• 171

LỜI THOẠI DUY NHẤT ĐÊM NAY LÀ MÁI TÔC KADIFE


Số từ: 4891
Người dịch: Lê Quang
NXB: Văn học
Nguồn: Sưu tầm
Chuẩn bị buổi diễn cuối cùng.

Tôi đã có dịp nhắc rằng Ka thuộc về những người sợ hạnh phúc, vì biết đâu sau này sẽ chịu đau khổ. Chúng ta biết rằng vì vậy mà Ka cảm nhận được hạnh phúc sâu sắc nhất khi tin chắc rằng hạnh phúc này rồi sẽ nhanh chóng tuột khỏi tay, chứ không phải khi trải nghiệm nó. Sau khi chia tay Sunay và quay về khách sạn Lâu Đài Tuyết với hai vệ sĩ tháp tùng, Ka vẫn còn nghĩ rằng mọi việc đang tiến triển đúng theo kế hoạch và tràn ngập hạnh phúc vì sắp gặp lại Ipek, song đồng thời cũng xuất hiện nỗi sợ đánh mất hạnh phúc ấy. Tôi phải nói thật kỹ về cả hai trạng thái tâm hồn này khi nói về bài thơ của bạn tôi viết lúc ba giờ chiều thứ Năm đó trong phòng khách sạn. Ông có ghi chú bài thơ "Con Chó"này lấy cảm hứng từ con chó mực ở ga mà ông nhìn thấy lần thứ hai trên đường từ xưởng may về. Bốn phút sau ông lên phòng và viết bài thơ trong khi nỗi đau tình như thuốc độc ngấm dần ra khắp cơ thể và ông chao đảo giữa mong đợi hạnh phúc và nỗi sợ mất mát.
Bài thơ kể về tính Ka rất sợ chó ngày bé, về một con chó xám đuổi theo ông ở công viên Maçka hồi ông lên sáu, về một thằng bé độc ác cùng tuổi gần nhà hay suỵt nó đuổi trẻ con. Sau này Ka nghĩ tính sợ chó là đòn trừng phạt cho những ngày tháng thơ ấu hạnh phúc. Một nghịch lý trong đó khiến ông thích thú: đá bóng ngoài phố, hái dâu, sưu tầm ảnh cầu thủ bóng đá trong phong kẹo cao su để đem cá cược, là những trò vui con trẻ được nhân lên gấp bội bởi những con chó nanh ác đang đe dọa, Thiên đường và Địa ngục tồn tại ở cùng một nơi.
Bảy, tám phút sau khi nghe tin Ka về nhà, Ipek lên phòng ông. Đó là quãng thời gian chấp nhận được đối với Ka vì ông không rõ Ipek có biết mình đã về hay không và ông còn chưa nhắn nhủ gì cô cả; ông còn vui hơn nữa vì họ gặp lại nhau trong khi ông chưa có thời giờ nghĩ rằng cô đến trễ hay thậm chí quyết định bỏ ông. Thêm vào đó mặt cô rạng ngời một niềm hạnh phúc không dễ xóa mờ. Ka nói với cô, mọi chuyện tiến triển tốt, và cô cũng nói với ông hệt như vậy: Ipek hỏi chuyện Lam và ông xác nhận anh ta sắp được thả. Tin đó làm cô vui mừng thêm, như bất kỳ điều gì khác ông nói ra. Như một đôi lứa hạnh phúc với nỗi sợ ích kỷ rằng người khác buồn và bất hạnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng, họ thuyết phục lẫn nhau là mọi sự sẽ ổn thỏa, và còn đi xa hơn nữa, sẵn sàng trơ tráo quên hết các khổ ải và đổ máu đã xảy ra để khỏi làm vẩn đục hạnh phúc của mình. Họ tham lam ôm nhau và hôn nhau hết lần này đến lần khác, nhưng tránh không ngã xuống giường để làm tình. Ka nói với Ipek rằng một khi đã ở Istanbul cô sẽ được cấp phát thị thực sang Đức trong vòng một ngày. ông quen một người ở phòng lãnh sự Đức nên họ không cần phải cưới ngay để nhận thị thực, sang đến Frankfurt họ sẽ kết hôn khi nào họ muốn. Họ còn tính chuyện Turgut Bey và Kadife sẽ giải quyết mọi chuyện ở đây rồi sang Frankfurt, và sẽ chọn khám sạn nào để ở. Giữa lúc họ choáng váng vì hạnh phúc và bàn luận những chi tiết khiến Ka cũng phát ngượng vì chúng quá xa vời thì Ipek nói đến những quan ngại chính trị của bố cô, ông sợ ai đó vì thù hằn mà đánh bom, và khuyên Ka không nên ló mặt ra phố nữa. Họ hứa với nhau sẽ lên đường trong chuyến xe đầu tiên rời thành phố. Họ cầm tay nhau, nhìn ra những con đường phủ tuyết trên núi ngoài xa.
