• 173

HÃY BỎ PHIẾU CHO ĐẲNG CỦA ALLAH! (1)


Số từ: 3503
Người dịch: Lê Quang
NXB: Văn học
Nguồn: Sưu tầm
Nghèo đói và lịch sử
Thời thơ ấu của Ka không biết đến nghèo đói: cuộc sống trung lưu ở Nişantaşi với người bố luật sư, người mẹ nội trợ, đứa em gái được cưng chiều, gia nhân trung thành, đồ gỗ đầy phòng, radio và rèm cửa; nghèo đói là một cái gì đó bên kia bức tường ngôi nhà bên ngoài thế giới. Thế giới bên ngoài trong trí tưởng tượng non nớt của Ka có một tính chất siêu hình, bởi nó được bao bọc trong một sự tối tăm nguy hiểm và không sờ nắn được. Nhưng cho dù ấn tượng về nó vẫn còn nguyên trong phần đời còn lại của Ka, cũng khó tin được rằng chính khát vọng trở lại thời thơ ấu đã thôi thúc ông đột ngột nảy ra quyết định rời Istanbul để đến Kars.
Dù sinh sống xa đất Thổ Nhĩ Kỳ, Ka vẫn biết rằng trong những năm qua Kars là vùng nghèo khổ nhất và bị quên lãng nhất trong nước. Có thể hình dung sự việc như sau: sau khi từ Frankfurt quay về, trong khi đi dạo chơi với các bạn từ hồi thơ ấu ông thấy mọi đường phố, cửa hiệu, rạp phim ở Istanbul đã hoàn toàn thay đổi, và cái nào còn chưa biến mất thì đã đánh lạc đi phần hồn của chúng. Điều đó có lẽ đã thức dậy trong ông ước vọng đi tìm thời thơ ấu và sự tinh khôi ở nơi khác, và thế là ông lên đường đi Kars để bước ra thế giới bên ngoài, vượt qua những ranh giới của cuộc sống trung lưu hồi nhỏ. Và quả là được nhìn thấy giày thể thao hiệu Gislaved mà ông vẫn đi hồi bé và sau đó không bắt gặp ở Istanbul nữa, các lò sưởi mác Vezüv và những hộp tròn nổi tiếng đựng pho mát Kaşar chia thành sáu miếng hình tam giác - ấn tượng đầu tiên của mọi đứa trẻ về Kars - trong cửa kính bày hàng ở trung tâm thương mại; tất cả làm ông hạnh phúc đến nỗi thậm chí quên cả mấy cô gái tự sát và thấy thư thái trong lòng.
Sau khi chia tay với Serdar Bey và nói chuyện với những đại diện lãnh đạo của đảng Bình đẳng dân tộc, gần trưa ông đi một mình vào thành phố dưới những bông tuyết xốp. Trong khi buồn rầu đi từ phố Atatürk, qua cầu đến mấy quận nghèo kiết trong bầu không khí tĩnh mịch chỉ đôi lúc xáo động vì mấy tiếng chó sủa, ông trào nước mắt khi cảm thấy mình là người duy nhất nhận biết tuyết đang rơi xuống các sườn đồi xa xa khuất tầm mắt, rơi xuống pháo đài có từ triều đại Seljuq và khu gecekondu không khác gì các công trình lịch sử hoang phế xung quanh, tựa như định phủ kín thời đại ấy cuốn vào quá khứ vô tận. Ông ngắm nhìn các học sinh cấp ba chơi bóng đá trên một bãi trống dưới ánh đèn đường, cạnh sân chơi của quận Yusuf Paşa toàn những ghế đu đã bị tháo ra và cầu trượt đổ nát. Trong khi lắng nghe tiếng hò hét chửi rủa bạt đi trong tuyết của lũ choai choai, ông chợt cảm nhận rõ rệt trong quầng sáng vàng vọt của đèn đường trên cao và trong mưa tuyết, rằng cái xó xỉnh này mới xa vời và cô lập khỏi thế giới bên ngoài xiết bao, đến nỗi trong ông trỗi lên cảm giác về Thượng đế.
