• 354

Chương 38: Miệng Chặt Bút Chém


Số từ: 3496
Nguồn: Sưu Tầm
Thi Kinh Mặc hỏi :
- Dùng bút mà giết được người ư?
Tạ Hiểu Phong hỏi lại :
- Ông không tin à?
Thi Kinh Mặc bảo :
- Tôi...
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Ở bàn kia có bút mực, sao ông không tới thử xem sao!
Thi Kinh Mặc hỏi :
- Thử thế nào?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Chỉ cần ông tới viết ba chữ là có thể đưa người đó vào chỗ chết!
Thi Kinh Mặc hỏi :
- Ba chữ gì?
Tạ Hiểu Phong đáp :
- Ba chữ tên người đó!
Thi Kinh Mặc ngẩng đầu, ngạc nhiên nhìn Tạ Hiểu Phong. Cho tới tận giờ ông ta mới phát hiện ra đứng trước mặt mình là một người sắp chết nhưng vẫn mang trong mình một sức mạnh thần bí đáng sợ bất kỳ lúc nào cũng có thể làm được những việc người khác không làm nổi.
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Mau tới viết đi! Viết xong cứ việc dán kín lại rồi đưa cho ta, ta bảo đảm không có ai tiết lộ bí mật của ông đâu!
Cuối cùng Thi Kinh Mặc cũng đứng dậy đi tới đó, nhấc bút lên... Con người này có sức mạnh quả thực đã ra lệnh thì không sao kháng cự nổi, mà cũng không dám kháng cự. Lời người này đã nói Thi Kinh Mặc không thể không tin! Dán kín phong thư lại trao tận tay Tạ Hiểu Phong. Trong thư chỉ có một tờ giấy, một cái tên người! Tạ Hiểu Phong bảo :
- Trừ ông ra, tôi bảo đảm không có ai biết trong thư này viết tên ai!
Thi Kinh Mặc gật đầu. Bộ mặt xanh lướt do quá phấn khởi lo lắng mà méo xệch đi.
Ông ta không nén được phải hỏi :
- Rồi sau thì sao?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Rồi sau chỉ có một người có thể xem được tên này.
Thi Kinh Mặc hỏi :
- Người nào?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Một người tuyệt đối có thể giữ được bí mật cho ông!
Chàng quay lại đối diện với
chú em
:
- Ngươi dĩ nhiên phải đoán được người ấy là ngươi chứ?

Chú em
đáp :
- Phải!
Gã chìa tay đón lấy bức thư từ tay Tạ Hiểu Phong. Tay gã cũng vững vàng như tay Tạ Hiểu Phong.
Mọi người ở đó trên nét mặt không hiểu biểu lộ sự kính trọng hay sợ hãi?
Một bức thư, một tờ giấy, một tên người... chỉ vẻn vẹn có thế mà trong loáng mắt đã có thể định được việc sống chết của một con người! Hai người này là ai? Sao có quyền lực đến như vậy?
Trên trán Thi Kinh Mặc mồ hôi lạnh ứa ra to như hạt đậu bỗng ông ta xông tới giật phong thư trên tay
chú em
vo viên lại thành một cục, đút vào mồm nhai vụn nát, nuốt đi xong bắt đầu nôn ọe không ngừng.
Tạ Hiểu Phong lạnh lùng nhìn ông ta nhưng không ngăn cản.
Trên mặt
chú em
lại càng chẳng có biểu hiện tình cảm nào. Đợi đến khi Thi Kinh Mặc ngừng nôn ọe rồi Tạ Hiểu Phong mới lạnh lùng bảo :
- Ông không nỡ để người ấy chết ư?
Thi Kinh Mặc lắc đầu quầy quậy, nước mắt lẫn mồ hôi lạnh đồng thời rơi xuống.
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Ông đã thù đến tận xương tủy cớ sao còn không nỡ để người ấy chết?
Thi Kinh Mặc lúng túng :
- Tôi... tôi...
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Ở kia còn giấy bút, tôi vẫn có thể cho ông một cơ hội nữa!
Thi Kinh Mặc lắc đầu quầy quậy bảo :
- Tôi giờ thật không muốn người ấy chết nữa, thật sự không muốn nữa!
Tạ Hiểu Phong cười bảo :
- Té ra ông hận người ta cũng chưa đến nỗi như ông tưởng tượng đâu!
