Phần 3
-
1922, Năm Ác Báo
- Stephen King
- 23496 chữ
- 2020-05-09 03:41:39
Số từ: 23521
Người dịch: Lê Đình Chi
Công ty phát hành: Phương Đông
Nhà xuất bản: NXB Phụ Nữ
Ban ngày tôi ngồi trước cửa với một cuốn sách trong lòng, thu mình lại trong chiếc áo khoác lông cừu để chống lại hơi ẩm và cái lạnh, dõi theo nước mưa nhỏ xuống từ rìa mái nhà. Tối đến, tôi nằm thức trắng cho tới gần sáng bạch, lắng nghe tiếng mưa gõ xuống mái nhà phía trên đầu. Nghe nó giống như tiếng những ngón tay rụt rè đang gõ cửa muốn vào nhà. Tôi dành quá nhiều thời gian để nghĩ về Arlette ở dưới giếng cùng Elphis. Tôi bắt đầu tưởng tượng ra cô ta vẫn...không phải còn sống (tôi đang ở trong trạng thái căng thẳng nhưng không hề điên), nhưng còn ý thức
theo cách nào đó. Bằng cách nào đó cô ta đang dõi theo những biến cố diễn ra từ dưới nấm mồ tạm bợ của mình, và một cách đầy khoan khoái.
Anh có thích cách mọi thứ đã diễn ra không, Wilf?
cô ta sẽ hỏi vậy nếu có thể (và trong tưởng tượng của tôi thì có). Có đáng không? Anh nói gì đây?
Một buổi tối, chừng một tuần sau lần ghé thăm của cảnh sát trưởng Jones, trong lúc tôi đang cố đọc Ngôi nhà có bảy đầu hồi
, Arlette bò tới sau lưng tôi, vòng tay qua quanh đầu tôi, và dùng một ngón tay lạnh cóng, ướt sũng gõ lên sống mũi tôi.
Tôi đánh rơi cuốn sách xuống tấm thảm trải sàn trong phòng khách, kêu thét lên, và đứng bật dậy. Khi tôi làm thế, đầu ngón tay lạnh ngắt kia chạy xuống khóe miệng tôi. Khi nó chạm vào tôi lần nữa, ngay trên đỉnh đầu, nơi tóc bắt đầu thưa dần. Lần này tôi phá lên cười - một tiếng cười run rẩy, căm giận - và cúi xuống nhặt cuốn sách của tôi lên. Khi tôi làm thế, ngón tay lại gõ vào tôi lần thứ ba, lần này vào sau gáy, như thể cô vợ đã chết của tôi đang nói, Tôi đã có được sự chú ý của anh chưa vậy, Wilf ?
Tôi bước ra xa - để lần chạm thứ tư không phải trúng vào mắt - và nhìn lên. Trần nhà phía trên đã phai màu và thấm nước. Lớp vữa vẫn chưa bục ra, nhưng nếu trời cứ tiếp tục mưa, thì chắc chắn chuyện đó sẽ xảy ra. Thậm chí nó có thể mủn ra và rơi xuống thành từng mảng. Chỗ thấm nước ở ngay trên nơi đọc sách ưa thích của tôi. Tất nhiên rồi. Phần còn lại của trần nhà trông có vẻ vẫn ổn, ít nhất là vào lúc này.
Tôi chợt nhớ tới những lời nói của Stoppenhauser, Và chẳng lẽ cậu muốn nói với tôi rằng cậu không thể cải thiện được bất cứ cái gì sao? Một mái nhà cần chữa lại?
Rồi cả cái nhìn ma mãnh đó. Như thể ông ta đã biết
. Như thể ông ta và Arlette đã cùng nhau dàn xếp chuyện này.
Đừng để những suy nghĩ kiểu đó chui vào đầu anh bạn
, tôi tự nói với chính mình. Nguyên chuyện anh bạn cứ tiếp tục nghĩ mãi đến cô ta ở dưới giếng cũng đủ tệ hại rồi. Tôi tự hỏi không biết lũ giun đã chén hết hai mắt cô ta chưa? Liệu lũ bọ đã gặm hết cái lưỡi sắc lẻm của cô ta, hay ít nhất cũng làm cùn bớt nó đi chưa nhỉ?
Tôi tới bên cái bàn kê trong góc phòng xa nhất, cầm lấy chai rượu đang đặt trên đó, và rót cho mình một cốc kha khá whisky nâu. Bàn tay tôi run run, nhưng cũng chỉ một chút. Tôi uống hết sạch chỗ rượu sau hai lần. Tôi biết biến việc uống rượu như thế thành thói quen là việc chẳng hay ho gì, nhưng không phải tối nào một người đàn ông cũng cảm thấy cô vợ đã chết của mình đang gõ lên mũi anh ta. Và rượu khiến tôi thấy dễ chịu hơn. Kiểm soát được bản thân tốt hơn. Tôi không cần một khoản vay thế chấp tới 750 đô la để sửa lại mái nhà, tôi có thể chữa lại bằng ván gỗ khi mưa ngừng. Nhưng như thế sẽ là một miếng vá víu thật xấu xí; nó sẽ làm ngôi nhà có bộ dạng mà hẳn mẹ tôi sẽ gọi là nghèo kiết xác. Song đó cũng không phải là điều quan trọng. Chữa chỗ thấm nước đó sẽ chỉ mất một hai ngày. Tôi cần có công việc giúp tôi bận rộn qua cả mùa đông. Bận bịu với công việc sẽ tống khứ ra khỏi đầu tôi ý nghĩ về Arlette ngồi trên cái ngai bụi đất bẩn thỉu của cô ta, Arlette với cái bao tải trùm trên đầu. Tôi cần những dự định cải tạo nhà cửa sẽ khiến tôi leo lên giường mệt lử tới mức tôi sẽ ngủ thiếp đi ngay lập tức, không phải nằm đó chong mắt lắng nghe tiếng mưa rơi và tự hỏi liệu Henry có đang ngoài kia dưới cơn mưa đó, có thể đang ho sù sụ vì bị cúm. Đôi lúc lao động là lối thoát duy nhất, câu trả lời duy nhất.
Ngày hôm sau, tôi lái xe tải vào thành phố và làm điều hẳn tôi sẽ không bao giờ nghĩ tới chuyện thực hiện nếu tôi không cần phải đi vay 35 đô la: tôi vay một khoản thế chấp 750 đô la. Cuối cùng tất cả chúng ta đều sa chân vào bẫy do chính mình đào. Tôi tin như vậy. Cuối cùng tất cả chúng ta đều lâm vào cảnh đó.
Ở Omaha, cũng vào tuần ấy, một thanh niên trẻ đội mũ phớt rộng vành bước vào một hiệu cầm đồ trên phố Dodge và mua một khẩu súng ngắn cỡ nòng 8 mm. Người thanh niên trả tiền mua súng bằng 5 đô la không nghi ngờ gì nữa đã được một bà lão mù dở đang ngồi thu ngân dưới biển hiệu Cô Gái Mũ Xanh đưa cho cậu ta trong hoàn cảnh bị đe dọa. Ngày hôm sau, một thanh niên trẻ đội mũ lưỡi trai trên đầu và buộc khăn che kín mũi miệng bước vào chi nhánh Omaha của ngân hàng First Agricultural Bank, chĩa súng ngắn vào một nhân viên giao dịch trẻ xinh đẹp có tên Rhoda Penmark, yêu cầu cô này giao lại toàn bộ tiền có trong ngăn kéo của mình. Cô gái đưa cho cậu ta chừng 200 đô la, phần lớn là tờ một và năm đô - những tờ giấy bạc các nông dân thường cuộn tròn lại mang theo trong túi quần yếm của họ.
Khi cậu thanh niên rời khỏi ngân hàng, vừa đi vừa dùng một tay nhét tiền vào túi quần (rõ ràng là có phần hồi hộp, cậu ta để rơi vài tờ bạc xuống sàn), người bảo vệ béo phục phịch - một nhân viên cảnh sát về hưu - lên tiếng:
Con trai, cậu không muốn làm chuyện này đâu.
Cậu thanh niên giơ súng bắn lên trời. Vài người kêu ầm lên.
Tôi cũng không muốn bắn ông,
cậu ta nói từ sau tấm khăn bịt mặt,
nhưng tôi sẽ bắn nếu buộc phải thế. Hãy lùi lại chỗ của ông, thưa ông, và ở yên tại đó nếu ông biết điều gì tốt cho mình. Tôi có một người bạn đang ở ngoài khống chế cửa ra vào.
Cậu thanh niên chạy ra ngoài, vừa chạy vừa giật khăn bịt mặt. Người bảo vệ đợi thêm chừng một phút, sau đó đi ra với hai tay giơ lên cao (ông ta cũng không hề có súng ngắn), đề phòng trường hợp đúng là có một kẻ tòng phạm. Nhưng tất nhiên chẳng có ai hết. Hank James không có bạn bè nào tại Omaha trừ cô bạn gái với đứa con của cậu ta đang lớn lên trong bụng.
Tôi rút 200 đô la từ khoản vay thế chấp của mình dưới dạng tiền mặt, và để phần con lại tại ngân hàng của ông Stoppenhauser. Tôi đi mua các vật liệu cần thiết ở cửa hàng bán dụng cụ, cửa hàng gỗ, và cửa hàng tạp hóa, nơi rất có thể Henry đã nhận được một lá thư của mẹ nó... nếu cô ta vẫn còn sống để viết một lá thư. Tôi rời thành phố trong một cơn mưa phùn sau đó chuyển thành mưa nặng hạt khi tôi về đến nhà. Tôi khuân chỗ gỗ súc và ván lợp mới mua, cho bò và gà ăn, vắt sữa bò, rồi cất chỗ đồ tạp hóa - phần lớn là đồ khô và nhu yếu phẩm đã gần cạn khi không còn Arlette lo chuyện bếp núc. Sau khi làm xong việc đó, tôi đun nước trên bếp để chuẩn bị tắm và cởi những món quần áo đã ẩm ướt trên người ra. Tôi lấy cục tiền ra khỏi túi trước bên phải của cái quần yếm nhàu nhĩ, đếm lại, và nhận ra mình vẫn còn đến 160 đô la tiền mặt. Tại sao tôi lại rút ra nhiều tiền mặt đến thế? Bởi vì đầu óc tôi đã để cả vào chỗ khác. Ở đâu mới được cơ chứ? Vào Arlette và Henry, tất nhiên rồi. Chưa kể tới Henry và Arlette. Hầu như họ là tất cả những gì tôi nghĩ đến trong những ngày mưa gió ấy.
Tôi biết giữ bên mình nhiều tiền mặt đến thế không phải là ý kiến hay. Món tiền này cần phải quay trở lại ngân hàng, khi nó có thể đem lại ít nhiều lợi tức (cho dù còn xa mới đủ bù vào lãi suất phải trả cho khoản vay thế chấp) trong khi tôi còn bận cân nhắc xem tốt nhất nên sử dụng nó như thế nào. Nhưng cho tới lúc ấy, tôi cần cất số tiền vào chỗ nào đó an toàn.
Cái hộp đựng chiếc mũ màu đỏ lại hiện lên trong tâm trí. Đó chính là nơi cô ta cất giấu tiền riêng của mình, và có Chúa mới biết món tiền ấy đã an toàn nằm đó trong bao lâu rồi. Cục tiền trong tay tôi quá nhiều để có thể nhét vừa vào dải vải lót, vậy là tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ giấu nó vào trong chính cái mũ. Món tiền sẽ chỉ nằm đó tới khi tôi tìm ra một cái cớ để quay vào thành phố.
Tôi đi vào phòng ngủ, cởi hết quần áo ra, và mở cửa thủ quần áo. Tôi gạt sang bên cái hộp đựng chiếc mũ trắng dùng đội đi nhà thờ của cô ta, rồi với lấy cái hộp kia. Tôi đã đẩy nó sâu tít vào trong cùng chiếc giá, và bây giờ buộc phải kiễng chân lên để có thể với tới cái hộp. Có một sợi dây chun buộc quanh hộp. Tôi móc ngón tay vào trong sợi dây để kéo hộp ra, và ngay lập tức cảm thấy có vẻ cái hộp trở nên nặng hơn nhiều - dường như bên trong đó có một viên gạch chứ không phải một cái mũ - và rồi tôi có cảm giác lạnh buốt thật kỳ quái, như thể bàn tay tôi vừa nhúng vào nước đá. Một khoảnh khắc sau, cảm giác lạnh buốt chuyển thành nóng bỏng. Đó là một cơn đau khủng khiếp đến nỗi làm tất cả những sợi cơ trên cánh tay tôi tê liệt. Tôi nhảy bật lại sau, kêu thét lên vì kinh ngạc và đau đớn, làm tiền rơi tung tóe khắp nơi. Ngón tay tôi vẫn móc vào sợi dây chun, và cái hộp đựng mũ bung ra. Nằm thù lù trên nóc hộp là một con chuột trông cực kỳ quen thuộc.
Các vị có thể nói với tôi,
Wilf, con chuột nào trông chẳng giống những con khác,
và thường ra chắc hẳn các vị có lý, song tôi biết rõ con chuột này; chẳng phải tôi từng tận mắt thấy nó bỏ chạy khỏi mình với mẩu núm vú của con bò cái thò ra khỏi miệng như một điếu xì gà hay sao?
Cái hộp đựng mũ rời khỏi bàn tay đang chảy máu của tôi, và con chuột rơi xuống sàn nhà. Nếu tôi có thời gian để suy nghĩ, hẳn nó đã lại bỏ đi lần nữa, nhưng mọi suy nghĩ tỉnh táo đã bị xóa bỏ hoàn toàn bởi cảm giác đau đớn, sự bất ngờ và nỗi kinh hoàng mà tôi chắc gần như bất cứ ai cũng cảm thấy khi chứng kiến máu chảy ròng ròng ra từ một phần cơ thể của mình vốn chỉ vài giây trước còn nguyên vẹn. Thậm chí tôi còn không nhớ mình đang trần trụi như ngày mới chào đời, chỉ điên cuồng dậm mạnh chân phải xuống con chuột. Tôi nghe thấy tiếng xương nó gãy răng rắc và cảm thấy lòng ruột nó lầy nhầy. Máu và ruột ướt lép nhép phọt ra phía dưới đuôi nó, bắn lên mắt cá chân bên trái của tôi nóng hổi. Con chuột cố quay người lại cắn tôi lần nữa; tôi có thể thấy những cái răng cửa to tướng của nó nghiến kèn kẹt, nhưng không thể với tới tôi được. Có nghĩa là không thể chừng nào tôi còn giẫm chân lên nó. Và tôi đã làm thế. Tôi ấn xuống mạnh hơn, ép bàn tay bị thương vào ngực, cảm thấy máu nóng bết lên mảng máu khô dày bắt đầu bết lại ở đó. Con chuột vùng vẫy vặn vẹo qua lại. Đuôi của nó thoạt đầu đập vào bắp chân tôi, rồi quấn xung quanh nó như một con rắn cỏ. Máu ứa ra từ miệng nó. Đôi mắt đen của nó lồi ra như hai viên đá cẩm thạch.
Tôi đứng đó, chân dậm lên con chuột đang chết dần thêm một lúc lâu. Dưới bàn chân đó, con chuột đã nát bét, nội tạng biến thành một mớ lầy nhầy như cháo, ấy vậy mà nó vẫn vùng vẫy và tìm cách cắn. Cuối cùng con chuột thôi không cựa quậy nữa. Tôi dẫm lên nó thêm một lúc nữa, muốn đảm bảo không phải nó đang giả vờ chết (một con chuột giả vờ chết - thật hay ho làm sao!), và khi thấy chắc nó đã chết hẳn, tôi tập tễnh đi vào bếp, để lại sau một dãy vết chân đẫm máu và trong lúc quay cuồng loáng thoáng nhớ tới lời tiên tri cảnh báo Pelias hãy đề phòng một người đàn ông chỉ có một chiếc xăng đan dưới chân. Nhưng tôi không phải là Jason; tôi chỉ là một nông dân sắp phát điên vì đau đớn và kinh hoàng, một người nông dân dường như bị kết án phải làm chỗ ngủ của anh ta ngập ngụa trong máu.
Trong lúc giơ bàn tay dưới vòi bơm để làm dịu nó bằng nước lạnh, tôi có thể nghe thấy ai đó đang nói,
Không thêm nữa, không thêm nữa, không thêm nữa.
Người ấy chính là tôi, tôi biết thế, nhưng nghe tiếng nói ấy như của một ông già. Một con người đã bị đẩy vào cảnh xác xơ như ăn mày.
Tôi có thể nhớ rõ phần còn lại của tối hôm ấy, nhưng hồi ức về nó cũng giống như nhìn vào những bức ảnh cũ trong một cuốn album đã ố vàng. Con chuột đã cắn thủng màng thịt giữa ngón cái và ngón trỏ bên tay trái của tôi - một nhát cắn thật khủng khiếp, nhưng nhìn nhận lại vẫn có thể coi là may mắn. Nếu nó đớp vào ngón tay tôi đang luồn vào móc lấy dây chun, có thể nó đã cắn đứt lìa ngón tay này ra. Tôi ý thức được điều này khi quay vào phòng ngủ và cầm lấy đuôi đối thủ của tôi nhấc lên (dùng bàn tay phải; bàn tay trái của tôi đang quá tê cứng và đau đớn để có thể cử động được). Con chuột ít nhất cũng phải dài đến hai foot[26], và nặng sáu cân Anh[27].
Vậy thì đây không phải là con chuột đã chui vào đường ống trốn thoát,
tôi có thể nghe thấy các vị đang nói. Không thể là nó
. Nhưng đúng là con chuột đó, tôi khẳng định với các vị. Không có dấu hiệu nào để nhận dạng - chẳng có bất cứ vạt lông trắng hay cái tai sứt dễ dàng nhận ra nào - nhưng tôi biết đây chắc chắn là con chuột đã tấn công Achelois. Cũng như tôi biết không phải tình cờ nó lại nằm thù lù trên đó.
Tôi cầm đuôi mang xác con chuột vào bếp và ném vào xô đựng tro. Rồi tôi xách cái xô ra hố rác. Tôi đang trần như nhộng dưới trời mưa xối xả, nhưng hầu như chẳng để ý tới tình trạng này. Điều tôi cảm nhận được rõ nhất là bàn tay trái của mình, giần giật với cảm giác đau đớn dữ dội đến mức đe dọa làm tôi quên sạch đi mọi thứ.