Trong khoảnh khắc đầu tiên, đó chưa hẳn là một cảm giác đậm đặc mà mới chỉ là một hình ảnh nhạt mờ, như sau khi đi lướt qua các phòng tranh trong bảo tàng định phục hồi lại một bức tranh nào đó trong trí nhớ mà vô ích. Nó có thể xuất hiện trong nháy mắt đấy nhưng chỉ để rồi biến mất ngay. Đây không phải lần đầu tiên Ka có cảm giác ấy. Ông lớn lên ở Istanbul trong một gia đình có tư tưởng cộng hòa thế tục, ngoài mấy giờ học về tôn giáo ở tiểu học ông không được dạy dỗ gì thêm về đạo Hồi. Những năm gần đây khi những cảm giác như lúc này thỉnh thoảng hiện lên, chúng cũng chẳng làm ông giật mình kinh sợ, mà ông cũng không coi đó là một cảm hứng thi ca đáng bỏ công lần theo. Cùng lắm thì trong đầu ông nảy nở ý nghĩ lạc quan rằng thế giới này là một chốn tươi đẹp.
Ông quay về phòng khách sạn cho ấm người lên và chợp mắt vài phút. Tràn ngập cảm giác hạnh phúc, ông giở xem mấy quyển sách về lịch sử Kars đem theo từ Istanbul. Và để chúng gợi ông nhớ đến những chuyện đã biết từ thời thơ ấu, quyện lẫn với những gì ông được nghe hôm nay.
Ngày xưa ở Kars từng có một lớp trung lưu sung túc. Cho dù thời ấy qua đã lâu, nó cũng từng chứng kiến khung cảnh giống như tuổi thơ Ka từng có: trong những dinh thự bề thế diễn ra các vũ hội và tiệc tùng kéo dài mấy ngày liền. Đó là nhờ vị thế ngày xưa của Kars trên những tuyến đường giao thương quan trọng tới Georgia. Tabriz, Caucasus và Tbilisi, và cũng nhờ thành phố nằm trên biên giới giữa để chế Ottoman và nước Nga Sa hoàng, hai vương quốc từng làm mưa làm gió vào thế kỷ trước, luôn lo lắng đặt những đội quân bảo vệ ở đây. Thời Ottoman, Kars là nơi quần tự đủ các chủng tộc: người Armenia đã xây nhà thờ trước đây hàng nghìn năm mặc dù cộng đồng đông đảo ngày xưa giờ đã vắng bóng; người Ba Tư chạy trốn quân Mông Cổ và sau này là Iran, người Hy Lạp sót lại từ các triều đại Byzantine và Pontus, người Georgia, người Kurd và các bộ tộc Çerkez. Năm 1878, ngôi thành năm trăm năm thất thủ dưới tay quân Nga, và một phần tín đồ Hồi giáo bị xua đuổi, nhưng sự sung túc và phong phú của thành phố vẫn tiếp tục tồn tại. Dưới thời Nga, các kiến trúc sư của Sa hoàng xây trên bình nguyên phía Nam sông Kars một đô thị mới, bao gồm năm tuyến phố chính chạy song song và các ngõ cắt vuông góc - một quy hoạch chưa từng thấy trong các thành phố phương Đông. Trong khi lâu đài của các Paşa, bể tắm và những công trình kiểu Ottoman ở quận phía dưới thành cổ đổ nát hoang phế thì thành phố mới, được xây lên với tài lực mạnh mẽ, ngày càng giàu hơn. và Sa hoàng Alexander đệ tam thường xuyên lui tới đi săn cũng như thăm người tình bí mật của mình. Đó cũng là một phần trong kế hoạch của người Nga bành trướng về phía Nam, tới Địa Trung Hải, nhằm kiểm soát con đường thương mại.
Hai mươi năm trước trong chuyến đi đến Kars, Ka đã lặng người trước thành phố sầu tư với những đường phố lát đá phiến to bản, những hàng cây trúc đào và cây hạt dẻ do Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ trồng. Khác hẳn những đô thị Ottoman với những ngôi nhà thô kệch đã cháy trụi và hoang tàn sau nhiều cuộc chiến bộ tộc và hoạt động của những người theo đường lối dân tộc.
Sau những cuộc chiến tranh, tàn sát và nổi dậy liên miên, sau khi sa vào tay người Armenia, người Nga và thậm chí có lần cả người Anh, sau khi Kars trở thành quốc gia độc lập trong thời gian ngắn không ai tranh giành ngay sau Thế chiến thứ nhất, tháng Mười 1920 quân Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của Kâzim Karabekir tiến vào thành phố - tượng kỷ niệm ông nay ở quảng trường trước nhà ga. Tái chiếm được Kars sau bốn mươi ba năm, người Thổ tiếp quản luôn thiết kế đô thị của Sa hoàng và chuyển đến ở thành phố mới. Văn hóa do các Sa hoàng mang đến rất phù hợp với niềm phấn khích thời cộng hòa đối với các hình mẫu phương Tây, do vậy người Thổ tiếp nhận nó và đặt tên năm phố chính do người Nga xây dựng theo các Paşa lớn trong lịch sử Kars. vì họ không biết đến vĩ nhân nào khác ngoài các chiến binh.
Cựu thị trưởng Muzaffer Bey của đảng Dân tộc đã hăng hái và tự hào kể cho Ka nghe về những năm Tây hóa ấy. Trong các tòa nhà cộng đồng tổ chức vũ hội, và dưới cây cầu sắt mà sớm nay khi đi qua Ka thấy có mấy đoạn gỉ sét diễn ra các cuộc thi trượt băng nghệ thuật. Lớp trung lưu cộng hòa ở Kars nồng nhiệt vỗ tay đón nhóm diễn viên sân khấu từ Ankara về diễn �"dipe làm vua, quên mất rằng chiến tranh chống Hy Lạp chưa lùi xa đến hai chục năm. Lớp giàu có ngày xưa trong áo choàng cổ lông thú đi dạo trên xe trượt tuyết trang điểm hoa hồng và vàng lá do những con ngựa Hungary mập mạp kéo. Người ta nhảy những điệu nhảy thời thượng nhất trong tiếng nhạc dương cầm, phong cầm và clarinette ở vũ hội tổ chức tại Công viên quốc gia để chúc tụng đội tuyển bóng đá quốc gia. Các cô gái Kars mùa hè mặc áo ngắn tay, thoải mái lượn xe đạp trong thành phố. Lũ con trai đi giày trượt băng tới trường trong mùa đông và, như rất nhiều người khác phấn khởi đón mừng nền cộng hòa, đeo cà vạt khi mặc áo vest.
Vài năm sau, khi luật gia Muzaffer Bey trong không khí tranh cử đầy phấn khích ở Kars - ông là ứng viên ghế thị trưởng - cũng thắt cà vạt như hồi còn trẻ, các bạn trong đảng khuyên rằng "trò rởm"ấy sẽ làm ông mất phiếu bầu, song ông đã không nghe họ.
Hình như có mối liên quan nào đó theo Muzaffer Bey, giữa việc những mùa đông dài lê thê dần dần mất đi và sự tụt dốc, nghèo khổ, bất hạnh gia tăng của thành phố. Sau khi nhắc đến những mùa đông đẹp trong quá khứ và các diễn viên Ankara bán khỏa thân với khuôn mặt đánh phấn diễn kịch Hy Lạp, ông cựu thị trưởng quay sang nói về tác phẩm sân khấu mang tính cách mạng mà đám thanh niên, trong đó có ông, hồi cuối thập kỷ bốn mươi trình diễn ở Nhà hát nhân dân: "Vở kịch nói về sự thức tỉnh của một cô gái trẻ trong chúng ta đã trùm khăn đen cả đời và đến cuối vở kịch quyết định để đầu trần, đem chiếc khăn đốt trên sân khấu." Họ đã đi hỏi khắp Kars nhưng không tìm đâu ra một chiếc khăn đen cho buổi diễn, sau đó phải gọi điện tới Erzurum để kiếm về một chiếc. "Hôm nay, ngoài đường phố ở Kars đầy những phụ nữ với mạng che mặt hay khăn trùm đầu." Muzaffer Bey nói thêm. "Và vì không được phép đến trường với biểu tượng của Hồi giáo chính trị trùm trên đầu, họ theo nhau tự tử."
Ka cố nén lại những câu hỏi luôn chực thoát ra khỏi miệng mỗi khi ở Kars hay nơi khác phải đối diện với thế thượng phong của Hồi giáo chính trị hay vụ các "Cô gái trùm khăn". Ông cũng chẳng bình luận chuyện tại sao thanh niên cần hăng máu diễn vở kịch phản đối mạng che mặt dù ở Kars cuối những năm bốn mươi không có phụ nữ nào trùm mạng. Ka không hề để ý đến phụ nữ trùm đầu hay che mặt mà ông nhìn thấy ban ngày ngoài phố, vì trong vòng một tuần mới trở về quê hương ông chưa thể có ý thức và phản xạ như những nhân sĩ thế tục vốn ghi nhận ngay có bao nhiêu phụ nữ trùm khăn và lập túc rút ra kết luận chính trị. Thêm vào đó, từ nhỏ đến giờ phụ nữ trùm khăn hay che tóc bằng kiểu nào đó không có gì quá lạ với ông cả. Trong giới trung lưu Tây hóa của Istanbul, nơi Ka sống thời ấu thơ, vẫn có những phụ nữ trùm khăn, hoặc là người từ ngoại ô, ví dụ như từ Kartal, vào thành phố bán nho hoặc là vợ ông hàng sữa. đại loại là thuộc tầng lớp thấp.
