Quyển III: Hầm hành
-
Cái trống thiếc
- Günter Grass
- 8310 chữ
- 2020-05-09 03:50:28
Số từ: 8288
Dịch giả: Dương Tường.
Đánh máy & Hiệu đính: galazyrulz, tducchau, Ct.Ly
Nguồn: casau - NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - VNthuquan.net
Chúng tôi yêu những đồng cỏ ven sông Rhine; vừa hay Ferdinand Schmuh, chủ tiệm ăn và hộp đêm, cũng yêu thích cái rẻo từ Düssendorf đến Kaiserswerth trên hữu ngạn con sông này. Chúng tôi thường hay tập nhiều nhất ở mạn phía trên stockum. -Trong khi đó, Schmuh xách một cây súng cỡ nhỏ xục các bụi rậm và hàng rào ven sông săn chim sẻ. Đó là sở thích, là thú tiêu khiển của ông. Những khi gặp chuyện buồn bực trong kinh doanh, Schmuh thường bảo vợ ngồi vào sau tay lái chiếc Mercedes và họ đi dọc sông lên quá Stockum, đỗ xe ở đó. Mũi súng chúc xuống đất, ông sải đôi chân bẹt xuyên các đồng cỏ; bà vợ lẽo đẽo theo sau, tuy trong bụng chỉ muốn ngồi lại trong xe. Cuối cuộc việt đã tay đôi, ông đặt vợ ngồi trên một phiến đá phẳng phiu thoải mái bên bờ sông rồi biến vào trong các hàng rào. Trong khi bọn tôi chơi ragtime, 1 ông cũng đòm-đòm trong các bụi rậm. Trong khi chúng tôi tấu nhạc, Schmuh bắn chim sẻ.
Mỗi khi Scholle - cũng như Klepp, gã này quen tất cả các chủ tiệm bar trong thành phố - nghe thấy tiếng súng trong bụi rậm, gã lại thông báo:
" Schmuh đang bắn chim sẻ đấy."
Vì Schmuh không còn sống, tôi có thể ghi đôi lời cáo phó ở đây luôn: Schmuh là một thiện xạ và có lẽ cùng là một thiện nhân; vì mỗi lần đi săn chim sẻ, ông để đạn trong túi trái áo ngoài, còn túi phải thì đầy thức ăn cho chim mà ông phóng tay phân phát cho lũ sẻ, không phải trước, mà là sau khi đã bắn đòm-đòm, và ông không bao giờ bắn quá mười hai con trong một buổi chiều.
Một buổi sáng lành lạnh tháng mười một năm 1949, khi Schmuh hãy còn sống và bọn tôi đã tập được vài tuần trên bờ sông Rhine, lần đầu tiên ông nói với chúng tôi; giọng ông oang oang và xẵng đến mức không thể coi là tự nhiên: "Làm sao tôi có thể bắn chim được khi mà tiếng kèn trống của các cậu làm chúng sợ bay đi hết?"
"Ôi," Klepp nói ra cách xin lỗi, giơ cây sáo ra như bồng súng chào, "Ông quả là con người hào hoa thẩm nhạc tuyệt vời, tiếng súng của ông hòa nhịp hoàn hảo với những giai điệu của bọn tôi. Tôi hết sức kính phục, thưa ông Schmuh!"
Schmuh hài lòng thấy Klepp biết tên mình và khi ông hỏi làm sao hắn biết, Klepp làm ra vẻ bất bình: "Dào, ai mà chả biết ông Schmuh. Ra phố, lúc nào chả nghe thấy người ta nói với nhau: Schmuh kìa, Schmuh đang đi ngả kia, anh hay chị có thấy Schmuh vừa nãy không, hôm nay Schmuh đi đâu nhỉ, Schmuh đi săn chim sẻ..."
Được tôn lên thành một nhân vật quần chúng như vậy, Schmuh bèn mời thuốc lá chúng tôi, hỏi tên chúng tôi và xin được thưởng thức một bài trong bảng tiết mục của chúng tôi. Đáp ứng yêu cầu, chúng tôi chơi một bản taigơ rách, thế là ông gọi bà vợ đang ngồi trên một phiến đá, trầm tư với dòng nước sông Rhine. Cuộn mình trong chiếc măng-tô lông thú, bà tới nhập bọn với chúng tôi và chúng tôi lại chơi tiếp, lần này là bài "Xã hội thượng lưu". Khi bản nhạc vừa dứt, bà nói trong chiếc măng-tô lông thú: "Chao, Ferdy, đây chính là cái mình cần cho Hầm." Hình như ông cũng đồng ý. Quả vậy, ông có cảm giác như chính ông đã đi tìm chúng tôi khắp nơi và giờ đây đã thấy. Tuy nhiên, Schmuh vẫn trầm ngâm lựa mấy miếng đá bẹt ném thìa lia trên mặt sông như để có thì giờ suy nghĩ, tính toán, trước khi đưa ra đề nghị: liệu chúng tôi có đồng ý chơi ở Hầm Hành từ chín giờ tối đến hai giờ sáng, mỗi người mười mark một đêm... chậc, cho là mười hai mark đi... có được không? Klepp nói mười bảy để cho Schmuh hạ xuống mười lăm là vừa, nhưng Schmuh chỉ dừng ở mức mười bốn rưỡi và thế là ngã giá.
Nhìn từ mặt phố, Hầm Hành cũng giống như nhiều hộp đêm mới, nghĩa là chỉ khác những quán bar hoặc quán rượu cũ ở chỗ giá cao hơn. Lý do đặt giá cao hơn: cách trang trí nội thất "tân kỳ" - những hộp đêm này thường tự mệnh danh là "câu lạc bộ nghệ sĩ" - và một phần cũng bởi cách đặt tên độc đáo: Phòng Ravioh 2 (kín đáo và thanh lịch), Húy Kỵ (bí ẩn và hiện sinh), Ớt Bột ( cuồng nhiệt) và tất nhiên cả Hầm Hành nữa.
