XV. Kế hoạch hóa gia đình


Số từ: 16928
Người dịch: Nguyễn Kim Ngọc
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
MỘT BÓNG NGƯỜI RÂU RIA, GẦY GÒ lật bật chạy về phía hai người thợ may giữa lúc họ đang vần chiếc rương của mình ra khỏi toa tàu và chuyển xuống sân ga.
Chờ mãi,
ông vỗ tay hoan hỉ.
Cuối cùng hai đứa cũng về rồi.


Ông trẻ Ashraf! Chúng cháu đang định về cửa hàng để làm ông bất ngờ một phen!
Họ kéo hành lý vào một góc, bắt tay, ôm hôn, cười nói không vì lý do nào khác ngoài niềm vui được tái ngộ.
Ishvar và Om là những hành khách duy nhất xuống tàu. Hai người vác thuê đang nghỉ chân cạnh vòi nước vẫn ngồi chồm hổm; bản năng mách bảo họ rằng dịch vụ của họ sẽ không được vời đến. Ga tàu nhỏ ngái ngủ dần tỉnh giấc dưới những rung động của động cơ. Những người bán hàng rong mang hoa quả, đồ uống ướp lạnh, trà, bánh rau chiên, kem đá, kính râm, tạp chí bu lấy đoàn tàu, điểm tô thêm cho bầu không khí bằng tiếng rao của mình.

Đi nào,
Ashraf nói.
Ta về nhà đi, chắc hai đứa mệt lắm rồi. Chúng ta sẽ ăn uống trước, sau đó hai đứa có thể kể cho ta nghe hai đứa đã bận làm những việc kinh thiên động địa gì trên thành phố.

Một người phụ nữ bê một rổ quả vả cất tiếng rao ngay bên cạnh họ:
Ai mua vả đi!
Tiếng rao the thé mở đầu bằng một giọng van lơn, và dần biến thành lời trách móc khi họ đi qua mặt bà ta. Nó không hề được nhắc lại. Bà ta quay sang thử vận với các hành khách trên tàu, bị đóng khung trong những ô cửa sổ như một triển lãm chân dung di động. Vừa chạy bộ dọc các toa tàu, bà ta vừa tì cái rổ lên hông; nó nảy lên nảy xuống như một đứa trẻ con. Người bảo vệ tuýt một hồi còi cảnh báo, làm một con chó lai lông màu kem đang gà gật gần đường tàu tránh giật bắn mình. Nó gãi soàn soạt phía sau tai, mặt nhăn tít lại như người đang cạo râu.

Ông trẻ ơi, ông đúng là thiên tài,
Om nói.
Chúng cháu có báo ngày về đâu, thế mà ông vẫn bắt đúng chuyến tàu. Sao ông biết hôm nay chúng cháu sẽ đến nơi?


Ta có biết đâu,
ông cười.
Nhưng ta biết là trong tuần này. Mà ngày nào tàu chả về bến cùng một giờ.


Hóa ra ngày nào ông cũng ra đây chờ ạ? Còn cửa hàng thì sao?


Cũng chả đông khách lắm.
Ông vươn tay ra đòi xách đỡ hành lý. Bàn tay ông run rẩy, chằng chịt những đường gân nổi rõ mồn một. Còi lại rú, và đoàn tàu rùng rùng chạy tới. Đám người bán hàng rong biến mất. Như một ngôi nhà bị bỏ hoang, ga tàu rơi từ trạng thái ngái ngủ sang hiu quạnh.
Nhưng trống vắng chỉ là tạm thời. Dần dà, khoảng hơn chục hình người hiện ra từ những góc tối của các nhà kho và vựa chứa hàng. Quấn mình trong những thứ giẻ rách, bị cái đói xoắn riết, họ hạ thân thể lỏng khỏng của mình từ rìa sân ga xuống đường ray và đồng loạt đi men đường tàu, lần mò từng thanh tà vẹt, sục sạo những món tạp nhạp bị bỏ lại từ các chuyến tàu, thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt nhạnh rác rưởi của khách đi tàu. Khi hai bàn tay cùng vồ lấy một phần thưởng, ẩu đả lại nổ ra. Lớp gỗ và sỏi ở những nơi chất bài tiết đã hạ cánh ướt nhoét, khai khắm, đầy ruồi vo ve xung quanh. Đoàn quân rách rưới vơ vét giấy, thức ăn thừa, túi ni lông, nắp chai, kính vỡ, tất tần tật từng mẩu vụn quý giá đã bị chuyến tàu vừa rời ga vứt lại. Họ nhét nó vào các bao tải đay, rồi tan vào bóng tối của nhà ga để kiểm kê bộ sưu tập của mình và chờ đợi chuyến tàu kế tiếp.

