Chương 3


Số từ: 3284
Nhà Xuất Bản Trẻ
Chiều nay tôi đến nhà nhỏ Hiền. Nhà nó nằm ở cuối chợ Cầu Ván, kế bên rãnh thoát nước đen ngòm. Đó là một căn nhà lụp xụp, tồi tàn, mái bằng tôn, cửa cũng bằng tôn, những tấm tôn cũ kỹ, gỉ và thủng lỗ chỗ.
Từ hôm nó đề nghị may bản tên cho tôi đến nay, hai đứa đều tránh nói chuyện với nhau. Tôi chẳng phải là đứa hiền lành gì nhưng chẳng hiểu sao mỗi khi gặp nó tôi đều đâm ra lúng túng. Còn Hiền thì thấy tôi không nói gì về vụ đó, tấm bản tên nhàu nát vẫn lủng lẳng bướng bỉnh trên ngực áo, lại càng né mặt tôi. Có lẽ Hiền nghĩ là tôi tự ái.
Đang làm mặt lạ với nhau, đùng một cái tôi lò mò đến nhà Hiền, thiệt kẹt! Hơn nữa, con trai bọn tôi có "truyền thống" không chơi thân với đám con gái. Mặc dù trong lớp ngồi chung bàn nhưng khi ra chơi thì nam đi đường nam nữ đi đường nữ, rạch ròi. Tụi nó mà biết chiều nay tôi "đơn phương độc mã" tới "thăm" Hiền thì tụi nó chọc quê đến nước tôi phải độn thổ chứ không phải chơi. Thiệt khổ! Trăm sự cũng tại cái môn địa quái quỷ. Học mấy tuần rồi mà tôi cũng chưa vẽ nổi cái bản đồ Châu Âu. Thậm chí tôi còn không hình dung nổi nó hình vuông hay hình tam giác nữa là. Hổm rày ngồi trong lớp tôi cứ lo cãi nhau với thằng Đại riết, hết áo tới quần, hết tai tới tóc, có để tâm nghe giảng gì đâu.
Hồi trưa, lật thời khóa biểu coi tôi mới nhớ ngày mai có tiết vẽ bản đồ, vẽ xong còn phải ghi ký hiệu vùng nào có than, vùng nào dầu lửa, ôi thôi đủ thứ rắc rối trên đời! Tôi vội vàng phóc ngay qua nhà thằng Bảy nhưng nó đi thăm bà cô tít trên Nhà Bè tối mới về. Như vậy thì hỏng bét, không thể đợi nó được! Tôi nghĩ tới nghĩ lui một hồi và quyết định tới nhà Hiền. Hiền giữ cuốn sách địa lý duy nhất của tổ tôi. Hôm phát sách giáo khoa, không đứa nào thèm lấy cuốn địa. Đứa nào cũng thi nhau giành giật sách ngữ pháp, vật lý, hóa học và các cuốn bài tập toán.
Bảy đưa cuốn địa cho tôi, tôi gạt phắt:
- Tao lấy cuốn này làm gì! Đổi cho tao cuốn vật lý đi!
Cuối cùng nhỏ Hiền lãnh cuốn địa.
Tôi vừa len lỏi giữa mớ rau cải cá cua, hấp tấp nhảy tránh các bà đi chợ vừa tặc lưỡi tiếc rẽ: "Phải chi hôm đó mình lãnh cuốn địa cho rồi!"
Hiền không có nhà. Má nó đon đả:
- Ngồi chơi đi cháu! Cháu học chung lớp với Hiền hả! Tìm nó có chuyện chi không?
Nghe tôi nói đi mượn sách má nó bảo:
- Vậy thì cháu ngồi chơi chờ nó một chút! Nó cũng sắp về rồi!
Rồi bà đi rót nước mời tôi uống.
- Hiền đi đâu vậy bác? - Tôi hỏi.
- À, nó đi bán chè.
- Ủa, chè gì, bác? -Tôi ngạc nhiên.
Má Hiền cười:
- Thì chè ăn chớ chè gì, cháu! Chè đậu đen, đậu đỏ, xôi nước, đủ thứ vậy mà!
Tôi chưng hửng. Nhỏ Hiền lớp tôi đi bán chè? Ngộ thiệt! Học trò mà đi bán chè! Tôi cứ nghĩ đã là học trò thì chỉ đi học hoặc đi chơi thôi chớ. Như tôi và thằng Tin chẳng hạn, từ nhỏ tới lớn có bán chác gì đâu! Thằng Tin siêng thì chúi đầu vô tập, tôi làm biếng thì chạy rông ngoài đường, ngoài bãi bóng. Ai lại đi bán chè! Đó là chuyện của người lớn. Mình mà ngoác mồm rao "Ai ăn chè không?" rủi đứa bạn nào nghe thấy nó cười thúi đầu.