Hai chữ Hầm Hành và "chân dung" hồn nhiên đến mức xót xa của một củ hành được vẽ bởi một bàn tay cố tình làm ra vụng về trên một tấm biển tráng men treo theo cách cổ xưa của người Đức vào một cái giá bằng sắt uốn trước cửa nhà. Cửa sổ duy nhất được lắp những ô kính tròn màu xanh chai. Cánh cửa ra vào bằng sắt sơn chống gỉ hẳn đã được dùng làm cửa hầm phòng không trong những năm chiến tranh. Người gác cửa đứng bên ngoài khoác một tấm da cừu quê mùa. Không phải bất cứ ai cũng được phép vào Hầm Hành. Nhất là vào những ngày thứ sáu, ngày phát lương, nhiệm vụ của người gác cửa là đẩy lùi một số khách từ Khu Phố Cổ mà Hầm Hành là quá đắt đối với họ. Bên trong cạnh cửa sơn chống gỉ, những người được phép vào sẽ thấy năm bậc bê-tông, rồi đến một chiếu nghỉ rộng khoảng một mét vuông, ở đó tấm áp-phích quảng cáo một cuộc triển lãm tranh Picasso điểm vào một nét độc đáo mang tính nghệ thuật. Xuống bốn bậc nữa là phòng gửi mũ áo với tấm biển các-tông nhỏ "Xin trả tiền sau"; thật vậy, gã thanh niên ở quầy (thường là một sinh viên mỹ thuật để râu) không chịu nhận tiền trước: Hầm Hành đắt đã đành nhưng còn là nơi có hạng nghiêm túc.
Đích thân chủ nhân chào đón từng vị khácih bằng những cử chỉ kiểu cách, những cái nhướn mày ý nhị như thể thụ pháp cho khách vào một nghi thức huyền bí nào đó. Như chúng ta đã biết, tên chủ nhân là Ferdinand Schmuh; ông là một người thỉnh thoảng đi săn chim sẻ và có con mắt tinh tường nhanh chóng nhận ra lớp người mới phất lên ở Düssendorf (và cả ở những nơi khác nữa, nhưng không nhanh bằng) sau cải cách tiền tệ.
Hầm Hành - ở đây, ta thấy cái nét chân chính thiết yếu cho một hộp đêm thành công - đúng là một tầng hầm thật, ẩm ướt và lạnh giá dưới chân, đó là một thứ hình ống dài khoảng mười tám mét, rộng bốn mét, được sưởi ấm bằng hai cái bếp lò chân chính. Tuy nhiên xét cho cùng, về một mặt nào đó, Hầm Hành không phải là một cái hầm. Trần đã bị bóc đi để cho câu lạc bộ thực sự bao gồm cả căn hộ cũ ở tầng trệt, cửa sổ duy nhất không phải đích thực là một cửa sổ tầng hầm, mà là cửa sổ cũ của căn hộ tầng trệt. Nhưng vì người ta có thể nhìn ra ngoài bằng cửa sổ ấy nếu không có những ô kính đít chai mờ xỉn, vì có một đường hầm với một cầu thang rất dốc và rất độc đáo nên người ta vẫn có lý khi gọi Hầm Hành là một tầng hầm "chân chính", cho dù nó không phải là một tầng hầm đích thực - vả lại tại sao nó lại phải là thế?
Oskar quên không nói với quý vị rằng cái cầu thang dẫn đến đường hầm không phải là một cầu thang đích thực mà tựa như một thứ thang lên ca-bin tàu biển vì ở hai bên các bậc dốc rất nguy hiểm của nó, có hai cái dây phơi quần áo hết sức độc đáo để vịn vào; cầu thang hơi lắc lư một chút nhằm tạo cảm giác như đang viễn du trên đại dương và thêm lý do để đặt giá cao.
Hầm Hành được chiếu sáng bằng đèn đất giống như loại đèn axêtylen của thợ mỏ, nó toả một mùi các-bua (lại thêm một lý do để tăng giá) và đưa khách vào không khí một đường hầm mỏ, một mỏ bồ-tạt ở độ sâu chín trăm mười mét dưới lòng đất chẳng hạn: những người thợ bạt vỉa mình trần cuốc vào đá để khai một vỉa mới; người thợ gạt vun đá vụn lại, tời quay ro ro, chất đầy các xe goòng; tít đằng sau, ở chỗ đường hầm ngoặt về phía khoang Priedrichshall 2, một đốm sáng lay động: đó là viên đốc công trưỏng, y đến với một tiếng chào Gluck auf! vui vẻ, tay vung vẩy một cái đèn đất giống hệt những đèn đất treo trên các bức vách thô mộc không trang trí, quét vôi trắng một cách cẩu thả của Hầm Hành, tạo nên một không khí độc đáo với thứ ánh sáng và mùi khen khét đặc biệt của chúng, thêm lý do để đặt giá cao.
Ghế ngồi là những cái hòm tầm thường bất tiện, phủ bằng bao đựng hành, tuy nhiên những bàn gỗ bào nhẵn bóng, sạch bong lại đưa khách từ hầm mỏ trở về một quán trọ nông dân yên bình như ta thường thấy trên phim.
Tất cả chỉ có vậy! Nhưng còn quầy bar? Không có quầy bar. Bồi bàn, cho xem thực đơn nào! Chẳng có bồi bàn mà thực đơn cũng không nốt. Thực tế, chẳng có ai khác ngoài chúng tôi, Bộ Ba Sông Rhine. Klepp, Scholle và Oskar ngồi dưới cái cầu thang Vốn xưa là một cái thang ca-bin tàu biển. Chúng tôi đến vào lúc chín giờ, lấy nhạc cụ ra khỏi túi và bắt đầu chơi vào quãng mười giờ. Nhưng lúc này mới chín giờ mười lăm, hẵng khoan nói về bọn tôi. Bây giờ, hãy quan sát Schmuh đã, con người thỉnh thoảng đi săn chim sẻ bằng một cây súng cỡ nhỏ.
Khi Hầm Hành vừa đầy khách - đầy một nửa coi là đầy - ông chủ Schmuh bèn quàng khăn vào. Tôi nhắc đến chi tiết này vì việc quàng khăn là một nghi thức đầy ý nghĩa. Đó là một chiếc khăn lụa đặc biệt được đặt riêng cho ông, màu xanh cô-ban, với họa tiết là những củ hành màu vàng kim. Hầm Hành chưa thực sự "mở" khi Schmuh chưa quàng khăn.