Xem ra thành phố đối xử với hai đứa tốt quá hả?
Ashraf nói, khi ba ông cháu chui qua thanh chắn tàu để sang đường.
Cả hai bác cháu trông đều đỏ da thắm thịt ghê.


Nghe quý hóa quá ạ,
Ishvar nói. Đôi tay run lẩy bẩy của ông trẻ Ashraf khiến ông rất lo buồn. Và rốt cuộc tuổi tác, thừa dịp hai người thợ may vắng mặt, đã kịp dạy đôi vai ông cụ cách còng gập xuống.
Chúng cháu chẳng có điều gì phải than phiền cả. Nhưng chú thì sao ạ?


Nhất hạng, với tuổi của ta.
Ashraf đứng thẳng lên, vỗ vỗ tay lên ngực, dù cái dáng cong gập quay lại gần như ngay tức khắc.
Còn cháu thì sao, Om? Trước kia vạn bất đắc dĩ lắm cháu mới chịu ra đi. Còn giờ xem cháu này, mặt mũi rõ khỏe khoắn sáng sủa chưa!


Đấy là do bọn giun của cháu đã dọn nhà đi hết rồi.
Cậu khoái trá kể lại chuyện lũ kí sinh trùng đã bị món thuốc tẩy giun tiêu diệt như thế nào.

Phải một năm rưỡi nay mày mới được gặp lại ông trẻ, thế mà mày chỉ nói được mỗi chuyện giun dế thôi à?


Sao lại không?
Ashraf nói.
Sức khỏe là quan trọng nhất. Thấy chưa, ở đây làm sao mà kiếm được thuốc tốt đến thế. Thêm một lý do để mừng vì hai đứa đã đi, hả?

Ishvar và Om bước chậm lại khi đi đến góc phố gần nhà trọ, nhưng Ashraf đã lái họ về hướng cửa hiệu của ông.
Tội gì phung phí tiền bạc để đổi lấy một cái giường đầy rệp?
Đến ở với chú đi.


Thế thì phiền cho chú quá.


Chú xin mà – hai đứa phải lấy nhà chú để làm chỗ chiêu đãi đám cưới đấy nhé. Làm ơn cho chú một lần đi. Một năm qua cô quạnh quá.


Nếu biết ông nói như thế, bà trẻ Mumtaz sẽ không vui chút nào đâu,
Om nói.
Chả lẽ ông không tính đến bà à?

Nỗi bối rối che mờ nụ cười của Ashraf.
Các cháu không nhận được thư à? Bà Mumtaz nhà ta đã mất rồi, khoảng sáu tháng sau khi hai đứa lên đường.


Sao ạ?
Hai bác cháu đứng khựng lại, hành lý trôi tuột khỏi tay. Chiếc rương đập thình xuống đất.

Cẩn thận!
Ashraf cúi xuống kéo nó lên.
Nhưng ta đã viết thư báo cho hai đứa rồi còn gì, gửi qua Nawaz.


Lão có chuyển cho bọn cháu đâu,
Om phẫn nộ kêu lên.

Có lẽ thư đến muộn, sau khi chúng ta chuyển sang xóm lều lán.


Lão có thể mang đến cho chúng ta kia mà.


Phải, nhưng ai mà biết được ông ấy có nhận được thư không.

Họ bỏ lửng cuộc suy đoán và lần lượt ôm lấy ông trẻ Ashraf; họ hôn lên má ông ba lần, để an ủi ông, và cũng là an ủi chính mình.

Ta đã rất lo lắng khi chẳng thấy hồi âm gì cả,
ông nói.
Ta đã nghĩ chắc hẳn các cháu đang rất bận rộn, phải lo tìm công ăn việc làm.