Dường như không để ý đến vẻ mặt ngơ ngác của tôi, má Hiền nói tiếp:
- Con Hiền đi bán từ một giờ đến bốn giờ chiều. Sau đó tới phiên bác bán tơi khuya. Cháu nghĩ coi, từ hồi bác trai sưng gan nghỉ hát tới giờ, một mình bác xoay xở sao nổi. Thành ra con Hiền nó phải phụ với bác một tay. Tội nghiệp, nó siêng học lắm, tối nào cũng thức học bài tới khuya. Năm ngoái, bác bệnh lên bệnh xuống, nó phải gồng gánh mọi việc nên bài vở bỏ bê, rốt cuộc không lên lớp nổi với người ta, nghĩ mà thương!
Nói xong, má nó chép miệng thở dài. Còn tôi thì nghe ngùi ngùi trong bụng. Té ra nhỏ Hiền cực thiệt. Ở lớp, nhìn bộ tịch chững chạc, mặt mày lúc nào cũng tươi cười, ai biết nó về nhà phải bán phụ gia đình vất vả như vậy.
Tôi tò mò quan sát căn nhà. Hình như nhà Hiền còn nghèo hơn nhà Bảy. Bảy còn có bàn học chớ ở đây chẳng có gì ráo. Có mỗi cái bàn con con thì đã dùng làm bàn thờ mất rồi. Ở góc nhà có cái giường tre, lủng lẳng phía trên là cái kệ nhỏ cột ép vô vách bằng dây kẽm, chứa đầy sách vở. Có lẽ đó là chỗ ngủ đồng thời là chỗ ngồi học của Hiền. Nãy giờ, chủ khách đều ngồi trên những chiếc ghế con, giống như loại ghế bày ở các quán cóc, và ở giữa cũng là một cái ghế con cùng loại giả làm bàn, trên để hai ly nước.
- Uống nước đi cháu! - Má Hiền giục tôi.
- Dạ!
Tôi cầm ly nước lên nhưng chưa kịp uống đã vội vã đặt ngay xuống. Hiền, với quang gánh trên vai, xuất hiện thình lình ngay trên ngạch cửa.
- Huy tới chơi hả? Bạn tới lâu chưa?
Hiền hỏi mà như reo. Nó hấp tấp bước lại góc nhà đặt gánh chè xuống. Chắc nó không ngờ tôi tới nhà nó hôm nay.
- Cũng mới tới! - Tôi cười, trả lời.
Má Hiền hỏi:
- Bán hết không con?
Hiền vui vẻ:
- Hết sạch, má!
Không hiểu sao tôi cảm thấy vui lây cái vui của Hiền.
Trong khi má nó đem gánh chè xuống nhà dưới chuẩn bị cho buổi bán tối thì nó lại ngồi sát bên tôi. Dang nắng cả buổi nên mặt Hiền đỏ bừng, những sợi tóc mai dính bết vào hai bên thái dương. Nó hỏi nhưng mắt thì nhìn chổ khác:
- Huy có mang bản tên tới không?
Tôi đoán đằng nào Hiền cũng hỏi câu đó. Thiệt y chang! Tôi tươi tỉnh móc từ túi áo ra tấm bảng tên ép ni-lông đàng hoàng, đẹp không thua gì cái của thằng Bảy:
- Mình có mang đây nè!
Hiền trố mắt:
- Ủa, Huy ép ni-lông rồi hả? Hay quá hén! Tưởng chưa thì Hiền may giùm cho!
Mặt Hiền lộ vẻ thất vọng pha lẫn ngạc nhiên. Tôi không để Hiền ngạc nhiên lâu:
- Mình tới mượn Hiền cuốn sách địa.
Nói xong, tôi hơi ơn ớn. Tôi sợ nó móc ngoéo việc tôi tẩy chay cuốn địa bữa trước. Nhưng hình như Hiền đã quên chuyện đó, nó lục trên kệ lấy cuốn địa đưa tôi:
- Huy vẽ bản đồ chớ gì?
- Ừa.
Hiền rụt vai:
- Bản đồ Châu Âu khó lắm đó. Năm ngoái Hiền vẽ rồi mà năm nay vẽ còn sai.
- Vậy hả?
Tôi nói mà mắt thì nhìn quanh.
