Quyển III: Con nhím
-
Cái trống thiếc
- Günter Grass
- 6257 chữ
- 2020-05-09 03:50:28
Số từ: 6233
Dịch giả: Dương Tường.
Đánh máy & Hiệu đính: galazyrulz, tducchau, Ct.Ly
Nguồn: casau - NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - VNthuquan.net
Chỉ đến khi trở thành kẻ đi thuê lại phòng Oskar mới học được nghệ thuật trở ngược lại quá khứ bằng cách đánh trống. Giúp tôi trong việc này, không phải chỉ là căn phòng, mà còn có Con Nhím, cái kho chứa quan tài trong sân và xừ Münzer - đó là chưa kể Xơ Dorothea.
Quý vị có biết tích Parsifal không? Tôi cũng không thuộc lắm. Tôi chỉ nhớ nhất câu chuyện về ba giọt máu trên tuyết. Chuyện này chắc có thật vì nó giống chuyện tôi như đúc. Mà có lẽ đó là chuyện của bất kỳ ai có một ý tuồng.
Tôi vẫn còn là một tên đầy tớ của nghệ thuật. Tôi để cho người ta vẽ tôi xanh lơ, xanh ve và theo các sắc độ của đất; tôi để người ta ký họa tôi bằng chì than và đặt trước nhiều bối cảnh; cùng với Ulla, tôi đem lại cảm hứng cho Trường Mỹ thuật trong suốt học kỳ đông cũng như học kỳ hè tiếp theo, nhưng tuyết đã rơi để nhận ba giọt máu và vừa nhìn thấy ba giọt máu ấy, Oskar liền biến thành đá như anh chàng điên Parsifal mà Oskar biết rất lơ mơ nên chẳng cần phải cố gắng lắm cũng có thể đồng nhất được với anh ta.
Hình ảnh tôi phác ra tuy vụng về nhưng, theo tôi nghĩ, khá rõ ràng. Này nhé: tuyết là bộ đồng phục nữ y tá; chữ thập đỏ mà phần lớn các nữ y tá đều mang ở giữa cái kẹp hoa cài cổ áo, đối với tôi, là ba giọt máu.
Tôi ngồi đó, hút hồn, mắt nhìn trân trân.
Nhưng trước khi tôi có thể ngồi trong căn phòng trước kia là buồng tắm của căn hộ Zeidler, tôi phải săn tìm phòng để thuê đã. Học kỳ đông sắp hết; một số sinh viên không định quay trở lại sau đợt nghỉ lễ Phục sinh, sẽ giả phòng trọ. Người cộng sự của tôi, Nàng Thơ Ulla, đã giúp tôi đắc lực. Nàng đưa tôi đến văn phòng quản lý nhà ở cho sinh viên, tại đó, người ta cho tôi một số địa chỉ kèm theoo một giấy giới thiệu của Trường Đại học Mỹ thuật.
Trước khi đi xem các phòng cho thuê, tôi đến thăm ông thợ đẽo đá Korneff tại xưởng của ông ở Bittweg. Đã lâu tôi không gặp ông. Tôi đến vì quý mến ông, nhưng cũng để kiếm chút việc làm trong đợt nghỉ nữa. Tôi có một số giờ ngồi mẫu tư - một mình hoặc cùng với Ulla - nhưng chừng nấy khó mà đủ để nuôi tôi trong thời gian sáu tuần, với lại, tôi còn phải kiếm thêm để trả tiền thuê phòng nữa.
Tôi thấy Korneff vẫn như xưa, chả thay đổi gì - một cái nhọt chưa chín và hai cái sắp khỏi, ông đang cúi trên một khối đá gra-nít Bỉ mà ông đã đẽo thô và giờ đang bắt vào mài nhẵn. Chúng tôi nói chuyện một lúc; tôi bắt đầu mân mê mấy cái đục khắc chữ ra cách gợi ý và nhìn quanh xem có tấm đá nào đã được cắt gọt và mài nhẵn chờ được khắc chữ. Có hai tấm, một bằng đá vôi điệp, một bằng cẩm thạch Silesia, có vẻ như đã được bán và đang chờ một chuyên gia khắc chữ. Tôi chúc mừng Korneff đã vượt qua được thời kỳ khó khăn sau cải cách tiền tệ. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ đó, chúng tôi cũng đã tìm được an ủi trong ý nghĩ Tà: một cuộc cải cách tiền tệ, dù có mạnh mẽ, thiết yếu và lạc quan đến đâu chăng nữa, cũng không thể ngăn người ta chết và đặt bia mộ.
Tiên đoán của chúng tôi đã ứng nghiệm. Thiên hạ tiếp tục chết và tiếp tục đặt bia. Ngoài ra, cuộc cải cách tiền tệ còn mang đến những "com-măng" trước đây chưa từng có: nhiều chủ hàng thịt đặt lát mặt trước và đôi khi cả bên trong cửa hàng bằng cẩm thạch trang trí; một số ngân hàng và cửa hàng bảch hóa tổng hợp, để lấy lại uy tín, buộc phải sửa sang và trang tri lại những mặt tiền bằng đá cát kết và tufa bị hư hại trong chiến tranh.