Bận đến đâu thì bận, nếu biết tin, thế nào chúng cháu cũng phải viết thư về ngay,
Ishvar nói.
Có khi chúng cháu còn về luôn với chú. Khổ quá – lẽ ra chúng cháu phải về đây dự lễ tang, thím có khác gì mẹ cháu, lẽ ra chúng cháu đừng nên đi thì hơn…


Cháu lại nói ngớ ngẩn rồi. Có ai biết trước được tương lai đâu.

Họ lại đi tiếp, và Ashraf kể cho họ nghe về cơn đau bệnh đã giết dần giết mòn, và về sau đã cướp đi Mumtaz. Khi ông nói về mất mát của mình, lý do ông ra ga mỗi ngày để đợi con tàu của họ trở về dần sáng tỏ: ông đang chơi trò cân não với thời gian, kẻ tra tấn tàn bạo.

Kể cũng lạ. Lúc Mumtaz nhà ta còn sống, ta thường ngồi một mình cả ngày, may vá hoặc đọc sách báo. Còn bà ấy thì lụi cụi sau nhà, tất bật nấu nướng, lau dọn và cầu nguyện. Nhưng chẳng có chút cảm giác cô đơn nào cả, ngày ngày trôi qua thật nhẹ nhàng. Chỉ cần biết bà ấy đang ở kề bên là đủ. Giờ ta nhớ bà ấy quá. Thời gian quả là thứ chẳng đáng tin cậy chút nào – khi ta muốn nó trôi qua thật nhanh, thì giờ phút cứ dính chặt lấy ta như keo. Và cũng là thứ dễ đổi thay nữa. Thời gian là sợi dây buộc cuộc đời chúng ta thành từng gói năm và tháng. Hoặc một sợi dây cao su co giãn theo trí tưởng tượng của chúng ta. Thời gian có thể là cái nơ xinh trên tóc một đứa bé gái. Hay nếp nhăn trên mặt ta, cướp đi hương sắc tuổi trẻ và từng sợi tóc của ta.
Ông thở dài và nở nụ cười buồn bã.
Nhưng rốt lại, thời gian là cái thòng lọng tròng quanh cổ, từ từ siết chặt dần.

Một búi cảm xúc khó chịu lẫn lộn choán ngợp trí óc Ishvar – tội lỗi, buồn đau, linh tính về tuổi già đang rình rập tương lai của chính ông. Ông ước sao mình có thể an ủi chú Ashraf, rằng họ sẽ không bao giờ bỏ ông lại một mình thêm một lần nữa. Nhưng rốt cuộc, ông chỉ nói:
Chúng cháu muốn tới thăm mộ thím Mumtaz.

Lời thỉnh cầu khiến Ashraf vô cùng sung sướng.
Ngày giỗ thím là vào tuần sau. Ba chú cháu ta sẽ cùng đi. Nhưng hai đứa đã phải đi một quãng đường rất dài vì dịp đại hỉ này. Ta hãy nói về chuyện đấy trước đã.

Ông quyết không để cái tin buồn làm họ mất vui. Ông giải thích là ba ngày nữa sẽ tới cuộc gặp mặt ban đầu với từng nhà trong số bốn gia đình.
Lúc đầu có vài nhà cũng hơi ngần ngại. Vì ta là một người đạo Hồi lại đi dạm hỏi cho cháu ấy mà.


Sao họ dám,
Ishvar phẫn nộ kêu lên.
Chả lẽ họ không biết chúng ta là một gia đình à?


Lúc đầu thì không,
Ashraf nói. Nhưng những người biết rõ mối quan hệ thân thiết lâu năm giữa bọn họ đã phân tích là không có gì phải lo ngại cả.
Thế nên mọi sự đã cắt đặt xong xuôi rồi. Chắc chú rể sốt ruột lắm đây,
ông thúc đùa vào bụng Om mấy cái.
Cháu sẽ phải kiên nhẫn chờ thêm một chút nữa. Nhờ ơn Thánh Allah, tất cả sẽ êm đẹp cả thôi.


Cháu có lo gì đâu,
Om nói.
Ông kể cháu xem có gì mới không đi. Ở thị trấn có chuyện gì không?


