• 174

TÔI, KA


Số từ: 3400
Người dịch: Lê Quang
NXB: Văn học
Nguồn: Sưu tầm
Tinh thể tuyết hình lục giác

Ka về đến khách sạn, con chó đen theo sau, và tận hưởng vẻ đẹp của đường phố vắng ngắt phủ tuyết. Ông đưa Cavit ở quầy lễ tân một tin nhắn cho Ipek: "Đến ngay!"
Vào phòng, ông nằm vật ra giường. Trong khi chờ đợi ông nhớ đến mẹ, nhưng không lâu vì chỉ được một lát là mọi ý nghĩ lại xoay quanh Ipek lúc này vẫn chưa đến. Chỉ sau chốc lát, việc chờ đợi Ipek đã gây đau đớn đến mức Ka bắt đầu hối hận vì đã ngu ngốc mà say mê cô và nói chung đã đâm đầu về Kars. Nhưng bây giờ mọi việc đã quá muộn. Và Ipek vẫn chưa chịu ló mặt.
Ba mươi tám phút sau khi Ka bước chân vào khách sạn thì Ipek đến. "Em ra cửa hàng than," cô nói. "Em nghĩ là hết thiết quân luật nhất định sẽ có nhiều người xếp hàng nên mười hai giờ kém mười đã đi qua sân sau ra phố. Sau mười hai giờ em còn đi lang thang ở các cửa hiệu. Nếu biết thì em đã đến đây ngay." Vẻ sinh động và tưng bừng mà Ipek đem tới cho căn phòng làm Ka sung sướng đến nỗi ông run rẩy lo khoảnh khắc hạnh phúc này có thể bị phá vỡ. Ông ngắm mái tóc dài óng mượt, đôi bàn tay cử động không nghỉ của cô (tay trái Ipek liên hồi vuốt lại tóc, chạm vào mũi, thắt lưng, khung cửa, cái cổ cao tuyệt đẹp, lại đưa lên tóc rồi sờ vào dây chuyền hạt ngọc mà bây giờ Ka mới nhận ra cô đeo trên cổ, chắc hẳn vừa mới đây).
"Anh rất yêu em và phải chịu đựng nỗi đày đọa này." Ka nói.
"Đừng sợ, tình yêu bốc lửa nhanh như vậy thì cũng chóng tắt hệt như thế thôi."
Ka cuống quýt tìm cách ôm và hôn cô. Ipek hôn ông rất bình thản, ngược với tâm trạng xúc động của Ka. Ông cảm nhận đôi bàn tay nhỏ nhắn đặt lên vai mình và nụ hôn với toàn bộ sự ngọt ngào, làm ông gần như choáng váng. Qua cách Ipek áp sát người mình ông nhận ra lần này cô sẵn sàng ngủ với ông. Nỗi bi quan sâu sắc quá nhanh chóng chuyển sang hạnh phúc tràn trề khiến Ka mê muội trong khi rộng mở cặp mắt, lý trí và ký ức cho phút giây này và cho cả thế giới.
"Cả em cũng muốn làm tình với anh lúc này."Ipek nói. Cô nhìn mông lung, rồi quyết liệt nhìn thẳng vào mắt Ka: "Nhưng không phải ở đây, khi bố em ở ngay sát vách!"
"Khi nào bố em ra ngoài?"
"Ông không bao giờ ra ngoài!"Ipek nói trong lúc mở cửa:"Em phải đi đây," rồi ra khỏi phòng.
Ka dõi mắt theo cho đến khi cô đi xuống cầu thang cuối hành lang nửa sáng nửa tối và biến khỏi tầm mắt. Vừa đóng cửa và ngồi xuống mép giường, ông rút cuốn vở khỏi túi và lập tức viết lên trang giấy trống trơn bài thơ mang đầu đề "Cùng đường, khó khăn".
Viết xong bài thơ, lần đầu tiên từ khi tới thành phố này Ka ngộ ra rằng ở Kars ông chẳng có việc gì khác ngoài săn đuổi Ipekvà làm thơ; ý nghĩ ấy đồng thời đưa lại cho ông cảm giác bất lực và sự tự do. Ông hiểu rằng mình sẽ hạnh phúc đến tận cuối đời nếu thuyết phục nổi Ipek cùng mình đi khỏi Kars. Ông biết ơn tuyết đã chặn mọi ngả đường và qua đó cho ông thời gian thuyết phục Ipek, chỉ cần tìm được địa điểm thích hợp.
