Phần XXII – Trong hoàn cảnh nào Vạn Năng thấy rõ ngay cả ở những điểm đối chân vẫn nên cẩn thận có ít tiền trong túi


Dịch giả: Duy Lập
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Tàu Carnatic, sau khi rời Hồng Kông ngày 7 tháng mười một, sáu giờ rưỡi tối, mở hết tốc lực hướng về đất Nhật. Nó trở đầy hàng hóa và hành khách. Hai căn buồng cuối của tàu vẫn để trống. Đó là những căn buồng dành cho ông Phileas Fogg đã trả tiền trước.
Sáng hôm sau, các người ở đằng mũi tàu có nhìn thấy, không phải không chút ngạc nhiên, một hành khách con mắt đờ đẫn, dáng đi lảo đảo, đầu tóc rối bù, từ khu vé hạng nhì chui ra và thất thểu ngồi trên một cây gỗ.
Người hành khách đó chính là đích thân Vạn Năng, câu chuyện thế này.
Sau khi Fix rời tiệm hút được một lúc, hai người hầu bàn đến khiêng Vạn Năng ngủ say mê mệt, và đặt anh nằm trên cái giường dành cho những người say thuốc. Nhưng ba giờ sau, Vạn Năng do một ý nghĩ bền chặt ám ảnh tận cơn ác mộng, bừng tỉnh dậy và đấu tranh chống lại tác dụng của chất ma túy. Ý thức về bổn phận không tròn giật anh ra khỏi cơn mê mẩn. Anh rời bỏ cái giường những người say ấy và bước đi loạng choạng, tựa vào tường, ngã xuống rồi lại đứng lên, nhưng luôn luôn bị thúc đẩy không cưỡng được bởi một thứ bản năng, anh bước ra khỏi tiệm hút, miệng kêu như chiêm bao: tàu Carnatic! tàu Carnatic!
Con tàu đỗ kia đang phả khói, sẵn sàng lên đường. Vạn Năng chỉ còn phải dấn thêm vài bước. Anh lao lên cái cầu đang cất khỏi bờ, nhảy qua chỗ lên xuống mạn tàu, và ngã lăn ra, bất tỉnh nhân sự ở mũi tàu, đúng vào lúc tàu Carnatic nhổ neo.
Vài người lính thủy đã quen với những cảnh tượng này, khiêng anh chàng khốn khổ xuống căn buồng của khu vé hạng nhì, và chỉ sáng hôm sau Vạn Năng mới thức dậy, cách đất Trung Quốc một trăm năm mươi hải lý.
Đó là nguyên nhân tại sao buổi sáng hôm ấy Vạn Năng lại ở trên boong tàu tàu Carnatic và ra hít thở đầy lồng ngực những làn gió biển mát rượi. Bầu không khí trong lành làm anh tỉnh cơn say. Anh bắt đầu tập hợp những ý nghĩ của mình và làm được việc ấy không phải dễ gì. Nhưng cuối cùng anh cũng nhớ lại những cảnh tượng ngày hôm trước, những lời tâm sự của Fix, tiệm hút, v.v…

Thật rõ ràng. – anh tự nghĩ, – ta đã say một cách thảm hại! Ông Fogg sẽ nói ta thế nào đây? Dẫu sao thì ta đã không nhỡ tàu, và đó là điều chủ yếu
.
Rồi anh nghĩ đến Fix.

Đối với thằng cha này, – anh nghĩ bụng – rất mong là chúng ta đã rũ được cái của nợ ấy đi, và sau khi đã đề nghị với ta những điều như vậy thì hắn còn mặt mũi nào dám bám theo chúng ta lên tàu Carnatic nữa. Một tên thanh tra cảnh sát, một tên mật thám theo dõi ông chủ ta, bị kết tội về vụ mất cắp ở Ngân hàng Anh! Thôi đi! Ông Fogg mà là một tên ăn cắp thì cũng như ta là một đứa giết người!
.
Vạn Năng có nên kể lại những chuyện này với ông chủ của mình không? Anh có nên cho ông biết vai trò của Fix trong vụ này không? Hay tốt hơn là nên đợi đến khi về Luân Đôn hãy kể ông nghe câu chuyện một nhân viên sở cảnh sát chính quốc đã theo hút ông đi vòng quanh thế giới, và cùng với ông cười một mẻ? Phải, tất nhiên là thế. Dẫu sao thì vấn đề còn phải xem đã. Việc cấp bách nhất bây giờ là gặp lại ông Fogg và mong ông nhận cho những xin lỗi của mình về cái hành vi không ra gì ấy.
Thế là Vạn Năng đứng dậy. Biển động và con tàu lắc mạnh. Anh đầy tớ trung hậu, hai chân còn chưa thật vững cố lê đến mạn cuối con tàu.