Các khách hàng - doanh thương, bác sĩ, luật sư, họa sĩ, ký giả, nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh, những nhân vật nổi tiếng trong giới thể thao, quan chức trong chính quyền tỉnh và thành phố, tóm lại, một mẫu tiêu biểu của cái giới ngày nay tự xưng là trí thức - đi cùng với vợ, nhân tình, nữ thư ký, họa sĩ trang trí nội thất và có khi với bồ đực, ngồi trên những hòm gỗ phủ bao tải. Trước khi Schmuh quàng khăn vào, mọi người trò chuyện nho nhỏ, gượng gạo, thiếu hào hứng. Những con người này muốn nói chuyện, muốn trút bầu tâm sự, nhưng dường như không cách gì tạo đà được; dù hết sức cố gắng, họ vẫn không nói ra được điều cốt yếu, vẫn men men ở bên rìa. Tuy nhiên, họ rất háo hức thổ lộ can tràng, muốn bộc bạch tim gan, muốn riêng lần này quên hết đầu óc lý trí, phơi trần sự thật không tô vẽ, con người thực bên trong. Đây đó, đôi câu về một sự nghiệp lỡ dở, một cuộc hôn nhân đổ bể, vừa thốt ra đã kìm lại ngay. Có thể hiểu rằng cái ông đầu to, gương mặt thông minh, đôi bàn tay mềm mại gần như mịn màng ngồi đằng kia đang gặp khó khăn với con trai vì cậu này bất mãn với quá khứ của cha. Hai bà mặc áo cổ lông chồn, nom vẫn còn hấp dẫn dưới ánh sáng các-bua, tuyên bố họ đã mất niềm tin, nhưng không nói rõ là niềm tin vào cái gì. Cho đến nay, chúng tôi vẫn không biết gì về quá khứ của ông đầu to cũng như về loại khó khăn mà cậu con trai đã gây ra cho ông vì cái quá khứ mập mờ đó; cũng ví như khi đẻ trứng - mong quý vị bỏ qua cho cách so sánh này - người ta bảo: "dặn đi, dặn đi..."
Những nỗ lực "dặn" trong Hầm Hành chỉ đem lại kết quả nghèo nàn cho tới khi Schmuh xuất hiện với chiếc khăn đặc biệt của ông. Sau khi cảm ơn các vị khách ưu nhã đã chào đón ông bằng một tiếng "A!" hoan hỉ, ông biến mất vài phút đằng sau một tấm rèm ở cuối Hầm, nơi có phòng vệ sinh và buồng kho.
Nhưng tại sao người ta lại "A!" lên một tiếng còn hoan hỉ hơn lúc trước, một tiếng "A!" như tiếng thở phào nhẹ nhõm, khi ông chủ xuất hiện trở lại? Chủ nhân một câu lạc bộ đêm thành công biến sau một tấm rèm, lấy một cái gì đó trong buồng kho, khẽ rầy la người nữ nhân viên coi phòng vệ sinh đang ngồi đọc một tờ họa báo, xuất hiện trở lại trước tấm rèm và được chào mừng như Đấng Cứu Thế, như ông chủ huyền thoại từ Australia trở về!
Schmuh trở lại với một cái giỏ trên tay và đi vào giữa đám khách. Cái giỏ được phủ một chiếc khăn kẻ ô xanh và vàng. Trên chiếc khăn, la liệt những thớt gỗ nhỏ đẽo thành hình lợn và cá. Ông trao những thứ đó cho khách kèm theo những lời chúc tụng và những động tác cúi chào chứng tỏ rõ ràng là ông đã lớn lên ở Budapest và Vienna. Nụ cười của Schmuh giống như nụ cười trên một phiên bản của một phiên bản từ một bức Mona Lisa được coi như là bản gốc.
Tuy nhiên, các vị khách coi bộ rất nghiêm túc khi nhận những thớt gỗ nhỏ nọ. Một số người đánh đổi với người bên cạnh vì lẽ người thích lợn, kẻ lại thích cá (nom nó bí ẩn hơn!). Họ hít hít những miếng gỗ, chuyền quanh. Schmuh, sau khi phân phát cho khách ở đường hầm, chờ cho tất cả những thớt gỗ đã yên chỗ.
Bấy giờ - và mọi con tim đều ngóng đợi - ông lật chiếc khăn lên, rất giống một nhà ảo thuật: bên dưới, lại một chiếc khăn nữa và trên đó, là những con dao bếp nhưng mới thoạt nhìn thì khó mà nhận ra ngay.
Cả những thứ này, ông cũng phân phát suốt lượt. Nhưng lần này ông đi tua nhanh hon, khuấy lên sự căng thẳng hồi hộp cho phép ông đặt giá cao; ông không chúc tụng nữa và không để cho khách có thì giờ đổi dao cho nhau; động tác của ông biểu hiện một sự vội vàng có tính toán. "Vào vạch, chuẩn bị," ông hô. Đến hai tiếng "Xuất phát," ông giựt chiếc khăn ra khỏi giỏ, vục tay vào giỗ và chìa ra, phân chia, phân phát cho đám đông... những củ hành - hệt như những củ hành vẽ trên chiếc khăn của ông, vàng kim, hơi cách điệu, những củ hành tầm thường, không phải loại củ đẹp như hoa uất kim hương, mà là loại các bà nội trợ vẫn mua ngoài chợ, loại các bà hàng rau quả vẫn bán, loại các gia đình nông dân - chồng, vợ hay người làm mướn - vẫn trồng và thu hoạch, những củ hành như ta có thể thấy trên những tranh tĩnh vật của các bậc thày hạng hai của Hà Lan. Vậy là những củ hành loại đó, Schmuh đem phân chia giữa đám khách cho đến khi mỗi người đều có một củ và không còn nghe thấy tiếng động nào khác ngoài tiếng bếp lò ro ro và tiếng đèn đất xè xè. Bởi vì tiếp theo nghi thức trang trọng phân phối hành là im lặng. Giữa im lặng đó, Ferdinand Scbmuh cất tiếng: "Xin mời quý bà quý ông!". Và ông vắt một đầu khăn lên vai trái như một vận động viên trượt tuyết trước khi xuất phát. Đó là hiệu lệnh.
