Quyển II: Sổ bưu chính Ba Lan


Số từ: 7063
Dịch giả: Dương Tường.
Đánh máy & Hiệu đính: galazyrulz, tducchau, Ct.Ly
Nguồn: casau - NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - VNthuquan.net
Tôi ngủ trong một cái giỏ quần áo đầy những thư gửi từ Lodz, Lublin, Lemberg, Thorn, Krakau và Tschenstochau hoặc gửi cho những người ở Lodz, Lublin, Lwow, Torun, Krakow và C zestochowska. Nhưng tôi không mơ thấy Đức Mẹ Matka Boska C zestochowska hay Đức Mẹ Đen. Trong mơ, tôi không nhấm nháp trái tim của Marszalek Pilsudski được lưu giữ tại Krakow hay cái thứ bánh gừng đã làm thành phố Thorn nổi tiếng. Thậm chí tôi cũng không mê về cái trống chưa được sửa chữa của mình. Nằm không mộng mị trong một giỏ quần áo có bánh xe lăn, Oskar không hề nghe thấy tiếng trò chuyện thì thào, líu ríu, lao xao mà người ta nói là tràn ngập không gian khi thư được chất thành đống. Những bức thư này không hề nói với tôi một lời nào, tôi không chờ thư ai, không ai có lý do gì để coi tôi như một người nhận thư hay gửi thư. Kiêu hãnh và tự mãn, tội cụp ăng-ten xuống yên ngủ trên một núi thư đầy thông tin, một núi thư có thể là cả thế giới.
Do vậy, tôi không bị đánh thức bởi lá thư của một tay Lech Milewczyk nào đó ở Vacxava gửi cho cháu gái ở Danzig-Schidlitz, một lá thư xáo động đến mức có. thể đánh thức một cụ rùa nghìn tuổi, mà cái đã đánh thức tôi là tiếng súng máy gần kề hoặc tiếng gầm xa xa từ những tháp pháo quay kép trên các tàu chiến ở Cảng Tự Do.
Súng máy, tháp pháo quay kép - viết ra thì dễ ợt. Liệu cũng có thể là một trận mưa đá, một trận mưa rào, những khoảnh khắc trước một cơn dông cuối hè giống như cái cơn dông đón tôi ra đời? Tôi đang quá buồn ngủ và cái kiểu suy luận này không phải là sở trường của tôi. Với những tiếng ấy còn đầy tai, tôi đoán đúng và, giống như mọi kẻ ngái ngủ, gọi sự vật bằng tên của nó: thế đấy, họ đang bắn, tôi tự bảo.
Oskar trèo ra khỏi cái giỏ quần áo và đứng đó ngất ngư trên đôi chân. Đầu tiên, nó nghĩ ngay đến số phận cái trống nhạy cảm của nó. Bằng cả hai tay, tôi bới cho nó một hốc giữa đám thư đã ấp ủ cho giấc ngủ của tôi, nhưng tôi làm nhẹ nhàng không thô bạo, không làm rách, không gập cũng không làm nhàu cái nào hết; không, tôi thận trọng chọn ra những bức thư bị xới lộn, chăm chút từng cái phong bì mang dấu bưu điện "Poczta Polska phần lớn đều màu tím - và thậm chí cả những bưu thiếp. Tôi chú ý không để một cái phong bì nào bị mở ra bởi vì ngay cả trước những sự kiện nghiêm trọng khả dĩ có thể thay đổi bộ mặt thế giới, bí mật thư tín vẫn phải là thiêng liêng.
Cùng với hỏa lực súng máy tăng lên, cái hốc trong giỏ quần áo cũng sâu thêm. Cuối cùng, tôi thấy bằng lòng, tôi đặt cái trống trọng thương vào cái giường mới khoét của nó, và đắp cho nó cẩn thận bằng mười, không, hai mươi lớp phong bì xếp
ken lại với nhau như thợ nề sắp gạch để xây tường vậy.
Tôi vừa hoàn thành những biện pháp đề phòng, hy vọng bảo vệ được cái trống khỏi lằn tên mũi đạn, thì quả đạn chống tăng đầu tiên nổ trúng mặt tiền nhà bưu điện về phía Quảng trường Hevelius.
Sở Bưu Chính Ba Lan, một toà nhà gạch đồ sộ, có thể chịu đựng được nhiều đòn như vậy. Xem ra lực lượng cảnh vệ không dễ gì sớm mở được một đột phá khẩu đủ rộng để tiến hành cuộc tiến công chính diện mà họ đã bao lần diễn tập.
Tôi rời căn phòng kho thư khá an toàn, không cửa sổ, nằm giữa ba văn phòng và một hành lang, để đi tìm Jan Bronski. Trong khi tìm Jan, ông bố khả thể của tôi, đương nhiên là tôi cũng tìm luôn cả bác gác cổng thọt chân Kobyella nữa, có khi còn hăm hở hơn là đằng khác. Bởi vì chả phải là tôi đã nhịn ăn tối, chả phải là tôi đã đi xe điện đến tận Quảng trường Hevelius, bất chấp bọn lính và vào cái toà nhà bưu điện chẳng có gì hấp dẫn này, chỉ cốt được bác chữa cho cái trống đó sao? Nếu tôi không tìm thấy Kobyella kịp thời, nghĩa là trước khi nổ ra cuộc tấn công tổng lực - điều tất yếu phải tới - thì xem chừng khó có khả năng cái trống lâm trọng bệnh của tôi có được sự điều trị cao tay mà nó cần tới.