Anh không thấy trên boong tàu người nào giống như ông chủ anh, cũng không thấy người nào giống bà Aouda,

Được, – anh nói. – Bà Aouda vào giờ này còn đang ngủ. Còn ông Fogg thì chắc đã vớ được một bạn chơi bài
uýt
rồi, và theo thói quen thường lệ của ông thì…
.
Nói rồi Vạn Năng xuống phòng khách. Ông Fogg không có đấy, Vạn Năng chỉ còn một việc: hỏi ông quản lý trên tàu xem ông Fogg ở buồng nào. Ông quản lý trả lời là không biết một hành khách nào có tên như thế.
– Xin lỗi ngài, – Vạn Năng năm nỉ, – Đây là một nhà quý phái, cao lớn, lạnh lùng, ít cởi mở, có một bà thiếu phụ đi cùng…
– Chúng tôi không có bà thiếu phụ nào trên tàu, – ông quản lý đáp. – Vả lại đây là bản danh sách hành khách. Ông có thể tra xét.
Vạn Năng tìm trong bảng danh sách… Không có tên ông chủ anh trong đó. Anh như bị choáng. Rồi một ý nghĩ vụt qua đầu anh.
– Ơ mà…! Có thật tôi đang ở trên tàu Carnatic đây không? – anh kêu lên.
– Phải. – ông quản lý đáp.
– Trên đường đi Yokohama?
– Hoàn toàn đúng.
Vạn Năng đã có lúc sợ mình nhầm tàu! Nhưng nếu anh đã ở trên tàu Carnatic thật, thì chắc chắn ông chủ anh không có ở tàu này.
Vạn Năng buông mình xuống một ghế bành. Thật là một đòn sét đánh. Và một tia sáng bỗng lóe lên trong đầu anh. Anh nhớ ra là giờ khởi hành của tàu Carnatic đã đổi sớm hơn, anh phải báo cho ông chủ anh, và anh đã không làm việc ấy. Vậy thời chính là do lỗi của anh mà ông Fogg và bà Aouda đã lỡ chuyến tàu này!
Lỗi của anh, phải, nhưng tệ hơn nữa là lỗi của tên gian hùng đã chuốc cho anh say rượu để chia lìa anh khỏi ông chủ anh, để giữ chân ông lại ở Hồng Kông! Vì rốt cuộc anh đã hiểu ra cái thủ đoạn của viên thanh ra cảnh sát. Và bây giờ thì, ông Fogg chắc chắn là lui lại, thua cuộc, bị bắt, bị bỏ tù nữa cũng nên!… Nghĩ đến đây, Vạn Năng vò đầu bứt tóc. Chà! Tên Fix mà rơi vào tay anh, hắn sẽ được thanh toán đến nơi đến chốn.
Cuối cùng, sau phút tuyệt vọng ban đầu, Vạn Năng lấy lại bình tĩnh và xem xét tình hình. Không có gì đáng phấn khởi cho lắm. Anh chàng Pháp đang trên đường đi Nhật Bản. Đến đó thì chắc rồi, nhưng làm sao để từ đó trở về? Túi rỗng. Không một đồng xu, đồng chinh dính túi! Tuy vậy, vé tàu và tiền ăn uống trên tàu đã được trả trước. Vậy thời anh có năm hoặc sáu ngày trước mắt để giải quyết một phương hướng. Không bút nào tả xiết anh đã ăn và uống trong chuyến này như thế nào. Anh ăn cả phần của ông chủ anh, cả phần bà Aouda, và cả phần bản thân anh. Anh ăn tưởng như nước Nhật, nơi anh sắp đến, là một xứ hoang vắng, không có qua một thứ gì ăn được.
Ngày 13, lúc thủy triều cuổi sáng, tàu Carnatic tiến vào hải cảng Yokohama.
Địa điểm này là một bến ghé tàu quan trọng của Thái Bình Dương, ở đó đỗ lại tất cả những tàu thư và tàu chở khách giữa Bắc Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và quần đảo Mã Lai. Cảng Yokohama nằm ngay trong vịnh Yeddo, ở cách không xa lắm cái thành phố rộng mênh mông ấy, thủ đô thứ hai của đế quốc Nhật, xưa là nơi ngự của lãnh chúa Taïkoun45 vào thời hãy còn vị hoàng đế dân sự này, và cũng là thành phố kình địch của Meako, một đô thị lớn nơi đóng đô của thiên hoàng Meako, vị hoàng đế của giáo hội, con cháu của các thần.
Tàu Carnatic đến đậu ở bến Yokohama, gần các kè đá của cảng và các nhà kho, sở hải quan, giữa nhiều tàu đủ mọi nước.