Cũng chả có mấy. Một Trung tâm kế hoạch hóa gia đình mới mở. Ta không nghĩ cháu sẽ có hứng với chỗ đó,
ông cười khà khà.
Còn tất cả những thứ khác, dù tốt hay xấu, vẫn như xưa.

Cơn phấn khích trào dâng giục chân Om bước nhanh thêm khi dãy phố nhà họ lọt vào tầm mắt, rồi đến tấm biển Hiệu may Muzaffar
. Cậu bứt lên trước, chào mấy người chủ của tiệm kim khí, tiệm tạp hóa, xưởng xay xát, và cửa hàng bán than. Tất cả bọn họ đều ló ra khỏi cửa và hồ hởi chúc mừng việc đại hỉ.

Khi nào đói thì bảo ta nhé,
Ashraf nói.
Ta đã nấu ít súp đậu và cơm rồi đấy. Ta còn làm cả món xa lát xoài mà hai đứa thích nữa đấy.

Om liếm môi.
Được về đây sướng thật.


Có hai đứa về vui quá.


Vâng,
Ishvar nói.
Chú biết không, cô Dina rất tốt, bây giờ chúng cháu đã rất hòa thuận với nhau rồi, nhưng ở đây vẫn khác hẳn. Đây là nhà. Ở đây cháu thấy thoải mái hơn nhiều. Trên thành phố, cứ mỗi lần có việc đi đâu ra ngoài, cháu lại thấy hơi sờ sợ.


Ôi dào, chẳng qua bác cứ để mấy chuyện rắc rối kia ám ảnh bác. Quên đi bác ạ, đã lâu lắm rồi còn gì.


Chuyện rắc rối à?


Không có gì đâu ạ,
Ishvar nói.
Chúng cháu sẽ kể với chú sau. Thôi, ta đi ăn đi, kẻo cơm với súp khô hết mất.

Họ ngồi trong cửa hiệu, chuyện trò đến khuya, Ishvar và Om cẩn thận giảm nhẹ bớt những chi tiết của cuộc thử lửa họ vừa trải qua. Họ làm việc đó một cách bản năng, ước sao cất bớt nỗi đau của ông trẻ Ashraf, khi thấy ông cau mày xót xa trước mọi việc họ mô tả.
Đến khoảng nửa đêm, Om bắt đầu gật gù, Ashraf bèn giục hai bác cháu đi ngủ.
Cái đầu già cả này của ta có thể thức nghe cả đêm, nó có cần ngủ mấy đâu. Nhưng hai đứa phải nghỉ ngơi đi.

Ishvar kê gọn mấy chiếc ghế sang một bên để lấy chỗ trải chiếu trên sàn nhà. Ashraf ngăn ông lại.
Sao lại ngủ ở đây? Trên gác có mình ta thôi mà. Lên đi.
Họ leo lên những bậc thang dẫn từ cửa hiệu lên căn phòng trên tầng.
Chỗ này hồi xưa đông đúc biết mấy. Mumtaz, bốn đứa con gái, và hai chàng thợ học việc của ta. Cả nhà ta lúc đấy vui quá, hả?

Ông lấy thêm chăn và ga từ một chiếc rương nồng mùi băng phiến.
Bà Mumtaz nhà ta đã cất hết chăn gối vào đây sau khi bốn con bé đi lấy chồng. Bà ấy cẩn thận lắm – năm nào bà ấy cũng đem ra hong, rồi cho băng phiến mới vào.

Om ngủ tít ngay khi đầu vừa chạm gối.
Làm ta lại nhớ đến cháu và Narayan,
Ashraf thì thào.
Lúc hai đứa mới đến đây khi còn bé tí, nhớ không? Sau bữa cơm tối, hai đứa lại xuống dưới cửa hiệu và trải chiếu ra. Hai đứa chìm vào giấc ngủ rất ngon lành, cứ như đây chính là nhà hai đứa vậy. Với ta, thật không có lời khen tặng nào có thể sánh bằng.