Ông mặc áo khoác lên, rón rén đi ra phố, không nhằm hướng khu thị chính mà rẽ trái về phía phố Độc Lập Dân Tộc. Ông vào hiệu thuốc Khoa Học mua ít vitamin C, rẽ trái khỏi phố Faikhey và vừa đi tiếp vừa ngắm cửa kính các quán hàng ở đó, sau đó rẽ vào phố Kâzim Karabekir. Những lá cờ đuôi nheo vận động bầu cử, hôm qua còn làm đường phố tưng bừng sinh động,nay đã bị hạ xuống. Mọi của hàng đều mở cửa. Tiếng nhạc ầm ĩ vọng ra từ một cửa hàng bán văn phòng phẩm và băng nhạc.
Vỉa hè chật ních những người đi ra đường chỉ để hưởng thụ cảm giác đã hết giờ cấm. Họ cóm róm đi dọc phố, nhìn cửa kính bày hàng và nhìn nhau. Những người mọi hôm vẫn đi xe buýt từ phố huyện ra thành phố để lang thang qua các quán trà và vào hiệu cắt tóc cạo râu, hôm nay không lên thành phố nữa; Ka thấy mừng trước cảnh những quán trà và hiệu cắt tóc vắng người như vậy. Lũ trẻ con ngoài phố khiến ông quên đi những lo toan của mình và hoàn toàn được hạnh phúc. Ông nhìn thấy rất nhiều trẻ con chơi xe trượt tuyết ở những khu đất trống và quảng trường phủ tuyết, trong sân các nhà thị chính và trường học, ở các bờ dốc và trên cầu bắc qua sông, chúng nặn tuyết ném nhau, chạy nhảy tứ tung, cãi lộn hay chỉ khụt khịt mũi đứng nhìn đám đông lộn xộn ấy. Rất ít đứa khoác măng tô, chủ yếu mặc áo mặc đồng phục học sinh, quàng khăn và đội mũ len. Sau một hồi đứng ngắm đám trẻ hân hoan đón chào đảo chính quân sự vì trường học đóng cửa, thấy rét quá, Ka vào quán trà gần nhất, ngồi xuống cùng bàn đối diện với mật vụ Saffet, uống một tách trà rồi rời quán.
Ka hoàn toàn không ngại gì mật vụ Saffet nữa, vì ông đã quen với sự hiện diện của ông ta. Ông biết là trong trường hợp thực sự muốn theo dõi ông, người ta sẽ cử một mật vụ giấu mặt giỏi hơn Saffet. Do vậy một lần Ka kinh hoảng khi không thấy Saffet nữa, ông chạy đi tìm ông ta. Ka tìm được Saffet ở góc phố Faikbey, nơi hôm qua thấy chiếc xe tăng. Saffet tay cầm một túi nylon, cũng đang thở hổn hển đảo mắt tìm Ka.
"Cam rẻ quá, tôi không thể đừng được," Saffet nói. Ông cảm ơn Ka đã đợi và tỏ thiện chí không cắt đuôi hay lẩn tránh. "Nếu ông nói luôn là ông sắp đi hướng nào thì hai chúng ta không bị phung phí sức lực vô ích."
Nhưng Ka đâu biết mình sắp đi hướng nào. Một lát sau họ cùng ngồi trong một quán trà vắng vẻ khác, kính cửa sổ bám đầy hoa tuyết. Ka nghĩ, thực tình ông muốn đến chỗ trưởng lão Saadettin. Trong lúc này không thể gặp Ipek được rồi, và Ka sợ mình sẽ bị tra tấn trong con giằng xé vì nhớ cô. Giờ đây Ka rất muốn thổ lộ với tưởng lão khả kính tình yêu của mình trước Allah rồi thanh thản đàm đạo với ông về Thượng đế và ý nghĩa nhân sinh. Nhưng ông nhớ rằng nhân viên an ninh đã gài micro trong bí thất, họ sẽ dỏng tai nghe và nhạo báng ông.
Mặc dù vậy ông vẫn nín thở một lúc, khi họ đi ngang căn nhà giản dị của trưởng lão ở ngõ Baytarhane. Ông ngước nhìn lên dãy cửa sổ.
Sau đó Ka thấy thư viện tỉnh mở cửa. Ông đi vào, bước lên thang gác lép nhép tuyết tan. Trên tấm bảng thông báo ở chiếu nghỉ là bảy tờ báo địa phương của Kars ghim lên ngăn nắp. Giống như tờ Thành phố biên giới, các báo này đều in xong từ chiều hôm trước nên không đăng tin về cuộc cách mạng, chỉ nói về buổi biểu diễn thành công ở Nhà hát nhân dân và đưa tin tuyết còn rơi kéo dài.
