Hồi 19: Lôi Quỳnh uống thuốc thành thần


Số từ: 3004
Dịch giả :Lê Duy Thiện
Nguồn: Sưu tầm
Khi ấy Chân Võ tổ sư với các tướng, đi tới núi Thiên Hỏa, núi ấy có một con yêu là Lưu Hậu, tay cầm roi Phi tiên chân đạp Phong hỏa luân, hằng dạo chơi dưới chân núi. Bảo dân cư tại núi ấy mỗi năm phải dùng đồng nam đồng nữ mà tế thì vô sự; bằng không thì nó đốt chết hết không để một nhà. Bởi có ấy nên dân sở tại sợ quá, phải lập hội quy tế, bắt thăm mà phân phiên nhau. Lý Sơn bắt được số thứ nhất, phải đi mua con trai và con gái nhà ghèo, đem đến trước miếu. Hai đứa nhỏ khóc vang. Thời may Chân Võ tổ sư đi tới, hỏi rằng:
Hai cháu vì cớ nào mà bị trói tại đây, đến nổi khóc than như vậy?
. Đồng nam thưa rằng:
Chúng cháu là con nhà nghèo, ông họ Lý đem bạc mua đứt. Cha mẹ cháu nói: Nhà nghèo nuôi con không nổi hôm đó hôm no, cũng có ngày phải chết, thà bán con cho ông họ Lý, cho con nhờ tấm thân, dầu làm tôi làm mọi mặc lòng, hãy còn no ấm. Mà cha mẹ lại được tiền mua gạo mà nuôi em. Cháu vâng lời chịu bán cho họ Lý, đến khi về xứ họ Lý nghe nói có một ông thần tại miếu này đòi tế bằng đồng nam đồng nữ, nên họ Lý mua tôi và em gái này mà tế thần. Hồi nảy làng xóm với họ Lý đem lễ vật đến tế miếu, rồi trói chúng cháu tại đây, đến tối này chắc thần ăn thịt, bởi cớ ấy nên hai cháu sợ chết mới khóc than, xin ông cứu hai cháu mà làm phước!
. Nói rồi khóc nữa.
Khi ấy Chân Võ tổ sư nổi giận, và thấy thương hai đứa vô cùng. Khương nguyên soái nổi trận lôi đình cầm thương xông vào miếu.
Lúc này Lưu Hậu đang uống rượu trong miếu, ngó thấy một người cầm giáo xông vào. Lưu Hậu rút cặp Phi tiên nhảy ra cự chiến. Khương nguyên soái lấy chuông quăng xuống mà chụp Lưu Hậu, rồi bắt sống đem nộp cho Tổ sư. Chân Võ tổ sư đẹp ý. Lưu Hậu lạy và thưa rằng:
Tôi chịu đầu hàng, cải tà quy chính
. Chân Võ tổ sư đưa hỏa đơn bảo Lưu Hậu uống. Rồi dâng sớ cho Ngọc đế. Ngọc đế phong Lưu Hậu làm Vương phủ Lưu thiên quân tay cầm phi tiên, chân đạp xe Phong hỏa, theo Tổ sư mà trừ yêu.
Ngày kia Ngọc đế lâm triều, các thần tiên tung hô xong xả, Tư Mệnh Táo quân quỳ tâu rằng:
Nội làng Bang Trước ba trăm nhà, đều ở ác lắm không thảo cha mẹ, chẳng kính ông bà, vợ chồng không hòa, anh em chẳng thuận, nhà nghèo thì trộm cướp, nhà giàu ở bất nhân, đứa hung hăng hay giết người, đàn bà chưởi rủa, không kiêng trời đất, chẳng kể thánh thần. Tôi hằng ứng mộng khuyên răn, chúng nó nói chiêm bao mộng mị, nên hết phương thế mà trị nó, phải cứ thật tâu
. Ngọc đế nghe tấu, nổi giận phán rằng:
Như vậy thì đáng giết hết làng Bang Trước, để làm chi những loại ác nhân
. Tức thì truyền chỉ Hành Ôn sứ giả Sĩ Quý xuống thu cho tuyệt làng Bang Trước.