Tôi lấy chiếc áo khoác treo trên móc trong phòng ngoài (đó là tất cả những gì tôi cố gắng làm được), mặc nó lên người, rồi lại ra ngoài lần nữa, lần này tới chỗ chuồng gia súc. Tôi dùng thuốc sát trùng Rawleigh Salve bôi lên bàn tay bị thương. Nó đã giúp vú Achelois không bị nhiễm trùng, và có thể sẽ làm được điều tương tự với bàn tay của tôi. Tôi bắt đầu đứng dậy để quay vào nhà, nhưng rồi lại nhớ ra con chuột đã chạy thoát khỏi tay tôi lần trước. Đường ống! Tôi tới chỗ đó, cúi xuống, chờ đợi sẽ thấy chỗ xi măng trám vào đã bị nhai nát thành từng mảnh hay hoàn toàn biến mất, nhưng nó vẫn còn nguyên vẹn. Tất nhiên là vậy rồi. Thậm chí cả những con chuột nặng sáu cân Anh với hàm răng quá khổ cũng không thể gặm qua bê tông. Việc một ý nghĩ như thế có thể xuất hiện trong đầu óc tôi cũng đủ để thấy tôi đang lâm vào tình trạng như thế nào. Trong khoảnh khắc dường như tôi thấy mình từ bên ngoài: một gã đàn ông trần truồng, ngoại trừ một cái áo khoác chưa cài khuy, lông trên người bết lại dính với máu xuống tận hông, bàn tay trái rách nát lấp lánh dưới một lớp dày thuốc sát trùng dùng cho bò, hai mắt lồi ra khỏi đầu. Giống như đôi mắt của con chuột, khi tôi giẫm lên nó.
Không phải là cùng một con chuột
, tôi tự nhủ. Con chuột đã cắn Achelois hoặc đã nằm chết trong ống nước hay trên lòng Arlette.
Nhưng tôi biết chính là nó. Lúc đó tôi biết và bây giờ cũng vẫn biết.
Chính là nó.
Quay trở lại phòng ngủ, tôi quỳ xuống nhặt những tờ bạc dính máu lên. Một công việc thật chậm chạp khi phải làm chỉ với một bàn tay. Một lần, tôi đụng bàn tay bị thương vào thành giường và kêu thét lên vì đau. Tôi có thể thấy máu tươi lại trào ra nhuộm vào lớp thuốc sát trùng, biến nó thành màu hồng. Tôi cho tiền vào ngăn kéo, thậm chí còn không buồn che đậy lên trên bằng một cuốn sách hay một cái đĩa trang trí chết tiệt của Arlette. Tôi cũng không thể nhớ ra tại sao ban đầu việc cất dấu số tiền đi lại quan trọng đến thế. Cái hộp đựng chiếc mũ đỏ tôi lại đá vào trong tủ quần áo, rồi đóng sầm cửa lại. Nó có thể nằm ở đó cho tới ngày tận thế, ít nhất là với tôi.
Bất cứ ai từng sở hữu hay làm việc ở một trang trại cũng sẽ nói với các vị rằng các tai nạn là chuyện thường xuyên xảy ra, và cần phải đề phòng cẩn thận. Tôi có một cuộn băng lớn để trong thùng bên cạnh bơm tay trong bếp - cái thùng Arlette vẫn luôn gọi là
hòm giam nỗi đau
. Tôi bắt tay vào lấy cuộn băng ra, nhưng rồi mắt tôi chú ý tới cái nồi to đang bốc hơi trên bếp. Đó là nồi nước tôi đã đun để chuẩn bị đi tắm khi còn lành lặn, khi mà cảm giác đau đớn như tôi đang bị hành hạ lúc này dường như chỉ là chuyện trong sách vở. Tôi chợt nghĩ có thể nước xà phòng nóng là thứ cần thiết cho bàn tay của tôi. Vết thương không thể đau đớn hơn nữa được, tôi lý luận, và nhúng vào nước xà phòng sẽ giúp làm sạch nó. Tôi đã sai lầm trong cả hai chuyện, nhưng làm sao tôi biết trước được? Trong suốt những năm vừa qua sau đó, điều đó dường như vẫn là một suy nghĩ hợp lý. Tôi nghĩ thậm chí nó có thể còn có hiệu quả là đằng khác, nếu tôi chỉ bị một con chuột thông thường cắn.
Tôi dùng bàn tay phải còn lành lặn múc nước nóng vào một cái chậu (không thể có chuyện bê chiếc nồi lên để đổ nước ra), sau đó thêm vào một miếng thứ xà phòng giặt màu nâu lổn nhổn của Arlette. Đúng ra thì đó là miếng cuối cùng; có quá nhiều thứ đồ gia dụng một người đàn ông quên mua sắm khi anh ta không quen thuộc với việc sử dụng chúng. Tôi một cái khăn vào chậu, sau đó đi vào phòng ngủ, quỳ gối xuống lần nữa, và bắt đầu lau máu và đống lòng ruột. Và trong suốt thời gian đó không ngừng nhớ tới (tất nhiên rồi) lần cuối cùng tôi lau máu trên sàn trong căn phòng ngủ đáng nguyền rủa đó. Ít nhất lần đó Henry còn có mặt cạnh tôi để cùng chia sẻ sự ghê rợn. Phải làm việc đó một mình, và trong cơn đau đớn hành hạ, quả là một màn tra tấn khủng khiếp. Bóng của tôi nhấp nhô lom khom trên bức tường, làm tôi không khỏi nhớ tới Quasimodo trong Nhà thờ Đức Bà Paris
của Hugo.
Khi việc lau dọn đã gần xong hẳn, tôi dừng tay, ngẩng đầu lên, nín thở, mắt mở to, tim dường như đang đập thình thịch ở trong bàn tay trái bị cắn rách tướp. Tôi nghe thấy tiếng động của bước chân chạy lào xào rất nhanh, dường như vang lên từ khắp nơi. Tiếng động của những con chuột đang chạy. Chỉ trong khoảnh khắc đó tôi lập tức thấy chắc chắn về điều đó. Những con chuột từ dưới giếng. Những triều thần trung thành của cô ta. Chúng đã tìm được một con đường khác để thoát ra ngoài. Con chuột đã ngồi chồm hỗm trên nắp cái hộp đựng chiếc mũ đỏ chỉ đơn thuần là con đầu tiên và táo tợn nhất. Chúng đã chui vào trong nhà, chúng đang ở trong tường, và chẳng mấy lúc nữa chúng sẽ mò ra và áp đảo tôi. Vợ tôi sẽ có được sự báo thù cô ta muốn. Tôi sẽ nghe thấy tiếng cô ta phá lên cười khi chúng xé tôi ra từng mảnh.
Gió giật từng cơn mạnh đến mức làm ngôi nhà lay động và có một lúc ngắn rít lên chói tai qua các kẽ mái. Tiếng bước chân chạy lào xào vang lên mạnh hơn, rồi lắng xuống một chút khi gió lặng. Cảm giác nhẹ nhõm tràn ngập trong tôi mãnh liệt đến mức khỏa lấp cả cơn đau (ít nhất là trong vài giây). Đó không phải là những con chuột; đó chỉ là những hạt mưa đá. Khi trời tối, nhiệt độ hạ xuống và những hạt mưa trở nên cứng lại một phần. Tôi trở lại với việc lau dọn nốt vết tích con chuột.
Khi xong việc, tôi đổ chỗ nước lau đỏ ngầu máu qua lan can trước cửa, rồi quay trở lại chuồng gia súc để bôi một lớp thuốc sát trùng mới lên vết thương trên bàn tay. Lúc này, khi vết thương đã được làm sạch hoàn toàn, tôi có thể thấy dải màng thịt giữa ngón cái và ngón trỏ của tôi bị cắn thủng thành ba vết trông giống như quân hiệu của một viên thượng sĩ. Ngón tay cái bên trái của tôi nằm lệch đi, như thể những chiếc răng chuột đã cắn đứt một dây chằng quan trọng nào đó néo giữ nó với phần còn lại bàn tay trái của tôi. Tôi bôi thuốc sát trùng rồi quay trở vào trong nhà, thầm nghĩ. Nó đau nhưng ít nhất đã sạch. Achelois đã không sao; rồi mình cũng sẽ ổn thôi. Mọi chuyện đều ổn cả.
Tôi cố hình dung ra cảnh lực lượng phòng thủ của mình đang tập hợp lại và tìm đến chỗ những vết cắn giống như những người lính cứu hỏa tí hon đội mũ đỏ và mặc áo khoác dài bằng vải dầu.
Ở dưới đáy thùng đựng thuốc, được quấn trong một mảnh lụa bị xé ra, rất có thể từng có thời là một phần của một cái quần lót nữ, tôi tìm thấy một cái lọ đựng thuốc viên của hiệu thuốc tại Hemingford Home. Trên nhãn lọ là dòng chữ viết hoa rõ nét bằng bút máy ARLETTE JAMES Uống 1 hay 2 viên trước khi đi ngủ để điều trị đau kinh kỳ. Tôi uống ba viên, chiêu bằng một ngụm lớn whisky. Tôi không biết trong những viên thuốc đó là thứ gì - morphin, tôi đoán vậy - nhưng chúng có hiệu quả. Cơn đau vẫn còn đó, nhưng dường như nó thuộc về một anh chàng Wilfred James lúc này đang tồn tại ở một tầng cấp khác của thực tế. Đầu tôi bồng bềnh như đang bơi; trần nhà bắt đầu nhẹ nhàng chuyển động phía trên đầu tôi; hình ảnh của những người lính cứu hỏa tí hon tới nơi để dập tắt những lưỡi lửa của nhiễm trùng trước khi chúng lan rộng trở nên rõ nét hơn. Gió thổi càng lúc càng mạnh thêm, và trong đầu óc nửa mơ nửa tỉnh của tôi, những tiếng lào rào trầm trầm không ngừng vang lên khi những đợt mưa đá đập vào ngôi nhà nghe càng giống tiếng chân chuột chạy hơn bao giờ hết, nhưng tôi đã biết rõ những âm thanh ấy là gì. Tôi nghĩ thậm chí mình còn nói to lên thành tiếng:
Tôi biết rồi, Arlette, cô không lừa được tôi đâu.
Khi sự tỉnh táo dần tan biến và tôi bắt đầu thiếp đi, tôi hiểu ra rất có thể tôi sẽ thiếp đi mãi mãi: sự kết hợp giữa cơn sốc, cảm giác say sưa chếnh choáng và morphin có thể sẽ chấm dứt cuộc sống của tôi. Tôi có lẽ sẽ được tìm thấy trong một căn nhà đồng quê lạnh lẽo với nước da xanh xám, bàn tay bị thương đặt trên bụng. Ý tưởng ấy chẳng hề khiến tôi sợ hãi; ngược lại, nó còn giúp tôi thấy dễ chịu hơn.
Trong lúc tôi ngủ, cơn mưa đá biến thành tuyết.
Khi tôi tỉnh giấc lúc rạng sáng hôm sau, ngôi nhà lạnh cóng như một nấm mồ, và bàn tay của tôi đã sưng phồng lên to gấp đôi kích thước bình thường của nó. Phần da thịt xung quanh vết cắn ngả màu xám tro, nhưng ba ngón tay đầu tiên của bàn tay đã chuyển sang sắc hồng đùng đục sau đó sẽ biến thành màu đỏ vào cuối ngày. Chạm vào bất cứ chỗ nào trên bàn tay đó trừ những chỗ màu hồng đều gây nên cảm giác đau đớn khủng khiếp. Dẫu vậy, tôi vẫn băng nó lại chặt hết mức có thể, và như thế cảm giác giần giật dịu đi. Tôi nhóm lửa trên bếp - với một tay đó quả là một việc mất thời gian, nhưng tôi cũng xoay xở được - rồi đứng sát vào, cố sưởi ấm người lên. Nghĩa là phần còn lại của cơ thể tôi, trừ bàn tay bị cắn; riêng phần đó của tôi vốn đã ấm sẵn rồi. Ấm và giần giật không ngừng chẳng khác gì một chiếc găng tay có một con chuột chui bên trong vậy.
Đến giữa buổi chiều tôi lên cơn sốt, và bàn tay của tôi sưng phồng lên ép chặt vào lớp băng bó đến mức tôi phải nới chúng ra. Chỉ nguyên làm vậy thôi cũng khiến tôi đau đến kêu thét lên. Tôi cần đi khám bác sĩ, nhưng lúc này ngoài trời tuyết rơi còn nặng hơn lúc nào hết, và tôi sẽ chẳng thể thậm chí tới được chỗ nhà Cotterie, chứ đừng nói tới chuyện đi cả quãng đường dẫn đến Hemingford Home. Thậm chí nếu ngày hôm đó có quang đãng, đẹp trời và khô ráo đi chăng nữa, làm sao tôi có thể lái được cái xe tải hay chiếc T đi với chỉ một bàn tay? Tôi ngồi trong bếp, không ngừng tay cho củi vào bếp tới khi ngọn lửa bùng lên gầm rít như một con rồng, hết toát mồ hôi lại run lên bần bật vì lạnh, giữ bàn tay quấn băng bó cứng đơ như một cây gậy áp lên ngực, và nhớ lại cách cô McReady tốt bụng nhìn quanh khoảng sân trước cửa lộn xộn và không có vẻ gì sung túc của tôi. Ông có điện thoại không, ông James? Tôi thấy là không.
Không. Tôi không có điện thoại. Tôi chỉ có một mình ở cái trang trại mà vì nó tôi đã giết người, không có bất cứ phương cách nào để gọi người giúp đỡ. Tôi có thể thấy thịt bắt đầu chuyển sang màu đỏ ở phía trên chỗ những vòng băng bó dừng lại: ở cổ tay, nơi đầy rẫy những mạch máu sẽ dẫn chất độc đi khắp cơ thể tôi. Những người lính cứu hỏa đã thất bại. Tôi nghĩ đến việc dùng dây cao su buộc chặt cổ tay lại - giết chết bàn tay trái của tôi trong một nỗ lực để cứu lấy phần còn lại - và thậm chí tới việc cắt cụt nó đi bằng cái rìu chúng tôi vẫn dùng để chẻ củi và thỉnh thoảng chặt đầu một con gà. Cả hai ý tưởng dường như đều hợp lý một cách hoàn hảo, nhưng chúng dường như cũng đồng nghĩa với quá nhiều việc phải làm. Cuối cùng, tôi chẳng làm gì hết ngoài tập tễnh quay lại thùng đựng thuốc để uống thêm những viên thuốc giảm đau của Arlette. Tôi uống ba viên nữa, lần này với nước lạnh - cổ họng tôi như đang có lửa - rồi quay lại ngồi trước bếp lửa. Tôi sẽ chết vì vết cắn ấy. Tôi biết chắc và buông xuôi cam chịu. Chết vì những vết cắn và nhiễm trùng cũng là chuyện rất hay gặp ở vùng đồng quê. Nếu cơn đau trở nên khủng khiếp hơn mức tôi có thể chịu đựng, tôi sẽ uống hết sạch chỗ thuốc giảm đau còn lại cùng một lúc. Điều ngăn cản tôi không làm như thế ngay lập tức - ngoại trừ nỗi sợ chết, điều tôi nghĩ ám ảnh tất cả chúng ta, dù ít hay nhiều - là khả năng có thể ai đó sẽ tới: Harlan, hay cảnh sát trưởng Jones, hay cô McReady tốt bụng. Hoặc thậm chí luật sư Lester cũng có thể xuất hiện để ám quẻ tôi thêm lần nữa vì 100 mẫu đất chết tiệt kia.
Nhưng điều tôi hy vọng trên tất cả là có thể Henry quay trở về. Nhưng thằng bé đã không về.
Người đến với tôi rốt cuộc lại là Arlette.
Các vị có lẽ đã băn khoăn bằng cách nào tôi biết về khẩu súng Henry mua ở hiệu cầm đồ trên phố Dodge, cũng như vụ cướp ngân hàng ở quảng trường Jefferson. Nếu đúng là vậy thật, hẳn các vị cũng đã tự nói với chính mình, À, từ năm 1922 đến 1930 là cả một quãng thời gian dài, đủ để thu thập vô khối chi tiết trong một thư viện đầy ắp những số cũ của tờ World-Herald phát hành tại Omaha.
Tôi có
tìm đến những tờ báo, tất nhiên rồi. Và tôi viết cho những người từng gặp con trai tôi và cô bạn gái đang mang thai của nó trong cuộc hành trình ngắn ngủi tai họa của hai đứa từ Nebraska tới Nevada. Phần lớn những người đó đều viết thư hồi đáp, sẵn sàng cung cấp những chi tiết. Những kiểu công việc điều tra như thế nghe sẽ có lý, và hẳn là khiến các vị hài lòng. Nhưng tất cả những việc điều tra tìm hiểu đó đều diễn ra nhiều năm sau, sau khi tôi đã rời khỏi trang trại, và chỉ khẳng định những gì tôi đã biết trước.
Đã biết trước ư?
các vị hẳn sẽ hỏi, và tôi xin trả lời thật đơn giản: Phải. Đã biết trước. Và tôi không chỉ biết điều đó khi nó xảy ra, mà ít nhất còn biết một phần trước khi nó xảy ra. Phần cuối cùng.
Bằng cách nào? Câu trả lời rất đơn giản. Cô vợ đã chết nói cho tôi biết.
Các vị không tin, tất nhiên rồi. Tôi hiểu. Bất cứ người tỉnh táo nào cũng thế thôi. Tất cả những gì tôi có thể làm là thuật lại lời thú tội của mình, những lời cuối cùng của tôi trên thế gian này, và trong đó tôi không hề đưa vào bất cứ điều gì tôi không biết là đúng.
Tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ mơ màng trước bếp vào tối ngày hôm sau (hay hôm sau nữa; vì khi cơn sốt bắt đầu, tôi đã mất đi ý niệm về thời gian) và lại nghe thấy âm thanh sột soạt, lạo xạo. Thoạt đầu tôi đoán mưa đá lại bắt đầu rơi, nhưng khi tôi đứng dậy bước tới bẻ một miếng bánh mì từ ổ bánh cứng đơ trên bàn bếp, tôi nhìn thấy một dải bình minh màu cam trải dọc đường chân trời và sao Kim lấp lánh trên bầu trời. Cơn dông đã chấm dứt, song những âm thanh lạo xạo vẫn vang lên to hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chúng không vọng lại từ trong tường, mà từ phía cửa sau.
