Phần XVII – Do đâu mà sinh chuyện này chuyện nọ trong chuyến đi từ Singapore đến Hồng Kông


Dịch giả: Duy Lập
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Từ hôm ấy, Vạn Năng và viên thám tử gặp nhau luôn, nhưng viên thám tử hết sức giữ ý với người bạn của mình, và ông không khơi chuyện cho anh nói nữa. Chỉ có đôi lần, ông thoáng thấy ông Fogg ngồi lại trong phòng khách lớn tàu Rangoon, hoặc tiếp chuyện bà Aouda hoặc chơi bài
uýt
theo thói quen bất di bất dịch của ông.
Còn về Vạn Năng, anh bắt đầu suy nghĩ rất nghiêm chỉnh về sự ngẫu nhiên kỳ lạ một lần nữa đặt Fix trên đường đi của ông chủ anh. Và quả thật, ngạc nhiên cũng phải. Nhà quý phái này, con người rất đáng yêu, chắc chắn là rất tốt bụng nữa, đầu tiên gặp ở Suez, xuống tàu Mongolia, lên đến Bombay, mà ông nói là phải ở lại đó rồi lại thấy trên tàu Rangoon đi Hồng Kông, nói tóm lại theo sát từng hành trình của ông Fogg, điều đó cũng đáng để người ta phải nghĩ ngợi. Ở đây có một sự trùng hợp ít ra cũng là kỳ quặc. Cái ông Fix này có chuyện gì thế? Vạn Năng sẵn sàng đánh cuộc đôi giày ếch của anh – mà anh giữ gìn như vật báu – rằng lão Fix này sẽ rời Hồng Kông đồng thời với ông chủ của anh và anh, và hẳn là cùng trên một chuyến tàu bể.
Cho dù Vạn Năng có thể nghĩ đến một thế kỷ, anh cũng không bao giờ đoán được nhiệm vụ mà viên thám tử này đảm nhận. Không bao giờ anh có thể tưởng tượng được rằng Phileas Fogg bị
theo hút
như một thằng kẻ cắp, vòng quanh quả địa cầu. Nhưng vì bản chất con người là muốn tìm cách giải thích mọi sự việc cho nên Vạn Năng chợt lóe lên một ý giải thích sự có mặt thường trực của Fix, và quả thật, cách giải thích của anh cũng rất có lý. Thật vậy, theo anh, Fix chỉ là và chỉ có thể là một nhân viên được các bạn đồng sự của ông Fogg ở Câu lạc bộ Cải cách tung đi theo hút ông, để xác nhận rằng cuộc du hành này được thực hiện hợp lệ vòng quanh hế giới, theo hành trình đã thỏa thuận.

Thật rõ rành rành! Thật rõ rành rành! – chàng trai ngay thật nói đi nói lại, hết sức tự hào về sự sáng suốt của mình. – Đây là một tên mật thám mà các ngài quý phái kia phái đi bám sát chúng tôi! Kiểu ấy không đứng đắn đâu! Ông Fogg trung thực như thế, đáng tôn trọng như thế! Cho một nhân viên đi rình mò ông! Các ngài ở Câu lạc bộ Cải cách ơi, rồi các ngài phải trả giá đắt cho việc này!
.
Vạn Năng say sưa với phát kiến của mình, tuy vậy vẫn quyết định không nói với ông chủ, sợ ông bị xúc phạm vì chính sự nghi ngờ này của các đối thủ của ông. Nhưng anh bụng bảo dạ nếu có dịp sẽ trêu Fix, nói bóng nói gió thôi và không để hắn làm gì mình được.
Thứ tư 30 tháng mười, về buổi chiều, tàu Rangoon đi vào eo biển Malacca, giữa bán đảo cùng tên với miền đất Sumatra. Những hòn đảo nhỏ núi non chập chùng hiểm trở đẹp như tranh vẽ che lấp tầm mắt các hành khách không nhìn thấy được hòn đảo lớn.
Ngày hôm sau, vào bốn giờ sáng, tàu Rangoon sau khi đã đến sớm nửa ngày trước quy định, đỗ lại ở Singapore để lấy thêm than đốt.
Phileas Fogg ghi giờ đến sớm đó vào cột những khoảng thời gian được lợi, và lần này thì ông lên bộ, đi với bà Aouda, vì bà ngỏ ý muốn được dạo chơi trong vài tiếng đồng hồ.