Người ta bắt đầu bóc hành. Nghe nói hành có tới bảy lớp vỏ. Quý bà quý ông bóc hành bằng dao bếp. Họ bóc lớp vỏ thứ nhất, thứ ba, lớp màu vàng rơm, lớp màu vàng kim, lớp màu nâu gỉ sắt, hay chuẩn hơn, màu hành, họ bóc cho đến khi củ hành trở nên trong như thuỷ tinh, xanh xanh, trăng trắng, âm ẩm, tiết ra một thứ nước dinh dính, cho đến khi hăng sè mùi hành. Rồi họ thái nó như thái hành, khéo léo hay vụng về, trên những mảnh thớt nhỏ hình lợn hoặc cá; họ thái dọc thái ngang cho đến khi nước hành tóe ra, bốc hơi - các ông già không thạo sử dụng dao bếp phải thận trọng để khỏi cắt phải tay, mặc dầu vậy một số vẫn bị đứt tay lúc nào không biết - các bà thì khéo hơn, nhất là những bà nội trợ quen làm những món ăn có hành; nhưng trong Hầm hành của Schmuh, không làm món ăn và ai muốn ăn thì đến chỗ khác, đến quán Cá chẳng hạn, vì ở Hầm Hành, người ta chỉ thái hành thôi. Nhưng tại sao lại là hành? Bởi vì đó là tên của câu lạc bộ này. Hầm Hành có đặc sản riêng của nó: hành. Và hơn nữa, hành thái nhỏ, khi ta nhìn thật gần... nhưng thôi, nói vậy là đủ. Các vị khách của Schmuh đã thôi không nhìn nữa, họ không thể nhìn thấy gì nữa, bởi vì mắt họ giàn giụa nhưng không phải vì tim họ đầy tràn. Không, không phải hễ tim đầy tràn thì tất yếu mắt phải lã chã giọt châu, một số người không bao giờ nhỏ được một giọt nước mắt, nhất là ở thế kỷ của chúng ta, cái thế kỷ mà bất luận mọi đau buồn và thống khổ, chắc chắn sẽ bị hậu thế coi là thế kỷ ít nước mắt nhất. Chính cái sự hạn hán nước mắt ấy đã thúc đẩy những người còn hạch nước mắt đến Hầm Hành của Schmuh, ở đó ông chủ phát cho họ một cái thớt nhỏ xíu - hình lợn hoặc cá - một con dao bếp với giá tám mươi pfennig và một củ hành bình thường trồng ở vườn với giá mười hai mark để cho họ thái nhỏ ra, nhỏ nữa, nhỏ mãi, kỳ đến khi nước hành bắt đầu phát huy hịêu quả. Hiệu quả gì? Hiệu quả mà thế giới này cùng với tất cả những đau thương của nó không tạo nên được: giọt nước mắt người tròn trĩnh. Phải, nước hành làm người ta khóc. Cuối cùng thì họ lại có thể khóc được. Khóc đến nơi đến chốn, không kiềm chế, khóc như điên. Nước mắt trào ra, cuốn đi tất cả. Mưa ập đến. Sương trong. Oskar hình dung những cửa cống mỏ, nhưng con đập vỡ tung trong dòng lũ mùa xuân. Tên nó là gì nhỉ, cái dòng sông cứ mùa xuân đến lại tràn bờ mà chính phủ chẳng làm gì để ngăn lại?
Sau trận lũ lụt trị giá hai mươi mark tám mươi ấy, những con người đã có dịp khóc thoải mái, bắt đầu mở miệng nói. Vẫn còn dè dặt như thể ngỡ ngàng về sự sống sượng của những lời lẽ do chính mình nói ra, những người vừa khóc giờ bộc bạch tâm can với những người ngồi bên cạnh trên những chiếc hòm tuềnh toàng phủ bao tải, tự nguyện để cho họ hỏi han, lộn trái mình từ trong ra ngoài như lộn áo. Nhưng Oskar, mắt ráo hoảnh, cùng với KLepp và Scholle ngồi sau cái cầu thang vốn là thang lên ca-bin tàu biển, sẽ kín miệng; trong toàn bộ những thổ lộ, tự thú, tự kết tội lọt vào tai, gã sẽ chỉ kể câu chuyện về cô Pioch bao lần mất đi mất lại người tình là ông Vollmer khiến tim thành chai và mắt cạn khô đến nỗi cần phải thường xuyên tới Hầm Hành của Schmuh.
Chúng tôi gặp nhau trên tàu điện, cô Pioch kể sau khi đã khóc thỏa thích. Tôi vừa ở hiệu sách về (cô là chủ một hiệu sách rất tốt mà cô tự điều hành lấy). Tàu chật ních và Willy - tức là ông Vollmer - giẫm lên chân phải tôi, ảnh giẫm mạnh đến nỗi tôi không đứng nổi trên cái chân đó nữa và chúng tôi yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi cũng không đi được nữa nên ảnh đưa tay cho tôi vịn, tháp tùng tôi, đúng hơn là bế tôi về nhà. Và từ hôm ấy, ảnh âu yếm chăm sóc cái móng chân tím bầm lại dưới gót chân ảnh. Ảnh yêu tôi, chứ không chỉ riêng ngón chân tôi, cho đến khi cái móng bong ra khỏi ngón - cái ngón cái bên phải ấy - và không có gì ngăn nổi một cái móng mới mọc thế vào chỗ ấy. Ngay hôm cái móng chết rụng đi, tình yêu của ảnh bắt đầu nguội lạnh, cả hai chúng tôi đều đau khổ vì chuyện ấy. Chính vào thời gian này - cách nào đó, ảnh vẫn còn yêu tôi vì chúng tôi có nhiều điểm hợp nhau - Willy đã nảy ra ra cái ý ghê gớm. ấy. Hãy để anh, ảnh van nài, giẫm lên ngón cái chân trái em cho đến khi nó tím bầm lại. Tôi thuận tình và ảnh giẫm. Một lần nữa, ảnh lại yêu tôi hết mình và tình yêu đó kéo dài - đến khi móng cái của tôi, tức thị là bên chân trái, rụng đi như một chiếc lá úa. Và thế là mối tình của chúng tôi lại sang thu. Willy muốn tái diễn với ngón cái chân phải của tôi mà móng của nó đã mọc đầy lại. Nhưng tôi không chịu. Nếu tình yêu anh dành cho em thật sự mãnh liệt, tôi nói, thì nó phải bền lâu hơn một cái móng chân. Anh có vẻ như không hiểu nổi và bỏ tôi. Mấy tháng sau, chúng tôi gặp nhau trong một cuộc hoà nhạc.Tình cờ, có một ghế trống bên cạnh tôi và sau giờ giải lao, ảnh đến ngồi vào đó. Người ta chơi bản Giao hưởng số chín 3 . Khi chương hợp xướng bắt đầu, tôi rút chân phải ra khỏi giày và giơ ra trước ảnh. Ảnh lấy hết sức bình sinh dận lên đó, vậy mà tôi không hề làm điều gì ảnh hưởng đến buổi hoà nhạc. Bảy tuần sau, Willy lại bỏ tôi. Chúng tôi còn có hai lần tái hồi ngắn ngủi nữa; thêm hai lần tôi chìa ngón chân ra, đầu tiên là chân trái, rồi đến chân phải. Bây giờ cả hai ngón chân cái của tôi đều tàn phế. Móng không mọc lại được nữa. Thi thoảng Willy đến thăm tôi. Run rẩy vì thương cảm cho tôi và cho chính mình, ảnh ngồi dưới chân tôi trên thảm và, bằng con mắt cạn khô cả lệ lẫn tình yêu, trân trân nhìn hai nạn nhân mất móng của cuộc tình chúng tôi. Đôi khi tôi bảo: Lại với em, Willy, rồi chúng ta cùng đến Hầm Hành của Schmuh khóc một chầu cho đã. Nhưng cho đến nay, ảnh vẫn không chịu. Tội nghiệp trái tim đau của ảnh không biết đến sự an ủi của nước mắt.
Về sau - điều này Oskar tiết lộ chỉ để thoả mãn trí tò mò của quý vị mà thôi - ông Vollmer (tiện thể xin nói là ông ta bán ra-đi-ô) cũng có đến Hầm Hành. Họ cùng khóc và hình như, theo Klepp nói với tôi vào buổi đến thăm hôm qua, họ vừa mới làm lễ thành hôn.