Cái chốt cửa bắt đầu lay động. Thoạt tiên nó chỉ rung lên, như thể bàn tay đang cố mở nó ra quá yếu để có thể nhấc nó hoàn toàn ra khỏi khe cài. Chuyển động đó ngừng lại, và khi tôi vừa đi tới kết luận tôi không hề nhìn thấy nó - rằng đó chẳng qua chỉ là một ảo giác do cơn sốt gây nên - khi chốt cửa bật tung lên trên với một tiếng cách
khe khẽ, và cánh cửa bị một cơn gió lạnh buốt thổi mở tung. Đứng trên ngưỡng cửa là vợ tôi. Cô ta vẫn đội trên đầu cái bao tải, lúc này đã vương đầy tuyết; hẳn đó phải là một cuộc hành trình chậm chạp, đau đớn từ nơi an nghỉ cuối cùng của cô ta. Khuôn mặt vợ tôi nhăn nheo trong tình trạng thối rữa, nửa dưới trẹo sang một bên, nụ cười ma quái của cô ta càng rộng hoác ra hơn bao giờ hết. Đó là nụ cười của kẻ biết tất cả, và tại sao không? Người chết hiểu mọi thứ.
Vây quanh cô ta là đám triều thần trung thành. Chính bọn chúng, bằng cách nào đó, đã đưa cô ta lên khỏi giếng. Và cũng chính bọn chúng đang giữ cho cô ta đứng lên. Không có chúng, cô ta hẳn sẽ chỉ đơn thuần là một bóng ma, đầy ác ý nhưng bất lực. Nhưng chúng đã làm cô ta sống dậy. Cô ta là nữ hoàng của chúng; đồng thời cũng là con rối của chúng. Cô ta đi vào bếp, di chuyển với một dáng bộ lả lướt èo uột ghê rợn như không xương, chẳng có chút gì giống với bước đi. Những con chuột chen chúc nhau chạy khắp quanh cô ta, vài con ngước lên nhìn cô ta đầy tình cảm, một số nhìn tôi chằm chằm với vẻ hận thù. Cô ta lắc lư vòng quanh căn bếp, dạo một vòng nơi từng là lãnh địa của mình trong lúc những mảnh đất vụn rơi từ trên váy cô ta xuống (không còn bất cứ dấu vết nào của tấm mền hay ga phủ giường) và đầu cô ta lắc lư quay tròn trên cần cổ bị cắt ngang. Có lần nó nghiêng ra tận sau hai vai cô ta trước khi bật thẳng lại ra phía trước với tiếng xương thịt kêu răng rắc vang lên khe khẽ.
Khi cuối cùng cô ta hướng đôi mắt mờ đục nhìn vào tôi, tôi đã lùi vào góc nơi có thùng đựng củi, lúc này gần như đã trống trơn.
Để tôi yên,
tôi thì thầm.
Cô thậm chí còn không ở đây. Cô đang ở dưới cái giếng và không thể thoát ra ngoài được cho dù cô có chưa chết đi chăng nữa.
Vợ tôi phát ra một âm thanh lọc xọc - nghe như thể một người bị sặc vì nước sốt đặc - và tiếp tục lại gần, thật đến mức có thể đổ bóng xuống sàn. Và tôi có thể ngửi thấy mùi da thịt thối rữa của cô ta, người đàn bà từng đôi lúc luồn cái lưỡi của cô ta vào trong miệng tôi trong những cơn khoái cảm. Cô ta đã ở đó. Cô ta có thật. Cả đoàn tùy tùng vương giả của cô ta nữa. Tôi có thể cảm thấy chúng chạy qua chạy lại giẫm lên trên hai bàn chân tôi, cảm thấy ria chúng cọ vào hai bên mắt cá tôi khi chúng nghển cổ lên ngửi ngửi cái quần dài tôi đang mặc.
Hai gót chân tôi đụng vào thùng đựng củi, và khi tôi cố ngả người ra sau để tránh xa khỏi cái xác đang tới gần, tôi mất thăng bằng và ngồi thụp vào bên trong thùng. Bàn tay đang nhiễm trùng sưng phồng của tôi đập vào thùng, nhưng hầu như tôi không cảm thấy đau. Cô ta đang cúi xuống trên người tôi, và khuôn mặt cô ta... đung đưa
. Da thịt đã bong ra khỏi xương, cả khuôn mặt cô ta thõng xuống như một khuôn mặt được vẽ trên bóng bay cho trẻ con chơi. Một con chuột leo lên thành thùng, nhảy xuống bụng tôi, chạy lên ngực tôi, nghếch mõm lên ngửi ngửi vào cằm tôi. Tôi có thể cảm thấy những con khác đang bò quanh hai bên đầu gối đang gập lại của mình. Nhưng chúng không cắn tôi. Nhiệm vụ đó đã được hoàn thành rồi.
Cô ta cúi xuống gần hơn. Mùi tỏa ra từ cô ta nồng nặc đến mức không chịu nổi., và nụ cười quái gở nhệch đến tận hai tai của cô ta... tôi có thể hình dung ra nó rõ mồn một vào lúc này, khi tôi đang viết. Tôi ra lệnh cho mình hãy chết đi, nhưng tim tôi vẫn tiếp tục đập. Khuôn mặt treo thõng xuống của vợ tôi trườn xuống cạnh mặt tôi. Tôi có thể cảm thấy những sợi râu mọc lởm chởm của tôi đang rứt ra từng mảnh da nhỏ của cô ta; có thể nghe thấy xương hàm vỡ của cô ta kêu răng rắc như một cành cây có băng giá phủ lên. Rồi đôi môi lạnh ngắt của cô ta áp vào vành tai đang nóng bỏng trong cơn sốt bừng bừng của tôi, và bắt đầu thì thầm những bí mật mà chỉ một người đàn bà đã chết có thể biết. Tôi co rúm lại; Tôi hứa sẽ tự giết chết chính mình và đổi chỗ cho cô ta dưới Địa Ngục nếu cô ta chịu dừng lại. Nhưng cô ta không dừng lại. Cô ta không thể. Người chết không biết dừng lại.
Và đó là những gì lúc này tôi biết.
Sau khi chạy khỏi First Agricultural Bank với 200 đô la nhét trong túi (hay nhiều khả năng hơn là 150 đô la; một phần số tiền bị rơi xuống đất, chắc các vị còn nhớ), Henry biến mất trong một thời gian ngắn. Thằng bé
nằm im
, như cách nói của đám tội phạm. Tôi nói ra chuyện này với ít nhiều tự hào. Tôi đã nghĩ thằng bé chắc sẽ bị bắt gần như ngay lập tức sau khi nó tìm đến thành phố, nhưng con trai tôi chứng minh rằng tôi đã lầm. Thằng bé đang yêu, nó tuyệt vọng, nhưng nó vẫn bị thiêu đốt bởi cảm giác tội lỗi và nỗi ghê sợ trước tội ác mà nó và tôi đã gây ra... nhưng bất chấp những yếu tố gây phân thâm đó (những xâm nhiễm
đó), con trai tôi đã thể hiện mình một cách can đảm và khôn ngoan, thậm chí cả với một mức độ cao cả đáng buồn nhất định. Suy nghĩ về phần tính cách này của thằng bé luôn là lúc tệ hại nhất. Cho tới lúc này, ý nghĩ đó vẫn làm tôi chìm đắm trong phiền muộn vì cuộc đời bị lãng phí của nó (ba cuộc đời bị lãng phí; tôi không thể quên cô bé Shannon Cotterie tội nghiệp đang mang thai) và cảm giác hổ thẹn về sự hủy hoại tôi đã dẫn nó vào, chẳng khác gì một con cừu non bị tròng dây lên cổ.
Arlette chỉ cho tôi thấy ngôi lán nơi thằng bé lẩn trốn, và cái xe đạp giấu đằng sau lán - cái xe đạp này là thứ đầu tiên con trai tôi mua với số tiền mặt cướp được. Tôi không thể nói chính xác với các vị nơi lẩn trốn của nó ở đâu vào lúc ấy, nhưng trong những năm sau đó, tôi đã xác định được vị trí của nơi này, thậm chí từng tới đó thăm qua; chỉ là một chái nhà nằm bên đường với biển quảng cáo Royal Crown Cola sơn trên vách tường đã phai màu. Căn nhà nằm quá khu ngoại ô phía tây Omaha vài dặm và có thể nhìn thấy Boys Town, nơi mới đi vào hoạt động năm trước. Có một căn phòng, một khung cửa sổ duy nhất không lắp kính, và không có bếp. Thằng bé che kín chiếc xe đạp bằng rơm khô và cỏ dại rồi bắt tay vào lên kế hoạch. Sau đó, chừng một tuần sau vụ cướp tại First Agricultural Bank - khi mà mối bận tâm cảnh sát dành cho một vụ cướp rất nhỏ hẳn đã lắng xuống - con trai tôi bắt đầu đạp xe tới Omaha. Một cậu nhóc hấp tấp hẳn sẽ lao thẳng tới Ngôi nhà Công giáo St. Eusebia và rơi vào bẫy của đám cớm tại Omaha (như cảnh sát trưởng Jones, không nghi ngờ gì nữa, đã trông đợi con trai tôi xử sự), nhưng Henry Freeman James khôn ngoan hơn thế nhiều. Thằng bé tìm ra địa điểm của khu nhà, nhưng không lại gần. Thay vì thế, con trai tôi tìm kiếm cửa hàng bán đồ ngọt và nước sô đa nằm gần nơi đó nhất. Nó suy đoán rất đúng đắn rằng các cô gái sẽ ghé qua đó bất cứ lúc nào có cơ hội (có nghĩa là bất cứ lúc nào cách cư xử của họ xứng đáng được tưởng thưởng một buổi chiều tự do, đồng thời họ có ít tiền trong túi), và mặc dù các cô gái tại St. Eusebia không bị yêu cầu phải mặc đồng phục, vẫn có thể dễ dàng nhận ra họ qua những bộ váy tồi tàn, đôi mắt luôn dán xuống đất, và cách xử sự của họ - thích được tán tỉnh và lẳng lơ. Những cô nàng mang bụng bầu và không có nhẫn cưới trên tay lại càng dễ gây chú ý.
Một gã trai vụng về hẳn sẽ tìm cách bắt chuyện với một trong số những cô con gái không may của Eva ngay tại chỗ bán nước sô đa, và như thế gây nên sự chú ý. Henry đợi bên ngoài, ở đầu một con hẻm chạy qua giữa cửa hàng bán đồ ngọt và cửa hàng bán đồ tạp hóa nằm ngay bên cạnh nó, ngồi trên một cái vỏ thùng và đọc báo, trong khi cái xe đạp của nó được dựng vào bức tường gạch ngay cạnh thằng bé. Con trai tôi chờ đợi một cô gái thích phiêu lưu hơn một chút so với những cô nàng chỉ hài lòng với việc uống sô đa có đá rồi quay trở lại với các bà xơ. Có nghĩa là một cô gái hút thuốc. Vào buổi chiều thứ ba thằng bé chờ đợi trong con hẻm, một cô gái như thế xuất hiện.
Sau này, tôi đã tìm thấy cô gái đó, và trò chuyện với cô ta. Cũng chẳng có mấy dính dáng tới chuyện điều tra hay thám tử. Tôi tin chắc Omaha dường như là một thành phố lớn với Henry và Shannon, song vào năm 1922 kỳ thực nó mới chỉ là một đô thị lớn hơn chút ít so với một thị trấn cỡ trung bình ở miền Trung Tây với hơi hướng của một thành phố thực thụ. Victoria Harlett giờ đây là một phụ nữ đứng đắn đã lập gia đình với ba đứa con, nhưng vào mùa thu năm 1922, cô ta là Victoria Stevenson: trẻ trung, tò mò, nổi loạn, có thai sáu tháng, và rất kết những điếu Sweet Caporals[28]. Cô ta hoàn toàn vui vẻ nhận một điếu từ Henry khi thằng bé chìa một bao thuốc ra.
Lấy thêm vài điếu để dành đi,
thằng bé mời mọc.
Cô gái bật cười.
Tôi phải là một con ngốc mới làm thế! Các bà xơ lục soát túi của bọn tôi và lộn trái hết túi áo túi váy ra khi bọn tôi quay vào trại. Tôi sẽ phải nhai ba thanh Black Jack[29] để tống khứ mùi của điếu thuốc này khỏi hơi thở của tôi đấy.
Cô gái vỗ lên cái bụng lùm lùm của mình với vẻ thú vị và thách thức.
Tôi đang gặp rắc rối, như tôi đoán cậu có thể thấy. Một cô gái hư! Và anh chàng bạn trai của tôi chạy mất tăm. Một cậu trai
hư, nhưng thế gian đâu quan tâm gì tới chuyện đó! Vậy là sau đó đồ bẩn thỉu tống tôi vào một trại giam với đám chim cánh cụt canh giữ...
Tôi không hiểu cô nói gì.
Giời ạ! Đồ bẩn thỉu là ông bố tôi! Và đám chim cánh cụt là cách bọn tôi gọi các bà xơ!
Cô ta bật cười.
Cậu là một anh chàng ngố từ dưới quê lên, được rồi! Và thế nào chứ! Nói tóm lại, trại giam nơi tôi ngồi cho qua thời gian được gọi là...
St. Eusebia.
Giờ thì cậu đang đùa với lửa đấy, chàng khờ.
Cô gái rít thuốc lá, nheo mắt lại.
Xem nào, tôi cược tôi biết cậu là ai - bạn trai của Shannon Cotterie.
Để mang một con búp bê đến cho cô ấy,
Hank nói.
Được lắm, nếu là cậu, tôi sẽ không bén mảng tới trong vòng hai khối nhà quanh trại của chúng tôi, đó là lời khuyên của tôi đấy. Đám cớm đã có bản mô tả nhân dạng của cậu rồi.
Cô ta phá lên cười vui vẻ.
Của cậu và chừng nửa tá người tình cô đơn khác, nhưng chẳng ai trong bọn họ là một anh chàng mắt xanh lục quê một cục như cậu, và cũng chẳng ai có một cô nàng xinh như Shannon. Cô ấy quả là một nữ hoàng Sheba! Chao ôi!
Theo cô thì tại sao tôi lại ở đây thay vì ở đó?
Được rồi, tôi nghe đây - tại sao cậu lại ở đây?
Tôi muốn liên lạc với cô ấy, nhưng tôi không muốn bị bắt khi đang làm chuyện ấy. Tôi sẽ cho cô 2 đô để cô chuyển một lời nhắn tới cô ấy.
Hai mắt Victoria mở to.
Chàng trai, với 2 đô, tôi sẵn sàng kẹp kèn hiệu dưới tay và chuyển lời tới Garcia[30] - tôi là vậy đấy. Đưa nó cho tôi!
Và 2 đô nữa nếu cô giữ mồm giữ miệng về chuyện này. Bây giờ và sau này.
Về chuyện đó thì cậu không cần trả thêm,
cô gái nói.
Tôi thích chọc phá mấy con điếm già lúc nào cũng lên mặt dạy đời đó. Sao chứ, bọn họ sẵn sàng nện vào bàn tay tôi nếu tôi xếp hàng lấy bữa tối thêm một vòng nữa! Cứ như Gulliver Twist
[31] vậy!
Con trai tôi đưa cho cô gái tờ giấy ghi lời nhắn, và Victoria đưa nó cho Shannon. Nó vẫn nằm trong cái túi nhỏ đựng đồ lặt vặt của cô gái khi cuối cùng cảnh sát bắt kịp nó và Henry ở Elko, Nevada, và tôi đã xem qua một bức ảnh của cảnh sát chụp lại tờ giấy. Nhưng Arlette đã cho tôi biết trên đó viết những gì từ trước đó rất lâu, và những gì cô ta nói đúng từng từ một với những gì thực sự được viết.
Anh sẽ đợi từ lúc nửa đêm đến tảng sáng đằng sau nơi em đang sống vào mỗi buổi tối trong vòng 2 tuần,
lời nhắn trên tờ giấy viết. Nếu em không tới, anh sẽ biết tất cả đã kết thúc giữa chúng mình và quay trở về Hemingford, và sẽ không bao giờ làm phiền em nữa cho dù anh sẽ yêu em mãi mãi. Chúng mình còn trẻ nhưng chúng mình có thể nói dối về tuổi và bắt đầu một cuộc sống tốt đẹp tại một nơi khác (California). Anh có một ít tiền và biết cách để kiếm được nhiều hơn. Victoria biết cần làm thế nào để tìm anh, nếu em muốn gửi lời nhắn tới anh, nhưng chỉ một lần thôi. Nhiều hơn sẽ không an toàn.
Tôi đoán Harlan và Sallie Cotterie có thể đang giữ tờ giấy này. Nếu đúng thế, hẳn họ đã thấy con trai tôi ký tên nó trong một trái tim. Tôi tự hỏi liệu có phải đó là điều đã thuyết phục Shannon hay không. Tôi tự hỏi liệu thậm chí cô gái có cần phải bị thuyết phục hay không. Có thể tất cả những gì cô bé muốn trên đời là giữ lại (và hợp pháp hóa) một đứa con mà cô bé đã bắt đầu yêu thương. Đó là một cậu hỏi mà giọng nói thì thầm ghê tởm của Arlette không bao giờ nhắc đến. Có lẽ cô ta chẳng hề bận tâm tới chuyện đó.
Henry quay trở lại đầu con hẻm hàng ngày sau cuộc gặp đó. Tôi tin chắc thằng bé biết rất có thể cớm sẽ tới thay vì Victoria, nhưng cảm thấy nó không còn lựa chọn nào khác. Đến ngày chầu chực thứ ba của nó, cô gái tìm đến.
Shan viết trả lời ngay lập tức, nhưng tôi không thể mang ra sớm hơn được,
cô gái nói.
Một thằng ngốc nào đó đã chường mặt ra trong cái hố thối tha mà bọn họ dám gọi là một phòng âm nhạc, và đám chim cánh cụt đã ở trong tình trạng chiến tranh suốt từ hôm đó.