Tôi khen Korneff cần mẫn xoay sở và hỏi ông có thể một mình đảm đương tất cả công việc không. Mới đầu, ông trả lời qua quít, sau rồi ông thừa nhận rằng đôi lúc ông cũng ước có bốn tay thợ và cuối cùng, ông đề nghị tôi đến làm việc với ông nửa thời gian, giá cả như sau: khắc chỉm trên đá vôi, bốn lăm pfennig/chữ cái, trên gra-nít và đi-o-rít, năm lăm pfennig/chữ cái, còn khắc nổi thì có thể từ sáu mươi đến bảy lăm.
Tôi mần luôn một tấm đá vôi điệp. Nhanh chóng lấy lại được ngón nghề, tôi khắc: Aloys KLifer, 3 tháng 9 năm 1887 -16 tháng 6 năm 1946. Tôi đã khắc xong ba mươi chín chữ cái và con số trong đúng ba giờ và được trả mười bảy mark năm lăm pfennig.
Chừng nấy là hơn một phần ba số tiền thuê phòng hằng tháng mà tôi ước tính mình có thể kham nổi. Tôi quyết định chi vào khoản này không quá bốn mươi mark vì Oskar vẫn cảm thấy có bổn phận phải đóng góp vào ngân sách gia đình ở Bilk.
Văn phòng quản lý nhà ở đã có nhã ý cho tôi bốn địa chỉ. Lựa chọn đầu tiên của tôi là Zeidler, số 7 phố Jiilicher-strasse vì chỗ đó gần Trường.
Đầu tháng năm, vào một ngày ấm áp lãng đãng sương mù, điển hình của vùng hạ Rhine, tôi xuất hành với kha khá tiền mặt trong túi. Maria đã là bộ com-lê nên nom tôi cũng bảnh. Mặt tiền trát vữa xtuých-cô long lở, trước cửa là một cây hạt dẻ bụi bám đầy. Vì phố Julicher-strasse đã đổ nát đến một nửa, nên khỏi phải nói đến nhà bên cạnh hoặc đối diện, ở bên trái là một đống gạch vụn um tùm cỏ và bồ công anh, đây đó lòi ra những dầm sắt hình chữ T, khiến ta có thể đoán ở đây đã từng có một ngôi nhà bốn tầng. Bên phải, một ngôi nhà bị phá huỷ một phần nay đã được sửa đến tầng ba, nhưng vẻ như vốn xây dựng đã cạn; mặt tiền bằng gra-nít đen Thuỵ Điển mài bóng bị nứt rạn nhiều chỗ, cần chữa khẩn cấp. Dòng tên "Schornemann, Hãng Mai Táng" thiếu nhiều chữ cái, tôi không nhớ là những chữ gì. Cũng may, hai cành cọ khắc trên mặt đá gra-nít nhẵn như gương vẫn còn nguyên vẹn, góp phần giữ cho cửa hàng một vẻ tôn nghiêm khả kính nào đó.
Hãng này đã tồn tại bảy lăm năm nay. Kho quan tài của hãng ở trong sân, đối diện cửa sổ phòng tôi.
Tôi thường hay nhìn sang vì thấy có nhiều điều để suy ngẫm. Những hôm thời tiết tốt, tôi quan sát đám thợ khuân một vài cỗ quan tài từ hăng-ga ra và đặt lên giá cưa để làm tươi lại nước láng bóng. Tôi vui thích nhận thấy tất cả những chỗ ở cuối cùng ấy đều thuôn đằng chân theo cách cổ truyền quen thuộc.
Đích thân Zeidler mở cửa khi tôi bấm chuông. Ông đứng giữa khung cửa, béo lùn, thỗ khò khè, nom giống như một con nhím, ông đeo cặp kính dày như đít chai, phần dưới mặt lấp dưới một lớp dày đặc bọt xà-phòng cạo râu, chiếc chổi thoa xà-phòng còn áp trên má. ông có vẻ là một tay nghiện rượu và qua giọng nói, tôi đoán ông là người vùng Westphalie.
"Nếu cậu không thích phòng này thì cứ nói ngay đi, đừng chần chừ. Tôl đang cạo mặt và sau đó còn phải rửa chân."
Rõ ràng Zeidler không thích khách sáo. Tôi nhìn căn phòng một lượt. Dĩ nhiên là tôi không thích: đó là một cái buồng tắm không sử dụng được nữa, tường một nửa lát gạch men màu ngọc lam, một nửa phủ giấy với những họa tiết dẹo dọ. Nhưng tôi để bụng không nói ra. Bất kể lớp bọt xà phòng đang khô đi và chân ông chưa được rửa, tôi hỏi Zeidler xem có thể đưa cái bồn tắm ra ngoài không, nhất là nó lại không có ống tiêu nước.
Zeidler mỉm cười lắc cái đầu nhím muối tiêu và cố xoa chổi cho lên bọt mà không được. Đó là câu trả lời của ông. Tôi bèn tuyên bố là tôi sẵn sàng thuê căn phòng với cái bồn tắm ở trong với giá bốn mươi mark một tháng.