Vạn Năng đặt chân không chút hào hứng lên cái mảnh đất kỳ lạ ấy của các con cháu Mặt Trời. Anh không biết làm gì hơn là phó mặc cho số phận, và đi lang thang vô định giữa các phố xá trong thành phố.
Thoạt đầu Vạn Năng đến một khu Âu Châu, với những ngôi nhà mặt trước thấp được tô điểm những hàng hiên có dãy cột tròn thanh nhã, khu đó – với những phố xá, quảng trường, bến tàu kho hàng của nó – bao trùm tất cả cái khoảng từ mỏm đất Hiệp định đến bờ sông. Ở đây, cũng như ở Hồng Kông, cũng như ở Calcutta, sống một cư dân đông đúc và hỗn độn những người đủ mọi chủng tộc, người Mỹ, người Anh, người Trung Quốc, người Hà Lan, những lái buôn sẵn sàng cái gì cũng bán và cái gì cũng mua, ở giữa bọn họ anh chàng Pháp cũng cảm thấy xa lạ chẳng khác gì bị ném vào giữa xứ sở của những người Hottentot46.
Vạn Năng tất nhiên có một biện pháp: đến tự giới thiệu với lãnh sự Pháp hoặc Anh ở Yokohama; nhưng anh thấy ghê tởm cái việc phải kể lại chuyện mình, có liên quan mật thiết đến câu chuyện của ông chủ anh, và trước khi đến đó, anh muốn tận dụng tất cả các khả năng khác.
Vậy là khi đã đi khắp khu Âu Châu của thành phố mà không bắt gặp một sự tình cờ may mắn nào, anh bước vào khu người Nhật Bản, quyết tâm nếu cần, tiến mãi đến tận Yeddo.
Khu vực người bản xứ này ở Yokohama gọi là khu Benten do tên một nữ thần biển được thờ phụng trên những hòn đảo lân cận. Ở đây có những con đường rất đẹp trồng thông và bách hương, những cửa đền chùa kiến trúc kỳ lạ, những cái cầu chìm lấp giữa hàng tre và lau sậy, những ngôi đền ẩn dưới vòm lá bát ngát và buồn bã của những cây bách hương cổ thụ, những am tu hành thâm nghiêm trong đó sống vật vờ các nhà sư đạo Phật và các nho sĩ đạo Khổng, những phố nối nhau vô tận ở đó người ta có thể nhặt được những hàng đàn trẻ con da hồng hào má đỏ thắm, những chú bé tưởng như cắt da từ một bức bình phong nào đó của người bản xứ, đang chơi đùa với những con chó lông xù chân ngắn và những con mèo vàng nhạt không đuôi, rất lười và rất thích vuốt ve.
Trong các thành phố, chỉ thấy người đông như kiến, đi lại không ngớt; những nhà sư vừa đi vừa gõ đều đều vào cái trống con như đang đi rước, những sĩ quan cận vệ
Yakunin
, sĩ quan nhà đoan hoặc cảnh sát, đội những mũ nhọn trát sơn và đeo hai thanh kiếm ở đai lưng, những người lính mặc quần áo vải xanh sọc trắng và mang súng có cò mổ, những vũ sĩ của Thiên hoàng bó mình trong áo chẽn lụa, ngoài đóng áo giáp đan mắt lưới, và nhiều quan nhân khác nữa đủ mọi loại, – bởi vì ở Nhật Bản, cái nghề quân sự cũng được quý trọng như nó bị khinh rẻ bên Trung Quốc. Rồi những thầy tu đi quyên giáo, những khách hành hương bận áo chùng, những người dân thường tóc mượt và đen lánh, đầu to, phần bán thân dài, chân mảnh khảnh, vóc người hơi thấp, nước da thay đổi từ những màu đồng sẫm đến màu trắng đục, nhưng không bao giờ vàng như nước da người Trung Quốc, là những người khác hẳn với người Nhật Bản. Sau cùng, đi giữa xe cộ, những cỗ kiệu, những con ngựa, những phu khiêng vác, những xe có một bánh có căng màn, những
noriông
có thành sơn son, những
cănggô
nằm êm, chẳng khác những giường kiệu đan bằng tre, người ta thấy qua lại, với những bước ngắn của bàn chân nhỏ đi giày vải, dép rơm hoặc guốc gỗ, một vài người đàn bà không được đẹp cho lắm, mắt xếch, ngực lép, răng nhuộm đen theo phong tục đương thời, nhưng ăn vận rất duyên dáng bộ quốc phục
Kirimôn
, một thứ áo dài mặc nhà có dải lụa bắt chéo ngang vai và đai lưng rộng xòe ra phía sau thành một cái nơ kỳ cục – một kiểu nơ mà những phụ nữ Paris tân thời hình như đã mượn của các bà Nhật Bản.