Vậy là Oskar tìm Jan mà đầu óc lại nghĩ về Kobyella. Hai tay khoanh trước ngực, nó bước đi trong cái hành lang lát gạch hoa dài hun hút và chẳng tìm thấy gì ngoài cô đơn. Giữa tiếng súng đều đặn nếu không muốn nói là xả láng của phía cảnh vệ SS, nó có thể phân biệt những phát súng lẻ chắc là từ bên trong ngôi nhà này bắn ra; những người bảo vệ sở đầy ý thức tiết kiệm chắc chỉ ở ngay trong văn phòng, sau khi đã đổi những con dấu cao su lấy những công cụ khác cũng có thể làm công việc đóng dấu. Không thấy ai ngồi, đứng hoặc nằm ở hành lang, sẵn sàng cho một cuộc phản kích có thể. Oskar đi tuần tra một mình, không trống, không bảo vệ, trước cuộc nhập lễ lịch sử vào một giờ quá sớm, kẻ hành lễ không có vàng trong miệng như trong câu ca mà chỉ khạc ra chì.
Những văn phòng bên mé sân cũng trống không. Rất bất cẩn, tôi nghĩ. Lẽ ra phải bố phòng cả mặt này nữa, vì chi có một hàng rào gỗ ngăn đồn cảnh sát ở phố Schneidermühlen-Gasse với sân nhà bưu điện - một sự sắp xếp quá ngon cho những kẻ tấn công. Tôi lộp cộp đi qua cả dẫy văn phòng, phòng thư bảo đảm, phòng chuyển ngân, phòng quỹ lương, phòng điện báo. Và họ nằm đấy. Đằng sau những bao cát, đằng sau những tấm thiết giáp, đằng sau những bàn ghế lật ngửa, họ nằm trong tư thế chiến đấu, bắn ra rất thưa thớt.
Ở phần lớn các phòng, các cửa sổ đều đã nếm mùi đạn súng máy của lực lượng cảnh vệ. Tôi nhìn lướt qua những thiệt hại, so sánh với những ô kính vỡ vụn dưới tác động của chất kim cương giọng tôi trong thời kỳ mà hòa bình đang thở sâu rất êm đềm. Ờ, tôi tự nhủ, nếu họ yêu cầu mình góp sức bảo vệ Sở Bưu Chính Ba Lan, nếu cái ông Tiến sĩ Michon gày nhẳng tiếp cận tôi không phải với tư cách giám đốc sở mà như là chỉ huy quân sự của toà nhà bưu điện, nếu ông muốn chiêu mộ tôi để phục vụ Ba Lan, thì giọng tôi đây sẽ làm bổn phận của nó. Vì Ba Lan và vì nền kinh tế vô chính phủ nhưng bao giờ cũng phì nhiêu của Ba Lan, tôi sẵn sàng hát vỡ tan những cửa sổ của tất cả các nhà ở phía bên kia Quảng trường Hevelius, những mặt tiền bằng kính dọc phố Rähm, các cửa sổ trên phố Schneidermühlen-Gasse kể cả đồn cảnh sát; đưa kỹ thuật công phá tầm xa của tôi lên đỉnh cao mới, tôi sẽ khoái chá biến mọi ô cửa kính lấp lánh trong Khu phố cổ và trên các đường Altstädtischer-Graben và Hittergasse thành những lỗ đen ngòm cho gió lùa. Điều đó sẽ gây hỗn loạn trong đám cảnh vệ cũng như bọn hiếu kỳ đứng xem. Điều đó sẽ đạt hiệu quả bằng nhiều cỗ súng máy và ngay từ đầu cuộc chiến, đã khuấy lên dư luận về những vũ khí bí mật, nhưng cũng sẽ không cứu nổi sở Bưu Chính Ba Lan.
Nhưng khả năng của Oskar không được đem ra thử nghiệm. Cái ông Tiến sĩ Michon với bộ mặt giám đốc và với cái mũ sắt Ba Lan trên đầu không chiêu mộ tôi; trái lại, khi chạy xuống cầu thang, tôi làm quẩn chân ông, ông đã bợp tai tôi một cái đau điếng và liền sau đó, vừa lớn tiếng chửi thề bằng tiếng Ba Lan vừa tiếp tục nhiệm vụ quân sự của mình. Tôi chỉ còn biết nuốt nỗi buồn tủi của mình. Hiển nhiên là tất cả những con người đó, đặc biệt là Tiến sĩ Michon, đang bị kích động mạnh và đang khiếp sợ; tôi phải tha thứ cho họ thôi.
Đồng hồ ở sảnh chính chỉ bốn giờ hai mươi phút. Khi kim chỉ sang bốn giờ hai mươi mốt, tôi kết luận rằng những hành động chiến tranh đầu tiên đã không gây hại cho bộ máy đồng hồ. Đồng hồ vẫn chạy và tôi phân vân không biết nên coi thái độ thản nhiên này của thời gian như một điềm lành hay gở.
Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn ở lại sảnh chính. Tôi tìm Jan và Kobyella, né tránh Tiến sĩ Michon. Tôi không thấy bác tôi cũng như bác gác cổng, chỉ thấy những cửa sổ kính bị hư hại, cùng những vết nứt toác, những lỗ hổng ở lớp vữa tường cạnh cửa chính; và tôi có vinh dự chứng kiến hai người bị thương đầu tiên được khiêng vào. Một người là một ông lớn tuổi tóc hoa râm vẫn rẽ ngôi ngay ngắn, ông phấn khích nói luôn miệng trong khi người ta băng vết thương cho ông - một viên đạn xượt vào cánh tay trên. Cánh tay vừa được bó trong lớp băng trắng, ông đã vùng dậy vớ lấy cây súng trường định quay trở lại công sự bao cát của mình, mà theo tôi nghĩ, không có khả năng chống đạn hiệu quả cho lắm. May sao một cơn ngất xỉu nhẹ do mất máu buộc ông lại phải nằm xuống và nghỉ ngơi đủ thời gian cần thiết cho một ông già vừa bị thương. Hơn nữa, cái ông nhỏ con gầy nhẳng năm mươi tuổi đội một cái mũ sắt nhưng ở túi ngực lại thò ra một chiếc mù-soa lụa, cái ông có những cử chỉ thanh lịch của một hiệp sĩ trong cơ quan chính phủ, chính cái ông tiến sĩ Michon đã nghiêm khắc tra hỏi Jan Bronski tối qua, ra lệnh cho ông già bị thương phải nghỉ ngơi nhân danh đất nước Ba Lan.