Khi ấy Sĩ Quý vâng chỉ Ngọc đế, liền đến làng Bang Trước thôn, Thổ địa làng ấy ra nghinh tiếp hỏi rằng:
Chăng hay Ôn thần đến địa phận tôi có chuyện chi?
. Sĩ Quý nói:
Bởi Táo quân về dâng bộ tâu rằng:
Làng Bang Trước không có một người lành, ba trăm đều dữ. Nên Thượng Đế nổi giận, sai ta xuống mà hại cho tuyệt ác nhân. Vậy thì Thổ địa lãnh gói Ôn dược này, ngày mai bỏ xuống giếng, nếu chúng nó uống nước ấy thì sẽ bỏ mình
. Thổ địa thưa rằng:
Thiệt làng Bang Trước đều dữ hết thảy. Song có một nhà nghèo, ở giáng canh làng ấy, là Lôi Quỳnh, làm nghệ đậu hũ, người ấy hiền lành chân chất lắm, hay gánh nước giếng này, nếu bỏ Ôn dược chắc Lôi Quỳnh chết trước
. Sĩ Quý nói: Như vậy Thổ địa phải mách bảo cho Lôi Quỳnh, bảo đừng dùng nước giếng ấy mà khốn
. Thổ địa vâng lời.
Rạng ngày Thổ địa hóa ra ông già, đến ngồi dựa miệng giếng. Gặp Lôi Quỳnh đến gánh nước, Thổ địa nói:
Ngươi hãy gánh nước cho nhiều mà để dành, đến giờ tỵ sắp sau đừng dùng nước giếng này nữa, bởi Ôn thần đã đưa gói Ôn dược cho ta giờ tỵ sẽ bỏ xuống giếng, giết cho tuyệt làng này, vì chúng nó ở ác mười phần, nên trời phạt như vậy
. Nói rồi biến mất. Lôi Quỳnh nghĩ rằng:
Chắc ông này là Ôn thần, thương mình chân chất, nên mách bảo như vậy; nếu mình nói lại, chúng không tin; vì cả làng khi thần phật
. Nghĩ rồi gánh nước về nhà. Vừa đi vừa nghĩ rằng:
Nếu người chết hết mình ở với ai? Thà liều một mình mà cứu trăm mạng
. Lôi Quỳnh nghĩ như vậy, giờ thìn đến miệng giếng ngồi coi thời sự.
Đến giờ tỵ thấy ông già cầm gói thuốc nho nhỏ, mới đem lại miệng giếng mở ra, Lôi Quỳnh giật gói thuốc mà nói rằng:
Thà chết một mình tôi mà cứu mấy răm mạng
. Nói rồi trút hết thuốc vào miệng, tức thì thổ tả chết ngay. Thổ địa thấy thi thể Lôi Quỳnh đã bầm đen, không cứu được, vả lại gói thuốc hết rồi, nên sợ mình phạm tội nghịch chỉ. Liền dẫn hồn Lôi Quỳnh lên Thiên tào mà tâu lại với Thượng Đế vân vân. Thượng Đế phán khen rằng:
Lôi Quỳnh là người lành, lại có lòng nhân lớn, quyết chết thế mấy trăm người. Trẫm phong cho khanh làm chức Oai linh Ôn nguyên soái; và thưởng một bông vàng, và một tấm kim bài, đề bốn chữ Vô câu thiên hớn. Được phép ra vào Thiên môn, xuất nhập bất cấm. Khanh hãy theo Chân Võ tổ sư mà thu yêu quái
. Lôi Quỳnh tạ ơn, rồi tâu rằng:
Xin Thượng Đế xuống chỉ ân xá làng Bang Trước, để thần khuyên chúng nó cải ác tùng thiện
. Ngọc đế y tấu. Ôn nguyên soái tạ ơn xuống phàm.
