III - Chương 1


Số từ: 3469
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Trong số sáu thanh niên tôi sẽ gặp năm đó, người tôi gần gũi hơn cả là một cô gái Anh tóc sẫm màu mà gia đình tôi đã quen biết trong thời gian tôi có mặt tại Cộng hòa Vwarda đặng dàn xếp các khoản vay công nghiệp trong suốt thập kỷ đầy biến động đó, khi người da đen châu Phi nắm quyền điều khiển chính phủ của họ.
Lúc đầu, tôi không được làm việc trực tiếp với tổng thống mới người da đen của Vwarda, cả với các thành viên nội các cũng không, bởi vì trong thời kỳ đầu đó quốc gia non trẻ này không có người da đen nào đủ thông thạo hòng xử lý các vấn đề kinh tế trong một hợp đồng vay nợ quốc tế. Tôi chủ yếu tiến hành thảo luận với Sir Charles Braham, người mà xét về nhiều mặt là điển hình cho viên chức thuộc địa Anh, nhưng về những mặt khác thì lại không điển hình lắm, như các vị có thể thấy.
Ông là mẫu người điển hình do được đào tạo ở một trường công có tiếng và sau đó dự học ở Oxford, hai trải nghiệm ấy đã mang lại sự pha trộn nhẹ nhàng giữa vượt trội lạnh lùng và vụng về thiếu kinh nghiệm vốn là nét đặc trưng của quý ông Anh. Ông xuất thân từ một gia đình nông thôn nổi tiếng trong lịch sử, điều này giúp ông có gu thưởng thức thiên nhiên rất phố biến ở những người Anh ưu tú nhất. Ông lớn lên trong bầu không khí công chức, rất nhiều chú bác của ông đã làm cho người ta phải chú ý đến ở những đất nước như Ấn Độ và Afghanistan; các chủ hiệu tại hạt quê nhà đồn đại là
người dòng họ Braham xử lý chuyện của chính họ kém cỏi đến mức việc duy nhất họ có thể được giao phó là công vụ... nhất là ở các thuộc địa.
Cha của Sir Charles đã bắt đầu sự nghiệp ở Vwarda từ khi nước này còn được biết đến với cái tên Congo thuộc Anh, và đã kết thúc con đường công danh ở London trong vai trò bộ trưởng nội các đặc trách các vấn đề của đế quốc Anh. Do đó tôi không ngạc nhiên khi đến văn phòng Sir Charles ở Vwarda và nhìn thấy phương châm này được đóng khung treo sau bàn giấy:
Không phải khát vọng chinh phục mà sự yêu thích trật tự tồn tại ở nền tảng của Đế quốc. -Duff Cooper.
Đối với Sir Charles, lời tuyên bố kiêu hãnh này không phải quá khoa trương; ông tin rằng nhiệm vụ của đế quốc là mang lại trật tự cho mọi miền đất trong cái thế giới đã nỗ lực loại bỏ những kiểu cách cũ và chấp nhận những cái mới này. Năm 1948, khi chính phủ Anh đề nghị ông từ bỏ công việc nhàn nhã ở London và tới Congo thuộc Anh để giúp đưa thuộc địa đang nao núng này vào nền nếp, ông không hề nghĩ đến việc từ chối, vì đây là loại thách thức mà một quý ông sẽ chấp nhận. Như ông đã nói với vợ vào ngày được bổ nhiệm tới Congo,
Nó trao cho chúng ta cơ hội đưa vào thực tiễn những gì chúng ta vẫn chỉ bàn bạc ở London.
Ông cũng lưu tâm tới việc mình sẽ nối tiếp bước chân người cha,
và cũng chẳng có gì vô lý nếu nghĩ rằng một ngày nào đó chính tôi cũng có thể được gọi về để tham gia nội các, đúng không?

