• 302

Hồi 36: Dữ tử cộng huyệt tương phù tương 2


Số từ: 11827
Nguồn: Sưu tầm
Trương Vô Kỵ đi đến bên bờ đá, nhìn chung quanh, thì ra đang ở giữa lưng chừng một chỏm núi. Khi trước chàng bị Thuyết Bất Đắc bỏ vào trong túi vải vác chạy lên Quang Minh Đính, thành thử không nhận ra địa thế, chẳng biết mình đang ở nơi đâu.
Trương Vô Kỵ đưa mắt nhìn bốn bề, thấy ở trên triền núi phía tây bắc có mấy hình người nằm yên không cử động, dường như đã chết, liền nói:
- Mình đến đó xem thử coi thế nào.
Chàng cầm tay Tiểu Siêu, theo hướng sườn núi đó chạy tới. Lúc này chân khí Cửu Dương thần công trong người lưu chuyển như ý, Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp lại luyện đến cấp thứ bảy, vừa giơ tay, vừa cất bước, người ngoài nhìn thấy không nghĩ là sức người có thể làm được, tuy đã dắt thêm Tiểu Siêu, nhưng thân thể vẫn nhẹ nhàng như một cánh én.
Khi đến gần, thấy có bốn người nằm chết trên mặt tuyết, máu me vương vãi chung quanh, trên người ai cũng có dấu đao vết kiếm. Trong số đó ba người mặc sắc phục Minh giáo giáo đồ, còn một người là tăng nhân, dường như đệ tử phái Thiếu Lâm. Trương Vô Kỵ kinh hãi nói:
- Không xong rồi. Mình bị kẹt trong hang núi quá lâu, sáu đại môn phái đã đánh lên trên Quang Minh Đính rồi.
Chàng sờ thử tâm khẩu cả bốn người thấy đều lạnh ngắt, hiển nhiên chết cũng đã lâu. Vội vàng nắm tay Tiểu Siêu, theo dấu chân trên tuyết chạy lên. Chạy được độ mươi trượng, lại thấy có bảy người chết trên mặt đất, trông thật ghê rợn.
Trương Vô Kỵ cực kỳ bồn chồn, nói:
- Chẳng biết bọn Dương Tiêu tiên sinh và Bất Hối muội tử giờ này ra sao rồi?
Chàng càng chạy càng nhanh, tưởng như kéo Tiểu Siêu cùng bay vậy, qua một khúc quẹo, thấy có năm giáo đồ Minh giáo bị treo trên cây, tất cả lộn đầu xuống đất, mặt mũi người nào cũng nhầy nhụa máu me, dường như bị cào nát. Tiểu Siêu nói:
- Đây là bị Hổ Trảo Thủ của phái Hoa Sơn.
Trương Vô Kỵ lấy làm lạ:
- Tiểu Siêu, cô tuổi còn nhỏ, kiến thức sao rộng đến thế, ai dạy cho cô vậy?
Tuy chàng hỏi câu đó nhưng trong lòng khắc khoải chuyện an nguy trên Quang Minh Đính, không đợi Tiểu Siêu trả lời, lại nắm tay cô tiếp tục chạy lên núi. Trên đường thấy người chết nằm la liệt, phần lớn là giáo đồ Minh giáo, nhưng đệ tử của lục đại môn phái cũng không phải là ít. Có lẽ chàng kẹt trong hang núi một ngày một đêm, lục đại môn phái đã phát động mãnh công. Vì những nhân vật trọng yếu như Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu trong Minh giáo đều bị thương nặng, không ai chỉ huy nên lâm vào thế bất lợi, nhưng chúng giáo đồ tuy ở vào thế lép nhưng vẫn kiệt lực chiến đấu không chịu khuất phục, thành thử tổn thất hai bên đều cao.
Trương Vô Kỵ chạy đến đỉnh núi, nghe thấy tiếng binh khí chạm nhau, loảng xoảng loảng xoảng thật là khốc liệt, trong lòng hơi yên tâm, nghĩ thầm: "Đánh nhau vẫn chưa xong, lục đại môn phái chưa đánh được tới đại sảnh". Vội vàng theo hướng đánh nhau chạy tới.
Đột nhiên nghe vụt một tiếng, ở sau lưng có hai mũi cương tiêu ném tới, tiếp theo có tiếng người quát:
- Ai đó? Đứng lại.
Trương Vô Kỵ chân không chậm lại, tay vẫy ngược một cái, hai mũi cương tiêu lập tức quay đầu, chỉ nghe một tiếng "A" thảm thiết, tiếp theo bình một tiếng, có người nào đó đã ngã lăn xuống đất. Trương Vô Kỵ ngạc nhiên, quay đầu nhìn, thấy nằm trên đất là một nhà sư mặc tăng bào màu xám, hai mũi cương tiêu cắm vào đầu vai y. Chàng ngẩn người, không ngờ chỉ vẫy tay một cái, những tưởng chỉ đánh giạt thế bay đến của cương tiêu khỏi trúng người mình, đâu ngờ phẩy tay nhẹ nhàng như thế mà uy lực cũng không phải tầm thường.
Chàng vội vàng chạy đến xuýt xoa nói:
- Tại hạ lỡ tay làm đại sư bị thương, thật là đắc tội.
Giơ tay rút mũi cương tiêu ra. Vai nhà sư Thiếu Lâm máu chảy vọt ra, nhưng không ngờ ông ta thật là dữ tợn, giơ chân đá một cái, nghe bình một tiếng, trúng ngay bụng dưới Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ cùng y đứng thật gần nhau, không ngờ ông ta bất ngờ ra tay tấn công, chàng vừa ngẩn người thì tăng nhân kia đã bay vọt trở ra, lưng đụng phải một thân cây, chây trái gãy lìa, miệng hộc máu tươi. Trương Vô Kỵ lúc này trong cơ thể chân khí lưu chuyển, mỗi khi có ngoại lực lập tức sinh phản kích, không khác gì hôm nào chấn gãy đùi của Tĩnh Huyền, nhưng lực đạo bây giờ mạnh hơn nhiều.
Chàng thấy nhà sư đó bị trọng thương, lòng không an, chạy lên đỡ dậy luôn mồm xin lỗi. Tăng nhân đó hậm hực nhìn chàng, vừa căm tức vừa sợ hãi, tuy có ý muốn xuất chiêu tấn công nhưng không còn hơi sức nào nữa. Bỗng nghe từ trong tường vọng ra mấy tiếng ằng ặc, Trương Vô Kỵ không còn thì giờ nào lo cho nhà sư kia, vội cầm tay Tiểu Siêu, theo đại môn chạy vọt vào, xuyên qua hai sảnh đường, trước mắt là một cái sân lớn.
Trong sân người đứng đen kịt nhưng phía tây thì ít hơn, mười người thì đến tám máu me lênh láng, kẻ ngồi kẻ nằm, là phe Minh giáo. Còn phía đông người nhiều gấp bội, chia thành sáu nhóm, thành thế bao vây phe Minh giáo lại. Xem ra cả sáu đại môn phái đã có mặt đầy đủ. Trương Vô Kỵ chỉ mới liếc qua đã thấy Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu, Bành hòa thượng, Thuyết Bất Đắc cả bọn đều ngồi trong đám giáo đồ Minh giáo, xem ra đều cử động khó khăn. Dương Bất Hối ngồi bên cạnh phụ thân.
Trong sân có hai người đang giao đấu, mọi người chú tâm vào trận đánh nên Trương Vô Kỵ và Tiểu Siêu tiến vào chẳng một ai lưu tâm. Trương Vô Kỵ dần dần xích lại gần hơn, định thần nhìn kỹ, thấy hai người đều tay không, nhưng chưởng phong kêu vù vù, uy lực bao trùm mấy trượng, hiển nhiên cả hai đều là cao thủ tuyệt đỉnh. Hai người thân hình chuyển động, ra chiêu thật nhanh, đột nhiên bốn chưởng đụng nhau, lập tức hai bên đều bất động, chỉ trong nháy mắt, từ một cảnh vũ động huyền ảo biến thành lặng như tờ. Những người đứng chúng quanh đều cùng kêu lên:
- Hay thật.
Trương Vô Kỵ bấy giờ nhìn rõ diện mạo hai người, trong lòng chấn động. Thì ra người tuổi trạc trung niên, thân hình bé nhỏ, nét mặt cương nghị kia chính là tứ hiệp Trương Tùng Khê của phái Võ Đương. Đối thủ của ông ta là một ông già đầu hói cao to, mi dài trắng như tuyết, rủ xuống một bên khóe mắt, mũi khoằm khoằm trông như mỏ chim diều hâu. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Không ngờ Minh giáo lại có một cao thủ cỡ này, chẳng biết ai đây?".
Bỗng nghe từ trong phía phái Hoa Sơn có người kêu lên:
- Này lão già Bạch Mi kia, mau nhận thua đi thôi, ngươi làm sao có thể đối địch được với Trương tứ hiệp của phái Võ Đương?
Trương Vô Kỵ nghe thấy "lão già Bạch Mi" trong lòng chấn động: "A, thì ra người này ... người này ... người này chính là ông ngoại ta Bạch Mi Ưng Vương". Chàng trong bụng nảy ra một mối trìu mến thiết tha, muốn chạy lên ngay để nhận người thân.
Trên đỉnh đầu Trương Tùng Khê và Ân Thiên Chính đều có hơi nóng bốc lên, hai người trong giây lát đã đem tất cả nội gia chân lực bình sinh khổ luyện ra sử dụng. Một người là giáo chủ Thiên Ưng giáo, một trong tứ đại Hộ Giáo pháp vương, một người là đệ tử đắc ý của Trương Tam Phong, đứng trong Võ Đương thất hiệp uy chấn thiên hạ, xem ra chỉ trong giây lát ai thắng ai bại sẽ biết ngay.
