Chương 03
-
Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen
- Stefan Zweig
- 2053 chữ
- 2020-05-09 02:01:12
Số từ: 2044
Dịch giả: Dương Tường
NXB Văn Học
Tất cả những gì trào lên và nở rộ trong em chỉ còn biết có anh, chỉ còn mơ đến anh và lấy anh làm người tâm sự.
Ba em mất đã lâu; mẹ em thì xa lạ đối với em, mẹ lúc nào cũng rầu rĩ, trĩu xuống với những lo âu của người quả phụ chỉ có số tiền tuất để sinh sống, bọn con gái ở trường, đã gần như sa đọa, làm em ghê tởm, vì chúng nó thường nhởn nhơ đùa giỡn với cái là niềm say mê tối thượng đối với em. Cho nên tất cả những gì ở chỗ khác xé lẻ ra, phân chia ra, thì ở nơi em chỉ họp thành một khối, và cả con người em, kết đọng lại trong bản thân nó, luôn luôn sôi sục một nỗi cuồng nhiệt xao xuyến, hướng về anh. Đối với em, anh là — em biết nói thế nào đây? mọi sự so sánh đều quá khập khiễng — anh là... chính thế... là tất cả đối với em, là cả cuộc đời em, không có cái gì tồn tại đối với em nếu nó không dính líu đến anh; không có gì trong cuộc sống của em còn có ý nghĩa nếu nó không đưa em xích lại gần anh. Anh đã làm thay đổi đến gốc rễ cách sống của em. Từ trước đến giờ, vốn hững hờ và thuộc loại học xoàng ở trường, em bỗng trở thành học sinh đứng đầu lớp; em đọc hàng trăm cuốn sách, đọc rất khuya, bởi vì em biết anh yêu thích sách; đùng một cái, em bắt đầu lao vào tập piano với một sự kiên trì hầu như không tưởng tượng nổi khiến mẹ em rất ngạc nhiên chỉ vì em nghĩ là anh yêu âm nhạc. Em vá víu lại quần áo, em chăm chút bộ cánh chỉ cốt để có vẻ sạch sẽ và ưa nhìn trước mắt anh; và cứ nghĩ đến chiếc áo ‘blu’ đi trường (đó là một cái áo mặc trong nhà của mẹ em chữa lại) có một miếng vá vuông vuông ở bên trái, em lại thấy thật bỉ ổi. Nhỡ ra tình cờ anh nhìn thấy mụn vá ấy, anh khinh em thì sao? Chính vì thế mà bao giờ em cũng khư khư ôm chặt lấy cặp sách khi chạy lên cầu thang gác, run lên vì sợ. Nỗi sợ hãi ấy thật vô nghĩa lý vì chẳng bao giờ, gần như chẳng bao giờ anh còn nhìn đến em nữa.
Và mặc dầu vậy, nói thật tình, suốt ngày, em chỉ chờ anh, rình ngóng anh. Ở cửa phòng nhà em có một lỗ cửa nhỏ bằng đồng màu vàng, có thể ghé mắt qua cái ô kính tròn tròn của nó nhìn thấy mọi sự diễn ra trên sàn cầu thang, cho đến tận cửa phòng anh. Cái ô cửa đó — không, anh yêu của em, anh đừng cười; đến tận hôm nay em vẫn chẳng thấy xấu hổ gì về những giờ đó cả! — cái ô cửa đấy đối với em chính là con mắt em dùng để khám phá vũ trụ; nơi đó, ròng rã hàng tháng, hàng năm trời, trong căn phòng chờ lạnh giá, lúc nào cũng sợ mẹ em sinh nghi, em ngồi rình hết chiều này đến chiều khác, một cuốn sách trên tay, căng thẳng như một sợi dây vĩ cầm và cũng ngân rung như một sợi dây vĩ cầm khi được sự hiện diện của anh chạm đến. Luôn luôn em bận bịu vì anh, luôn luôn chờ đợi và ngồi đứng không yên; nhưng nào anh có biết, cũng như anh chẳng hề biết đến cái lò xo căng thẳng của chiếc đồng hồ anh mang trong túi, trong bóng tối nó kiên nhẫn đo đếm những giờ khắc của anh và điểm theo bước chân anh bằng một nhịp tim đập thầm thì trong khi con mắt vội vã của anh chỉ lơ đãng lướt qua nó có một lần duy nhất trong số hàng triệu tích tắc thao thức hoài không ngơi. Em biết mọi thứ về anh, từng chiếc ca vát của anh, từng bộ quần áo của anh; em biết và mau chóng phân biệt được mỗi người khách đến thăm anh và em chia họ ra làm hai loại: những người em có thiện cảm và những người em có ác cảm; từ năm mười ba đến năm mười sáu tuổi, không có một giờ nào em không sống trong anh. Ôi! Hồi đó em còn có cái trò rồ dại nào mà em không làm nữa! Em hôn cái nắm cửa mà anh đã chạm tay vào, em nhặt trộm một mẩu xì gà anh vứt đi trước khi vào nhà, nó rất thiêng liêng đối với em vì anh đã đặt môi lên đó. Tới tối em viện mọi cớ xuống dưới đường tới hàng trăm lượt để xem gian buồng nào của anh được thắp sáng và do đó, cảm thấy cụ thể hơn sự có mặt vô hình của anh. Và trong những tuần lễ anh đi xa — cứ nhìn thấy bác Jăng phúc hậu mang cái túi du lịch màu vàng của anh xuống là tim em ngừng đập vì sợ hãi — trong những tuần đó cuộc đời của em như chết rồi, không còn mục tiêu gì cả. Em đi đi lại lại, cáu kỉnh, phiền muộn, dữ tợn mà lúc nào cũng phải đề phòng sao cho mẹ em đừng để ý thấy nỗi tuyệt vọng cùng đôi mắt ướt lệ của em.
Em biết rằng những điều em kể với anh đây chỉ là những phấn khích lố bịch và những trò rồ dại của con nít. Đáng lẽ em phải lấy làm xấu hổ, bởi vì không lúc nào tình yêu của em đối với anh lại trong trắng và say mê hơn trong những cơn thái quá trẻ con ấy. Em có thể kể cho anh nghe hàng giờ, hàng ngày liền là hồi ấy em đã sống với anh như thế nào, với anh, người hầu như chưa biết mặt em, bởi vì những lúc gặp anh trên cầu thang không có cách nào tránh được do sợ cái nhìn cháy bỏng của anh, em thường cắm đầu chạy vụt qua như một người sắp lao xuống nước, tất cả chỉ là để anh khỏi thấy má em đỏ bừng lên. Em có thể kể cho anh nghe hàng giờ, hàng ngày liền về những năm tháng ấy mà anh đã quên từ lâu; em có thể giở từng tờ cuốn lịch đời anh; nhưng em không muốn làm anh phiền lòng, em không muốn dày vò anh. Em chỉ muốn thổ lộ thêm với anh về cái sự kiện tốt đẹp nhất thời trẻ thơ của em và em xin anh đừng có chế giễu sự vô nghĩa lý của nó, bởi vì đối với em lúc đó hãy còn bé, nó lại là một cõi vô cùng vô tận. Đó là một ngày chủ nhật., anh đang đi xa, và người lão bộc của anh kéo những tấm thảm nặng vừa rũ bụi xong qua cửa phòng anh. Ông lão phúc hậu khuân ì ạch một cách vất vả, em đánh bạo lại gần xin giúp bác một tay. Bác ấy ngạc nhiên nhưng rồi đồng ý để em làm, và do đó, em được thấy - Ôi! Em muốn nói với anh rằng em đã chiêm ngưỡng với biết bao thành kính tôn sùng- em được thấy bên trong phòng anh, thế giới của anh, cái bàn anh ngồi viết, trên đó có vài bông hoa cắm trên một bình pha lê xanh lơ, đồ đạc của anh, những bức tranh, sách vở của anh. Đó chỉ là một cái nhìn lén thoáng qua vào cuộc đời anh. Bởi vì chắc chắn bác Jăng trung thành của anh sẽ cấm em nếu em định đi sâu vào nữa; nhưng chỉ thế thôi cũng đủ cho em hấp thụ hết cái không khí đó và cung cấp đủ dự trữ cho em mơ hoài mơ mãi,mơ vô cùng tận đến anh trong những giờ thao thức và trong giấc ngủ triền miên.
