XII. Dấu vết của số phận


Số từ: 14638
Người dịch: Nguyễn Kim Ngọc
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
HỌ MÁY MÓC ĐI QUA NHỮNG THỦ TỤC của buổi sáng bao gồm tắm rửa, vệ sinh, và pha trà. Chỗ bị đấm trên bụng Om đau ngâm ngẩm, nhưng cậu không nói gì với bác. Họ rón rén vào phòng Maneck để xem cậu ta ra sao. Cậu vẫn còn ngủ. Trên gối cậu có mấy đốm bẩn; đêm qua môi và mũi của cậu lại bật máu. Họ liền gọi Dina vào xem.
Cô đang dượt lại cuộc gặp với Nusswan trong đầu, tưởng tượng ra bộ mặt vênh váo của ông ta, vẻ mặt khẳng định vị trí không gì thay thế nổi của ông. Cô cúi xuống nhìn Maneck, dáng ngủ của cậu mới thơ ngây làm sao, cô thầm nghĩ, trong lòng nôn nao muốn vuốt lên trán cậu. Môi cậu đen sì lại ở chỗ máu đã đóng cục. Dòng máu cuối cùng rỉ ra từ lỗ mũi cũng đã keo lại. Họ nhẹ nhàng rút khỏi phòng.
Cậu ấy không sao đâu,
cô nói khẽ.
Vết rách khô rồi, cứ để cậu ấy ngủ.

Khi cô đang sửa soạn để đến công ty của anh trai, Ông trùm ăn mày ghé qua, chiếc cặp táp xích vào cổ tay trái. Hôm nay là ngày ông đi thu tiền theo lịch. Ishvar đã để riêng món tiền trả góp từ khoản tiền công tuần trước, cất kĩ trong tủ búp phê của Dina.
Cô hối ông báo trước với Ông trùm rằng họ sẽ khó lòng lo nổi món tiền cho tuần tới.
Thà rằng cứ nói trước, còn hơn để ông ta vác gậy đến tìm.

Ông trùm lắng nghe vẻ hoài nghi. Chiếu theo kinh nghiệm của bản thân ông, câu chuyện về vụ quấy rối lúc nửa đêm của bọn đầu gấu nghe quá kịch tính đến khó tin. Ông ngờ rằng khách hàng của mình đang bịa chuyện, tính đường phản bội bản hợp đồng giữa đôi bên.
Họ bèn dẫn ông vào nhà, chỉ cho ông xem những ô cửa vỡ vụn, hai cái máy may bị đập tan nát, đống váy rách và những súc vải vấy bẩn, ông bị thuyết phục ngay tức khắc.
Tệ quá,
ông ta nói.
Tệ quá đi mất. Bọn này chắc cũng chỉ là dạng ấm ớ thôi nên mới cư xử như thế.


Đời tôi xong rồi,
Dina nói.
Đấy không phải lỗi của hai người thợ nếu họ không thể trả tiền ngài vào tuần sau.


Cứ tin tôi, họ sẽ trả được,
ông ta nói giọng nghiêm nghị.

Nhưng bằng cách nào?
Ishvar cật vấn.
Nếu chúng tôi bị tống ra đường và không thể làm việc được? Xin ngài rủ lòng thương chúng tôi.

Chẳng thèm lý gì đến ông, Ông trùm ăn mày đi quanh phòng, xem xét, gõ khục tay lên mặt bàn, ghi ghi chép chép vào cuốn sổ tay nhỏ.
Cho tôi biết cần bao nhiêu tiền để khắc phục hết những hư hại này.


Nói ra phỏng ích gì nữa?
Dina hét lên.
Mấy thằng côn đồ đấy sẽ quay lại ngay ngày mai nếu chúng tôi không dọn đi! Thế mà ông còn phí thì giờ để ngồi tính toán nữa ư? Tôi còn nhiều chuyện cấp bách hơn phải lo, còn phải tìm chỗ mà trú thân đây!

Ông trùm rời mắt khỏi cuốn sổ và ngẩng đầu lên, vẻ hơi ngạc nhiên.
Cô đã có chỗ trú thân rồi còn gì. Ngay tại đây.
Đây là căn hộ của cô mà, không phải ư?
Nghe câu hỏi ngớ ngẩn, cô nóng nảy gật đầu.

Lũ đầu gấu này đã mắc một sai lầm rất lớn,
ông ta tiếp,
và tôi sẽ giúp chúng sửa sai.


Khi chúng quay lại đây ư?


Chúng sẽ không quay lại nữa đâu. Hai người các anh đã trả tiền rất đầy đủ, nên các anh không phải lo lắng gì hết – các anh đã có tôi bảo vệ. Mọi việc sẽ được lo đâu vào đấy. Nhưng nếu không biết mức độ hư hại, làm sao tôi bồi thường cho mấy người được? Mấy người có muốn khởi động lại cái xưởng may này không đấy?

Giờ đến lượt Dina tỏ vẻ nghi ngờ.
Ông làm gì, công ty bảo hiểm chắc?

Đáp lại, ông chỉ mỉm cười khiêm tốn.
Đằng nào cũng chẳng còn gì để mất, cô nghĩ, và bắt đầu lấy số mét vải hỏng trong súc vải của Công ty Au Revoir nhân với giá tính theo thước. Thiệt hại tổng cộng chín trăm năm mươi rupi cộng thuế. Ishvar ước tính chi phí để sửa hai chiếc máy may vào khoảng sáu trăm. Toàn bộ dây gioăng cùng kim đều hỏng hết; còn hai bánh đà cùng bàn đạp sẽ phải được chỉnh lại hoặc thay thế, chưa tính một cuộc đại tu tổng thể.
Ông trùm ghi hết lại, cộng thêm phí tổn về đệm ngủ bị rạch rách, gối nằm, ghế đẩu gỗ, sô pha, gối tựa, và cửa sổ.
Còn gì nữa không?


Cái ô nữa,
Maneck nói, cậu bị tiếng người nói chuyện đánh thức.
Chúng làm gãy mấy cái nan ô.

Ông trùm thêm vào danh sách, rồi ghi lại địa chỉ văn phòng của ông chủ nhà và các chi tiết mô tả hai tên côn đồ.
Tốt rồi,
ông ta nói.
Tôi chỉ cần có thế. Nếu lão chủ nhà chưa biết mấy người là khách hàng của tôi, lão sẽ sớm biết thôi. Lão sẽ đền bù mọi thiệt hại một khi đã được tôi ghé chơi. Giờ thì đừng lo lắng gì nữa, chỉ cần đợi tôi thôi, tối nay tôi sẽ quay lại.


Tôi có nên đi báo cảnh sát không?
Dina hỏi.
Ông ta đưa mắt nhìn cô chán nản.
Nếu cô thích. Nhưng như thế chẳng thà cô đi báo cho con quạ đậu trên cửa sổ còn hơn.
Con vật kêu quạ quạ rồi vỗ cánh bay đi mất; ông cảm thấy nói như vậy là đủ sáng rõ.
Lời trấn an của Ông trùm không thể hoàn toàn xoa dịu những mối ngờ vực trong lòng Dina. Cô vẫn tìm đến công ty Nusswan để thông báo tình hình cho ông ta biết. Phòng khi về sau cô còn cần đến ông giúp đỡ, cô nghĩ vậy, không thể nào ông cũng kêu: Mất bò mới lo làm chuồng.
Người truyền tin buồn rầu báo cho cô rằng ngài Nusswan đã rời thành phố đi dự một cuộc họp; lúc nào anh ta cũng thấy thương thay cho cô em gái của sếp.
Phải đến tối mai ông ấy mới về cơ ạ.

Dina rời công ty, trong lòng những muốn tạt qua thẩm mĩ viện Venus và nói chuyện với Zenobia. Nhưng phỏng có ích gì? Những lời an ủi sáo rỗng sẽ chẳng giải quyết được gì; vả lại, nó sẽ đi kèm với câu
Tớ đã bảo rồi mà cậu có nghe đâu
đầy giận dữ của Zenobia.
Cô trở về nhà, thầm khấn Ông trùm sẽ đến. Một mùi thôi thối bám theo cô vào tận nhà, khiến cô không khỏi băn khoăn.
Anh có ngửi thấy mùi gì không?
Cô hỏi Ishvar.
Họ đi quanh hết phòng này đến phòng kia, kiểm tra cả bếp lẫn phòng tắm. Thứ mùi khăm khẳm bám theo họ khắp nơi mọi chốn nhưng không chịu lộ diện.
Có lẽ là mùi ở bên ngoài, từ dưới cống bốc lên,
Om đoán. Nhưng khi họ thò đầu ra ngoài cửa sổ, mùi thối dường như biến mất.

Có lẽ đây là mùi do mấy thằng côn đồ hôi hám kia để lại,
cô nói, và Ishvar gật gù tán đồng. Rồi sau đó, Om, khi đang quỳ gối trên sàn, nhặt nhạnh những vụn kính vỡ cuối cùng còn sót lại, cậu phát hiện ra mùi thối bay ra từ chiếc giày của cô. Cô đã giẫm phải thứ gì đó trên vỉa hè. Cô ra ngoài, cạo thứ bầy nhầy màu nâu nâu khỏi đế giày rồi rửa sạch.
Hầu hết cả ngày hôm đó, Maneck nằm bẹp trên giường cùng cơn đau đầu như búa bổ. Dina và hai người thợ gắng sức khôi phục chút trật tự cho căn hộ tan hoang. Họ quét gom hết chỗ ruột bông, nhồi lại vào vỏ và vá kín những vết rạch, nhưng mấy chiếc gối tựa trông vẫn xẹp lép. Mọi nỗ lực vỗ và lắc đều không tài nào xóa bỏ nổi vẻ èo uột của chúng. Tiếp đến, họ quay sang tẩy những vết nước bã trầu lem luốc khắp nhà.

Có trời mới biết tại sao chúng ta lại phí công phí sức thế này,
cô nói.
Có thể tối mai chúng ta sẽ bị quẳng ra đường, nếu Ông trùm của hai người chỉ nói khoác.


Tôi nghĩ mọi việc sẽ ổn cả thôi,
Ishvar nói.
Lúc nào Shankar cũng bảo Ông trùm thần thế lắm.

Cuối ngày, khi ông nhắc lại câu này đến lần thứ tư, Dina nổi cáu.
Thế ra bây giờ một lão ăn mày bần cùng cụt chân đã trở thành nguồn trí tuệ và lời khuyên của anh rồi phải không?


Không,
Ishvar nói, giọng hốt hoảng.
Nhưng ông ta đã biết Ông trùm từ lâu rồi. Ý tôi là… hồi ở trại lao động, ông ấy chả đã giúp chúng tôi còn gì.


Thế thì tại sao ông ta còn chưa tới? Tối sập rồi kia kìa.


Ông trùm lừa bọn ta rồi,
Om nói. Ông bác cậu không bẻ lại câu nào.
Hi vọng được cứu vớt nhạt dần cùng buổi chạng vạng. Khi đêm tối dày thêm, cả bốn người ngồi trong im lặng, cố gắng mường tượng ra bộ mặt của ngày mai. Thế là hết, Dina thầm nghĩ, chấm dứt cuộc sống độc lập cô đã vất vả bảo tồn suốt bao năm nay. Nuôi hi vọng ở Nusswan cũng chẳng ích gì. Ngay cả luật sư của ông cũng chẳng làm gì nổi nếu bọn đầu gấu của lão chủ nhà vứt hết đồ đạc của cô ra đường. Cái câu đám luật sư hay nói có nghĩa gì nhỉ – xin xỏ cho lắm không bằng nắm trong tay. Và dù trong trường hợp nào, lý tưởng về sự tồn tại độc lập chỉ là ảo tưởng mà thôi. Tất cả mọi người đều phụ thuộc vào một ai đó. Nếu không phải Nusswan, cô sẽ phải tiếp tục dựa dẫm vào hai người thợ may và công ty xuất khẩu Au Revoir – như thế đâu lại hoàn đấy… và có thể Nusswan sẽ gọi một chiếc xe tải đến dọn hết đồ đạc tư trang của cô rồi đưa về nhà của cha mẹ cô – ngôi nhà mà ông ta thường thích gọi là nhà của ông. Lúc nào cũng nhai nhải nghĩa vụ của ông là chăm sóc em gái. Giờ ông ta có thể nói câu đó bất cứ khi nào mình muốn.
Một con mèo ré lên ngoài cửa sổ bếp, cả mấy người cùng ngồi bật dậy, hoảng hốt. Những con mèo khác cũng nối lời.
Chả hiểu cái gì làm chúng sợ thế nhỉ,
Ishvar bồn chồn nói.