Henry chìa tay ra để đón nhận lời nhắn, được Victoria đưa cho nó để đổi lấy một điếu Sweet Caporal. Trên đó chỉ ghi vẻn vẹn mấy từ: Sáng mai. 2 giờ.
Henry giang tay ôm lấy Victoria và hôn cô gái. Cô phá lên cười đầy phấn khích, mắt sáng ngời.
Chúa ơi! Có những cô gái nhận được tất cả may mắn.
Không nghi ngờ gì nữa, đúng là thế. Song khi các vị nghĩ đến việc cuối cùng Victoria có được một người chồng, ba đứa con và một ngôi nhà đẹp đẽ trên phố Maple ở khu đẹp nhất của Omaha, còn Shannon Cotterie không thể sống sót qua được cái năm đáng nguyền rủa ấy... các vị sẽ nói ai trong số hai cô gái là người được vận may mỉm cười?
Anh có một ít tiền và biết cách để kiếm được nhiều hơn,
Henry đã viết như thế, và đúng là vậy. Chỉ vài giờ sau khi ôm hôn cô nàng Victoria vui nhộn (người mang lời nhắn Cậu ấy nói cậu ấy sẽ có mặt tại đó khi chuông báo giờ điểm
trở lại cho Shannon), một thanh niên trẻ đội mũ lưỡi trai kéo sụp xuống trên trán và một cái khăn buộc che kín mũi miệng xông vào cướp ngân hàng First Agricultural Bank ở Omaha. Lần này kẻ đột nhập cướp đi 800 đô la, một khoản thu hoạch rất tuyệt. Nhưng người bảo vệ ở đây còn trẻ hơn và tận tụy với trách nhiệm của anh ta hơn, một điều không tuyệt lắm. Tên cướp đã phải bắn vào đùi anh ta để tẩu thoát, và cho dù Charles Griner sống sót, nhưng bị nhiễm trùng (tôi có thể thông cảm với anh ta), và anh ta bị mất đi cái chân. Khi tôi gặp anh ta tại nhà bố mẹ vào mùa xuân năm 1925, Griner tỏ ra đầy triết lý về chuyện đó.
Tôi thật may mắn khi vẫn còn sống,
anh ta nói.
Khi người ta buộc được ga rô lên chân tôi, tôi đã nằm trong một vũng máu dày đến cả inch[32]. Tôi cược rằng bọn họ phải mất cả một hộp Dreft[33] để dọn sạch chỗ máu ấy đi.
Khi tôi cố tìm cách xin lỗi thay con trai mình, anh ta gạt đi.
Đáng ra tôi không bao giờ nên lại gần cậu ta. Cái mũ được kéo sụp xuống và cái khăn bịt che lên khá cao, nhưng tôi vẫn nhìn thấy đôi mắt cậu ta. Đáng ra tôi phải biết cậu ta sẽ không ngừng lại trừ khi bị bắn hạ, và tôi không bao giờ có cơ hội rút súng ra. Điều đó hiện lên rõ ràng trong mắt cậu ta, ông biết đấy. Nhưng lúc đó tôi cũng còn trẻ. Giờ tôi đã trưởng thành hơn. Trưởng thành hơn là một điều con trai ông không bao giờ có cơ hội có được. Tôi lấy làm tiếc về mất mát của ông.
Sau vụ đó, Henry đã có nhiều tiền hơn cần thiết để mua một chiếc ô tô - một chiếc xe đẹp, một chiếc tourer[34] - nhưng nó biết làm tốt hơn thế (Viết đến đây, tôi lại cảm nhận thấy sự tự hào đó: rất trầm lắng nhưng không thể chối cãi được). Một cậu trai trông có vẻ như vừa mới bắt đầu cạo râu một hai tuần trước, lại lượn lờ với trong tay đủ tiền để mua một chiếc xe hơi gần như còn mới tinh ư? Làm thế chắc chắn sẽ làm lực lượng thực thi pháp luật nhảy bổ vào nó.
Vậy là thay vì mua xe, thằng bé đánh cắp một chiếc. Không phải là xe mui trần; nó chọn mục tiêu là một chiếc Ford coupe đáng tin cậy và không có đặc điểm nhận dạng nào rõ rệt. Đó chính là chiếc xe con trai tôi lái tới đậu đằng sau khu nhà của St. Eusebia, cũng là chiếc xe Shannon leo lên sau khi lén trốn ra khỏi phòng, rón rén bước xuống cầu thang với chiếc túi đi đường trên tay, rồi leo qua cửa sổ phòng giặt nằm cạnh nhà bếp. Hai đứa trẻ có đủ thời gian trao cho nhau một cái hôn - Arlette không nói vậy, song tôi vẫn còn trí tưởng tượng của mình - rồi Henry lái chiếc Ford về hướng tây. Đến lúc bình mình, hai đứa đã ở trên xa lộ Omaha - Lincoln. Hẳn chúng đã đi ngang qua ngôi nhà cũ của thằng bé - và cả con bé - vào chừng 3 giờ chiều hôm ấy. Có thể chúng đã ngước mắt nhìn về hướng đó, nhưng tôi không rõ Henry có lái xe chậm lại hay không; hẳn thằng bé không muốn dừng lại qua đêm ở một khu vực nơi hai đứa có thể bị nhận ra.
Cuộc sống lẩn trốn của chúng bắt đầu.
Arlette thì thầm về cuộc sống đó còn nhiều hơn những gì tôi muốn biết, và tôi không có tâm trí đâu để viết lại dưới đây nhiều hơn vài chi tiết chính yếu. Nếu các vị muốn biết nhiều hơn, hãy viết cho Thư viện Công cộng Omaha. Với một khoản phí, họ sẽ gửi cho các vị bản sao những câu chuyện có liên quan tới Đôi Tình Nhân Du Đãng, cái tên được dùng để gọi hai đứa (và cũng là cái tên chúng dùng để gọi chính mình). Các vị thậm chí có thể tìm thấy những câu chuyện có liên quan từ báo chí ở chính nơi các vị sống, nếu các vị không sống tại Omaha; đoạn kết của câu chuyện này được coi là đủ thương tâm để đảm bảo có chỗ trên mặt báo khắp toàn quốc.
Hank Đẹp Trai và Shannon Dịu Dàng, tờ World Herald
đã gọi hai đứa như thế. Trong các bức ảnh, trông chúng trẻ đến mức khó lòng tin nổi (Và tất nhiên thực tế đúng là như vậy.) Tôi không muốn nhìn vào những bức ảnh đó, nhưng tôi đã nhìn. Luôn có nhiều hơn một cách để bị chuột cắn, phải không nào?
Chiếc xe ăn cắp bị nổ lốp ở một vùng đồi cát tại Nebraska. Hai gã đàn ông đi bộ tới gần trong lúc Henry đang thay lốp dự phòng. Một trong hai gã rút một khẩu súng ngắn ra từ trong bao đựng hắn dấu dưới áo khoác - thứ vẫn được gọi là
búa đinh của du đãng
vào những ngày của thời Viễn Tây Hoang Dã - và chĩa thẳng vào đôi tình nhân đang chạy trốn. Henry không có bất cứ cơ hội nào để rút súng của thằng bé ra; khẩu súng đang nằm trong túi áo khoác, và nếu nó tìm cách lấy súng, hầu như chắc chắn con trai tôi đã bị giết chết. Vậy là kẻ cướp lại bị cướp. Henry và Shannon bước đi tay trong tay tới ngôi nhà của một gia đình nông dân gần đó dưới trời mùa thu lạnh lẽo, và khi người nông dân ra cửa hỏi ông ta có thể giúp được gì, Henry chĩa súng vào ngực người đàn ông này và nói nó muốn chiếc ô tô và toàn bộ tiền mặt của ông ta.
Cô gái đi cùng thằng bé, người nông dân kể lại với một phóng viên, đứng ngoài cửa đưa mắt nhìn đi chỗ khác. Ông ta nói ông nghĩ rằng cô bé lúc đó đang khóc. Người nông dân nói ông thấy ái ngại cho cô gái, vì trông cô vẫn còn bé nhỏ như một cô bé con, nhưng lại bụng mang dạ chửa như một người phụ nữ trưởng thành, và lại lang thang cùng một kẻ liều mạng trẻ tuổi đang hướng tới một kết cục chẳng tốt đẹp gì.
Cô gái có tìm cách ngăn cậu con trai lại không? người phóng viên hỏi. Có cố gắng thuyết phục cậu ta từ bỏ ý định không?
Không, người nông dân trả lời. Cô gái chỉ đứng đó, quay lưng lại, như thể nghĩ rằng nếu cô không nhìn thấy gì, thì việc đó coi như không hề xảy ra. Chiếc xe hiệu Reo cũ kỹ xộc xệch của người nông dân được tìm thấy bị bỏ lại gần trạm xe lửa McCook, với một lời nhắn để lại trên ghế: Xin trả lại ông chiếc xe, chúng tôi sẽ gửi lại số tiền đã cướp khi chúng tôi có thể. Chúng tôi chỉ lấy của ông vì chúng tôi đang lâm vào cảnh khốn cùng. Rất xin lỗi ông,
Đôi Tình Nhân Du Đãng.
Cái tên đó là ý tưởng của ai vậy? Nhiều khả năng là của Shannon; lời nhắn do cô bé viết. Hai đứa chỉ dùng biệt danh đó vì chúng không muốn để lộ tên thật, nhưng các huyền thoại được tạo ra từ những chi tiết nhỏ nhặt như vậy đó.
Một hay hai ngày sau, một vụ cướp xảy ra tại ngân hàng nhỏ Frontier Bank ở Arapahoe, Colorado. Kẻ cướp - đội mũ lưỡi trai kéo sụp xuống thấp và một chiếc khăn bịt kín mũi miệng - chỉ có một mình. Hắn cướp được chưa tới 100 đô la và tẩu thoát trên một chiếc Hupmobile đã được báo bị đánh cắp tại McCook. Ngày hôm sau, tại The First Bank of Cheyenne Wells (cũng là ngân hàng duy nhất tại Cheyenne Wells), người thanh niên trẻ đi cùng một cô gái trẻ. Cô gái cũng buộc khăn che mặt, nhưng không thể dấu được việc mình đang có thai. Hai người tẩu thoát mang theo 400 đô la và lái xe hết tốc độ rời khỏi thị trấn, hướng về phía tây. Một chốt kiểm soát được thiết lập trên đường đi Denver, nhưng Henry đã khôn ngoan và tiếp tục gặp may. Hai đứa rẽ xuống phía nam không lâu sau khi rời khỏi Cheyenne Wells, băng qua các con đường đất và đường mòn dành cho gia súc.
Một tuần sau, một đôi trai gái trẻ xưng tên Harry và Susan Freeman lên tàu đi San Francisco tại Colorado Springs. Tại sao hai đứa lại đột ngột xuống tàu tại Grand Junction tôi không biết và Arlette cũng không nó - có lẽ chúng đã thấy điều gì đó khiến chúng cảnh giác, tôi đoán là vậy. Tất cả những gì tôi biết là chúng cướp một ngân hàng tại đó, rồi một ngân hàng nữa ở Ogden, Utah. Có lẽ đó là cách để chúng tích lũy tiền cho một cuộc sống mới. Và ở Ogden, khi một người đàn ông tìm cách chặn Henry lại ở ngoài ngân hàng, Henry đã bắn vào ngực anh ta. Người đàn ông tuy thế vẫn tóm được Henry, và Shannon đẩy anh ta ngã lộn xuống bậc thềm bằng đá granit. Hai đứa trốn thoát. Người đàn ông bị Henry bắn qua đời hai ngày sau trong bệnh viện. Đôi Tình Nhân Du Đãng đã trở thành những kẻ sát nhân. Ở Utah, những kẻ bị buộc tội giết người sẽ bị treo cổ.
Khi đó là vào khoảng gần Lễ Tạ ơn, mặc dù tôi không rõ là trước hay sau. Cảnh sát ở phía tây dãy Rockie đã nhận được bản mô tả nhân dạng hai đứa và đang tiến hành truy nã. Lúc đó tôi đã bị con chuột nấp trong tủ quần áo cắn - tôi nghĩ là vậy - hoặc sắp bị. Arlette nói với tôi chúng đã chết, nhưng không phải thế; có nghĩa là hai đứa vẫn còn sống khi cô ta và đám tùy tùng vương giả của cô ta tới gặp tôi. Có thể cô ta đã nói dối hay tiên đoán. Với tôi, cả hai đều như nhau.
Điểm dừng cuối trước đoạn kết của chúng là Deeth, Nevada. Hôm ấy là một ngày lạnh cắt da cắt thịt cuối tháng Mười một hoặc đầu tháng Mười hai, bầu trời trắng xóa và bắt đầu có tuyết rơi. Hai đứa chỉ muốn gọi trứng và cà phê tại quán ăn duy nhất của thị trấn, song vận may của chúng đã gần cạn. Chủ cửa hàng vốn là người ở Elkhorn, Nebraska, và mặc dù anh ta không còn ở quê nhà từ nhiều năm qua, mẹ anh ta vẫn đều đặn gửi cho con trai các số báo World Herald
theo từng tập dày cộm. Anh ta vừa mới nhận được một tập báo như thế vài ngày trước, và nhận ra Đôi Tình Nhân Du Đãng ở Omaha đang ngồi tại một bàn trong quán của mình.
Thay vì gọi điện cho cảnh sát (hay báo cho các bảo vệ ở khu mỏ đồng kế bên, một giải pháp chắc chắn sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn), anh ta quyết định vào vai công dân phụng sự công lý. Anh ta lấy một khẩu súng ngắn cao bồi cũ kỹ cục mịch từ dưới quầy bán hàng ra, chĩa vào hai đứa, và yêu cầu chúng - theo đúng truyền thống Viễn Tây nguyên chất nhất - giơ tay lên trời. Henry không làm theo. Thằng bé đứng dậy khỏi bàn, bước về phía tay chủ quán và nói:
Đừng làm thế, anh bạn, chúng tôi không hề có ý hại anh, chúng tôi sẽ trả tiền rồi đi.
Anh chàng chủ quán bóp cò và khẩu súng cổ lỗ không nổ. Henry giật nó khỏi tay anh ta, đập vỡ, nhìn vào ổ đạn rồi phá lên cười.
Tin tốt đây!
nó nói với Shannon.
Những viên đạn này đã ở trong súng lâu đến mức xanh lè cả ra rồi.
Con trai tôi để 2 đô la lên quầy - để trả tiền bữa ăn của hai đứa - rồi sau đó phạm phải một sai lầm khủng khiếp. Tới hôm nay, tôi tin mọi chuyện hẳn rồi sẽ kết thúc không hay cho chúng bất chấp chuyện gì đã xảy ra, vậy nhưng tôi vẫn ước gì tôi có thể gọi cho nó vọng qua những năm tháng đó: Đừng để khẩu súng xuống trong khi vẫn còn đạn. Đừng làm thế, con trai! Xanh lè hay không, hãy cho những viên đạn ấy vào túi con!
Nhưng chỉ có những người chết mới có thể nói vọng qua thời gian; điều đó thì giờ đây tôi đã biết, và từ trải nghiệm của chính bản thân mình.
Khi hai đứa rời đi (tay trong tay
, Arlette thì thầm vào vành tai đang nóng bỏng của tôi), tay chủ quán vồ lấy khẩu súng trên mặt quầy, giữ lấy nó bằng cả hai bàn tay, và siết cò lần nữa. Lần này súng nổ, và cho dù rất có thể anh ta nhắm vào Henry, viên đạn lại bắn trúng vào phần dưới lưng Shannon Cotterie. Cô bé kêu thét lên và nhào về phía trước qua cửa ra màn tuyết đang rơi bên ngoài. Henry đỡ kịp cô bé trước khi cô ngã và dìu bạn gái ra chiếc xe cuối cùng chúng đánh cắp, lại là một chiếc Ford khác. Anh chàng chủ quán cố tìm cách bắn thằng bé qua cửa sổ, và lần này khẩu súng cổ lỗ nổ tung trên tay anh ta. Một mảnh kim loại chém văng đi mắt bên trái của anh chàng. Tôi chẳng bao giờ thấy ái ngại về chuyện này. Tôi không phải là người dễ tha thứ như Charles Griner.
Bị thương nặng - có lẽ trên thực tế đã hấp hối - Shannon chuyển dạ trong khi Henry lái xe qua tuyết rơi dày về phía Elko, cách đó ba mươi dặm về phía tây nam, có lẽ vì nghĩ nó có thể tìm được một bác sĩ ở đó. Tôi không biết ở đó có bác sĩ hay không, nhưng chắc chắn tại đây có một đồn cảnh sát, và tay chủ quán gọi điện đến đó trong khi những gì còn lại từ nhãn cầu của anh ta vẫn đang khô dần trên má anh chàng. Hai cảnh sát địa phương cùng bôn người của Đội Tuần tra Tiểu Bang Nevada đợi sẵn Henry và Shannon ở ngoài rìa thị trấn, nhưng Henry và Shannon không bao giờ trông thấy họ. Giữa Deeth và Elko là 30 dặm đường, và Henry chỉ đi qua được 28 dặm.
Vừa vào tới địa giới thị trấn (nhưng vẫn còn cách xa bên rìa của nó), chút vận may cuối cùng của Henry cũng cạn nốt. Với Shannon đang gào thét và ôm bụng trong lúc cô bé chảy máu dầm dề ra khắp ghế ngồi, chắc hẳn thằng bé đã lái xe rất nhanh - quá nhanh. Hoặc có thể nó đâm phải một ổ gà trên đường. Dù thế nào đi nữa, chiếc Ford bị trượt xuống rãnh và sa lầy. Hai đứa ngồi đó giữa chốn đồng không mông quạnh trống trơn trong khi cơn gió mỗi lúc một mạnh thêm thổi tuyết bay tung tóe khắp xung quanh chúng, và lúc đó Henry đã nghĩ gì? Rằng việc mà nó và tôi đã làm ở Nebraska đã dẫn nó và cô gái nó yêu tới nơi này ở Nevada. Arlette không nói với tôi điều này, nhưng cô ta cũng chẳng cần phải nói. Tôi biết.