Khi chúng tôi trở ra cái hành lang hình ống, lờ mờ sáng đủ đe soi rõ mấy cánh cửa có lắp kính một phần và sơn mầu khác nhau, tôi hỏi còn ai khác ỏ đây.
"Vợ và khách trọ."
Tôi vỗ vỗ vào một cánh cửa kính mờ chỉ cách cửa vào căn hộ độ một bước chân.
"Đó là một nữ y tá," Zeidler nói. "Nhưng không bận gì đến cậu đâu. Cậu sẽ không bao giờ thấy chị ta dâu. Chị ta chỉ về dây để ngủ thôi và đôi khi cũng không ngủ nhà nữa."
Tôi không muốn nói với quý vị rằng Oskar nghe thấy mấy tiếng "nữ y tá" là đã run lên rồi. Hắn gật dầu, không dám hỏi về những khách trọ khác, mà ghi nhận vị trí căn phòng với cái bồn tắm của mình: bên tay phải, cuối hành lang.
Zeidler đặt một ngón tay lên ve áo tôi: "Cậu có thể nấu nướng trong phòng nếu cậu có bếp cồn. Tôi cũng sẵn sàng để cậu dùng nhà bếp, nếu cái bếp lò không quả cao đối với cậu."
Đó là lời bóng gió đầu tiên của ông đến khổ người của Oskar, ông liếc qua giấy giới thiệu của Trường Mỹ thuật cấp cho tôi. Giấy do Giao sư Reuser, giám đốc, ký và hình như có tác động tích cực đối với ông. Tôi nhất trí với mọi lời dặn dò "nên" và " không nên" của ông, ghi vào tri nhớ là phòng bếp ở cạnh phòng tôi phía tay trái và hứa sẽ thuê giặt quần áo ở ngoài: ông sợ hơi nước làm hỏng giấy phủ tường. Đó là điều mà tôi có thể hứa chắc như đinh đóng cột: Maria đã đồng ý giặt giũ cho tôi.
Đến đây, đáng ra tôi đã có thể rút, nói là đi lấy đồ lề và làm tờ khai đăng ký hộ tịch ở quận cảnh sát. Nhưng Oskar không làm thế. Hắn không thể rời căn hộ này. Chẳng vì lý do gì, hắn yêu cầu ông chủ nhà tương lai chỉ cho hắn buồng vệ sinh, ông chủ hất ngón tay cái về phía một cái cửa gỗ dán khiến người ta nhớ đến những năm chiến tranh và hậu chiến. Thấy cử chỉ của Oskar có vẻ như đang cần sử dụng nó - tức là buồng vệ sinh - Zeidler, mặc dầu mặt đang ngứa ran vì xà-phòng cạo râu rụng từng mảng, vẫn với tay bật đèn cho hắn.
Một khi vào trong rồi, tôi cảm thấy bực mình vì Oskar đâu có cần đi vệ sinh. Tôi bướng bỉnh đợi cho đến khi Oskar dặn ra được tí nước. Do áp suất bọng đái không đủ mạnh và còn vì cái vành gỗ để ngồi lại cao quá nên tôi phải rất cẩn thận không để ướt nó hoặc dây ra sàn đá hoa. Ngay cả như thế, tôi vẫn phải lấy mù-soa lau vài giọt xớt ra cái vành gỗ mòn bóng và lấy đế giày xoá đi mấy vệt tệ hại trên sàn đá hoa.
Zeidler không lợi dụng lúc vắng tôi để rửa mặt cho sạch lớp bọt xà-phòng đã cứng lại. Ông ưng chờ ngoài hành lang hơn, có lẽ vì ông đã cảm thấy gã hề trong tôi. "Cậu ngộ thật đấy. Dùng buồng vệ sinh trước cả khi ký hợp đồng thuê nhà."
Ông tiến lại gần tôi với cái chổi thoa xà-phòng bết cứng, chắc đang nghĩ một câu đùa ngớ ngẩn nào đó. Nhưng ông không nói gì, chỉ mở cửa cho tôi. Trong khi Oskar đi giật lùi về phía cầu thang, để mắt canh chừng Con Nhím khi đi qua ồng, tôi ghi nhận cửa buồng vệ sinh ở giữa cửa buồng bếp và cánh cửa kính mờ mà đằng sau đó, một nữ y tá thường qua đêm nhưng không phải bao giờ cũng ngủ nhà.
Chiều muộn hôm ấy, khi Oskar trở lại với đồ lề gồm cả cái trống mới, quà tặng của Raskolnikov, người vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh, tay vung tờ khai đăng ký hộ khẩu, thì một Con Nhím mày râu nhẵn nhụi và chân chắc cũng đã rửa sạch sẽ, dẫn tôi vào phòng khách.
Phòng khách có mùi xì-gà tắt và xì-gà châm đi châm lại nhiều lần. Cũng có mùi thảm, có lẽ là thảm quý, rải chồng nhiều lớp khắp phòng. Còn cả mùi lịch cũ nữa. Nhưng tôi không trông thấy cuốn lịch nào, vậy chắc đó là mùi thảm. Kể cũng lạ, những cái ghế bàn bọc da tiện nghi lại chẳng có mùi gì cả. Điều này làm tôi thất vọng: tuy chưa bao giờ ngồi vào một chiếc ghế da, nhưng Oskar lại có sẵn một ý niệm tiên nghiệm về mùi da đậm nét đến nỗi hắn ngờ thứ da bọc ghế này là giả.