- Huy tìm gì vậy? - Hiền thắc mắc.
Tôi hạ giọng:
- Ba Hiền đâu rồi?
- Ổng đi nhậu rồi. Ổng nhậu tối ngày. Huy hỏi ổng chi vậy?
Tôi tò mò:
- Hồi trước ổng là ca sĩ hả?
- Đâu có! Ổng đóng tuồng.
- Tuồng gì?
- Cải lương đó!
Tôi xuýt xoa:
- Má tôi mê cải lương lắm! Ba bạn giỏi quá hén?
Hiền thở dài:
- Đó là hồi xưa! Ổng nhậu riết, sưng gan, nghỉ hát luôn. Vậy mà bây giờ ổng cứ xỉn hoài, can không được!
Tôi lại hỏi, không quan tâm đến lá gan cho lắm:
- Đi nhậu về, ổng có ca cải lương cho bạn nghe không?
Hiền lắc đầu:
- Có gì đâu mà ca! Ổng chuyên đóng vai nịnh không hà!
Rồi dường như không thích nói chuyện về cha mình, Hiền lảng sang chuyện khác:
- Huy giỏi toán không?
Tôi giật thót người. Sao khi không con nhỏ này hỏi câu độc vậy cà! Đang nói cải lương tự nhiên lại quay sang toán, thiệt lãng xẹt! Tôi khụt khịt mũi, nói lấp lững:
- Cũng tàm tạm!
Chữ "tàm tạm" ngó vậy mà rất hay. Nó vừa có nghĩa không giỏi lắm (ai mà dám vỗ ngực tự xưng là giỏi?) vừa có nghĩa không dở lắm, tóm lại là vừa đủ sức đua tài với thiên hạ. Nó còn toát ra vẻ khiêm tốn kiểu bề trên, như ẩn giấu một sứ mạng bí mật đáng sợ.
Tôi tưởng Hiền hỏi cho biết vậy thôi, ai dè nó lại thò tay vô kệ lôi cuốn bài tập toán ra. Nó rút sách mà tôi cảm giác như nó rút gươm.
Nó "vung gươm lên":
- Hôm qua học đại số. Hiền chưa hiểu lắm phương pháp dùng hằng đẳng thức, Huy giảng lại dùm Hiền nghen!
Tôi "né":
- Thôi để hôm khác đi. Hôm nay mình phải vô bệnh viện thăm đứa em bị bệnh. Phải đi sớm không thì bệnh viện đóng cửa.
Thế là tôi phóng một mạch, quên cả chào mẹ Hiền. Còn Hiền thì chưa kịp hỏi thăm bệnh tình em tôi đã thấy tôi mất hút trong chợ. Chắc nó thắc mắc dữ lắm, tôi nhủ bụng, nhưng thôi, kệ nó, mình phải lo cái mạng mình, khi nãy mà nán lại thì rắc rối to! Chỉ tội là tội thằng Tin, tự nhiên bị tôi "trù", rủi nó bệnh thiệt thì nguy. Mà không hiểu sao khi nói dối, miệng tôi trơn như thoa mỡ, không vấp lấy một chữ. Thiệt lạ lùng! Tôi thở dài một tiếng, không biết là nên vui hay nên buồn.

Tôi kể cho má tôi nghe chuyện nhỏ Hiền. Rồi kết luận:
- Tội nó ghê hén má?
- Ừ.
Má tôi đồng tình với nhận xét của tôi, nhưng dường như thấy còn thiếu nên má tôi bổ sung:
- Con cái người ta thì như vậy đó. Đi học về phải phụ giúp gia đình. Thằng Bảy con bác Tám Ngữ cũng vậy, về nhà là giúp má bán kẹo, trông em. Còn mày thì chẳng được cái tích sự gì, nội chuyện lặt vặt trong nhà cũng làm không xong, lúc nào cũng đùn cho thằng Tin.
Thằng Tin đứng cạnh vỗ tay hét ầm lên:
- Lêu lêu, mắc cỡ! Lêu lêu!
Tôi phụng phịu:
- Tại má không kêu con làm!
- Hơi đâu việc gì cũng kêu! Hễ thấy cái gì trái con mắt thì tự động dọn dẹp chớ! Lớn rồi chớ còn nhỏ nhít gì nữa!
Bị má rầy, tôi thấy tủi tủi làm sao. Còn thằng Tin thì cứ nhảy nhót quanh bàn, cái miệng tía lia:
- Lêu lêu! Lêu lêu!
Mặt nó nhơn nhơn ngó dễ ghét. Tôi xô ghế xuống đứng dậy, quên bén việc nó bị tôi trù cho nằm bệnh viện:
- Mày có im mồm đi không?