Người bị thương thứ hai nằm thở nặng nhọc trên một nệm rơm và không hề tỏ ý muốn quay lại với những bao cát. Chốc chốc anh ta lại kêu lớn, không chút xấu hổ; anh ta bị một viên đạn vào bụng.
Đúng lúc Oskar đang định rà lại hàng người nằm đằng sau những bao cát một lần nữa xem có thấy hai người nó vẫn đang tìm không, thì hai quả đạn nổ gần như đồng thời ở phía trên và bên cạnh cửa chính, làm các thứ trong sảnh rung lên loảng xoảng. Mấy cái tủ được kê chặn cửa bật mở toang, làm những chồng hồ sơ bay tán loạn rồi rơi lả tả xuống sàn gạch hoa, lần đầu tiên tiếp xúc với những phiếu thu, chi và hoá đơn mà bình thường ra, theo nguyên tắc kế toán, chúng không được phép làm quen. Khỏi cần phải nói, những ô kính cửa sổ còn lại đều vỡ nốt trong khi những mảng vữa lớn, nhỏ từ trấn và tường rơi xuống rào rào. Một người bị thương nữa được mang vào sảnh giữa bụi mù vôi vữa, nhưng sau đó, theo lệnh của ông tiến sĩ đội mũ sắt Michon được chuyển lên tầng hai.
Cứ mỗi bước, tay nhân viên bưu điện lại rên ầm ầm. Oskar theo sau anh ta và những người khiêng anh ta. Không ai gọi nó trở lại, không ai hỏi nó đi đâu hoặc bợp tai nó như Tiến sĩ Michon đã làm thế một lúc trước, vả chăng nó đã làm hết sức mình để khỏi vướng chân những người lớn bảo vệ toà nhà bưu điện.
Khi tôi lên tới tầng hai đằng sau những người khiêng chậm rề rề, thì ra điều tôi đã ngờ ngợ là đúng: người bị thương được đưa đến cái buồng kho không cửa sổ do đó hoá an toàn mà tôi đã tự dành cho mình. Vì không có chiếu nệm chi cả nên người ta quyết định là những giỏ thư, tuy có hơi quá ngắn, nhưng vẫn có thể cung cấp chỗ nghĩ tương đối thoải mái cho thương binh. Tôi thấy tiếc là đã đặt cái trống của mình nằm vào một trong những cái giỏ quần áo di động đầy những thư không chuyển được ấy. Liệu rồi máu của những bưu tá và nhân viên bưu điện bị thủng da rách thịt có thấm qua mười hoặc hai mươi lớp giấy và nhuộm cho nó một sắc màu mà cho tới nay nó chỉ biết dưới hình thức vẹc-ni? Cái trống của tôi thì có gì chung với máu của Ba Lan? Họ cứ việc lấy máu mình mà nhuộm những hồ sơ và giấy thấm của họ! Họ cứ việc trút hết xanh từ những bình mực của họ ra rồi lại đổ đầy đỏ vào! Họ cứ việc nhuộm đỗ một nửa những chiếc mu-soa và sơ-mi trắng hồ cứng của họ rồi biến chúng thành cờ Ba Lan! Nói cho cùng, họ quan tâm đến Ba Lan, chứ thiết gì cái trống của tôi! Nếu họ nhất quyết rằng Ba Lan, dẫu có mất, vẫn phải nguyên vẹn hai màu trắng-đỏ, thì đó có phải là lý do để cái trống của tôi, bị lớp màu mới nhuộm biến thành khả nghi, cũng phải đi tong như vậy?
Một ý nghĩ dần dần bắt rễ trong tôi: vấn đề không phải là Ba Lan, mà là ở như cái trống của tôi đây. Jan đã kéo tôi đến toà nhà bưu điện này cốt để đem lại cho các đồng nghiệp (đối với họ, Ba Lan chưa đủ là động lực tập hợp mạnh mẽ) một ngọn cờ khiến nhuệ khí của họ bùng cháy. Đêm hôm ấy, trong khi tôi ngủ trong một chiếc giỏ quần áo trên bánh xe lăn, tuy tôi không lăn cũng chẳng mơ mộng gì, những nhân viên bưu điện không ngủ đã thì thào với nhau rằng: Một cái trống đồ chơi hấp hối đã tìm đến nương náu nơi chúng ta. Chúng ta, những người Ba Lan, chúng ta phải bảo vệ nó, nhất là vì Anh và Pháp đã ký hiệp ước tương trợ với chúng ta.
Trong khi, bên ngoài cánh cửa hé mở của buồng kho chứa thư chưa gửi những suy nghĩ vô ích và trừu tượng ấy ngăn trở tôi tự do hành động, thì lần đầu tiên, tiếng súng máy vẳng lên từ dưới sân. Như tôi đã tiên đoán, bọn cảnh vệ đã tiến hành đợt tấn công đầu tiên của chúng từ phía đồn cảnh sát trên đường Schneidermühlen-Gasse. Một lát sau, tất cả chúng tôi đã sẵn sàng. Bọn cảnh vệ đã phá được cửa vào kho bưu kiện phía trên bệ dóc chất hàng cho xe thư. Một phút sau, chúng vào kho bưu kiện rồi phá cửa vào hành lang dẫn tới sảnh chính.