Nói về làng Bang Trước những kẻ đi gánh nước, ngó thấy thi thể Lôi Quỳnh nằm đó, liền nói lưu truyền với nhau mà bàn luận rằng: Lôi Quỳnh là người dại, mỗi việc đều sợ tội phước, không dám gây gỗ với ai, cứ nhịn thua mãi, nào ai hiền hơn Lôi Quỳnh? Nào có thấy phước ở đâu? Té ra cùng khổ cả đời, lại chết cách dữ tợn, bỏ thây nơi đường sá, cho thiên hạ coi chung. Sao lại gọi là : Lành dữ đến đâu đều báo ứng? Thiệt là sách nói lầm! Tào Tháo gian nịnh mà làm vua cho tới mấy đời. Tử Lộ gọi là hiếu trung, Nhan Hồi gọi là đức hạnh, mà đều chết yểu cả hai! Sao gọi là: Nhơn từ giả thọ? Hể đời nay kẻ mạnh thì hiếp được kẻ yếu, đứa dại làm cho đứa khôn ăn, rất đỗi là người chữi gió mắng mưa, còn không thấy trời phạt, sao gọi là: Nghịch thiên giả vong? Hễ bất nhân thì được giàu sang, già tính cao mưu thì được có của, kẻ yếu thế như Lôi Quỳnh thì phải chịu nghèo cho tới chết, nào thấy chứa lành gặp lành, thì chẳng tin chứa dữ gặp dữ. Đạo Phật bày đặt nói nhân quả báo ứng, nào có thấy Địa ngục cưa xẻ ra làm sao? Hễ kiếp chết là kiếp mất, bề nào nào chết cũng ra ma, lành dữ cũng phải chết. Rất đỗi Lương Võ Đế lập bảy mươi hai kiểu chùa nào thấy phước đâu, sau bị Hầu Kiển vây chết đói trong thành, sao Phật không cứu? Thì Phật có linh hiển đâu? Còn vua Nghiêu nhân đức, mà chín người con trai đều không được làm vua, phải giao nước cho rể. Còn vua Thuấn đứng đầu nhị thập tứ hiếu còn sinh con bất hiếu là Thương Quân, sao gọi là hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử? Còn ông Cổn là người dữ tợn, sao lại sinh ông Đại Võ hiền lương, sau được làm vua nhà Hạ? Sao gọi là ngỗ nghịch hoàn sinh ngỗ nghịch nhi? Tưởng lại Tam giáo đều nói lầm, không có chi chắc. Đức Khổng tử tin việc cúng tế, song xét cho kỹ, chẳng thấy hồn ăn bao giờ, chi bằng còn sống ta ăn uống no say, chơi bời cho toại chí, để chết có đơm quải cũng vô ích, lẽ nào hồn được hưởng hay sao? Vả lại con người ở đời, phải có trí khôn mới được, đừng tin kinh sách là nói gạt thế gian làm lành cả đời, bất quá như Lôi Quỳnh mà thôi, không phước chi mà trông cậy
. Ai nấy đều bàn luận reo cười, không ai làm phước chôn xác Lôi Quỳnh làm thêm luận bàn biếm nhẻ.
Đêm ấy nhằm lúc canh ba, nhà nhà đều ngủ, ai nấy đều chiêm bao thấy Lôi Quỳnh về, áo mão nghiêm trang, cầm kim bài sáng chói, kêu các người ấy mà nói rằng:
Ta là Lôi Quỳnh, hồi ban ngày đi gánh nước tại giếng, gặp Thổ địa hóa ra ông già cầm gói thuốc nói với ta rằng: Tư Mệnh Táo quân về tâu với Ngọc đế, nói tội làng Bang Trước không có một người lành, khi dễ tam giáo, không tin nhân quả, cha chẳng lành, con chẳng thảo, anh em không hòa thuận, vợ chồng không hòa, bằng hữu hại nhau, ở không tín thật, kẻ nghèo trộm cướp, nhà giàu bất nhân, ỷ thế hại người, hiếp kẻ lương thiện không tin báo ứng, ích kỷ hại nhân. Táo quân ứng mộng khuyên răn, các ngươi nói chiêm bao mộng mị, không kính thánh thần. Bởi cớ ấy nên Ngọc đế sai Ôn thần đem Ôn dược giao cho Thổ địa bỏ xuống giếng làm cho tuyệt cả làng này. Bởi ta hiền