Quyển II: Tăng trưởng trong một toa hàng


Số từ: 5213
Dịch giả: Dương Tường.
Đánh máy & Hiệu đính: galazyrulz, tducchau, Ct.Ly
Nguồn: casau - NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - VNthuquan.net
Cho đến nay, những cơn đau nhức vẫn hành hạ tôi. Chúng khiến tôi nằm vật xuống gối. Tôi nghiến răng kèn kẹt để khỏi nghe thấy tiếng kèn kẹt trong xương và ở các khớp. Tôi nhìn mười ngón tay và phải thừa nhận là tất cả đều sưng. Tôi thử đánh trống một lần cuối - rõ ràng những ngón tay của Oskar không những hơi sưng mà còn tạm thời không đánh trống được vì không cầm được dùi.
Cái bút máy cũng không chịu tuân theo ngón tay tôi. Tôi sẽ phải đề nghị Bruno kiếm băng xấp nước lạnh. Rồi khi chân tay và đầu gối tôi đã được quấn mát, khi Bruno đã đắp một miếng vải mát lên trán tôi nữa, tôi sẽ đưa cho gã giấy và cây bút chì, bởi vì tôi không thích cho gã mượn cây bút máy của tôi. Liệu Bruno có muốn và có thể lắng nghe cho kỹ không nhỉ? Liệu rồi những ghi chép của gã có phản ánh được trung thành chuyến đi trên cái toa hàng, bắt đầu từ ngày 12 tháng 6 năm 1945 ấy không? Bruno đang ngồi ở bàn dưới bức tranh cỏ chân ngỗng. Bây giờ, gã quay đầu, phô cái thường được gọi là mặt của gã trong khi với đôi mắt của một con vật huyền thoại, gã nhìn vòng qua tôi, một mắt vòng bên trái, mắt kia vòng bên phải. Gã giữ cây bút chì cheo chéo trên đôi môi mỏng cau cau của gã. Đó là cái cách gã thể hiện sự chờ đợi. Nhưng ngay cả cho rằng gã đang thực sự chờ tôi nói, chờ dấu hiệu bắt đầu ghi lại câu chuyện của tôi đi nữa, thì đầu óc gã vẫn bận rộn với những ý đồ tạo hình bằng nút. Gã sẽ thắt nút những sợi dây, trong khi nhiệm vụ của Oskar là gỡ nút câu chuyện của tôi bằng lời chữ. Và đây, Bruno viết:
Tôi, Bruno Münsterberg, quê ở Altena vùng Saerland, chưa vợ chưa con, là y tá ở khu riêng của bệnh viện tâm thần địa phương, ông Matzerath, điều trị tại đây từ hơn một năm nay, là bệnh nhân của tôi. Tôi còn có những bệnh nhân khác mà tôi không thể nhắc đến ở đây. Ông Matzerath là bệnh nhân vô hại nhất của tôi, ông không bao giờ lên cơn dữ dội đến mức tôi phải gọi các y tá khác đến giúp. Hôm nay, để cho những ngón tay làm việc quá sức của ông được nghỉ, ông đã yêu cầu tôi viết hộ ông và ngừng việc tạo hình bằng nút của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn trữ sẵn một số dây trong túi và trong khi ông kể câu chuyện của ông, tôi sẽ bắt đầu hai chi dưới của một nhân vật mà, dựa theo câu chuyện của ông Matzerath, tôi sẽ gọi là "Người tỵ nạn từ phương Đông". Đây không phải là nhân vật đầu tiên mà tôi mượn ý từ những câu chuyện do bệnh nhân của tôi kể. Cho đến nay, tôi đã tạo hình bà ngoại của ông mà tôi gọi là "Khoai tây mặc bốn váy" và ông ngoại của ông, người thợ bè, mà tôi đặt cho một cái tên có lẽ hơi khoa trương là "Columbus"; nhưng sợi dây của tôi cũng đã cách điệu mẹ tội nghiệp của ông thành "Người đẹp ăn cá" và hai người cha của ông, Matzerath và Jan Bronski, đã trở thành "Hai tay chơi bài xì-cạt". Tôi cũng đã thể hiện cái lưng đầy sẹo của Herbert Truczinski bạn ông; tác phẩm này nhan đề là "Gồ ghề". Ngoài ra, tôi còn lấy cảm hứng từ những cảnh và công trình kiến trúc như Sở Bưu Chính Ba Lan, Tháp Công Lý, Nhà hát thành phố, Ngõ Binh Công Xưởng, Bảo tàng Hải quân, khu tắm ở Brösen, Nhà Thờ Thánh Tâm, tiệm cà-phê Bốn Mùa, Nhà máy Sô-cô-la Baltic, những công sự ở Phòng tuyến Đại Tây Dương, Tháp Eiffel, ga Stettin ở Berlin, Nhà thờ lớn Reims và dĩ nhiên là ngôi nhà chung cư nơi ông Matzerath đã ra đời. Những hàng rào và bia mộ ở các nghĩa trang Saspe và Brenntau thành những mô-típ trang trí. Từ nút này sang nút khác, tôi cho sông Vistula và sông Seine chảy, cho sóng Baltic và Đại Tây Dương xô vào bờ toàn tết bằng dây vụn. Tôi mô phỏng bằng dây những cánh đồng khoai tây Kashubes và những đồng cỏ Normandie. Toàn bộ phong cảnh đó, tôi gọi là Châu Âu cho gọn và làm sống động lên bằng những nhân vật như những người bảo vệ Sở Bưu Chính, các chủ hiệu tạp hoá, những người trên khán đài, những người dưới chân khán đài, học sinh với những túi kẹo, người gác bảo tàng hấp hối, bọn tội phạm vị thành niên chuẩn bị lễ Giáng Sinh, kỵ binh Ba Lan lúc hoàng hôn, đàn kiến đang làm lịch sử, đoàn văn công chiến trường, người đứng tẩy uế cho những người nằm ở trại Treblinka. Và giờ đây tôi bắt tay vào "Người tỵ nạn từ phương Đông" mà rất có thể sẽ phát triển thành một nhóm tỵ nạn từ phương Đông.
Ngày 12 tháng 6 năm 1945, vào khoảng 11 giờ trưa, ông Matzerath rời khỏi Danzig, mà hồi đó đã được đổi tên thành Gdansk. Cùng đi với ông, có bà góa Maria Matzerath, mà bệnh nhân của tôi gọi là người tình cũ của mình, và Kurt Matzerath, mà bệnh nhân của tôi cho là con trai mình. Ngoài ra, ông nói với tôi, còn có ba mươi hai người khác trong toa hàng, trong đó có bốn nữ tu sĩ dòng Francisco ăn vận theo quy phạm và một cô gái đầu chít khăn mà ông Oskar Matzerath dám chắc đã nhận ra là Lucy Rennwand. Sau khi tôi hỏi đi hỏi lại nhiều lần, ông thừa nhận rằng tên thật cô gái này là Regina Raeck, tuy nhiên, ông vẫn nhắc đến một bộ mặt cáo vô danh chành ba góc mà ông tiếp tục gọi đích danh là Lucy. Mặc dù thế, tên thật cô gái, như tôi xin phép ghi ở đây, đúng là Regina Raeck. Cô đi cùng với cha mẹ, ông bà và một ông bác ốm. Ông này, ngoài gia đình, còn mang theo về miền tây một chứng ung thư dạ dày ác tính, ông nói luôn mồm và chưa chi đã xưng là cựu đảng viên Xã hội - Dân chủ.
Theo trí nhớ bệnh nhân của tôi thì trước khi đến Gdynia - nơi này trong bốn năm rưỡi đã mang tên Gotenhafen - chuyến đi không có sự kiện gì đặc biệt. Hai phụ nữ người Oliva, mấy đứa nhỏ và một ông già khóc cho đến khi tàu đi qua Zoppot mới nín, trong khi các nữ tu sĩ xoay ra cầu nguyện.