Chàng mỉm cười đỡ Thi Kinh Mặc cơ hồ ngồi rũ liệt trên mặt đất đứng dậy bảo :
- Dù thế nào đi nữa ông mong có cơ hội để giết người ta nhưng rồi lại bỏ qua không giết nữa. Chỉ nghĩ được thế lòng ông cũng cảm thấy dễ chịu hơn nhiều!
Trong nhà rất tối nhưng mặt Tạ Hiểu Phong tựa hồ phát ra ánh sáng.
Mọi người không nén nổi bất giác cùng nhìn chàng mà lộ đầy vẻ kính nể chứ không có chút gì sợ hãi.
Một bức thư, một tờ giấy, một tên người... chỉ trong thoáng chốc đã hóa giải được tâm lý căm thù oán giận trong lòng một con người suốt bao nhiêu năm tháng... Thật sự ra Tạ Hiểu Phong là người thế nào, sao lại có sức mạnh thần kỳ làm vậy?
Rót đầy chén rượu, mọi người lặng lẽ nâng chén uống cạn. Ai cũng hiểu rõ chén rượu này mình uống vì ai. Cho dù chỉ còn có ba ngày thôi, nhưng trong ba ngày ngắn ngủi ấy chàng sẽ làm được bao nhiêu việc nữa?
Tạ Hiểu Phong thở ra thật dài và cười càng vui vẻ. Qua một lát sau chàng càng cảm thấy hài lòng hơn.
Chàng rất thích rượu ngon, rất vui vì những người khác kính trọng mình. Những việc như hai việc vừa rồi chàng gạt bỏ đi đã lâu nhưng bây giờ lại khiến toàn thân chàng dần dần ấm áp lại.

Phải đi thôi! Sớm muộn gì cũng phải đi thôi!

Chàng nhìn mọi người :
- Giờ các người không còn chuyện gì cần thiết để giữ ta ở lại nữa chứ?

Chú em
lại nâng chén uống một hơi cạn sạch, sau đó mới nói rành rọt từng tiếng :
- Không còn! Đương nhiên không còn gì nữa!
Mọi người lại cùng nhau nâng chén uống cạn, trong khi uống từng người đều nhìn Tạ Hiểu Phong mà uống.
Chỉ có Giản Truyền Học vẫn cứ cúi đầu, bỗng gã hỏi :
- Giờ có phải ông đã phải ra đi không?
Tạ Hiểu Phong đáp :
- Phải!
Chàng đứng dậy đi lại chỗ Giản Truyền Học nắm lấy cánh tay gã mà bảo :
- Chúng ta cùng đi!
Cuối cùng đến giờ Giản Truyền Học mới ngẩng đầu hỏi :
- Chúng ta cùng đi? Ông muốn tôi đi cùng ông ư?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Đi chứ! Đi để ăn uống cho thỏa thích, đi để cờ bạc đĩ điếm cho long trời lở đất chứ!
Giản Truyền Học hỏi :
- Rồi sau thì sao?
Tạ Hiểu Phong đáp :
- Rồi sau thì ta chết, còn ngươi trở về làm trò quân tử của ngươi!
Giản Truyền Học không kịp nghĩ ngợi gì nữa, gã đứng bật dậy bảo :
- Tốt! Chúng ta đi!
Nhìn theo hai người kề vai đi với nhau, mọi người đều biết Tạ Hiểu Phong chuyến này đi rồi thì chết là chắc chắn.
Nhưng còn Giản Truyền Học? Liệu anh ta có trở về lại để làm trò quân tử nữa không?
Ra đến cửa, Giản Truyền Học bỗng dừng lại bảo :
- Giờ chúng ta không thể đi được!
Tạ Hiểu Phong hỏi :
- Tại sao?
Giản Truyền Học bảo :
- Vì ông lại là Tam thiếu gia Tạ Hiểu Phong nhà họ Tạ!
Đó không phải là lý do! Vì vậy Giản Truyền Học bổ sung thêm :
- Ở đây ai cũng biết kiếm pháp của Tam thiếu gia Tạ Hiểu Phong nhà họ Tạ là kiếm pháp thiên hạ vô song, nhưng chưa ai được thấy qua!
Tạ Hiểu Phong thừa nhận. Tiếng tăm của chàng thiên hạ đều biết cả nhưng người được tận mắt nhìn thấy kiếm pháp của chàng thì chẳng có mấy.
Giản Truyền Học bảo :
- Nếu Tam thiếu gia chết thì ai còn được thấy kiếm pháp của Tam thiếu gia nữa!