Chỉ là thỉnh thoảng chúng thích gào lên thế thôi,
Maneck nói. Nhưng cậu lại ra xem, những người khác cũng đi theo. Trên con ngõ tịnh không có dấu hiệu của bất cứ điều gì bất thường.

Mọi người có nghĩ bọn đầu gấu sẽ quay lại tối nay không?
Om nói.

Ibrahim đưa ta thông báo trong bốn mươi tám tiếng,
Dina nói.
Nên có khi là tối mai. Nghe này, kể cả nếu tôi có nhờ ông anh tôi giúp đi nữa, cơ hội của chúng ta cũng không sáng sủa gì lắm đâu. Thời gian còn ít quá. Và ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi không muốn có thêm bất cứ vụ đánh đấm nào ở đây. Sáng mai, tất cả mọi người phải thu dọn đồ đạc và rời đi. Sau này, nếu tình hình ổn thỏa, mọi người có thể quay về.


Tôi cũng nghĩ y như vậy,
Ishvar nói.
Bác cháu tôi sẽ đến chỗ ông bảo vệ. Còn Maneck có thể thử tìm chỗ trong kí túc xá.


Nhưng chúng ta phải giữ liên lạc mới được,
Om nói.
Không chừng bác cháu nhà cháu có thể may trong nhà của anh trai cô. Kể cả công ty này có cắt hợp đồng thì vẫn còn những công ty khác sẽ giao việc cho cô chứ.


Phải, chúng ta sẽ xoay xở xem sao,
cô nói, chẳng còn lòng dạ nào để cho họ biết Nusswan thể nào cũng cấm tiệt chuyện này.
Nhưng hai người không nên chỉ trông vào mình tôi thôi, hai người phải tìm việc ở những nơi khác nữa.

Maneck vẫn im lặng trong khi ba người kia kiên gan tìm cách cứu vớt những mảnh sinh kế của mình. Toàn bộ kĩ năng dùng kim và chỉ của họ cũng chẳng thể giúp chắp vá nó lại như xưa, cậu nghĩ thầm. Cớ sao cuộc đời lại đối xử với con người ta tai quái làm vậy, xé tan nát những gì tốt đẹp nhưng lại để mặc những thứ tồi tệ sinh sôi nảy nở như nấm mốc trên thức ăn bỏ lây lất ngoài tủ lạnh? Ông thợ sửa bản in Vasantrao Valmik có lẽ sẽ nói tất cả những điều đó là một phần của sự sống, rằng bí quyết sinh tồn là cân bằng giữa hi vọng và tuyệt vọng, là nắm lấy đổi thay. Nhưng nếu nắm phải đau thương và hủy diệt thì sao? Không. Nếu có một cái tủ lạnh đủ to, cậu sẽ có thể bảo quản những giờ phút hạnh phúc trong căn nhà này, giữ cho chúng không bao giờ hư hỏng; cả Avinash và môn cờ vua, những thứ đã bị lên men chua quá nhanh, cậu cũng sẽ cứu chúng; và cả những ngọn núi tuyết, và cửa hàng Bách hóa Tổng hợp, trước khi tất thảy trở nên u ám, trước khi bố thành ra như người nào khác hẳn, còn mẹ biến thành một kẻ nô lệ tự nguyện cho ông.
Nhưng đây là một thế giới không được làm lạnh đủ. Và mọi thứ đều có kết cục thảm hại. Cậu có thể làm gì bây giờ? Ý nghĩ về cái kí túc xá càng khiến cậu buồn mửa hơn bao giờ hết. Và nếu cậu về nhà, những cuộc cãi cọ với bố sẽ lại bùng nổ. Chẳng còn lối thoát nào nữa, với cậu, đây đã là thế chiếu tướng.

Nghe kìa, bọn mèo đã thôi gào rồi,
Ishvar nói.
Im ắng quá.
Họ căng tai lắng nghe. Sự tĩnh lặng cũng làm lòng người xáo động không khác gì những tiếng rú gào trước đó.
Hai người thợ may tắm giặt thật nhanh từ sớm tinh mơ trước khi vòi nước cạn. Không ai dám chắc đến khi nào họ mới lại được hưởng sự xa hoa của căn phòng tắm. Trong tương lai trước mắt, họ chỉ thấy những ngõ hẻm và ống nước đứng.
Maneck chẳng vội vàng gì. Môi cậu hôm nay đã đỡ, vết sưng xẹp dần, cơn đau đầu cũng không còn nữa. Cậu thơ thẩn ngồi quanh, hoặc đi từ phòng này sang phòng kia như thể đang kiếm thứ gì đó.

Nhanh lên, Maneck,
Dina nói,
muộn rồi đấy. Làm gì đi cháu, xếp đồ vào hòm đi. Hoặc sang kí túc xá trước đã, xem xem họ có chỗ cho cháu không.

Cậu quay về phòng, kéo chiếc va li cất dưới gầm giường ra, mở nắp. Vài phút sau, khi cô nhòm vào, cậu đã bày xong bàn cờ, và đang chăm chú nhìn những quân cờ.

Cháu có điên không thế?
Cô mắng.
Thời gian thì sắp hết, mà cháu còn bao nhiêu việc phải làm!


Cháu sẽ làm khi nào thích. Cháu là một con người độc lập, ngay cả khi dì đã buông xuôi.
Cậu cố ý chọn những từ cô vẫn dùng khi nói về bản thân mình.
Lòng đau nhói, nhưng cô lờ đi.
Ăn to nói lớn thì dễ lắm. Để xem cháu độc lập đến đâu khi bọn đầu gấu quay lại và đập toác đầu cháu ra. Xem chừng mới một trận thì cháu chưa ngán đâu nhỉ.


Sao dì phải quan tâm làm gì? Dì cứ thế gói ghém đồ đạc và dọn đi, có thấy luyến tiếc gì đâu.


Luyến tiếc là trò xa xỉ mà dì không đủ sức trang trải. Mà sao cháu phải dài mặt ra thế? Đằng nào cháu chả đi, khi cháu đã lấy được chứng chỉ rồi. Nếu không phải bây giờ, thì cũng là sáu tháng sau.
Cô giận dữ rời khỏi phòng.
Ishvar bỏ bọc đồ ông đang đóng gói dở ngoài hành lang, bước vào. Ông ngồi lên giường, quàng tay lên vai cậu.
Cậu biết không, Maneck, cái mặt con người ta hạn hẹp lắm. Bà cụ nhà tôi từng nói, nếu ta lấp đầy khuôn mặt bằng nụ cười thì sẽ chẳng còn chỗ cho tiếng khóc nữa.


Cụ nói hay quá,
cậu cay đắng đáp.

Lúc này đây, khuôn mặt của cô Dina, của Om, và cả tôi đều bị choán hết chỗ rồi. Lo lắng về công việc và tiền bạc, rồi biết ngủ chỗ nào tối nay nữa. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng tôi không buồn. Nó không hiện ra trên mặt, nhưng nó đang núp bên trong này này.
Ông đặt tay lên tim mình.
Ở trong đây, có không gian vô tận – hạnh phúc, lòng tốt, buồn đau, giận dữ, tình bạn – tất cả đều đặt vừa vào đây.


Cháu biết, cháu biết,
Maneck nói, và bắt đầu cất bộ cờ đi.
Chú sắp đi gặp ông bảo vệ à?


Phải, chúng tôi hẹn trước với ông ấy một câu rồi quay về đây. Để giúp cô Dina dọn đồ.


Trước khi đi đừng quên cho bác cháu tớ địa chỉ kí túc xá nhé,
Om nói.
Sẽ gắng đến đấy thăm cậu.

Maneck lôi hết đồ trong tủ ra rồi gấp quần áo cho vào va li. Dina ngó vào ngỏ lời khen ngợi cậu đã chịu xăm xắn lên.

Cháu giúp dì một việc được không, Maneck?
Cậu gật đầu.

Cháu biết tấm biển tên gắn trên cửa mà nhỉ? Cháu lấy cái tuốc nơ vít trên giá bếp tháo nó ra giúp gì nhé? Dì muốn mang theo.

Cậu lại gật đầu.
Om và Ishvar quay về với tin xấu. Ông bảo vệ đã bị thay thế, và người mới không muốn dính dáng gì đến thỏa thuận cũ với hai người thợ may. Thực ra, anh ta còn nghĩ hai bác cháu thấy anh ta non mặt nên định lừa lọc gì đó.

Giờ tôi chẳng biết phải làm sao nữa,
Ishvar chán nản than.
Chúng tôi sẽ lại phải đi lùng tìm chỗ ngủ khắp các phố thôi.


Còn cháu sẽ lại phải vác cái rương,
Om nói.

Không, cậu không được làm thế,
Dina nói.
Tay cậu sẽ lại bị đau đấy.
Cô đề nghị mang chiếc rương theo đến nhà Nusswan, vờ như đó là một phần tư trang của mình. Khi nào cần quần áo, hai người thợ có thể tới lấy ở cửa sau. Ngôi nhà đó rất to, cô nói, Nusswan sẽ không thấy gì hết, ông ta không bao giờ lai vãng xuống bếp, trừ phi nổi cơn khám xét hay gây sức ép tiền bạc.

Nghe cháu nói này, cháu biết hai người có thể ngủ ở đâu rồi,
Maneck nói.

Ở đâu?


Trong phòng kí túc xá của cháu. Hai bác cháu có thể lẻn vào khi đêm xuống, và lẻn ra mỗi sáng sớm. Rương của hai người để đấy cũng được.

Giữa lúc họ đang xem xét tính khả thi về ý tưởng ấy thì chuông cửa reo. Chính là Ông trùm ăn mày.

Ơn trời ông đã đến!
Ishvar và Dina vội lao ra đón ông ta như một vị cứu tinh.
Om chợt nhớ tới cảnh Shankar ngồi trên bệ lăn khóc sụt sùi, xun xoe quấn lấy Ông trùm khi ông ta xuất hiện ở dự án tưới tiêu. Kí ức ấy khiến cậu hổ thẹn. Lúc đó Ishvar và cậu đã tuyên bố với Ông trùm bằng giọng kiêu hãnh biết bao: Chúng tôi là thợ may, không phải ăn mày.

Có chuyện gì vậy?
Dina hỏi.
Ông nói ông sẽ quay lại vào tối hôm qua cơ mà.


Xin lỗi, tôi bị lỡ hẹn vì có một việc gấp,
ông ta đáp, thích thú với sự chú ý dành cho mình. Ông ta đã quá quen với việc được ăn mày ăn xin sùng bái, nhưng sự tôn kính của những người bình thường còn ngọt ngào hơn gấp bội.

Cái Tình trạng khấn cấp chết bầm này đúng là làm phiền không trừ một ai.


Không, không phải do Tình trạng khẩn cấp đâu,
Ông trùm nói.
Ý tôi là trục trặc về công việc kia. Mấy người không biết, sáng hôm qua, sau khi tôi rời nhà mấy người, tôi nhận được tin là người ta phát hiện ra hai người trong nhóm ăn mày của tôi, một cặp vợ chồng, đã bị giết. Thế nên tôi phải vội đến đấy.