Đến Gdynia, tàu dừng năm tiếng. Thêm hai phụ nữ và sáu đứa bé được lèn lên toa. ông Xã hội - Dân chủ phản đối với lý do là ông ốm và với tư cách là đảng viên Xã hội - Dân chủ từ trước chiến tranh, phải được đối xử đặc biệt. Nhưng khi ông không chịu ngồi xuống và im miệng, viên sĩ quan Ba Lan phụ trách đoàn tàu bèn tát vào mặt ông và nói bằng tiếng Đức rất trôi chảy rằng y, sĩ quan Ba Lan, không biết Xã hội - Dân chủ là cái quái gì hết. Trong chiến tranh, y đã phải đến nhiều nơi trên đất Đức và chưa bao giờ cái từ "Xã hội - Dân chủ" lọt vào tai y. Ông Xã hội - Dân chủ bị ung thư dạ dày không có cơ may nào để giải thích mục đích, bản chất và lịch sử Đảng Xã hội - Dân chủ Đức cho viên sĩ quan Ba Lan nghe vì viên sĩ quan Ba Lan đã rời toa xe, đóng cửa toa và khóa trái ở bên ngoài.
Tôi quên chưa viết rằng tất cả mọi người đều ngồi hoặc nằm trên nệm rơm. Khi tàu lại bắt đầu chuyển bánh vào lúc chiều muộn ngày hôm ấy, có mấy người đàn bà tru tréo lên: "Chúng ta lại quay về Danzig." Nhưng họ nhầm. Tàu chỉ chuyển qua một đường tránh, rồi lại đi về phía tây, hướng tới Stolp. Hành trình đến Stolp, theo lởi người kể, kéo dài bốn ngày; đoàn tàu luôn luôn bị ách lại bởi những du kích cũ và bọn găngxtơ trẻ Ba Lan. Bọn này mở những cánh cửa trượt, để một chút khí trời mát mẻ lọt vào và mỗi lần lại lấy đi một phần hành lý của hành khách cùng với chút ít thán khí. Cứ khi nào bọn cướp trẻ xuất hiện ở toa ông Matzerath, bốn nữ tu sĩ lại đứng dậy và giơ thánh giá lên. Bốn cây thánh giá gây ấn tượng sâu sắc đối với bọn này, chúng không quên làm dấu trước khi ném những va-li và ba-lô của hành khách xuống đường.
Khi ông Xã hội - Dân chủ chìa một tờ giấy của nhà chức trách Ba Lan ở Danzig chứng nhận ông đã từng là một đảng viên nộp đảng phi đều đặn của Đảng Xã hội - Dân chủ từ 1931 đến 1937, thì bọn cướp trẻ không làm dấu thánh giá, mà hất tờ giấy khỏi tay ông và lấy đi hai cái va-li của ông và cái ba-lô của vợ ông; cái áo ba-đờ-xuy đẹp kẻ ca-rô to ông trải ra để nằm, cũng được đưa ra hưởng không khí thoáng mát của miền Pomerania.
Mặc dù thế, ông Matzerath nói đám thiếu niên này xem ra rất có kỷ luật và, nói chung, gây một ấn tượng tốt đối với ông. Theo ông, đó là do ảnh hưởng của gã cầm đầu; gã này, mặc dầu mới trạc mười sáu tuổi, đã tỏ rõ tính cách, khiến ông Matzerath vừa thích thú vừa đau lòng nhớ đến Störtebeker, thủ lĩnh của băng Quét Bụi.
Khi gã thiếu niên giống Störtebeker ấy đang giật chiếc ba-lô khỏi tay bà Maria Matzerath, vào giây cuối ông Matzerath với tay ra lấy lại cuốn album ảnh gia đình may sao nằm ngay trên chốc. Gã cướp trẻ đã sắp nổi khùng, nhưng khi bệnh nhân của tôi giở cuốn album ra, chỉ cho gã một tấm ảnh bà ngoại Koljaiczek của ông, thì gã buông chiếc ba-lô của Maria xuống, hẳn là vì nghĩ đến bà ruột của chính mình. Đưa hai ngón tay lên vành chiếc mũ Ba Lan chóp nhọn theo kiểu chào nhà binh, gã nói: "Do widzenia (tạm biệt)!" về phía gia đình Matzerath, và cùng đồng bọn rời khỏi toa tàu, mang theo một cái va-li của một người khác thay vào cái ba-lô nhà Matzerath.