Những người vừa khiêng người bị thương và đặt y vào cái giỏ thư có chứa cái trống của tôi, lúc này lao ra, kéo theo một số người khác. Bằng vào tiếng động, tôi đoán là họ đang đánh nhau ở hành lang cửa chính rồi trong kho bưu kiện. Bọn cảnh vệ buộc phải rút lui.
Thoạt đầu còn chần chừ, sau rồi quả quyết, Oskar bước vào buồng kho. Mặt người bị thương xám ngoẹt; y nhe răng và sau mí mắt khép hờ, có thể thấy nhãn cầu cồn cộn. Y nhổ ra những tia máu. Tuy nhiên, vì đầu y ngửa ra bên ngoài mép giỏ nên không có nguy cơ vấy máu vào các bức thư. Oskar phải kiễng chân lên để với tay vào trong giỏ. Mông người bị thương đè nặng lên đúng chỗ Oskar đã giấu cái trống. Mới đầu Oskar kéo nhè nhẹ, thận trọng không làm đau người bị thương cũng như các bức thư; rồi nó lôi mạnh hơn; cuối cùng, sau một cú giật xé bạo liệt, nó moi ra được mấy tá phong bì từ bên dưới người đàn ông đang rên rẩm.
Hôm nay, tôi vui thích kể lại rằng ngón tay tôi đã chạm vào thành trống khi có tiếng người rầm rập chạy lên cầu thang và dọc theo hành lang. Họ đang trở lại, họ đã đánh bật bọn cảnh vệ khỏi kho bưu kiện. Tạm thời lúc này đây, họ đang chiến thắng. Tôi nghe thấy tiếng họ cười.
Nấp sau một giỏ thư cạnh cửa, tôi đợi cho đến khi họ xúm quanh người bị thương. Mới đầu nói bô bô và khoa chân múa tay, sau rồi chửi thề khe khẽ, họ băng bó cho y.
Hai quả đạn chống tăng trúng vào tường mặt tiền ở tầng dưới, rồi hai quả nữa, sau đó là im lặng. Những loạt súng từ hai tàu chiến đậu ở cảng Tự Do đối diện với Westerplatte ầm ì đằng xa - một kiểu làu bàu đều đều khiến ta quen dần với nó.
Không để những người trị thương trông thấy, tôi lẻn ra ngoài buồng kho thư, bỏ lại cái trống để tiếp tục tìm kiếm Jan, ông bác và có thể là bố tôi, và cả bác gác cổng Kobyella luôn thể.
Ở tầng ba, có căn hộ của chánh thư ký bưu vụ Naczalnik; ông này rõ ràng đã kịp thời cho gia đình sơ tán về Bromberg hay Vacxava rồi. Đầu tiên, tôi soát máy buồng kho về mé sân rồi tôi tìm thấy Jan và Kobyella trong phòng trẻ của căn hộ Naczalnik.
Đó là một phòng sáng sủa, dễ thương với giấy phủ tường vui mắt; tiếc thay, đã có mấy chỗ bị đạn lạc làm xây xát. Thời bình, đứng ở cửa sổ phòng này mà nhìn ra Quảng trường Hevelius thì tuyệt. Một con ngựa bập bênh chưa bị hư hại, những quả bóng nhiều cỡ khác nhau, một lâu đài Trung cổ lỏng chỏng những lính kỵ và lính bộ bằng chì, một cái hộp đầy đường ray và toa chở hàng, mấy con búp- bê ít nhiều tơi tả, những nhà búp-bê với nội thất lộn xộn, tóm lại, những đồ chơi la liệt chứng tỏ ông chánh thư ký bưu vụ Naczalnik là cha của hai đứa con rất được nuông chiều, một trai một gái. May biết bao là hai đứa đã được sơ tán về Vacxava để tôi khỏi phải gặp một cặp anh em thuộc loại như anh em nhà Bronski mà tôi đã biết. Với một chút thích thú bạo ngược, tôi nghĩ thằng bé chắc sót lắm khi phải để lại đám lính chì. Có thể nó đã bỏ vào túi quần mấy chú lính kỵ để sau này tăng viện cho đoàn Kỵ binh Ba Lan trong trận đánh bảo vệ pháo đài Modlin.
Oskar đã hơi quá lan man về các chú lính chì, song có một điều nó phải thú thật luôn thể. Ở ngăn trên cùng một tủ đầy đồ chơi và sách ảnh, nó thấy một lô nhạc cụ thu nhỏ. Một cái t'rompet màu mật ong nằm im bên cạnh một bộ chuông hòa âm rất nhiệt tình hưởng ứng trận chiến, có nghĩa là cứ mỗi quả trái phá trúng tòa nhà, nó lại reng reng liên hồi. Một cái ắc-coóc sơn màu sang rũ xuống ở tít đâu bên phải, ông bố bà mẹ này cũng khá ngông nên mới sắm cho con cả một cây vĩ cầm thật với bốn dây vĩ cầm thật. Và ngay cạnh cây vĩ cầm, phô cái thân tròn trắng lành lặn, dựa trên một khúc gỗ chèn cho nó khỏi lăn khỏi ngăn tủ - quý vị ắt không tin! - là một cái trống đồ chơi với lớp vẹc-ni đỏ trắng.
Tôi không tìm cách tự lực kéo cái trống xuống khỏi giá. Oskar ý thức quá rõ về tầm với hạn chế của mình và không ngần ngại cầu xin ân huệ của người lớn trong những trường hợp mà kích cỡ quỷ lùn của nó tỏ ra bất lực.
