Phần VII – Thêm một lần nữa chứng tỏ sự vô dụng của những giấy hộ chiếu trong công việc của ngành cảnh sát
-
80 ngày vòng quanh thế giới
- Jules Verne
- 1049 chữ
- 2020-02-01 03:00:20
Dịch giả: Duy Lập
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Ông thanh tra quay xuống bến và rảo bước đến lãnh sự quán. Theo yêu cầu khẩn thiết của ông, ông được đưa ngay vào gặp viên lãnh sự.
Thưa ngài lãnh sự, – ông vào thẳng để không phí lộ, – tôi có nhiều lý do vững chắc để tin rằng anh chàng của chúng ta đã đáp tàu Mongolia
.
Và Fix kể lại những gì xảy ra giữa ông và người hầu ấy quanh tờ giấy hộ chiếu.
Tốt lắm ông Fix, – viên lãnh sự đáp – tôi sẽ không phiền lòng được thấy mặt thằng vô lại ấy. Nhưng có lẽ nó sẽ không đến văn phòng tôi trình diện nếu nó là cái người mà ông giả định. Một tên trộm không thích để lại đằng sau nó những dấu vết trên đường nó đi qua; vả chăng thủ tục giấy hộ chiếu bây giờ không bắt buộc nữa
.
– Thưa ngài lãnh sự – viên thanh tra đáp. – nếu đó là một tên đại bợm như ta nghĩ, thì nó sẽ đến!
– Xin thị thực vào hộ chiếu của nó?
– Vâng. Hộ chiếu bao giờ cũng chỉ có tác dụng làm rầy rà người lương thiện và giúp cho những thằng vô lại dễ tẩu thoát. Tôi dám chắc với ngài là thằng này sẽ đủ giấy tờ hợp lệ nhưng tôi rất hy vọng ngài không thị thực cho nó.
– Sao lại không? Nếu hộ chiếu ấy hợp lệ, – viên lãnh sự đáp – tôi không có quyền từ chối thị thực.
– Nhưng mà thưa ngài lãnh sự, tôi rất cần phải giữ chân thằng này lại cho đến khi nhận được lệnh của Luân Đôn cho bắt.
– À! điều đó, thưa ông Fix, đó là việc của ngài – viên lãnh sự đáp – còn tôi, tôi không thể…
Viên lãnh sự chưa nói hết câu. Vừa lúc ấy có tiếng gõ cửa, và bác tùy phái dẫn vào hai người lạ mặt, mà một người chính là anh hầu đã nói chuyện với nhà thám tử.
Quả thật, đó là ông chủ với người hầu. Ông chủ xuất trình hộ chiếu, vắn tắt đề nghị viên lãnh sự vui lòng thị thực cho.
Viên lãnh sự cầm tờ giấy hộ chiếu và chăm chú đọc, trong khi ấy thì Fix ngồi trong góc phòng, quan sát hay nói đúng hơn là nhìn chòng chọc vào người lạ mặt.
Viên lãnh sự đọc xong hỏi:
– Ngài là ông Phileas Fogg?
– Thưa vâng – nhà quý phái trả lời.
– Và người này là người hầu của ngài?
– Vâng. Một người Pháp tên gọi Vạn Năng.
– Ngài ở Luân Đôn đến?
– Vâng.
– Và ngài đi…?
– Bombay.
– Tốt lắm, thưa ngài. Ngài có biết cái thủ tục thị thực này là thừa, và chúng tôi bây giờ không đòi hỏi phải trình giấy hộ chiếu nữa?
– Dạ, biết. – Phileas Fogg đáp, – nhưng tôi cần được ngài thị thực là tôi đã qua Suez.
– Tùy ngài, được ạ.
Và viên lãnh sự, sau khi đã ký và đề ngày tháng đóng dấu lên hộ chiếu. Ông Fogg nộp lệ phí thị thực, lạnh lùng chào và đi ra, theo sau có người hầu của mình.
– Thế nào? – ông thanh tra hỏi:
– Hắn có vẻ một con người hoàn toàn lương thiện chứ thế nào! – viên lãnh sự đáp.
– Có thể, – Fix đáp lại. – nhưng vấn đề không phải ở đó. Thưa ngài lãnh sự, ngài có thấy là nhà quý phái lạnh như tiền này giống hệt thằng trộm mà tôi đã được báo hình dạng không?
– Tôi đồng ý nhưng ông biết đấy, mọi đặc điểm hình dạng…
– Tôi sẽ làm cho ra ngô ra khoai. – Fix đáp. – Xem ra tên hầu có vẻ đỡ bí hiểm hơn lão chủ. Hơn nữa, là người Pháp, hắn sẽ không giữ mồm giữ miệng được đâu. Hẹn gặp lại ngài ít hôm nữa, ngài lãnh sự.
Nói xong, ông thanh tra trở ra đi tìm Vạn Năng.
Trong khi ấy thì ông Fogg, rời khỏi lãnh sự quán, đã đi ra bến. Tại đây, ông dặn dò người hầu vài việc rồi ông xuống một cái xuồng, trở lại tàu Mongolia và về buồng. Rồi ông lấy sổ tay ra, trong đó ghi chép như sau:
Rời Luân Đôn, thứ tư mồng 2 tháng mười, 8 giờ 45 tối.
Đến Paris, thứ năm mồng 3 tháng mười, 7 giờ 20 sáng.
Rời Paris, thứ năm 8 giờ 40 sáng.
Đến Turin qua Ngọn Cenis, thứ sáu mồng 4 tháng mười, 6 giờ 35 sáng.
Rời Turin, thứ sáu 7 giờ 20 sáng.
Đến Brindisi, thứ bảy, mồng 5 tháng mười, 5 giờ chiều.
Xuống tàu Mongolia, thứ bảy, 5 giờ chiều.
Đến Suez, thứ tư mồng 9 tháng mười, 11 giờ sáng.
Tống số giờ đã dùng: 158 ½, tính ra ngày: 6 ngày ½
.
Ông Fogg ghi những ngày tháng đó lên trên một bảng hành trình chia thành từng cột. Trong đó chỉ rõ từ ngày 2 tháng mười đến ngày 21 tháng chạp – những ngày tháng đến theo bảng giờ tàu và những ngày tháng đến trên thực tế ở mỗi địa điểm: Paris, Brindisin, Suez, Bombay, Calcutta, Singapore, Hồng Kông, Yokohama, San Francisco, Nữu Ước, Liverpool, Luân Đôn. Bảng hành trình ấy cho phép tính thành con số những thời gian được dư hoặc bị trễ tại mỗi điểm trên đường đi.
Như vậy, bảng hành trình làm có phương pháp ấy đã không để sót cái gì và ông Fogg luôn luôn biết được ông đã đến sớm hay bị muộn.
Vậy là hôm ấy, thứ tư mồng 9 tháng mười ông ghi ngày giờ đến Suez phù hợp với giờ quy định, không dư cũng không hụt.
Rồi ông gọi bữa trưa ăn trong buồng riêng. Còn việc đi xem thành phố ông cũng chẳng thèm nghĩ đến nữa, ông thuộc loại những người Anh quen để người hầu của họ đến thăm những nơi họ đi qua.