Bị giết!
Dina kêu lên.
Ai lại nhẫn tâm tới mức giết hại cả những người ăn mày nghèo khổ kia chứ?


Ô, vẫn có đấy. Họ bị giết để chiếm số tiền xin được. Nhưng ca này kì quặc lắm, tiền không hề bị đụng đến. Chắc là một thằng tâm thần. Chỉ có tóc của họ bị cắt mất thôi.
Ishvar và Om cùng giật bắn mình, và nuốt nước bọt.

Tóc ư?
Dina hỏi.
Ý ông là tóc trên đầu họ ấy à?


Phải,
Ông trùm nói.
Cạo nhẵn thín. Cả hai vợ chồng đều có mái tóc dài rất đẹp. Chuyện này hiếm thấy lắm. Hay ho ở chỗ phần đông ăn mày đều có mái tóc rất dài, vì họ có tiền cắt tóc đâu, nhưng tóc họ lúc nào cũng bẩn thỉu bù xù. Hai người này thì khác. Họ dành đến hàng giờ làm sạch tóc cho nhau, nhặt chấy nhặt trứng, chải chuốt, rồi tranh thủ gội đầu khi gặp lúc trời mưa hoặc ống nước trên vỉa hè chỗ họ ngồi bị vỡ.


Dễ thương quá,
Dina nói, gật gù cảm thông với những lời miêu tả âu yếm mà Ông trùm dành cho đôi vợ chồng tình nghĩa.

Mấy người sẽ phải ngạc nhiên nếu biết ăn mày cũng giống người bình thường tới mức nào. Dĩ nhiên họ chải chuốt thế thì tóc đẹp cũng chẳng lạ. Nó không tốt cho việc làm ăn chút nào. Tôi cứ phải mỏi mồm bảo hai vợ chồng vò cho tóc rối tung lên, sao cho trông càng thảm hại càng tốt. Nhưng họ kêu là trần đời này họ chẳng còn thứ gì để tự hào nữa trừ mái tóc, và rằng tôi nỡ lòng nào tước bỏ của họ?

Ông ta ngừng lời, ngẫm nghĩ lại câu hỏi cũ.
Tôi biết làm thế nào? Tôi vốn hay mềm lòng, thế là tôi đành chịu thua. Nay hai món tóc đẹp đã khiến họ phải đánh đổi bằng cả mạng sống. Và cướp mất của tôi hai ăn mày tốt.

Ông quay sang hai người thợ may.
Có chuyện gì vậy? Trông cả hai hốt hoảng thế.


Không, có hoảng hốt gì đâu,
Ishvar lắp bắp.
Chỉ ngạc nhiên quá đấy thôi.


Phải,
Ông trùm nói.
Cả cảnh sát cũng sửng sốt không kém. Họ đã nhận được vài đơn trình báo, là các loại đuôi sam và tóc bím dài đang biến mất một cách rất bí ẩn. Đàn bà con gái ra chợ, mua đồ, về nhà, soi gương và phát hiện ra tóc mình đã biến đâu mất. Nhưng chưa bao giờ xảy ra chuyện gì như thế này, chưa từng có ai bị giết hoặc bị thương. Thế nên các thanh tra rất quan tâm đến vụ hai người ăn mày của tôi. Họ cũng thích đổi món. Họ gọi đây là Vụ án Kẻ sát nhân đói tóc.

Ông mở chiếc va li vẫn được buộc chặt vào cổ tay và lấy ra một cuộn tiền dày bự. Sợi dây xích đưa đi đưa lại theo nhịp đếm tiền của tay ông.
Quay lại công việc, đây là số tiền để bù đắp thiệt hại cho mấy người. Mấy người có thể bắt đầu làm việc trở lại rồi.

Ishvar nhường trách nhiệm nhận lấy món tiền cho Dina; tay ông đang run bần bật.
Giữ chặt hai ngàn rupi trong tay, cô vẫn không thể tin nổi Ông trùm ăn mày đã đánh bại lão chủ nhà.
Ý ông là chúng tôi có thể ở lại ư? Có an toàn thật không?


Dĩ nhiên mấy người có thể ở lại. Tôi đã bảo sẽ không có vấn đề gì mà lại. Mấy thằng đấy chọc nhầm ổ rồi.

Hai người thợ may vội vã gật đầu để chuyển lòng tin của mình sang Dina.
Còn một chuyện nữa,
Ishvar nói.
Nhỡ lão chủ nhà phái mấy tay đầu gấu khác đến đây thì sao?


Chừng nào hai người còn đóng tiền cho tôi, lão chủ nhà sẽ không tìm được thằng nào dám đến đây đâu. Tôi đảm bảo.


Thế đến khi chúng tôi đã đóng hết tiền rồi thì sao?


Khi ấy thì tùy hai người. Hợp đồng của chúng ta lúc nào cũng có thể được gia hạn. Tôi sẽ tính rẻ cho hai người, hai người là bạn của Shankar mà. Còn nữa, phải rồi, Shankar gửi lời hỏi thăm hai người. Ông ấy nói dạo này chẳng được gặp hai người gì cả.


Tại lão chủ nhà quấy rối, nên mấy hôm nay chúng tôi có ra Vishram được đâu,
Ishar nói.
Mai chúng tôi sẽ gặp lại ông ấy. À, tôi cứ băn khoăn, không biết Người dạy khỉ và hai đứa cháu của anh ta ra sao rồi?


Tốt, tốt – ý tôi nói hai đứa trẻ. Chúng học nhanh lắm. Người dạy khỉ thì tôi chưa gặp lại. Tôi chưa quay lại trại lao động. Nhưng anh ta bị thương nặng quá, chắc bây giờ cũng chết rồi.


Nếu đúng thế thì lời tiên tri của bà cụ hầu như đã trở thành hiện thực,
Om nói.

Lời tiên tri nào?
Ông trùm hỏi.
Hai người thợ may bèn kể lại cái đêm hôm nào ở khu ổ chuột, khi Người dạy khỉ phát hiện ra hai chú khỉ nhỏ của anh ta đã bị con chó giết, khi bà cụ già thốt ra những lời phán khó hiểu.
Tôi vẫn nhớ chính xác những gì bà ta nói với chúng tôi,
Om kể.
‘Cái nạn mất hai con khỉ không phải mất mát lớn nhất cậu ta sẽ gặp; vụ giết chó không phải cái tội giết chóc nặng nhất mà cậu ta sẽ phạm.’ Về sau, quả thực anh ta đã giết con Tikka để trả thù cho Laila và Majnoo.

Câu chuyện kinh khủng quá,
Dina nói.

Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên thôi,
Ông trùm nói.
Tôi không tin vào mấy trò tiên tri hay mê tín.

Ishvar gật đầu.
Thế lũ trẻ có vui vẻ không, khi không còn Người dạy khỉ bên cạnh nữa?

Ông trùm phẩy bàn tay không vướng xích ra ý ai-màbiết-được.
Chúng sẽ phải làm quen với điều đó thôi. Đời đâu có đảm bảo là ta sẽ được vui vẻ.
Đoạn ông ta giơ tay lên chào tạm biệt và bước ra cửa, rồi bỗng dừng lại.

Có việc này mấy người có thể làm cho tôi đây. Tôi cần hai ăn mày mới. Nếu mấy người thấy ai đủ tiêu chuẩn, nhớ báo cho tôi nhé, được không?


Được chứ,
Ishvar đáp.
Chúng tôi sẽ để ý tìm.


Nhưng ứng viên phải có đặc điểm gì đó độc đáo kia. Để tôi cho mấy người xem.
Từ trong va li, ông ta lấy ra một quyển sổ nháp rất to chứa những ghi chép cùng bảng biểu của ông về nghệ thuật ăn xin. Bìa sổ đã mòn xơ mòn xác, mép giấy xoăn tít thò lò.
Ông ta mở sổ đến trang có một hình vẽ chì cũ được ghi tựa là Tinh thần hợp tác.
Đây là thứ tôi đã dày công tạo dựng từ lâu.

Họ xúm lại để xem hình vẽ: hai hình người, một người ngồi lênh khênh trên vai người kia.
Với ca này, tôi cần một ăn mày què và một ăn mày mù. Người mù sẽ cõng người què trên vai. Một hình ảnh đang sống, đang thở của tích truyện cổ về tình bạn và sự hợp tác. Và nó sẽ đem về một núi xu, tôi hoàn toàn chắc chắn, vì người ta sẽ xùy tiền không chỉ vì lòng thương cảm hay mộ đạo, mà còn xuất phát từ sự ngưỡng mộ nữa.
Cái khó là phải tìm một ăn mày mù đủ khỏe hoặc một ăn mày què đủ nhẹ.

Shankar có đủ tiêu chuẩn không?
Maneck hỏi.

Không có chân, lại chỉ còn một phần tư đùi, nên ông ấy không bao giờ có thể ngồi thăng bằng trên vai người khác, ông ấy sẽ bị tụt xuống lưng ngay. Tôi cần một người tàn tật chân chưa bị cụt hẳn, mà chỉ liệt và bị mất một phần, như thế chân họ có thể đung đưa trên ngực người cõng, trông rất đẹp mắt. Vả lại, Shankar đang rất thành công với cái bệ lăn. Tôi không muốn phá hỏng chuyện đang xuôi chèo mát mái.

Họ hứa sẽ lưu ý tìm kiếm những người phù hợp với yêu cầu của Ông trùm. Ông ta nói sẽ rất cảm kích trước bất cứ sự tiến cử nào.
Nhân tiện, mấy người biết hai tay đầu gấu đã được lão thu tiền nhà dẫn đến đây không?


Có?


Chúng gửi lời xin lỗi vì không đến dọn dẹp đống ngổn ngang chúng đã gây ra.


Thật sao?


Phải. Chúng vừa gặp một tai nạn không may, ngón tay hai đứa gãy sạch. Biết đâu đấy, nếu chúng gặp thêm vài tai nạn nữa thì rất có thể chúng sẽ đủ tiêu chuẩn tham gia đội quân ăn mày của tôi.
Ông ta tỏ vẻ rất đắc ý về óc hài hước của bản thân, còn những người kia đáp lại bằng những nụ cười gượng gạo.

Giờ thì tôi phải xin cáo từ thật thôi,
ông nói.
Tôi phải đi lo liệu cho hai vợ chồng ăn mày vừa bị giết.


Ông có hỏa táng cho họ luôn trong hôm nay không?


Không, làm thế tốn kém lắm. Khi nào nhà xác trả hai cái xác về, tôi sẽ mang bán cho tay đầu nậu của tôi.
Nhìn khuôn mặt bàng hoàng của bốn người, Ông trùm ăn mày cảm thấy cần phải thanh minh cho hành động của mình.
Giữa thời buổi lạm phát, vật giá leo thang thế này, tôi cũng chẳng còn cách nào khác. Vả lại, làm thế vẫn còn hơn là vứt xác họ ngoài đường cho công nhân công ích xử lý như ngày xưa.


Phải, dĩ nhiên rồi,
Dina tán đồng, như thể cô vẫn mua bán tử thi hàng ngày.
Thế đầu nậu của ông làm gì với… mấy cái xác?


Hắn bán cho các trường đại học, để dạy cho những sinh viên muốn trở thành bác sĩ. Cứ tưởng tượng mà xem, các ăn mày của tôi có thể dự phần vào công cuộc mưu cầu tri thức.
Mặt ông ta thốt nhiên nhuốm vẻ mơ màng, đôi mắt phóng qua cửa sổ, trân trân nhìn vào một chân trời vô tận.
Một số xác còn được những kẻ thực hành tà thuật mua về. Và rất nhiều xương được xuất khẩu. Để làm phân bón, tôi nghĩ vậy. Tôi có thể tìm thêm nhiều thông tin nữa nếu mấy người hứng thú.