lành nên Thổ địa mách bảo ch hay trước, biểu đừng uống nước giếng này mà khốn. Ta động lòng thương các ngươi, giật gói thuốc mà uống, thà một mình chết, mà cứu mạng cả làng. Thổ địa dắt hồn ta về tâu với Ngọc đế như vậy. Ngọc đế khen ta có nhân, phong ta làm chức Oai linh Ôn nguyên soái, lại ban kim bài. Ta tâu xin miễn tội cho các ngươi, để ta về ứng mộng khuyên các ngươi cải dữ làm lành; mong ơn Ngọc đế y tấu. Ta giáng hạ trong ban ngày, nghe các ngươi nghị luận nhiều điều trái lẽ chê thánh nhân với Phật Lão nói lầm, ấy là tội khi Tam giáo rất nặng. Ta phải cắt nghĩa cho các ngươi nghe, việc Lương Võ đế lập chùa thật là vô ích, bởi thu của nhân dân mà làm việc cầu danh, chẳng ích chi cho Phật, thêm sự khổ cho lê dân, bị ngạ tử Đài thành là số mạng, Phật chẳng hề cứu ai. Kinh Phật nói ai làm lành thì gặp phước, ai làm dữ thì mắc họa, chẳng vì sự cúng tế thờ phượng mà thần cho phước, chẳng phải thất lễ mà cho họa. Tuy phu tử không nói chuyện quái lực loạn thần làm chi, chớ cũng nói việc quỷ thần là quả có, bởi có quỷ thì phải có thần, có thần phải có Thiên đường, có quỷ thì phải có Địa ngục, sự hành phạt tội quỷ, cũng như luật Dương gian, nên lưới Dương gian dễ trốn, luật âm phủ khó qua, sự luân hồi báo ứng như vậy, một là quả báo nhãn tiền, hai là báo ứng cho con cháu, mới gọi là nhà chứa lành phước dư tới đời sau, nhà chứa dữ họa để tới con cháu, chẳng những con cháu mà thôi, đầu thai kiếp sau còn báo ứng nữa, bởi báo ứng ba đời, nên gọi là Tam thế nhân quả. Như người đời nay hiền lành mà được phước, hung dữ liền mắc họa ấy là báo ứng kim thế. Còn người nay làm lành mà mắc họa, bởi kiếp trước bất nhân, nên đời nay chịu khổ, sự làm lành đời nay thì đời sau sẽ hưởng phước gọi là báo ứng lai thế. Như người đời nay làm dữ mà chưa mắc họa là tại kiếp trước chứa nhân tích đức rất nhiều, nên đời nay hưởng phước chưa hết, còn sự dữ đời nay, thì kiếp sau phải trả. Tuy là sự u minh báo ứng không sai, các ngươi phải sửa mình mà làm lành, ăn năn chừa lỗi, thì tội trước tiêu lần. Chớ như luận sự yểu thọ, không lấy làm chắc. Tuy Nhan Hồi, Tử Lộ không trường thọ, là tại số trời, song cũng làm thánh hiền hết thảy. Còn Tào Tháo tuy sống lâu mà sau chết bị tù nơi địa ngục, dù con cháu cướp nước Hán, sau bị Tấn chuyên quyền, báo ứng bằng hai khi Tào soán Hán. Còn luận sự Nghiêu nhân đức mà sinh con bất hiếu, không được nối ngôi, thật là lầm quá. Nếu chín người con trai vua Nghiêu thất đức thì sau vua Thuấn dễ trị vì lắm sao? Bởi tài đức hiếu hạnh người con vua Nghiêu còn thua vua Thuấn. Nên vua Nghiêu truyền hiền. Chớ không phải con vua nghiêu không hiếu thuận, Còn Cổ Tẩu với ông Cổn sự chi bất hiếu, mà không được sinh con hiếu thuận tài năng? Bởi Cổ Tẩu ở bất từ nên vua Thuấn mới được đại hiếu, ông Cổn bất tài nên Đại Võ phải ráng kẻo hư giòng giống của cha. Như các ngươi biết ăn năn, cải dữ làm lành, thì sau sẽ được hưởng phước. Nếu không chừa lỗi cũ, e họa đến chẳng xa, ta khó nổi cứu rỗi
. Nói rồi biến hóa thinh không.