Ngoài một vài thứ đồ lót, cái ba-lô được để lại cho gia đình sở hữu nhờ cuốn album ảnh gia đình ấy gồm những sổ sách kế toán, sổ ghi tài khoản, các giấy chứng thực nộp thuế của cửa hàng tạp hoá Matzerath và một chiếc vòng hồng ngọc trước kia của mẹ ông Matzerath mà bệnh nhân của tôi giấu trong một gói thuốc tẩy uế; cuốn cẩm nang văn hoá, gồm một nửa là những trích đoạn từ Rasputin và nửa kia là những đoạn văn tuyển từ Goethe, cũng theo ông Matzerath trong cuộc hành trình về miền tây.
Bệnh nhân của tôi kể rằng trong chuyến đi, ông thường hay xem lại cuốn album ảnh và thi thoảng tra cứu cuốn cẩm nang văn hóa và nhờ đó mà qua rất nhiều giờ thú vị đầy suy tư, bất chấp những cơn đau dữ dội ở các khớp.
Ông cũng đề nghị tôi nói rõ rằng tất cả những lắc lư, xóc nẩy, những khúc rẽ và giao điểm, nhịp rung chuyển không ngừng của trục trước mà ông nằm ngay bên trên dó, đã thúc đẩy sự tăng trưởng của ông. Ông thôi không phát triển chiềụ ngang nữa mà bắt đầu dài ra. Các khớp bị sưng nhưng không viêm tấy giờ có cơ hội giãn ra. Ngay cả tai, mũi và bộ phận sinh dục của ông, dưới tác động của những cú sốc, cũng to lên trông thấy. Chừng nào tàu còn chuyển động, ông Matzerath dường như không cảm thấy dau đớn gì cả. Chỉ những khi tàu dừng vì bị du kích hoặc đám thiếu niên phạm pháp ách lại, ông mới bị những cơn đau nhói, nhay nhứt mà ông cố xoa dịu bằng cuốn album ảnh, ông kể với tôi thế.
Ngoài gã Störtebeker Ba Lan, có mấy tên cướp trẻ khác và một tay du kích trung niên cũng quan tâm đến cuốn album. Tay du kích dạn dày chiến trận thậm chí còn ngồi xuống, châm một điếu thuốc lá và trầm ngâm giở hết cuốn album, không bỏ sót một tấm ảnh nào. Giả bắt đầu bằng tấm chân dung ông ngoại Koljaiczek, lần theo sự đi lên được minh họa bằng hình ảnh của gia đình và tiếp tục với những tấm ảnh chụp nhanh của bà Maria Matzerath cùng đứa con trai Kurt hồi lên một, hai, ba, bốn tuổi. Bệnh nhân của tôi thậm chí còn thấy giả tủm tỉm cười khi nhận ra một số chuyện huê tình trong gia đình. Tay du kích chỉ phật ý khi cái huy hiệu Đảng không thể lẫn được trên ve áo của ông Matzerath-cha quá cố và ông Ehlers, cựu thủ lĩnh nông dân địa phương ở Ramkau, kẻ đã lấy vợ goá của Jan Bronski, người bảo vệ Sở Bưu Chính Ba Lan. Bệnh nhân của tôi kể rằng ông đã lấy dao nhíp cạo những cái huy hiệu khó coi ấy ngay trước mắt người phê phán khiến giả rất thỏa mãn.
Ông Matzerath thấy cần cho tôi biết rằng, không giống như bao gã khác, tay du kích này là du kích thứ thiệt. Bởi vì - vẫn theo lời bệnh nhân của tôi - không có cái thứ du kích làm việc một phần thời gian. Du kích thứ thiệt là du kích toàn phần và thường xuyên chừng nào họ còn sống. Họ đưa những chính phủ bị đổ trở lại nắm chính quyền và lật đổ những chính phủ vừa được du kích đặt lên ngôi. Ông Matzerath lập luận - và tôi thấy luận thuyết của ông hoàn toàn có lý - rằng trong tất cả những người dấn thân vào chính trị, người du kích bất trị luôn phá những gì mình vừa dựng lên, là gần gũi nhất với người nghệ sĩ vì hắn, trước sau như một, luôn bác bỏ những gì hắn vừa sáng tạo nên.