Những bi kịch cơ bản của kiếp nhân sinh, những nỗi niềm chất chứa trong lòng được hành đem lại chút xả hơi trong khoảng từ thứ ba đến thứ bảy - Hầm Hành đóng cửa vào chủ nhật. Nhưng những trận khóc dữ dội nhất lại diễn ra vào thứ hai, khi mà Hầm của chúng tôi được dành riêng cho lớp trẻ: hằng tuần, vào ngày thứ hai, Schmuh phục vụ sinh viên với nửa giá. Khách lui tới thường xuyên nhất là nam nữ sinh viên y khoa hoặc dự bị đại học y khoa. Một số sinh viên mỹ thuật, đặc biệt những cô cậu dự định sau này sẽ dạy vẽ, cũng chi vào hành một phần thu nhập chính của mình. Nhưng, tôi thường tự hỏi, các cô cậu còn đang học năm cuối trung học lấy tiền đâu cho khoản chi này?
Lớp trẻ có cách khóc khác. Họ có những vấn đề hoàn toàn khác với các bậc cha anh, nhưng điều đó không có nghĩa là thi cử là nguồn gốc duy nhất tạo nên những lo âu của họ. Ôi, có biết bao chuyện xung đột giữa cha và con trai, mẹ và con gái đã được thổ lộ trong Hầm Hành! Khá nhiều thanh niên cảm thấy người đời không hiểu mình, nhưng phần lớn đã quen, chả việc gì phải khóc. Oskar lấy làm mừng khi thấy tuổi trẻ vẫn còn có thể khóc vì tình yêu, chứ không phải chỉ vì không thoả mãn tình dục. Gerhard và Gudrun là một thí dụ.
Hồi đầu, họ ngồi ở tầng dưới; mãi về sau, họ mới cùng nhau khóc trong đường hầm. Nàng cao lớn, lực lưỡng, một vận động viên bóng ném và sinh viên hóa học. Tóc búi sau gáy. Cặp mắt hiền mẫu màu xám luôn nhìn thắng trước mặt khiến tôi nhớ đến những áp-phích của Hội Phụ Nữ trong thời chiến.
Mặc dầu trán nàng mịn màng, trắng như sữa và ngời ngời sức khoẻ, bất hạnh lại ở chính mặt nàng. Hai má nàng, cái cằm rắn rỏi tròn trĩnh của nàng cho đến cục hầu đều mang dấu vết tệ hại của một bộ râu um tùm bất trị mà cô gái tội nghiệp không sao cạo tiệt đi được. Làn da nhạy cảm của nàng phản ứng mạnh mẽ với lưỡi dao cạo: Gudrun khóc vì những nốt đỏ, những vết nứt nẻ, những mụn trên da mặt, vì bộ râu không ngừng mọc lại. Họ không gặp nhau trên xe điện như cô Pioch và ông Vollmer, mà trên xe lửa. Chàng ngồi trước mặt nàng, cả hai đều trở về từ đợt nghỉ giữa hai học kỳ. Chàng lập tức yêu nàng bất chấp bộ râu. Nàng thì vì bộ râu, không dám yêu chàng, nhưng lại ngưỡng mộ cái mà chàng coi là bất hạnh của mình: cái cằm không râu, nhẵn thín như đít trẻ con, khiến chàng rất bẽn lẽn trước các cô gái. Tuy nhiên, Gerhard lại bắt chuyện với Gudrun và đến lúc xuống tàu ở ga Düssendorf, chí ít họ cũng đã kết bạn với nhau. Sau đó, họ gặp nhau hằng ngày. Họ nói chuyện này chuyện khác và chia sẻ với nhau nhiều ý nghĩ, nhưng không bao giờ đả động đến bộ râu vắng thiếu hay bộ râu ngoan cố hiện diện quá đáng. Gerhard rất ân cần với Gudrun; biết da nàng nhạy cảm, chàng không bao giờ hôn nàng. Tình yêu của họ do vậy vẫn trong trắng, mặc dù cả hai đều không quá coi trọng sự trong trắng bởi nàng theo ngành hóa học còn chàng thì học y. Khi một người bạn gợi ý họ nên đến Hầm Hành, họ mỉm cười khinh mạn với cái vẻ hoài nghi đặc trưng của những người làm nghề hóa và y. Nhưng rồi, cuối cùng, họ cũng đến, nhằm mục đích lấy tài liệu như họ cam đoan với nhau. Chưa bao giờ Oskar thấy những người trẻ tuổi khóc như thế. Họ đến hoài. Họ nhịn ăn để dành sáu mark bốn mươi là phí tổn cho mỗi buổi và họ khóc về bộ râu thiếu vắng và bộ râu hiểm họa cho làn da con gái mềm mại. Đôi khi họ tìm cách tránh xa Hầm Hành. Một hôm thứ hai, họ không đến, nhưng thứ hai sau, họ lại trở lại. Miết dúm hành thái nhỏ giữa những ngón tay, họ thú nhận là họ đã định hà tiện sáu mark bốn mươi, thử làm điều đó trong phòng mình bằng một củ hành rẻ tiền nhưng kết quả không như vậy. Cần có một cử tọa. Khóc tập thể dễ hơn nhiều: nó đem lại cho ta một ý thức thực sự về tình anh em trong đau buồn khi mà bên phải bên trái ta và ở đường hầm trên đầu ta, các bạn sinh viên của ta đều đang khóc đến rã con tim.
Đây cũng là một trường hợp trong đó Hầm Hành không những đem lại nước mắt mà còn dần dần chữa trị thành công, vẻ như nước mắt đã cuốn đi mọi mặc cảm ức chế và kéo họ lại gần nhau. Chàng hôn đôi má lởm chởm của nàng, nàng âu yếm xoa cái cằm nhẵn thín của chàng và rồi một hôm, họ thôi hẳn không còn là khách của Hầm Hành, họ không cần nó nữa. Mấy tháng sau gặp lại họ ở phố Königs-Allee, thoạt đầu Oskar không nhận ra. Anh chàng Gerhard nhẵn nhụi giờ phất phơ một bộ râu vàng hung, còn đám bụi rậm xưa um tùm trên mặt Gudrun chỉ còn là một vệt lông tơ loáng thoáng trên môi trên, rất hợp với nàng. Gằm và má nàng nhẵn mịn, ngời ngời, sạch mọi dấu vết cỏ dại. Vẫn còn đi học nhưng đã cưới, một cặp vợ chồng sinh viên hạnh phúc. Oskar có thể hình dung năm mươi năm sau họ nói chuyện với các cháu nội ngoại. Bà Gudrun: "Đó là vào cái hồi ông nhà mình chưa có râu." Và ông Gerhard: "Dạo ấy, Bà nhà mình đến là khổ vì bộ râu và thứ hai nào ông Bà cũng đến Hầm Hành."