Ngồi trên một trong những chiếc ghế bào nhẵn bóng, không mùi và bọc bằng da thật, như về sau tôi có dịp xác minh, là bà Zeidler. Bà mặc một bộ đồ xám chẳng vừa người bà mấy tí. Cái váy tốc lên quá đầu gối để lộ đến ba đốt tay quần lót. Vì bà không hề sửa lại trang phục và hình như vừa khóc- Oskar cảm thấy thế - nên tôi không dám lên tiếng chào hoặc tự giới thiệu mình. Động tác cúi đầu của tôi lặng lẽ và đến nấc cuối, lại quay sang Zeidler: ông đang chĩa ngón tay cái giới thiệu vợ mình kèm theo một tiếng ho khẽ.
Phòng rộng và vuông vắn. Bóng cây hạt dẻ trước nhà làm cho nó to ra và bé đi. Tôi để chiếc va-li và cái trống ở gần cửa và, giấy tờ đăng ký trong tay, tiến lại gần Zeidler đang đứng cạnh cửa sổ. Oskar không nghe thấy tiếng chân của chính mình vì hắn đang bước trên bốn lần thảm - về sau tôi mới đếm - bốn tấm thảm cỡ nhỏ dần rải chồng lên nhau. Với những mép viền màu sắc khác nhau, có tua hay không tua, chúng tạo thành một mô hình màu kỳ lạ: tấm dưới cùng màu đỏ-nâu và bắt đầu từ gần chân tường; tấm tiếp theo, gần như xanh lá cây, bị đồ đạc che lấp phần lớn - tủ buýp-phê, tủ kính đầy ly uống rượu, và cái giường cưới rộng thênh thang; tấm thứ ba xanh lơ chạy từ góc này sang góc kia; tấm thứ tư màu vang đỏ trải dưới cái bàn ăn có tấm nối dài phủ khăn vải sơn và bốn cái ghế bành bọc da với những ri-vê đồng cách quãng đều đặn.
Vì còn có nhiều thảm không phải để treo mà lại treo trên tường cùng nhiều tấm khác cuộn lại xếp trong góc, nên Oskar đồ rằng Con Nhím, trước cải cách tiền tệ, buôn thảm và sau đó bị kẹt không bán tháo được.
Bức tranh duy nhất là chân dung Bismarck lồng khung kính treo ở tường ngoài, giữa hai tấm thảm hình như là phương đông. Con Nhím ngồi trong một cái ghế bành dưới vị Thủ tướng sắt mà ông có đôi nét hao hao giống, ông cầm lấy tờ giấy đăng ký từ tay tôi, lật cả hai mặt xem xét kỹ bằng con mắt lanh lợi, phê phán và sốt ruột. Bà vợ hỏi nhỏ ông có gì không ổn chăng. Câu hỏi làm ông lên một cơn lôi đình, nom lại càng giống vị Thủ tướng. Chiếc ghế khạc ông ra. Đứng trên bốn tấm thảm, ông giơ ngang tờ giấy, hít không khí vào đầy người, đầy áo gi-lê. Ông nhảy phắt một cái lên tấm thảm thứ nhất và thứ hai, nhìn xuống bà vợ lúc này đã vớ vội lấy đồ khâu, và tuôn ra một thôi một hồi đại loại như sau: Cô muốn hỏi cái gì? Ở cái nhà này không ai được nói ngoài tôi! Câm cái mồm cô đi và đậy nó lại!
Vì bà Zeidler im cái mồm và bình thản khâu tiếp, một vấn đề nảy sinh với Con Nhím trong khi ông đang giậm chân trên những tấm thảm: làm sao cho cơn thịnh nộ của mình lên cao trào rồi kết thúc nó một cách lô-gích. Chỉ một bước, ông đã ở cạnh tủ kính đựng đồ gốm sứ, thuỷ tinh; ông mở cửa tủ mạnh đến nỗi làm tất cả mọi thứ rung lên kêu lanh tanh. Rất cẩn thận xoè rộng ngón tay với một độ chính xác cơ khí, ông chọn tám chiếc ly uống rượu, nhấc chúng nguyên vẹn không xây xát ra khỏi tủ, rón rén như một gia chủ định mua vui cho bản thân và cho bảy vị khách bằng một trò khéo tay - đi về phía cái lò bếp bằng gạch tráng men xanh lục và rồi, bỗng nhiên tung hê đi mọi dè giữ thận trọng, ném cả mớ hàng mỏng manh của mình vào cái cửa gang lạnh của lò bếp.