Cả Minh giáo lẫn người trong lục đại môn phái ai ai cũng nín thở đứng xem, lo cho người của phe mình, biết rằng cuộc đấu này, không phải chỉ là uy danh Minh giáo và phái Võ Đương mà là một cuộc thi chân lực, người thua có thể mất mạng như chơi. Hai người bây giờ như hai tượng đá, ngay cả tóc và áo quần cũng không lay động chút nào.
Ân Thiên Chính thần uy lẫm lẫm, hai mắt lấp lánh như điện, còn Trương Tùng Khê thì sử dụng yếu chỉ tâm pháp của phái Võ Đương, lấy nhàn nhã chống nhọc mệt, lấy tĩnh chế động, thủ vệ cực kỳ nghiêm mật. Ông biết Ân Thiên Chính lớn hơn mình đến hai mươi tuổi, nội lục tu luyện cao thâm hơn hai mươi năm, nhưng mình thì đang lúc trai tráng sức lực dồi dào, còn đối phương niên kỷ đã cao thể chất suy yếu, càng giữ được lâu chừng nào, càng có cơ thắng thế.
Nào ngờ Ân Thiên Chính là một kỳ nhân trong võ lâm, tuổi tác tuy lớn nhưng tinh lực không kém gì khi còn trẻ, nội kình vẫn như sóng biển, liên miên bất tuyệt hết đợt này đến đợt khác, theo song chưởng ào ào tấn công Trương Tùng Khê.
Trương Vô Kỵ khi mới thấy Trương Tùng Khê và Ân Thiên Chính trong lòng mừng rỡ, nhưng lập tức vui biến thành lo, một người là ông ngoại mình, có tình máu mủ; một người là sư huynh của phụ thân, đối với chàng cũng chẳng khác gì con ruột, năm xưa khi bị trúng Huyền Minh thần chưởng, chư hiệp phái Võ Đương không ai ngại tiêu hao nội công, tận tâm kiệt lực chữa bệnh cho mình. Nếu một trong hai người có ai bị thương hay chết, trong lòng chàng không khỏi cực kỳ hối tiếc.
Trương Vô Kỵ hơi trầm ngâm, đang định tìm cách tiến lên sách giải, bỗng nghe Trương Tùng Khê và Ân Thiên Chính cùng quát lên một tiếng, bốn chưởng phát lực, hai người cùng lui về sáu bảy bước.
Trương Tùng Khê nói:
- Ân lão tiền bối thần công trác tuyệt, bội phục bội phục.
Ân Thiên Chính cũng cất tiếng vang vang như chuông, nói:
- Công phu tu luyện nội gia của Trương huynh siêu phàm nhập thánh, lão phu tự thẹn không sao bằng được. Các hạ là đồng môn sư huynh của tiểu tế, không lẽ hôm nay phải nhất quyết phân thắng bại mới xong hay sao?
Trương Vô Kỵ nghe thấy ông đề cập đến cha mình, nước mắt lập tức trào ra, trong bụng không ngớt kêu thầm: "Thôi đừng đánh nhau nữa, đừng đánh nữa".
Trương Tùng Khê nói:
- Vừa rồi vãn bối lùi nhiều hơn một bước, đã thua nửa chiêu rồi.
Nói rồi khom mình vái chào, thần định khí nhàn lui xuống. Đột nhiên từ phái Võ Đương một hán tử chạy ra, chỉ vào Ân Thiên Chính giận dữ nói:
- Lão họ Ân, ông không đề cập đến Trương ngũ ca của tôi thì không nói. Hôm nay nhắc đến chỉ càng làm cho chúng tôi thêm tức tối. Du tam ca và Trương ngũ ca hai người của chúng tôi, đều bị hại vì tay Thiên Ưng giáo cả, thù này không báo, thật uổng cho Mạc Thanh Cốc này mang cái tên Võ Đương thất hiệp.
Nghe soẹt một tiếng, trường kiếm đã rút ra khỏi vỏ, ánh mặt trời chiếu vào lấp lánh, theo tư thức Vạn Nhạc Triều Tông[5]. Đây là thế khởi đầu của đệ tử phái Võ Đương mỗi khi động thủ quá chiêu với trưởng bối, Mạc Thanh Cốc tuy lửa giận bừng bừng, nhưng dẫu sao cũng vẫn là một cao thủ võ lâm có danh phận, trước cảnh bao người đổ dồn vào mình, nhất cử nhất động vẫn không để cho khiếm lễ.
Ân Thiên Chính thở dài một tiếng, trên mặt thoáng vẻ u buồn, chậm rãi nói:
- Lão phu từ khi tiểu nữ qua đời rồi, không muốn sử dụng đao kiếm nữa. Thế nhưng nếu tay không động thủ quá chiêu với Võ Đương chư hiệp thì quả thực là đại bất kính.
Ông chỉ vào một giáo đồ Minh giáo tay cầm thiết côn nói:
- Cho ta mượn cây gậy một chút.
Tên giáo đồ cầm ngang cây côn tề mi bằng thép đúc, khom lưng cung kính dâng lên. Ân Thiên Chính tiếp lấy thiết côn, hai tay bẻ một cái, nghe cắc một tiếng, cây gậy sắt đã gãy làm đôi.
Nhừng người chung quanh đứng xem đều "Chà" một tiếng, không ngờ ông già sau khi chiến đấu lâu, vẫn còn thần lực kinh người như thế. Mạc Thanh Cốc biết ông ta không ra chiêu trước, trường kiếm vung lên, sử chiêu Bách Điểu Triều Phượng tấn công. Chỉ thấy mũi kiếm rung động không ngừng, trong giây lát biến thành hàng mấy chục lưỡi kiếm đâm vào trung bàn đối phương, chiêu này tuy lợi hại thật nhưng vẫn là một kiếm pháp đầy lễ nghĩa.
Cây gậy bên trái của Ân Thiên Chính liền chặn ngang, nói:
- Mạc thất hiệp không phải khách khí.
Cây gập phía bên phải liền đánh tiếp tới. Hai bên qua lại mấy chiêu, những người chung quanh ai nấy đều rúng động. Kiếm pháp Mạc Thanh Cốc thì nhẹ nhàng linh hoạt, ánh sáng lấp lánh như cầu vồng, mỗi khi bung ra thu lại, vừa ngưng trọng, vừa tiêu dật quả đúng là phong phạm của bậc danh gia. Còn hai thanh thiết côn của Ân Thiên Chính vốn dĩ nặng nề chậm chạp, chiêu số cũng sơ sài tầm thường, đánh đông một cái, đập tây một cái, chẳng thành bài bản gì, nhưng những nhân sĩ hiểu biết rộng, biết ông sử dụng đường lối đại trí nhược ngu, đại xảo nhược chuyết[6] là một cảnh giới cực cao thâm của võ học.
Bước chân của ông ta di động cũng hết sức chậm chạp, trong khi đó Mạc Thanh Cốc lúc vọt lên cao, khi rùn xuống thấp, lúc chạy bên đông, khi lách bên tây chỉ trong thời gian uống một chén trà đã tung ra liên tiếp sáu mươi chiêu sát thủ thật là ghê gớm.
Hai bên tiếp tục đấu thêm vài chục hiệp nữa, kiếm chiêu của Mạc Thanh Cốc mỗi lúc một nhanh. Các phái Côn Lôn, Nga Mi đều lấy kiếm pháp làm chủ, các đệ tử thấy thanh kiếm trong tay Mạc Thanh Cốc biến hóa như thế, trong bụng ai cũng khâm phục: "Kiếm pháp phái Võ Đương quả nhiên danh bất hư truyền, hôm nay mới được mở tầm mắt". Thế nhưng dù chàng chặt đâm chém kéo cách nào cũng vẫn không sao tấn công qua khỏi hai thanh côn nghiêm thủ của Ân Thiên Chính. Mạc Thanh Cốc nghĩ thầm: "Lão già này liên tiếp đánh bại ba cao thủ của Hoa Sơn, Thiếu Lâm, lại đấu nội lực với tứ ca, ta là người thứ năm đấu với ông ta, thực là được lợi nhiều lắm, nếu không thắng nổi, thể diện sư môn còn tồn tại làm sao được?".
Chàng hú lên một tiếng thanh thoát, kiếm pháp đột nhiên biến đổi, thanh trường kiếm biến thành như một sợi dây lưng, vừa nhẹ vừa mềm lúc cong lúc thẳng phiêu hốt bất định, chính là bảy mươi hai chiêu Nhiễu Chỉ Nhu Kiếm của phái Võ Đương.
Những người chung quanh xem đến chiêu thứ mười hai, mười ba, đều không nhịn nổi cùng lên tiếng khen hay. Lúc này Ân Thiên Chính không còn có thể tiếp tục giữ phương cách vụng về chống lại xảo diệu, mà phải chạy vùn vụt, thi triển khinh công lấy nhanh chống nhanh. Đột nhiên trường kiếm của Mạc Thanh Cốc bay vụt ra đâm thẳng vào ngực Ân Thiên Chính, kiếm đang đi giữa chừng, mũi kiếm hơi rung động, đã cong lại, đâm xéo vào vai bên phải đối phương. Lộ Nhiễu Chỉ Nhu Kiếm này toàn dựa vào nội lực hồn hậu uốn cong mũi kiếm, khiến cho kiếm chiêu biến đổi vô thường, địch nhân khó mà tránh né. Ân Thiên Chính chưa từng thấy kiếm pháp này bao giờ, vội vàng hạ vai xuống tránh né, không ngờ nghe keng một tiếng nhỏ, thanh kiếm bật trở lại, đâm thẳng vào cánh tay bên trái. Ân Thiên Chính vươn tay phải ra, không hiểu làm cách nào, cánh tay dài thêm nửa thước, phất vào cổ tay Mạc Thanh Cốc, đoạt luôn thanh trường kiếm, đồng thời tay trái đã ấn vào huyệt Kiên Trinh.