Thằng bé thoáng thấy bóng dáng một ngôi nhà qua làn tuyết rơi dày, và đỡ Shannon ra khỏi xe. Cô bé gắng gượng đi được vài bước trong cơn gió, rồi không thể gắng thêm được nữa. Cô gái biết làm môn nượng dác
và đáng ra đã có thể trở thành nữ sinh đầu tiên tốt nghiệp trường sư phạm Omaha ngả đầu lên vai người bạn trai trẻ tuổi của mình và nói,
Em không thể đi xa hơn nữa đâu, anh yêu, để em xuống đất đi.
Đứa bé thế nào rồi?
con trai tôi hỏi cô bé.
Đứa bé đã chết, và em cũng muốn chết,
cô gái nói.
Em không chịu nổi đau đớn nữa. Thật khủng khiếp quá. Em yêu anh, anh yêu, nhưng hãy để em xuống đất đi.
Thay vì làm thế, thằng bé mang bạn gái nó tới chỗ ngôi nhà vừa lờ mờ hiện ra như một bóng ma, hóa ra chỗ này cũng chỉ là một chái nhà chẳng khác là mấy ngôi lán gần Boys Town, nơi có hình một chai Royal Crown Cola vẽ lên tường đã phai màu. Trong nhà có lò sưởi, nhưng không có củi. Thằng bé ra ngoài vơ lấy ít gỗ vụn trước khi chúng bị tuyết vùi lấp, rồi quay vào trong nhà. Shannon đã bất tỉnh. Henry nhóm lò lên, rồi sau đó đặt đầu cô bé lên lòng mình. Shannon Cotterie đã chết trước khi đống củi nhỏ thằng bé vừa nhóm kịp bắt lửa, và giờ chỉ còn lại mình Henry, ngồi trong một chái nhà tồi tàn, nơi trước nó từng có một tá cao bồi bẩn thỉu ngả lưng, thường trong trạng thái say khướt hơn là tỉnh táo. Con trai tôi ngồi đó, vuốt ve mái tóc Shannon trong khi gió rít lên bên ngoài, và mái thiếc của chái nhà run rẩy.
Tất cả những việc này Arlette đã kể cho tôi nghe vào một ngày khi hai đứa trẻ bị số mệnh kết án đó vẫn còn sống. Cô ta kể cho tôi nghe tất cả trong lúc những con chuột bò lổm ngổm xung quanh tôi, và mùi thối rữa ghê tởm của cô ta đặc quánh lại trong mũi tôi, còn bên cánh tay nhiễm trùng sưng phồng của tôi đau như có lửa thiêu.
Tôi cầu xin cô ta hãy giết tôi đi, hãy mở toang cuống họng tôi ra như tôi đã làm với cô ta, và cô ta không đồng ý.
Đó là sự báo thù của cô ta.
Có lẽ đã có thêm hai ngày nữa trôi qua khi có người tìm đến trang trại gặp tôi, thậm chí là ba, song tôi không tin thế. Tôi nghĩ chỉ là một ngày. Tôi không tin tôi có thể trụ thêm được hai hay ba ngày mà không được cứu giúp. Tôi đã ngừng ăn, và gần như không uống gì nữa. Dẫu vậy, tôi vẫn đủ sức rời khỏi giường và lê bước ra cửa khi tiếng đấm cửa vang lên. Một phần trong tôi nghĩ đó có thể là Henry, bởi vì một phần trong tôi vẫn dám hy vọng cuộc viếng thăm của Arlette chỉ là một ảo giác xuất hiện trong cơn mê sảng... và cho dù nếu nó đúng là có thật đi nữa, rằng cô ta đã nói dối.
Người đến là cảnh sát trưởng Jones. Hai đầu gối tôi khuỵu xuống khi tôi nhìn thấy ông ta, và tôi đổ vật ra trước. Nếu ông ta không đỡ tôi, hẳn tôi đã ngã sấp xuống trước cửa. Tôi cố nói cho ông ta biết về Henry và Shannon - rằng Shannon sắp bị bắn, rằng hai đứa sắp tới một chái nhà ở ngoại ô Elko, và rằng ông ta, cảnh sát trưởng Jones, cần gọi cho ai đó và ngăn cản bi kịch lại trước khi nó xảy ra. Tất cả được nói ra một cách lộn xộn, nhưng ông ta nghe được những cái tên.
Con trai ông đã bỏ trốn với cô bé, được rồi,
Jones nói.
Nhưng nếu Harl tới và kể cho ông biết tất cả chuyện đó, tại sao ông ấy lại để ông lại trong tình trạng thế này
? Cái gì đã cắn ông?
Chuột,
tôi cố nói.
Ông ta đưa một cánh tay vòng quanh người tôi và nửa dìu nửa mang tôi xuống các bậc thềm ra phía chiếc xe của ông ta. Con gà trống George nằm cứng đờ dưới sân bên cạnh đống củi, và những con bò đang rống lên. Lần cuối cùng tôi cho chúng ăn là khi nào nhỉ? Tôi chẳng còn nhớ nữa.
Cảnh sát trưởng, ông cần phải...
Nhưng ông ta ngăn tôi lại. Ông ta nghĩ tôi đang mê sảng, mà sao lại không chứ? Ông ta có thể cảm thấy cơn sốt nóng hầm hập đang phả ra từ người tôi, nhìn thấy nó đỏ lựng trên mặt tôi. Hẳn lúc đó ông ta có cảm giác như đang bê một cái lò.
Ông cần giữ sức. Và ông cũng cần biết ơn Arlette, bởi vì tôi sẽ chẳng bao giờ ghé qua chỗ này nếu không vì cô ta.
Chết rồi,
tôi lắp bắp.
Phải. Cô ta đã chết, được rồi.
Vậy là sau đó tôi nói với ông ta rằng tôi đã giết vợ, và ôi, nhẹ nhõm làm sao. Một đường ống tắc nghẽn bên trong đầu tôi đã được mở thông một cách thần kỳ, và con ma ám ảnh mắc kẹt trong đó cuối cùng cũng thoát đi.
Ông cảnh sát trưởng lẳng tôi vào trong xe như một bao lúa mì.
Chúng ta sẽ nói chuyện về Arlette, nhưng bây giờ tôi phải đưa ông tới bệnh viện Thiên thần Nhân ái, và tôi sẽ rất cảm ơn nếu ông không nôn mửa ra trong xe của tôi.
Trong khi ông ta lái xe rời khỏi sân, để lại đằng sau con gà trống đã chết và đám bò cái đang ậm ò (và cả lũ chuột nữa! đừng quên chúng! phải rồi!), tôi cố nói với ông ta lần nữa rằng rất có thể vẫn chưa quá muộn cho Henry và Shannon, rằng có thể vẫn kịp cứu hai đứa. Tôi nghe thấy mình đang nói đây là những điều có thể xảy ra
, như thể tôi là Bóng Ma Đêm Giáng Sinh Sắp Tới trong chuyện của Dickens. Rồi tôi ngất đi. Khi tôi tỉnh lại, lúc ấy đã là ngày 2 tháng Mười hai, và báo chí miền Tây đang đăng tin
ĐÔI TÌNH NHÂN DU ĐÃNG THOÁT KHỎI TAY CẢNH SÁT ELKO, LẠI TẨU THOÁT. Hai đứa trẻ đã không thoát được, nhưng vẫn chưa ai biết. Ngoại trừ Arlette, tất nhiên rồi. Và tôi nữa.
Người bác sĩ cho rằng chứng hoại thư chưa lan tới phần cánh tay của tôi, và đánh cược mạng sống của tôi bằng cách chỉ cắt bỏ bàn tay trái. Một cuộc đánh cược ông ta đã dành phần thắng. Năm ngày sau khi được cảnh sát trưởng Jones đưa tới bệnh viện Thiên thần Nhân ái ở thành phố Hemingford, tôi nằm xanh xao hốc hác như một bóng ma trên giường bệnh, sút đi tới hai mươi lăm cân Anh và mất bàn tay trái, nhưng vẫn còn sống.
Jones tới thăm tôi, khuôn mặt ông ta đượm vẻ nghiêm trọng. Tôi đợi ông ta thông báo bắt tôi vì tội sát hại vợ, sau đó còng bàn tay còn lại của tôi vào cọc giường. Song chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra. Thay vì làm thế, ông ta nói với tôi ông ta thông cảm tới mức nào trước mất mát của tôi. Mất mát của tôi! Gã ngốc đó thì biết gì về mất mát?
Tại sao tôi lại ngồi trong căn phòng khách sạn tồi tàn này (nhưng không chỉ có một mình!) thay vì nằm dưới huyệt mộ dành cho một kẻ sát nhân? Tôi sẽ trả lời cho các vị hay với hai từ: mẹ tôi.
Giống như cảnh sát trưởng Jones, bà có thói quen gia giảm cho những cuộc trò chuyện của mình bằng các câu hỏi tu từ. Với ông ta, đây là một công cụ giao tiếp ông ta đã thu thập được sau cả một đời làm việc trong lực lượng thực thi pháp luật - ông ta hỏi những câu hỏi bâng quơ ngớ ngẩn, sau đó quan sát đối tượng ông ta đang đối thoại để tìm kiếm bất cứ phản ứng tội lỗi nào: một cái nhăn mặt, cau mày, một cái nhướng mắt thoáng qua. Với mẹ tôi, đó chỉ là một thói quen khi nói mà bà đã thừa hưởng từ chính mẫu thân của mình, một người Anh, rồi truyền lại cho tôi. Tôi đã mất hết bất cứ chút giọng Anh mơ hồ nào tôi từng có, nhưng chưa bao giờ để mất cách mẹ tôi chuyển những lời trình bày thành các câu hỏi. Tốt hơn bây giờ con nên vào trong nhà, phải không nào?
bà sẽ nói như thế. Hoặc Bố con lại quên mất bữa trưa của ông ấy rồi; con sẽ phải mang nó tới cho ông ấy, đúng không?
Thậm chí cả những gì quan sát được về thời tiết cũng được thể hiện ra thành câu hỏi: Thêm một ngày mưa nữa, phải không nào?
Mặc dù tôi đang sốt cao và rất yếu khi cảnh sát trưởng Jones tới trước cửa nhà tôi vào ngày cuối tháng Mười một ấy, tôi vẫn chưa mê sảng. Tôi còn nhớ rất rõ cuộc trò chuyện giữa hai chúng tôi, theo cách một người có thể nhớ lại những hình ảnh trong một cơn ác mộng đặc biệt sống động.
Ông cũng cần biết ơn Arlette, bởi vì tôi sẽ chẳng bao giờ ghé qua chỗ này nếu không vì cô ta
, ông cảnh sát trưởng lúc ấy đã nói thế.
Chết rồi
, tôi đáp.
Cảnh sát trưởng Jones: Cô ta đã chết, được rồi.
Và sau đó, tôi đã nói đúng như tôi học được khi còn ngồi trên đầu gối mẹ tôi: Tôi đã giết cô ta, phải không?
Cảnh sát trưởng Jones đã coi cách diễn đạt tu từ đó của mẹ tôi (và của chính ông ta nữa, đừng quên) là một câu hỏi thực sự. Nhiều năm sau đó - tại nhà máy nơi tôi tìm thấy việc làm sau khi mất trang trại - tôi nghe một quản đốc mắng nhiếc một nhân viên bàn giấy vì gửi một đơn hàng tới Des Moines thay vì Davenport trước khi anh này nhận được vận đơn từ văn phòng phía trước.Nhưng chúng ta luôn gửi các đơn hàng ngày thứ Tư tới Des Moines
, anh chàng nhân viên sắp bị sa thải phản kháng lại. Tôi chỉ đơn giản là cho rằng...
Cho rằng đã biến cả cậu và tôi thành đồ ngốc
, tay quản đốc đáp lại. Tôi đoán đó là một cách diễn đạt chẳng mới mẻ gì, nhưng đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy nó. Và liệu có gì đáng ngạc nhiên nếu tôi nghĩ tới cảnh sát trưởng Jones khi nghe thấy những lời ấy? Thói quen biến những lời trình bày thành câu hỏi của mẹ tôi đã cứu tôi thoát khỏi ghế điện. Tôi đã không bao giờ bị một bồi thẩm đoàn kết án vì vụ sát hại vợ mình.
Nghĩa là cho tới lúc này.
Chúng đang ở đây cùng với tôi, nhiều hơn nhiều so với con số mười hai, xếp hàng dưới chân tường khắp quanh phòng, quan sát tôi với những con mắt bóng nhoáng như thoa dầu của chúng. Nếu một cô phục vụ phòng mang ga trải giường mới bước vào và thấy ban bồi thẩm lông lá này, chắc hẳn cô ta sẽ phải co rúm người lại bỏ chạy, nhưng sẽ chẳng có người phục vụ phòng nào tới; tôi đã treo tấm biển KHÔNG QUẤY RẦY ngoài cửa từ hai hôm trước, và nó vẫn nằm nguyên chỗ cũ từ lúc đó. Tôi đã không ra ngoài. Tôi có thể gọi đồ ăn từ dưới nhà hàng cuối phố, tôi đoán vậy, song tôi ngờ rằng thức ăn sẽ làm chúng chồm tới. Dù sao tôi cũng không đói, vậy nên đây cũng không phải là thiếu thốn gì lớn lắm. Cho tới lúc này, chúng, các bồi thẩm của tôi, đã tỏ ra nhẫn nại, nhưng tôi ngờ rằng chúng sẽ không còn như vậy được lâu nữa. Giống như bất cứ bồi thẩm đoàn nào, chúng đang bồn chồn chờ đợi lời chứng hoàn tất để có thể đưa ra lời tuyên án, nhận phần thù lao (mà trong trường hợp này sẽ được trả bằng thịt) và quay về nhà với gia đình chúng. Vậy nên tôi cần phải kết thúc. Sẽ không lâu nữa. Phần khó khăn nhất đã xong.
Những gì cảnh sát trưởng Jones nói khi ông ta ngồi bên giường tôi trong bệnh viện là,
Ông đã thấy điều đó trong mắt tôi, tôi đoán vậy. Có đúng không?
Tôi vẫn còn rất yếu, nhưng đã đủ bình phục để biết thận trọng.
Thấy gì cơ, ông cảnh sát trưởng?
Điều tôi tới để báo cho ông biết. Ông không nhớ gì nữa, phải không nào? Được thôi, tôi cũng không ngạc nhiên. Ông lúc đó là một người Mỹ đang ốm, Wilf. Tôi đã tin chắc ông sắp chết, và còn nghĩ không khéo ông sẽ chết trước khi tôi kịp đưa ông vào thành phố. Tôi đoán Chúa vẫn chưa xong việc với ông, phải vậy không?
Còn một việc
vẫn chưa kết thúc với tôi, nhưng tôi không nghĩ nó có gì can dự tới Chúa.
Có phải là Henry không? Có phải ông tới báo cho tôi biết gì đó về Henry không?
Không,
ông ta nói,
tôi đến để báo về Arlette. Một tin xấu, xấu nhất có thể, nhưng ông không thể trách bản thân. Hoàn toàn không giống như chuyện ông đánh đập đuổi cô ta ra khỏi nhà bằng một cây gậy.
Ông ta cúi người ra trước.
Ông có lẽ đã nghĩ tôi không thích ông, Wilf, nhưng không phải vậy. Có vài người trong vùng này không ưa gì ông - và chúng ta biết họ là ai, phải không? - nhưng đừng gộp tôi vào với những người đó chỉ vì tôi phải cân nhắc tới lợi ích của họ. Ông đã làm tôi bực mình một vài lần, và tôi tin ông đáng ra vẫn là bạn tốt với Harl Cotterie nếu ông quản lý con trai mình nghiêm khắc hơn, song tôi vẫn luôn tôn trọng ông.
Tôi nghi ngờ chuyện này, nhưng vẫn im lặng.
Còn về những gì đã xảy đến với Arlette, tôi sẽ nhắc lại, vì đáng phải nhắc lại: ông không thể trách bản thân.
Tôi không thể ư? Tôi nghĩ đó quả là một kết luận lạ đời có thể rút ra được, ngay cả với một nhân viên chấp pháp chưa bao giờ có thể làm người ta lẫn với Sherlock Holmes.
Henry đang gặp rắc rối, nếu một vài thông báo tôi nhận được là đúng,
ông ta nói với giọng nặng nề,
và cậu ta đang lôi Shan Cotterie vào chỗ nước sôi lửa bỏng với mình. Rất có thể chúng sẽ bị bỏng. Như thế đã là quá đủ để lo lắng với ông, ngay cả khi không phải chịu trách nhiệm về cái chết của vợ mình đi nữa. Ông không cần phải...
Hãy kể cho tôi biết,
tôi nói.
Hai ngày trước khi ông ta ghé qua nhà tôi - có thể đúng là ngày con chuột cắn tôi, mà cũng có thể không phải, song vào khoảng đó - một nông dân đang trên đường tới Lyme Biska mang theo số nông sản cuối cùng của anh ta đã nhìn thấy ba con chó hoang dành giật nhau thứ gì đó cách con đường chừng hai mươi mét về phía bắc. Có lẽ anh ta đã đi tiếp nếu không đồng thời phát hiện thấy một chiếc giày da bóng của nữ giới và một đôi giày hở gót màu hồng nằm dưới rãnh. Anh ta dừng lại, lấy súng ra bắn để xua lũ chó hoang đi, rồi tiến vào trong cánh đồng để xem con mồi chúng vừa tranh nhau. Anh ta tìm thấy bộ xương của một phụ nữ với những mảnh trang phục rách nát và vài mẩu thịt còn dính vào. Những gì còn lại từ mái tóc của người phụ nữ có màu nâu nhạt, một sắc màu mà mái tóc nâu vàng của Arlette có thể biến thành sau nhiều tháng phơi ngoài trời.
Hai trong số răng hàm đã bị mất,
Jones nói.
Arlette có bị mất hai răng hàm không?
Có,
tôi nói dối.
Bị mất sau một lần nhiễm trùng lợi.
Khi tôi tới ngay sau hôm cô ấy bỏ nhà đi, con trai ông có nói cô ấy mang theo mấy món nữ trang giá trị.
Phải.
Những món nữ trang ấy giờ đang ở dưới giếng.
Khi tôi hỏi liệu cô ấy có mang theo tiền hay không, ông đã nhắc tới 200 đô la. Đúng vậy không?