Thành tích của ông ở châu Phi hết sức nổi bật và lẽ ra ông đã được gọi về nước từ 1958, nhưng theo dự kiến thì đúng năm đó Congo thuộc Anh được đổi thành Vwarda, và Nữ hoàng lại chọn ông để giám sát thời kỳ quá độ, một công việc tế nhị đã được ông hoàn thành êm thấm và hăng hái đến nỗi cả nước Anh lẫn quốc gia mới đều muốn ông ở lại thêm vài năm nữa. Chính phủ biết rõ ông không được xếp vào dạng có tố chất cấu thành bộ trưởng nội các và cho rằng sẽ rất thuận tiện nếu để ông ở lại Vwarda, nơi ông phục vụ cho một mục đích có lợi.
Giờ đây, tháng Chín năm 1968, khi mùa xuân đang độ huy hoàng, ông sắp kết thúc năm công tác thứ hai mươi mốt và đã đi đến chỗ coi Vwarda như quê hương mình, coi dân ở đó như những người mà mình có bổn phận coi sóc, dù họ có là ai đi nữa, những bề tôi ít học và kém văn minh của một đế quốc như trong quá khứ hay những nhà cầm quyền đầy thiện chí của một nước cộng hòa mới giàu có như trong hiện tại. Ông rất thích nhắc trong các buổi yến tiệc,
Tôi được tạm thời biệt phái tới đây để giải quyết một cơn khủng hoảng bốn tháng. Tôi đã ở lại hai mươi mốt năm. Hoặc cuộc khủng hoảng lớn hơn họ tưởng, hoặc tôi nhỏ bé hơn.

Ông đã cư xử khá khoan dung trong những tháng năm đổi thay ấy, chuyển từ vai trò đại diện cho Nữ hoàng với đủ lệ bộ và đặc quyền được nó trao tặng sang vai trò hiện thời là một công chức làm thuê ăn lương của nước cộng hòa da đen. Sự chuyển đổi không dễ dàng gì hôm trước là quý ông quyền cao chức trọng trong bộ đồng phục gắn đầy huy chương, hôm sau là kẻ làm thuê mặc đồ vải xéc màu xanh nhưng ông được dạy dỗ như một người thượng lưu và đã chứng tỏ cho những người tầm thường hơn thấy thật dễ dàng biết bao cái việc nhận mệnh lệnh từ những người da đen mà mới tuần trước ta còn đang ra lệnh. Những người để ý quan sát cũng không thể phát hiện được thật ra Sir Charles có đau lòng trước sự thay đổi vận may đầy kịch tính này hay không. Ông nói một cách đơn giản:
Vwarda là nhà của tôi và tất cả mọi người phải có trách nhiệm chăm nom ruộng vườn nhà mình, phải không?

Sir Charles chỉ thể hiện thái độ nóng nảy trong những lần chuyện trò riêng với tôi. Chúng tôi làm việc cùng nhau mấy tháng liền, cố gắng gói gọn số tiền vay để Vwarda có thể xây đập thủy điện, và thỉnh thoảng lúc đêm khuya, khi công việc gặp trục trặc, ông sẽ tâm sự nỗi thất vọng của mình. Ông cáu kỉnh làu bàu, giọng vấp váp:
Cái làm tôi khó chịu nhất là những con tem chết tiệt. Ngày xưa chúng tôi có những con tem tuyệt vời... hết sức trang nghiêm... chân dung Nữ hoàng... bản khắc axít rất đẹp, chỉ có thế thôi, không cần gì hơn... màu sắc dịu mắt, cách trang trí tuyệt diệu... và lời lẽ giản dị... Congo thuộc Anh. Giờ thì chúng tôi có gì chứ? Những con chim, con thú nhiệt đới chết tiệt... trông như vườn bách thú hạng bét... lại còn cái tên mới đè lên tất cả mọi thứ nữa chứ... thiếu thẩm mỹ... không chút nghiêm trang và chả thích hợp gì cả.
Sau này tôi mới phát hiện ra ông chỉ thực sự khó chịu về việc đổi tên. Một đêm khi chúng tôi đã uống kha khá rượu gin ở Câu lạc bộ Anh quốc - tiền thân là Câu lạc bộ Thuộc địa, một trong những nơi buồn tẻ nhất đế quốc - ông tâm sự:
Tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta lại thấy cần phải bỏ cái tên cũ Congo thuộc Anh tuyệt vời ấy... nghe tên là ông biết ngay đó là gì, ở đâu, có ý nghĩa gì. Còn cái tên mới có nghĩa gì chứ? Một con sông chết tiệt mà một nghìn người chắc cũng chỉ có một người từng nghe đến. Vwarda!
Ông khịt mũi vẻ coi thường, rồi vội thanh minh:
Dù sao tôi phải nói với ông là mấy thằng cha khó chịu đó làm việc với mình cũng khá tử tế... và họ lại trả lương ngay ngày đầu tháng. Thực ra, nếu người ta hiểu được sự thật, làm việc cho Vwarda còn có phần hay hơn làm cho Chính phủ của Công đảng Anh ở London, ông thấy thế nào?