Ưng Trảo Cầm Nã Thủ của Bạch Mi Ưng Vương là nhất tuyệt của võ lâm trong khoảng một trăm năm nay, đương thế không ai có thể sánh kịp. Đầu vai của Mạc Thanh Cốc đã bị ông ta nắm được, năm ngón tay chỉ cần vận kình, vai của Mạc Thanh Cốc sẽ nát vụn, chung thân tàn phế. Chư hiệp phái Võ Đương giật mình kinh hãi, toan xông ra tương trợ nhưng thế không kịp nữa rồi.
Ân Thiên Chính thở dài một tiếng, nói:
- Nhất chi vi thậm, kỳ khả tái hồ?[7]
Ông buông tay ra, tay phải thu về rút thanh kiếm ra, vết thương trên cánh tay máu chảy ra như suối. Ông ngưng thần nhìn vào thanh kiếm một hồi, nói:
- Lão phu tung hoành nửa đời trong thiên hạ, chưa từng thua ai nửa chiêu một thức. Trương Tam Phong hay thật, Trương chân nhân giỏi thật.
Ông ca ngợi Trương Tam Phong vì khâm phục ông đã sáng chế bảy mươi hai chiêu Nhiễu Chỉ Nhu Kiếm thần diệu khôn lường, chính mình không sao né tránh nổi.
Mạc Thanh Cốc đứng xuất thần tại đương trường, bản thân tuy thắng trước một chiêu, nhưng đối phương rõ ràng cố ý không hạ sát thủ tổn thương đến mình, ngơ ngẩn một lát rồi nói:
- Cảm ơn tiền bối thủ hạ lưu tình.
Ân Thiên Chính không nói một lời, đem trường kiếm giao trả lại chàng. Mạc Thanh Cốc tinh cứu kiếm pháp, vậy mà để đến nỗi binh khí trong tay bị người ta lấy mất, thẹn thùng không để đâu cho hết, không nhận thanh kiếm vội lui về.
Trương Vô Kỵ xé vội một mảnh áo, đang định tiến lên băng bó cho ông ngoại, bỗng thấy từ phái Võ Đương bước ra một người, râu đen dài tới ngực, chính là Tống Viễn Kiều đứng đầu Võ Đương thất hiệp. Tống Viễn Kiều nói:
- Xin để tại hạ băng bó cho lão tiền bối.
Từ trong bọc lấy ra kim sang, đắp lên vết thương cho Ân Thiên Chính, rồi lấy khăn buộc lại. Thiên Ưng giáo và Minh giáo thấy Tống Viễn Kiều mặt đầy chính khí, nghĩ rằng ông ta là người đứng đầu trong Võ Đương thất hiệp, không thể nào công nhiên hạ độc gia hại bên mình. Ân Thiên Chính nói một tiếng:
- Đa tạ.
Mặt vẫn thản nhiên không nghi ngờ gì. Trương Vô Kỵ mừng lắm, nghĩ thầm: "Tống sư bá băng bó vết thương cho ông ngoại ta, chắc là vì cảm kích ông không giết Mạc thất thúc, hai bên chắc có thể giao hảo với nhau".
Tống Viễn Kiều băng bó vết thương xong, lùi lại một bước, phất tay áo một cái, nói:
- Tống mỗ xin lãnh giáo cao chiêu của lão tiền bối.
Câu nói đó quả thật ngoài sở liệu của Trương Vô Kỵ khiến chàng nhịn không nổi phải kêu lên:
- Tống đại ... Tống đại hiệp, dùng xa luân chiến đánh một người già, không công bình tí nào cả.
Câu đó nói ra ai nấy đều quay lại nhìn thanh niên áo quần lam lũ. Trừ phái Nga Mi, cùng với Tống Thanh Thư, Ân Lê Đình, Dương Tiêu, Thuyết Bất Đắc một số ít người, không ai biết lại lịch của chàng ra sao, không khỏi ngạc nhiên.
Tống Viễn Kiều nói:
- Vị tiểu bằng hữu kia nói vậy đúng lắm. Oán thù riêng giữa Thiên Ưng giáo và phái Võ Đương, hôm nay tạm không đề cập đến. Hiện giờ là lục đại môn phái và Minh giáo một trận sinh tử mất còn, phái Võ Đương đứng ra thách đấu với Minh giáo.
Mắt Ân Thiên Chính từ từ lướt qua một vòng, thấy Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu, Bành hòa thượng cả bọn ai nấy đều tê liệt bất động, còn những cao thủ của Thiên Ưng giáo và Ngũ Hành Kỳ ai không chết thì cũng bị thương, chính con trai mình là Ân Dã Vương cũng hôn mê nằm dưới đất, sống chết chưa biết thế nào, trong cả Minh giáo lẫn Thiên Ưng giáo ngoài mình ra, không một ai có thể chống đỡ nổi quyền chiêu kiếm pháp của Tống Viễn Kiều. Thế nhưng mình đã liên tiếp đánh với năm cao thủ, chân khí không còn tinh thuần như trước, lại thêm vết thương trên tay cũng không phải là nhẹ.
Ân Thiên Chính còn đang suy tính, bỗng nghe một lão già thấp bé trong phái Không Động lớn tiếng nói:
- Ma giáo dĩ nhiên thua sạch sành sanh rồi, không đầu hàng còn đợi gì nữa? Không Trí đại sư, bọn mình lên phá hủy bài vị của ba mươi ba đời giáo chủ là vừa.
Phương trượng chùa Thiếu Lâm Không Văn đại sư ở lại trấn thủ bản viện Tung Sơn, lần này vây đánh Quang Minh Đính, đệ tử phái Thiếu Lâm do Không Trí đại sư cầm đầu. Các phái kính trọng địa vị và tên tuổi của phái Thiếu Lâm, nên cử ông ta làm người chỉ huy ra lệnh trong chuyến tấn công Quang Minh Đính này.
Không Trí chưa kịp trả lời, từ phái Hoa Sơn một người nói:
- Cái gì mà đầu hàng với chả không đầu hàng? Tất cả bọn ma giáo hôm nay không để một tên nào sống sót. Nhổ cỏ phải nhổ sạch cả rễ, nếu không mai này chúng nó lại nổi lên làm hại giang hồ. Bọn chó má kia, khôn hồn thì mau mau tự vẫn để khỏi mất công chúng ông ra tay.
Ân Thiên Chính ngầm vận khí, thấy vết thương trên vai đâm sâu tới xương, đau ngâm ngẩm từng chập, biết rằng Tống Viễn Kiều theo học Trương Tam Phong lâu hơn cả, thâm đắc chân truyền của vị võ học đại tông sư, mình khi còn khí lực tinh thần đầy đủ đấu với ông ta, cũng chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, huống chi lúc này?
Thế nhưng các cao thủ Minh giáo kẻ chết người bị thương, chỉ còn một mình mình chủ trì đại cuộc, thôi đành hi sinh cái mạng già, mình chết không có gì buồn, hận là một đời anh danh hôm nay đành dứt.
Tống Viễn Kiều nói:
- Ân lão tiền bối, phái Võ Đương và Thiên Ưng giáo cừu thâm tự hải, nhưng chúng tôi không muốn nhân lúc người ta lâm nguy, chuyện này thôi để ngày sau thanh toán. Sáu môn phái hôm nay đến đây là vì Minh giáo, Thiên Ưng giáo đã tách ra khỏi Minh giáo rồi, tự lập môn hộ, trên chốn giang hồ ai ai cũng biết cả. Ân lão tiền bối hà tất phải trộn chung vào trong vụ này làm gì? Xin cùng tất cả người trong quí giáo hạ sơn đi.
Phái Võ Đương vì vụ Du Đại Nham kết một mối oán thù thật sâu cùng Thiên Ưng giáo, việc này các phái đều biết, bây giờ nghe thấy Tống Viễn Kiều mở đường cho Thiên Ưng giáo có lối thoát, ai nấy hết sức lạ lùng, nhưng hiểu ngay Tống Viễn Kiều quang minh lỗi lạc, không muốn chiếm lợi thế trong lúc này.
Ân Thiên Chính cười ha hả, nói:
- Hảo ý của Tống đại hiệp, lão phu xin tâm lãnh. Lão phu là một trong tứ đại hộ giáo pháp vương, tuy đã lập thành môn hộ riêng, nhưng Minh giáo gặp nạn, đâu có thể nào đứng ngoài? Hôm nay chỉ còn cái chết mà thôi, xin Tống đại hiệp tiến chiêu đi.
Nói xong tiến tới một bước, hai bàn tay thủ thế trước ngực, đôi lông mày trắng hơi rung động, trông thật uy võ. Tống Viễn Kiều nói:
- Nếu đã thế, xin đắc tội.
Nói xong tay trái đưa ra, chưởng phải áp vào lòng bàn tay, dùng chiêu Thỉnh Thủ Thức đánh ra, là chiêu số của hậu bối đánh với tiền bối trong quyền pháp của phái Võ Đương.
Ân Thiên Chính thấy ông ta hơi khom lưng cúi mình, có dáng vái chào liền nói:
- Không phải khách khí.