À, phải rồi. Món tiền tưởng tượng Arlette đã lấy đi từ ngăn kéo của tôi.
Đúng thế.
Ông ta gật đầu.
Thế đấy, vậy là rõ rồi, vậy là rõ rồi. Vài món nữ trang và một ít tiền. Điều đó lý giải tất cả, ông có thấy thế không?
Tôi không thấy...
Bởi vì ông không nhìn nhận theo góc độ của một người thực thi pháp luật. Vợ ông đã bị cướp trên đường, có vậy thôi. Một kẻ lưu manh nào đó phát hiện ra một phụ nữ đang vẫy xe đi nhờ giữa Hemingford và Lyme Biska, cho cô ta lên xe, giết cô ta, cướp hết tiền và nữ trang, rồi mang xác vợ ông ra cánh đồng gần nhất ném đi đủ xa để không thể trông thấy được từ trên đường.
Từ khuôn mặt dài thượt của ông ta, tôi có thể thấy ông ta đang nghĩ nhiều khả năng người phụ nữ đã bị hiếp bên cạnh bị cướp, và có khi việc thi thể của cô ta không còn đủ để có thể nói chắc được việc này lại hóa hay.
Vậy thì có lẽ là thế,
tôi nói, và bằng cách nào đó tôi đã có thể giữ được khuôn mặt nghiêm chỉnh cho tới khi ông ta ra về. Sau đó tôi lăn người úp xuống, và cho dù đã khiến phần tay cụt bị đau khi làm thế, tôi bắt đầu phá lên cười. Tôi úp mặt xuống gối, nhưng thậm chí như vậy cũng không thể làm im được hết tiếng cười. Khi bà y tá - một người đàn bà già nua xấu xí - tới và thấy nước mắt loang ra khắp trên mặt tôi, bà ta đoán (điều đã biến cả hai chúng ta thành đồ ngốc) rằng tôi vừa khóc. Bà ta đã mềm lòng, một điều tôi hẳn đã nghĩ không thể xảy ra, và cho tôi thêm một viên morphin nữa. Nói cho cùng, tôi là người chồng đang đau khổ và người cha phiền muộn. Tôi đáng được an ủi.
Và các vị có biết tại sao tôi lại cười không? Liệu có phải đó là thái độ cảm thông ngốc nghếch của Jones? Hay sự xuất hiện may mắn của một thi thể đàn bà rất có thể đã bị gã bạn đường nam giới của cô ta giết chết trong lúc cả hai đang say khướt? Là cả hai, nhưng chủ yếu là vì chiếc giày. Người nông dân nọ đã chỉ dừng lại kiểm tra xem đám chó hoang tranh nhau cái gì vì anh ta thấy một chiếc giày da bóng nữ giới dưới rãnh. Nhưng khi cảnh sát trưởng Jones hỏi về giày dép tại nhà tôi vào mùa hè trước đó, tôi đã nói với ông ta rằng đôi giày vải
của Arlette là đôi đã biến mất. Gã ngốc đã quên khuấy mất.
Và ông ta đã chẳng bao giờ nhớ ra chi tiết này.
Khi tôi quay trở về trang trại, gần như toàn bộ gia súc gia cầm của tôi đã chết. Kẻ sống sót duy nhất là Achelois, nó nhìn tôi với đôi mắt đói ăn đầy oán trách và ậm ò phàn nàn. Tôi cho nó ăn một cách trìu mến như thể các vị cho một con vật nuôi làm cảnh ăn vậy, mà quả thực con bò cái cũng chỉ còn là như thế. Các vị còn có thể gọi theo cách nào được nữa một con vật giờ đây không thể đóng góp gì cho nguồn sống của gia chủ?
Từng có thời khi Harlan, với sự giúp đỡ của vợ ông ta, hẳn sẽ chăm sóc cho lũ vật nuôi thay tôi khi tôi ở trong bệnh viện; đó là cách những người láng giềng như chúng tôi cư xử với nhau ở vùng Trung Tây. Nhưng ngay cả khi tiếng kêu ai oán của những con bò cái sắp chết tôi nuôi bắt đầu vọng qua cánh đồng tới tai ông ta trong lúc ông ta ngồi vào bàn ăn bữa tối, ông ta vẫn tránh xa. Nếu tôi ở vào vị trí của ông ta, có lẽ tôi cũng đã hành động tương tự. Trong mắt Harl Cotterie (và của thiên hạ), con trai tôi đã không chỉ hài lòng với việc làm hại đời con gái ông ta; thằng bé đã lần mò theo cô gái tới tận nơi đáng ra là chốn ẩn thân của cô gái, bắt cóc cô bé đi, và ép buộc cô sống cuộc đời tội lỗi. Hoàn toàn có thể hình dung ra những câu chuyện về
Đôi Tình Nhân Du Đãng
đã gặm nhấm ông bố cô gái như thế nào! Như acid! Vậy đấy!
Tuần tiếp theo - vào quãng thời gian việc trang trí đón mừng Lễ Giáng sinh bắt đầu ở các khu trang trại và dọc theo phố chính của Hemingford Home - cảnh sát trưởng Jones lại tìm tới trang trại. Một cái liếc mắt nhìn qua khuôn mặt ông ta cho tôi biết ông ta đem đến tin gì, và tôi bắt đầu lắc đầu.
Không. Không thêm nữa. Tôi sẽ không nghe. Tôi không thể. Hãy đi đi.
Tôi trở vào trong nhà, cố gắng đóng cửa chắn không cho ông ta vào, nhưng tôi vừa yếu hơn lại chỉ còn một bàn tay, và ông ta dễ dàng dùng sức mở được đường vào cho mình.
Bình tĩnh nào, Wilf,
ông ta nói.
Ông sẽ vượt qua được chuyện này.
Như thể ông ta biết mình đang nói về cái gì vậy.
Ông ta nhìn vào tủ bếp với cái cốc vại uống bia bằng sứ có vẽ hình trang trí đặt trên nóc, tìm thấy chai whisky đã gần cạn đến mức đáng buồn của tôi, rồi đổ chỗ rượu còn lại vào cái cốc, sau đó đưa nó cho tôi.
Bác sĩ chắc sẽ không tán thành,
ông ta nói,
nhưng ông ấy không có ở đây và ông sắp cần tới thứ này.
Đôi Tình Nhân Du Đãng đã được tìm thấy tại nơi ẩn náu cuối cùng của chúng, Shannon bị chết vì viên đạn của tay chủ quán, Henry vì một viên đạn nó tự bắn vào đầu mình. Các thi thể đã được chuyển tới nhà xác Elko để chờ chỉ dẫn. Harlan Cotterie sẽ thu xếp cho con gái ông ta, nhưng sẽ không muốn liên quan gì tới con trai tôi. Tất nhiên là không rồi. Tôi tự mình thu xếp việc đó. Henry tới Hemingford bằng tàu hỏa hôm mười tám tháng Mười hai, và tôi đã đợi sẵn ngoài ga, cùng một cỗ xe tang màu đen từ nhà đòn Anh em Casting. Tôi liên tiếp bị chụp ảnh. Tôi bị hỏi những câu hỏi mà thậm chí tôi không buồn cố trả lời. Những hàng tít trên tờ World-Herald và cả tờ Hemingford Weekly khiêm tốn hơn đều có mặt những từ NGƯỜI BỐ ĐAU KHỔ.
Tuy nhiên, nếu đám phóng viên thấy tôi ở nhà tang lễ, khi cái hòm gỗ thông rẻ tiền được mở ra, chắc hẳn họ đã được chứng kiến sự đau khổ thực sự; hẳn khi đó họ sẽ chuyển sang cụm từ NGƯỜI BỐ GÀO KHÓC. Viên đạn con trai tôi bắn vào thái dương nó khi nó ngồi ôm lấy đầu Shannon trong lòng đã tòe ra khi xuyên qua não và lấy đi một mảnh lớn xương sọ bên trái. Nhưng đó chưa phải là điều khủng khiếp nhất. Hai mắt thằng bé đã biến mất. Môi dưới của nó bị ăn hết, vậy là toàn bộ răng lộ ra hết thành một nụ cười gằn dữ tợn. Mũi thằng bé chỉ còn là một mẩu cụt đỏ lòm. Trước khi vài tay cớm hay người của văn phòng cảnh sát trưởng tìm thấy các thi thể, lũ chuột đã mở tiệc tưng bừng bằng con trai tôi và người yêu của nó.
Hãy chỉnh trang lại cho nó,
tôi nói vơi Herbert Casting khi tôi có thể bình tâm trở lại để nói thành lời.
Ông James... thưa ông... những phần thương tổn là...
Tôi biết chúng thế nào. Hãy chỉnh trang lại cho thằng bé. Và đưa nó ra khỏi cái hòm khốn kiếp kia. Đặt nó vào chiếc quan tài đẹp nhất ông có. Tôi không quan tâm tốn kém hết bao nhiêu. Tôi có tiền.
Tôi cúi xuống, hôn lên gò má rách nát của thằng bé. Đáng ra không người bố nào phải hôn vĩnh biệt con trai mình lần cuối cùng, nhưng nếu có người bố nào đáng phải chịu số phận như thế, người đó là tôi.
Shannon và Henry đều được chôn cất bên ngoài nhà thờ Giám lý Vinh quang của Chúa tại Hemingford, Shannon hôm hai mươi hai, còn Henry vào hôm trước ngày Lễ Giáng Sinh. Nhà thờ đông nghịt người hôm đưa tang Shannon, và tiếng than khóc gần như đủ to để làm nhấc bổng mái nhà lên. Tôi biết, vì tôi đã có mặt ở đó, ít nhất là một chốc. Tôi đứng phía sau, không bị ai nhận ra, rồi quay ra ngoài ở giữa lời điếu của mục sư Thursby. Mục sư Thursby cũng chủ trì tang lễ của Henry, nhưng chắc tôi cũng chẳng cần phải nói với các vị rằng số người tham dự ít hơn nhiều. Thursby chỉ thấy có một người, nhưng vẫn còn một người nữa. Arlette cũng có mặt tại đó, ngồi cạnh tôi, vô hình và tươi cười. Cô ta thì thầm vào tai tôi.
Anh có thích cái cách mọi thứ diễn ra không, Wilf? Liệu có đáng phải như thế không?
Nếu tính cả đến chi phí tang lễ, chi phí chôn cất, chi phí cho nhà xác, cũng như khoản tiền phải bỏ ra để đưa thi thể về nhà, việc an táng cho hình hài trần thế của con trai tôi tốn hết hơn 300 đô la. Tôi đã dùng tiền vay thế chấp để trả. Tôi còn có thể làm cách nào khác đây? Khi tang lễ kết thúc, tôi quay trở về một ngôi nhà trống rỗng. Nhưng trước hết tôi mua cho mình một chai whisky mới.
Năm 1922 vẫn còn một trò bỡn cợt nữa dành cho tôi. Ngay sau hôm Giáng sinh, một cơn bão tuyết lớn từ dãy Rockies ập tới, ụp xuống đầu chúng tôi một lớp tuyết dày và những cơn gió mạnh. Khi màn đêm buông xuống, tuyết thoạt đầu chuyển thành mưa đá, sau đó thành một cơn mưa như thác đổ. Vào khoảng nửa đêm, trong lúc tôi ngồi trong phòng khách tối om, làm dịu đi bên tay cụt đang đau nhức nhối bằng những hớp nhỏ whisky, một âm thanh đổ vỡ rầm rầm vang lên từ phía sau nhà. Đó là mái nhà vừa sập xuống ở phía đó - chính là phần mái nhà tôi đã muốn dùng khoản vay thế chấp, hay ít nhất là một phần khoản này, để chữa lại. Tôi nâng ly chúc mừng nó, rồi uống thêm một hớp nữa. Khi gió lạnh bắt đầu thốc vào quanh hai vai tôi, tôi lấy áo khoác treo trên móc ở phòng ngoài mặc lên người, rồi ngồi xuống, uống thêm một chút whisky nữa. Sau đó tôi ngủ thiếp đi lúc nào không rõ. Một âm thanh đổ sập tương tự đánh thức tôi dậy lúc ba giờ sáng. Lần này đến lượt nửa trước chuồng gia súc sụp đổ. Tuy thế Achelois lại sống sót thêm lần nữa, và tối hôm sau tôi đưa nó vào trong nhà cùng với tôi. Tại sao? các vị có thể hỏi tôi như thế, và câu trả lời của tôi sẽ là, Tại sao không? Quỷ quái thật, tại sao lại không? Chúng tôi là những kẻ sống sót. Chúng tôi là những kẻ sống sót.
Vào sáng hôm Lễ Giáng sinh (mà tôi trải qua bằng cách ngồi uống whisky trong căn phòng khách lạnh ngắt của mình, với con bò cái còn sống sót làm bạn), tôi đếm lại những gì còn sót lại từ khoản vay thế chấp, và nhận ra nó bắt đầu không còn đủ để trang rải những thiệt hại cơn bão gây ra. Tôi chẳng mấy bận tâm, vì tôi đã mất hết hứng thú với cuộc sống nông trại, nhưng ý nghĩ Công ty Farrington dựng lên một lò sát sinh và làm ô nhiễm dòng suối vẫn làm tôi nghiến chặt răng lại vì phẫn nộ. Nhất là sau cái giá quá đắt tôi phải trả để ngăn không cho 100 mẫu đất ba lần đáng nguyền rủa kia không lọt vào tay bọn họ.
Tôi đột ngột nhận ra, với việc Arlette chính thức được coi là đã chết thay vì mất tích, những mẫu đất ấy giờ là của tôi. Vậy là hai ngày sau, tôi nuốt lòng tự hào xuống và tìm tới gặp Harlan Cotterie.
Người đàn ông ra mở cửa cho tôi có bộ dạng khá hơn tôi nhiều, song những cú sốc khủng khiếp của năm đó dẫu vậy vẫn để lại dấu ấn của chúng. Ông ta đã sút cân, tóc đã thưa đi, và cái áo sơ mi ông ta mặc trông thật nhàu nhĩ - cho dù vẫn không nhàu nhĩ bằng khuôn mặt ông ta, và ít nhất với cái áo người ta vẫn có thể là được. Ông ta trông như một người sáu mươi lăm tuổi chứ không phải bốn mươi lăm.
Đừng đánh tôi,
tôi nói khi thấy ông ta siết chặt hai nắm tay lại.
Hãy nghe tôi nói đã.
Tôi sẽ không đánh một người chỉ còn lại một bàn tay,
ông ta nói,
nhưng tôi sẽ rất cảm ơn nếu ông ngắn gọn cho. Và chúng ta sẽ phải nói chuyện ở đây, ở ngoài thềm, vì ông sẽ không bao giờ đặt chân vào trong nhà tôi nữa.
Được thôi,
tôi nói. Tôi cũng đã sút cân - rất nhiều - và tôi đang rét run, nhưng không khí lạnh ngắt đem lại cảm giác thật dễ chịu cho cánh tay cụt của tôi, cũng như trên bàn tay vô hình dường như vẫn còn tồn tại bên dưới nó.
Tôi muốn bán cho ông 100 mẫu đất tốt, Harl. Khu đất Arlette đã rất muốn bán cho Công ty Farrington.
Nghe tới đó, ông ta mỉm cười, và đôi mắt ông ta sáng lên trong hai hố mắt giờ đây trở nên sâu hoắm.
Rơi vào lúc khó khăn rồi, phải không nào? Nửa ngôi nhà và nửa chuồng gia súc của ông đã sập. Hermie Gordon nói ông đưa một con bò vào trong nhà sống với ông.
Hermie Gordon là người bưu tá của vùng này, và nổi tiếng là kẻ hay buôn chuyện.
Tôi đưa ra một cái giá thấp đến nỗi miệng Harl há hốc và hai bên lông mày ông ta nhướng lên cao. Đúng lúc ấy tôi ngửi thấy một thứ mùi bốc ra từ ngôi nhà sạch sẽ chỉn chu của gia đình Cotterie, thứ mùi này dường như hoàn toàn xa lạ với nơi ấy: mùi thực phẩm khô bị cháy. Dường như không phải Sallie Cotterie đang nấu ăn. Từng có lúc một chi tiết như thế khiến tôi quan tâm, nhưng thời đó đã qua rồi. Tất cả những gì làm tôi bận tâm vào thời điểm đó là tống khứ được 100 mẫu đất đi. Dường như cũng hợp lý khi bán rẻ chúng, vì chúng đã làm tôi phải trả giá đắt đến thế.
Quả là dùng một xu đổi lấy một đô la,
ông ta nói. Rồi nói tiếp, với vẻ hài lòng rõ rệt:
Arlette hẳn sẽ phải lăn lộn trong mộ.
Cô ta đã làm còn nhiều hơn chỉ lăn lộn trong đó,
tôi nghĩ.
Ông cười vì chuyện gì vậy, Wilf?
Không gì hết. Ngoại trừ vì một thứ, tôi không quan tâm đến khu đất đó nữa. Điều duy nhất tôi còn quan tâm là giữ cho cái lò sát sinh chết tiệt của Farrington tránh xa nó ra.
Thậm chí nếu ông phải mất cả trang trại của chính mình?
Ông ta gật gù như thể tôi vừa đưa ra một câu hỏi.
Tôi biết về khoản vay thế chấp ông đã thực hiện. Chẳng thể có gì bí mật trong một thị trấn nhỏ.
Thậm chí là vậy,
tôi đồng ý.
Hãy nhận lời đề nghị đi, Harl. Ông sẽ thật điên rồ nếu không làm thế. Dòng suối mà bọn họ sẽ làm ngập ngụa trong máu, lông và ruột lợn - nó cũng là dòng suối của ông nữa.
Không,
ông ta nói.
Tôi tròn mắt nhìn ông ta, quá ngạc nhiên để có thể nói được gì. Nhưng một lần nữa ông ta lại gật gù như thể tôi vừa đưa ra một câu hỏi.
Ông nghĩ ông biết những gì ông đã gây ra cho tôi, nhưng ông chưa biết tất cả đâu. Sallie đã bỏ tôi. Cô ấy đã tới sống với bà con của mình ở McCook. Cô ấy nói có thể sẽ quay về, nói cô ấy sẽ suy nghĩ về mọi việc, nhưng tôi không nghĩ cô ấy sẽ làm thế. Vậy nên chuyện này sẽ đưa ông và tôi lên cùng một toa tàu vỡ, phải không nào? Chúng ta là hai gã đàn ông đã bắt đầu năm nay có vợ và đang kết thúc nó không còn vợ. Chúng ta là hai gã đàn ông bắt đầu năm nay với những đứa con còn sống và đang kết thúc nó với những đứa con đã chết. Khác biệt duy nhất tôi có thể thấy là tôi đã không mất đi nửa ngôi nhà và phần lớn chuồng gia súc trong cơn bão.