Dina lắc đầu để từ chối lời đề nghị.
Ông trùm rời đi, bỏ lại sau lưng một bầu không khí ghê rợn.
Chúng ta phải cẩn thận với người này,
cô nói.
Thật là một kẻ kì dị. Còn cái va li xích vào cổ tay nữa chứ, đúng là một tên nô lệ của đồng tiền. Trông kiểu người như ông ta dám có gan bán xương của chúng ta trước cả khi ta chết lắm.


Ông ta chỉ là một doanh nhân hiện đại tiêu biểu, đầu óc lúc nào cũng quay cuồng vì lợi nhuận mà thôi,
Maneck nói.
Cháu đã thấy rất nhiều kẻ như ông ta trong ngành kinh doanh nước giải khát, khi chúng tới gặp bố cháu, gây sức ép đòi ông bán Kohlah Cola.

Ishvar buồn bã lắc đầu.
Tại sao những tay doanh nhân đó lại nhẫn tâm làm vậy? Tiền bạc nhiều như nước là thế, mà trông họ vẫn chẳng vui vẻ gì.


Đấy là một căn bệnh không có thuốc chữa,
Dina nói.
Như ung thư ấy. Mà chúng còn không biết mình bị mắc.


Dù sao,
Maneck nói, tinh thần cậu đã phấn chấn trở lại,
Om là người duy nhất phải e sợ Ông trùm. Người ta có thể tưởng nhầm cậu là bộ xương di động lắm chứ.


Cậu cũng nên cẩn thận đấy,
Om trả đũa.
Những đốt xương khỏe mạnh của cậu sinh trưởng ở nơi núi cao, lại được tưới tắm bằng nước tuyết tan tinh khiết trên đỉnh Himalaya nên sẽ lợi cân hơn xương của tớ nhiều.

Nói vớ vẩn thế là đủ rồi đấy,
Dina mắng.
Nhưng Maneck không tài nào kìm nổi những tràng huyên thuyên ngớ ngẩn của mình, khi tâm trạng đang hưng phấn vì hộ gia đình đã được bảo toàn.
Dì cứ nghĩ mà xem. Giờ răng chúng ta ai cũng trắng bóng nhờ chà bột than, chắc món này phải được giá lắm. Chúng ta có thể bán từng chiếc một hoặc bán cả tá cùng lúc. Để xâu thành vòng cổ chẳng hạn.


Dì nói đủ rồi. Gác lại những chuyện cười cợt thì người này là kẻ chúng ta cần dè chừng, nhớ đấy.


Chừng nào ông ấy được trả tiền đúng hẹn thì không có gì phải lo lắng cả,
Ishvar nói.

Tôi hi vọng thế. Từ nay trở đi tôi sẽ trả một nửa số tiền, vì ông ta cũng bảo kê cho cả tôi nữa mà.


Không được,
Ishvar khảng khái gạt đi.
Đấy đâu phải lý do tôi nhắc đến việc này. Cô không chịu nhận đồng nào tiền thuê nhà nên bác cháu góp phần này là phải lẽ rồi.
Ông cương quyết không đổi ý.
Họ cùng vào phòng may để tính toán xem phải bồi thường cho công ty Au Revoir bao nhiêu. Ông nói khẽ là thật mừng khi lại thấy Maneck và Om lại cười đùa với nhau.

Phải, hai ngày vừa qua thật khổ sở với cả bốn người chúng ta,
cô gật gù đồng tình, rồi nhờ hai cậu trai gắn lại tấm biển tên lên cửa.

Chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại Rajaram nữa, chắc luôn,
Om nói khi hai bác cháu trải chăn chiếu ra ngủ tối hôm đó.
Nếu anh ta chính là kẻ giết người.


Thì chính là hắn chứ còn ai vào đây,
bác cậu nói. Ông đăm đăm nhìn cây đèn đường qua cửa sổ hành lang, nghĩ về người bạn xưa của hai bác cháu.
Thật không thể tin nổi. Một người bề ngoài tưởng như rất tử tế lại giết chết hai người ăn mày. Lẽ ra chúng ta phải cẩn thận hơn, từ ngay buổi sáng đầu tiên ở xóm lều lán ấy – cùng mấy câu chuyện ỉa đái bẩn thỉu của hắn trên đường ray tàu hỏa. Mà có người nào đầu óc bình thường lại đi kiếm sống bằng việc thu mua tóc kia chứ?


Ôi dào, vấn đề không phải ở chỗ đó. Người ta gom và bán đủ thứ trên đời. Đồng nát, giấy vụn, ni lông, kính. Thậm chí cả xương nữa.


Nhưng bây giờ mày có mừng không, vì xưa bác không cho mày nuôi tóc dài? Gã sát nhân đấy rất có thể đã giết mày để lấy tóc giữa lúc mày đang ngủ sát bên vách nhà hắn.

Om nhún vai.
Cháu chỉ lo cho cô Dina. Nhỡ cảnh sát tìm thấy bộ đồ nghề cắt tóc mà cô ấy cho Rajaram thì sao? Dấu vân tay của cô ấy và của chúng ta sẽ ở trên đó. Cả ba người chúng ta sẽ bị bắt và bị treo cổ cho mà xem.


Cháu với Maneck đã đi xem quá nhiều bộ phim điên rồ rồi đấy. Những chuyện đó chỉ xảy ra trên phim ảnh thôi. Bác chỉ lo hắn lại tìm đến chúng ta để xin giúp đỡ. Lúc đấy ta biết làm sao? Báo cảnh sát ư?

Ishvar nằm thao thức rất lâu, không tài nào gạt Rajaram khỏi suy nghĩ. Hai bác cháu đã sống bên cạnh tên sát nhân này hồi còn ở xóm lều lán, ăn cơm của hắn và chia phần cơm của họ cho hắn. Ý nghĩ ấy khiến ông rùng mình.
Om biết bác mình đang khó ngủ. Cậu chống khuỷu tay nhỏm dậy và cười hinh hích trong bóng tối:
Bác có nhớ ông đầu bếp với gã bồi bàn ở Vishram không, hai người rất thích mấy câu chuyện của bác cháu ta ấy? Chắc họ khoái nghe chuyện này lắm đấy.


Đừng có đùa,
Ishvar nạt,
kẻo chúng ta sẽ lại dính vào đủ thứ rắc rối không có hồi kết với cảnh sát đấy.

Vỉa hè đông nghịt bởi dòng người hối hả buổi sáng gồm các bà nội trợ, học sinh, dân công sở, người bán hàng rong. Hai người thợ may chờ tới một dịp vãn người để Shankar có thể đẩy bệ lăn sang con ngõ sau lưng Vishram. Lão không ngừng vẫy tay chào họ khiến Ishvar không khỏi bồn chồn – Khi cái bọc hàng ghê rợn còn đang lù lù trên bệ của lão kia thì họ càng ít thu hút sự chú ý càng tốt.
Ít phút sau, Shankar mất kiên nhẫn và liều mình lăn qua vỉa hè, lèo lái món phương tiện giao thông của mình giữa biển khách bộ hành đông đặc.
Ối ông ơi! Cẩn thận!
Lão hét lên, né tránh và bị tránh né bởi một cả một cơn lũ chân và cẳng bất tận.
Chiếc bệ va phải ống chân ai đó. Những cơn mưa chửi rủa trút xuống đầu Shankar, lão ngước mắt lên bẽn lẽn nhìn. Người đàn ông nọ dọa đá bay đầu lão.
Thằng ăn mày chó chết này, mày tưởng vỉa hè là của nhà mày à? Ở yên một chỗ đi!

Shankar rối rít xin lỗi và vội vã lăn đi. Trong lúc cuống quýt, bọc hàng rơi khỏi bệ. Hai người thợ may trân mắt nhìn đầy lo lắng, không dám chạy ra giúp lão. Shankar vặn vẹo và uốn éo và xoay xỏa, bằng cách nào đó đã cứu được cái bọc và mang nó về.

Giỏi lắm,
Ishvar khen. Ông có cảm giác như viên cảnh sát giao thông đứng giữa ngã tư đông đúc đang theo dõi họ với ánh mắt ngờ vực – nhỡ anh ta đến chỗ họ và yêu cầu mở cái bọc ra thì sao?
Thế,
ông nói, cố giữ giọng bình thản hết mức có thể.
Anh bạn tóc dài của chúng tôi đưa chú cái này hôm nào?


Hai ngày trước,
lão đáp, và Ishvar suýt quẳng cái bọc đi.
Không, tôi nhầm,
Shankar đổi ý, đưa lòng bàn tay quấn giẻ lên cọ trán.
Không phải hai ngày. Đấy là ngày sau hôm tôi gặp hai người lần cuối, bốn ngày trước.

Ishvar gật đầu với Om, vẻ nhẹ nhõm. Bọc hàng không chứa mấy món tóc nọ.
Kể từ nay anh bạn của chúng tôi sẽ không đến gặp chú nữa.


Không à?
Shankar rất thất vọng.
Tôi rất thích nghịch mấy món hàng của anh ta. Những lọn tóc mới đẹp làm sao.


Ý chú là chú đã mở ra xem rồi à?


Tôi làm thế là sai à?
Lão hốt hoảng hỏi.
Ôi chú ơi, tôi không gây hỏng hóc gì đâu, tôi chỉ đem tóc vuốt lên má vì nó làm tôi thấy dễ chịu thôi. Rõ là mềm mượt.


Thì rõ là vậy, chắc luôn,
Om nói.
Anh bạn của chúng tôi chỉ chọn những loại tóc chất lượng tốt nhất thôi.

Câu mai mỉa không mảy may khiến Shankar bận lòng.
Tôi ước gì mình cũng có một búi tóc như thế này,
lão thở dài.
Đêm đến, tôi có thể đặt nó lên bệ rồi áp mặt lên đó mà ngủ. Nó sẽ vỗ về tôi, sau một ngày dài chịu đựng bao nhiêu cay nghiệt của người đời. Ngay cả những kẻ ném tiền cho tôi cũng nhìn tôi như thể tôi đang ăn cướp của họ. Món tóc ấy sẽ an ủi tôi nhiều lắm.


Tại sao lại không nhỉ?
Om nói, trong một cơn bốc đồng.
Đây, cứ giữ lấy cái bọc này, anh bạn của chúng tôi không cần đến nữa.

Ishvar định dợm miệng phản đối, nhưng lại thôi. Om nói đúng, giờ thì nó còn quan trọng gì nữa đâu.
Mang theo lòng biết ơn của Shankar làm tan chảy cái ớn lạnh rùng rợn từ việc Rajaram đã làm, họ đi bộ trở về căn hộ.
Bác muốn vứt hết mấy món rác rưởi của hắn đang cất trong rương của chúng ta,
Ishvar nói.
Có trời mới biết nó từ đâu ra, hắn đã giết bao nhiêu người.