Trong phòng đọc ngoài mấy viên chức về hưu trốn khỏi căn hộ lạnh lẽo của mình ra đây Ka còn thấy năm, sáu học sinh mặc dù trường đóng cửa. Trong đống từ điển và sách tra cứu của học sinh đã nát bét ở góc phòng, Ka tìm thấy mấy cuốn sách cũ của bộ Từ điển cuộc sống mà từ lúc còn nhỏ ông đã mê đọc. Kẹp trong bìa cuối mỗi cuốn đều có tập sơ đồ gồm các tranh màu, giở các trang bên trong ra có thể xem tổ chức bộ phận của ôtô, tàu thủy, hoặc người. Ka cầm ngay lấy quyển số bốn để tìm hình đứa trẻ nằm cuộn tròn như gà con trong quả trứng, trong khoang bụng người mẹ. Nhưng ảnh đã bị lấy khỏi sách, chỉ còn thấy vết xé thôi.
Trong cùng cuốn ấy (từ vần T đến hết) ông chăm chú đọc trang 324:
TUYỀT. Nước ở thể rắn, định dạng trong khi rơi, bay lơ lửng hoặc bay lên trong khí quyển. Đa số có dạng tinh thể sao lục giác rất đẹp. Mỗi bông tuyết hình thành một cấu trúc riêng. Bí mật của tuyết đã khiến con người quan tâm và khâm phục từ thời Cổ đại. Thầy tu Olau Magnus ở thành phố Uppsala (Thụy Điển) là người đầu tiên năm 1555 quan sát thấy mỗi bông tuyết có sáu góc. Có thể thấy trên hình minh họa...
Tôi không thể nói Ka đã đọc đoạn này bao nhiêu lần ở Kars và hình ảnh tinh thể tuyết đã khắc sâu vào trí óc ông ra sao. Nhiều năm sau, khi đến thăm gia đình Ka ở Nişantaşi và trò chuyện với ông cụ thân sinh rưng rưng nước mắt luôn chộn rộn và nghi hoặc, tôi cũng xin phép được chiêm ngưỡng thư viện gia đình. Tôi đã biết không nên tìm giữa những cuốn sách hồi còn nhỏ trong phòng Ka mà xem tủ sách của ông cụ đứng trong một góc tối của phòng khách. Giữa những cuốn sách luật đóng bìa lịch thiệp, tiểu thuyết Thổ Nhĩ Kỳ và nước ngoài từ thập kỷ bốn mươi, sổ địa chỉ và danh mục điện thoại, tôi cũng tìm thấy bộ Từ điển cuộc sống đóng bìa đặc biệt và đi tìm ngay hình người phụ nữ mang thai kẹp trong bìa cuối quyển bốn. Rồi tôi quay sang vuốt ve cuốn sách vẫn tốt nguyên, thì cuốn sách mở ra đúng trang 324, như thể tự nó muốn cho tôi xem. Ngay cạnh mục từ "Tuyết" là mảnh giấy thấm ba mươi hai năm tuổi.
Khi Ka đã xem xong từ điển, ông rút trong túi ra quyển vở như một học sinh đang làm bài tập về nhà và bắt đầu viết bài thơ bài số mười từ khi ở Kars. Bắt đầu với tính độc nhất vô nhị của từng bông tuyết và kỷ niệm về đứa trẻ nằm trong bụng mẹ không còn tìm thấy trong tập bốn của bộ Từ điển cuộc sống nữa, trong bài thơ này Ka hình dung ra vị thế của chính mình và cuộc sống của mình trên đời này, những nỗi sợ hãi riêng, những đặc tính của mình, sự độc nhất vô nhị của mình trên thế giới, và đặt tên bài thơ là "Tôi, Ka".
Chưa viết xong bài thơ, Ka nhận thấy ai đó ngồi xuống bên bàn mình, ông ngẩng đầu lên và sửng sốt: Necip. Cuộc diện kiến này không đánh thức trong ông sự khiếp đảm hay choáng váng, mà mặc cảm tội lỗi, vì ông đã tin vào cái chết của một người không hề dễ chết như vậy.
"Necip," ông thốt lên và muốn ôm hôn cậu.
"Tôi là Fazil," cậu bé nói. "Tôi đã thấy ông ngoài phố và tôi đi theo ông." Cậu đưa mắt qua Saffet ngồi ở bàn bên. "Ông nói ngay đi: có đúng Necip chết rồi không?"