Điều kỳ lạ nhất là trong suốt màn trình diễn đòi hỏi một độ ngắm chính xác ấy, Con Nhím vẫn không rời mắt kính khỏi vợ; bà này đã đứng dậy ra cạnh cửa số bên tay phải mình để xâu kim. Chỉ không đầy một giây sau khi ông tiêu diệt tám chiếc ly, bà cũng kết thúc thành công cái thao tác tinh tế đòi hỏi một bàn tay vững vàng ấy. Rồi bà quay trở lại ghế và ngồi xuồng, chiếc váy lại tốc lên, để lộ ba đốt tay quần lót hồng. Con Nhím đã theo dõi những cử động của vợ mình - đi ra cửa sổ, xâu kim, trở lại ghế - bằng cái nhìn hiểm ác nhưng phục tùng. Bà vừa ngồi lại thì ông đã tới sau lò bếp, lấy xẻng và chổi hót những mảnh vỡ, trút vào một tờ báo đã đầy những ly uống rượu bị đập nát. Chắc không còn đủ chỗ cho một cuộc nổi đóa thứ ba nữa.
Nếu quý vị độc giả đồ rằng Oskar đã nhận ra cái bản ngã diệt thuỷ tinh ngày xưa của mình ở Con Nhím diệt thuỷ tinh, thì xin thưa rằng quý vị đã không hoàn toàn nhầm. Tôi cũng đã từng thích chuyển những cơn điên khùng của mình thành hành động đập nát thuỷ tinh nhưng dạo ấy, không ai thấy tôi dùng đến chổi và xẻng hót bụi bao giờ!
Sau khi xoá bỏ những dấu vết cơn lôi đình của mình, Zeidler lại ngồi xuống. Một lần nữa, Oskar chìa tờ khai đăng ký mà Con Nhím đã buộc phải vứt xuống cho rảnh cả hai tay để xử lý đám ly uống rượu.
Zeidler ký vào tờ khai và nói cho tôi hiểu rằng ông muốn trật tự phải ngự trị trong căn hộ của ông, nếu ai muốn làm gì tuỳ thích thì sẽ đi đến đâu, ông thừa kinh nghiệm để biết. Phải, ông đã làm công việc chào hàng mười lăm năm nay cho một hãng tông-đơ 1 , tôi có biết tông-đơ là cái gì không?
Oskar làm mấy động tác qua đó, Zeidler kết luận rằng tôi có đủ thông tin về vấn đề tông-đơ. Mái tóc "cua" húi rất gọn của Zeidler đủ đảm bảo độ tin cậy của mặt hàng, cũng như tính hiệu quả của ông với tư cách người chào hàng, Sau khi giải thích cho tôi về thời gian biểu của mình - một tuần trên dường, một tuần ở nhà - ông không quan tâm gì đến Oskar nữa. Càng giống nhím hơn bao giờ hết, ông ngồi đu đưa trong chiếc ghế da nâu nhạt kẽo kẹt, mắt kính lấp lánh, và vì một lý do nào đó hoặc chẳng vì gì cả, ông lầm rầm: yayayaya. Đã đến lúc tôi phải đi khỏi.
Trước hết, Oskar cáo từ bà Zeidler. Tay bà lạnh, mềm nhũn như không xương nhưng khô. Từ ghế của mình, Con Nhím vung tay ra hiệu cho tôi đi ra cửa, nơi Oskar để đồ lề tư trang. Tôi đã xách mọi thứ lên, thì tiếng ông vang đến: "Cậu có cái gì buộc vào va-li thế?"
"Đó là cái trống của tôi."
" Cậu tính chơi trống ở đây ư? "
"Không nhất thiết. Dạo xưa, tôi chơi thường xuyên."
"Riêng với tôi thì chả sao, cậu cứ việc chơi, vả lại, tôi vắng nhà suốt ấy mà."
" Rất có thể tôi sẽ không bao giờ đánh trống nữa."
" Thế cái gì khiến cậu cứ bé mãi thế?"
" Một tai nạn không may làm tôi không lớn được nữa."
" Chà, tôi chỉ hy vọng cậu đừng gây rắc rối gì cho chúng tôi - lên cơn hoặc những chuyện đại loại như thế."
"Tình trạng sức khỏe của tôi đã tăng tiến đều đặn trong mấy năm vừa qua. Ông xem tôi dẻo khéo như thế nào đây."
Thế là Oskar liền biểu diễn cho vợ chồng Zeidler xem vài ba miếng nhào lộn sơ đẳng mà hắn đã học mót được trong thời kỳ văn công. Bà Zeidler cười rinh rích trong khi ông Zeidler có cái vẻ như một con nhím sắp sửa vỗ đùi đen đét. Rồi tôi ra hành lang, đi qua cánh cửa lắp kính mờ, cửa buồng vệ sinh rồi cửa bếp và mang đồ lề kể cả cái trống vào phòng tôi.
Đó là vào đầu tháng năm. Từ hôm đó trở đi, tôi bị cám dỗ, ám, ngợp bởi sự bí ẩn của người nữ y tá. Tình cảm của tôi đối với các nữ y tá là một thứ bệnh có lẽ không cách gì chữa trị nổi vì ngay cả bây giờ, khi tất cả đã lùi xa sau lưng, tôi vẫn phản đối Bruno, người chăm nom tôi, khi gã nói rằng chỉ nam giới mới có thể là những y tá thích hợp, rằng mong muốn được săn sóc bởi các nữ y tá chỉ là một triệu chứng nữa của bệnh tật mà thôi. Trong khi - vẫn theo lời Bruno - nam y tá chăm sóc bệnh nhân với lương tâm nghề nghiệp và đôi khi chữa khỏi bệnh, thì nữ y tá, vì họ là phụ nữ, thường dùng sức quyến rũ để đưa người bệnh, đôi khi đến chỗ bình phục, đôi khi đến một cái chết được pha phách chút gia vị khiêu dâm.