Ipek cũng trả lời rằng cô đã bắt đầu gói hành lý. Ka nói, cô không nên mang theo thứ gì từ ban đầu, song có nhiều đồ vật đã theo Ipek từ ngày còn thơ mà thiếu chúng cô sẽ thấy hụt hẫng.Trong khi họ đứng bên cửa sổ ngắm các nẻo đường tuyết phủ (con chó gây cảm hứng cho bài thơ lúc xuất hiện, lúc biến mất).Ka ép cô phải liệt kê vài thứ ra: đồng hồ đeo tay đồ chơi do mẹ cô tặng các con gái ở Istanbul và do Kadife đã đánh mất chiếc của mình, nên nó càng thêm giá trị, chiếc áo len xanh dương lông dê hảo hạng do một ông bác đã mất đem về từ Đức, ở Kars cô không mặc được vì nó bó sát người, chiếc khăn trải bàn thêu kim tuyến mà mẹ cô đặt làm của hồi môn, cô mới trải nó ra được một lần vì ngay hôm đó Muhtar để rơi mứt anh đào lên, mười bảy lọ con con đựng rượu mạnh hoặc nước hoa mà cô sưu tầm không chủ định và sau này biến thành một dạng bùa hộ mệnh chống cái nhìn độc địa, ảnh hồi thơ ấu, chụp cô ngồi trong lòng bố hay mẹ (Ka rất thích xem, khi nào có điều kiện, chiếc áo dài nhung the đen cùng Muhtar mua ở Istanbul và Muhtar chỉ cho cô mặc ở nhà vì phần lưng hở rất sâu, chiếc khăn quàng lụa xa-tanh có viền đăng ten do cô mua để che phần cổ hở, nhằm làm Muhtar đổi ý. đôi găng tay da lộn chưa bao giờ xỏ tay vào vì sợ bùn đất ở Kars làm hỏng, và chiếc mặt dây chuyền ngọc lớn mà cô đang đeo - nói đến đây Ipek lấy ra khoe với Ka.
Nếu tôi nhắc đến bữa tiệc do thị trưởng Kars mở bốn năm sau ngày hôm ấy, và trong bữa tiệc tôi ngồi đối diện Ipek, thấy cô đeo chính viên ngọc lớn đó trên một sợi xa-tanh đen, thì xin các bạn đừng coi là chuyện lan man. Ngược lại, chính lúc đó ta mới đi sâu vào cốt lõi câu chuyện: Ipek đẹp lắm, tôi và các bạn được tôi dẫn dắt vào chuyện này đều không tưởng tượng ra nổi đâu. Ở buổi tiệc này lần đầu tiên tôi được thấy mặt nàng, lòng tôi tràn ngập ghen tương, sững sờ và bối rối. Câu chuyện rời rạc về cuốn vở chép thơ đã mất của người bạn yêu quý đột nhiên trở thành chuyện khác, một câu chuyện được đam mê sâu lắng đốt sáng lung linh. Có lẽ trong khoảnh khắc rung động đó tôi đã quyết định viết cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay này chăng?