Nói xong hai tay vòng lại, thủ tại tâm khẩu. Cứ theo quyền lý, Tống Viễn Kiều ắt sẽ tiến lên, vươn tay đánh ra, nào ngờ ông ta quả có đánh ra, nhưng lại không tiến về trước. Quyền đó đánh ra, còn cách Ân Thiên Chính đến hơn một trượng. Ân Thiên Chính kinh hãi: "Không lẽ quyền thuật phái Võ Đương lợi hại đến thế sao, đã luyện được Cách Sơn Đả Ngưu thần công chăng?". Ông không dám chậm trễ, vận nội kình lên, tay phải vung ra để gạt quyền lực của Tống Viễn Kiều.
Không ngờ chưởng gạt ra, trước mặt chỉ thấy trống không, không hề đụng phải kình lực nào, trong lòng không khỏi lạ lùng. Lại nghe Tống Viễn Kiều nói:
- Đã ngưỡng mộ võ học cao thâm của tiền bối từ lâu, gia sư vẫn thường ca ngợi. Thế nhưng lúc này tiền bối đã đấu với mấy người liền, vãn bối vẫn còn nguyên sức lực, giao đấu với nhau thì không công bình chút nào. Thôi mình chỉ so sánh chiêu số, không tỉ sức lực.
Ông vừa nói vừa giơ chân đá ra. Cú đá đó cũng chỉ là hư chiêu, còn cách đối phương hơn một trượng nhưng cước pháp tinh diệu, phương vị lạ lùng, quả thực không ai ngờ nổi, nếu như công kích gần bên, quả thực cực kỳ khó chống đỡ. Ân Thiên Chính khen ngợi:
- Hảo cước pháp.
Lấy công làm thủ, múa chưởng tấn công. Tống Viễn Kiều nghiêng người né tránh, trả lại một chưởng. Trong giây lát hai người đánh qua đá lại, đấu cực kỳ hăng hái, nhưng lúc nào cũng vẫn cách nhau hơn một trượng. Tuy chiêu không đụng tới người, toàn là đánh hờ cả, nhưng hai người đều có danh phận, một chiêu nào thất lợi, chiêu nào trội hơn đều tự mình biết cả. Hai người cùng hết tâm hết sức, không dám sơ sẩy chút nào, chẳng khác gì giao đấu đụng chạm thực sự.
Người đứng chung quanh không ít những võ học cao thủ, thấy Tống Viễn Kiều dùng phương pháp nhu khắc cương, quyền cước tung ra thực là nhanh, còn Ân Thiên Chính lúc mở lúc đóng, chiêu số lấy cương làm chủ, nhưng cũng không chậm hơn chút nào. Hai người theo chiêu mà đỡ gạt, khi thủ khi công, tưởng như đang luyện quyền, đánh hờ với nhau nhưng thực ra là đang đấu rất kịch liệt.
Trương Vô Kỵ khi trước thấy Ân Thiên Chính đấu với Trương Tùng Khê và Mạc Thanh Cốc, vì quan hoài an nguy của cả hai bên thân thuộc, nên không chăm chú quan sát chiêu số, lúc này thấy Tống Viễn Kiều và Ân Thiên Chính hai người đứng xa xa đấu với nhau, biết rằng chỉ có chuyện phân thắng bại, chứ không có hiểm nguy sống chết nên hết sức quan sát chiêu số của hai người. Xem một lúc thấy hai người ra chiêu mỗi lúc một nhanh, nhưng càng coi lại càng không hiểu tại sao: "Ông ngoại ta và Tống đại sư bá đều là cao thủ hạng nhất trong võ lâm, nhưng chiêu số đánh ra sao vẫn còn có nhiều sơ hở như thế? Quyền này của ông ngoại đánh xéo về bên trái nửa thước, không phải là trúng ngay ngực Tống đại bá hay sao? Còn trảo kia của Tống đại bá nếu chậm lại một chút, có phải chộp được cánh tay ông ngoại ta rồi ư? Không lẽ hai người cố ý nhường nhau? Thế nhưng xem tình hình thì dường như không phải vậy".
Thực ra Ân Thiên Chính và Tống Viễn Kiều tuy đấu với nhau không đụng chạm, chiêu số không nhường nhau chút nào. Trương Vô Kỵ học được Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp rồi, công phu võ học so với hai người cao hơn một bậc. Thành thử chàng nhìn thấy chiêu số của Ân, Tống hai người có những sơ hở cũng không có gì lạ.
Trương Vô Kỵ có biết đâu rằng chàng vì có Cửu Dương thần công thành thử mới nhìn ra được những chiêu số để có thể khắc chiêu thắng địch nhưng Tống, Ân hai người vì tài nghệ chưa đến mức đó nên không thể nào nghĩ đến chỗ tinh diệu như thế được. Việc đó cũng chẳng khác gì một con chim bay trên cao nhìn thấy con sư tử đánh nhau với con hổ, không thể không nghĩ rằng: "Sao không bay từ trên cao chụp xuống có phải thắng được rồi ư?" Có biết đâu tuy sư tử và hổ báo dẫu là những con vật hung tợn mạnh bạo đứng đầu trong các loài thú nhưng cũng không thể nào bay từ cao nhào xuống được. Trương Vô Kỵ kiến thức chưa đủ nên không nghĩ ra nguyên nhân này.
Bỗng thấy Tống Viễn Kiều chiêu số biến đổi, song chưởng phi vũ tưởng như những bông tuyết bay phất phới mềm mại không một chút lực khí chính là Miên Chưởng của phái Võ Đương. Ân Thiên Chính quát lên một tiếng, đánh ra một quyền. Hai người một bên chí nhu, một bên chí cương đều thi triển tuyệt kỹ của mình. Hai bên sắp gặp nhau, Tống Viễn Kiều chưởng trái đánh ra, còn chưởng phải đánh sau mà tới trước, kế đến chưởng trái xéo xuống, lại từ sau tiến lên. Ân Thiên Chính thấy cả nửa người trên của mình bị chưởng thế của Tống Viễn Kiều bao phủ, rống lên một tiếng, song chưởng đánh ra một chiêu Đinh Giáp Khai Sơn. Hai bên song chưởng song quyền, đều giơ ra trên không, cùng đứng như trời trồng. Hai người sách đến chiêu này, trừ việc tỉ đấu nội lực không còn cách nào khác. Thế nhưng hai người còn cách nhau đến hơn một trượng, bốn cánh tay chỉ hư đấu mà thôi, trông thì có vẻ quái lạ, nhưng nếu đứng gần nhau thì đây là lúc hung hiểm hơn cả.
Tống Viễn Kiều mỉm cười, thu chưởng nhảy về sau nói:
- Quyền pháp của lão tiền bối thực là tinh diệu, bội phục bội phục.
Ân Thiên Chính cũng thu quyền lại, nói:
- Quyền pháp của phái Võ Đương quả nhiên quán tuyệt cổ kim.
Hai người không tỉ đấu nội lực, đấu đến lúc này không còn cách gì có thể tiếp tục, coi như hai bên hòa nhau. Phái Võ Đương tuy còn Du Liên Châu và Ân Lê Đình chưa ra đấu, nhưng thấy mặt Ân Thiên Chính đỏ bừng, trên đầu nhiệt khí bốc lên, biết cuộc đấu vừa qua tuy không hao tổn nội lực, nhưng đối thủ quá cao cường nên cũng phải kiệt tận tâm trí, thấy tình cảnh ông ta như chiếc cung đã giương quá đà, Ân Du dù ai tiến ra thách đấu cũng đều có thể đánh ngã được, được cái tiếng "đánh bại Bạch Mi Ưng Vương". Du Liên Châu và Ân Lê Đình hai người nhìn nhau, đều lắc đầu, nghĩ thầm: "Nhân lúc người ta đang nguy mà tấn công, có thắng cũng không phải là thượng võ".
Thế nhưng Võ Đương nhị hiệp không "thừa nhân chi nguy" nhưng người khác đâu phải ai cũng có phong phạm quân tử như thế. Từ phái Không Động một lão già bé nhỏ nhảy vọt ra, chính là kẻ mới rồi hô hoán lên đốt bài vị giáo chủ Minh giáo, nhẹ nhàng rớt ngay trước mặt Ân Thiên Chính, nói:
- Ta họ Đường muốn đấu chơi với lão Ân.
Giọng nói của y cực kỳ hỗn láo. Ân Thiên Chính liếc một cái, hừ một tiếng, nghĩ thầm: "Lúc bình thường, Ân mỗ có coi Không Động ngũ lão ra gì đâu? Hôm nay hổ xuống đồng bằng đến con chó cũng lờn mặt, một đời anh danh của ta, nếu có chết dưới tay Võ Đương thất hiệp cũng còn được nhưng quyết không thể để cho tên khốn nạn Đường Văn Lượng này được cái danh đó". Tuy toàn thân xương cốt đã nhão nhừ, chỉ muốn nằm lăn ra ngủ một giấc, nhưng hào khí trong người bùng lên, đôi lông mày trắng xóa dựng lên, quát lớn:
- Thằng nhãi kia, tiến chiêu đi.
Đường Văn Lượng biết ông ta nội lực mười phần tiêu hao đến tám chín, chỉ cần đấu một hồi, không cần ra tay đối phương cũng tự ngã xuống, xoa tay một cái, chui tọt ra sau lưng Ân Thiên Chính, phát quyền đánh vào sau lưng. Ân Thiên Chính nghiêng người đánh ngược lại, Đường Văn Lượng lập tức nhảy lùi ra, chân y thật là nhanh nhẹn chẳng khác gì một con khỉ, nhảy nhót không ngừng. Đấu được vài hiệp, Ân Thiên Chính thấy mắt tối sầm, cổ họng mằn mặn, một ngụm máu tươi vọt ra, đứng không vững, ngã chúi xuống.