Ông ta trầm ngâm suy nghĩ tiếp.
Và tôi vẫn còn cả hai bàn tay. Còn cả chuyện đó nữa, tôi chắc vậy. Khi cần phải lôi của quý của tôi ra khỏi quần - nếu tôi cảm thấy cần phải làm việc đó - tôi sẽ còn quyền lựa chọn sử dụng bàn tay nào.
Cái gì... tại sao bà nhà lại...
Ồ, hãy dùng cái đầu của ông đi. Cô ấy trách cứ tôi cũng như ông về cái chết của Shannon. Cô ấy nói nếu tôi không ương ngạnh gửi Shan khỏi nhà, bây giờ con bé vẫn còn sống và đang sống với Henry tại trang trại của ông chỉ ngay cuối đường, thay vì nằm lạnh cóng trong một cái hòm dưới đất. Cô ấy nói đáng ra cô ấy đã có cháu. Cô ấy gọi tôi là một gã ngốc tự phụ, và cô ấy có lý.
Tôi chìa cho ông ta bàn tay còn lại của mình. Ông ta gạt nó đi.
Đừng có động vào tôi, Wilf. Ông chỉ còn lần cảnh cáo cuối cùng này về chuyện đó nữa thôi.
Tôi đưa tay trở lại bên sườn.
Có một điều tôi biết chắc,
ông ta nói.
Nếu tôi nhận đề nghị của ông, cho dù nó hấp dẫn đến thế, rồi đây tôi sẽ phải hối hận. Vì khu đất đó đã bị nguyền rủa. Chúng ta có thể không nhất trí với nhau trong mọi chuyện, nhưng tôi dám cược trong chuyện này thì có. Nếu ông muốn bán đất, hãy bán cho ngân hàng. Ông sẽ lấy lại được giao kèo thế chấp, cộng thêm một ít tiền mặt nữa.
Bọn họ sẽ lại quay sang bán ngay cho Farrington!
Ông phải chịu thôi
là những lời cuối cùng của ông ta trước khi đóng sập cửa lại trước mặt tôi.
Vào ngày cuối cùng của năm ấy, tôi lái xe tới Hemingford Home gặp ông Stoppenhauser tại ngân hàng. Tôi nói với ông ta tôi đã quyết định sẽ không sống ở trang trại nữa. Tôi cho ông ta hay tôi muốn bán khu đất của Arlette cho ngân hàng và dùng số tiền thu được để rút lại giao kèo vay thế chấp về. Giống như Harlan Cotterie, ông ta trả lời không. Trong khoảnh khắc, tôi chỉ biết ngồi thừ ra trên chiếc ghế đối diện với ông ta, không thể tin nổi những gì vừa nghe được.
Tại sao không? Đó là một khu đất tốt!
Ông ta nói với tôi rằng ông ta làm việc cho một ngân hàng, và một ngân hàng không phải là công ty bất động sản. Ông ta gọi tôi là ông James. Những ngày tôi được gọi là Wilf trong văn phòng đó đã kết thúc.
Chỉ là...
Lố bịch
là từ xuất hiện trong đầu tôi, nhưng tôi không muốn mạo hiểm xúc phạm ông ta để rồi mất đi cơ hội có thể ông ta đổi ý. Sau khi đã đi tới quyết định bán đi khu đất (và con bò nữa, tôi cũng phải tìm một người mua Achelois, có lẽ là một người lạ mặt sẵn sàng đổi nó lấy một túi đậu thần), ý tưởng đó đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của tôi. Vậy là tôi giữ giọng nói nhẹ nhàng và cố trình bày thật bình tĩnh.
Không chính xác là thế, ông Stoppenhauser. Ngân hàng đã mua lại khu Rideout mùa hè năm ngoái khi nó được đưa ra đấu giá. Cả khu Ba chữ M nữa.
Những trường hợp đó đều ở vào tình huống khác. Chúng tôi giữ một giao kèo thế chấp trên 80 mẫu đất ban đầu của ông, và hài lòng với điều đó. Việc ông muốn làm gì với một trăm mẫu bãi cỏ không làm chúng tôi quan tâm.
Ai đã tới gặp ông vậy?
tôi hỏi, rồi hiểu ra mình không nên làm thế. Là Lester, phải không nào? Con chó săn của Cole Farrington.
Tôi không hiểu ông đang nói về cái gì,
Stoppenhauser nói, nhưng tôi thấy mắt ông ta lóe lửa.
Tôi nghĩ tâm trạng đau buồn và... và vết thương ông phải chịu đựng... đã nhất thời ảnh hưởng tới khả năng suy nghĩ sáng suốt của ông.
Ồ không,
tôi nói, và bắt đầu phá lên cười. Đó là một âm thanh mất cân đối đến mức nguy hiểm, ngay cả với đôi tai của tôi.
Tôi chưa bao giờ suy nghĩ sáng suốt hơn trong cả đời mình, thưa ông. Hắn ta tới đây gặp ông - hắn ta hoặc một kẻ khác, tôi tin chắc Cole Farrington có đủ tiền để thuê bất cứ gã đê tiện nào ông ta muốn - và các người đã thỏa thuận với nhau. Ông là... kẻthông đồng
!
Tôi cười phá lên dữ dội hơn lúc nào hết.
Ông James, tôi sợ rằng tôi phải yêu cầu ông ra khỏi đây.
Có lẽ các người đã lên kế hoạch mọi chuyện từ trước,
tôi nói.
Có thể đó là lý do khiến ông lúc đầu lại bận tâm thuyết phục tôi thực hiện khoản vay thế chấp đáng nguyền rủa đó đến thế. Hoặc có thể khi Lester nghe được chuyện xảy đến với con trai tôi, hắn nhận ra một cơ hội vàng để tận dụng nỗi bất hạnh của tôi, và hối hả tìm đến gặp ông. Có thể hắn đã ngồi ngay trên chiếc ghế này và nói,
Chuyện này sẽ có lợi cho cả hai chúng ta, Stoppie - ông có được trang trại, thân chủ của tôi có được khu đất bên cạnh, và Wilf James có thể cuốn xéo xuống Địa Ngục.
Chẳng phải rất giống những gì đã xảy ra sao?
Ông ta bấm vào một cái nút trên bàn, và lập tức cánh cửa mở ra. Đây chỉ là một ngân hàng nhỏ, quá nhỏ để thuê nhân viên bảo vệ, nhưng người thu ngân vừa cúi người vào là một anh chàng to con. Một thành viên của Nhà Rohrbacher, nếu suy ra từ ngoại hình; tôi đã đi học cùng bố anh chàng này, và Henry hẳn từng học cùng với em gái cậu ta, Mandy.
Có rắc rối gì sao, thưa ông Stoppenhauser?
cậu ta hỏi.
Không có gì cả nếu ông James ra khỏi đây ngay,
ông ta nói.
Cậu có thể đưa ông ta ra chứ, Kevin?
Kevin bước vào, và khi tôi chậm chạp không đứng dậy ngay, cậu ta đưa một bàn tay tóm vào ngay trên khuỷu tay trái của tôi. Cậu ta ăn mặc như một nhân viên ngân hàng, cho tới tận dây đeo quần và nơ bướm, nhưng bàn tay đó là một bàn tay nông dân, cứng rắn và chai sạn. Cánh tay cụt vẫn còn trong quá trình hồi phục của tôi lập tức giần giật cảnh báo.
Đi thôi, thưa ông,
anh chàng thanh niên nói.
Đừng kéo tôi,
tôi nói.
Chỗ nối với bàn tay trước đây của tôi vẫn còn đau.
Vậy ông hãy đi đi.
Tôi đã đến trường cùng bố cậu. Ông ấy ngồi cạnh tôi và thường chép bài của tôi vào Tuần Thi Mùa Xuân.
Cậu ta lôi tôi ra khỏi chiếc ghế nơi tôi từng được xưng hô là Wilf. Anh chàng Wilf tốt bụng, một kẻ thật ngốc nếu không thực hiện một khoản vay thế chấp. Chiếc ghế gần như lật nghiêng.
Chúc mừng năm mới, ông James,
Stoppenhauser nói.
Ông cũng vậy, đồ đê tiện khốn kiếp,
tôi đáp lại. Nhìn thấy vẻ choáng váng trên khuôn mặt ông ta có lẽ là điều hay ho cuối cùng đến với tôi trong đời mình. Tôi đã ngồi đây năm phút, nhai quản bút trong lúc cố nhớ ra một điều gì đó tích cực từng đến kể từ lúc ấy - một cuốn sách hay, một bữa ăn ngon, một buổi chiều khoan khoái trong công viên - nhưng không thể.
Kevin Rohrbacher đưa tôi ra qua phòng ngoài. Tôi đoán đó là động từ phù hợp; vì cách cậu ta làm không hẳn là lôi. Sàn nhà lát cẩm thạch, và tiếng bước chân của chúng tôi vang lên rõ mồn một. Các bức tường lát ván gỗ sồi sẫm màu. Ở các khung cửa sổ cao dành cho nhân viên giao dịch, hai phụ nữ đang phục vụ một nhóm nhỏ khách hàng cuối năm. Một khách hàng còn trẻ, và một người đã già, song vẻ tròn mắt kinh ngạc của cả hai thì giống hệt nhau. Nhưng không phải vẻ quan tâm chăm chú, gần như thèm khát của họ thu hút sự chú ý của hai mắt tôi; chúng bị hút vào một thứ hoàn toàn khác. Có một thanh ván gỗ sồi rộng chừng ba inch chạy ngang bên trên các cửa sổ dành cho giao dịch viên, và đang bận rộn hối hả bò qua trên đó...
Cẩn thận con chuột kia!
tôi kêu lên, và giơ tay lên chỉ.
Người giao dịch viên trẻ hơn khẽ kêu, đưa mắt nhìn lên trên, rồi nhìn sang người đồng nghiệp lớn tuổi hơn của cô ta. Chẳng có con chuột nào hết, chỉ là bóng chiếc quạt trần vừa lướt qua. Và giờ thì tất cả mọi người đều nhìn vào tôi.
Cứ trợn mắt ra mà nhìn thỏa thích đi!
tôi nói với họ.
Nhìn cho chán đi! Nhìn cho tới khi tròng mắt chết tiệt của các người rơi ra ngoài đi!
Sau đó tôi đã ở ngoài được, phả ra không khí mùa đông lạnh ngắt trông giống như khói thuốc lá.
Đừng quay lại trừ khi ông có công việc phải làm,
Kevin nói.
Và trừ khi ông có thể nói năng chừng mực.
Bố cậu là gã lừa đảo đáng nguyền rủa tồi tệ nhất tôi từng gặp khi còn đi học,
tôi nói với anh chàng. Tôi muốn cậu ta nện tôi, nhưng cậu ta chỉ quay vào trong và để tôi lại một mình bên rìa đường, đứng trước chiếc xe tải cũ kỹ tàn tạ của tôi. Và đó là những gì xảy ra khi Wilfred Leland James tới thị trấn vào ngày cuối cùng của năm 1922.
Khi tôi về đến nhà, Achelois không còn ở trong nhà. nó đang ở ngoài sân, nằm nghiêng sang một bên và thở phì phò ra từng đám hơi trắng xóa của chính nó. Tôi có thể nhìn thấy những vết tuyết bị xới tung lên khi con bò cuống cuồng lao ra khỏi cửa, cùng một vũng nữa lớn hơn khi nó hậu đậu chạm đất và gãy cả hai chân trước. Dường như cả một con bò cái vô tội cũng không thể sống sót được ở bên cạnh tôi.
Tôi vào phòng ngoài lấy khẩu súng, sau đó vào trong nhà, muốn tìm hiểu xem - nếu có thể - nguyên nhân nào đã làm con bò sợ đến mức làm nó phải hốt hoảng chạy trốn khỏi nơi nương thân mới của mình như thế. Đó là lũ chuột, tất nhiên rồi. Ba con đang ngồi trên chiếc tủ ly Arlette rất quý hóa, nhìn tôi chằm chằm với những đôi mắt đen nghiêm nghị của chúng.
Quay về nói với cô ta hãy để tao yên,
tôi nói với chúng.
Nói với cô ta rằng cô ta đã làm hại tao đủ rồi. Vì Chúa, hãy bảo cô ta để tao yên.
Chúng chỉ ngồi đó nhìn tôi với cái đuôi cuộn quanh thân hình màu xám đen. Vậy là tôi giơ súng lên và bắn vào con chuột ở giữa. Viên đạn xé tung nó ra, hất những gì còn lại của nó bắn tung tóe lên tấm giấy dán tường chính Arlette đã cầu kỳ lựa chọn chừng 9 hay 10 năm trước. Khi Henry vẫn còn là một chú bé con và mọi chuyện vẫn tốt đẹp giữa ba chúng tôi.
Hai con còn lại bỏ chạy. Quay lại lối đi bí mật dưới đất của chúng, tôi không nghi ngờ gì về chuyện đó. Quay về với nữ hoàng thối rữa của chúng. Những gì chúng để lại trên cái tủ ly thuộc về cô vợ đã chết của tôi là vài bãi phân chuột cùng ba bốn mảnh của chiếc bao tải Henry đã lấy từ chuồng gia súc vào buổi tối đầu hè năm 1922 đó. Lũ chuột đã tới để giết con bò cái cuối cùng của tôi và mang cho tôi vài mảnh nhỏ trong tấm che đầu của Arlette.
Tôi ra ngoài, vuốt ve Achelois trên đầu nó. Con bò nghển cổ lên và ậm ò than vãn. Hãy chấm dứt nó đi. Ông là ông chủ, là chúa trong thế giới của tôi, vậy hãy chấm dứt nó đi.
Tôi làm đúng như vậy.
Chúc mừng năm mới.
Đó là đoạn kết của năm 1922, và cũng là đoạn kết câu chuyện của tôi; tất cả phần còn lại chỉ là vĩ thanh. Đám sứ giả đang đứng chen chúc đông nghịt trong căn phòng này - chắc hẳn ông giám đốc của khách sạn cũ đẹp đẽ này phải kêu thét lên nếu ông ta nhìn thấy chúng! - sẽ không phải chờ lâu hơn nữa để đưa ra phán quyết của chúng. Cô ta là thẩm phán, chúng là bồi thẩm đoàn, nhưng tôi sẽ là đao phủ của chính mình.
Tôi để mất trang trại, tất nhiên rồi. Không ai, kể cả Công ty Farrington, chấp nhận mua 100 mẫu đất đó cho tới khi tôi chịu bán nốt cả trang trại, và khi đám đồ tể giết lợn ấy cuối cùng xông vào cuộc, tôi bị ép phải bán ở mức giá thấp đến điên rồ. Kế hoạch của Lester đã thành công hoàn hảo. Tôi tin chắc đó là trò vè của hắn, và tôi tin chắc hắn đã bỏ túi một khoản hoa hồng.
Ồ, được rồi; kiểu gì rồi hẳn tôi cũng mất miếng đất cắm dùi đó của mình ở hạt Hemingford, cho dù tôi có đủ tiềm lực tài chính để trang trải khoản vay đi chăng nữa, và trong ý nghĩ này quả là có chút an ủi phù phiếm. Người ta nói cuộc suy thoái chúng ta đang lâm vào đã bắt đầu từ ngày Thứ Sáu Đen Tối hồi năm ngoái, nhưng người dân ở các tiểu bang như Kansas, Iowa và Nebraska biết nó đã bắt đầu từ năm 1923, khi những vụ gieo trồng còn sót lại sau những cơn bão khủng khiếp đã bị hủy hoại hoàn toàn trong đợt hạn hán diễn ra liền sau đó, một đợt hạn hán kéo dài suốt hai năm trời. Chút nông sản ít ỏi tìm được đường tới thị trường của các thành phố lớn và các phiên giao dịch nông sản tại những thị trấn nhỏ chỉ mang về những khoản thu nhập chết đói. Harlan Cotterie cầm cự được tới khoảng năm 1925, sau đó ngân hàng tịch thu trang trại của ông ta. Tôi tình cờ biết được tin đó trong lúc xem qua danh mục chào bán của ngân hàng trên tờ World-Herald.
Tới năm 1925, những bản danh sách như thế có khi lấp kín cả nhiều trang báo. Các trang trại nhỏ bắt đầu biến mất, và tôi tin rằng trong một trăm năm nữa - mà có khi chỉ 75 năm thôi - tất cả sẽ biến mất. Tới năm 2030 (nếu như rồi sẽ có một năm như thế), cả phần Nebraska phía tây Omaha sẽ là một trang trại lớn. Có thể sở hữu nó sẽ là Công ty Farrington, và những kẻ kém may mắn tới mức phải sống trên miền đất ấy sẽ trải qua cả cuộc đời họ dưới bầu trời vàng vọt bẩn thỉu và phải đeo mặt nạ phòng độc để khỏi chết ngạt vì mùi xú uế của lợn chết. Và tất cả
các dòng suối sẽ đỏ ngầu vì máu chảy ra từ các lò mổ.
Tới năm 2030, sẽ chỉ còn lũ chuột cảm thấy hạnh phúc.
Đó là đổi một xu lấy một đô la,
Harlan nói như thế vào ngày tôi đề nghị bán cho ông ta khu đất của Arlette, và cuối cùng tôi buộc phải bán cho Cole Farrington để đổi lấy một phần còn ít hơn thế của một đô la. Luật sư Andrew Lester mang các giấy tờ tới khu nhà cho thuê phòng ở thành phố Hemingford nơi tôi đang sống lúc đó, và ông ta mỉm cười khi tôi ký vào chúng. Tất nhiên là thế rồi. Những kẻ mạnh thế luôn thắng. Tôi quả là ngốc khi nghĩ với mình có thể có gì đó khác đi. Tôi là một gã ngốc, và tất cả những ai tôi từng yêu quý đều phải trả giá vì điều đó. Thỉnh thoảng tôi lại tự hỏi liệu Sallie Cotterie rồi có quay trở lại với Harlan, hay ông ta có tới với bà ở McCook sau khi mất đi trang trại hay không. Tôi không biết, nhưng tôi nghĩ cái chết của Shannon hẳn đã làm kết thúc cuộc hôn nhân trước đó vốn hạnh phúc. Thuốc độc luôn lan ra như mực trong nước vậy.
