Chương 7.2
-
Bản Thông Báo Tử Vong Ngoại Truyện: Sự Trừng Phạt
- Chu Hạo Huy
- 2247 chữ
- 2020-05-09 03:57:42
Số từ: 2234
Dịch giả: Hương Ly
Cổ Nguyệt Books phát hành
NXB Văn Học
2
Sau khi Hứa Minh Phổ rời khỏi đó, Trang Tiểu Khê vẫn phải tiếp tục giải quyết nhiều việc quan trọng hơn nữa.
Điều trước tiên cần phải làm là ngụy tạo nên khoảng thời gian thích hợp đối với cái chết của Lý Tuấn Tùng.
Trên phương diện y học, tử vong thực ra không phải là một khái niệm thống nhất, sự khác biệt thường thấy nhất chính là nằm ở sự phân biệt chết não và chết tim.
Bao lâu nay, mọi người vẫn thường coi việc tim ngừng đập là tiêu chuẩn để xác định cơ thể tử vong, tiêu chí này thực ra vẫn còn có rất nhiều sự bàn cãi.
Có một số người từng xuất hiện hiện tượng tim tạm thời ngừng đập, nhưng sau khi được cấp cứu, tim lại đập trở lại trong tình huống này, nếu như cứ thế nhận định là đã tử vong mà từ bỏ sự cấp cứu, chẳng phải là đã làm hại một mạng người sao?
Còn có một số người mặc dù tim vẫn duy trì nhịp đập, nhưng đại não đã mất đi tất cả ý thức, nếu như những người này vĩnh viễn không bao giờ có thể tỉnh lại, vậy thì họ còn được coi là vẫn đang sống sao? Giống như Vương Ngọc, việc sinh tồn của ông ta ngoài việc lãng phí vô ích nguồn tiền bảo hiểm y tế quý giá, còn có ý nghĩa khác nữa sao?
Cho nên có học giả đã đưa ra khái niệm chết não. Nếu xác định tiêu chí của một người đã tử vong là toàn bộ tác dụng của chức năng não, đặc biệt là chức năng của thân não ngừng lại. Cho đến nay, khái niệm này đã được hơn 80 quốc gia và khu vực trên thế giới tán đồng.
Bất luận là chết tim hay chết não thì bản chất của nó đều là cái chết của một sinh mạng. Ngoài cái chết của sinh mạng, còn có khái niệm cái chết của tổ chức.
Có đôi khi con người vẫn còn sống, nhưng một bộ phận tổ chức của cơ thể thì đã bị hoại tử. Có đôi khi người đã chết rồi, nhưng một tổ chức trong cơ thể lại vẫn đang sống.
Lấy Lý Tuấn Tùng đang nằm trên sàn nhà để nói, hơi thở của ông đã dừng lại, điện não đồ cũng không còn hoạt động, thế có nghĩa là xét về tiêu chuẩn chết tim hay chết não thì hiện giờ ông đã là người chết thực sự. Nhưng ở trên cơ thể người chết này, vẫn còn rất nhiều tổ chức đang còn sống. Loại hiện tượng này trong y học gọi là phản xạ siêu sinh. Một người chết trong vòng hai giờ đồng hồ, gần như tất cả những cơ sau khi bị kích thích thì phần lớn chỉ có thể gây ra sự co rút những phần cơ bị tác động. Cho đến sau khi chết quá năm tiếng đồng hồ, loại phản ứng cơ này mới hoàn toàn chấm dứt.
Người chết trong vòng bốn tiếng đồng hồ, nhỏ chất physostigmine hay atropine vào giác mạc mắt, có thể xảy ra phản ứng co hoặc dãn đồng tử tương ứng. Nếu như nhỏ thuốc vào mắt thì sau khi chết hai mươi tư tiếng đồng hồ vẫn có phản xạ.
Phản xạ siêu sinh của tuyến mồ hôi còn lâu hơn nữa, dưới tác dụng của thuốc như adrenaline, atropine, người chết trong vòng ba mươi giờ đồng hồ, đều có thể xuất hiện hiện tượng toát mồ hôi.
Có sự tồn tại của những phản xạ siêu sinh kể trên chính là bởi vì con người sau khi mất đi sự sống, rất nhiều tổ chức trên cơ thể của anh ta còn sống, đồng thời vẫn có thể giữ được sự vận chuyển ở trong điều kiện nhất định. Đương nhiên cùng với việc tim ngừng đập, sự tuần hoàn máu cũng ngưng lại, nhưng tổ chức này cũng sẽ lần lượt tử vong bởi thiếu oxy. Khoảng thời gian này thường là không quá hai mươi tư giờ đồng hồ.