Đường Văn Lượng mừng rỡ, quát lên:
- Ân Thiên Chính, hôm nay cho ngươi chết dưới quyền của Đường Văn Lượng này.
Trương Vô Kỵ thấy Đường Văn Lượng nhảy lên, từ trên cao đánh xuống, đang toan nhảy ra cứu ông ngoại mình, thấy Ân Thiên Chính tay phải đánh chéo lên, tư thế thực đẹp, chính là sát thủ đối phó với kẻ địch tấn công từ trên xuống, hai người gần nhau như thế, xem ra Đường Văn Lượng không còn cách nào tự cứu. Quả nhiên chỉ nghe lách cách hai tiếng, hai cánh tay Đường Văn Lượng đã bị Ân Thiên Chính thi triển Ưng Trảo Cầm Nã Thủ bẻ gẫy, lại lách cách hai tiếng nữa, hai xương đùi cũng gãy luôn, nghe bình một tiếng, văng ra ngoài mấy thước. Bốn tay chân y bị gãy rồi không sao cử động được nữa. Những người chung quanh thấy Ân Thiên Chính bị thương nặng mà còn thần uy như thế, không ai là không kinh ngạc.
Lão thứ ba trong ngũ lão bị thảm bại như thế, phái Không Động người nào người nấy mặt mày xám ngắt, thấy Đường Văn Lượng nằm bên Ân Thiên Chính nhưng vì khoảng cách quá gần, không một ai dám chạy lên đỡ y về.
Một lúc sau, một gã cao to lưng còng trong phái Không Động hung hăng tiến lên một bước, chân phải hất một hòn đá về phía Ân Thiên Chính, mồm nói:
- Lão Bạch Mi, họ Tông này lên thanh toán món nợ cũ.
Tên này là người thứ hai trong Không Động ngũ lão, tên là Tông Duy Hiệp[8]. Y nói "thanh toán nợ cũ", hẳn là đã từng bị thất thế trong tay Ân Thiên Chính.
Hòn đá bay tới, nghe bốp một tiếng, trúng ngay góc trán Ân Thiên Chính, lập tức máu chảy ròng ròng. Biến cố đó khiến ai nấy giật mình kinh hãi, Tông Duy Hiệp đá viên sỏi nọ đâu có nghĩ rằng sẽ trúng được Ân Thiên Chính, nào ngờ lúc này ông ta đã nửa tỉnh nửa mê, không sao tránh được. Cứ tình thế này, Tông Duy Hiệp chỉ cần đi lên nhấn một ngón tay, cũng đã giết được ông ta rồi.
Tông Duy Hiệp vung tay phải lên, hiên ngang bước tới thì phái Võ Đương một người bước ra, trên người trường bào vải thô, thần tình quê mùa, chính là nhị hiệp Du Liên Châu. Ông hơi lắc mình đã chặn ngay trước mặt Tông Duy Hiệp, nói:
- Tông huynh, Ân giáo chủ đã bị trọng thương, có thắng cũng không mã thượng chút nào, không cần Tông huynh phải nhọc lòng ra tay. Ân giáo chủ với tệ phái có liên hệ thật sâu xa, chuyện này để cho tiểu đệ lo vậy.
Tông Duy Hiệp đáp:
- Cái gì mà trọng thương? Gã này giỏi giả chết lắm, nếu không phải vì y giở trò ma mãnh, Đường tam đệ đâu có bị lọt vào bẫy của y. Du nhị hiệp, quí phái có dây mơ rễ má với y, anh em ta cũng có chuyện qua chuyện lại, để ta đánh y ba quyền cho bõ tức đã.
Du Liên Châu không muốn một đời anh hùng của Ân Thiên Chính lại chết thảm như thế, nghĩ đến Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nên nói:
- Thất Thương Quyền của Tông huynh thiên hạ ai ai cũng biết, Ân giáo chủ hiện như thế này, làm sao chịu nổi ba quyền của Tông huynh?
Tông Duy Hiệp đáp:
- Được rồi, y đánh gãy tứ chi của Đường tam đệ, để ta bẻ gãy bốn tay chân của y lại là xong. Cái đó gọi là báo ứng nhãn tiền nhanh thế đấy.
Y thấy Du Liên Châu hơi chần chừ, liền cao giọng nói:
- Du nhị hiệp, sáu đại môn phái trước khi qua Tây Vực đã thề với nhau, sao hôm nay ngươi lại quay qua bảo vệ thủ lãnh của ma giáo là thế nào?
Du Liên Châu thở dài một tiếng, nói:
- Lúc này để ngươi làm gì thì làm. Về Trung Nguyên rồi, Du mỗ thể nào cũng xin lãnh giáo Thất Thương Quyền thần công của Tông nhị tiên sinh.
Tông Duy Hiệp trong lòng hãi sợ: "Gã họ Du này lại cứ bênh lão họ Ân cho bằng được là sao?". Y đối với phái Võ Đương quả có điều úy kỵ, nhưng trước mắt bao nhiêu người đổ dồn vào, không dám lộ vẻ yếu thế, liền cười nhạt:
- Việc thiên hạ không qua khỏi chữ lý. Phái Võ Đương các ngươi đừng cậy mạnh, cũng đừng ỷ thế hoành hành.
Câu nói đó rõ ràng nói chạm đến Trương Tam Phong. Tống Viễn Kiều liền nói:
- Nhị đệ, mặc kệ y.
Du Liên Châu lớn tiếng nói:
- Thật là anh hùng , thật là hảo hán.
Nói xong lui xuống. Mấy chữ "Thật là anh hùng , thật là hảo hán" dùng để khen ngợi Ân Thiên Chính, mà cũng để mỉa mai Tông Duy Hiệp. Tông Duy Hiệp không muốn gây thù chuốc oán với phái Võ Đương, làm như không nghe, thấy Du Liên Châu vừa bước ra, y liền đi thẳng tới chỗ Ân Thiên Chính. Không Trí đại sư của phái Thiếu Lâm lớn tiếng ra lệnh:
- Các vị phái Hoa Sơn và phái Không Động, xin tru diệt tất cả các dư nghiệt của ma giáo tại đương trường. Phái Võ Đương đi từ tây sang đông lục soát, phái Nga Mi đi từ đông sang tây lục soát, không để ma giáo lọt lưới một người nào. Phái Côn Lôn dự bị củi lửa, thiêu hủy sào huyệt của ma giáo.
Ông ta ra lệnh cho năm phái xong, chắp hai tay nói:
- Đệ tử phái Thiếu Lâm lấy pháp khí ra, tụng niệm kinh văn vãng sinh, để siêu độ cho anh hùng các môn phái cùng giáo chúng ma giáo tuẫn nạn để hóa trừ oan nghiệt.
Mọi người chỉ chờ Tông Duy Hiệp một quyền đánh chết Ân Thiên Chính là công cuộc vi tiễu ma giáo của lục đại môn phái đại công cáo thành. Ngay giờ phút đó, các giáo chúng Minh giáo và Thiên Ưng giáo biết hôm nay là ngày tận số, các giáo đồ ai nấy đều cố gắng ngồi dậy, trừ những người bị trọng thương không thể nào cử động thôi, ai nấy đều ngồi xếp bằng, mười đầu ngón tay xòe ra, chắp tay trên ngực, làm thế lửa cháy bừng bừng, theo Dương Tiêu niệm kinh văn của Minh giáo:
Thiêu đốt thân tàn ta,
Hỏa thánh bốc bừng bừng.
Khi sống có gì vui,
Thì chết có gì khổ?
Nguyện hành thiện trừ ác,
Cốt sao cho quang minh.
Bao hỉ lạc bi sầu,
Cũng đều thành cát bụi.
Thương thay cho con người,
Lo buồn sao lắm vậy.
Thương thay cho con người,
Lo buồn sao lắm vậy.
Minh giáo từ Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu, Thuyết Bất Đắc trở xuống, Thiên Ưng giáo từ Lý Thiên Viên trở xuống, cho tới cả đầu bếp, giúp việc, ai nấy thần thái trang nghiêm, không một ai vì việc thân tử, giáo diệt mà tỏ vẻ sợ hãi. Không Trí đại sư chắp tay niệm:
- Thiện tai, thiện tai.
Du Liên Châu nghĩ thầm: "Mấy câu kinh văn này, có lẽ giáo chúng ma giáo trước khi chết tụng niệm. Bọn họ không niệm cái chết của chính mình, lại thương người đời đa ưu đa hoạn, thực là lòng dạ rộng rãi đại nhân đại nghĩa. Năm xưa người sáng lập ra Minh giáo, quả thực siêu việt hơn người. Chỉ tiếc rằng truyền đến đời sau, lại thành một bọn chuyên làm chuyện tàn ác sai trái mà thôi".
Trương Vô Kỵ trước các cao thủ của lục đại môn phái vốn dĩ e ngại, nên lừng chừng không dám bước ra, tới lúc Không Trí hạ lệnh giết sạch người trong ma giáo, còn Tông Duy Hiệp thì hung hăng đi tới phía ông ngoại mình, chàng không còn suy nghĩ thiệt hơn gì nữa, lập tức tiến ra, chặn trước mặt Tông Duy Hiệp, nói:
- Hãy khoan động thủ. Ông ra tay đánh một người đang bị thương nặng, không sợ thiên hạ anh hùng chê cười hay sao?