Phải, người chăm sóc tôi, Bruno, nói thế. Có thể anh ta có lý, nhưng tôi rất không muốn thừa nhận thế. Một kẻ cứ hai, ba năm lại được các nữ y tá trả lại cuộc sống một lần thì không thể không tri ân; hắn ta không thể cho phép bất kỳ gã nam y tá cộc cằn nào, cho dù gã có dễ thương đến mấy, bôi nhọ hình ảnh các nữ y tá thân yêu của tôi, nhất là khi động cơ duy nhất của gã chỉ là đố kỵ nghề nghiệp.
Điều ấy bắt đầu từ cú ngã của tôi xuống cầu thang hầm rượu vào dịp sinh nhật lần thứ ba của tôi. Tôi nghĩ bà tên là Xơ Lotte, người vùng Praust. Xơ Inge, phụ việc cho bác sĩ Hollatz, đã chăm sóc tôi nhiều năm. Sau cuộc phòng thủ Sở Bưu Chính Ba Lan, tôi rơi vào tay nhiều nữ y tá cùng một lúc. Tôi chỉ còn nhớ tên một người trong số đó: Xơ Erni hay Berni gì đó. Những nữ y tá vô danh ở Lüneburg, rồi ở Bệnh viện Đại học Hanover. Tiếp đến là các nữ y tá của Bệnh viện thành phố Düssendorf, trước nhất là Xơ Gertrude. Và bây giờ, không cần tôi phải đi bệnh viện, Nàng tự đến. Trong tình trạng sức khỏe tốt nhất, Oskar rơi vào tay một nữ y tá là khách trọ ở căn hộ Zeidler. Từ bữa đó trở đi, thế giới của tôi đầy những nữ y tá.
Sáng sớm, khi đi làm, có nghĩa: đến khắc chữ ở xưởng của Korneff, bến xe điện của tôi có tên là: Bệnh viện Marien. Bên ngoài cái cổng gạch và trên bãi đất đầy nghẹt hoa, các nữ y tá đi đi về về. Nhiều khi tôi ngồi cùng toa xe điện, hoặc cùng đứng chờ ở bến, với nhiều nữ y tá kiệt lực, hay chí ít, có vẻ mệt lử. Thoạt đầu, tôi không thích ngửi mùi của họ, rồi chẳng bao lâu, tôi lại kiếm tìm nó, cố xích lại những bộ đồng phục của họ, càng gần bao nhiêu càng tốt.
Rồi ở Bittweg. Những buổi đẹp trời, tôi làm việc ngoài trời giữa những bia mộ bày hàng và trông thấy họ, từng tốp hai hoặc bốn người, khoác tay nhau đi qua: họ đi dạo vào giờ nghỉ, buộc Oskar phải rời mắt khỏi tấm gra-nít của mình để nhìn lên, chểnh mảng công việc, mặc dù với mỗi cái ngước mắt, tôi mất hai mươi pfennig.
Áp-phích điện ảnh: dân Đức bao giờ cũng mê những phim về nữ y tá. Maria Schell quyến rũ tôi đến các rạp chiếu bóng. Nàng mặc đồng phục nữ y tá, cười và khóc; những ngày của nàng đầy những quên mình tận tụy; nàng tươi cười chơi một bản nhạc u trầm đầu vẫn đội chiếc mũ y tá. Về sau, trong một cơn tuyệt vọng, nàng đã gần như định xé tan chiếc áo ngủ. Nhưng sau lần tự tử không thành, nàng hy sinh tình yêu của mình - chàng bác sĩ do Borsche đóng - tiếp tục trung thành với nghề nghiệp và giữ chiếc mũ cùng chiếc kẹp hoa Chữ Thập Đỏ. Trong khi trí não hữu thức của Oskar cười và văng hàng tràng những lời tục tĩu dè bĩu bộ phim, thì mắt Oskar lại khóc giàn giụa; tôi tha thẩn, mù dở, trong một sa mạc những nàng tiên từ thiện vô danh mặc áo trắng, kiếm tìm Xơ Dorothea, người thuê căn phòng đằng sau cánh cửa lắp kính mờ trong căn hộ Zeidler. Và đó là tất cả những gi tôi biết về nàng.
Đôi khi, tôi nghe thấy tiếng chân nàng khi nàng từ ca trực đêm trỏ về nhà. Cũng có khi tôi nghe thấy nàng vào lúc chín giờ tối, sau ca ngày. Oskar không phải bao giờ cũng ngồi lại trên ghế khi hắn nghe thấy nàng ở ngoài hành lang. Rất nhiều lần tay hắn xoay xoay quả đấm cửa. Ai mà cưỡng được? Ai mà không ngẩng đầu lên ngó xem cái gì đang xảy ra, mà có khi nó xảy vì chính mình cũng nên? Ai mà có thể ngồi yên trên ghế khi mà mọi âm thanh bên cạnh dường như nhằm độc một mục đích là làm cho mình bật dậy?