Song lúc ấy tôi đâu biết gì tới quyết định trong tâm hồn mà chỉ thả mình trôi đến những bến bờ hoàn toàn ngập chìm trong sắc đẹp của Ipek. Sự bất lực xâm chiếm ta khi đứng trước một phụ nữ quá đỗi xinh đẹp, nỗi ngất ngây và một tình cảm siêu nhiên chiếm hữu tôi tuyệt đối. Tôi nhận thức rất rõ rằng đám khám khứa, tất cả những ai đến đây để nói vài lời với một nhà văn đến thăm thành phố hoặc mượn cớ đó để kiếm dịp tán gẫu với nhau, đều chỉ đang làm ra vẻ; và những câu thơ rỗng tuếch chỉ được nói ra để tự đánh lạc hướng chính mình và tôi khỏi đề tài thực sự và duy nhất: sắc đẹp của Ipek. Tôi quằn quại vì ghen tuông cháy bỏng, và tôi sợ nó sẽ biến thành tình yêu: như người bạn Ka đã khuất, tôi cũng muốn trải qua tình yêu với một cô gái đẹp như thế, ít nhất là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Ý nghĩ trong thâm tâm tôi cho rằng Ka đã sống uổng những năm cuối đời, nay biến đổi trong nháy mắt: "Chỉ một người có tâm hồn sâu sắc như Ka mới chiếm được tình yêu của một phụ nữ như Ipek." Liệu tôi có thể quyến rũ được Ipek về Istanbul không? Tôi có thể hứa kết hôn với nàng, hoặc làm một người tình bí mật của nàng đến đoạn kết cay đắng, nhưng nhất định tôi muốn chết cùng nàng. Trán nàng rộng và cương nghị, cặp mắt mở to, miệng nàng dịu dàng như Melinda khiến tôi không dám nhìn lâu... Nàng nghĩ gì về tôi nhỉ?Liệu Ka và nàng có bao giờ nói về tôi không? Chưa uống ly đầu mà tim tôi đã rộn ràng. Nhưng tôi cảm thấy ánh mắt nghiêm khắc của Kadife ngồi gần đó ném về phía mình. Tôi phải quay về câu chuyện của mình đã.
Họ đứng đó trước cửa sổ, và Ka lấy sợi dây chuyền đeo vào cổ Ipek, hôn cô thật lâu và nhắc lại khá lơ đãng như một lời cầu nguyện rằng ở Đức họ sẽ rất hạnh phúc. Đúng lúc đó Ipek thấy Fazil lao qua cổng lối vào sân. Cô đợi một chốc rồi đi xuống gặp em gái bên cửa bếp. Chắc đây là lúc Kadife báo cho cô tin vui là Lam đã được thả. Sau đó họ lên phòng mình. Tôi không rõ họ nói chuyện gì và làm gì. Ở phòng mình, lòng Ka tràn ngập những bài thơ mới và hạnh phúc giờ đã nắm chắc trong tay, khiến lần đầu tiên ông không đem hết khả năng tưởng tượng của mình theo dõi xem hai chị em Ipek làm gì trong khách sạn Lâu Đài Tuyết.
Về sau tôi có xem báo cáo của nha khí tượng thấy lúc đó thời tiết dịu đi trông thấy. Mặt trời đã tỏa hơi ấm suốt ngày lên những nhũ băng rủ từ máng nước và cành cây, và trước khi tắt nắng rất lâu người dân thành phố đã xôn xao là đêm nay đường sẽ được dọn thông, và cuộc đảo chính ở nhà hát sắp kết thúc.