Sau này tôi còn nghe nhiều chuyện về các chủ nhân ngày xưa của khách sạn Lâu Đài Tuyết, nơi Ka đến trọ: một giáo sư đại học chuộng phương Tây mà Sa hoàng thay vì đày đến Siberia đã chọn cho một nơi nhân đạo hơn, một lái buôn gia súc người Armenia, rồi nơi nương náu của một cô nhi viện thuộc giáo hội chính giáo Hy Lạp... Giống như các công trình khác xây cùng thời ở Kars, ngôi nhà ngót trăm tuổi này có lò sưởi xây chìm trong tường để bốn cạnh ngoài của nó đồng thời sưởi ấm cả bốn phòng, gọi là Pech. Song vì thời Cộng hòa không người Thổ nào biết sử dựng loại lò sưởi Nga này nên ông chủ người Thổ đầu tiên, người cải tạo ngôi nhà thành khách sạn, đã đặt một chiếc lò sưởi bằng đồng thau to đùng bên cửa ra sân. Mãi về sau hệ thống trước kia mới được phát hiện ra và khôi phục lại.
Ka đang duỗi người trên giường và nghĩ ngợi mơ màng thì có tiếng gõ cửa. ông để nguyên áo choàng như khi lên giườngvà dậy mở cửa. Cậu lễ tân Cavit, thường suốt ngày ngồi cạnh lò sưởi xem tivi, đang đứng trước cửa và nói: "Lúc nãy tôi quên mất: có ông Serdar Bey, chủ tờ Thành phố biên giới, rất mong gặp ông."
Họ cùng đi xuống tiền sảnh. Đúng lúc Ka định ra khỏi khách sạn thì ông sững lại: Ipek vừa bước vào sảnh qua cửa cạnh quầy lễ tân; và trông cô còn xinh đẹp hơn nhiều so với trong hồi ức của Ka. Đột nhiên ông nhớ lại thời họ còn là sinh viên cô đẹp đến mức nào, và thình lình tim ông đập rộn lên. Phải, đúng là xưa kia cô đẹp như thế đó. Như hai tiểu tư sản Tây hóa từ Istanbul, trước tiên họ bắt tay nhau, sau đó ngập ngừng một thoáng rồi vươn tới, ôm nhau hôn lên má mà không để thân thể chạm nhau.
Ipek hơi lùi lại và nói với vẻ cởi mở tới mức Ka phải ngạc nhiên: "Tôi biết là anh ở đây. Taner có gọi điện kể cho tôi biết." Cô nhìn thẳng vào mắt Ka.
"Tôi tới đây vì kỳ bầu cử địa phương và những cô gái trẻ tự sát."
"Anh ở đây bao lâu?"Ipek hỏi. "Cạnh khách sạn Châu Á có tiệm bánh ngọt Đời Mới. Bây giờ tôi có việc bận với bố tôi. Một rưỡi mình có thể gặp nhau ở đó nói chuyện được."
Ka cảm thấy tình cảnh hơi kỳ khôi, vì nó không diễn ra ở Istanbul, đại để ở quận Beyoğlu chẳng hạn, mà lại ở Kars. Ông cũng không rõ bao nhiêu phần trăm sự xúc động là do sắc đẹp của Ipek gây ra. Sau khi ra đường và đi về phía tòa soạn dưới trời tuyết, ông nghĩ: mình mua cái áo choàng này thật đúng sách.
Trên đường đi, trái tim luôn tin chắc vào những cảm giác của mình cả quyết với ông thêm hai điều mà khối óc ông không bao giờ chịu thú nhận. Thứ nhất, Ka không từ Frankfurt về Istanbul chỉ để chịu tang mẹ, mà sau mười hai năm cô đơn ông muốn tìm một cô gái Thổ để kết hôn. Thứ hai, Ka từ Istanbul về Kars, vì ông thầm mong mỏi rằng cô gái đó chính là Ipek.