Bản thân tôi cũng thế. Tôi vừa mới đắp thạch cao lên những tượng nút cho chúng thành hình thì đã muốn đấm nát chúng ra. Liên quan đến điểm này, tôi bỗng nhớ đến cái đề tài sáng tác mà bệnh nhân của tôi đã đặt cho tôi cách đây mấy tháng, ông muốn tôi làm sao chỉ bằng dây thông thường thô sơ, kết hợp được Rasputin, tay thày mo Nga, với Goethe, thi bá Đức, trong một hình tượng duy nhất, hơn thế nữa lại phải giống hệt ông ta. Thậm chí ông biết tôi đã thắt nút bao nhiêu ki-lô-mét dây, để tạo ra một tổng hợp khả đĩ của hai thái cực ấy. Nhưng giống như tay du kích mà ông Matzerath thán phục, tôi vẫn phân vân và không thoả mãn; những gì tôi thắt nút bằng tay phải, tay trái tôi lại gỡ ra, những gì tay trái tôi tạo nên, tay phải lại đập nát.
Nhưng chính ông Matzerath cũng không thể kể câu chuyện của mình một cách nhất quán thắng băng được. Chẳng hạn như bốn nữ tu sĩ, lúc trước ông liệt họ vào dòng Francisco, lúc sau ông lại gọi họ là những bà phước của dân nghèo. Nhưng điều khiển câu chuyện của ông trật đường ray hơn tất thảy, là cái cô gái có hai tên và một bộ mặt cáo. Để cho thật sự công tâm, đáng ra tôi phải viết hai (hoặc hơn nữa) dị bản riêng rẽ về cuộc hành trình của ông từ Đông sang Tây. Song đó không phải nghề tôi, cho nên tôi ưng tập trung vào ông Xã hội - Dân chủ vốn chỉ có một tên và, như bệnh nhân của tôi bảo đảm, một chuyện duy nhất mà ông ta không ngừng lặp đi lặp lại cho đến tận trước khi tới Stolp một lúc, cụ thể là: cho đến năm 1937, ông đã từng là một thứ du kích dám mạo hiểm sức khoẻ của mình và hy sinh thời gian rảnh rỗi để đi dán áp- phích, vì ông là một trong số ít đảng viên Xã hội - Dân chủ đi dán áp-phích cả những lúc trời mưa.
Ông vẫn nói trần xì mỗi câu chụỵện ấy khi, cách Stolp một quãng không xa, đoàn tàu lại bị một băng cướp trẻ khá đông ách lại không biết lần thứ bao nhiêu. Vì hành lý chẳng còn lại bao nhiêu, nên các vị khách dồn sự chú ý vào áo quần. Nhưng chúng tỏ ra rất biết điều, chỉ muốn quần áo ngoài của nam thôi. Nhưng ông Xã hội - Dân chủ thì nghĩ hoàn toàn ngược lại. Ông nói một người thợ may tài khéo có thể biến những bộ đồ rộng thùng thình (không biết tốn bao nhiêu mét vải len?) của các nữ tu sĩ kia thành nhiều bộ com-lê tuyệt hảo. ông Xã hội - Dân chủ, như ông nhiệt thành tuyên bố, là kẻ vô thần. Các tiểu lục lâm chẳng nhiệt thành tuyên bố gì, nhưng sự gắn bó của chúng với Nhà thờ Chính giáo duy nhất cứu rỗi là không thể nghi ngờ. Chúng thích bộ com-lê cài thắng của kẻ vô thần hơn những bộ đồ len rộng của các nữ tu sĩ nhiều. Kẻ vô thần không chịu cởi bỏ áo vet-tông, gi-lê và quần. Thay vì, ông kể cho chúng nghe về sự nghiệp dán áp-phích tuy ngắn ngủi nhưng xuất sắc của ông với tư cách là đảng viên Xã hội - Dân chủ và khi ông từ chối cả hai điều: ngừng nói và cởi bộ com-lê, một chiếc ủng trước đây thuộc sở hữu của quân đội Đức bèn phóng vào bụng ông.
Ông Xã hội - Dân chủ nôn. Cơn nôn của ông dữ dội và kéo dàỉ, và cuối cùng ông thổ ra máu. ông nôn cả ra quần áo, khiến các tiểu lục lâm đâm mất hết thích thú đối với bộ com-lê mặc dù chỉ cần giặt khô một lần thật kỹ là dễ dàng xóa sạch dấu vết. Quay lưng lại với y phục đàn ông, chúng lột một chiếc áo blu lụa màu xanh nhạt của bà Maria Matzerath và một chiếc áo đan kiểu Bavaria của cô gái không phải tên là Lucy Rennwand mà là Regina Raeck. Rồi chúng đóng cửa toa lại, nhưng không hoàn toàn và tàu chuyển bánh, trong khi ông Xã hội - Dân chủ bắt đầu hấp hối.