Tệ hơn nữa là cái im lặng. Chủng ta đã từng thấy sức mạnh của im lặng liên quan đến bức tượng gỗ người đàn bà nọ - im lặng và thụ động. Người gác bảo tàng đầu tiên nằm đó, trong vũng máu của mình. Và mọi người ai cũng nói là Niobe đã giết anh ta. Ông giám đốc tìm một người gác mới thay thế, vì bảo tàng cần tiếp tục mở cửa. Khi người gác thứ hai chết, mọi người la làng rằng Niobe giết anh ta. Ông giám đốc phải khó khăn lắm mới tìm được một người thứ ba - hay có khi đã là người thứ mười một? Dù sao chăng nữa, một hôm, cái người gác mà ông đã phải vất vả thế mới tìm được ấy lại chết. Và mọi người lại la: Niobe, Niobe với nước sơn xanh và đôi mắt hổ phách; Niobe bằng gỗ, lõa lồ, không thở, không đổ mồ hôi, không run rẩy, không nóng cũng chẳng rét; Niobe không bị mọt vì do bởi giá trị lịch sử của mình, nàng đã được phun thuốc chống mọt. Vì nàng, một nữ phù thuỷ đã bị thiêu sống, người đẽo tượng bị chặt tay, nhiều hải thuyền bị đắm, nhưng nàng vẫn nổi và sống sót. Niobe bằng gỗ nhưng lửa không bén được, Niobe giết người và vẫn nguyên giá trị. Học sinh, sinh viên, một ông linh mục và hàng lô người gác bảo tàng, tất cả đã làm mồi cho sự im lặng của nàng. Anh bạn Herbert Truczinski nhảy nàng và chết. Nhưng Niobe vẫn khô khốc, chỉ đắp dày thêm im lặng.
Khi người nữ y tá rời phòng mình, dãy hành lang và căn hộ của Con Nhím vào sáng sớm, khoảng sáu giờ, tất cả trở nên rất yên tĩnh, mặc dù khi có mặt ở nhà, nàng không hề gây một tiếng động nhỏ nào. Không thể chịu nổi im lặng, Oskar phải cựa mình cho giường mình cọt kẹt vài tiếng, hoặc kéo ghế hay lăn một quả táo về phía cái bồn tắm.
Khoảng tám giờ, có tiếng sột soạt. Đó là người bưu tá bỏ thư và bưu thiếp qua khe cửa ngoài. Không chỉ Oskar, mà cả bà Zeidler cũng chờ đợi tiếng động này. Bà làm thư ký ở văn phòng Công ty Mannesmann, đến chín giờ mới phải di làm. Bà dành ưu tiên cho tôi. Oskar là người ngó vào mớ sột soạt trước. Tôi đi rất khẽ mặc dù biết là đằng nào bà cũng nghe thấy và để ngỏ cửa phòng để khỏi phải bật đèn. Tôi nhặt tất cả thư từ cùng một lúc. Đều đặn mỗi tuần một lần, Maria gửi thư thông báo đầy đủ về bản thân nàng, thằng bé và chị Guste của nàng. Sau khi giấu nó vào túi áo ngủ, tôi điểm nhanh qua phần còn lại. Tất cả những gì gửi cho vợ chồng Zeidler hay cho một ông Münzer nào đó ở cuối đãy hành lang, tôi để trả lại xuống sàn. Còn thư của Xơ Dorothea, tôi lật đi lật lại, sờ, ngửi và xem kỹ địa chỉ người gửi.
Xơ Dorothea không nhận được thư thường xuyên, nhưng vẫn là nhiều hơn tôi. Họ tên đầy đủ của nàng là Dorothea Köngetter, nhưng tôi chỉ gọi nàng là Xơ Dorothea và đôi khi quên cả họ - thực ra, một nữ y tá thì đâu có cần đến họ. Nàng thường nhận được thư mẹ ở Hildesheim. Còn có những bưu thiếp gửi từ khắp Tây Đức, phần lớn là ảnh những bệnh viện phủ đầy dây trường xuân, do các nữ y tá cùng học với nàng gửi, rõ ràng là để đáp lại thịnh tình của Xơ Dorothea luôn cố gắng giữ liên lạc với các bạn cũ.
Hầu hết những giao lưu ấy, như Oskar mau chóng nhận thấy, đều qua quít và chẳng tiết lộ điều gì quan trọng. Tuy nhiên, chúng cũng rọi chút ánh sáng vào quá khứ của Xơ Dorothea: nàng đã làm việc tại Bệnh viện Vincent ở Cologne, tại một nhà thương tư ở Aachen, và ở Hildesheim, nơi mẹ nàng vẫn đang sinh sống. Có thể suy ra là hoặc nàng quê quán ở vùng Hạ sắc-xông, hoặc cũng như Oskar, nàng là một người tỵ nạn từ Đông Đức và đã định cư ở đây sau chiến tranh. Tôi cũng khám phá ra rằng Xơ Dorothea làm việc ở Bệnh viện Marien gần đây, rằng nàng có một người bạn thân tên là Beata vì các bưu thiếp luôn luôn nhắc đến và gửi lời hỏi thăm Xơ Beata.