Vạn Năng dạo chơi vài tiếng đồng hồ giữa đám đông lòe loẹt ấy, anh ngắm nhìn cả những cửa tiệm kỳ lạ và giàu có, những hiệu buôn ở đó phô bày tất cả sự hào nhoáng của nghề kim hoàn Nhật Bản, những
cửa hiệu đang tu bổ lại
trang trí bằng cờ mà người ta cấm không cho anh vào, và những phòng trà nơi người ta uống từng chén đầy một thứ nước nong thơm, cùng với rượu
xaki
, rượu ngon cất tự gạo ủ men, và những tiệm hút lịch sử trong đó người ta hút một thứ thuốc rất ngon, chứ không phải thuốc phiện là thứ hầu như không được biết đến ở Nhật Bản.
Rồi Vạn Năng ra đến cánh đồng, giữa những thửa ruộng mênh mông. Ở đây, bên những bông hoa cuối mùa tàn hương sắc nở rộ những đóa hải đường rực rỡ không phải trên những thân cây con mà trên những cây to, và trong các khu vườn có hàng rào tre bao bọc là những cây anh đào, cây mận, cây táo, mà dân ở đây trồng để lấy hoa hơn là lấy quả, chúng được những hình bù nhìn nhăn nhó và những cái chong chóng kêu ầm ĩ bảo vệ chống lại chim sẻ, bồ câu, quạ, và những con chim háu ăn khác. Không một cây bách hương uy nghi nào không che chở cho con chim ưng lớn não đó đến trú; không một cây liễu rủ nào không che phủ dưới vòm lá của mình một con diệc nào đó đang sầu muộn đứng một chân; sau cùng, đâu cũng thấy quạ khoang, vịt, diều hâu, ngỗng trời và rất nhiều những con hạc mà người Nhật coi là loài chim của
Vua Chúa
và đối với họ là tượng trưng cho sự sống lâu và hạnh phúc.
Đi lang thang như thế, Vạn Năng trông thấy một vái bông violét trên cỏ:

Tốt! – anh nói – bữa ăn chiều của ta đây
.
Nhưng khi ngửi chúng anh chẳng thấy hương thơm gì cả.

Đen đủi quá!
– anh nghĩ.
Tất nhiên chàng trai ngay thật đã cẩn tắc vô áy náy ăn sáng thật no nê đến không ních vào đâu được trước khi rời khỏi tàu Carnatic, nhưng sau một ngày dạo chơi, anh cảm thấy dạ dày rỗng tuếch. Anh đã để ý thấy rõ là thịt cừu, thịt dê hoặc thịt lợn hoàn toàn không có trên các quầy hàng thịt của dân bản xứ, và vì anh biết rằng giết bò là một tội phạm thánh vì bò chỉ được dùng trong công việc canh tác, cho nên anh rút ra kết luận là ở Nhật hiếm thịt. Anh đã không lầm; nhưng nếu không có thịt gia súc thì dạ dày anh cũng sẵn sàng thích nghi ngay với những miếng thịt lợn rừng hay thịt hoẵng, gà gô hoặc chim cun cút, gà vịt hoặc là cá, những thức ăn hầu như duy nhất của người Nhật cùng với sản phẩm đồng ruộng. Nhưng anh phải vui lòng ôm bụng rỗng và đợi hôm sau sẽ đi kiếm cái gì lót bụng.
Đêm xuống, Vạn Năng quay lại về khu người bản xứ trong thành phố, và anh đi lang thang các phố giữa những cây đèn lồng muôn sắc, ngắm những tốp hề biểu diễn các tiết mục tài tình, những nhà thiên văn giữa trời tụ tập quần chúng xúm quanh ống kính của họ. Rồi anh lại thấy vũng tàu nhấp nháy lửa chài của những người đánh cá, họ gọi cá đến bằng lửa những ngọn đuốc nhựa cây.
Cuối cùng phố xá vơi hết người. Thay cho đám đông là những hội tuần tra của các
Yakunin
. Những sĩ quan này, trong bộ áo quần và đi giữa đoàn tùy tùng của họ, cứ như những ngài đại sứ, và Vạn Năng lại bông đùa rất thú vị mỗi lần gặp một đội tuần tra choáng lộn
Xem kia, hay không! Lại một sứ bộ Nhật lên đường sang Châu Âu
.
.................
[←45]
Taïkoun: Lãnh chúa phong kiến ở Nhật cho đến cuộc cách mạng 1868.
[←46]
Hottentot: một dân tộc ở Nam Phi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 80 ngày vòng quanh thế giới.