Hai hoặc ba cây số trước Stolp, tàu rẽ vào một đường tránh và nằm lại đó suốt đêm - một đêm trời trong, đầy sao nhưng hơi lạnh đối với một tháng sáu.
Ông Xã hội - Dân chủ, quá gắn bó với bộ com-lê của-mình, đã chết đêm ấy. Ông chết lèm bèm, thiếu tư cách, lớn tiếng báng bổ Thượng Đế và hô hào giai cấp công nhân đấu tranh. Lời cuối cùng của ông, giống như trong phim, là: "Tự do muôn năm!" Rồi ông ra đi trong một cơn nôn thốc tháo làm cả toa kinh hãi.
Sau đó, bệnh nhân của tôi kể, không có ai kêu khóc. Im lặng kéo dài, chỉ thỉnh thoảng ngắt quãng bởi tiếng răng đánh đàn của bà Maria rét run vì mất chiếc áo blu, cũng bởi còn bao nhiêu quần áo bà đắp cả lên cho đứa con trai Kurt và ông Matzerath. Gần sáng, hai nữ tu sĩ đảm lược vững vàng thấy cửa toa còn mở, bèn quét dọn số rơm ướt, cứt trễ con và người lớn cùng đống mửa của ông Xã hội - Dân chủ ra ngoài.
Đến Stotp, các sĩ quan Ba Lan lên kiểm tra tàu. Mọi người được phát xúp nóng và một thứ đồ uống tựa như thế phẩm cà-phê. Cái xác trong toa ông Matzerath bị tịch thu để tránh nguy cơ lây nhiễm và được mấy người của tổ chức y tế mang đi trên một tấm ván. Theo yêu cầu của các nữ tu sĩ, một sĩ quan cao cấp để cho gia đình có thì giờ đọc một bài kinh cầu nguyện ngắn. Họ cũng được phép cởi bộ com-lê và giày, tất của người chết.Trong khi diễn ra màn giải y này - sau đó, cái xác được phủ bằng bao xi-măng - bệnh nhân của tôi tranh thủ quan sát cháu gái ông cựu đảng viên Xã hội - Dân chủ. Một lần nữa, với một cảm giác ghê tởm pha lẫn với mê muội, cô gái tên là Raeck ấy vẫn nhắc ông nhớ đến Lucy Rennwand mà tôi đã tạo hình bằng nút dây và đặt tên là "Người ăn xăng-đuých". Đúng là cô gái trong toa xe, khi thấy ông bác mình bị lột, không vớ lấy một chiếc xăng-đuych để nhai, nhưng cô có tham gia vào cuộc vơ vét, chiếm chiếc gi-lê trong bộ com-lê, mặc luôn vào thay thế chiếc áo vét đan bị cướp và rút ra một chiếc gương bỏ túi ngắm nghía mình trong món trang phục mới khá hợp ấy. Và rồi - ông Matzerath nói là đến bây giờ ông vẫn kinh hoàng khi nhớ lại - cô thấy ông trong tấm gương ấy và, bằng đôi mắt him him như hai sợi chỉ trong một hình tam giác, cô ta lạnh lùng, rất lạnh lùng quan sát ông.
Từ Stolp đến Stettin mất hai ngày, vẫn còn những chặng dừng ngoài ý muốn và những cuộc thăm hỏi của các thiếu niên phạm pháp được trang bị tiểu liên và dao găm lính dù. Nhưng những đợt thăm hỏi này càng lúc càng ngắn vì hầu như chả còn gì để mà vét.