Mấy câu nói đó thanh âm vang động toàn trường. Người các môn phái nhận lệnh của Không Trí đại sư, đang định việc ai nấy làm, đột nhiên nghe thấy mấy câu nói đó, tất cả đều dừng bước, quay đầu lại nhìn chàng. Tông Duy Hiệp thấy người nói câu này là một thanh niên lam lũ, chẳng coi vào đâu, giơ tay đẩy ra, định gạt chàng sang một bên cho dễ bề đánh chết Ân Thiên Chính.
Trương Vô Kỵ thấy y giơ tay đẩy tới, thuận tay gạt ra một chưởng, nghe bình một tiếng, Tông Duy Hiệp lùi lại ba bước. Y cố gượng lại, chỉ thấy chưởng lực của đối phương hùng hồn vô cùng, chân lảo đảo không vững. Cũng may công phu hạ bàn của y khá cứng cỏi, tuy nửa người trên ngã ngửa, nhưng vội vàng nhấn chân phải một cái, nhảy vọt về sau, mượn sức tung mình xa hơn một trượng. Khi rơi xuống đất rồi, chưởng lực đó cũng chưa tiêu giải, khiến y lại phải lật đật lùi thêm bảy tám bước nữa mới đứng lại được. Sự việc xảy ra khiến y và Trương Vô Kỵ cách nhau đến hơn ba trượng. Trong bụng y vừa sợ vừa tức, còn người bên ngoài không ai hiểu nổi, đều nghĩ thầm: "Lão Tông Duy Hiệp làm trò ma quỉ gì đây, sao lại vừa lùi vừa nhảy, nhảy rồi lại lùi, thế là cái quái gì?". Chính bản thân Trương Vô Kỵ cũng không ngờ rằng mình chỉ nhẹ nhàng phẩy ra một chưởng, lại có uy lực dường ấy.
Tông Duy Hiệp ngơ ngẩn xuất thần, lập tức hiểu ra, nhìn Du Liên Châu trừng trừng giận dữ, quát lớn:
- Đại trượng phu quang minh lỗi lạc, sao lại đánh lén người khác?
Y cho rằng Du Liên Châu ám trung tương trợ, xem chừng toàn thể Võ Đương chư hiệp cùng ra tay, nếu không sức một người, không thể nào có kình đạo mãnh liệt như thế được. Du Liên Châu không ngờ y nói một câu như thế, cũng trừng mắt nhìn lại y, mắng thầm: "Ngươi bày đặt làm trò, tính chuyện gì đây?".
Tông Duy Hiệp lại hung hăng tiến lên, chỉ vào Trương Vô Kỵ quát hỏi:
- Tiểu tử, ngươi là ai?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Tôi tên Tăng A Ngưu.
Chàng vừa nói vừa đưa tay để lên Linh Đài huyệt trên lưng Ân Thiên Chính, đem nội lực cuồn cuộn đổ vào. Cửu Dương Chân Khí của chàng cực kỳ hồn hậu, Ân Thiên Chính chỉ rùng mình mấy cái, lập tức mở mắt ra, nhìn thấy thanh niên nọ lòng thật lạ lùng. Trương Vô Kỵ nhìn ông mỉm cười, càng tống thêm nội lực.
Chỉ trong giây lát, Ân Thiên Chính thấy những nơi bị tắc nghẽn trên ngực và đan điền đều thông suốt không còn gì ngăn trở, hạ giọng nói:
- Đa tạ tiểu hữu.
Ông đứng thẳng dậy, ngạo nghễ nói:
- Họ Tông kia, Thất Thương Quyền của phái Không Động có gì ghê gớm, để ta tiếp ngươi ba quyền.
Tông Duy Hiệp đâu ngờ được lão già này bây giờ thần hoàn khí túc đứng lên, thấy chuyện không còn dễ dàng như khi trước, e ngại Ưng Trảo Cầm Nã Công của ông ta, liền nói:
- Lẽ dĩ nhiên Thất Thương Quyền của phái Không Động không có gì ghê gớm, ngươi thử tiếp ta ba chiêu Thất Thương Quyền thôi.
Y tính rằng Ân Thiên Chính nếu không sử dụng cầm nã thủ, chỉ đấu quyền chưởng, nội lực, mình dĩ dật đãi lao, có thể dùng nội kình Thất Thương Quyền để thủ thắng. Trương Vô Kỵ thấy y lại đề cập đến ba chữ Thất Thương Quyền , nghĩ đến năm xưa trên Băng Hỏa đảo, buổi tối hôm đó nghĩa phụ lay y tỉnh dậy, kể chuyện dùng Thất Thương Quyền đánh chết Không Kiến thần tăng, về sau ông ta lại bắt mình học thuộc quyền quyết của Thất Thương Quyền, vì nhất thời không nhớ được nên đã đánh mình mấy cái bạt tai. Bấy giờ quyền quyết đó lưu chuyển trong đầu, lập tức minh bạch đạo lý ở bên trong.
Nên biết tất cả các loại nội công trong thiên hạ đều không vượt qua được Cửu Dương thần công, còn Càn Khôn Đại Na Di là phương pháp vận kình sử lực, là tập đại thành của mọi môn võ công. Nhất pháp thông, vạn pháp thông, thành thử mọi môn công phu trước mắt chàng giờ này không còn gì bí áo.
Lại nghe Ân Thiên Chính nói:
- Cứ gì ba quyền, để ta tiếp ngươi ba chục quyền đã làm sao nào?
Ông quay đầu lớn tiếng nói với Không Trí:
- Không Trí đại sư, họ Ân này chưa chết, cũng chưa chịu thua, ông nói ra mà không giữ lời, định lấy đông người để thắng hay sao?
Không Trí xua tay nói:
- Được rồi, tất cả xin chờ giây lát, có đáng gì đâu?
Thì ra khi Ân Thiên Chính lên trên Quang Minh Đính, thấy bọn Dương Tiêu ai nấy đều bị thương nặng, bên mình thế lực đơn bạc, nên đã dùng lời chặn trước Không Trí, không để thành thế hỗn chiến. Không Trí cũng theo qui củ võ lâm, nên bằng lòng theo lối đánh từng trận một. Kết quả các đường, các đàn của Thiên Ưng giáo, Ngũ Hành Kỳ của Minh giáo, cả đến các thuộc hạ của Dương Tiêu trên Quang Minh Đính bao gồm các hảo thủ trong Thiên Địa Phong Lôi tứ môn, ai không chết thì bị thương, sau cùng chỉ còn một mình Ân Thiên Chính. Thế nhưng ông ta vẫn chưa chịu thua, nên bên kia vẫn chưa thể tiến lên tàn sát.
Trương Vô Kỵ biết ông ngoại mình so với trước có khá hơn, nhưng không có thể vận kình sử lực, sở dĩ muốn tiếp quyền chiêu của Tông Duy Hiệp, chỉ vì hết sức hộ giáo, đến chết mới thôi, nên hạ giọng nói:
- Ân lão tiền bối, để cho tại hạ đấu trước, nếu vãn bối không xong, lão tiền bối hãy ra tay.
Ân Thiên Chính đã thấy chàng nội lực hùng hậu vô cùng, chính mình khi chưa bị thương, cũng còn kém xa, nghĩ đến mình vì Minh giáo mà chết, là chuyện đương nhiên, còn thanh niên này không hiểu liên can thế nào, dù bản lãnh cao cường đến mấy cũng không thể từng người từng người đánh bại, hết cao thủ này đến cao thủ khác, sau cùng rồi cũng đến trọng thương kiệt lực để cho người ta giết như mình thôi. Một kẻ thiếu niên anh tài, việc gì phải chết trên Quang Minh Đính làm chi? Nghĩ thế bèn hỏi:
- Tiểu hữu là môn hạ của vị nào thế, xem ra không phải giáo đồ bản giáo, phải không?
Trương Vô Kỵ cung kính cúi mình nói:
- Vãn bối không thuộc Minh giáo, cũng không thuộc Thiên Ưng giáo, nhưng đối với lão tiền bối có lòng kính mến đã lâu, hôm nay cùng tiền bối sánh vai cự địch, là điều nên làm.
Ân Thiên Chính lạ lùng, đang định hỏi thêm, Tông Duy Hiệp đã hung hăng tiến lên, quát lớn:
- Họ Ân kia, quyền thứ nhất của ta đây.
Trương Vô Kỵ nói:
- Ân lão tiến bối bảo ngươi không xứng đáng tỉ quyền với ông ta, ngươi phải thắng ta đã, rồi sau động thủ với lão nhân gia cũng chưa muộn.
Tông Duy Hiệp giận quá, quát lớn:
- Thằng nhãi kia ngươi là hạng người gì? Để ta cho ngươi biết Thất Thương Quyền của phái Không Động lợi hại dường nào.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Hôm nay phải làm sao nói toạc âm mưu gian trá của tên ác tặc Viên Chân, mới có thể có cách để cho hai bên bãi chiến, chứ chỉ một cách động thủ ra chiêu, một mình ta sao đánh lại bao nhiêu anh hùng của sáu môn phái? Huống chi các sư bá sư thúc trong phái Võ Đương có mặt ở đây, làm sao ta có thể coi những vị đó là địch được?". Chàng nghĩ vậy bèn lớn tiếng trả lời:
- Thất Thương Quyền của phái Không Động thật là lợi hại, tại hạ đã nghe tiếng từ lâu. Không Kiến đại sư, thần tăng của phái Thiếu Lâm chẳng phải táng mạng vì Thất Thương Quyền của quí phái hay sao?