"Đúng thế. Tôi đã tận mắt nhìn thấy."
"Vậy sao ông lại gọi tôi là Necip? Ông không chắc chắn ư?"
"Tôi không chắc chắn."
Mặt Fazil tái nhợt trong một thoáng, nhưng cậu cố gắng trấn tĩnh.
"Nó muốn tôi rửa thù cho nó. Vì vậy tôi biết là nó chết rồi.Nhưng khi nào trường học mở lại, tôi sẽ học các môn như ngày xưa và không muốn bận tâm đến trả thù hay chính trị nữa."
"Quả thật, trả thù là một chuyện khủng khiếp."
"Điều đó chẳng sao cả, nếu nó quả thực muốn thì tôi sẽ trả thù cho nó,"Fazil nói. "Nó có kể với tôi về ông, ông đã trao cho Hicran, Kadife ấy, những bức thư của nó chưa?"
"Rồi." Ka nói. Ánh mắt của Fazil khiến ông không thoải mái. Ông nghĩ: có nên nói thêm là "tôi định đưa"? Nhưng muộn rồi. Ngoài ra, câu nói dối làm ông tự tin, bất luận vì sao. Ông chỉ không thoải mái bởi nét đau đớn trên toàn bộ khuôn mặt Fazil.
Fazil lấy hai tay bưng mặt và khóc, nhưng căm thù khiến không giọt nước mắt nào trào ra. "Nếu Necip chết, tôi biết phải trả thù ai đây?" Khi thấy Ka im lặng, cậu nhìn thẳng vào mắt ông.
"Ông biết kẻ đó."
"Nghe nói là đôi khi hai cậu đồng thời có ý nghĩ giống nhau," Ka nói."Có nghĩa là chính người cậu đang nghĩ đến."
"Cái mà nó nghĩ đến, và muốn tôi nghĩ đến, khiến tôi đau đớn."Fazil trả lời. Lần đầu tiên Ka thấy trong mắt chàng trai tia sáng mà ông đã gặp trong mắt Necip. Ông cảm giác như gặp một hồn ma.
"Nó muốn bắt cậu nghĩ gì?"
"Nghĩ đến trả thù,"Fazil nói và lại khóc.
Ka hiểu ngay là Fazil không nghĩ đến trả thù, mà đến một điều khác hẳn. Và Fazil cũng nói điều đó khi thấy Saffet đứng dậy khỏi bàn mình và lại gần.
"Anh cho tôi xem thẻ căn cước!" Saffet nói và nghiêm nghị nhìn Fazil.
"Thẻ học sinh của tôi ở chỗ bàn mượn sách." Ka thấy Fazil nhận ngay ra một canh sát dân sự đứng trước mặt mình và cố nén sợ. Họ cùng nhau ra bàn mượn sách. Saffet giật phắt chiếc thẻ căn cước từ trong tay cô nhân viên đang sợ rúm ró, đọc thấy Fazil là học sinh trường tôn giáo và thoáng nhìn Ka với ánh mắt đầy trách cứ, như có ý nói: biết ngay mà. Rồi ông đút chiếc thẻ vào túi như một người lớn tịch thu quả bóng của đứa bé.
"Đến Sở cảnh sát thì anh sẽ được nhận lại thẻ của mình," ông nói.
"Saffet Bey," Ka nói. "Cậu bé này đã cố gắng hết mức để tránh khỏi những chuyện có hại. Nó lại vừa nghe tin đứa bạn thân nhất đã chết, ông trả lại thẻ cho nó đi!" Nhưng Saffet không để bị lay chuyển, mặc dù lúc trưa còn xin xỏ Ka nói giúp tránh.
Ka hẹn gặp lại Fazil lúc năm giờ ở cạnh cầu sắt, vì ông còn hy vọng là ra đến góc nào không có ai quan sát thì Saffet sẽ cho ông xin lại chiếc thẻ. Fazil lập tức rời thư viện. Cả phòng đọc nhốn nháo, ai cũng nghĩ là thẻ căn cước của mình sắp bị kiểm tra.
Nhưng Saffet không bận tâm chuyện ấy, mà quay lại bàn mình và tiếp tục giở tạp chí Cuộc sống số đầu năm 1960 xem những bức hình cuối cùng của thủ tướng Adnan Menderes trước khi bị treo cổ và ảnh của hoàng hậu Soraya buồn rầu khi bị vua ly hôn vì không đẻ đã được đứa con nào.