Jan Bronski và Kobyella nằm sau một công sự bằng bao cát chiếm tới môt phần ba mé dưới các cửa sổ dài xuống tận sàn nhà. Jan trấn bên phải cửa sổ còn Kobyella ở bên trái. Tôi hiểu ngay ra rằng bác gác cổng hẳn không kiếm đâu ra thì giờ để thu hồi cái trống của tôi từ chỗ ẩn náu của nó bên dưới tay nhân viên bưu điện bị thương khạc máu đang mỗi lúc một đè dí nó xuống, và đem về chữa. Kobyella đang rất bận rộn; qua một kẽ giữa công sự bao cát, với cây súng trường của bác, theo những quãng cách đều đặn, bác nhằm bắn một khẩu phao chống tăng bố trí ở bên kia Quảng trường Hevelius, cách phố Schneidermühlen-Gasse và cầu Radaune không bao xa.
Jan nằm co quắp, giấu đầu và run rẩy. Tôi chỉ nhận ra ông ở bộ com-lê "ghi" sẫm rất "mốt" tuy giờ đây đã phủ đầy vôi vữa. Dây giày bên phải (cũng màu " ghi") của ông đã tuột. Tôi cúi xuống và thắt lại cho ông. Khi tôi chỉnh múi dây cho chặt, Jan rùng mình, ngước đôi mắt xanh kỳ dị lên trên ống tay áo và gửi về phía tôi một cái nhìn ươn ướt, xanh veo không tưởng tượng nổi. Mặc dầu không bị thương (như Oskar mau chóng xác định), ông đang lặng lẽ khóc. Ông sợ. Tôi lờ đi như không thấy tiếng thút thít của ông, chỉ cái trống của Naczalnik-con đã sơ tán và bằng những cử chỉ khá rõ ràng yêu cầu ông bước tới chỗ cái tủ, tất nhiên phải hết sức thận trọng và lợi dụng góc chết của phòng trẻ và lấy cái trống xuống cho tôi. Ông bác tôi không hiểu tôi. Ông bố khả thể của tôi không thấy tôi nhằm nói điều gì. Người tình của mẹ tôi thì bận bịu với nỗi sợ choán đầy tâm trí đến nỗi những cử chỉ khẩn cầu của tôi không cố tác động nào khác ngoài việc làm tăng nỗi sợ ấy. Oskar những muốn thét vào mặt ông, nhưng sợ làm phân tán Kobyella lúc này dường như chỉ biết đến cây súng trường của mình.
Và như thế, tôi nằm xuống cạnh Jan, đằng sau những bao cát và áp sát vào người bác, hy vọng truyền một phần cái chất tỉnh bơ thường ngày của mình cho ông bác và có thể là bố. Một lúc sau, ông có vẻ bình tĩnh hơn. Bằng cách thở đều đặn đến mức tối da, tôi truyền cho mạch ông một nhịp gần như đều đều. Nhưng khi tôi thử một lần nữa - tôi phải công nhận là hơi quá sớm - lôi kéo sự chú ý của ông vào cái trống của Naczalnik-con bằng cách nhẹ nhàng xoay đầu ông từ từ nhưng kiên quyết về phía cái tủ, thì ông vân không hiểu ra tôi muốn cái gì. Nỗi sợ xâm nhập ông bằng đường chân, dâng lên tràn khắp người, rồi lại rút xuống, nhưng không thoát ra được, có lẽ vì đế giày của ông bao giờ cũng có miếng lót tăng cường nên nó quay trở lại xâm chiếm dạ dày, lá lách, gan, xông lên đầu và bành trướng mạnh mẽ đến nỗi đôi mắt xanh của ông trố ra khỏi hốc mắt và lòng trắng vằn lên những tia máu, điều mà trước đây, Oskar chưa bao giờ có dịp quan sát thấy nơi mắt ông bác.
Tôi phải cố gắng hồi lâu mới hồi chỉnh mắt bác tôi lại như cũ và làm cho tim bác ổn định một chút. Nhưng mọi nỗ lực có tính chất thẩm mỹ của tôi đều đổ xuống sông xuống biển khi bọn cảnh vệ bắt đầu bắn loại súng phóng không giật đã chiến của chúng và, với một độ chính xác chứng tỏ chất lượng rèn tập cao, san bằng cái hàng rào sắt trước cửa tòa nhà bằng cách lần lượt bắn tan các trụ gạch mà nó bám vào. Chắc phải có đến mười lăm-hai mươi trụ gạch như thế và mỗi lần một trụ đổ, ông bác tội nghiệp của tôi lại đau nhói cả trái tim lẫn linh hồn, như thể không phải chỉ là những cái bệ bị bắn nát thành bụi, mà cùng với chúng là những pho tượng tưởng tượng của những vị thần tưởng tượng quen thuộc với bác và cần thiết cho sự tồn tại của bác.