Câu đó của chàng nói ra, cả phái Thiếu Lâm ai nấy đều rúng động. Ngày hôm đó Không Kiến đại sư chết ở Lạc Dương, trên người xương cốt đều bị gãy nát, bên ngoài không có thương tích gì, thật giống bị độc thủ Thất Thương Quyền của phái Không Động. Khi đó Không Văn, Không Trí, Không Tính tam tăng mật nghị mấy ngày liền, xem ra phái Không Động hiện giờ không có cao thủ tuyệt đỉnh để có thể đánh chết được người đã luyện được Kim Cương Bất Hoại Thể thần công như Không Kiến sư huynh. Tuy thương thế của Không Kiến có làm cho người ta nghi ngờ, nhưng phái Không Động không thể làm nổi. Về sau Không Trí lại cùng các đệ tử kín đáo điều tra, biết được khi Không Kiến đại sư viên tịch ở Lạc Dương, Không Động ngũ lão đều ở vùng tây nam cả. Còn nếu không phải do Không Động ngũ lão làm, phái Không Động không còn cao thủ nào khác có thể giết nổi Không Kiến, nên mối hồ nghi đối với phái Không Động cũng bỏ qua. Huống chi khi đó ngoài tường của khách điếm ở Lạc Dương có viết mười hai chữ lớn "Thành Côn giết Không Kiến thần tăng ở dưới chân tường này", phái Thiếu Lâm về sau biết được Tạ Tốn đã mạo danh Thành Côn gây ra bao nhiêu huyết án, nên hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa. Đến lúc này các cao tăng nghe Trương Vô Kỵ nói như thế đều giật mình.
Tông Duy Hiệp giận dữ nói:
- Không Kiến đại sư bị ác tặc Tạ Tốn sát hại, trên giang hồ ai ai cũng biết, có liên can gì đến phái Không Động đâu?
Trương Vô Kỵ nói:
- Tạ tiền bối đánh chết Không Kiến thần tăng, ông có chính mắt nhìn thấy không? Ông đứng một bên quan sát hay sao? Hay là đứng bên cạnh để yểm trợ?
Tông Duy Hiệp nghĩ thầm: "Thằng này ăn mày không ra ăn mày, chăn trâu không ra chăn trâu, sao lại đến quấy rầy mình? Chắc là do phái Võ Đương sai khiến, cố khuấy động cho hai phái Không Động và phái Thiếu Lâm bất hòa với nhau. Ta phải đối phó cẩn thận, đừng để lọt vào cái bẫy của họ". Nghĩ thế nên dẫu y không coi Trương Vô Kỵ ra gì, nhưng cũng nghiêm mặt đáp:
- Không Kiến thần tăng táng mệnh tại Lạc Dương, khi đó Không Động ngũ lão là khách ở phủ của Liễu đại hiệp phái Điểm Thương tại Vân Nam. Làm sao bọn ta lại có thể chính mắt trông thấy chuyện đó được?
Trương Vô Kỵ lớn tiếng nói:
- Hay nhỉ, khi đó ông đang ở Vân Nam, sao lại thấy được Tạ tiền bối giết chết Không Kiến đại sư? Vị thần tăng này chết vì Thất Thương Quyền của phái Không Động ai ai cũng đều biết. Tạ tiền bối không phải là người của phái Không Động, tại sao ông lại giá họa cho người ta?
Tông Duy Hiệp nói:
- Hừ, nơi Không Kiến thần tăng viên tịch có viết "Thành Côn giết Không Kiến thần tăng ở dưới chân tường này" mười hai chữ bằng máu. Tạ Tốn mạo tên sư phụ y, đến đâu cũng gây ra huyết án, thì còn gì mà phải nghi nữa?
Trương Vô Kỵ giật mình: "Nghĩa phụ ta đâu có nói là đã viết tại bức tường những chữ này. Sau mười ba quyền đánh chết Không Kiến thần tăng rồi, trong lòng buồn bã hối hận vô cùng, đâu còn lòng dạ nào mà viết những chữ giá họa đó nữa". Chàng bèn ngửa cổ lên cười ha hả, nói:
- Những chữ đó ai viết mà chẳng được? Trên tường có hàng chữ đó, ai là người chính mắt nhìn thấy Tạ tiền bối viết đâu? Tại hạ bảo là những chữ đó phái Không Động viết cũng được chứ sao? Viết chữ thì dễ, luyện Thất Thương Quyền mới khó.
Chàng quay lại nói với Không Trí:
- Không Trí đại sư, lệnh sư huynh đúng là bị hại về quyền lực Thất Thương Quyền của phái Không Động, có phải không? Kim Mao Sư Vương Tạ tiền bối không phải là người phái Không Động, có phải không?
Không Trí chưa kịp trả lời, đột nhiên một nhà sư cao lớn mặc đại hồng cà sa lướt ra, tay cầm một cây thiền trượng màu vàng sáng lấp lánh dộng xuống đất một cái, lớn tiếng quát:
- Tiểu tử, ngươi là người của môn phái nào? Ngươi làm gì mà dám nói chuyện tay đôi với sư phụ ta?
Tăng nhân đó vai gồ lên, ăn nói giọng như đang lên cơn suyễn, chính là Viên Âm của phái Thiếu Lâm. Năm xưa phái Thiếu Lâm dẫn nhau lên trên núi Võ Đương vấn tội, chính y là người nằng nặc nói là chính mắt thấy Trương Thúy Sơn giết đệ tử Thiếu Lâm. Khi đó Trương Vô Kỵ lòng đầy bi phẫn, ghi nhớ tất cả những người có mặt, lúc này vừa thấy y, trong người nhiệt huyết trào lên, mặt đỏ bừng, thân mình hơi hơi run rẩy, bụng thầm nói: "Trương Vô Kỵ, Trương Vô Kỵ, đại sự hôm nay là làm sao điều giải oán cừu giữa lục đại môn phái và Minh giáo, không thể nào vì một chút tư hiềm, làm cho tình hình trở nên khó giải quyết hơn, những chuyện cũ của phái Thiếu Lâm, để ngày sau thanh toán cũng chưa muộn". Tuy trong lòng chàng suy tính rõ ràng như thế, nhưng từ khi Viên Âm chường mặt ra tình trạng chết thảm của cha mẹ, bỗng hiện rõ ngay trước mắt, khiến nước mắt trào lên, tưởng chừng không thể nào tự chế nổi.
Viên Âm cầm thiền trượng dộng xuống đất một cái nữa, quát lớn:
- Tiểu tử kia, ngươi là yêu nghiệt của ma giáo thì mau mau vươn cổ chịu chém, còn nếu không phải thì xuống núi đi, đừng để những người xuất gia lòng dạ từ bi chúng ta phải ra tay.
Y thấy Trương Vô Kỵ mặc quần áo không giống người trong Minh giáo, lại tưởng lầm việc chàng cố gắng nín nhịn là thái độ sợ hãi, nên mới nói mấy câu đó. Trương Vô Kỵ nói:
- Quí phái có một vị Viên Chân đại sư, phải không? Mời ông ta ra đây, tại hạ có vài câu muốn hỏi.
Viên Âm đáp:
- Viên Chân sư huynh? Lào sao ông ta nói chuyện với ngươi được? Ngươi mau mau ra đằng khác, bọn ta đâu có thì giờ để nói chuyện tào lao với một đứa nhà quê như ngươi. Ngươi thực ra là môn hạ của người nào?
Y thấy Trương Vô Kỵ chỉ một chưởng đánh Tông Duy Hiệp, người trong Không Động ngũ lão phải thoái lui liền mấy bước, liệu rằng sư phụ của y không phải tầm thường, nên lại hỏi thêm lần nữa, nếu không giờ phút đồ diệt Minh giáo sắp sửa thành công việc gì phải phí thì giờ đôi co với gã thiếu niên lai lịch mù mờ này làm gì.
Trương Vô Kỵ nói:
- Tại hạ không phải người trong Minh giáo, cũng không phải là môn hạ của một môn phái nào ở Trung Nguyên. Lần này lục đại môn phái vây công Minh giáo chính là vì bị kẻ gian xúi bẩy, bên trong có một hiểu lầm rất lớn, tại hạ tuy tuổi còn nhỏ, nhưng lại hiểu được đầu dây mối nhợ, nên mạo muội đứng ra xin hai bên bãi chiến, tra xét rõ nội tình, bên nào phải, bên nào trái, lúc đó phán đoán một cách công minh.
Lời chàng vừa dứt, trong sáu môn phái nổi lên tiếng cười vang động, ha ha, hô hô, hi hi, khà khà ... đủ mọi loại. Có mấy chục người còn lên tiếng chế nhạo:
- Thằng nhãi này bị mất trí điên khùng, nói năng lếu láo, bậy bạ quá.
- Nó tưởng nó là hạng người gì? Là Trương chân nhân của phái Võ Đương hay sao? Hay là Không Văn thần tăng của phái Thiếu Lâm? Ha ha, ha ha.
- Chắc nó nằm mơ lấy được bảo đao Đồ Long nên trở thành võ lâm chí tôn rồi.
- Nó tưởng bọn mình là trẻ con lên ba, ha ha, cười đến đau cả bụng.
- Sáu đại môn phái chết bao nhiêu người, nợ máu của ma giáo rộng như biển, hì hì, nó tưởng chỉ nói vài câu là tất cả bọn mình rút lui hết ...
Chỉ có Chu Chỉ Nhược của phái Nga Mi lông mày nhíu lại, lặng thinh không nói. Hôm đó nàng cùng Trương Vô Kỵ hai bên nhận ra nhau, biết được chàng là người đã từng gặp gỡ trên sông Hán Thủy, trong lòng nhớ lại chuyện xưa, sau lại thấy chàng vì nghĩa đứng ra cứu người của Nhuệ Kim Kỳ, chịu cho sư phụ của nàng đánh ba chưởng, càng thêm khâm phục, bây giờ nghe chàng không lượng sức mình nói mấy câu, lại nghe mọi người ùa lên châm chọc, không khỏi đau lòng.