Ka đoán là Saffet sẽ không đưa lại thẻ cho mình nên ông rời khỏi thư viện. Mọi lo lắng lại biến mất khi ông nhìn thấy đường phố tuyết phủ và lũ trẻ tưng bừng nặn tuyết chơi đùa. Ông ước gì được chạy nhảy. Nhưng ở quảng trường trước tòa thống sứ ông nhìn thấy đông đảo đàn ông cầm trong tay túi vải và hộp bìa cuộn trong giấy báo, họ buồn rầu và run rẩy vì lạnh trong khi xếp hàng. Đó là nhũng người dân Kars có tính cẩn tắc, coi trọng lệnh thiết quân luật đang đem vũ khí trong nhà tới nộp cho nhà nước.
Nhưng vì cũng chẳng tin tưởng nên nhà nước không cho họ vào tòa thống sứ, vì vậy tất cả đều rét run cụm lại như một bầy cừu con lạc mẹ. Đa số dân ở đây sau khi nghe thông báo đã dọn tuyết buổi đêm để chôn vũ khí của mình xuống nền đất đóng băng ở một nơi không ai ngờ tới.
Trong khi đi dọc phố Faikbey, Ka bắt gặp Kadife và mặt ông đỏ bừng bừng, ông vừa nghĩ đến Ipek, và cô hiện ra trước mắt ông như một cái gì rất gần gũi và tuyệt đẹp gắn liền với Ipek.Nếu không tự chủ được thì chắc ông sẽ ôm và hôn cô gái trùm khăn này.
"Tôi có chuyện rất cần nói với ông." Kadife nói "nhưng có người theo chân ông, chừng nào người ấy còn theo dõi thì không nói được, ông về khách sạn và lên phòng 217 lúc hai giờ được không? Phòng tận cuối hành lang có phòng ông."
"Ở đó có yên tĩnh nói chuyện với nhau được không?"
"Nếu ông không kể lại với ai." Kadife mở mắt rất to, "kể cả Ipek, thì sẽ không ai biết chúng ta đã nói chuyện với nhau."
Nhận thấy mọi người quan sát họ qua khóe mắt, cô bắt tay ông rất khách sáo. "Giờ thì ông bí mật ngó theo tôi và lát nữa cho tôi biết liệu có một hay hai mật vụ bám theo tôi không."
Với nụ cười khó nhận ra trong khóe miệng, ông gật đầu lạnh lùng: "Vâng!" khiến chính mình cũng ngạc nhiên. Và ý tưởng sắp được gặp Kadife trên phòng mà cô chị không hề biết làm ông ngây ngất như phát rồ.
Ông hiểu mình không muốn gặp Ipek trước khi nói chuyện với Kadife, nên lang thang tiếp ngoài phố để giết thì giờ. Có vẻ như không ai phiền lòng vì cuộc đảo chính quân sự thì phải; giống như ngày Ka còn bé, có thể cảm nhận được không khí của một khởi đầu và sự đổi mới. Phụ nữ xách túi và dắt theo trẻ con, tự tay lựa hoa quả và mặc cả, đàn ông ria mép quây quần nơi góc phố, hút thuốc lá không đầu lọc, ngắm những người đi qua và trao đổi tin đồn. Người ăn mày giả bộ mù mà hôm trước Ka đã gặp hai lần ở dưới mái hiên một ngôi nhà hoang giữa bến xe buýt và chợ phiên, hôm nay không ở chỗ hằng ngày nữa. Cả những chiếc xe tải con con vẫn quen bán cam và táo ở giữa mặt phố cũng chẳng thấy đâu. Xe cộ vốn ít ỏi, giờ còn thưa thớt hơn, khó đoán là do đảo chính hay vì đường nhiều tuyết. Lượng cảnh sát dân sự trong thành phố được tăng lên (một người được lũ trẻ đang chơi bóng đá ở phố Halit Paşa đẩy vào gôn làm thủ thành).
Đám người tổ chức chọi gà, mổ thịt phi pháp và hai khách sạn kiêm nhà thổ cạnh bến xe buýt (Dương thần và Tự do) tạm hoãn công việc mờ ám của mình "đến thời hạn vô định". Do dân Kars đã quen với tiếng súng nên chẳng ai lấy làm kém vui khi nghe tiếng nổ thường phát ra vào buổi đêm ở khu ổ chuột,Âm nhạc của sự bàng quan ấy đánh thức cảm giác tự do trong Ka và khiến ông ngây ngất, ông mua một cốc nước quế nóng ở quán Điểm Tâm Hiện Đại ở góc phố Kâzimbey Nhỏ cắt phố Kâzim Karabekir và khoan khoái uống.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tuyết.