Những người còn nhớ đến sự kiện này nhiều năm sau đã kể lại cho tôi hay, tối hôm đó kênh Truyền hình biên giới Kars mời dân cư thưởng thức vở mới của đoàn kịch lưu động Sunay Zaim ở Nhà hát nhân dân ngay sau chương trình thời tiết. Lo ngại vì sự kiện máu me trước đó hai ngày mà dân Kars không dám đến xem vớ mới, người ta đã để biên tập viên trẻ và quen mặt của nhà đài Hakan Özge công bố không cho phép gây chuyện gì ảnh hưởng tới khán giả, lực lượng an ninh được bố trí quanh sân khấu để giữ trật tự, mọi người ở Kars có thể từng gia đình vào cửa miễn phí để xem vở kịch có tính giáo dục cao này. Nhưng kết quả chỉ làm người ta sợ thêm, đường phố còn vắng bóng người sớm hơn. Tất cả đều tin chắc ở Nhà hát nhân dân sẽ lại xảy ra bạo lực và hỗn loạn và trừ những người đủ điên rồ muốn trở thành nhân chứng sự kiện bằng bất cứ giá nào (tôi phải nói thêm vào là số này hoàn toàn không nhỏ, rặt một lũ trẻ ranh móc túi, dân phái tả chán chường ưa bạo lực, các cụ già mang răng giả hăng hái muốn có mặt bằng được khi có vụ giết người, những môn đệ Atatürk biết mặt và hâm mộ khuynh hướng cộng hòa của Sunay qua tivi) thì dân Kars chủ yếu muốn theo dõi buổi tối hôm ấy qua truyền hình trục tiếp. Hôm đó Sunay và thượng tá Osman Nuri Tay Vẹo gặp nhau lần nữa, và do linh cảm Nhà hát nhân dân tối ấy sẽ vắng người nên họ ra lệnh lấy xe tải quân sự chở học sinh trường tôn giáo đến, cũng như bắt một số lượng nhất định học sinh và công chức từ các trường trung học và nhà tập thể giáo viên phải mặc áo vest đeo cà vạt đến nhà hát.
Sau buổi họp, một số người chứng kiến Sunay nằm ngủ trên đống vải thừa, giấy gói hàng và thùng bìa rỗng trong một căn phòng nhỏ bụi bặm của xưởng may. Lý do không phải rượu, mà vì từ nhiều năm nay Sunay đã luyện cho mình một thói quen, trước những buổi diễn lớn và đặc biệt quan trọng ông luôn nằm lên nền cứng và gà gật một lát, vì ông tin rằng đệm êm sẽ làm cơ thể oải ra. Trước khi ngủ, ông và vợ đã lớn tiếng cãi nhau về lời thoại của vở kịch mà ông vẫn chưa đưa ra phương án cuối cùng. Sau đó ông cho xe tải quân sự chở bà đến khách sạn Lâu Đài Tuyết tìm Kadife để bắt đầu tập diễn. Vừa bước vào khách sạn, Funda Eser với tư thế của một bà lớn thông thạo khắp chốn mọi nơi đã xộc ngay vào phòng hai chị em và tạo ngay được một không khí thân hữu giữa đàn bà bằng giọng lanh lảnh của mình, tôi có thể hiểu chuyện đó, vì bên ngoài sân khấu bà sử dụng khả năng diễn xuất của mình có tác động lớn lao hơn nhiều. Dĩ nhiên sắc đẹp của Ipek không lọt qua mắt và tim bà, nhưng óc bà còn bận bịu với vai diễn của Kadife tối nay. Tôi đoán là bà nắm vững được ý nghĩa của vai này, vì chồng bà rất coi trọng nó. Từ hai chục năm nay Funda Eser luôn đóng vai phụ nữ bị đàn áp và bị làm nhục, lên sân khấu chỉ có một mục đích: khêu gợi đám đàn ông với bộ điệu của nạn nhân. Có chồng, ly hôn, trùm khăn hay lộ tóc - với bà chỉ là những thủ pháp để đạt được cùng một mục đích tầm thường: đẩy vai nữ chính vào tình trạng đáng thương tới nỗi không đàn ông nào cưỡng lại nổi cô ta. Khó mà nói được bà hiểu thấu đáo những vai mang tinh thần Atatürk và khai sáng mà bà vẫn đóng. Nhưng so với bà thì tác giả của những vai rập khuôn ấy cũng không nghĩ ra được vai trò gì sâu hơn và tinh tế hơn cho phụ nữ ngoài gợi tình và bổn phận xã hội. Những vai trò ấy được Funda Eser sử dụng ngoài đời với một hiệu quả kinh hồn, và với một mức độ mà ngay cả những kịch tác gia của bà cũng không hình dung được.