Nhưng, quý vị hẳn sẽ hỏi, thế thì ba gã nhạc công còn ngồi dưới chân thang ca-bin hay cầu thang để làm gì? Một cái cửa hàng hành đầy những tiếng khóc than, rền rĩ và nghiến răng kèn kẹt thì cần gì đến một ban nhạc chính quy được trả lương một cách chính quy?
Khi một đợt khách đã khóc xong và trút vợi nỗi lòng, chúng tôi cầm lấy nhạc cụ và bắc một cây cầu nhạc đưa họ trở lại trò chuyện bình thường như mọi ngày. Chúng tôi giúp cho họ thanh thản rời khỏi Hầm Hành và nhường chỗ cho đợt khách mới. Bản thân Klepp, Scholle và Oskar thì chẳng khoái gì hành. Với lại, trong hợp đồng có một điều khoản cấm chúng tôi "dùng" hành theo cách của khách hàng. Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng không cần đến nó. Scholle-ghi-ta chẳng có lý do gì để đau buồn, lúc nào hắn cũng có vẻ sung sướng và mãn nguyện, kể cả khi hai dây đàn của hắn bựt đứt cùng một lúc giữa chừng một bản rag. Còn Klepp thì cho đến nay, bản thân khái niệm khóc, cười vẫn là một điều nhập nhằng đối với hắn. Nước mắt làm hắn bật cười. Tôi chưa từng thấy ai cười dữ như Klepp trong đám tang bà dì vẫn giặt quần áo và bít tất cho hắn trước khi hắn lấy vợ. Nhưng Oskar thì sao? Oskar có nhiều lý do để khóc. Chẳng phải là gã cũng cần đến nước mắt để cuốn trôi đi ký ức về Xơ Dorothea và cái đêm dài vô bổ trên tấm thảm xơ dừa còn dài hơn cả đêm, đó sao? Và Maria thân yêu của tôi nữa? Rành là nàng cũng là một nguyên nhân khác gây cho tôi buồn tủi. Chăng phải là Stenzel, lão sếp của nàng, tha hồ di đi về về căn hộ ở Bilk bất cứ lúc nào hắn thích đó sao? Chẳng phải Kurt con trai tôi đã quen gọi lão chủ hiệu tạp hoá ấy mới dầu là "bác Stenzel" sau đó là "ba Stenzel" đó sao? Và còn những người nằm sâu trong cát của nghĩa trang Saspe hoặc đất sét của nghĩa trang Brenntau: mẹ tội nghiệp của tôi, Jan Bronski ngốc dại và đáng yêu và Matzerath, người biểu đạt tình cảm bằng những món xúp? Đúng ra phải khóc thương tất cả những người ấy. Nhưng Oskar thuộc số người may mắn còn có thể khóc mà không cần đến hành. Đã có cái trống giúp tôi. Nó chỉ cần dạo mấy nhập phách rất đặc biệt là khiến Oskar tan thành nước mắt không hơn mà cũng chẳng kém những gọt nước mắt mà người ta phải trả giá rất cao ở Hầm Hành mới nặn ra được.
Còn ông chủ Schmuh, ông cũng chẳng bao gờ dùng đến hành. Trong trường hợp của ông, những con chim sẻ ông bắn ở những hàng rào, bụi rậm ngoài trời là cách xả hơi. Thi thoảng, sau khi bắn, Schmuh xếp mười hai con chim sẻ chết thành hàng trên một tờ báo, tưới nựớc mắt trên những nắm lông nhỏ ấy trước khi thân chúng kịp lạnh và, vẫn không ngừng khóc, rắc thức ăn cho chim trên những đồng cỏ ven sông và ném thìa lia trên mặt sông, ở Hầm, ông còn có một cách khác để trút vợi nỗi đau buồn, ông đã nhiễm thói quen mỗi tuần một lần xỉ vả tàn tệ chị lao công coi phòng vệ sinh bằng những từ cổ lỗ như "đồ giăng há", "gái thanh lâu khốn kiếp", "tú bà"... Người ta có thể nghe thấy ông quát: "Xéo đi cho khuất mắt, đồ quái vật nhơ bẩn!" Ông đuổi thẳng chị ta tại trận và thuê một người khác. Nhưng chẳng bao lâu ông đâm bí, không tìm đâu ra người trong coi phòng vệ sinh nữa. ông đành phải thuê lại những người ông đã đuổi. Họ mừng rỡ chấp nhận: những lời chửi rủa của Schmuh chẳng nghĩa lý gì, mà ở đây họ kiếm được tốt tiền. Khách hàng ở Hầm Hành - hẳn là do khóc nhiều - vào phòng vệ sinh luôn xoành xoạch và hơn nữa, người đa lệ thường có chiều hướng hào phóng hơn kẻ mắt ráo hoảnh. Nhất là các quý ông, sau khi xin lỗi "ra ngoài một lát" bằng một giọng nghẹn ngào nước mắt, họ thường dễ thọc tay sâu vào ví. Một nguồn thu nhập khác của các nữ nhân viên coi phòng vệ sinh là bán những chiếc mù-soa trứ danh in hình củ hành với dòng chữ: Trong Hầm Hành. Món hàng này đắt như tôm tươi vì sau khi dùng để lau nước mắt, chúng trở thành vật lưu niệm hấp dẫn và còn có thể chít lên đầu hoặc làm cờ hiệu cho các khách thường xuyên của Hầm Hành treo ở kính chiếu hậu xe hơi của mình, bằng cách đó đem tiếng tăm của Hầm Hành của Schmuh, vào những kỳ đi nghỉ, tới Paris, Côte d'Azur, Roma, Ravenna, Rimini, thậm chí đến cả Tây Ban Nha xa xôi.
Ban nhạc chúng tôi cùng các bài nhạc của mình còn có một nhiệm vụ khác: đôi khi một số khách "chơi" liền tù tì hai củ hành, dẫn tới một sự bùng nổ có thể dễ dàng biến thành một cuộc truy hoan. Schmuh đòi hỏi phải kiềm chế; khi các quý ông bắt đầu tháo cà-vạt và các quý bà quý cô bắt đầu cởi áo cánh, ông liền hạ lệnh cho chúng tôi khởi nhạc xen vào ngăn chặn sự khuấy động bản năng dâm đãng. Dù sao, bản thân Schmuh cũng phải gánh phần lớn trách nhiệm về những tình huống gay cấn này do cái thói quen tệ hại là phục vụ tiếp một củ hành thứ hai cho những vị khách quá nhạy cảm.