Không còn ai. Đương nhiên là không còn ai! Giản Truyền Học lại bảo :
- Mọi người từ ngàn dặm tới đây, tới xem không phải chỉ để xem bệnh cho Tam thiếu gia mà là người xem kiếm của Tam thiếu gia. Chẳng lẽ Tam thiếu gia lại để mọi người vất vả về không ôm mối tiếc hận suốt đời hay sao!
Đó là lời nói thực. Không phải thèm coi bệnh của Tam thiếu gia mà là thèm xem kiếm. Tạ Hiểu Phong cười.
Chàng mỉm cười, quay trở lại bảo :
- Đây có kiếm không?
Đây có kiếm. Đương nhiên là có kiếm! Có kiếm. Không phải cổ kiếm, không phải danh kiếm mà chỉ là một cây kiếm tốt.
Một cây kiếm tốt bằng thép ròng do trăm lần luyện gang mà đúc thành. Một cây kiếm tốt muốn trở thành cổ kiếm, thành danh kiếm đã sử dụng phải chăng thông thường phải xem người dùng nó là ai đã?
Kiếm gặp được chủ kiếm thắng. Là danh kiếm mà không gặp được chủ thì kiếm mất, kiếm bị diệt, kiếm bị chìm... chẳng những đã chẳng lưu danh được thiên cổ mà còn chẳng giữ nổi thân mình. Số phận một con người há cũng chẳng như thế ư?
Kiếm vừa tuốt ra khỏi vỏ đã hóa làm một bông hoa ánh sáng, thành một đường cong hoa ánh sáng, xán lạn, huy hoàng, đẹp đẽ.
Hoa ánh sáng lấp loáng biến ảo cao vút ở trên như mây nhẹ dật dờ nhưng mọi người đều có cảm giác đóa hoa ánh sáng này dường như gắn ngay vào giữa hai đường mày của mình nhưng cũng không ai biết đích xác nó còn ở nơi nào khác! Sự biến hóa của hoa kiếm dường như vượt trên cực hạn của năng lực con người, cơ hồ khiến người ta không tin nổi.
Nhưng rõ ràng nó ở chỗ này chỗ nọ hoặc chẳng chỗ nào không có nó. Mọi người đều xác nhận nó đang tồn tại lúc này lúc khác nhưng rồi lại chẳng thấy gì nữa cả.
Kỳ tích bỗng nhiên xuất hiện, kỳ tích cũng bỗng nhiên biết mất.
Mọi động tác, mọi biến hóa đều hoàn thành trong thoáng chốc, kết thúc cứ y như sao băng, lại như tia chớp điện hoặc kỳ tích tiếp cận với sao băng, với điện chớp.
Về sức mạnh được thúc đẩy biến hóa đó là do con người tạo ra.
Con người như những người bình thường khác đang sống, con người bằng xương bằng thịt, có máu có thịt hẳn hoi.
Đợi đến khi kiếm quang tắt hẳn, kiếm còn đó nhưng người đã chẳng thấy đâu nữa! Kiếm nằm trên xà nhà.
Mọi người nhìn cây kiếm như ngây như dại chẳng biết đến bao lâu mới có người thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.
- Ông ấy không chết đâu!
- Tại sao?
- Bởi vì dù ông ấy có đi đâu ông ấy vẫn vĩnh viễn ở trong trái tim chúng ta!

Đêm.
Đèn hoa mới nổi, đèn như vẽ.
Họ đã hơi ngà ngà mấy phần say. Giản Truyền Học nồng hơi men nhất lẩm bẩm :
- Những người này thật là kỳ lạ! Tôi bỗng dưng làm sao lại nghĩ ra làm những chuyện như vậy, xưa nay tôi vẫn là đứa trẻ ngoan mà!
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Ngươi có phải là người không?
Giản Truyền Học đáp :
- Đương nhiên là phải!
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Chỉ cần là ngươi bất kể người như thế nào học cái xấu dễ hơn học cái tốt, nhất là học ăn nhậu, đĩ điếm, cờ bạc... thì chẳng mất công học mấy cũng dễ giỏi.
Giản Truyền Học lập tức đồng ý ngay :
- Dường như mỗi con người sinh ra đã có sẵn cái tài ấy rồi thì phải!
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Nhưng nếu muốn thật tinh thông các môn ấy cũng chẳng dễ đâu!
Giản Truyền Học hỏi :
- Thế ông?
Tạ Hiểu Phong đáp :
- Ta là chuyên gia!
Giản Truyền Học hỏi :
- Thế chuyên gia định đưa tôi đi đâu bây giờ?
Tạ Hiểu Phong đáp :
- Đi kiếm tiền!