Về sông Vwarda, Sir Charles đã nhầm. Nó còn lâu mới là con đường thủy ít người biết đến, vì trong chúng ta những ai quan tâm đến địa lý đều luôn yêu thích dòng sông nổi tiếng với lịch sử độc nhất vô nhị này. Xa tít về phía Bắc, trong một cái đầm lọt thỏm giữa những dãy núi chụm lại thành hình chén, nhiều mưa rơi, và tùy theo mùa cũng như tùy hướng gió vào một ngày đặc biệt, thỉnh thoảng cái đầm đó lại được tháo nước vào hồ Banga, từ đó chảy ra sông Congo và vì vậy chảy ra Đại Tây Dương; những lúc khác nó chảy vào con sông Vwarda vắt ngang vùng Đông châu Phi và đổ ra Ấn Độ Dương, rồi cuối cùng tiến đến Thái Bình Dương. Hai giọt nước rơi từ cùng một đám mây, xuống cùng một nơi trên mặt đất rốt cuộc lại có thể thực hiện cuộc hành trình đến với những hệ thống sông khác nhau, vào hai đại dương khác nhau nằm ở hai phía đối diện của trái đất, cách nhau hàng nghìn dặm.
Ngoài điểm khác thường này, sông Vwarda còn đáng được chú ý với những vực thẳm, thác nước, và đặc biệt là quần thể cư dân hà mã, cá sấu và chim chóc kỳ lạ. Đó là một con sông lớn, một trong những đường thủy rất hấp dẫn của thế giới, và tôi cho rằng đúng là sáng kiến tuyệt vời khi người da đen vùng này đặt tên nước cộng hòa mới của họ nhằm vinh danh dòng sông.
Phần không điển hình trong tính cách của Sir Charles xuất phát từ việc ông tuyệt nhiên không giống một nhà quý tộc nông thôn Anh. Ông là người cao lớn, phì nộn, luộm thuộm, môi trễ xuống hờn dỗi khiến cho mỗi khi bị kích động lại run lên bần bật, gợi ấn tượng là một đứa bé ưa đòi hỏi thiếu cả tính cương quyết lẫn can đảm. Ông mặc quần áo lùng thùng, thường xuyên bị dây nước xốt, móng tay ít khi được giũa sạch sẽ. Điều tệ nhất - và điều này thường làm người ta tin rằng họ đang nói chuyện với kẻ ngớ ngẩn - mỗi khi nói ông lại vấp váp, lặp từ và rơi trở về kho ngôn ngữ của giới cầm quyền Anh có thành kiến với trí thức. Ông rất hay nói,
Tôi sẽ không lấy làm lạ

Xin lưu ý ông,
và thường dùng cụm
Thực tế là
- được phát âm thành
thư tá la
- hai hoặc ba lần trong một đoạn ngắn. Ông còn có thói quen nhai đi nhai lại, lặp các nhóm từ đến ba hay bốn lần khi bắt đầu phát biểu, và tôi vẫn còn nhớ nhiều cuộc thảo luận về cái đập nước trong đó lời bình luận nào cũng được ông mở đầu bằng
Nào bây giờ, ý tôi là, vâng, đó là một vấn đề chúng ta phải đối diện, phải không?
nhắc đi nhắc lại đến ba bốn lần. Ông rất sính câu hỏi tu từ và hầu như lời phát biểu mang tính khẳng định nào cũng được kết thúc bằng một câu,
Lẽ nào chúng ta lại không muốn việc đó đạt kết quả, đúng không?
Trong những ngày đầu làm việc với ông, tôi thường trả lời các câu hỏi đó, và lần nào ông cũng ngạc nhiên là tôi lại bận tâm:
Chúng ta không muốn làm công việc trở nên rắc rối với một lô từ ngữ không cần thiết, phải không?