Cuộc bùng nổ dữ dội nhất, theo trí nhớ của tôi, đã có ảnh hưởng tới toàn bộ sự nghiệp của Oskar, nếu không muốn nói là một bước ngoặt quyết định. Vợ Schmuh, bà Billy sôi nổi, không hay đến Hầm nhưng mỗi lần đến, bà đều đi cùng những người bạn mà Schmuh không ưa lắm. Một đêm, bà xuất hiện cùng Woode, nhà phê bình âm nhạc và Wackerlei, một kiến trúc sư có thói quen hút tẩu. Cả hai người này đều là khách quen, nhưng nỗi buồn của họ thuộc loại đáng chán nhất. Woode khóc vì lý do tôn giáo - y luôn luôn cải giáo hoặc tái cải giáo từ đạo này sang đạo khác. Còn Wackerlei, người hút tẩu, thì đến giờ vẫn còn than tiếc một chức giáo sư mà lão đã từ chối hồi đầu những năm 20 chỉ vì một ả Đan Mạch phóng đãng sau đó đã bỏ lão để lấy một gã người Nam Mỹ và đẻ sáu con với gã; điều này vẫn còn gây buồn bực cho Wackerlel, khiến cho cái tẩu của lão cứ tắt hoài tắt huỷ. Chính cái tay Woode quỷ quyệt đã thuyết phục bà Schmuh thái một củ hành. Bà thái, nước mắt trào ra và bà bắt đầu giãi bày. Bà phanh phui Schmuh, kể những chuyện mà Oskar vì tế nhị sẽ không nhắc đến. Phải mấy vị khách lực lưỡng hợp sức lại mới ngăn nổi Schmuh khỏi xông vào vợ mình - xin đừng quên rằng trên mỗi bàn đều có dao bếp. Dù sao mặc lòng, Schmuh cũng bị cưỡng chế cho đến khi bà Billy hớ hênh có thể chuồn khỏi cùng hai người bạn Woode và Wackerlei.
Schrmuh rất đỗi bối rối. Điều đó biểu hiện rõ ở cái cách ông không ngừng đưa cả hai tay lên sửa đi sửa lại chiếc khăn quàng in hình những củ hành. Mấy lần ông biến vào sau tấm rèm và chửi rủa chị nhân viên coi phòng vệ sinh. Cuối cùng, ông trở lại với một giỏ đầy và bằng một giọng hân hoan cuồng loạn, tuyên bố với khách rằng ông, Schmuh đây, đang lên cơn hào phóng và sẽ đãi không một chầu hành cho tất cả. Nói rồi, phân phát luôn.
Đối với Klepp, mọi trạng huống của con người, dù đau đớn đến mấy, cũng chỉ là một trò đùa hay ho, nhưng lần này, hắn cảm thấy nghiêm trọng và cầm cây sáo lên trong tư thế sẵn sàng. Bởi vì chúng tôi biết việc cho những con người ở trạng thái căng thẳng cao độ này liên tiếp hai suất tháo dòng lũ nước mắt có khả năng cuốn băng tất cả, là nguy hiểm biết nhường nào.
Thấy chúng tôi cầm nhạc cụ ở tư thế sẵn sàng, Schrmuh bèn cấm chúng tôi không được chơi, ở các bàn, dao bếp bắt đầu làm việc. Những lớp vỏ ngoài đẹp đẽ bị vứt bỏ vung vãi, dao xắn vào lớp thịt hành trong nhờ nhờ với những vệt xanh nhạt. Lạ thay, nước mắt không bắt đầu từ phía nữ. Những quý ông ở tuổi tráng niên - ông chủ một xưởng xay bột lớn, một chủ khách sạn cùng bồ trai son phấn nhẹ nhàng, một ông quý phái trong hội đồng của một hãng kinh doanh quan trọng, cả một bàn gồm các nhà sản xuất y phục nam về dự hội nghị ở thành phố, tay kép hói mà ở Hầm, người ta thường gọi là ông Kèn Kẹt vì bao giờ ông ta cũng nghiến răng kèn kẹt khi khóc - tất cả đều lã chã nước mắt trước các bà các cô. Nhưng cả bên nam lẫn bên nữ đều không trút những giọt nước giải thoát và xả hơi như với củ hàqh đầu tiên. Đây là một cơn khóc co giật, điên dại. Kèn Kẹt nghiến răng nghe rợn đến đông cả máu; nếu ông ta đang ở trên sàn diễn, khéo cả rạp cùng nghiến răng với ông mất. Ông chủ nhà máy xay rũ cái đầu tóc hoa râm chải mượt trên mặt bàn. Ông chủ khách sạn hòa những co giật của mình với những quằn quại của cậu bồ trẻ thanh tú. Schmuh đứng cạnh cầu thang thả chiếc khăn rủ xuống, dõi nhìn đám người gần như lồng lộn với một niềm thoả mãn hiểm độc. Đột nhiên một bà đứng tuổi xé toạc áo nịt ngực trước mặt anh con rể. Cậu bồ trẻ của ông chủ khách sạn, vốn đã được chú ý do vẻ hấp dẫn hơi khác thường, cởi áo phô cái mình trần da đồng hun và nhảy lên bàn biểu diễn một điệu múa có lẽ của một nước phương Đông nào đổ. Cuộc truy hoan đang dậy men. Nhưng mặc dầu khởi đầu khá dữ dội, nó vẫn buồn tẻ, thiếu cảm hứng không bõ mất công mô tả chi tiết.
Schmuh thất vọng, cả Oskar cũng nhướn mày lên ngán ngẩm. Một vài màn thoát y vũ tươi mát; mấy chàng xuất hiện với đồ lót nữ; mấy nàng thắt cà-vạt và mang đai đeo quần; một hai cặp kéo nhau xuống gầm bàn; Kèn Kẹt nhai một cái xú-chiêng và có vẻ như đã nuốt chửng một phần.
Huyên náo dễ sợ, những tiếng gào, hú chẳng có thực chất gì đằng sau. Cuối cùng, ngán ngẩm và có lẽ cũng sợ cảnh sát đến. Schmuh rời bỏ vị trí bên Gầu thang, cúi xuống phía chúng tôi, khẽ thúc vào Klepp, rồi vào tôi và rít lên qua kẽ răng: "Nổi nhạc lên! Vì Chúa, hãy chơi một cái gì cho chúng dừng lại đi!"
Nhưng sự tình lại xoay ra thế này: vốn tính dễ chiều, Klepp đang khoái. Hắn cười lăn cười lộn, không làm gì được với cây sáo của mình. Scholle, vốn coi Klepp như thày mình, bắt chước mọi hành động của Klepp, cho chí tiếng cười. Còn lại có mình Oskar - nhưng Schmuh có thể trông cậy vào tôi đây! Tôi kéo cái trống từ dưới gầm ghế lên, uể oải châm một điếu thuốc và bắt đầu dạo trống.