Giản Truyền Học hỏi :
- Chuyên gia làm những chuyện đó cũng phải cần tiền ư?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Vì ta là chuyên gia vì vậy mới cần tiêu tiền mà tiêu nhiều hơn những người khác nhiều!
Giản Truyền Học hỏi :
- Tại sao vậy?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Bởi vì bản thân những việc này là việc tiêu tiền. Nếu không biết tiêu tiền thì thà về nhà ôm con cho vợ còn hơn!
Đúng là câu nói của bậc chuyên gia. Có phải bậc chuyên gia thực thụ mới hiểu rõ được đạo lý trong này.
Muốn đi chơi thật thống khoái mà tính đếm từng đồng, ky bo hà tiện, khác gì kẻ đi lạc hàng vì khi họ so kè để bớt đi được một vài xu thì trong con mắt người khác giá trị của họ cũng chẳng đáng một xu.
Chuyên gia tất nhiên cũng có nỗi khổ của chuyên gia, nỗi khổ to lớn nhất thông thường chỉ nằm trong có một chữ :

Tiền
vì tiêu tiền dễ gấp mấy lần kiếm ra tiền.
Tuy nhiên nỗi khổ này cũng chẳng quật đổ được Tạ Hiểu Phong. Chàng dắt Giản Truyền Học lượn Đông lượn Tây ngoài phố xá, bỗng xộc ngay vào một gian hàng bán tạp hóa rất cũ nát tha hồ xem nhưng tuyệt không giống như nơi có tiền đang muốn tìm. Trong cửa tạp hóa chỉ có mỗi ông già mắt già nhập nhèm nửa mù nửa điếc muốn xem gì thì cứ việc xem trông cũng chẳng giống gì một kẻ có tiền.
Giản Truyền Học trong lòng rất ngạc nhiên.
- Chúng ta không mua dầu cũng không mua dấm vào đây làm gì?
Tạ Hiểu Phong bỗng đi lại gần ghé vào tai ông già nói gì đó.
Thái độ của ông già biến đổi đột ngột chẳng khác gì con chuột bỗng bị bảy tám con mèo vây chặt. Sau đó ông già dắt Tạ Hiểu Phong đi vào khuôn cửa nhỏ ở mé sau có treo một cái rèm bằng vải rách.
Giản Truyền Học đành chờ ở bên ngoài.
May sao Tạ Hiểu Phong trở ra rất nhanh. Và thò ra đã hỏi ngay :
- Ba vạn lượng đủ cho chúng ta tiêu không?
Ba vạn lượng bạc?
Lấy đâu ra ba vạn lượng bạc chứ?
Một hiệu tạp hóa nhỏ lúi xùi này mà phút chốc kiếm được ra ba vạn lượng bạc ư?
Giản Truyền Học không cách nào tin nổi. Nhưng Tạ Hiểu Phong rõ ràng có ba vạn lượng bạc thật. Còn ông già thì không thấy trở ra. Giản Truyền Học nén không nổi vội khe khẽ hỏi :
- Ở đây xảy ra việc gì vậy? ở đây là nơi nào thế?
Tạ Hiểu Phong cười bảo :
- Ở đây là nơi rất hay!
Rồi chàng nói thêm :
- Là nơi có tiền, thông thường đều là nơi tốt cả!
Giản Truyền Học hỏi :
- Ở nơi này đào đâu ra tiền?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Bánh bao muốn thấy thịt phải bẻ ra. Một người có tiền hay không có tiền nhìn bề ngoài đâu dễ thấy!
Giản Truyền Học hỏi :
- Thế ông già có tiền ư?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Chẳng những có tiền, mà rất có thể còn là người lắm tiền nhất trong vòng tám dặm quanh đây là khác!
Giản Truyền Học bảo :
- Thế sao ông ấy lại sống lúi xùi thế này?
Tạ Hiểu Phong :
- Vì ông ta cam sống như thế này, có thế mới có nhiều tiền!
Giản Truyền Học hỏi :
- Ông già đã chẳng dám tiêu tiền như vậy sao bỗng dưng lại đưa cho ông những ba vạn lượng bạc một lúc như thế?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Tất nhiên ta có cách chứ!
Giản Truyền Học hấp hay cặp mắt, hạ giọng khẽ bảo :
- Cách gì cơ? Hay là ăn cướp?
Tạ Hiểu Phong chỉ cười không trả lời.
Giản Truyền Học càng hiếu kỳ, nhịn không được phải hỏi gặng :
- Lẽ nào ông già này là chỗ ngồi chia của ăn cướp của bọn đại đạo giang hồ?