Thì cũng nhờ chú và thím Mumtaz chăm chút chúng cháu làm chúng cháu có cảm giác như được ở nhà mình vậy mà.
Họ ôn lại chuyện xưa thêm vài phút nữa rồi mới tắt đèn.
Ashraf muốn tặng Ishvar và Om áo mới.
Chiều nay chúng ta đi lấy nhé,
ông nói.

Ấy ấy, chú ơi. Thế thì chúng cháu nhận của chú nhiều quá.


Hai đứa muốn làm chú buồn hay sao mà đòi từ chối quà của chú?
Ông phản đối.
Đám cưới của Om cũng rất quan trọng đối với chú. Cứ để chú làm việc chú muốn.
Chiếc áo sẽ được mặc trong bốn buổi đi xem mặt cô dâu. Còn đồ dùng cho đám cưới sẽ được thảo luận sau, cùng với gia đình của cô gái được họ chọn.
Ishvar nhượng bộ, nhưng với một điều kiện – ông và Om sẽ giúp Ashraf may áo. Để ông trẻ phải còng lưng một mình trước máy may là việc không thể chấp nhận được.

Nhưng có ai phải động tay đâu,
Ashraf nói.
Có một cửa hàng bán đồ may sẵn trong chợ. Chính là chỗ đã cướp khách của chúng ta ấy. Sao hai đứa có thể quên được nhỉ? Đấy là lý do khiến hai đứa phải ra đi còn gì.

Ông kể cho họ nghe về những khách hàng tin cậy đã lần lượt bỏ rơi Hiệu may Muzaffar, bao gồm cả những người là con cháu của những khách quen từ trước.
Lòng trung thành của hai thế hệ đã tan biến như sương khói trong một ngày gió, trước những lời hứa hẹn về giá cả rẻ mạt. Tiền quả là một loài quỷ dữ ghê gớm. Cũng may là nhân lúc có dịp, hai đứa đã ra đi, ở đây chẳng còn tí tương lai nào cả.

Chỉ ít phút sau, Om đã lôi ra một lý do khác, luôn luôn không được đả động đến, đã dẫn tới cuộc tháo chạy của hai bác cháu lên thành phố.
Thế còn thằng chúa đất Dharamsi thì sao? Ông chưa nói gì đến hắn cả. Thằng chó má đấy còn sống không?


Tỉnh đã giao cho hắn làm giám đốc Trung tâm kế hoạch hóa gia đình.


Hắn dùng phương pháp gì? Hắn có giết trẻ con để kiểm soát dân số không?

Bác cậu và ông trẻ Ashraf liếc nhìn nhau đầy bất an.

Cháu nghĩ cộng đồng chúng ta nên hợp sức lại với nhau và giết chết con chó đấy.


Đừng nói nhăng nói cuội nữa, Omprakash,
Ishvar cảnh cáo. Cơn thịnh nộ bất hạnh ngày xưa của cháu ông dường như đang nhăm nhe quay về, khiến ông lo lắng vô cùng.
Ashraf bèn cầm lấy tay Om.
Cháu à, con quỷ dữ đó quá quyền thế. Từ hồi Tình trạng khẩn cấp bắt đầu, tầm ảnh hưởng của hắn đã lan rộng từ làng hắn lên đến tận đây. Giờ hắn đã là nhân vật quan trọng trong Đảng Quốc Đại, người ta nói hắn sẽ lên chức bộ trưởng trong cuộc bầu cử sắp tới – nếu chính phủ có quyết định tổ chức bầu cử. Dạo này, hắn muốn làm ra vẻ đáng kính nên không dùng đến bọn đầu gấu nữa. Khi nào muốn đe dọa ai, hắn không sai bọn tay chân đi nữa, mà chỉ cần bảo cảnh sát một câu. Chúng sẽ tìm bắt người khốn khổ kia, dần cho anh ta một trận, rồi thả về.


Sao chúng ta phải phí thời gian để nói về gã đó?
Ishvar giận dữ nói.
Chúng ta về đây vì một việc mừng lớn, chúng ta chẳng có gì dính dáng đến hắn cả, Thượng Đế sẽ xử lý gã chúa đất Dharamsi đó.