Không hề có ý tứ gì trước, tôi vẫn làm cho thính giả hiểu mình. Tôi quên đi mọi lề lối chơi nhạc quán bar. Tôi cũng không chơi jazz. Tôi không muốn người ta coi tôi là một thằng cha mê cuồng bộ gõ. Phải, tôi là một tay trống tốt, nhưng không phải một gã jazz-cuồng. Hẳn nhiên là tôi thích jazz, nhưng tôi cũng thích cả những điệu van-xơ thành Vienna nữa. Tôi biết chơi cả hai, nhưng tôi còn chơi được cả cái khác nữa. Khi Schmuh yêu cầu tôi đưa trống tôi vào cuộc, tôi không chơi những gì tôi đã học được, tôi chơi bằng trái tim tôi. Đây là một chú bé Oskar ba tuổi cầm dùi trống lên. Trống tôi trở ngược về xưa, gợi lên hình ảnh thế giới trong con mắt một đứa trẻ lên ba. Và điều đầu tiên tôi làm đối với những con người hậu chiến không quậy nổi một cuộc truy hoan thật sự này là thắng cương cho họ. Tôi cầm cương đưa họ về phố Posadowski-Weg, đến vườn trẻ của Cô Kauer. Được rồi, nhong nhong, hàm dưới họ đã trễ xuống, họ nắm tay nhau, xoay đầu ngón chân vào trong và chờ tôi, Người Thổi Sáo Dụ Chuột. Tôi rời vị trí dưới cầu thang và đi lên dẫn đầu. "Nướng, nướng, nướng bánh" - đó là tiêu mẫu đầu tiên của tôi. Nhận thấy mình đã thành công - một niềm vui trẻ thơ bao trùm khắp chỗ - tôi quyết định cho họ một mẻ sợ bạt vía. "Đâu rồi mụ phù thuỷ đen như hắc ín?" Và tôi gõ trống vẽ lên hình ảnh mụ phù thuỷ đen độc ác thỉnh thoảng vẫn làm tôi khiếp hãi trong thời thơ ấu và những năm gần đây càng làm tôi sợ hơn: to đùng, đen như than, mụ lồng lộn khắp Hầm Hành. Bằng cách ấy, tôi đã đạt kết quả mà Schmuh phải cần đến hành mới đạt được. Các vị khách nam và nữ khóc những giọt nước mắt trẻ thơ to tròn. Họ sợ tái xanh tái tử, run cầm cập, xin tôi rủ lòng thương. Thế là để trấn an họ và một phần để giúp họ mặc lại quần áo - nhung, lụa, xa-tanh - và đồ lót, tôi gõ tiếp: "Lơ, lơ, lơ, áo tôi màu lơ," và "Đỏ, đỏ, đỏ, quần áo tôi màu đỏ," hoặc "Xanh, xanh, xanh..." và "Vàng, vàng, vàng..." Khi tôi điểm hết các màu quen thuộc, thì những người được tôi chăm sóc đều đã y phục chỉnh tề. Tôi bèn sắp xếp họ thành một đám rước, dẫn họ đi qua Hầm Hành như thể diễu qua đường Jeschkentaler-Weg. Tôi dẫn họ trèo lên Gò Erbsberg, vòng quanh tượng đài Gutenberg xấu dễ sợ. Trên đồng cỏ Thánh Jean, trống tôi làm nở rộ những bông cúc tương tư cho các quý bà quý ông tha hồ hái trong niềm vui hồn nhiên ngây thơ. Rồi cuối cùng, muốn đem lại cho tất cả những người có mặt, kể cả ông chủ Schmuh, một cái gì giúp họ nhớ lại thời đi vườn trẻ, tôi cho phép tất cả bọn họ tè. Chúng tôi đang đến gần Khe Núi của Quỷ, một nơi hắc ám, vừa đi vừa nhặt hạt giẻ gai và trống tôi nói: bây giờ, các con có thể mở vòi. Và họ bèn lợi dụng thời cơ. Tất cả các quý ông quý bà, ông chủ Schmuh, cả chị nhân viên coi phòng vệ sinh ở phía sau, tất cả đều tưới, tè-è-è, tè-è-è-tè-è-è, họ cúi gập người, lắng nghe cái âm thanh mình đang phát ra ướt đẫm quần trong quần ngoài. Chỉ đến khi tiếng nhạc đó bặt dần - Oskar chỉ đệm theo khe khẽ bằng một nhịp rền xa vắng để làm bật hiệu quả cái âm thanh tuổi thơ ấy - tôi mới nện một tiếng bùm! lớn, chuyển qua khúc vui xả láng. Khắp chung quanh tôi, mọi người reo hò, cười khanh khách, bi bô những chuyện không đâu như trẻ con.
Tan tành ô cửa kính
Uống bia tươi với đường
Cô Hạt Mít má phính
Thổi kèn dưới hàng dương
Tôi dẫn họ ra phòng gửi quần áo, ở đó một gã sinh viên ngỡ ngàng giao trả áo ngoài cho đám học sinh mẫu giáo của Schmuh; rồi, theo tiết tấu của bài đồng dao quen thuộc "Các cô thợ giặt cần mẫn", tôi dạo trống đưa họ lên các bậc bê-tông, qua trước mặt người gác cổng khoác tấm da cừu quê mùa. Tôi tạm biệt các học sinh mẫu giáo dưới bầu trời đêm mùa xuân 1950 lành, lạnh, chi chít sao như trong truyện thần tiên tựa hồ được tạo nên cho phù hợp với hoàn cảnh. Quên lối về nhà, hồi lâu họ tiếp tục những trò nghịch ngợm con nít trong Khu Phố Cổ cho đến khi, chung cuộc, cảnh sát phải giúp họ nhớ ra tuổi tác, nhân thân, số điện thọai và địa vị xã hội của mình.
Cười thoải mái và vuốt ve cái trống, tôi quay về Hầm Hành, ở đó Schmuh vẫn đang vỗ tay, dạng chân đứng cạnh cầu thang, hai ống quần ướt sũng, dường như cảm thấy trong vườn trẻ của cô Kauer cũng sung sướng như trên đồng cỏ ven sông Rhine khi xách súng đi bắn chim sẻ ở tuổi thật của mình.
--- ------ ------ ------ -------
1. Mội hình thức nhạc jazz rất giậm giật.
2. Món ăn Ý gồm thịt băm và phó-mát cuộn bột, gần như bánh cuốn của ta.
3. Tác phẩm bất hủ của L. Beethoven.