Đêm hôm đó, khi Dina và Maneck đã ngủ, Ishvar gom hết mấy chiếc đuôi sam cất trong rương dồn vào một cái thùng các tông nhỏ để đem vứt đi. Xong việc, ông cảm thấy nhẹ nhõm hơn, bởi quần áo của họ không còn bị vấy bẩn bởi những món hàng của gã điên nọ.
Những tiếng ồn từ bếp vọng ra đánh thức Dina từ sớm, trước cả giờ có nước rất lâu, khi trời vẫn còn tối đen như mực. Hai tháng đã trôi qua yên lành kể từ ngày Ông trùm ăn mày chứng tỏ khả năng của mình, và căn hộ lại trở về nếp thường. Nhưng những khi mơ màng nửa tỉnh nửa mê, cô vẫn cứ nhủ bụng rằng tiếng xoong chảo lạch cạch chỉ đồng nghĩa với một điều duy nhất: lũ đầu gấu của lão chủ nhà đã quay lại. Tim đập thình thịch, đôi tay nặng trĩu vì ngái ngủ, những ngón tay cô mổ tới tấp lên tấm chăn hòng hất nó ra.
Rồi lại thế nữa, có lẽ đó chỉ là một cơn ác mộng sẽ tự qua đi – nếu cô nằm im… nhắm chặt mắt…
Tiếng ồn tắt dần. Tốt, chiến lược đã có hiệu quả, chẳng có đầu gấu nào hết, chỉ là một giấc mơ, phải, còn Ông trùm đang bảo vệ căn hộ. Chẳng có gì phải lo lắng, cô nghĩ, và bồng bềnh trôi qua lại lằn ranh của giấc ngủ.
Rốt cuộc, những tràng meo meo dai dẳng đẩy cô vào trạng thái tỉnh táo hoàn toàn, cô giật mình ngồi bật dậy. Lại bọn mèo phiền phức! Dứt mình khỏi đống chăn bùng nhùng, cô ra khỏi giường và đá phải mấy chiếc ghế gỗ. Một chiếc đổ kềnh kèm theo một tiếng thịch, đánh thức Maneck ở phòng bên, điều mà nãy giờ tiếng khua xoong động chảo đã không làm nổi.

Dì có sao không?


Có, có một con mèo chết tiệt trong bếp. Dì sẽ đập vỡ đầu nó ra. Cháu vào ngủ tiếp đi.

Cậu tìm thấy đôi dép của mình và bám theo Dina, vừa để đảm bảo cô sẽ không làm con mèo bị thương, vừa vì hiếu kì. Cô bật đèn lên, và họ thấy con vật phóng ra cửa sổ: chính là con cậu thích nhất, Vijayanthimala, con mèo mướp màu nâu trắng.

Đồ súc sinh mất dạy,
cô đỏ mặt tía tai.
Có trời mới biết nó đã liếm láp thứ gì bằng cái mồm bẩn thỉu của nó.

Maneck xem xét lớp lưới mắt cáo che trên ô cửa sổ vỡ đã bị xé tung.
Chắc phải bấn lắm thì nó mới làm thế này. Hi vọng nó không bị thương.


Cháu lo cho con súc vật bẩn thỉu đấy hơn là những rắc rối nó gây ra cho dì.
Cô cúi xuống nhặt những món dao nĩa bị đánh rơi và sẽ cần được cọ rửa kĩ càng.

Khoan đã,
cô khựng lại.
Tiếng gì thế nhỉ?

Không nghe thấy gì, họ tiếp tục dọn dẹp căn bếp. Ít phút sau cô lại giật mình, và lần này một âm thanh rên rỉ yếu ớt len lỏi qua bầu không gian im ắng. Không còn nghi ngờ gì nữa, nó ở ngay trong căn bếp này.
Trong góc bếp, ở trong cái hốc dành riêng để đốt bếp than nấu nướng hồi xưa, có ba con mèo con màu nâu và trắng đang nằm. Một tràng meo meo khe khẽ chào đón Dina và Maneck khi hai dì cháu cúi xuống nhìn.

Ôi trời!
Cô thốt lên.
Đáng yêu quá!


Chẳng trách sao dạo này Vijayanthimala trông béo thế,
cậu toe toét cười.
Bầy mèo con gắng sức đứng dậy, và cô cảm thấy mình chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì yếu đuối nhường ấy.
Không biết có phải nó đẻ con ngay ở đây không.

Cậu lắc đầu.
Cháu trông thì có vẻ như chúng cũng được vài ngày tuổi rồi. Có lẽ nó đã tha con vào đây trong đêm.


Tại sao nó lại làm thế nhỉ. Ôi, trông chúng dễ thương quá.


Thế dì còn muốn giết chúng để làm dây đàn vi-ô-lông nữa không?

Cô nghiêm mặt nhìn cậu. Nhưng khi cậu nhẹ nhàng vuốt ve chúng, cô kéo giật cậu lại.
Đừng động vào. Làm sao cháu biết chúng có những vi khuẩn gì?


Chúng chỉ là mèo con thôi mà.


Thì sao? Chúng vẫn có thể chứa mầm bệnh như thường.
Cô trải một tờ báo cũ ra và nắm lấy phần chính giữa.

Dì làm gì vậy?
Cậu hoảng hốt hỏi.

Bảo vệ tay dì. Dì sẽ đặt cả ba con ngay bên ngoài cửa sổ, ở chỗ con mẹ có thể trông thấy.


Dì không làm thế được đâu!
Cậu lý luận là nếu con mẹ đã bỏ đàn con thì chúng sẽ chết đói. Đó là chưa kể có khi bọn quạ và chuột tìm ra chúng trước, mổ lòi những cặp mắt tí xíu, xé toạc cơ thể bé bỏng, moi sạch ruột gan phổi phèo, và nhai rau ráu những đốt xương mỏng mảnh.

Không cần phải tả kĩ đến thế đâu,
cô nói. Đàn mèo con tiếp tục meo meo thảm thiết như để họa theo thảm kịch mà cậu vẽ ra.
Cháu muốn làm gì?


Cho chúng ăn.


Không có chuyện đó đâu,
cô tuyên bố – một khi đã được ăn rồi, chúng sẽ không bao giờ đi. Và con mẹ, dù có tính đường trở lại đi nữa, cũng sẽ rũ bỏ trách nhiệm của mình.
Dì không thể cứ phải chịu trách nhiệm với tất cả mọi sinh vật vô gia cư trên đời này.

Rốt cuộc cậu cũng giành được một khoảng thời gian hòa hoãn cho bầy mèo. Cô đồng ý tạm thời sẽ không dọn chúng đi chỗ khác, để cho Vijayanthimala một cơ hội nghe theo tiếng gọi của tình mẫu tử. Biết đâu tiếng đàn con nỉ non sẽ thuyết phục nó quay về.

Kìa,
cậu chỉ ra ngoài.
Đã sáng rồi.


Bầu trời đẹp quá,
cô ngừng lại, đôi mắt mơ màng nhìn đăm đắm qua cửa sổ.
Vòi nước bắt đầu chảy, cắt ngang phút mơ mộng của cô. Cô vội vã vào phòng tắm trong khi cậu dọn ổ cho bọn mèo ngủ. Cậu phóng mắt ra xa, nơi khởi nguồn của muôn vàn ngõ ngách. Trong thứ ánh sáng đầu tiên đầy lạc quan ấy, lời hứa hẹn thay da đổi thịt tỏa xuống thành phố đang say ngủ. Cậu biết cảm giác này sẽ chẳng tồn tại quá vài phút – cậu đã từng trải qua, nó luôn nhạt đi khi nắng trở gắt.
Dẫu vậy, cậu vẫn hạnh phúc khi nó còn tồn tại. Khi hai người thợ thức dậy, cậu báo cho họ biết tin mới và dẫn họ xuống bếp. Sự xuất hiện của họ khiến những tràng meo meo đều đều bỗng tăng thêm âm lượng.
Dina xua hết cả đám ra ngoài.
Có bao nhiêu người bu đông bu đỏ xung quanh thế này, con mèo đó sẽ không bao giờ quay lại đâu.
Đoạn cô tự mình bước vào, vờ như để pha trà, và đứng ở góc bếp mỉm cười, thở dài, ngắm bọn mèo con bò lổm ngổm bên trong lò than, lập bập leo lên người nhau rồi cùng ngã quay lơ. Con mẹ chọn chỗ đắc địa thật, cô nghĩ, cái hốc đủ sâu để giữ đàn con khỏi trèo ra ngoài và đi lung tung.
Sáng đó mọi người đều không làm được gì mấy. Maneck kêu cậu không có tiết nào đến tận trưa.
Tiện nhỉ,
Dina nhận xét, còn cậu tiếp tục canh ở cửa bếp và báo về những tin tức nóng hổi nhất. Hai người thợ may liên tục ngừng máy để nghe tình hình bọn mèo con.
Thời gian trôi qua, tiếng kêu của chúng càng lúc to hơn, át cả tiếng hai chiếc Singer.
Sao bọn nó kêu nhiều thế nhỉ,
Om nói.
Chắc đói đấy.


Cũng giống bọn trẻ sơ sinh thôi,
Maneck nói.
Chúng phải được cho ăn liên tục.
Cậu liếc mắt sang Dina. Cậu biết những âm thanh ỉ eo đã bắt đầu làm cô bồn chồn. Cô bỗng hỏi bâng quơ, rằng không biết những con vật bé nhỏ đến thế có uống được sữa bò không nhỉ.

Có,
cậu trả lời ngay tắp lự.
Nhưng phải pha loãng với nước, kẻo đặc quá. Mấy ngày nữa là chúng còn có thể ăn vụn bánh mì nhúng sữa. Hồi ở nhà, bố cháu toàn cho bọn chó con mèo con ăn mấy thứ đấy.

Trong một tiếng sau đó, cô kiên quyết không chịu đầu hàng, gồng mình chống cự những lời van nài từ dưới bếp vọng lên. Và rồi,
Ôi trời, thật hết chịu nổi,
cô nói.
Xin mời, ngài Mac, ngài là chuyên gia mà.

Họ hâm nóng hỗn hợp sữa và nước rồi đổ vào một chiếc đĩa nhôm. Lũ mèo con đang bò lổm ngổm được nhấc ra khỏi hốc bếp than và thả xuống một tờ báo trải trên sàn.
Cho tớ chuyển bọn nó với,
Om đòi, Maneck cho cậu nhấc con cuối cùng.
Ba con vật rúm ró đứng trên tờ giấy, toàn thân không ngớt run lên bần bật. Dần dần, mùi sữa kéo chúng lại, và chúng liếm vài nhát ngập ngừng quanh rìa đĩa. Chỉ ít phút sau, chúng đã bu lấy cái đĩa, hung hăng chen huých nhau. Khi đĩa đã sạch trơn, chúng đứng hẳn trong lòng đĩa và ngước mắt nhìn lên. Maneck đổ thêm sữa, cho chúng ăn lần nữa, rồi cất đĩa đi.

Sao hà tiện thế?
Dina hỏi.
Cho bọn nó ăn thêm đi.


Phải để hai tiếng nữa. Nếu ăn nhiều quá, chúng sẽ ốm mất.
Cậu lấy trong phòng mình ra một chiếc hộp các tông rỗng và trải báo mới xuống đáy.

Dì sẽ không cho chúng ở trong bếp đâu,
cô phản đối.

Mất vệ sinh lắm.

Om xung phong giữ chiếc hộp ngoài hành lang.

Tốt thôi,
cô nói. Thế nhưng, đến tối, cô lại muốn chuyển bọn mèo trở về hốc lò. Cô vẫn hi vọng con mẹ sẽ đến lấy lại đàn con. Ô cửa sổ rách vẫn được giữ nguyên để chờ đón con vật trở lại.
Suốt bảy đêm, Dina dọn dẹp xoong chảo, đóng kĩ tủ chạn và đóng cửa bếp. Suốt bảy buổi bình minh, cô tìm tới chỗ hốc bếp than ngay khi vừa trở dậy, ước sao nơi đó sẽ trống trơn, nhưng lũ mèo hân hoan chạy ra chào đón cô, háo hức chờ được ăn sáng.
Cô bắt đầu mong chờ cuộc đoàn tụ buổi sáng. Đến cuối tuần, cô đâm ra lo lắng mỗi khi lên giường đi ngủ – nhỡ đêm nay là đêm cuối cùng, nhỡ con mẹ đem đàn con đi mất thì sao? Cô chạy xuống bếp ngay khi vừa tỉnh giấc và – ôi chao là mừng! Chúng vẫn chưa biến mất!
Nghi thức chuyển từ hộp sang hốc lò vào mỗi buổi tối chấm dứt. Hai người thợ rất vui vì được chia sẻ chỗ ở với bọn mèo. Bọn mèo lớn nhanh như thổi, và bắt đầu khám phá khắp đường hành lang, cửa giữa các phòng luôn phải đóng kín để ngăn chúng vào phòng may và phá phách vải vóc. Chỉ ít lâu sau, chúng đã có những chuyến thám thính thế giới bên ngoài chóng vánh qua song cửa sổ ngoài hành lang.