Thằng Tin đâu có ngán. Nó nhảy nấp sau lưng má tôi khiến tôi không làm gì được.
Tối đó, ăn cơm xong, tôi thu dọn chén đũa trước cặp mắt ngạc nhiên của ba tôi. Ông đằng hắng:
- Á à, chuyện lạ bốn phương!
Má tôi thì tủm tỉm cười.
Tôi khệ nệ bê chồng chén đĩa xuống bếp, bỏ vô thau rồi bắt đầu mở vòi nước. Bắt đầu từ hôm nay tôi quyết chứng minh cho mọi người thấy tôi không phải là tên làm biếng, tôi quyết rửa sạch tiếng oan từ trước đến giờ.
Tôi ngồi chồm hổm bên thau chén, kéo hộp xà phòng lại gần và xát miếng ruột mướp khô lên đó.
Thằng Tin đứng kè kè bên cạnh, hai tay chống lên đầu gối, lặng lẽ quan sát. Nó làm như tôi rửa chén là hiện tượng lạ trên sao hỏa không bằng.
Tôi giả vờ như không trông thấy nó, lẳng lặng chà xà phòng lên từng cái chén một. Nhưng tôi chưa kịp chà đến cái thứ hai, Tin đã la toáng lên:
- Rửa qua nước một lược đã chớ! Ai lại chà xà phòng ngay từ đầu!
Chậc! Lại có chuyện đó nữa! Nhưng chẳng lẽ để lộ ra là mình không biết gì hết! Tôi cau mặt:
- Kệ tao! Tao rửa theo kiểu của tao!
Tin vẫn đứng nhìn lom lom. Khi tôi cầm đến cái dĩa sứ trắng, nó lại lên tiếng:
- Cái đĩa quý nhất của má đó! Coi chừng anh đập bể bây giờ!
Thiệt bực mình cái thằng quỷ con này. Nó cứ làm như tôi là em nó. Tôi quay lại gắt:
- Mày làm gì mà bép xép hoài vậy! Đi chỗ khác cho tao làm việc!
Nó lùi một bước nhưng không đi:
- Em đứng đây em coi.
- Có gì mà coi.
Nó nheo mắt:
- Coi thử anh rửa chén có sạch không!
Nếu trên tay tôi là cục gạch chứ không phải là cái đĩa sứ thì thằng Tin chết với tôi rồi. Tôi nén giận ngồi im, tay tiếp tục miết miếng ruột mướp đẫm xà phòng quanh đĩa, bụng bảo dạ: "Nó nói gì kệ nó, cứ coi như không có nó trên trái đất này vậy". Nhưng vì giận quá hóa run tay, phần khác do xà phòng trơn nhẫy, nên cái đĩa đột ngột tuột khỏi tay tôi, rớt xuống nền gạch. Một tiếng "xoảng" vang lên điếc tai.
Trong khi mặt tôi xám ngoét thì thằng Tin la ầm ĩ:
- Anh Huy làm bể đĩa rồi, má ơi!
Sự việc sau đó tất nhiên là không thể nào diễn ra khác được. Tôi bị "đuổi khỏi chổ làm" sau khi bị "quần" cẩn thận. Tuy nhiên tôi chưa đến nổi thất nghiệp. Cuối bài giáo huấn về kỷ thuật lao động và nghệ thuật rửa chén, má tôi "chuyển công tác" cho tôi:
- Thôi lên nhà trên kèm cho thằng Tin học đi! Không có chạy đi chơi nghe chưa!
Hai anh em lên nhà trên. Tôi rầu rĩ còn Tin thì tươi hơn hớn. Tôi gieo người xuống ghế và hất hàm:
- Đem tập ngữ pháp ra đây, tao giảng cho!
Tin lẳng lặng đi lấy tập.
Nhưng không phải tập ngữ pháp. Tôi điếng người khi thấy chữ "hình học" ngoài nhãn vở:
- Tao kêu đem tập ngữ pháp kia mà!
- Ngày mai em đâu có tiết ngữ pháp. Chỉ có bài tập hình này thôi, anh giảng giùm em đi!
Tôi ngán ngẩm trong bụng. Hồi chiều nhỏ Hiền cũng nhờ tôi giảng toán, giờ tới thằng quỷ con này. Tụi nó làm như tôi là Lê Bá Khánh Trình không bằng! Sao hôm nay xui dữ vậy không biết! Tôi thấp thỏm lật cuốn tập toán của Tin, hy vọng toán lớp Bảy đầu năm không đến nổi khó lắm. Chắc là bài tập ngăn ngắn về đường thẳng hay đoạn thẳng gì đó thôi.
