơn với Hande. Ông ước gì nói được ra lời:"Đừng phơi đầu ra, cô bé yêu quý ạ!"
"Nếu ông đã nói với trưởng lão đáng kính là ông tin Thượng đế vì ông tin bất cứ ai tiếp chuyện ông, thì tôi xin đính chính: Trưởng lão không phải là người đại diện cho Thượng đế ở Kars!" Turgut Bey nói.
"Vậy ai đại diện cho Thượng đế ở đây?" Hande ngang bướng hỏi.
Song Turgut Bey không bực mình với cô, ông là người cứng đầu và ưa tranh cãi, nhưng có trái tim quá yếu đuối để thành một người vô thần kiên định. Ka cũng cảm thấy ông sợ mọi thói quen trong thế giới riêng của mình sụp đổ không kém mối lo ngại các con gái ông bấthạnh. Không liên quan đến chính trị, ông chỉ sợmất chỗ ngồi ở đầu bàn, nơi có niềm khuây khoả duy nhất trong đời ông là tối nào cũng bàn luận hàng tiếng đồng hồ với các con và khách khứa về chính trị và chuyện Thượng đế có thật hay không, mà không rơi vào cãi cọ.
Có điện trở lại. Phòng sáng hẳn lên. Ở thành phố này người ta đã quen chuyện mất điện rồi lại có, không ai mừng rỡ reo lên khi có điện trở lại như hồi Ka còn bé ở Istanbul nữa. Không có ai sung sướng, không có tiếng dặn dò "Ngó xem máy giặt thế nào, coi chừng hỏng", không có trẻ con đòi "Cho con thổi nến cơ". Mọi người dửng dưng như không có gì xảy ra. Turgut Bey bật ti vi lên và bắt đầu lướt qua các chương trình. Ka nói thầm với các cô gái, Kars quả là một thành phố rất yên tĩnh.
"Vì ở đây chúng tôi thậm chí còn sợ nghe tiếng mình nói," Hande nhận xét.
"Đó là sự im lặng của tuyết,"Ipek nói.
Với cảm giác của kẻ bại trận, tất cả cùng nhìn một hồi lâu lên màn hình đang chầm chậm đổi kênh. Khi Ka chạm tay vào tay Ipek dưới bàn, ông chỉ muốn cả đời hưởng hạnh phúc ấy - ban ngày lờ vờ với một việc làm nhàm chán, tối đến nắm tay người phụ nữ này ngồi trước chiếc tivi bắt chương trình vệ tinh.