Nếu như một người vừa mới chết không lâu, lấy một tổ chức nào đó vẫn đang còn sống ở trên thi thể của anh ta, sau đó ghép vào một cơ thể sống khác, vậy thì những tổ chức này lại có thể nhận được sự cung cấp của máu, chúng sẽ có khả năng thoát khỏi sinh mệnh ban đầu và tiếp tục tồn tại.
Việc quyên tặng cơ quan nội tạng người sau khi đã chết chính là lợi dụng nguyên lý này. Sau khi một người vừa chết có thể quyên tặng những cơ quan nội tạng có ích, cấy ghép cho những người có nhu cầu. Như vậy thì vừa cứu được sinh mệnh của những người khác, lại vừa có thể khiến cho sinh mệnh của mình được tiếp diễn dưới một hình thức khác, chẳng phải là việc vẹn cả đôi đường sao?
Bây giờ điều Trang Tiểu Khê muốn làm chính là việc cấy ghép bộ phận của người sau khi chết. Bộ phận mà bà muốn xử lý chính là ngón tay cái trên bàn tay phải của Lý Tuấn Tùng.
Việc chọn lựa ngón tay cái của bàn tay phải là bởi vì đây là phần cơ thể có độ nhận biết rõ ràng nhất, sau này chỉ cần đối chiếu với dấu vân tay trên hộ chiếu là có thể biết ngay được ngón tay cái này là của Lý Tuấn Tùng.
Trang Tiểu Khê vào bếp lấy con dao thái, con dao này không phù hợp lắm, đành phải dùng tạm. Thế là ấn mạnh ngón tay phải của người đàn ông đó xuống nền nhà, tiến hành cắt ở gốc ngón tay.
Sau khi xong việc, bèn cầm ngón tay lên ngắm nghía. Vết dao cũng khá phẳng, xem ra việc cấy ghép sẽ rất dễ dàng.
Trang Tiểu Khê lấy từ trong tủ lạnh ra mấy viên đá, làm tan đá thành nước đá, rồi buộc chặt ngón tay vào trong túi nilon đặt vào trong nước đá. Cách thức này có thể giữ được lâu nhất sự sống bên ngoài cơ thể của ngón tay. Tiếp đến là phải ra khỏi nhà rồi. Thi thể thì cứ để tạm ở trên sàn đã, đợi khi quay trở về sẽ từ từ giải quyết. Việc cấp thiết nhất hiện nay chính là tìm được chốn trú ngụ cho ngón tay cái bị cắt đứt.
Nếu như có thể cấy ghép vào cơ thể của một người khác, khả năng thành công của cuộc phẫu thuật đương nhiên là lớn nhất. Nhưng thời gian gấp rút, đi đau để tìm được người như vậy đây, cho dù có thể tìm thấy cũng không thuận lợi cho việc giữ bí mật. Cho nên Trang Tiểu Khê ưu tiên suy xét đến lũ chuột trụi lông ở trong phòng thí nghiệm của viện Y học.
Cấy ghép dị chủng sẽ khó khăn hơn, sự khó khăn này chủ yếu thể hiện ở phản ứng đào thải, nhưng mục đích của việc cấy ghép chỉ là để cho ngón tay nhận được sự cung cấp nguồn sáng, chứ không hề quan tâm đến cơ thể nhận sau này. Cho nên vấn đề này cũng không quá nghiêm trọng.
Trang Tiểu Khê lái xe đạp điện đi đến viện Y học, ngoài ngón tay bị cắt đó, bà còn mang theo cả hai chiếc di động của Lý Tuấn Tùng.
Đã chín rưỡi tối, từ giờ đến sáng mai sẽ không có sinh viên nào đến phòng thí nghiệm, thời gian dành cho Trang Tiểu Khê khá đủ. Thế nên bèn bắt đầu tiến hành chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật.
Đây vốn là phòng thí nghiệm chuyên dụng cho việc nghiên cứu cấy ghép, tất cả các loại máy móc và thuốc men đều đầy đủ cả, chuột trụi lông cũng là loài động vật đặc biệt thích hợp cho loại phẫu thuật này.
Trang Tiểu Khê chọn một con chuột trụi lông khỏe mạnh nhất, chu vi chi sau của nó vừa vặn tương đương với ngón tay cái của Lý Tuấn Tùng. Sau khi tiêm thuốc mê, gắn chặt con chuột vào bàn phẫu thuật. Đây là một cuộc phẫu thuật vô cùng tinh tế, bắt buộc phải được hoàn thành dưới kính hiển vi. Bởi vì không chỉ cần phải khâu tổ chức cơ, mà còn phải tiến hành gắn kết cả mạch máu và thần kinh của hai thực thể lại với nhau. Sau khi mạch máu được gắn kết lại, dưỡng khí cần thiết cho việc tuần hoàn sự sống mới có thể thông qua máu vận chuyển đến ngón tay của Lý Tuấn Tùng; hơn nữa thần kinh sau khi gắn kết, lần cắt thứ hai sau này mới có thể sản sinh ra được phản ứng co rút ở thực thể sống đúng như kế hoạch của bà.