Chỉ bằng cách suy luận như thế tôi mới giải thích được tiếng kêu bật ra từ Jan mỗi khi khẩu súng phóng không giật bắn trúng đích, một tiếng kêu the thé xé tai đến nỗi nó có thể đạt được hiệu quả cắt kính của kim cương như cái giọng diệt thuỷ tinh của tôi nếu như nó được thốt ra một cách có ý thức và có mục đích. Trong tiếng kêu của Jan có nhiệt tình nhưng thiếu kế hoạch và hệ thống; rút cục, tất cả những gì nó làm được là thu hút sự chú ý của Kobyella; từ từ, bác gác cổng gày gò, tàn tật trườn về phía chúng tôi, nghếch cái đầu chim trụi hết lông mi như thây ma và quan sát nỗi cùng quẫn tay đôi của chúng tôi bằng đôi mắt xám ươn ướt. Bác lay lay Jan. Jan thút thít. Bác vạch áo sơ-mi của Jan và đưa tay lướt nhanh trên mình Jan, tìm xem có vết thương nào không - tôi phải cố nhịn cười. Không tìm thấy một vết xước nhỏ nào, bác lật ngửa người Jan lên, nắm lấy hàm ông mà lắc đến độ kêu răng rắc, gườm gườm nhìn vào mắt ông, chửi thề bằng tiếng Ba Lan làm bắn cả nước bọt vào mặt ông và cuối cùng, ném cho ông cây súng trường mà cho đến giờ Jan vẫn chưa đụng đến; thực tế, nó vẫn chưa được mở chốt an toàn. Báng súng va vào đầu gối Jan đánh bịch một cái. Cú đau ngắn ngủi, cú đau thể xác đầu tiên sau bao nỗi đau tinh thần, lại tốt cho ông, bỡi vì ông nắm lấy cây súng, hoảng lên khi cảm thấy cái lạnh của kim khí trong những ngón tay và, thoáng sau, cả trong máu nữa, nhưng rồi, được Kobyella động viên bằng những câu chửi thề xen lẫn dỗ dành, ông bò tới vị trí của mình.
Mặc dầu có một trí tưởng tượng phì nhiêu của phụ nữ, ông bố khả thể của tôi lại nhìn chiến tranh với con mắt hiện thực đến nỗi ông khó mà có thể - thực tế là không thể - dũng cảm được. Thay vì quan sát tầm nhìn bao quát qua khe ngắm giữa các bao cát để chọn ra một mục tiêu đích đáng, ông lại chếch cây súng lên, chĩa về phía những mái nhà trên Quảng trường Hevelius, vội vã bắn bừa bãi cho kỳ hết ổ đạn rồi, trắng tay, lại co quắp đằng sau những bao cát. Cái nhìn ngượng ngập ông hướng về Kobyella để cầu xin tha thứ làm tôi nghĩ đến cậu bé học sinh đang thú nhận là mình đã không làm bài tập ở nhà. Kobyella nghiến răng giận dữ, và khi thấy nổi cáu như thế là đủ, bác phá lên cười ngặt nghẽo như thể không bao giờ ngừng được. Thế rồi, đột ngột một cách dễ sợ, bác ngừng bặt và đá một cái nên thân vào ống đồng viên thư ký bưu vụ Bronski, cấp trên của bác. Bác vừa rụt cái chân khập khiễng lại toan lấy đà đá thêm cái nữa vào mạn sườn thì một loạt đạn súng máy nổ toang những ô kính còn lại phía trên cùng cửa sổ và sạt vào trần. Chiếc giày chỉnh hình trở về chỗ; bác gieo mình xuống sau cây súng và bắt đầu bắn với một nhịp độ hối hả cuồng khấu như để bù lại thời gian phí hoài vì Jan, góp một phần nhỏ bé, dù chỉ ở mức vi lượng, vào số đạn được tiêu phí trong Thế Chiến II.
Phải chăng bác gác cổng không nhận thấy tôi? Thường ngày, bác thuộc loại người cộc cằn; như mọi phế binh, bác có lối ứng xử để giữ khoảng cách khá xa với mọi người. Tại sao, tôi tự hỏi, bác lại chịu bỏ qua cho sự có mặt của tôi trong căn phòng hút gió này? Phải chăng Kobyella nghĩ rằng: dù sao đây cũng là một phòng trẻ, vậy tại sao Oskar không thể ở lại đây và chơi trong những khoảng ngưng nghỉ giữa hai đợt chiến đấu?
Tôi không biết chúng tôi đã nằm bẹp như thế bao lâu, tôi thì ở giữa Jan và bức tường bên trái của căn phòng, cả hai núp sau những bao cát, Kobyella đằng sau cây súng của bác, bắn cho cả hai suất. Khi tiếng súng ngừng, chắc là vào quãng mười giờ. Xung quanh trở nên tĩnh lặng đến nổi nghe thấy cả tiếng ruồi bay; tôi nghe thấy cả tiếng lao xao và những hiệu lệnh chỉ huy từ phía Quảng trường Hevelius và thỉnh thoảng lắng tai theo dõi tiếng pháo ầm ì từ những tàu chiến ngoài cảng. Một ngày tháng chín, trời trong đôi lúc vần mây, nắng trải một lớp sơn láng vàng già, không khí mỏng tang, nhạy cảm song hơi điếc. Chỉ còn mấy hôm nữa là đến sinh nhật lần thứ mười lăm của tôi. Và như mọi năm vào tháng chín, tôi lại cầu ước một cái trống mới, không hơn không kém; khước từ mọi vật báu trên thế gian, tâm nguyện tôi một mực hướng về một cái trống thiếc sơn đỏ và trắng.
Jan nằm không động đậy. Kobyella thở đều đều đến nỗi Oskar ngỡ bác ta đã ngủ, lợi dụng khoảng ngưng ngắn ngủi giữa trận đánh để làm một giấc; bởi vì chẳng phải là mọi người, kể cả những anh hùng, thi thoảng đều cần làm một giấc lấy lại sức sao? Riêng mình tôi là tỉnh như sáo, chăm chăm nhắm vào cái trống với tất cả sức tập trung không nhân nhượng của tuổi tôi. Xin đừng nghỉ rằng đến lúc này, khi im lặng mỗi lúc một dày và con ruồi mệt nhoài vì cái nóng mùa hè đã thôi vo ve, tôi mới nhớ đến cái trống của Naczalnik-con. Ồ, không, ngay cả trong trận đánh, ngay cả giữa lúc đạn nổ ầm ầm, Oskar vẫn không rời mắt khỏi cái trống. Nhưng chỉ đến bây giờ tôi mới thấy cái cơ hội vàng mà mọi thớ thần kinh trong người đều lệnh cho tôi phải nắm lấy.