Nếu chỉ nhìn vào những khía cạnh khôi hài trong cách cư xử của Sir Charles đầu cuộc thảo luận, người ta sẽ được thừa nhận là đúng nếu kết luận ông là người ngớ ngẩn, nhưng khi cuộc thương lượng tiến sâu hơn và tinh thần tận tụy không mệt mỏi của ông đối với nhân loại và với quyền lợi của người da đen Vwarda có dịp phát lộ, người ta đã phải công nhận đây là một công chức chân chính, một quý ông sẽ tăng thêm giá trị cho bất cứ chính phủ nào mà ông là một thành viên. Do đó tôi đã báo cáo với thượng cấp ở Geneva:
Nếu Vwarda và các nước cộng hòa da đen khác có độ hai trăm Sir Charles Braham thì đầu tư vào bất cứ nơi nào ở châu Phi cũng đều được an toàn, đảm bảo chúng ta sẽ có cơ hội tốt... và không thêm một xu nào nữa.
Ngay trước khi tôi tới Vwarda, Nữ hoàng Anh đã quyết định phong cho Charles Braham tước hiệp sĩ để công nhận những đóng góp của ông tại Congo, và nhiều người ở Vwarda đã nói với tôi,
Ở đây không có ai thắc mắc, ‘Tại sao lại là ông ấy?’ - nhưng khi ông tới lâu đài Buckingham yết kiến, ăn mặc thì luộm thuộm, trọng lượng thì thừa đến sáu mươi pao, nói năng lặp đi lặp lại và trông như thể không thuộc về thế kỷ mười chín thì ai cũng hỏi, ‘Không biết họ có nhầm tên không nhỉ?’

Đầu năm 1959, phu nhân Emily Braham qua đời, để lại một bé gái bảy tuổi gầy nhom, tóc đen. Vì cuối năm đó tôi mới tới Vwarda nên không được biết phu nhân Emily; tôi chỉ được thấy những bức ảnh chụp bà trong bộ áo bằng voan và ren tại vô số buổi gặp mặt quan trọng của chính phủ, một phụ nữ nhỏ nhắn, không hề hợp đối với người đàn ông to béo trong bộ đồng phục không vừa đang đứng cạnh.
Nhưng ngay từ đầu tôi đã biết cô bé Monica; quả thực tôi đã đối xử với cô gần như một người mẹ, gánh lấy những bổn phận mà lẽ ra mẹ cô sẽ phải thực hiện nếu bà còn sống. Tôi nhìn thấy cô bé lần đầu tiên vào một buổi chiều nóng bức, khi máy bay của tôi từ Geneva vòng qua Đại Tây Dương, vượt sông Congo tới sông Banga, rẽ về phía Nam, băng qua đầm nước vùng thượng du, nơi đầu nguồn của các dòng sông, nhìn thấy sông Vwarda, xuôi theo dòng chảy ấn tượng của nó xuyên qua núi non và thảo nguyên rồi hạ cánh xuống thủ đô. Trong những ngày đầu ấy hiển nhiên chỉ có một vài quan chức da đen, và tôi đã được đón tiếp bởi Sir Charles - vận bộ đồ xanh dày cộp, giậm chân thình thịch xung quanh, chỉ dẫn đám phu khuân vác nhận đồ của tôi ở đâu và như thế nào,
Chúng ta không muốn ông ấy ở đây mà không có hành lý, phải không? Hừmmm, được rồi, ê cẩn thận nào?
Ông có vẻ hơi ngớ ngẩn, còn tôi thì lo lắng vì ông chính là người tôi sẽ phải đàm phán.
Khi ông đưa tôi ra chiếc xe của chính phủ, một chiếc Rolls-Royce bóng loáng gắn quốc huy mới của Vwarda, tôi chợt nhìn thấy khuôn mặt nhỏ nhắn, xinh xắn của một bé gái ló ra khỏi cửa sau. Tôi ngồi xuống bên cạnh thì cô bé e lệ vuốt bím tóc đen dài, đôi mắt đen láy tinh quái ngước nhìn tôi khi cô hỏi,
Cháu đang chờ ông hát yodelh[18] đây. Ông từ Thụy Sĩ tới phải không?


Thực ra thì tôi là người Indiana. Tôi làm việc ở Thụy Sĩ.


Ông có học hát yodel không?


Tôi e rằng không.


Thế thì quay về học đi.