Cô biết không, cô Dina,
một tối, Ishvar nói sau bữa cơm.
Con mèo tặng cô một món quà rất lớn đấy. Nó để con lại đây chứng tỏ rất là tin tưởng ngôi nhà này, thế là đáng quý lắm đấy.


Toàn chuyện vớ vẩn.
Cô chẳng bao giờ tin những chuyện tình cảm tầm phơ tầm phào đó.
Tất nhiên con mèo đó sẽ mang con vào đây. Từ chính ô cửa sổ này có ba tên ngốc suốt ngày ném thức ăn cho nó mà lại.

Nhưng Ishvar vẫn quyết trí nặn bóp ra một thứ ý nghĩa, một thứ luân lý cao vời nào đó từ sự việc này.
Dù cô có nói gì đi nữa, thì ngôi nhà này rõ là có phúc to. May mắn sẽ đến. Ở đây, ngay cả lão chủ nhà độc ác cũng không thể động đến chúng ta. Và bọn mèo con là điềm lành. Nó có nghĩa là Om cũng sẽ có rất nhiều đứa con khỏe mạnh.


Trước hết cậu ta phải cưới được một cô vợ đã,
cô lạnh lùng nói.

Cực kì chính xác,
ông thật thà nói.
Tôi đã nghĩ rất lung về chuyện này, và chúng tôi không được trì hoãn thêm nữa.


Sao anh lại có thể nói những thứ ngớ ngẩn như thế nhỉ?
Cô nói, có vẻ hơi cáu.
Om mới chập chững bước vào đời, tiền thì không có, hai bác cháu còn chẳng có nổi một chỗ ở của riêng mình. Thế mà anh đã nghĩ đến chuyện lấy vợ cho cậu ấy ư?


Rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Chúng ta phải có niềm tin chứ. Vấn đề quan trọng là, nó phải sớm cưới vợ và lập gia đình.


Cậu nghe thấy chưa, Om?
Cô nói vọng ra hành lang.
Bác cậu muốn cậu sớm cưới vợ và lập gia đình đấy. Nhưng nhớ đừng làm chuyện đó trong bếp nhà tôi nhé.


Xin cô bỏ quá cho bác ấy,
Om nói, giả giọng các bậc cha mẹ.
Thỉnh thoảng, dây thần kinh của bác cháu lại hơi mát một tí, những lúc như thế, bác ấy hay nói nhiều chuyện rồ dại lắm.


Cậu làm gì thì làm, đừng bắt tớ lo chỗ ở cho cậu,
Maneck chêm vào.
Tớ chẳng còn cái hộp các tông nào thừa nữa đâu.


Hử, sao chứ,
Om ca cẩm.
Tớ lại đang mong cậu sẽ chồng hai cái hộp lên nhau cho tớ, để tớ có một cái nhà hai tầng.


Đem những chuyện tốt lành ra đùa cợt là không hay đâu,
Ishvar nói, có vẻ hơi tự ái. Ông không thể ngờ nổi những dự định của mình lại trở thành chủ đề pha trò.
Lũ mèo trở về sau chuyến ngao du đúng lúc giờ ăn đã điểm, len người qua những song sắt trên cửa sổ hành lang.
Trông chúng kìa,
Dina âu yếm nói.
Đi đi về về cứ như đây là cái khách sạn không bằng.

Dần dần, những cuộc vắng mặt dài ra thêm khi chúng bắt đầu học cách tự tìm thức ăn, la cà khắp hang cùng ngõ hẻm với đồng loại. Các cống rãnh cùng đống rác mời gọi bằng mùi hương không gì cưỡng nổi, và lũ mèo con đáp lại tiếng gọi ấy.
Sự biến mất tùy tiện của chúng khiến ai cũng buồn. Maneck và Om luôn cẩn thận chất đầy thức ăn thừa thẹo vào một đĩa riêng. Ngày nào họ cũng hi vọng bọn mèo sẽ hạ cố ló mặt ra. Đợi mãi đến tận khuya họ mới đem vứt đi, trước khi đống thức ăn thu hút lũ giòi bọ tìm đến; họ ném thức ăn cho bất cứ con vật nào đang nỉ non ngoài cửa sổ bếp, đôi mắt lấp lánh vô định trong bóng đêm.
Những lúc lũ mèo chịu quay về trở thành dịp để ăn mừng. Nếu không còn thức gì thừa có thể dùng được, Maneck hoặc Om sẽ chạy vội ra Vishram để mua bánh mì và sữa. Đôi khi đàn mèo nán lại sau bữa ăn, sẵn lòng chơi đùa một chút, vờn những mảnh vải vụn rơi gần máy may. Nhưng thường thì chúng bỏ đi ngay.

Ăn xong là chạy,
Dina nói,
cứ như chúng là chủ cái nhà này ấy.

Dần dà, những cuộc viếng thăm thưa dần và càng lúc càng ngắn ngủi. Bản tính hiếu kì ở mèo con bộc lộ trong từng tiểu tiết đã mất đi; sữa và bánh mì bị thất sủng hoàn toàn. Rõ ràng những cuộc trộm cắp ngoài đường đem lại cho chúng cảm giác phiêu lưu hơn nhiều.
Để thu hút sự chú ý của chúng, Om và Maneck bò rạp xuống cạnh cái bát.
Meo!
Họ đồng thanh kêu.
Meeooo!
Om khụt khịt hít ngửi dọc rìa đĩa, còn Maneck lè ra thụt vào cái lưỡi của mình ra vẻ liếm láp điên dại. Lũ mèo chẳng mảy may bị ấn tượng. Chúng ngắm nhìn màn trình diễn một cách hờ hững, ngáp dài và bắt đầu tự chải chuốt mình mẩy.
Ba tháng sau khi được phát hiện trong hốc lò than, lũ mèo con đồng loạt biến mất. Khi nửa tháng trôi qua mà không có một dấu hiệu nào của chúng, Dina tin chắc chúng đã bị xe tông. Maneck nói rất có thể chúng đã bị một con chó dại tấn công.

Hoặc bọn chuột cống ấy,
Om nói.
Ngay cả bọn mèo lớn cũng phải sợ chúng kia mà.

Nghĩ đến những khả năng đen tối ấy, ai nấy đều rầu rĩ, mặc dù Ishvar vẫn không thôi tin rằng bọn mèo con vẫn khỏe mạnh yên ổn. Chúng là những sinh vật thông minh, dày dạn, ông nhắc nhở những người khác, và đã quen với cuộc sống hè phố. Không ai chia sẻ niềm lạc quan với ông. Họ đâm ra cáu bẳn với ông, như thể ông đang vẽ ra điều gì đó rất đỗi bệnh hoạn.
Giữa cảnh buồn đau ủ dột ấy, Ông trùm ăn mày xuất hiện để thu tiền trả góp. Bóng chiều lúc nhập nhoạng dường như còn đen hơn lúc bình thường vì đèn đường vẫn chưa sáng lên.
Có chuyện gì thế,
ông ta hỏi.
Lão chủ nhà lại quấy rối mấy người à?


Không,
Dina đáp.
Nhưng đàn mèo con dễ thương của chúng tôi đã bỏ đi mất rồi.

Ông trùm bèn cười phá lên. Âm thanh ấy khiến họ giật bắn mình, vì đây là lần đầu tiên họ nghe thấy ông ta cười.
Nhìn bộ mặt ủ dột của mấy người kìa,
ông nói.
Hồi gặp chuyện với mấy tay đầu gấu, mấy người cũng đâu đến nỗi buồn khổ như thế.
Ông ta lại cười.
Tôi rất xin lỗi vì không thể giúp gì được. Tôi không phải Ông trùm mèo con. Nhưng tôi có vài tin tốt đây, có lẽ nó sẽ khiến các vị vui lên.

Tin gì cơ?
Ishvar hỏi.

Tin về Shankar.
Ông ta ngoác miệng cười đến tận mang tai.
Tôi chưa thể báo cho ông ấy biết ngay, vì lợi ích của chính ông ấy. Nhưng tôi nhất định phải chia sẻ với ai đó, tin này quá tuyệt vời, mà mấy người lại là những người bạn duy nhất Shankar có. Nhưng mấy người phải hứa không được hở ra tí nào với ông ấy đâu đấy.

Tất cả đều hứa với Ông trùm.

Chuyện xảy ra vài tuần sau khi tôi đưa Shankar và hai người từ dự án tưới tiêu về. Một bà ăn mày của tôi, lúc ấy đang ốm yếu lắm rồi, bỗng nhiên kể lể với tôi đủ thứ về tuổi thơ của bà ta, và về thời trẻ của Shankar. Cứ mỗi lần tôi đến thu tiền, bà ta lại bắt đầu ôn nghèo kể khổ. Bà ta cũng già rồi, chừng bốn chục, ăn mày sống thế tính là thọ rồi. Rốt cuộc bà ta cũng chết hồi tuần trước. Nhưng ngay trước khi chết, bà ta nói với tôi mình là mẹ của Shankar.

Bản thân chuyện này cũng chẳng có gì bất ngờ, Ông trùm giải thích, vì ông đã luôn ngờ ngợ như thế. Hồi còn là một thằng bé, khi ông theo bố đi tuần, ông thường thấy bà ta cho một đứa bé bú. Mọi người gọi bà ta là Mũi Thính vì khuôn mặt không có mũi của bà. Hồi đó bà ta vẫn còn trẻ lắm, chừng mười lăm tuổi, và có một thân hình hoàn hảo có thể đem về một món tiền rất khá, nếu không phải vì khuôn mặt biến dạng, các chủ nhà chứa đều đồng ý thế. Người ta bảo rằng hồi bà ta mới sinh ra, ông bố say rượu đã xẻo mất mũi bà trong cơn thịnh nộ, thất vọng vì vợ lại đẻ ra một đứa con gái thay vì một thằng con trai. Bà mẹ băng bó vết thương và cứu sống đứa trẻ, dù ông bố luôn mồm rủa để kệ cho nó chết, bộ mặt xấu xí là món hồi môn duy nhất dành cho nó, cứ mặc cho nó chết đi. Ông bố hành hạ chửi bới ghê quá, cuối cùng đứa bé gái bị bán đi làm ăn mày.

Tôi cũng không biết đích xác ông cụ nhà tôi mua Mũi Thính hồi mấy tuổi,
Ông trùm nói.
Tôi chỉ nhớ đã thấy bà ta với đứa con nhỏ.
Rồi, vài tháng sau, đứa bé còn ẵm ngửa tên là Shankar ấy bị tách mẹ và đưa đi làm chỉnh hình chuyên nghiệp.
Đứa trẻ không được trả về cho mẹ nó. Sẽ lợi hơn nếu chuyền tay nó cho các bà ăn mày ở những khu vực khác nhau. Vả lại, những người lạ cho đứa bé bú sẽ dễ bề nặn ra một bộ mặt tuyệt vọng cùng cực, nhân tố tạo nên thành công trong nghề ăn mày. Trong khi đó, nếu Mũi Thính có được niềm vui cho con mình bú mớm suốt ngày dài, cô ta sẽ khó lòng dập tắt nổi tia sáng hạnh phúc, dù nhỏ nhoi, lóe lên trong đôi mắt mình, và điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến số tiền thu về.

Thế là Shankar lớn lên, tự mình lo thân mình, được trang bị chiếc bệ lăn, và không bao giờ biết đến mẹ mình là ai,
Ông trùm nói.
Và đến khi tiếp quản công việc kinh doanh, tôi cũng đã quên khuấy mối nghi ngờ hồi bé rằng ông ta chính là con trai Mũi Thính. Cho đến mãi gần đây.