Tạ Hiểu Phong mỉm cười bảo :
- Những chuyện ấy giờ ngươi không nên hỏi!
Giản Truyền Học hỏi :
- Thế giờ tôi nên hỏi chuyện gì?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Hỏi ta cho biết sẽ dẫn ngươi đi đâu tiêu tiền thôi!
Giản Truyền Học cũng phải bật cười.
Dù sao chăng nữa tiêu tiền cũng là việc làm người ta thấy khoái chá. Giản Truyền Học hỏi ngay :
- Thế chúng ta định đi đâu tiêu tiền?
Tạ Hiểu Phong không hé răng thì ông già đã từ sau tấm rèm vải rách thò đầu ra bảo :
- Ở ngay đây!
ở đây là một cửa hàng tạp hóa tẹp nhẹp úi xùi, có gom tất cả hàng hóa lại bán cũng chưa chắc hết năm trăm lượng. Giản Truyền Học dĩ nhiên phải hỏi :
- Ở đây mà là nơi tiêu tiền ư?
Ông già nheo mắt nhìn gã vài lượt rồi rụt đầu lại coi bộ chán không buồn nói chuyện với Giản Truyền Học.
Tạ Hiểu Phong đã cười bảo :
- Nếu nơi đây không là nơi tiêu tiền thì ba vạn lạng bạc lấy đâu ra?
Câu nói này rất có lý. Tuy vậy Giản Truyền Học vẫn không khỏi còn chút hoài nghi bảo :
- Ở đây có đàn bà ư?
Tạ Hiểu Phong đáp :
- Không chỉ có đàn bà, mà e quanh đây tám trăm dặm đàn bà hay nhất là ở đây đấy!
Giản Truyền Học hỏi :
- Quanh đây tám trăm dặm rượu ở đây cũng ngon nhất à?
Tạ Hiểu Phong đáp ngay :
- Phải!
Giản Truyền Học hỏi :
- Sao ông biết?
Tạ Hiểu Phong đáp :
- Thế ta mới là chuyên gia!
Mé sau cửa hàng tạp hóa chỉ có một khuôn cửa nhỏ. Cửa vừa hẹp vừa nhỏ, lại còn che bằng tấm rèm vải bông cũ rách.
Rượu ở đâu đây?
Đàn bà ở đâu đây?
Chẳng lẽ đều ở trong khuôn cửa bé xíu có treo tấm màn vải rách kia?
Giản Truyền Học không nén nổi định vén bức rèm rách lên xem nhưng rèm chưa vạch ra, đều chưa thò vào gã đã ngửi thấy mùi thơm phưng phức.
Mùi thơm cực độ.
Thế rồi gã mê thiếp đi.
Khi Giản Truyền Học tỉnh lại thì Tạ Hiểu Phong đang uống rượu, không phải ngồi uống rượu một mình mà có rất nhiều đàn bà đang tiếp rượu với chàng.
Rượu thì không biết có phải là rượu ngon nhất hay không, còn đàn bà thì người nào người nấy không phải là thường, rất không phải là thường.
Giản Truyền Học lảo đà lảo đảo nhỏm dậy, lạng chà lạng choạng đi tới, trước hết giành lấy một chén tợp cạn sạch.
Quả nhiên là rượu ngon! Các chị em đang nhìn gã mà cười, họ cười lên, nhìn càng đẹp càng xinh.
Giản Truyền Học nhìn họ chán lại nhìn Tạ Hiểu Phong rồi hỏi :
- Các người không ngửi thấy luồng hương thơm ấy ư?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Không thấy!
Giản Truyền Học bảo :
- Tôi ngửi thấy rõ ràng, sao lại không có được!
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Ta bịt mũi lại!
Giản Truyền Học bảo :
- Sao lại bịt mũi?
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Vì ta đã biết đó là mùi hương gì rồi!
Giản Truyền Học hỏi :
- Hương gì vậy?
Tạ Hiểu Phong đáp :
- Hương mê!
Giản Truyền Học hỏi :
- Sao lại dùng hương mê để làm tôi mê ngã?
Tạ Hiểu Phong đáp :
- Vì có làm thế mới thần bí!
Rồi chàng cười nói tiếp :
- Càng có vẻ thần bí càng thấy hứng thú!
Giản Truyền Học nhìn Tạ Hiểu Phong, lại nhìn đám đàn bà, nén không nổi đành thở dài mà bảo :
- Xem ra ông đúng là chuyên gia thật, chuyên gia chính hiệu!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Yến Thập Tam.