Câu nói làm tôi sững sờ và tôi ngả người về phía trước ngắm kỹ cô bé, nhưng trước phản ứng của tôi, Sir Charles nói,
Xin đừng để ý. Từ khi mẹ con bé mất, nó đâm ra bất trị.
Monica lè lưỡi trêu tôi, rồi nháy mắt và trước sự ngạc nhiên của tôi, cô cất tiếng hát một bài yodel rất chuẩn vang khắp chiếc Rolls.
Nó học theo máy hát đấy,
Sir Charles nói.
Tôi điện về Geneva nhờ cô giúp việc gửi đến một hộp đồ chơi kích thích trí tưởng tượng mà người Thụy Sĩ làm rất giỏi, nhưng khi tôi đem tặng Monica, cô bé lại không thèm nhận mà đưa luôn cho mấy đứa con của bà giúp việc da đen rồi nói với tôi:
Thứ cháu thực sự thích là vài chiếc váy dirndl[19] cơ.
Khi những cái váy kiểu ấy tới thì tôi đã thành ông chú được cô bé yêu quý nhất.
Cô bé rất yêu âm nhạc, và trong nhiều năm, sau những đợt vắng mặt khá thường xuyên, mỗi lần quay lại đó để kiểm tra con đập chúng tôi đang xây dọc những khúc thượng lưu sông Vwarda, tôi lại mang cho cô đủ loại đĩa hát, và nhờ có cô, tôi được biết sơ qua về rock-and-roll, nhịp Merseyside[20] và nhạc soul. Cô có vẻ cần âm nhạc, lần nào nghe nói tôi sắp rời châu Âu sang Vwarda, cô cũng gửi thư khẩn cho tôi nói rõ cô muốn những đĩa hát nào; cô bé say mê các ban nhạc Beatles, Rolling Stones, Animals và một nhóm có tên là Procol Harum, nhưng lại không quan tâm tới phong cách Mỹ, trừ một ban nhạc đặc biệt dữ dội tên là Canned Heat. Lần đầu tiên cô dặn tôi mua những đĩa hát ấy, tôi đã nghe thử ở nhà trước khi mang sang châu Phi nhưng rồi nhận ra mình không đủ khả năng đánh giá liệu những âm thanh hoang dã kỳ lạ ấy có phải là âm nhạc hay không. Tôi chỉ trao những đĩa hát ấy cho Monica và quan sát cô nghiến ngấu nghe chúng; hồi đó tôi chưa ý thức được sức tàn phá của phần ca từ kèm theo bản nhạc. Tôi còn khờ khạo cho rằng lời ca sai ngữ pháp mà không hề nhận thấy rằng đối với lớp trẻ chúng là lời kêu gọi làm cách mạng.
Khi Monica mười sáu tuổi, cha cô hỏi xem liệu tôi có thể thu xếp cho cô vào học một trường tiếng tăm ở Anh được không; ông giới thiệu một vài nơi có lẽ sẵn sàng nhận con gái ông nhờ truyền thống quanh dòng họ Braham, nhưng ông không thể rời khỏi Vwarda để đi chọn trường được, do đó vào mùa xuân năm 1968 ở châu Âu, tôi về vùng nông thôn nước Anh mang theo hồ sơ của Monica Braham, trong đó có tấm ảnh một cô gái vô cùng ấn tượng với mái tóc sẫm màu, mắt đen và nét đẹp mảnh mai của một nữ thần Bắc Âu. Tại hai trường đầu, tôi sửng sốt khi bà hiệu trưởng chỉ nhìn qua tấm ảnh và quả thực đã nói:
Trời ơi! Cô bé còn được cha dạy dỗ giữa đám người hầu bản xứ nữa chứ. Cô này sẽ khó quản lý lắm đây.
Các giáo viên giàu kinh nghiệm đều nhìn thấy một điều gì đó trong tấm ảnh mà tôi đã không nhận ra và từ chối nhận cô bé vào trường của họ.
Tuy vậy, tại ngôi trường tôi ưng nhất, trường St. Procas ở Bắc Oxford, bà hiệu trưởng xem xét kỹ học bạ của Monica, gồm các điểm số khá cao ở những bài kiểm tra khác nhau rồi phát biểu:
Tôi không hề chắc chắn đây là ngôi trường thích hợp với em Monica. Cô bé có vẻ như thuộc mẫu người thiếu tính ổn định nhất, nhưng chị họ Victoria Braham của em cũng học ở đây, và cô bé này tỏ ra khá vững vàng.
Trường St. Procas nhận Monica, có thể cho là sau khi đã suy đi tính lại kỹ càng, nhưng họ không bao giờ hài lòng với quyết định của mình.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).