Trong quá trình phẫu thuật, điện thoại của Lý Tuấn Tùng đổ chuông, Trang Tiểu Khê nhìn màn hình hiển thị cuộc gọi đến: Là Tiêu Gia Lân gọi tới, liền biết rằng Hứa Minh Phổ đã đến bệnh viện Nhân Dân như lời dặn dò của bà. Cuộc điện thoại này đương nhiên không thể nhấc máy được rồi, khoảng hơn mười phút sau, bà lấy ra một chiếc điện thoại khác của Lý Tuấn Tùng, Chuẩn bị tạo dựng nên chứng cứ ngoại phạm hoàn mĩ cho Hứa Minh Phổ.
Trang Tiểu Khê không hề cố ý chọn lựa đối tượng gọi điện, trực tiếp ấn luôn cái số máy lưu ở trong máy đó, bà ghé tai vào ống nghe, lần đầu tiên nghe thấy giọng nói của người phụ nữ đó, điều này khiến tâm trạng bà hơi kích động. Sau khi tắt máy, mất nửa phút để dần bình tĩnh lại, sau đó mới tiến hành cuộc phẫu thuật.
Từ đó về sau, không còn bất cứ sự quấy nhiễu nào nữa, cho đến hơn 2 giờ sáng ngày 24, cuối cùng tổ chức dưới da cũng đã khâu xong xuôi. Trang Tiểu Khê đặt hai mặt cắt da khớp vào nhau, bôi một lớp keo dán da sinh học lên đường tiếp nối giữa hai vết cắt.
Thành phần chủ yếu của loại keo dán da sinh học là cyanoacrylate, dưới tác dụng của ion âm trong dịch cơ cyanoacrylate, dưới tác dụng của ion âm trong dịch cơ thể và máu, cyanoacrylate sẽ hợp thành vật chất trạng thái cố định, tạo nên lớp màng keo và dính chặt vào vết thương, hình thành nên một lớp sợi quấn quanh có đường kính 2-3 micrômet, kết cấu dạng lưới sẽ gắn chặt tổ chức miệng vết thương lại với nhau, lực của nó hơn hẳn với lực kéo tự nhiên của vết thương. Đồng thời kết cấu dạng lưới này có thể ngăn cản tế bào máu và tiểu cầu lọt qua, dưới tác dụng tổng hợp của Thrombin và Fibrinogen, xuất hiện hiện tượng đông máu, có tác dụng cầm máu nhanh chóng.
Chỉ năm giây sau, keo dán sinh học đã đông lại, vết thương được gắn kết một cách hoàn mĩ, điều này đã tuyên bố cuộc phẫu thuật hoàn thành vô cùng thuận lợi. Lúc này đây, ở trong phòng thí nghiệm này có hai con chuột trụi lông kỳ quái, một con mọc một chiếc tai người trên lưng, con còn lại thì ở chi sau lại mọc một ngón tay của người. Trong con mắt Trang Tiểu Khê, hai con chuột trụi lông này đều đáng quý như nhau.
Trang Tiểu Khê đặt con chuột ngón tay người vào trong chiếc hộp vô trùng được chế tạo đặc biệt, rồi lại lấy một lượng thuốc chống thải ghép đủ dùng, chuẩn bị đưa về nhà chăm sóc. Vì muốn che giấu chân tướng sự thực của việc mất tích chú chuột trụi lông này, bà đã cố tình mở cửa lồng nuôi dưỡng chuột, để cho tất cả những con chuột trụi lông đều chạy ra ngoài. Nhưng chú chuột Vacanti thì không thể này để mất được, cho nên đặc biệt bắt nó lại, thả vào trong thùng đựng dung dịch bỏ đi.
Khi trở về đến nhà đã gần 4 giờ sáng, Trang Tiểu Khê lại không buồn ngủ chút này. Bà nhìn xác chết nằm trên sàn nhà, trong lòng trào dâng nỗi bi thương.
Đây là một người đàn ông nhu nhược đến độ khiến người ta căm hận, có thể anh ấy không đáng mặt làm một người chồng. Nhưng bất luận thế nào, mình cũng vẫn luôn yêu anh ấy tha thiết, chưa từng thay đổi. Bây giờ anh ấy chết rồi, chỉ có mình mới có thể đòi lại công bằng cho anh ấy.
Ai là người đã gây nên cái chết cho người đàn ông này? Là ai đã lợi dụng tính cách nhu nhược của anh ấy để triển khai sự ức hiếp không chút kiêng dè? Tất cả những người này đều đáng phải chịu sự trừng phạt!