Vào chuyện một lúc là bà đề nghị ngay Kadife bỏ khăn trùm ra.Khi cô để lộ tóc ngay không chần chừ, bà rú lên rồi cả quyết là tóc cô bóng mượt và đầy sức sống đến khó tin, khiến bà không thể rời mắt ra được. Bà đặt cô ngồi trước gương và giải thích trong khi chải tóc cô bằng chiếc lược giả ngà, rằng trên sân khấu thực ra lời nói không quan trọng bằng hình ảnh. "Hãy để mái tóc cô nói lên điều gì cần nói, nó sẽ làm đàn ông phát điên!" Và bà trấn an Kadife đang rối trí bằng một cái hôn lên tóc cô. Funda Eser quá thông minh để biết là nụ hôn ấy đủ cho mầm mống cái ác ẩn chứa trong Kadife nảy nở sinh sôi, và bà đủ kinh nghiệm để kéo cả Ipekvào trò chơi này: bà rút một chai cognac nhỏ trong túi ra và rót vào các ly trà Zahide bưng đến. Thấy Kadife phản đối, bà khiêu khích: "Nhưng tối nay cô còn để lộ tóc ra cơ mà!" Khi Kadife òa khóc bà hôn liên tục lên má, gáy và tay cô. Rồi để hai chị em vui lên, bà ngâm Nữ phục vụ viên trinh trắng, tác phẩm bậc thầy chưa công bố của Sunay", song hai chị em chỉ vì thế mà buồn hơn chứ chẳng vui hơn. Khi Kadife nói: "Tôi muốn học lời thoại," Funda Eser đáp lời thoại duy nhất đêm nay là mái tóc dài và đẹp tỏa sáng rạng ngời của Kadife khiến đàn ông Kars phải choáng váng ngắm nhìn. Đám phụ nữ trong nhà hát sẽ điên lên vì ghen tị và say mê đến nỗi muốn nhảy lên sân khấu mà chạm vào nó. Bà đổ thêm chút cognac vào ly của mình và Ipek. Bà nói, bà đọc ra được trên nét mặt của Ipek niềm hạnh phúc, còn trong ánh mắt của Kadife bà có thể thấy phẫn nộ và lòng dũng cảm. Trái lại bà không thể quyết định ai đẹp hơn ai. Niềm phấn khích của Funda Eser kéo dài đến lúc Turgut Bey bước vào phòng mặt đỏ vì giận dữ.
"Trên ti vi vừa thông báo, Kadife, thủ lĩnh của các thiếu nữ trùm khăn tối nay trong vở diễn sẽ để lộ tóc ra," ông nói. "Đúng thế không?"
"Ta sẽ xem trên tivi chứ!"Ipek nói.
"Ông cho phép tôi tự giới thiệu," Funda Eser nói. "Tôi là Funđa Eser, bạn đời của diễn viên nổi tiếng Sunay Zaim vừa trở thành thị trưởng. Trước hết tôi xin chúc mừng ông đã nuôi nấng được hai cô con gái kiệt xuất và tuyệt vời này khôn lớn. Tôi xin có lời góp ý, ông không phải lo lắng chút nào vì quyết định dũng cảm của Kadife."
"Những kẻ toàn thống cuồng tín ở thành phố này sẽ không bao giờ thứ lỗi cho con gái tôi!" Turgut Bey nói.