Chính Mũi Thính là người nhắc cho ông nhớ, khi bà ta đang nằm hấp hối trên vỉa hè. Không chỉ có vậy, bà ta còn khẳng định bố của Ông trùm cũng chính là bố Shankar. Ban đầu, Ông trùm vô cùng sửng sốt vì bà ta dám cả gan bịa đặt một chuyện báng bổ đến thế. Ông dọa sẽ xóa bà ta khỏi danh sách che chở nếu bà không chịu xin lỗi mình. Bà ta đáp thế nào cũng được, đã đến lúc sắp nhắm mắt tắt hơi này, bà ta cũng chẳng thiết nữa.
Vẫn không chịu tin lời bà ta, ông băn khoăn không hiểu tại sao bà ta lại nói ra một lời dối trá vô nghĩa như vậy. Bà ta mong hòng gì từ nó? Giữa cơn giận dữ đến tê liệt, ông chỉ trân mắt nhìn trong khi người đi đường liên tục ném tiền vào ống bơ của Mũi Thính. Không hay biết gì về tấn kịch đang diễn ra, nhiều người còn dừng hẳn lại nhòm ngó ông vẻ ngờ vực.

Có lẽ họ nghĩ ông đang rình cướp tiền của bà ta,
Maneck nói.

Cậu nói đúng. Tôi điên lắm, tôi chỉ muốn gào lên, bảo bọn chúng là cút mẹ mày đi.

Dina rùng mình, suýt nữa định lên tiếng chỉnh đốn cách ăn nói của Ông trùm. Phòng ngoài đã tối, cô giơ tay bật đèn lên. Nó khiến ai nấy đều chớp mắt và đưa tay lên che mắt mất một lúc.

Nhưng tôi đã kiềm chế được,
Ông trùm nói.
Trong nghề của tôi có một câu thế này, kẻ bố thí luôn đúng.

Vì thế, phớt lờ đám người tọc mạch, ông chỉ để hết tâm trí vào tuyên bố của Mũi Thính. Nối tiếp cơn giận dữ là cảm giác hoang mang. Ông buộc tội bà ta đã nói ra một lời dối trá rẻ tiền, đã bày một trò chơi khăm độc ác với ông khi chân đã bước qua cửa âm phủ, khiến ông phải băn khoăn dằn vặt đến hết đời.
Bà im lặng lắng nghe, rồi nói với Ông trùm, tôi là mẹ kế của anh, dù anh có thích hay không. Và tôi có bằng chứng. Anh đã bao giờ xoa bóp lưng và vai cho bố anh chưa.
Rồi, ông đáp, tôi là một đứa con có hiếu. Tôi thường xuyên xoa bóp cho cụ mỗi khi cụ gọi, cho đến ngay trước ngày cụ mất.
Đã thế, Mũi Thính nói, hẳn anh phải rất quen với cái bướu to bất thường, một cục u lớn nằm trên gáy bố anh, ngay phía đầu cột sống.

Tôi tự hỏi nhờ đâu mà bà ta biết đến nó,
Ông Trùm nói.
Nhưng bà ta một hai thúc tôi trả lời, có đúng ông ta có cái bướu ở chỗ đó không? Bà ta không chịu nói thêm lời nào cho đến khi tôi thú nhận, một cách miễn cưỡng, là phải, bố tôi quả có đặc điểm như bà mô tả thật. Sau đó, bà ta bèn sốt sắng kể tiếp.

Chuyện xảy ra từ cách đây lâu lắm rồi, khi Mũi Thính còn trẻ và mới bắt đầu có kinh. Một hôm khuya khoắt nọ, bố Ông trùm tìm đến góc phố nơi cô ta ngồi, khi ấy ông đã say mềm, quá say đến không còn dè dặt gì trước gương mặt biến dạng của cô ta nữa, và đã ngủ với cô ta. Cái miệng nồng nặc mùi rượu của ông khiến cô ta những muốn cưỡng lại, nhưng cô ta chỉ quay mặt đi và cố kìm nén lòng mình. Cô ta nằm bất động như người đã chết bên dưới ông, để mặc ông muốn làm gì tùy thích. Sau khi ông đã xong việc, cô ngồi dậy và nôn mửa ngay bên cạnh ông lúc ấy đang ngáy ầm ầm. Đến nửa đêm, ông tỉnh dậy và nới rộng cái vũng nôn nho nhỏ của cô ta bằng một cơn lũ mật xanh mật vàng. Ít lâu sau, cô ta nghe có tiếng sột soạt và mở mắt ra; lũ chuột đang mở tiệc với sản phẩm chung của cả hai người.
Mũi Thính cho rằng có lẽ ông đã mê cơ thể cô ta, vì ông còn quay lại trong nhiều đêm nữa, kể cả khi ông không say. Giờ cô cũng không còn ghét chuyện đó như trước nữa. Khi ông nằm trên người cô và nhìn vào khuôn mặt cô mà không mang theo mùi rượu cồn, cô bắt đầu thấy thích. Cô để từng thớ thịt của mình rung lên, và sung sướng hòa tan vào cơ thể ông. Bàn tay cô mò mẫm trên cơ thể ông, khám phá ra chiếc bướu lớn trên cổ ông. Cô bật cười khúc khích, và hỏi ông về nó. Ông đùa rằng ông nuôi cái bướu ấy vì cô, để cô có hai khúc xương to mà chơi cùng, thay vì chỉ một.
Và cứ thế, người đàn ông có thể nhìn vào khuôn mặt gớm ghiếc mà vẫn yêu cô đã tìm được một chốn trong trái tim cô. Ông giải thích là bác sĩ đã từng nói cho ông biết về khúc xương đặc biệt đó. Ông đã được sinh ra với ba mươi tư đốt xương chứ không phải ba mươi ba đốt như bình thường, đốt xương còn thừa đã trỗi lên đầu cột sống, và là thủ phạm gây ra những cơn đau kinh niên của ông.
Người tôi mô tả có đúng là bố anh không, Mũi Thính nói, anh còn nghi ngờ gì nữa không?
Ông trùm ăn mày đồng ý tất cả những chuyện đó đều là thật. Nhưng đó chỉ là bằng chứng về những cuộc thông dâm trong lúc say sưa của bố ông không hơn không kém.
Không chỉ lúc say thôi đâu, bà ta chữa lại với giọng đầy kiêu hãnh, mà cả khi tỉnh nữa. Điểm khác biệt này là điều quý giá nhất trong đời bà, và cũng là thứ quan trọng nhất với bà ngay cả khi đã cận kề ngưỡng cửa của tử thần.
Ông miễn cưỡng thừa nhận nó. Nhưng vẫn không thể coi đó là bằng cớ chứng minh Shankar là con trai của bố ông và là đứa em cùng cha khác mẹ của chính ông, ông khăng khăng. Có chứ, Mũi Thính quả quyết, vì Shankar cũng có cái u giống hệt trên gáy, chỉ mất vài phút là đủ để kiểm tra. Dĩ nhiên, Ông trùm có thể vờ như đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bà ta nói, nhưng tận trong tim mình, hẳn ông cũng thừa biết sự thật.

Bà ta nói đúng, sự thật nằm trong tim tôi. Trong tim tôi lúc đó còn cồn lên một mớ cảm xúc hỗn độn vừa tuyệt vời vừa vô vọng. Tôi tức giận và sợ hãi và hoang mang. Nhưng cũng vô cùng hạnh phúc. Vì tôi nhận ra rằng tôi, một đứa con một, bị bỏ lại trên cõi đời này, không cha không mẹ, không họ hàng thân thích, bỗng được trời ban cho một đứa em trai. Và một bà mẹ kế, dù rằng bà ta chỉ xấp xỉ tuổi tôi, và đã sắp về chầu trời.

Và thế là, khi đã chấp nhận sự thật, toàn bộ cơn giận dữ và căm hận của ông dành cho người phụ nữ đang chết dần chết mòn bỗng bị thế chỗ bởi lòng biết ơn. Ông hỏi tại sao bà ta lại không nói cho ông biết sớm hơn. Bà nói rằng vì bà sợ không biết làm gì nếu bí mật này khiến ông nổi giận hoặc hổ thẹn – có lẽ là giết bà và Shankar, hoặc bán họ cho một người chủ kém tử tế hơn ở một nơi khỉ ho cò gáy nào đó, nơi họ hoàn toàn lạ lẫm. Nỗi kinh hoàng lớn nhất của bà là đánh mất khu vỉa hè quen thuộc mà bà đã gắn bó suốt tuổi trẻ.
Nhưng giờ điều đó không còn quan trọng nữa, chỉ ít phút nữa thôi, bà sẽ lìa đời, và ông sẽ là người duy nhất nắm giữ điều bí mật này, để tùy nghi xử lý nó theo ý mình. Ông được toàn quyền quyết định có nói cho Shankar biết hay không.
Ông trấn an bà ta rằng biết chuyện rồi ông chỉ thấy vui mà thôi. Nhưng vấn đề cấp bách hiện nay là phải đưa bà đến một bệnh viện tốt. Ông muốn bà được thoải mái trong suốt khoảng thời gian còn lại, dù ngắn hay dài, và chạy đi gọi một chiếc tắc xi.
Mấy chiếc xe đầu tiên dừng lại không nhận chở khi tài xế nhìn thấy bà ăn mày ốm yếu, lo bẩn xe. Cuối cùng, ông cũng đón được một chiếc bằng cách huơ huơ xấp tiền dày sụ trước mặt người tài xế. Chiếc tắc xi đã bị hỏng một bên đèn pha, ba đờ xóc cũng đã xộc xệch. Ngồi ở ghế sau, tay ôm Mũi Thính trên suốt chặng đường, Ông trùm được nghe câu chuyện xui xẻo của bác tài về tay cảnh sát đã đang tâm đập phá chiếc xe vì bác ta chậm giúi cho hắn phong bì phí đỗ xe hàng tuần.
Ở bệnh viện bọn họ phải chờ mòn mỏi. Mũi Thính bị bỏ mặc nằm trên sàn hành lang chật cứng những người nghèo khổ đang chờ được chữa trị. Mùi phenol khử trùng tỏa ra từ những viên đá lát sàn yếu ớt len lỏi giữa bầu không khí sặc lên hơi thối từ người. Ông trùm cố gắng hết sức để thúc giục những các nhân viên đang có ca trực, và nói chuyện với một bác sĩ trông có vẻ tử tế. Chiếc áo choàng trắng của ông bị rách ở chỗ chiếc túi to phía dưới, nơi ông nhồi ống nghe. Ông trùm xin ông nhanh nhanh khám cho mẹ mình, ông sẽ hết lòng báo đáp. Vị bác sĩ nói với giọng dịu dàng là không nên lo lắng, rồi ai cũng sẽ được chăm nom tới. Đoạn ông này quày quả bỏ đi, tay đút trong cái túi rách.
Ông trùm cho rằng các nhân viên ngành y tế, do quá tâm huyết với nghề nghiệp cao quý của mình, đã không mảy may bị ấn tượng bởi cuộn tiền đẫm mồ hôi của ông như hầu hết các thành phần khác trong xã hội. Nhưng ông đã không có cơ hội thử lòng thêm các bác sĩ và y tá khác để có thể thu về một kết luận có giá trị về mặt thống kê. Trước khi bà mẹ kế của ông đến lượt được chăm sóc, sự sống của bà đã tận. Ông tự an ủi bản thân bằng việc chi trả cho một đám tang tử tế thay vì một cái hóa đơn bệnh viện.

Sau khi mọi sự đã được lo chu tất, tôi đến gặp Shankar,
Ông trùm thở dài.
Dĩ nhiên, tôi không nhắc đến tin chính ngay, vì trước hết tôi muốn được yên tĩnh nghiền ngẫm những gì Mũi Thính đã tiết lộ cho tôi.