Cái phút ngắn ngủi đó là hạnh phúc nhất trong thời thơ trẻ của em. Em muốn kể lại cho anh để anh, người không hề biết đến em, bắt đầu hiểu một cuộc đời đã gắn bó với anh đến mức tiêu tan trong anh như thế nào.
Em muốn kể lại giờ phút đó cùng với một giờ phút khác nữa, rất gần kề mà than ôi! Xiết bao khủng khiếp. Như em đã nói với anh, em đã quên mọi thứ vì anh, em ko nhòm ngó đến mẹ em và chẳng quan tâm đến ai, Em không nhận thấy rằng một ông lớn tuổi, một thương gia ở Inxpruck, họ xa đằng bố em, dạo đó thường đến thăm mẹ em luôn và thường ở lại chơi lâu; trái lại, em lại thích thế vì ông ta hay đưa mẹ đi xem hát, do đó em có thể một mình ngồi nghĩ đến anh và rình ngóng anh, điều diễm phúc lớn nhất và duy nhất của em. Thế rồi một hôm, mẹ gọi em vào phòng vẻ khá trịnh trọng và bảo có chuyện cần nói với em một cách nghiêm túc. Em tái mặt đi và tim bắt đầu đập như trống làng, mẹ ngờ ngợ điều gì chăng, mẹ đoán ra rồi chăng? Ý nghĩ đầu tiên của em là về anh, cái bí mật nhờ đó mà em tiếp xúc được với thế giới. Nhưng chính mẹ em cũng bối rối, mẹ ôm hôn em, điều mà mẹ chưa từng làm -hôn đằm thắm.Một lần, hai lần, me kéo em lại ngồi cạnh mẹ trên ghế sô-pha rồi bắt đầu ngập ngừng và rụt rè kể rằng ông bác họ kia của em vốn góa vợ, đã ngỏ lời cầu hôn với mẹ và mẹ đã quyết định nhận lời; chủ yếu vì lợi ích của em. Máu em dồn về tim mạnh hơn, một ý nghĩ duy nhất dội lại trong thâm tâm em, hoàn toàn hướng về anh.
- Nhưng mẹ con ta vẫn ở lại đây chứ? - Em khó nhọc lắm mới ấp úng hỏi được như thế.
-Không, chúng ta sẽ về Inxpruck, ở đó, Ferdinan có một tòa biệt thự rất đẹp".
Em không nghe thấy gì thêm nữa, mắt em tối sầm lại. Về sau, em được biết là em đã ngất đi, em nghe thấy mẹ em kể với ông chồng tương lai, lúc đó đứng chờ đằng sau cửa, rằng em đã lùi lại bất thình lình, hai tay dang ra rồi đổ xuống như một khối chì. Những điều xảy ra trong những ngày tiếp theo và em, một con bé yếu đuối, em đã vùng vẫy chống lại ý chí áp đảo của họ như thế nào, em không thể kể cho anh nghe được chỉ nghĩ đến những cái đó, tay em vẫn còn run lên khi viết cho anh đây. Vì không nói ra được điều bí mật thật sự của mình, sự kháng cự của em có vẻ chỉ là tính ương bướng, độc ác và thách thức, không ai nói gì với em nữa, mọi sự cứ tiến hành sau lưng em. Người ta lợi dụng những giờ em đi học để thu xếp việc dọn nhà, mỗi lần em ở trường về, đều thấy có cái gì mang đi rồi hoặc đem bán. Thành thử em thấy căn phòng tan đi từng mảnh một, đồng thời cuộc đời em cũng vậy, cuối cùng một hôm khi về ăn trưa, em thấy những người đến và khuân hết đi. Trong những căn buồng trống rỗng là những cái hòm sẵn sàng khởi hành cùng hai cái sập cho mẹ em và em. Hai mẹ con còn phải ngủ ở đó một đêm nữa, đêm cuối cùng và hôm sau sẽ lên đường về Inxpruck.