Tất cả cùng sang phòng ăn, nơi lát nữa họ sẽ ngồi xem ti vi.Ở đó Funda Eser cầm tay Turgut Bey và hứa với ông - nhân danh chồng bà là người đã nắm chắc thành phố này trong tay - mọi việc sẽ tốt đẹp cả. Sau đó Ka bước vào khi nghe tiếng ồn ở phòng ăn, ông nghe Kadife sung sướng thông báo Lam đã được thả. Không để ông hỏi thêm, Kadife nói là cô sẽ giữ lời hứa lúc sáng và bây giờ cùng tập với Funda. Mười phút tiếp theo - trong khi tất cả xem vô tuyến, chuyện trò lộn xộn và Funda Eser bằng vẻ duyên dáng của mình cố thuyết phục Turgut Bey đừng cản con gái lên sân khấu buổi tối - được Ka tính vào những phút hạnh phúc nhất đời mình. Ông hoàn toàn tin tưởng rằng mình sẽ hạnh phúc, và tưởng tượng mình là thành viên của gia đình vui vẻ này. Vẫn chưa đến bốn giờ, nhưng buổi tối đã len vào phòng ăn có trần cao và tường dán giấy cổ sẫm màu như một giấc mơ thơ ấu đầy hạnh phúc, và Ka mỉm cười khi nhìn vào mắt Ipek.
Đúng lúc ấy Ka thấy Fazil hiện ra ở cửa bếp. Để tâm trạng vui tươi của mọi người không bị phá hỏng, ông toan đẩy cậu vào bếp để hỏi chuyện. Nhưng Fazil không để Ka nắm tay kéo đi. Cậu đứng trong khung cửa bếp và làm ra vẻ đang tư lự xem tivi, kỳ thực chăm thú theo dõi đám người vui vẻ với ánh mắt sửng sốt pha lẫn giận dữ. Rốt cuộc khi Ka đẩy được Fazil vào bếp thì Ipek cũng nhìn thấy và đi theo họ.
"Lam muốn nói chuyện với ông lần nữa,"Fazil nói. Rõ ràng cậu ta khoái chí đã chọc phá được người khác. "Anh ấy đã thay đổi ý kiến về một điểm."
"Về điểm nào?"
"Anh ấy sẽ tự nói với ông. Mười phút nữa xe ngựa sẽ vào đến sân để đón ông đi." Nói xong Fazil ra khỏi bếp.
Tim Ka đập thình thịch. Không chỉ vì hôm nay ông không định rời khách sạn nữa, mà còn vì đơn giản ông nhát gan và sợ sẽ làm hỏng cả.
"Anh đừng đi!"Ipek vô hình trung nói ra điều Ka nghĩ. Bây giờ thìbọnhọ đãbiếtchiếc xe ngựa ấy rồi. Mọi việc sẽhỏnghết mất."
"Không, anh đi," Ka đáp.
Vì sao ông nói thế, mặc dù không muốn? Ngày xưa ông hay giơ tay khi giáo viên đặt những câu hỏi mà ông không biết trả lời, hoặc không mua cái áo len ông thích mà lấy một cái khác bằng giá tiền mặc dù biết là không ưa bằng. Có thể vì tò mò, có thể vì nỗi sợ hạnh phúc thường trực.
Khi họ cùng nhau lên phòng ông mà không nói cho Kadife biết về tình hình mới. Ka mong Ipek nhanh trí nói hay làm gì đó khiến ông thay đổi ý kiến và bình tâm ở lại khách sạn. Song lúc họ cùng nhau nhìn ra cửa sổ thì cô chỉ lặp lại ý cũ với những lời cũ: "Anh đừng đi, hôm nay anh đừng ra khỏi khách sạn nữa, anh làm nguy hiểm đến hạnh phúc của chúng mình" và đại loại như vậy.
Ka lắng nghe cô như một người mộng du và ngó ra ngoài.