Bệnh nhân của tôi nói là từ Danzig-Gdansk đến Stettin, ông đã lớn thêm chín, mười phân. Dài ra nhiều nhất là chân, còn ngực và đầu thì ít thay đổi. Tuy nhiên, mặc dầu bệnh nhân của tôi nằm ngửa suốt chuyến đi, điều đó vẫn không ngăn nổi sự xuất hiện của một cái bướu ở khá cao và hơi chếch về bên trái, ông Matzerath cũng thừa nhận rằng từ sau Stettin - trong thời gian đó, nhân viên đường sắt người Đức đã thay thế - những cơn đau càng tăng và phương thuốc giở album ảnh ra xem đã hết công hiệu. Ông kêu luôn miệng và khá to, nhưng không làm vỡ kính ở bất cứ ga nào (Matzerath: "Giọng tôi đã mất khả năng huỷ hoại thuỷ tinh") mà chỉ khiến bốn bà nữ tu đến vây quanh cầu nguyện mãi không thôi.
Đến Schwerin, một nửa số bạn đồng hành của ông, kể cả cô Regina và các thành viên khác của gia đình ông Xã hội - Dân chủ quá cố, xuống tàu. Ông Matzerath lấy làm tiếc, ông đã quen nhìn cô gái và hình ảnh cô ta đã trở nên cần thiết đối với ông đến nỗi khi cô ta đi rồi, ông bỗng lên cơn co giật kèm theo sốt cao. Theo lời bà Maria Matzerath, trong cơn mê sảng, ông hét lớn gọi tên một cô Lucy nào đó, tự gọi mình là một con vật huyền thoại, một con kỳ lân, và hình như sợ ngã, đồng thời lại hăm hở định lao xuống từ một cái tháp nhảy cầu mười mét.
Đến Luneburg, ông Oskar Matzerath được đưa vào một bệnh viện. Tại đây, trong cơn sốt, ông làm quen với một số nữ y tá nhưng chẳng bao lâu, được chuyển sang Bệnh viện Đại học ở Hanover; tại đây, người ta hạ được cơn sốt của ông. Một thời gian, ông Matzerath rất ít gặp hai mẹ con Maria; mãi sau khi kiếm được chân lao công quét dọn trong bệnh viện, bà Maria mới có thể thăm ông hằng ngày. Bà Matzerath không được xếp cho ở trong bệnh viện. Hai mẹ con bà, cuối cùng, phải vào một trại tỵ nạn ở ngoại vi thành phố và mỗi ngày, bà mất ít nhất ba tiếng vừa đi vừa về trên những chuyến tàu chật như nêm, thường là phải đứng trên bậc. Chẳng bao lâu, bà hoàn toàn kiệt sức và các bác sĩ, mặc dù băn khoăn, vẫn đồng ý cho chuyển bệnh nhân đến Dusseldorf, ở đó bà Maria Matzerath có một người chị gái. Người chị gái này tên là Guste, lấy một trưởng bồi bàn mà bà ta gặp trong thời kỳ chiến tranh. Bấy giờ, người trưòng bồi bàn đang được ăn ở miễn phí tận bên Nga, 1 nên bà ta có thể nhường cho bà Matzerath một phòng trong căn hộ hai phòng rưỡi của mình, ông Matzerath được nhận vào Bệnh viện thành phố Dussendorf.
Căn hộ ở một nơi thuận tiện có nhiều tuyến xe điện chạy thắng tới bệnh viện thành phố.
Ông Matzerath nằm ở đó từ tháng 8-45 cho đến tháng 5-46. Trong khoảng trên dưới một tiếng đồng hồ vừa qua, ông kể với tôi về nhiều nữ y tá cùng một lúc. Tên của họ là Monica, Helmtrud, Walburga, Use và Gertrude, ông nhớ mọi thứ chuyện gẫu nhàm chán nhất và có vẻ bị ám ảnh bởi đồng phục của các nữ y tá và những chi tiết đời sống thường nhật của họ. Không một lời về thức ăn ở bệnh viện hồi ấy (mà nếu tôi nhớ không nhầm, là không thể nuốt được) hoặc về những phòng bệnh rét cóng, ông thuần nói về các nữ y tá thôi, ông nói hoài nói huỷ về cái nhóm đáng ngán nhất này trong mọi thành phần xã hội. Hình như Xơ Ilse đã bí mật mách với y tá trưỏng, thế là ngay sau giờ ăn trưa, y tá trưởng dám khám chỗ ở của các nữ y sinh. Có vật gì đó đã bị đánh cắp và một nữ y tá quê ở Dormund - tôi nghĩ là Gertrude, ông nói - đã bị buộc tội oan. Lại có những bác sĩ trẻ luôn luôn săn đuổi các nữ y tá và họ chỉ muốn có một thứ - tem thuốc lá của các nữ y tá. Trên tất cả, ông thấy cần kể với tôl về một nữ nhân viên phòng thí nghiệm - riêng lần này không phải nữ y tá - bị buộc tội là đã tự mình phá thai, có lẽ với sự giúp đỡ của một sinh viên nội trú. Tôi quả không hiểu tại sao bệnh nhân của tôi lại tiêu phí thì giờ và đầu óc vào những chuyện tầm phào như vậy.