Trương Vô Kỵ đứng ngay đương trường, ngang nhiên nhìn chung quanh bốn bề, lớn tiếng nói:
- Chỉ cần Viên Chân đại sư của phái Thiếu Lâm ra đây, cùng tại hạ đối chất mấy câu, gian mưu y an bài sẽ rõ cả.
Ba câu đó từng chữ từng chữ nói ra, tuy mấy trăm người đang cười nói, nhưng ai ai cũng nghe thật rõ ràng. Các cao thủ của lục đại phái người nào cũng giật mình, sự khinh thị trong lòng giảm đi mấy phần, nghĩ thầm: "Tiểu tử này tuổi tuy còn nhỏ, sao nội lực lại thâm hậu đến thế?".
Viên Âm đợi tiếng cười của mọi người lắng xuống, hổn ha hổn hển nói:
- Thằng nhãi thối tha kia sao xảo trá thế, biết rõ Viên Chân sư huynh không thể nào cùng ngươi đối chất được, nên đòi gọi ra nói chuyện? Sao ngươi không gọi Trương Thúy Sơn của phái Võ Đương ra đối chất có được không?
Câu cuối cùng của y vừa khỏi miệng, Không Trí lập tức quát lên:
- Viên Âm, ăn nói phải giữ mồm giữ miệng.
Thế nhưng các phái Hoa Sơn, Côn Lôn, Không Động đã có nhiều người cười hô hố. Chỉ có phái Võ Đương ai nấy mặt sầm hẳn xuống, không nói một lời. Thì ra con mắt bên phải của Viên Âm bị Ân Tố Tố dùng ám khí bắn mù bên bờ hồ năm xưa, y vẫn nghĩ là do Trương Thúy Sơn hạ độc thủ, lúc nào cũng hậm hực trong lòng. Trương Vô Kỵ thấy y làm nhục đến cha mình, giận không để đâu cho hết, lớn tiếng quát:
- Tên húy của Trương ngũ hiệp sao ngươi được đem ra nói năng láo lếu? Ngươi ... ngươi ...
Viên Âm cười khẩy đáp:
- Trương Thúy Sơn tự mình sa đọa, bị yêu nữ của ma giáo mê hoặc, hiếu sắc mới bị quả báo ...
Trương Vô Kỵ trong bụng vẫn tự răn mình: "Hôm nay mình cốt để làm sao hai bên bãi đấu, ta nhất quyết không thể nào ra tay giết người được". Thế nhưng khi nghe đến mấy câu này, làm sao có thể nhịn nổi? Chàng nhảy vọt tới, tay trái vươn ra, chộp cổ Viên Âm xách lên, tay phải cướp luôn thiền trượng trong tay nhà sư, vung lên toan đánh xuống đầu y. Viên Âm bị chàng nắm chặt, chẳng khác gì con gà con bị diều hâu bắt được, không có một chút sức nào chống trả.
Trong đám người của phái Thiếu Lâm lập tức có hai người xông ra, hai thanh thiền trượng chia ra đánh vào hai bên tả hữu Trương Vô Kỵ, chính là phương pháp cao minh trong võ học dùng trong trường hợp phải cứu người, gọi là Vi Ngụy Cứu Triệu, người bị tấn công không thể không quay về tự cứu mình, giải vây cho người đồng bọn bị nguy khốn. Hai người xông ra cứu đó chính là Viên Tâm, Viên Nghiệp. Trương Vô Kỵ tay trái vẫn nắm Viên Âm, tay phải cầm thiền trượng, nhảy vọt lên, hai chân chia ra đá luôn vào thiền trượng của nhị tăng cầm trong tay, chỉ nghe bốp bốp, cả hai người đều ngã ngửa. Cững may võ công cả Viên Tâm, Viên Nghiệp đều vào loại khá, lâm nguy bất loạn, hai tay vận lực đẩy ra, thành thử hai chiếc thiền trượng đúc bằng thép pha vàng nặng mấy chục cân kia không bật trở lại đập ngược vào người mình.
Mọi người kinh hoảng kêu lên, chỉ thấy Trương Vô Kỵ tay nắm thân hình cao to của Viên Âm lượn một cái nhẹ nhàng đáp xuống đất. Trong lục đại phái có bảy tám người buột miệng kêu lên:
- Thê Vân Túng của phái Võ Đương.
Trương Vô Kỵ từ bé theo cha cùng thái sư phụ, các sư bá sư thúc, tuy võ công của phái Võ Đương chỉ học có ba mươi hai thức nhập môn Võ Đương Trường Quyền, nhưng những gì trông thấy nghe thấy không phải là ít, bây giờ luyện thành Càn Khôn Đại Na Di thần công rồi, dù võ công môn phái nào cũng có thể đem ra dùng được. Công phu của phái Võ Đương chàng đã thấm nhập trong lòng nhiều hơn cả, nên lúc này không nghĩ ngợi gì liền đem ra ứng dụng ngay môn khinh công trứ danh Thê Vân Túng. Du Liên Châu, Trương Tùng Khê nếu muốn nhảy lên như thế, ở trên không lượn thêm mấy vòng, rồi hạ xuống quả thực không khó khăn gì, tư thức còn tiêu dật hơn là khác. Thế nhưng một bên tay nắm một hòa thượng to béo, một bên tay cầm một thanh thiền trượng nặng nề, mà thân hình vẫn nhẹ nhàng như cánh én, thì không thể nào làm nổi.
Các nhà sư Thiếu Lâm lúc này đã cách xa chàng đến bảy tám trượng, thấy Viên Âm bị chàng nắm ngay yếu huyệt, không còn động đậy gì được, chàng chỉ giơ thiền trượng lên là đánh đầu Viên Âm nát như tương, trong một chớp mắt đó chạy lên cứu thì không kịp nữa. Chỉ còn một cách duy nhất là bắn ám khí, nhưng Trương Vô Kỵ chỉ cần giơ Viên Âm ra đỡ, mượn dao giết người, lại hại ngược đến tính mạng y. Tuy có những cao thủ tuyệt đính như Không Trí, Không Tính ở bên, nhưng biến cố đó xảy ra nhanh quá, không thể ngờ rằng thanh niên này lại có thân thủ như thế, nên ai nấy trở tay không kịp. Chỉ thấy chàng nghiến răng, mặt đầy thù hận, giơ thiền trượng lên, người trong phái Thiếu Lâm có kẻ nhắm mắt lại không dám nhìn, người thì toan xông ra phục thù cho Viên Âm.
Nào ngờ thiền trượng trong tay Trương Vô Kỵ không đánh xuống, tưởng như trong lòng có điều gì chưa quyết định được, gương mặt chàng từ từ dịu lại, chầm chậm buông Viên Âm ra.
Thì ra trong một giây phút ngắn ngủi, chàng đã nén được nộ khí trong lòng, nghĩ thầm: "Nếu như ta đánh chết một người nào trong lục môn phái, ta liền trở thành kẻ thù của họ, không còn cách nào đứng làm trung gian để giảng hòa được nữa. Vụ thảm sát trong võ lâm không còn cách nào hóa giải, có phải là rơi vào gian kế của ác tặc Thành Côn hay sao? Dù cho họ có chửi ta, mắng ta, đánh ta giết ta cách nào, ta cũng phải nhẫn nại gắng chịu, mới thực là đi đúng con đường trả thù cho cha mẹ và nghĩa phụ".
Chàng nghĩ được như thế rồi, nên buông Viên Âm, thủng thẳng nói:
- Viên Âm đại sư, mắt ông không phải do Trương ngũ hiệp bắn mù đâu, chẳng nên ghi nhớ mối hận trong lòng. Huống chi Trương ngũ hiệp đã tự vẫn chết đi rồi, bao nhiêu oán cừu cũng đều hóa giải cả. Đại sư là người xuất gia, tứ đại giai không, sao lại để chuyện cũ khắc khoải không quên là sao?
Viên Âm chết đi sống lại, thẫn thờ nhìn Trương Vô Kỵ, không nói nên lời, thấy chàng đem thiền trượng giao trả lại, tự nhiên giơ tay nhận lấy, cúi đầu lui về, cảm thấy bao nhiêu oán hận tích chứa lâu nay, dường như có điều không phải.
Các cao tăng chùa Thiếu Lâm, chư hiệp phái Võ Đương nghe Trương Vô Kỵ nói mấy câu đó, đều thầm gật đầu.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Đích thân phu nhân mở ra.
[2] Đính Thiên có nghĩa là đội trời.
[3] còn gọi là đinh tấn, một chân cong tượng cho cây cung, một chân thẳng tượng cho mũi tên.
[4] nếu ý chí kiên định cố gắng thì dù vàng đá cũng phải mở.
[5] Muôn ngọn núi chầu về nguồn.
[6] người thật là khôn ngoan thì làm như ngu xuẩn, kẻ thật là khéo léo thì xem như vụng về.
[7] Câu trích trong Tả Truyện nghĩa là Một việc đã sai lầm thì không nên tái phạm (nguyên văn là vị thậm, Kim Dung lại viết là vi thậm).
[8] Bản cũ dịch là Tôn Duy Hiệp, nhưng đúng ra phải đọc là Tông. Triều Nguyễn vì kiêng tên húy của vua Thiệu Trị (Miên Tông) nên đọc trại thành Tôn (tông thất thành tôn thất, tông chỉ thành tôn chỉ ...).
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ỷ Thiên Đồ Long Ký.