Khi chiếc xe ngựa tiến vào sân, ông bức xúc nghĩ, hạnh phúc biến thành bất hạnh mới nhanh chóng làm sao. Tuy không hôn Ipek nhưng ông không quên ôm cô tạm biệt trước khi ra khỏi phòng, đi qua bếp và không để hai vệ sĩ đang đọc báo ngoài sảnh thấy mình rồi nằm xuống dưới tấm bạt đậy chiếc xe đáng ghét.
Đừng ai nghĩ rằng tôi dùng đoạn phi lộ trên để chuẩn bị tinh thần cho độc giả đón nghe chuyện chuyến xe sẽ biến đổi đời Ka một cách khốc liệt, và việc ông chiều theo đòi hỏi của Lam là một bước ngoặt lớn như thế nào. Tôi hoàn toàn không tin: Ka vẫn còn nhiều dịp để đảo ngược những gì xảy ra với ông ở Kars, và tìm ra cái mà ông coi là hạnh phúc của mình. Song sau khi các sự kiện đã ra kết quả và ông ân hận điểm lại chúng trong đầu nhiều năm về sau thì ông nhớ lại hàng trăm lần rằng giả sử Ipek bên cửa sổ phòng nói được một lời lọt tai thì ông đã không tới chỗ Lam nữa. Nhưng thế nào là một lời lọt tai thì ông không hề biết.
Điều đó chứng tỏ chúng ta có lý khi hình dung ra Ka, lúc này đang nằm dưới tấm bạt xe ngựa. là một người cam chịu số phận. Ông lấy làm tiếc đang nằm đây, ông giận chính mình và cả thế giới, ông rét run, lo bị ốm, và không mong đợi điều gì tốt lành ở Lam. Như trên chuyến đi xe ngựa đầu tiên, ông mở mọi giác quan tiếp nhận tiếng động của phố xá và mọi người, nhưng không hề quan tâm chiếc xe sẽ đưa mình đến đâu.
Xe dừng lại. Nghe tiếng gõ của xà ích ông chui khỏi tấm bạt và đi vào một ngôi nhà xiêu vẹo, sơn tróc lở như nhiều ngôi nhà ông đã thấy, và vẫn không biết mình đang ở đâu. Ông leo một cầu thang hẹp xoáy trôn ốc lên hai tầng gác (về sau, trong một phút bình yên hơn, ông nhớ đã nhìn thấy ánh mắt một đứa trẻ nghịch ngợm qua khe cửa khép hờ trước cửa một hàng giày dép), đi qua một cánh cửa mở và đứng trước mặt Hande.
"Tôi đã quyết tâm không bao giờ rời bỏ cô gái ấy - là bản thân mình." cô mỉm cười.
"Quan trọng là cô có hạnh phúc."
"Tôi hạnh phúc vì ở đây tôi được làm cái mình muốn," Hande nói. "Trong mơ tôi không còn phải sợ anh là một cô gái khác."
"Cô ở đây không nguy hiểm sao?" Ka hỏi.
"Cũng có, nhưng người ta chỉ tập trung tinh thần vào cuộc sống được khi có nguy hiểm," Hande nói. "Tôi đã hiểu ra là tôi không tập trung tinh thần vào cái gì mình không tin, ví dụ như để đầu trần. Ngay lúc này tôi sung sướng được chia sẻ một lý tưởng với Lam. Ông có thể làm thơ ở đây không?"
Cuộc nói chuyện bên bàn ăn trước đó hai ngày, lúc họ mới làm quen nhau lần đầu tiên, đã quá xa trong trí nhớ Ka, khiến ông phải nhìn cô một lúc lâu, tựa như đã quên hết. Hande định nhấn mạnh sự gần gũi giữa cô và Lam đến mức nào? Cô mở cửa thông sang phòng bên, Ka đi vào và nhìn thấy Lam đang xem một chiếc tivi đen trắng.
"Tôi tin chắc là ông sẽ đến," Lam hài lòng nói.
"Tôi không biết vì sao tôi đến," Ka nói.
"Vì ông không bình tâm," Lam trả lời với giọng kẻ cả.