Ông hỏi Shankar tình hình làm ăn thế nào, chiếc bệ lăn làm việc có tốt không, bánh xe có cần tra dầu không – toàn những câu chuyện phiếm thường thấy trong các phiên tuần tra. Shankar kêu ca là tiền bố thí ở cái khu toàn bọn bủn xỉn này càng lúc càng khan tệ, rằng dân tình thật xấu tính. Ông trùm quỳ xuống bên cạnh lão và đặt một tay lên vai lão. Ông nói đó là vấn đề ở khắp mọi nơi – đây là một cuộc khủng hoảng thực sự về nhân tính, và cần có một cuộc cách mạng trong tim mỗi người. Nhưng ông sẽ xem xét, có lẽ sẽ kiếm cho lão một địa điểm mới. Ông vỗ vai Shankar và dặn lão chớ nên lo lắng, rồi luồn tay xuống dưới cổ áo để sờ nắn cái bướu trên cổ lão.

Và ở đó, dưới những đầu ngón tay của tôi, là đốt xương sống của bố tôi. Một cục u to y như thế. Tay tôi run lên vì xúc động. Toàn thân tôi lẩy bẩy vì phấn khích, tôi hầu như không đứng vững nổi khi gối đang quỳ xuống. Kia, chính em trai tôi, đang đứng ngay trước mặt tôi, và cũng là bố tôi, hiển hiện trong dải xương sống nọ. Tôi chỉ biết cố ngăn mình khỏi ôm chầm lấy Shankar, siết chặt nó vào ngực mình, và thú nhận tất cả.

Với một nỗ lực siêu phàm, ông đã kiềm chế được bản thân. Một sự tiết lộ hấp tấp có thể sẽ gây ra những nỗi đau khôn xiết. Trước hết, ông phải quyết định đâu là phương án tốt nhất cho Shankar. Mang em trai về nhà, nuôi chú ta trong an nhàn êm ấm cho đến hết phần đời còn lại, và cùng sống hạnh phúc bên nhau chăng, nghe cũng hay ho đấy. Những giấc mơ kiểu đấy rẻ tiền lắm, ai mà chả từng ấp ủ?
Nhưng nhỡ Shankar không thể thích nghi với cuộc sống mới thì sao? Giả sử nó có vẻ vô mục đích, hoặc tệ hơn cả vô mục đích thì sao? Nhỡ lão thấy căn nhà như tù ngục, nơi những khiếm khuyết của lão càng bị tô đậm thêm thay vì được đem ra sử dụng như những ngày tháng ăn xin trên vỉa hè thì sao? Mà quan trọng hơn nữa, nhỡ câu chuyện kinh hoàng về những năm đầu đời biến thành một khối ung nhọt trong tâm hồn Shankar, gặm nhấm lão từ bên trong, biến phần còn lại của đời lão thành chuỗi đắng cay trách hận Ông trùm và bố ông thì sao? Sau những tiết lộ ấy, liệu có còn chỗ cho sự tha thứ nữa không?

Tôi cảm thấy tốt hơn hết là tôi nên vật lộn với chính tâm hồn mình, kìm giữ sự thật Mũi Thính đã tiết lộ trong những ranh giới của nó. Đẩy người em trai khốn khổ đáng thương của mình vào đau đớn chỉ vì sự thanh thản của riêng mình, như thế sẽ là quá ích kỷ.
Ông lý luận rằng cuộc đời Shankar đã bị phá hoại một lần, hồi lão mới lọt lòng. Nhưng Shankar đã học cách sống trong cảnh tàn phá ấy. Gây ra một cuộc hủy diệt thứ hai đối với lão sẽ là việc làm không thể tha thứ được.

Vì vậy tôi đã quyết định sẽ chờ đợi. Chờ đợi, và nói chuyện với nó về tuổi thơ của nó. Có lẽ tôi sẽ kể dần những chuyện lặt vặt, dò xem phản ứng của nó. Dần dần, tôi sẽ biết đâu là cách tốt nhất cho chúng tôi. Và lần này tôi cần sự giúp đỡ của mấy người.


Chúng tôi giúp gì được?
Ishvar hỏi.

Nghĩ cách hỏi Shankar, bắt nó kể về quá khứ. Xem nó có những ký ức kiểu gì. Nó vẫn còn hơi e sợ tôi, có lẽ nó sẽ kể nhiều hơn với mấy người. Mấy người sẽ nói lại cho tôi biết chứ?


Được, chúng tôi làm được.


Cảm ơn. Trước mắt, tôi muốn làm cho cuộc sống của nó trên vỉa hè trở nên dễ chịu hết mức có thể. Tôi đã bắt đầu mua cho nó những thứ bánh kẹo nó thích hàng ngày – bánh laddoo và jalebi[45] chẳng hạn. Và vào các ngày Chủ Nhật là pho mát nhúng kem sữa. Tôi cũng đã lót nệm cho cái bệ lăn của nó, và tìm cho nó một chỗ tốt hơn để ngủ mỗi đêm.


Thảo nào,
Ishvar nói.
Ông ấy thường kể với chúng tôi là ngài đối xử với ông ấy tốt lắm.


Đó chỉ là chút việc mọn tôi có thể làm. Tôi còn đang tính phái tay thợ cạo riêng của tôi đến chỗ nó, để phục vụ nó một chầu từ a đến z – tỉa tóc, cạo mặt, mát xa mặt, làm móng, tất tật. Nếu đám người qua đường nhả ít xu hơn vì vẻ ngoài tươm tất, thì mặc mẹ chúng nó.

Lại một lần nữa, Dina kìm nén ước muốn bật ra câu: Ăn nói cẩn thận. Nhưng lần này, cách ăn nói đó không quá xóc tai cô như trước nữa.
Tin ngài vừa mang đến thật tuyệt vời,
cô nói.
Shankar sẽ vui sướng biết nhường nào khi ngài báo cho ông ấy biết.


Không phải khi
, mà là nếu
. Liệu tôi có bao giờ có đủ dũng cảm không? Liệu tôi có đủ trí khôn để đưa ra quyết định đúng không?

Sức nặng của những câu hỏi đó đột ngột đẩy ông vào tuyệt vọng. Cái tin vừa khiến ai nấy vui sướng bỗng biến thành đám mây che khuất mặt trời.

Tôi nghĩ mọi sự sẽ sáng tỏ với ngài khi đến lúc,
Ishvar nói.

Thứ đã trở nên sáng tỏ chính là ranh giới đen ngòm giữa tôi và Shankar. Đen hơn cả mái tóc mượt mà của hai người ăn mày khốn khổ vừa bị giết hại của tôi. Tôi không vạch ra nó – đó là dấu vết của số phận. Nhưng giờ tôi đã có đủ quyền năng để xóa bỏ nó.
Ông thở dài.
Quả là một thứ quyền năng đáng kinh ngạc, đáng e sợ. Liệu tôi có dám không? Vì một khi ranh giới ấy bị xóa bỏ, nó sẽ không thể được vẽ lại nữa.
Ông rùng mình.
Mẹ kế đã để lại cho tôi một di sản thế đấy.

Ông mở chiếc va li, lấy ra quyển sổ nháp và mở cho họ xem bức vẽ mới nhất của mình.
Tôi vẽ tối qua, trong lúc tôi đang rất chán nản và không thể ngủ nổi.

Bức vẽ gồm ba hình người. Người đầu tiên ngồi trên một cái bệ có những bánh xe bé tí. Ông ta không có cẳng chân, cũng chẳng có ngón tay, và hai khúc đùi cụt lòi ra như khúc tre rỗng. Người thứ hai là một người phụ nữ gầy xơ gầy xác không có mũi, khuôn mặt bà mang một cái lỗ ghê rợn ở chính giữa. Nhưng cái hình người thứ ba còn quái đản hơn cả. Một người đàn ông với chiếc cặp táp xích vào cổ tay đang bò bằng cả bốn chân như con nhền nhện. Bốn bàn chân của ông ta quay về bốn phía của chiếc la bàn, như thể luôn luôn hoang mang không biết đâu mới là hướng đi đúng. Hai bàn tay của ông có tới mười ngón mỗi bên, những quả chuối vô dụng đâm ra từ lòng bàn tay. Và trên mặt ông ta là hai cái mũi, nằm kề nhau nhưng lại quay ngoắt đi một cách kì quặc, như thể chiếc nọ không thể chịu đựng nổi mùi của chiếc kia.
Họ nhìn chằm chằm bức vẽ, không chắc nên phản ứng thế nào trước tác phẩm của Ông trùm. Ông cứu họ khỏi phút bối rối bằng cách giải thích của riêng mình.
Quái thai, chúng ta là thế – tất cả lũ chúng ta.

Ishvar đang định mở miệng nói rằng ông ta đang quá khắt khe với bản thân mình, rằng ông không nên đổ hết số phận của Shankar và Mũi Thính lên vai mình, thì Ông trùm đã kịp cắt nghĩa:
Ý tôi là mỗi con người. Và ai có thể trách cứ bọn ta kia chứ? Bọn ta có cơ hội nào đâu, trong khi khởi đầu và kết cục của chúng ta đều quái gở như thế? Sinh và tử – còn chuyện gì có thể gớm ghiếc hơn thế? Bọn chúng ta cứ thích tự lừa dối mình, gọi nó là kì diệu rồi đẹp đẽ rồi huy hoàng này nọ, nhưng thật ra nó rất quái gở, nghĩ mà xem.

Ông gấp cuốn sổ nháp lại và trả nó lại va li với vẻ dứt khoát chắc chắn, ngụ ý rằng cuốn trường thiên tiểu thuyết về hạnh phúc và đau khổ và ngờ vực và khám phá đã chấm dứt, những cảm xúc nhân tính đã được đóng gói lại, và giờ là lúc trở về với công chuyện làm ăn.
Còn bốn tháng nữa là trọn kì nộp phí của mấy người. Tôi muốn biết trước là hai người có tính gia hạn hợp đồng với tôi không?


Có chứ ạ,
Ishvar nói.
Chắc chắn là có rồi. Nếu không lão chủ nhà sẽ lại đến quấy rối chúng tôi mất.

Họ theo Ông trùm ra ngoài hành lang để tiễn ông về. Ngoài đường, màn đêm vẫn chưa hề bị xuyên thủng bởi hàng đèn đường. Có vẻ như lại mất điện, vì cả dãy đèn vẫn chưa được thắp sáng.

Tôi hi vọng cột đèn ở chỗ Shankar vẫn sáng,
Ông trùm nói.
Tôi phải đi kiểm tra ngay mới được, nó sẽ sợ hãi lắm nếu vỉa hè tối om thế này.

Ông sải bước trên mặt đường nhựa đen ngòm trong chiếc áo sơ mi và quần trắng, nom như một cục phấn giữa bảng đen. Ông quay lại một lần để vẫy tay tạm biệt, rồi dần mất hút.

Quả là một câu chuyện kì quặc,
Om nói.
Mấy người bạn của bác cháu ta ở Vishram chắc sẽ rất thích chuyện này. Nó có tất cả – bi kịch, chuyện tình yêu, bạo lực, và một cái kết chưa được giải quyết đầy tính gợi mở.


Nhưng mày chả nghe Ông trùm nói rồi đấy,
Ishvar nói.
Chuyện này phải được giữ kín, vì Shankar. Lại thêm một câu chuyện nữa không thể đưa vào bộ Mahabharat
của ông bếp rồi.


Chú thích
[45] Hai loại bánh rất phổ biến ở Ấn Độ.
Laddoo là loại bánh hình tròn như quả bóng bàn, được nặn từ các viên bột mì nhỏ chiên giòn, trộn cùng đường và các loại hạt. Laddoo còn có thể được làm từ nhiều loại bột mì hoặc bột đậu xanh khác nữa.
Jalebi là loại bánh làm từ bột mì nhào có hình xoắn được chiên giòn và nhúng trong si rô đường.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cân bằng mong manh.