Khi ấy ai nấy giật mình thức dậy, kinh hãi đổ mồ hôi; nhà nào hỏi thăm nhau, cũng nói thấy điềm chiêm bao như vậy, bàn luận với nhau cả canh giờ.
Rạng ngày làng xóm nhóm lại, hỏi thăm nhau việc chiêm bao hiệp lại như một, bèn bàn luận với nhau rằng:
Nay mới rõ có quỹ thần, quả thật báo ứng không sai. Nhờ có thần Oai linh thế tử cho chúng ta, lại rỗi tội hiện về mách bảo, chúng ta phải tẩn táng cốt ngài, và lập miếu thờ phượng
. Từ ấy làng Bang Trước cải dữ làm lành, đều được bình an vô sự.
Khi ấy Oai linh Ôn nguyên soái đến ra mắt Chân Võ tổ sư. Chân Võ tố sư hỏi ra sự tích mới hay, các tướng đồng khen ngợi, liền đi qua tỉnh Hiệp Tây.
Nói về tỉnh Hiệp Tây có hòn núi Xích Vân. Trong núi ấy có con yêu tên là Điền Văn hay nhiễu hại thiên hạ. Ôn nguyên soái giắt kim hoa đi ngang qua, Điền Văn bị hào quang kim hoa chiếu nhằm, liền hiện nguyên hình là cái chén ngọc. Ôn nguyên soái đem dâng cho Tổ sư, Chân Võ tổ sư thưởng cho Ôn nguyên soái thu dụng. Đồng đi qua hòn núi Linh Di.
Nói về trong núi Linh Di có một cái động Thạch Thành. Chúa động Thạch Thành, mặt trắng môi son tay cầm Lôi tiên[60] võ nghệ cao cường đệ nhất. Bị các nguyên soái phá động, một mình Thạch Thành đánh cầm hòa, bởi các thiên tướng đông đảo lại nhiều pháp bửu, nên Thạch Thành trở tay không kịp, bị các tướng bắt đem nộp cho Tổ sư. Thạch Thành cúi lạy, xin chịu đầu hàng. Chân Võ tổ sư cho Thạch Thành uống hỏa đơn, rồi dâng sớ tâu với Ngọc đế phong Thạch Thành làm chức Thần lôi Thạch nguyên soái theo phò tá Tổ sư.
Nói về núi Tập Hỗ có hai con yêu, Cao Đồng Dõng với Vương Thiết. Cao Đồng Dõng xách hai búa ngọc, có tài biến ra hùm, còn Vương Thiết mặt thiết, sở trường cây giáo. Cao Đồng Dõng hay hóa cọp mà hại người.
Ngày kia Chân Võ tổ sư đi ngang qua núi Tập Hổ thấy có hai ngọn yêu khí, liền sai Triệu nguyên soái, với Khương nguyên soái đi đánh. Vương Thiết đánh với Triệu nguyên soái chín trăm hiệp cầm đồng. Triệu nguyên soái quăng hỏa sách và giục Hắc Hỗ ra. Vương Thiết kêu Cao Đồng Dõng trợ chiến. Vương Thiết phóng cây thương, sai thần hỗ Đông Sơn trợ lực. Cao Đồng Dõng quăng búa ngọc sai thần hỗ Tây Sơn trợ lực. Triệu nguyên soái cự không lại. Khương nguyên soái xông vào trợ chiến, quăng hỏa đơn đốt hai cọp chết hết, rồi lấy Kim chung ném lên, nhốt Cao Đồng Dõng và Vương Thiết bắt đem nộp cho Tổ sư. Chân Võ tổ sư hỏi:
Hai ngươi chịu đầu hàng chăng?
. Cao Đồng Dõng và Vương Thiết đều quỳ lạy thưa rằng:
Tổ sư rộng dung, hai tôi chịu theo hầu dưới trướng
. Chân Võ tổ sư bảo Cao Đồng Dõng, Vương Thiết uống hai hạt hỏa đơn. Rồi dâng sớ tâu với Ngọc đế… Ngọc đế phong Vương Thiết và Cao Đồng Dõng làm Hổ Khưu Vương, Cao nhị nguyên soái, theo phò tá Tổ sư mà trừ yêu quái.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Bắc Du Chân Võ Đế.