Fix bám theo sau mà không để lộ, đối với ông thì hành động của Fogg đều là khả nghi cả. Còn Vạn Năng chỉ cười thầm trong bụng khi thấy thủ đoạn của Fix, và anh đi mua bán lặt vặt như thường lệ.
Hòn đảo Singapore nhìn dáng vẻ không to lớn cũng không đường bệ. Nó thiếu núi non, nghĩa là thiếu những hình trông nghiêng. Tuy nhiên, nó xinh đẹp trong cái vẻ nhỏ nhắn của nó. Đó là một công viên với những con đường đẹp chạy ngang dọc. Một xe ngựa sang trọng, thắng những con ngựa thanh lịch nhập từ Tân Hà Lan41 đưa bà Aouda và Phileas Fogg đi giữa những vườn cọ dày đặc có vòm lá rực rỡ, và những vườn đinh hương mà những nụ khô được tạo thành từ chính cái nụ bông hoa hé mở. Tại đây, những bụi cây hồ tiêu thay thế cho những hàng rào gai ở các vùng nông thôn Châu Âu; những cây búng báng, loại cây dương xỉ lớn có cành lá rậm rạp, đem thêm vẻ đa dạng cho quang cảnh vùng nhiệt đời này; những cây đậu khấu lá bóng như đánh vécni tỏa trong không khí một mùi hương sực nức. Những con khỉ kéo đi từng bầy lanh lẹ và mặt mày nhăn nhó nhan nhản trong những cánh rừng, và có lẽ cả hổ nữa cũng không thiếu trong những khu rừng rậm. Nếu ai ngạc nhiên khi được biết trên hòn đảo này, tương đối bé nhỏ là thế, mà những loài thú ăn thịt người ghê gớm ấy không bị tiêu diệt đến con cuối cùng, thì người ta sẽ trả lời là chúng đến Malacca, bơi qua eo biển.
Sau khi đã dạo chơi vùng nông thôn trong hai tiếng đồng hồ, bà Aouda và ông bạn của bà – mắt ông có ngó ra mà chẳng buồn nhìn – quay về thành phố, một nơi quần tụ những ngôi nhà nặng nề và thấp, có vườn cây đẹp mắt bao bọc, trong vườn trồng măng cụt, dứa, và đủ mọi thứ quả ngon nhất trên đời.
Đến mười giờ, họ trở về tàu, chẳng nghi ngờ gì về viên thanh tra theo dõi suốt dọc đường, còn ông này thì cũng tốn khá tiền ngựa xe.
Vạn Năng đợi họ trên boong tàu Rangoon. Anh đầy tớ trung thành đã mua về vài tá măng cụt, to bằng những quả táo cỡ trung bình, vỏ ngoài nâu sẫm, cùi bên trong đỏ thắm, và những múi trắng thì ăn vào tan ra trong miệng khiến những người sành ăn thực thụ cũng được hưởng một khoái cảm chưa từng thấy. Vạn Năng vô cùng sung sướng được biếu bà Aouda những quả măng cụt ấy, bà rất duyên dáng cảm ơn anh.
Mười một giờ, tàu Rangoon nhổ neo sau khi đã lấy đầy than, và vài tiếng đồng hồ sau các hành khách đã mất hút sau những ngọn núi cao của Malacca, nơi có những khu rừng với những con hổ đẹp nhất trần đời.
Khoảng một nghìn ba trăm hải lý ngăn cách Singapore với đảo Hồng Kông, mảnh đất Anh nhỏ bé tách biệt khỏi bờ biển Trung Quốc, Phileas Fogg phải vượt qua chặng đường này trong sáu ngày là nhiều nhất, để kịp chuyến tàu biển ngày 6 tháng mười một từ Hồng Kông đi Yokohama, một trong những hải cảng lớn nhất của nước Nhật.
Tàu Rangoon chở rất nặng. Từ Singapore có nhiều hành khách lên tàu gồm người Ấn Độ, người Ceylan, người Trung Quốc, người Mã Lai, người Bồ Đào Nha, phần lớn đi vé hạng nhì.
Thời tiết cho đến lúc này khá đẹp, bắt đầu thay đổi khi bước vào tuần trăng cuối. Biển động, gió đôi khi thổi từng trận lớn, nhưng rất may là từ hướng đông nam, cho nên chỉ càng thuận lợi cho tốc độ của con tàu. Khi gió thuận, thuyền trưởng cho giương buồn lên. Tàu Rangoon, một loại tàu nhỏ có buồm, thường chạy với hai buồm vuông và lá buồm đằng trước, và tốc độ của nó tăng lên do sự kết hợp sức hơi nước và sức gió. Nó đã chạy như thế dọc bờ biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, trên một luồng sóng ngắn và đôi khi rất xóc.
Nhưng khó khăn do biển thì ít mà do tàu Rangoon nhiều hơn, và chính cái tàu này phải chịu trách nhiệm về lỗi phần lớn hành khách bị ốm mệt.
Thật vậy, các tàu bể của Công ty bán đảo phục vụ trong vùng biển Trung Quốc có một khuyết điểm nghiêm trọng về cách cấu tạo. Tỷ lệ giữa lườn tàu ngập nước với lòng tàu đã tính toán sai, do đó những tàu ấy chỉ chống cự với biển cả một cách yếu ớt. Thể tích kín để nước không vào được của chúng cũng không đầy đủ. Chúng bị
đắm
, theo cách nói của dân hàng hải, và do cách cấu tạo như thế, chỉ cần vài con sóng bắn vọt lên tàu cũng đủ làm thay đổi tốc độ của chúng. Cho nên những tàu này thua kém rất xa, nếu không phải về động cơ phát lực và bộ máy bốc hơi thì ít nhất cũng về cách cấu tạo, những loại tàu của các Công ty hàng hải Pháp, như chiếc Nữ hoàng và chiếc Nước Khơ Me. Trong khi những tàu bể ấy, theo tính toán của các kỹ sư, có thể lọt vào tàu một trọng lượng nước ngang với trọng lượng bản thân nó rồi mới chịu chìm, thì những tàu của Công ty bán đảo, chiếc Golgonda, chiếc Corea, và cuối cùng chiến Rangoon, nếu để lọt một khối lượng nước bằng một phần sáu trọng lượng của chúng là đã đắm rồi.
Vậy thời, khi trời xấu, phải có những biện pháp phòng ngừa thật cẩn thận. Đôi khi phải hạ buồm và giảm hơi. Sự mất thời giờ này không có vẻ gì khiến Phileas Fogg phải bận tâm, nhưng Vạn Năng thì tỏ ra khó chịu đến cực độ. Anh liền đổ tội cho thuyền trưởng, cho bác thợ máy, cho Công ty và tống về nhà bò tất cả những người nào dính dáng đến nghề vận tải hành khách. Có lẽ cả sự bận tâm về cái ngọn đèn hơi cứ cháy hoài vào tiền thanh toán của anh trong ngôi nhà phố Saville cũng tham dự khá nhiều vào nỗi sốt ruột này.
– Vậy ra các anh vội đến Hồng Kông đến thế kia ư? – một hội viên thám tử hỏi anh.
– Rất vội! – Vạn Năng đáp.
– Anh có cho rằng ông Fogg sẽ cấp tốc lên tàu bể đi Yokohama không?
– Cấp tốc kinh khủng.
– Vậy ra bây giờ anh tin là có cuộc du hành kỳ quoặc vòng quanh thế giới thật à?
– Tin tuyệt đối. Còn ông thế nào, ông Fix?
– Tôi ấy ư? Tôi không tin!
– Thôi đi, anh hề ơi! – Vạn Năng vừa đáp vừa nháy mắt một cái với ông ta.
Cái tiếng ấy khiến viên thám tử phải suy nghĩ vẩn vơ mãi. Cái hình dung ngôn ngữ ấy làm ông lo lắng, mà không rõ tại sao. Anh chàng người Pháp đã đoán ra ông chăng? Ông cũng không biết nên cho là thế nào nữa. Nhưng làm sao mà Vạn Năng có thể nhận ra được tư cách thám tử của ông, cái bí mật chỉ mình ông biết? Thế nhưng, khi nói với ông như thế, nhất định là Vạn Năng có ẩn ý.
Thậm chí một hôm khác chàng trait rung hậu còn đi xa hơn, nhưng đó là vì anh quá ngứa miệng không chịu im được.
– Thế nào, ông Fix, – anh hỏi ông bạn với một giọng ranh mãnh, – đến Hồng Kông liệu chúng tôi có phải chịu nỗi bất hạnh chia tay với ông không?
– Ồ, – Fix đáp lại khá luống cuống, – cũng chẳng rõ nữa,… Có thể là…
– Chà! – Vạn Năng nói, – nếu ông cùng đi với chúng tôi thì thật là phước cho tôi quá! Thế nào! Một nhân viên của bán đảo không thể dừng lại giữa đường! Ông chỉ đi Bombay thôi, vậy mà chẳng mấy chốc ông sắp ở Trung Quốc rồi; Châu Mỹ không còn xa, và từ Châu Mỹ đến Châu Âu chỉ một bước chân!