Giả sử một người bạn có lòng đồng cảm sâu sắc nói ra trước mặt ông ý định thứ hai kia, Ka sẽ không chỉ không bao giờ tha thứ cho người ấy, mà còn suốt đời xấu hổ và tự dằn vặt mình, bởi phỏng đoán ấy đúng quá. Ka là một trong những nhà luân lý luôn tự giác ngộ mình rằng hạnh phúc lớn nhất của đời người là không làm gì mưu lấy hạnh phúc riêng tư cả. Hơn thế nữa, làm sao có thể dung hòa sự giáo dục Tây phương ưu tú của mình với chuyện ông đi tìm một người phụ nữ hầu như không quen biết để kết hôn?
Mặc dù vậy ông không thấy áy náy gì khi đến tòa soạn Thành phố biên giới, vì lần gặp gỡ đầu tiên với Ipek suôn sẻ hơn so với những gì ông tưởng tượng ra lúc ngồi xe buýt, cho dù ông không tự thú nhận điều đó.
Tòa báo Thành phố biên giới nằm cách một phố phía dưới khách sạn của ông ở phố Faikbey. Tổng diện tích phòng biên tập và nhà in cộng lại chỉ rộng hơn phòng khách sạn nho nhỏ của Ka một chút. Căn phòng ngăn đôi bởi một bức tường gỗ, trên đó treo hình Atatürk, lịch, mẫu in danh thiếp và thiệp cưới, ảnh chụp Serdar Bey cùng các nhân vật nhà nước cao cấp và những người Thổ nổi tiếng từng đến Kars, và số báo đầu tiên ra đời cách đây bốn mươi năm đóng trong khung. Đằng sau là tiếng máy in chạy điện có bánh đà kêu rộn rã, sản phẩm hơn một trăm năm tuổi do công ty Baumann ở Leipzigchế tạo, đã qua sử dụng một phần tư thế kỷ ở Hamburg, thời tự do báo chí sau khi công bố Hiến pháp đầu tiên được bán sang Istanbul và năm 1955, sau bốn mươi lăm năm phục vụ sắp được bán cho đồng nát thì mồ ma ông thân sinh của Serdar Bey chở tàu hỏa về Kars. Một cậu con trai của Serdar Bey đang nhấm nước bọt vào đầu ngón tay phải và đưa từng tờ giấy trắng vào máy in, tay trái khéo léo xếp các tờ đã in xong - khay nhận đã bị hỏng trước đây mười năm trong một cuộc cãi vã giữa hai anh em - và còn đủ thì giờ nháy mắt chào Ka. Người con trai thứ hai không giống bố như anh, mà lập tức khiến Ka nhớ đến mẹ anh ta, một người đàn bà mắt híp, mặt tròn xoe, thấp và béo.
Anh ta ngồi bên bàn dụng cụ đen nhẻm vì mực in, trước những ngăn kéo chia thành hàng trăm ô, xung quanh là các con chữ đủ cỡ bằng chì và mẫu in. Nhẫn nại và cẩn trọng như một nghệ sĩ thư pháp quên hết cảnh đời xung quanh, anh xếp bằng tay các quảng cáo cho số báo ba ngày sau đó.
"Anh thấy báo chí ở Đông Anatolia đấu tranh sinh tồn trong điều kiện nào chưa." Serdar Bey nói.
Đúng lúc ấy thì mất điện. Trong lúc máy in dừng chạy và nhà xưởng chìm vào bóng tối bí hiểm, Ka nhận ra màu trắng của tuyết rơi ngoài trời đẹp xiết bao.
"Được bao nhiều tờ rồi?" Serdar Bey hỏi. Ông châm một cây nến và mời Ka ngồi xuống chiếc ghế văn ở phía đầu phòng.
"Một trăm sáu mươi, bố ạ."
"Khi nào có điện thì con in ba trăm bốn mươi bản, hôm nay ta có nhóm diễn viên đến."
Báo Thành phố biên giới ở Kars được bán ở một điểm duy nhất đó là cửa hàng đối diện Nhà hát nhân dân; mỗi ngày có chừng hai chục người đến đó mua báo, nhưng như Serdar Bey tự hào kể, nhờ có những người đăng ký mua dài hạn mà tổng số ấn bản là ba trăm hai mươi. Hai trăm trong số đó là các công sở và doanh nghiệp ở Kars mà thỉnh thoảng Serdar Bey phải đăng tin khen ngợi thành công của họ. Ngược lại, tám mươi khách còn lại là các nhân vật "trọng đại và cao quý" của quốc gia tuy đã rời bỏ Kars đến sinh sống ở Istanbul nhưng vẫn không cắt mối liên hệ với thành phố.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tuyết.