Trong khi tôi viết những dòng này, lúc chuột đã bắt đầu từ chân tường của căn phòng di chuyển lại gần. Hàng rào hình vuông lúc trước giờ đã trở thành một vòng tròn đang khép lại. Chúng biết đây chỉ là đoạn tiếp theo
, và không điều gì tới tiếp theo một hành động không thể vãn hồi còn có chút gì quan trọng. Song tôi sẽ vẫn hoàn tất nó. Và chúng sẽ không thể có được tôi chừng nào tôi còn sống; chiến thắng nho nhỏ cuối cùng sẽ thuộc về tôi. Chiếc áo khoác cũ màu nâu của tôi đang được treo lên lưng tựa của chiếc ghế tôi đang ngồi. Khẩu súng ngắn ở trong túi áo. Khi tôi đã kết thúc vài trang cuối cùng của bản thú tội này, tôi sẽ dùng đến nó. Người ta nói những kẻ tự sát và giết người phải xuống Địa Ngục. Nếu vậy, tôi sẽ biết rõ đường đi lối lại, vì tôi vốn đã ở đó trong suốt tám năm qua rồi.
Tôi tới Omaha, và nếu đó thực sự là một thành phố của những gã ngốc như tôi từng tuyên bố, vậy thì trước hết tôi là một công dân kiểu mẫu. Tôi bắt tay vào uống dần đi 100 mẫu đất của Arlette, và cho dù đó chỉ còn là xu lẻ của đô la, tôi cũng phải mất đến hai năm. Khi không uống, tôi tới thăm những nơi Henry đã đi qua trong những tháng cuối cùng của đời nó: cửa hàng tạp hóa và trạm xăng ở Lyme Biska với hình Cô Gái Mũ Xanh trên nóc (đến lúc đó đã dóng cửa với một tấm biển treo trên cánh cửa bị đóng ván gỗ có ghi NGÂN HÀNG RAO BÁN), cửa hàng cầm đồ ở phố Dodge (nơi tôi bắt chước con trai mình và mua khẩu súng ngắn lúc này đang nằm trong túi áo khoác của tôi), chi nhánh Omaha của First Agricultural Bank. Cô nàng nhân viên giao dịch xinh xắn vẫn còn làm việc ở đó, cho dù họ của cô ta giờ không còn là Penmark nữa.
Khi tôi đưa tiền cho cậu ấy, cậu ấy đã nói cảm ơn,
cô gái kể với tôi.
Có thể cậu ta đã đi vào con đường sai lầm, nhưng ai đó đã dạy dỗ cậu ấy rất tử tế. Ông có biết cậu ấy không?
Không,
tôi nói,
nhưng tôi biết gia đình cậu ta.
Tất nhiên tôi có tìm tới St. Eusebia, nhưng không tìm cách vào trong hỏi chuyện về Shannon Cotterie với bà quản lý hay xơ bề trên, cho dù danh hiệu chính thức của bà ta có là gì đi nữa. Đó là một khối nhà lạnh lùng thù địch, những khối đá dày và những khe cửa sổ hẹp thể hiện hoàn hảo những gì mà dường như giới tu sĩ của giáo hội cảm nhận về phụ nữ trong trái tim họ. Dõi theo vài cô gái mang thai lén lút bước ra với đôi mắt cúi gằm và đôi vai co ro đã nói cho tôi biết tất cả những gì tôi cần phải biết vì sao Shan lại sẵn sàng rời khỏi nơi đó.
Cũng thật lạ, tôi cảm thấy gần gũi nhất với con trai mình trong một con hẻm. Nó là con hẻm nằm cạnh Hiệu thuốc và sô đa trên phố Gallantin (chuyên kẹo Schraff's[35] và kẹo mềm đặc biệt nhà làm), cách St. Eusebia hai khối nhà. Tại đây có một cái vỏ thùng, có lẽ còn quá mới để có thể là cái Henry từng ngồi lên trong lúc thằng bé đợi một cô gái đủ táo tợn để đổi thông tin lấy thuốc lá, nhưng tôi có thể vờ tin là vậy, và tôi đã làm như thế. Những trò giả bộ như vậy dễ hơn khi tôi đã say, và phần lớn những ngày tôi tìm đến phố Gallatin, quả thực tôi đều khá say. Đôi lúc tôi giả bộ rằng lúc này lại là năm 1922, và chính tôi là người đang chờ đợi Victoria Stevenson. Nếu cô gái tới, tôi sẽ đổi cả cây thuốc lá cho cô ta để cô ta chịu thực hiện một lời nhắn: Khi một thanh niên tự xưng là Hank xuất hiện ở đây hỏi thăm về Shan Cotterie, hãy bảo cậu ta biến đi. Bảo cậu ta hãy đi chỗ khác. Nói với cậu ta rằng bố cậu ta cần cậu ta quay về trang trại, rằng rất có thể với hai người cùng nhau làm việc, họ sẽ cứu được nó.
Nhưng cô gái ấy đã ở ngoài tầm với của tôi. Cô Victoria duy nhất tôi gặp là phiên bản sau này, người phụ nữ với ba đứa con kháu khỉnh và danh xưng đáng kính trọng bà Hallett. Đến lúc ấy tôi đã thôi không còn uống nữa, tôi đã có việc làm ở nhà máy may Bilt-Rite Clothing, và đã làm quen trở lại với dao cạo và xà phòng cạo râu. Vì lớp vỏ đáng kính trọng này, cô gái đã khá sẵn lòng tiếp chuyện tôi. Tôi cho cô ta biết tôi là ai chỉ vì - nếu tôi cần phải trung thực đến cùng - nói dối ở đây chẳng ích lợi gì. Tôi có thể thấy trong đôi mắt hơi mở to ra của cô gái rằng cô ta đã nhận ra nét tương đồng giữa hai bố con tôi.
Phải, nhưng cậu ấy thật dễ mến,
cô gái nói.
Và thật điên cuồng vì yêu. Cháu lấy làm tiếc cho Shan nữa. Cô ấy là một cô gái thật tuyệt. Cứ như một bi kịch[36] của Shakespeare vậy, phải không ông?
Chỉ có điều cô ta phát âm từ đó thành trad-a-gee
, và sau lần ấy tôi không còn quay lại con hẻm trên phố Gallatin lần nào nữa, vì với tôi vụ sát hại Arlette đã làm nhiễm độc cả cố gắng của bà mẹ trẻ vô tội ở Omaha này khi cô gái muốn tỏ ra thông cảm. Cô ta nghĩ cái chết của Henry và Shannon giống như một trad-a-gee
của Shakespeare. Cô ta nghĩ những cái chết ấy thật lãng mạn. Liệu cô ta có còn nghĩ vậy nữa hay không, tôi tự hỏi, nếu cô ta nghe thấy tiếng vợ tôi kêu thét lên lần cuối từ bên trong cái bao tải sũng máu? Hay nhìn qua khuôn mặt không còn mắt, không còn môi của con trai tôi?
Tôi đã trải qua hai công việc trong những năm tôi sống tại Thành phố Cửa ngõ[37], cũng còn được biết đến dưới cái tên Thành phố của những Tên ngốc. Các vị sẽ nói tất nhiên tôi phải có công việc; nếu không thế chắc hẳn tôi đã phải sống ngoài đường. Nhưng có những con người lương thiện hơn tôi đã tiếp tục uống rượu ngay cả khi họ muốn ngừng lại, có những người đàng hoàng hơn tôi đã phải kết thúc trong cảnh ngủ dưới vòm cửa. Tôi cho rằng tôi có thể nói sau những năm tháng đã mất của mình, tôi từng thử nỗ lực thêm lần nữa để sống một cuộc sống thật sự. Có những lúc tôi thành thực tin vào điều đó, nhưng khi nằm trên giường buổi tối (và lắng nghe lũ chuột lích rích trong các bức tường - chúng vẫn luôn là những kẻ đồng hành không bao giờ rời xa tôi), tôi luôn biết rõ sự thật: tôi vẫn đang cố để thắng cuộc. Thậm chí ngay cả sau những cái chết của Henry và Shannon, ngay cả sau khi đã mất đi bàn tay, tôi vẫn đang cố đánh bại cái xác ở dưới giếng. Cô ta và đám sủng thần
của cô ta.
John Hanrahan là quản đốc kho hàng tại nhà máy Bilt-Rite. Ông ta không muốn thuê một người chỉ có một bàn tay, nhưng tôi đã nài xin được làm thử, và khi tôi chứng minh cho ông ta thấy tôi có thể đẩy một xe hàng chất đầy áo sơ mi hay quần yếm chẳng kém bất cứ ai trong đám nhân công dưới quyền ông ta, viên quản đốc nhận tôi vào làm. Tôi đã đẩy những xe hàng đó trong 14 tháng, và thường xuyên phải tập tễnh quay về căn nhà trọ nơi tôi sống với lưng và cánh tay cụt đau như bị lửa thiêu. Song tôi không bao giờ phàn nàn, và thậm chí tôi còn tìm ra được đủ thời gian để học may. Việc này tôi làm vào giờ nghỉ trưa (trên thực tế kéo dài 15 phút) và trong giờ nghỉ ca chiều. Trong khi những người khác quay trở lại chỗ bốc xếp hàng hút thuốc và kể những câu chuyện tục tĩu, tôi tự học cách may nối, đầu tiên là trên những bao tải đựng hàng đã qua sử dụng, rồi sau đó là trên những chiếc quần yếm, vốn là mặt hàng chủ đạo của công ty. Hóa ra tôi lại có khiếu cho việc này, thậm chí tôi còn có thể khâu khóa kéo, một kỹ năng không dễ dàng chút nào trên một dây chuyền may công nghiệp. Tôi dùng cánh tay cụt ép lên món đồ để giữ nó cố định trong lúc bàn chân tôi vận hành bàn đạp điện.
May được trả công khá hơn bốc xếp hàng, và cũng dễ chịu hơn cho cái lưng của tôi, nhưng khu xưởng may tối om giống như những hang động, và sau chừng bốn tháng tôi bắt đầu nhìn thấy chuột trên những đống vải bò mới tinh chất cao như núi và lấp ló trong bóng tối bên dưới những chiếc xe đẩy được dùng để chuyển vải vào và sau đó đưa sản phẩm ra.
Vài lần tôi chỉ cho đồng nghiệp của mình chú ý tới những kẻ gặm nhấm ăn hại đó. Họ đều nói không trông thấy chúng. Có thể họ không thấy thật. Tôi nghĩ nhiều khả năng hơn thế là họ sợ xưởng may có thể bị đóng cửa tạm thời để đội bắt chuột tới thực hiện nhiệm vụ. Các thợ may như thế có thể bị mất ba ngày lương, thậm chí là một tuần. Với những người có gia đình, điều đó cũng có nghĩa là thảm họa. Với họ, sẽ dễ dàng hơn là nói lại với ông Hanrahan rằng tôi đã quáng mắt. Tôi hiểu điều đó. Và khi họ bắt đầu gọi tôi là Wilf Điên thì sao? Chuyện này tôi cũng có thể hiểu được. Và đó không phải là nguyên nhân tại sao tôi rời bỏ công việc đó.
Tôi bỏ việc vì lũ chuột cứ tiếp tục kéo đến.
Tôi đã để dành được một ít tiền, và chuẩn bị tinh thần sống dựa vào khoản này trong lúc tìm một công việc mới, song tôi đã không phải làm như vậy. Chỉ ba ngày sau khi rời khỏi Bilt-Rite, tôi thấy một rao vặt trên báo tìm thủ thư tại Thư viện Công cộng Omaha - cần có thư giới thiệu hoặc chứng chỉ. Tôi không có chứng chỉ nào, nhưng tôi đã là người mê đọc sách cả đời, và nếu những biến cố xảy ra trong năm 1922 đã dạy được tôi điều gì, thì đó là cách qua mặt người khác. Tôi giả mạo thư giới thiệu từ một vài thư viện công cộng ở Kansas City và Springfield, Missouri, và có được công việc. Tôi cảm thấy chắc chắn ông Quales rồi sẽ kiểm tra lại các thư giới thiệu và phát hiện ra chúng là giả mạo, vậy là tôi nỗ lực để trở thành thủ thư xuất sắc nhất nước Mỹ, và tôi làm việc rất nhanh. Khi cấp trên mới của tôi bắt tôi đối chứng với trò lừa đảo của mình, tôi sẽ trông đợi vào sự rộng lượng của ông ta và hy vọng vào tình huống tốt nhất. Song chẳng có cuộc đối chất nào xảy ra cả. Tôi đã giữ được việc làm của mình tại Thư viện Công cộng Omaha trong bốn năm. Nói về mặt lý thuyết, lúc này tôi vẫn đang nắm giữ công việc đó, cho dù đã một tuần nay tôi không có mặt tại chỗ làm và vẫn chưa gọi điện báo ốm.
Lũ chuột, các vị thấy đấy. Chúng cũng đã tìm thấy tôi ở đó. Tôi bắt đầu thấy chúng ngồi trên các chồng sách cũ ở phòng đóng sách, hay chạy dọc trên các tầng giá sách cao nhất, nhìn xuống tôi ra vẻ đã biết. Tuần trước, trong Phòng Tham khảo, tôi lấy ra một tập Bách khoa toàn thư Anh cho một độc giả lớn tuổi (đó là cuốn Ra-St, chắc chắn có chứa đầu mục cho Rattus norvegicus
[38], ấy là chưa kể tới slaughterhouse
[39]) và thấy một khuôn mặt đói khát màu xám đen nhìn chằm chằm vào tôi từ trong ô để sách đã trống. Đó chính là con chuột đã cắn đầu vú của con bò Achelois tội nghiệp. Tôi không biết làm thế nào lại có thể như thế được - tôi tin chắc đã giết chết nó - nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đã nhận ra nó. Làm sao tôi có thể không nhận ra chứ? Có một mảnh bao tải, một mảnh bao tải thấm máu
, mắc vào bộ ria của nó.
Là cái bao chụp trên tóc cô ta!
Tôi mang tập Bách khoa toàn thư Anh ra cho bà lão đã yêu cầu nó (bà lão khoác một chiếc khăn lông chồn, và đôi mắt bé tí màu đen của con vật đó lạnh lẽo nhìn tôi). Sau đó tôi chỉ đơn giản đi ra ngoài thư viện. Tôi lang thang trên phố nhiều giờ liền, và cuối cùng tìm đến đây, khách sạn Magnolia. Và tôi đã ở đây suốt từ lúc đó, sử dụng số tiền tôi đã dành dụm được với công việc thủ thư - một công việc giờ đây cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa - và viết ra bản thú tội của mình, một điều rất có ý nghĩa. Tôi ...
Một trong số chúng vừa cắn vào mắt cá chân tôi. Như thể để nói Kết thúc đi, sắp hết thời gian rồi
. Một ít máu đã bắt đầu thấm ra tất của tôi. Điều đó không làm tôi bận tâm, không chút nào. Tôi đã nhìn thấy nhiều máu hơn thế trong đời mình; vào năm 1922 còn có cả một căn phòng ngập đầy thứ chất lỏng đó.
Và bây giờ tôi nghĩ tôi nghe thấy... có phải đó là trí tưởng tượng của tôi không nhỉ?
Không.
Có ai đó vừa tới gặp tôi.
Tôi đã nút đường ống lại, nhưng lũ chuột vẫn thoát ra ngoài được. Tôi đã lấp kín giếng, song cô ta
vẫn tìm được đường chui lên. Và lần này tôi không nghĩ cô ta chỉ có một mình. Tôi nghĩ tôi nghe thấy thêm hai loại tiếng bước chân nữa, chứ không phải một. Hay là...
Ba? Chẳng lẽ là ba? Không lẽ cô gái đáng lẽ đã có thể trở thành con dâu của tôi trong một thế giới tốt đẹp hơn cũng đi cùng với họ?
Tôi nghĩ là có. Ba xác chết đang tiến lên theo lối đi, khuôn mặt của họ (những gì còn lại) biến dạng vì những vết chuột gặm. Khuôn mặt Arlette còn xô lệch sang một bên... vì cú đá của một con bò giãy chết.
Thêm một cú cắn nữa vào mắt cá.
Rồi thêm một cú nữa!
Làm thế nào ban quản lý khách sạn có thể...
Ôi! Thêm một lần nữa. Nhưng chúng sẽ không có được tôi. Và cả những vị khách của tôi cũng không, cho dù lúc này tôi có thể thấy quả đấm cửa đang xoay, và tôi có thể ngửi thấy họ, những mảnh thịt còn dính lại trên xương họ tỏa ra mùi hôi thối của chết chóc chết chóc
Khẩu súng
Chúa ơi, nó ở đâu
dừng lại
ÔI HÃY LÀM CHÚNG THÔI KHÔNG CẮN TÔI!
--------------------------------
[26] 1 foot = 30 cm.
[27] 1 pound = 0,453 kg.
[28] Thương hiệu thuốc lá bắt đầu được sản xuất tại Mỹ từ năm 1878.
[29] Một loại kẹo.
[30] Ám chỉ tới bộ phim câm Một lời nhắn cho Garcia sản xuất năm 1916, trong đó một điệp viên Mỹ được giao nhiệm vụ bí mật tới liên lạc với Calixto Garcia, thủ lĩnh quân du kích Cuba trước thời kỳ xảy ra chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha (1898).
[31] Cô gái nói nhầm, đúng ra là Oliver Twist, tên một tiểu thuyết của Charles Dicken.
[32] 1 inch = 2,54 cm.
[33] Một thương hiệu chất tẩy rửa tổng hợp thông dụng do hãng Procter & Gamble sản xuất.
[34] Xe mui trần có bốn hay năm chỗ ngồi.
[35] Một công ty kẹo do William F.Schraff thành lập năm 1861 ở Boston.
[36] Nguyên tác tiếng Anh: tragedy.
[37] Gateway City, biệt danh của Omaha.
[38] Tên khoa học latinh của chuột.
[39] Lò sát sinh.