Oskar từ từ đứng dậy, từ từ di chuyển, tránh những mảnh kính vỡ, nhưng kiên định mục đích và không chệch hướng, về phía tủ đồ chơi. Nó đang nghĩ cách chồng hộp đồ chắp hình xây dựng lên một cái ghế vườn trẻ thành một chỗ đứng đủ cao và chắc chắn để giúp nó thành chủ nhân của một cái trống mới toanh, thì tiếng Kobyella và liền đó, bàn tay chai xạn của bác giữ tôi lại. Tôi tuyệt vọng giơ tay chỉ cái trống đã gần kề. Kobyella kéo tôi trở lui. Bằng cả hai cánh tay, tôi với về phía cái trống. Bác gác cổng đã muốn nhượng bộ; bác đang sắp sửa với tay lên để trao hạnh phúc cho tôi thì một băng liên thanh nã vào phòng trẻ và mấy quả đạn chống tăng nổ ngay trước cửa vào. Kobyella quẳng tôi vào góc phòng cạnh Jan Bronski và trở lại vị trí đằng sau cây súng. Tôi vẫn còn nhìn lên cái trống thì bác đã bắt đầu bắn đến ổ đạn thứ hai.
Oskar nằm đấy và Jan Bronski, ông bác mắt xanh dịu hiền của tôi, thậm chí không nghếch mũi lên khi lão thọt chân đầu chim - mắt ướt nhoèn không-lông-mi lẳng tôi vào góc đằng sau những bao cát giữa lúc tôi áp sát mục tiêu. Oskar khóc ư? Đừng hòng. Một cơn cuồng nộ tích lại trong tôi. Những con ròi béo xanh xanh trăng trắng, không mắt ngọ nguậy, sinh nở nhung nhúc, đang tìm một cái xác bõ ăn. Ba Lan là gì đối với tôi? Và cả những người Ba Lan nữa? Họ chả có kỵ binh đó sao? Thì cứ để cho họ phóng ngựa! Họ luôn hôn tay phụ nữ và không bao giờ kịp thời nhận ra trước khi quá muộn rằng cái mà họ đang hôn không phải là những ngón tay lả lơi của một quý nương mà là một cái đầu nòng pháo không son phấn. Và cô tiểu thư con gái nhà Krupp 1 bèn bộc lộ tình cảm của mình. Cô chẹp môi, bắt chước những tiếng chiến trận một cách thô thiển nhưng thuyết phục như trong những đoạn phim thời sự. Cô vãi đạn như rắc hạt tiêu vào cửa trước nhà bưu điện, xông vào sảnh chính và cố ngoạm đứt một phần cầu thang để không ai lên hoặc xuống được. Tiếp đến là tùy tòng của cô: súng máy các cỡ và hai xe trinh sát bọc thép gọn nhỏ với những cái tên mỹ miều sơn trên mình: Ostmark (Đông tiến) và Sudeteland (Đất Sudete). Bọn này tha hồ xả láng nhá! Họ lái xe đi tới đi lui, bắn tằng- tằng-tằng đằng sau tấm thiết giáp và xem xét mọi thứ: hai cô tiểu thư ham chuộng văn hóa, háo hức muốn vào thăm toà lâu đài nhưng lâu đài còn đóng cửa. Vốn là những cô gái được nuông chiều, họ không thể chờ được, sốt ruột phát cuồng, họ phóng những cái nhìn xuyên sâu bằng chì xám, tất cả đều cùng một cỡ, vào mọi phòng nhìn thấy được trong lâu đài, khiến cho những người trong lâu đài nơm nớp hết nóng lại lạnh.
Đúng lúc một trong hai chiếc xe trinh sát - tôi nghĩ đó là chiếc Ostmark- vừa từ phố Rittergasse quay về phía chúng tôi, thì bác Jan của tôi từ ít phút đã hoàn toàn bất động, bỗng đưa chân phải về phía kã ngắm mà lẽ ra bác phải bắn ra từ đó, và giơ nó lên thật cao, hẳn là hy vọng có kẻ nào trông thấy mà cho nó một phát súng hoặc một viên đạn lạc rủ lòng thương mà xẹt vào gót hay bọng chân, gây nên vết thương ơn phước cho phép người lính được tập tễnh rời khỏi chiến trường.
Một tư thế khó mà duy trì được lâu. Thỉnh thoảng Jan lại phải thư giãn. Nhưng rồi bác tôi thay đổi tư thế. Bằng cách nằm ngửa và dùng cả hai tay đỡ, bác có thể phơi bọng và gót chân ra thật lâu, do đó cải thiện rất nhiều cái triển vọng trúng đạn, dù là đạn có nhằm trước hay đạn lạc.