Họ nhìn nhau đầy căm hờn. Không ai trong họ không nhận thấy Lam đang trong tâm trạng vui vẻ, còn Ka thì hối tiếc đã có mặt ở đây. Hande ra khỏi phòng và đóng cửa lại.
"Tôi muốn ông ra lệnh cho Kadife không lên sân khấu diễn trò kinh tởm tối nay," Lam nói.
"Lẽ ra anh có thể chuyển thông báo đó qua Fazil!" Ka nói.Nhìn nét mặt Lam ông biết anh ta không nhớ Fazil là ai. "Thằng bé ở trường tôn giáo ấy."
"À," Lam nói. "Nhưng Kadife sẽ không tin nó. Cô ấy sẽ không tin ai ngoài ông. Kadife chỉ tin sự việc nghiêm trọng đến mức nào trong mắt tôi nếu là do ông nói lại. Có thể cô ấy đã quyết định không bỏ khăn ra rồi cũng nên, muộn nhất là sau khi thấy sự kiện đó được bố cáo trên ti vi và bị lợi dựng một cách kinh tởm."
Ka nói với vẻ vui mừng không giấu nổi: "Lúc tôi rời khỏi khách sạn thì Kadife đã bắt đầu tập diễn."
"Ông nói với cô ấy là tôi hoàn toàn phản đối! Kadife không tự nguyện đi đến quyết định bỏ khăn trùm đầu, mà chỉ để cứu mạng sống của tôi. Cô ấy đã ký vụ mua bán này với một nhà nước trước đó bắt một tù nhân chính trị làm con tin, nhưng cô ấy không bị cột vào lời mình nữa."
"Tôi sẽ nói lại," Ka nói, "nhưng tôi không đoán được cô ấy sẽ làm gì."
"Ông định nói với tôi rằng ông không chịu trách nhiệm cho những gì Kadife làm theo ý riêng chứ gì?" Ka im lặng. "Nếu tối nay Kadife lên sân khấu và bỏ khăn ra thì cả ông cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì ông là một trong những người đã đẻ ra cuộc trao đổi này."
Lần đầu tiên từ khi đến Kars, Ka thấy thanh thản: rốt cuộc kẻ ác đã mở miệng nói ác, như mọi kẻ ác vẫn làm, và hắn không làm ông bất ngờ nữa. Để Lam yên tâm, ông nói: "Anh nói đúng, họ đã bắt anh làm con tin!" và cố nghĩ cách ra khỏi phòng này mà không làm Lam nổi giận.
"Và ông đưa cô ấy thư này," Lam nói và chìa ra một bì thư.
"Có thể Kadife không tin vào thông điệp nhắn miệng của tôi." Ka cầm bì thư. "Một ngày nào đó, nếu ông tìm được đường quay về Frankfurt thì ông phải thuyết phục Hans Hansen đăng bằng được bản tuyên bố mà nhiều người đã chịu nguy hiểm để ký tên vào."
"Tất nhiên."
Ông thấy trong mắt Lam có vẻ gì đó không thỏa mãn. Sáng sớm nay, khi ngồi trong buồng giam như một người bị án tử hình thì nội tâm hắn bị xáo trộn. Bây giờ mạng sống của hắn đã được cứu thoát, nhưng hắn đã dính trước vết chàm của sự bất hạnh, để biết rằng trong phần đời còn lại hắn sẽ không làm được gì khác ngoài nổi giận. Ka nhận ra quá muộn là Lam linh cảm được ông biết nỗi bất hạnh ấy của mình.
"Bất cứ đâu. dù ở đây hay ở châu Âu yêu quý của ông, ông cũng sẽ bắt chước bọn châu Âu và quỵ lụy xin được chúng che chở!"
"Được hạnh phúc là tôi thấy đủ."
"Thế thì đi đi, đi ngay đi," Lam hét lên. "Nhưng hãy biết là không ai có được hạnh phúc khi thấy chỉ cần được hạnh phúc là đủ!"
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tuyết.