Đúng như tôi nghĩ, đó là một bài toán nhỏ về đoạn thẳng:
"Một đoạn thẳng AB = 18cm được chia làm hai phần AC và BC không bằng nhau. Tính khoảng cách từ điểm giữa I của AC đến điểm giữa K của CB".
Tôi thở phào. Tưởng gì! Bài này tụi lớp năm còn làm ra nữa là mình. Tôi nhìn thằng Tin, lên giọng:
- Học hành như mày thì chết rồi. Bài toán dễ ợt vậy mà cũng không hiểu!
Tin chồm người lên bàn, dòm vào bài toán:
- Hôm trước, em xin phép về thăm ngoại nên không học bài này. Thôi anh giảng cho em đi!
Tôi cầm cây viết lên, giọng hách dịch:
- Nghe đây nè!
Tôi nhẩm lại đề toán. Ủa, sao kỳ vậy cà? Ít ra đề toán phải cho biết đoạn AC hoặc CB bằng bao nhiêu, từ đó mới biết phần còn lại, rồi mới tính khoảng cách giữa hai điểm I và K được chớ. Hay đề toán sai? Không có lẽ! Tôi nhẩm tới nhẩm lui một hồi, mồ hôi ướt trán. Tôi cố nhớ lại năm ngoái mình đã làm bài này chưa nhưng không tài nào nhớ ra.
Thằng Tin thấy tôi ngồi lâu quá, liền giục:
- Nghĩ gì nghĩ hoài vậy? Giảng đi chớ!
Tôi tìm cách xoay chuyển tình thế. Biết thằng Tin là đứa không chịu để ai nói nặng, tôi nhún vai:
- Tao đang nghĩ coi tại sao mày lại dốt đến mức không giải được bài toán này. Đây là toán dành cho cấp một!
Tin trúng kế ngay. Bị chạm nọc, nó giật phăng cuốn tập:
- Em mượn anh giảng bài chớ không mượn anh xài xể!
Tôi mừng rơn trong bụng. Nhưng ngoài mặt vẫn làm bộ làm tịch:
- Để cuốn tập đó! Trước khi giảng tao phải chỉ cho mày cái dốt của mày chớ xài xể cái gì!
Tin không thèm nghe tôi nói hết câu, nó cuộn cuốn tập lại cầm tay và phấp ra cửa:
- Em cóc cần anh giảng! Em qua hỏi thằng Luận con chú Thảo.
Tôi nghe như ai vừa nhấc cục đá khỏi vai mình.
Má tôi từ dưới nhà lên, không thấy Tin, liền hỏi:
- Thằng Tin đâu?
- Nó qua chơi nhà chú Thảo rồi. Để con đi kêu nó về.
Tôi chạy ra khỏi nhà, nhưng không qua nhà chú Thảo mà phóng thẳng tới nhà thằng Bảy.
- Có một bài toán mẹo trong báo, mày giải giùm tao đi!
Tôi vừa thở hổn hển vừa nói với Bảy.
Nghe xong đề toán, Bảy nhìn tôi với vẻ nghi ngờ:
- Mày đừng có xạo! Đây là toán lớp bảy chứ toán mẹo cái gì!
Ai chứ thằng Bảy thì nó đi guốc trong bụng tôi. Biết không thể giấu nó, tôi cười xòa:
- Giỡn chơi với mày chớ toán của thằng Tin đó!
Bảy thản nhiên:
- Có gì khó đâu! Khoảng cách giữa I và K là 9cm.
Tôi giật mình:
- Giỡn hoài mày! Người ta có cho biết chiều dài của đoạn AC và CB đâu!
- Chiều dài của hai đoạn đó có là mấy đi chăng nữa thì khoảng cách của hai điểm giữa vẫn không thay đổi bởi AB là đoạn thẳng cố định.
Nói xong, Bảy bắt đầu phân tích. Càng nghe, tôi càng thấy dễ. Thiệt không có bài toán nào trên thế giới lại dễ đến như vậy! Chẳng hiểu sao lúc nãy tôi không nghĩ ra.
Dọc đường về, con số 9cm hiện rõ trong óc tôi như một bí mật đơn giản. Lát về nhà, tôi sẽ "nạo" cho thằng Tin một trận. Chẳng hiểu nó học hành như thế nào mà có bài toán đễ ợt vậy cũng giải không ra!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Bàn có năm chỗ ngồi.