Mặc dù đã từng và vẫn còn rất quý mến Jan, tôi vẫn dễ dàng hiểu sự giận dữ của Kobyella khi bác trông thấy thư ký bưu vụ Bronski, cấp trên của bác trong cái tư thế tuyệt vọng, nếu không muốn nói là lố bịch, này. Bác gác cổng nhảy dựng lên và với cú nhảy thứ hai, đã đứng bên chúng tôi. Bác túm lấy áo Jan và cả Jan luôn thể, kéo dựng lên rồi lại dận xuống, a-lê hấp! lên-xuống, lên-xuống, lên-xuống; buông hắn ra rồi, bác lại bạt trái, bạt phải và, vẫn chưa hả giận, hai tay bác chắp vào nhau, riết chặt thành một nắm đấm to tướng sắp nện xuống ông bố khả thể của tôi thì - vèo đến một tiếng như tiếng vỗ cánh của thiên thần, một tiếng như tiếng ê-te hát rào rào trong ra-đi-ô. Nó không trúng Bronski, không, nó trúng Kobyella, lạy Chúa, cái quả đạn này mới có đầu óc hài hước làm sao! Gạch cười vỡ bụng tự tan thành từng mảnh và mảnh tan thành bụi, vữa biến thành bột tinh, gỗ nếm lưỡi rìu, cả cái phòng trẻ ngớ ngẩn xoay ra nhảy lò cò, những con búp-bê Käthe Kruse vỡ toác, con ngựa bập bênh chạy lồng (nếu có người cưỡi thì nó đã hất lộn nhào!), kỵ sĩ Ba Lan đồng loạt trấn cả bốn góc phòng và cuối cùng ngăn đồ chơi đổ nhào: bộ chuông hòa âm vang lên mừng lễ Phục sinh, cái ắc- coóc rít lên, cây kèn t'rompet pồm pem, như cả dàn nhạc lên dây rồi đồng loạt dạo chủ đề chính: la hét, hí, ùng oàng, reng reng, xèn xẹt, líu ríu, thành một tạp âm hỗn hợp từ cao vút, the thé đến trầm tới đáy cùng. Còn tôi thì, đúng như một đứa trẻ lên ba, tôi ở ngay dưới cửa sổ, đúng góc chết, khi quả đạn nổ và thế là cái trống rơi ngay vào lòng tôi. Không một lỗ thủng nào và lớp sơn chỉ hơi xước tí gọỉi là: đó, cái trống mới của Oskar.
Khi tôi ngước mắt lên khỏi vật sở hữu mới của mình, tôi thấy mình cần phải giúp ông bác lúc này đang bị thân hình nặng nề của bác gác cổng đè lên: rõ ràng ông không thể tự lực thoát ra khỏi. Thoạt đầu, tôi ngỡ Jan cũng bị trúng đạn vì tôi thấy ông thút thít khóc rất chi là thật Cuối cùng, khi chúng tôi lăn được Kobyella sang một bên - bác ta đang rên cũng rất chi là thật - thì hoá ra những vết thương của Jan chả có gì đáng ngại. Má phải và một mu bàn tay ông bị mảnh thuỷ tinh vỡ làm xước da, có thế thôi. Một thoáng so sánh cho tôi thấy rằng máu ông bố khả thể của tôi nhạt màu hơn dòng máu sẫm và dinh dính thấm qua phía trên đùi ống quần của bác gác cổng.
Không biết Kobyella hay trái nổ đã xé toạc và vặn xoắn cái áo vêt-tông xám sang trọng của Jan. Nó rũ xuống tả tơi từ trên vai ông, lần lót xổ ra, khuy biến đi đâu hết, các đường chỉ đứt tung và các túi lộn từ trong ra ngoài.
Xin quý vị hãy khoan dung một chút với ông bác Jan Bronski tội nghiệp của tôi về chuyện ông cố gom vét thu nhặt lại tất cả những gì trong túi ông văng ra trước khi cùng tôi kéo Kobyella ra khỏi phòng trẻ. Ông tìm lại được cái lược, những tấm ảnh người thân yêu - trong đó có một tấm chụp mẹ tội nghiệp của tôi - cái ví nguyên xi không bị mở tung. Vất vả và không phải không nguy hiểm - hơi nổ đã quét phăng một bộ phận công sự bao cát - ông tập hợp những quân bài xì-cạt vung vãi khắp phòng; ông muốn thu hồi đủ cả ba mươi hai quân và ông thật sự khổ sở khi không tìm thấy quân thứ ba mươi hai. Khi Oskar tìm thấy nó ở giữa hai cái nhà búp-bê tan nát và đưa cho ông, Jan mỉm cười, dù đó chỉ là quân bảy pích.
Chúng tôi kéo Kobyella ra khỏi phòng trẻ. Khi, cuối cùng, chúng tôi đưa được bác ra tới hành lang, bác gom đủ sức để ú ớ mấy câu mà chỉ Jan Bronski nghe ra được. "Vẫn còn nguyên chứ?" câu hỏi của bác là thế. Jan thò tay vào trong quần Kobyella, kiểm tra giữa hai đùi ông già, thấy cả một nắm và gật đầu.
Tất cả chúng tôi đều sung sướng: Kobyella giữ được vẹn toàn niềm tự hào nam nhi của mình, Jan Bronski tìm được đủ các quân bài xì-cạt, kể cả quân bảy pích, và Oskar có một cái trống mới. Cứ mỗi bước, nó lại đập vào đầu gối tôi, trong khi Jan và một người mà ông gọi là Victor khiêng bác gác cổng xỉu đi vì mất nhiều máu xuống tầng dưới về buồng kho chứa thư chưa chuyển.
--- ------ ------ ------ -------
1. Krupp: dòng họ kỹ nghệ gia lớn cúa Đức. Khởi nghiệp là Fried (1787-1820), người sáng lập Xí nghiệp sắi thép Krupp. Kế đến Alfred (1812-1887) bắt đầu sản xuất quân khí, lần đầu tiên chế tạo súng có cơ bẩm. Con trai ông Friedrich Alfred (1854-1902) nối nghiệp và khi chết truyền lại cho con gái là Bertha (1886- 1957). Chồng bà này, được sự dồng ý của Chính phủ Đức, đổi sang họ Krupp, thành Krupp von Bohlen und Halbach.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cái trống thiếc.