Ông Matzerath vừa mới đề nghị tôi miêu tả ông. Tôi rất vui lòng làm điều đó. Như vậy, tôi có thể bỏ qua hàng tá chuyện tràng giang, đại hải và đầy mỹ tự về các nữ y tá của ông.
Bệnh nhân của tôi cao một mét hai mươi mốt xăng-ti-mét. Ông ta mang giữa đôi vai một cái đầu mà ngay cả với người tầm vóc bình thường cũng là quá to, trên một cái cổ ngắn đến nỗi tưởng như không có. Mắt ông xanh lơ, sáng lấp lánh, lanh lợi thông minh, thi thoảng mang một vẻ mơ mộng ngây ngất. Tóc nâu sâm, rậm, hơi lượn sóng, ông thích phô hai cánh tay lực lưỡng so với phần còn lại của cơ thể và hai bàn tay mà ông tự khen là đẹp. Đặc biệt khi ông Matzerath chơi trống - việc này được ban giám đốc cho phép mỗi ngày ba tiếng hoặc nhiều lắm là bốn tiếng - những ngón tay ông dường như tự mình chuyển động và thuộc về một cơ thể khác cân đối hơn. ông Matzerath đã giàu to nhờ những đĩa hát đến bây giờ vẫn còn thu lời. Vào những ngày thăm bệnh nhân, nhiều nhân vật đặc biệt tới thăm ông. Ngay cả trước vụ án của ông, trước khi ông dược đưa tới đây, tôi đã nghe danh ông bởi vì Oskar Matzerath là một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng. Riêng cá nhân tôi tin rằng ông vô tội và tôi không chắc liệu ông sẽ còn ở lại đây với chúng tôi hay sẽ được ra ngoài để tiếp tục sự nghiệp đầy thành công của mình. Bây giờ, ông muốn tôi đo lại cho ông, mặc dù tôi vừa làm điều đó cách đây có hai ngày.
Không buồn xem lại những gì Bruno, gã y tá của tôi, đã viết, tôi, Oskar, lại cầm bút lên.
Bruno vừa đo tôi bằng cái thước gấp của anh ta. Anh ta đã bỏ cái thước nằm bên cạnh tôi và hối hả chạy ra khỏi phòng, lớn tiếng công bố kết quả. Thậm chí anh ta buông rơi cả cái tác phẩm tạo hình bằng nút dây mà anh ta đã bí mật làm trong khi nghe tôi kể chuyện mình. Tôi đoán anh ta đi kiếm (nữ) Bác sĩ Hornstetter.
Nhưng trước khi bà ta đến và xác nhận số đo của Bruno, Oskar xin nói để quý vị rõ điều gì đã xẩy ra: trong ba ngày kể chuyện về sự tăng trưởng của tôi cho y tá của tôi nghe, tôi đã lớn lên cả hai phân rưỡi!
Và như vậy, từ hôm nay, Oskar cao một mét hai mươi ba xăng-ti-mét rưỡi. Bây giờ hắn sẽ kể những gì xẩy đến với hắn sau chiến tranh, khi hắn ra khỏi Bệnh viện thành phố Düsseldorf. Bấy giờ, tôi là một thanh niên với sức khoẻ tàm tạm tuy hơi dị dạng, viết thì khó khăn nhưng nói và đọc thì lưu loát. Và giống như mọi người vừa ra khỏi bệnh viện, tôi hy vọng sẽ có thể bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời của người trưởng thành.
--- ------ ------ ------ -------
1. Ý nói bị bắt làm tù binh.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cái trống thiếc.