Việc nàng có một người bạn gái làm tôi nảy ra những ý ngông cuồng. Tôi soạn những bức thư cho Beata; trong một bức, tôi nhờ cô nói hộ cho tôi, trong bức tiếp theo, tôi lại không nói gì đến Dorothea cả, ý đồ của tôi là tiếp cận Beata trước, rồi chuyển qua Dorothea sau. Tôi thảo năm, sáu bức thư và thậm chí đã bỏ vài bức vào phong bì, đề tên người nhận. Nhiều lần tôi đã ra bưu điện, nhưng rút cục vần chưa gửi bức nào.
Tuy nhiên, có lẽ trong cơn điên dại của mình, tôi hẳn đã thực sự gửi đi một trong những bức thư khẩn cầu ấy cho Xơ Beata, nếu một sáng thứ hai - đó là ngày Maria bắt dầu dan díu với ông chủ Stenzel của mình, mà lạ thay, chuyện này khiến tôi dửng dưng như không - tôi không thấy trên sàn, dưới cái khe bỏ thư, cái bức thư đã biến nỗi đam mê của tôi từ yêu thành ghen.
Dòng tên và địa chỉ trên phong bì cho tôi biết người viết thư là một ông bác sĩ Erich Werner ở Bệnh viện Marien. Thứ ba, lại một bức nữa. Thứ năm: bức thứ ba. Tôi phải nói thế nào về tâm trạng mình cái hôm thứ năm ấy nhĩ? Oskar chệnh choạng đi về phòng, gieo mình xuống một trong những chiếc ghế bếp đã góp phần biến cái buồng tắm thành phòng ở, và rút lá thư hằng tuần của Maria từ trong túi áo ngủ ra - mặc dù đã có người tình mới, Maria vẫn tiếp tục thông báo cho tôi đúng kỳ, rõ ràng, đầy đủ. Oskar thậm chí còn mở phong bì, đưa mắt trên những dòng thư mà chẳng đọc thấy gì. Hắn nghe thấy tiếng bà Zeidler ngoài hành lang gọi ông Münzer. Ông này không trả lời. Nhưng chắc ông có nhà, vì thấy bà Zeidler mở cửa phòng ông, đưa bức thư và tiếp tục nói với ông.
Bà Zeidler vẫn nói nhưng tôi không nghe thấy bà nữa. Tôi phó mặc mình cho cái điên loạn của lớp giấy phủ tường, cái điên loạn thẳng đứng, nằm ngang, chéo góc, cái điên loạn cong, nhân lên nghìn lần. Tôi thấy mình là Matzerath, ăn miếng bánh bổ dưỡng dễ sợ của kẻ mọc sừng. Và gạt mọi liêm sỉ hay áy náy, tôi thể hiện Jan Bronski của tôi như một kẻ quyến rũ, hoá trang thành Xa-tăng, lần lượt thay đổi trang phục, lúc thì áo bành-tô truyền thống có cổ nhung, lúc thì chiếc blu trắng của bác sĩ Hollatz, và có khi lại là chiếc blu cũng trắng của bác sĩ Werner, nhưng lúc nào cũng quyến rũ, hủ hoá, mạo phạm, lăng nhục, gây dằn vặt và đau khổ - tóm lại, làm tất cả những gì phù hợp với một kẻ quyến rũ.
Hôm nay, tôi có thể mỉm cười khi nhớ lại cái ý đến với tôi lúc đó, cái ý cũng vàng khè và điên loạn như lớp giấy phủ tường: tôi quyết định học y. Tôi sẽ mau chóng tốt nghiệp. Tôi sẽ thành một bác sĩ, tất nhiên là ỗ Bệnh viện Marien. Tôi sẽ vạch trần bác sĩ Werner, chứng minh sự kém cỏi về chuyên môn của hắn ta, thậm chí chứng minh rằng do cẩu thả vô trách nhiệm, hắn đã gây ra cái chết của một bệnh nhân trong một ca mổ khí quản: hoá ra cái tay Werner này chưa bao giờ học ở trường y. Hắn đã học mót vài ba kiến thức y học trong khi làm hộ lý ở một bệnh viện dã chiến trong thời kỳ chiến tranh. Thế là gã lang băm vào nhà đá. Và Oskar, mặc dù trẻ măng, trở thành bác sĩ trưởng. Một Giáo sư Sauerbruch mới, với Xơ Dorothea bên cạnh, một đoàn môn đồ áo trắng theo sau, đi dọc những hàng lang đầy vang âm, thăm các bệnh nhân, quyết định các ca phẫu thuật vào phút cuối. Thật may làm sao bộ phim ấy không bao giờ thực hiện được!
--- ------ ------ ------ -------
1. Dụng cụ xén lóc, dạo xưa là đồ nghề chính của thợ cắt tóc.