Fix chăm chú nhìn người bạn nói chuyện với mình, anh ta phô bày với ông bộ mặt dễ thương nhất trên đời, và ông quyết định cười cợt với anh. Nhưng anh chàng này đang bốc lại hỏi luôn
cái ấy có kiếm được khá không, cái nghề ấy ý mà?

– Có và không, – Fix thản nhiên đáp lại – Có những vụ tốt đẹp và những vụ chẳng ra gì. Nhưng chắc anh cũng biết tôi đi thế này không phải bỏ tiền túi ra đâu nhé!
– Ồ! Điều đó thì tôi chắc quá đi rồi! – Vạn Năng kêu lên, càng cười khỏe hơn.
Sau câu chuyện, Fix trở về buồng và bắt đầu nghĩ ngợi. Rõ ràng ông đã bị lộ rồi. Bằng cách này hay cách khác, anh chàng người Pháp cũng đã nhận ra ông là nhà thám tử. Nhưng hắn ta đã báo cho chủ mình chưa? Hắn đóng vai trò gì trong tất cả chuyện này? Hắn có phải là kẻ tòng phạm hay không? Công việc đã bị đánh hơi thấy chưa, và do đó đã hỏng chưa? Viên thanh tra trải qua mấy tiếng đồng hồ thật gay go, khi thì tưởng đã mất hết, khi thì hy vọng Fogg chưa biết gì, tóm lại là chẳng biết xử sự thế nào.
Tuy vậy đầu óc ông trở lại bình tĩnh và ông quyết định nói thẳng với Vạn Năng. Nếu ông không có những điều kiện bắt giam Fogg ở Hồng Kông, và nếu Fogg chuẩn bị lần này rời hẳn đất Anh, thì ông, Fix, ông sẽ nói tất cả với Vạn Năng. Hoặc người hầu là tòng phạm của chủ ông ta, – và ông này đã biết hết, và trong trường hợp ấy thế là đi đứt, – hoặc người hầu không dính dáng gì đến vụ trộm, và như thế lợi ích của anh ta là phải đoạn tuyệt với tên kẻ trộm.
Tình thế hai người này như vậy, và trên đầu họ Phileas Fogg bay lượn với một vẻ bình thản uy nghi. Ông thực hiện một cách thuần lý quỹ đạo của mình vòng quanh thế giới, không bận tâm gì đến những vệ tinh châu tuần quanh ông.
Thế mà trong vùng lân cận – theo cách nói của các nhà thiên văn học – có một thiên thể nhiễu đáng lẽ là phải gây ra một số rối loạn nào đó trong trái tim nhà quý phái. Nhưng không! Trước nỗi kinh ngạc của Vạn Năng, vẻ đẹp của bà Aouda chẳng gây được ảnh hưởng gì, và những rối loạn nếu có hẳn còn khó tính toán hơn cả những rối loạn của Thiên vương tinh đã dẫn đến sự phát hiện ra Hải vương tinh.
Phải! Đây là nỗi kinh ngạc hàng ngày của Vạn Năng, vì anh đọc được trong mắt người thiếu phụ vô vàn lòng biết ơn đối với ông chủ của anh! Đúng là Phileas Fogg chỉ có trái tim cần thiết cho những hành động anh hùng, còn cho tình yêu thì không! Ông cũng chẳng tỏ vẻ gì bận tâm về những may rủi của cuộc viễn du. Nhưng Vạn Năng thì sống trong những nỗi lo sợ thường xuyên. Một hôm, đứng tựa lan can buồng máy, anh nhìn cỗ máy to khỏe có lúc nổ ầm ầm, và chiếc chân vịt như điên cuồng vọt ra khỏi mặt nước trong một cái chồm lên dữ dội của con tàu. Khi đó hơi nước phì qua những nắp hơi phùn phụt khiến chàng trai đứng đắn phải nổi khùng lên.

Những cái nắp hơi này không giữ được mấy hơi! – anh kêu lên. – Tàu không nhích lên được! Dân Anh thế đấy! A! nếu đây là một tàu Mỹ, có thể ta đã bị nổ tung lên rồi, nhưng ta chạy nhanh hơn!

................
[←41]
Tân Hà Lan: tên gọi ban đầu của Châu Úc.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 80 ngày vòng quanh thế giới.