Chính thế,
Ashraf gật gù.
Nào, ta đi mua áo thôi.
Ông treo lên một tấm biển báo cửa hàng sẽ mở cửa lại vào lúc sáu giờ.
Cũng chẳng để làm gì. Chả ai đến đâu mà.
Ông loay hoay mãi với cái cửa xếp thép, Om bèn ra giúp. Tấm lưới bị kẹt trên ray, nên phải đẩy lùi lại, lắc cho hết tắc, rồi mới từ từ kéo ra được.

Phải tra dầu thôi,
ông thở hổn hển.
Giống y mấy cái xương già của ta.

Họ theo con đường đất ra chợ, bước trên mặt đất khô nỏ, cứng đanh, đi qua các kho chứa thóc và những túp lều của công nhân. Dép của họ kêu lạo xạo khe khẽ và đá tung lên những đám bụi nhỏ.

Mưa trên thành phố thế nào?


Quá nhiều,
Ishvar đáp.
Phố xá ngập lụt không biết bao nhiêu lần mà kể. Còn ở đây thì sao ạ?


Quá ít. Quỷ dữ đã che một cây ô trên đầu chúng ta. Hi vọng năm nay nó sẽ gập ô lại.

Đường dẫn đến cửa hàng quần áo đi qua Trung tâm kế hoạch hóa gia đình mới mở, Om bèn đi chậm lại, nhòm vào bên trong.
Ông nói thằng chúa đất Dharamsi làm sếp ở chỗ này ấy hả?


Phải, nhờ chỗ này mà hắn kiếm được nhiều tiền lắm.


Bằng cách nào? Cháu nghĩ chính phủ trả tiền cho các bệnh nhân để thuyết phục họ làm phẫu thuật chứ.


Thằng khốn ấy bỏ túi hết chỗ tiền đó. Dân làng có làm gì được đâu. Kêu ca chỉ tội kéo thêm tai vạ trút xuống đầu mình. Khi nào bọn tay sai của thằng chúa đất đấy đi kiếm người tình nguyện, đám dân lành tội nghiệp phải nhắm mắt đẩy vợ đi, hoặc tự nộp mạng cho phẫu thuật.


Hai Ram
. Nếu một thứ quỷ dữ như vậy được thả sức hoành hành, thì thế giới thực sự đang trải qua giai đoạn đen tối của Kaliyug rồi.


Thế mà bác còn bảo cháu nói nhăng nói cuội,
Om khinh khỉnh nói.
Giết chết con lợn đấy là cách hợp lý nhất để chấm dứt Kaliyug.


Bình tĩnh nào cháu,
Ashraf nói.
Kẻ nào nhổ nước trầu lên trời thì chỉ làm chính mình mù mắt thôi. Với những tội ác gây ra trong kiếp này, hình phạt sẽ tới ở kiếp sau.

Om đảo mắt.
Vâng, thì đã hẳn. Nhưng ông thử nói cháu nghe xem, hắn có thể kiếm được bao nhiêu tiền từ chỗ đó? Tiền thưởng phẫu thuật có nhiều nhặn gì đâu.


A, nhưng đấy không phải nguồn duy nhất của hắn. Khi bệnh nhân được đưa đến phòng khám, hắn đem đấu giá họ.


Như thế nghĩa là sao?


Thì đấy, mỗi viên chức chính phủ phải kiếm được hai hoặc ba ca triệt sản. Nếu họ không hoàn thành định mức, chính phủ sẽ giữ lại lương tháng đó của họ. Thế nên thằng chúa đất đấy mời tất cả giáo viên, tổ trưởng tổ dân phố, nhân viên thu thuế, thanh tra thực phẩm đến phòng khám. Ai muốn có thể trả giá cho mấy người dân làng. Kẻ nào trả giá cao nhất sẽ được đăng kí mấy ca đó vào định mức của mình.

Ishvar lắc đầu chán nản.
Thôi, ta đi nào,
ông nói, đoạn đưa tay lên bịt tai.
Trời ạ, cháu không muốn nghe chuyện này thêm một tí nào nữa.


Ta không trách gì cháu đâu,
Ashraf nói.
Phải nghe những điều xảy ra trong đời chúng ta cũng có khác gì uống thuốc độc đâu – nó giết dần giết mòn sự yên ổn của ta. Ngày nào ta cũng cầu nguyện cho những điều xấu xa đã che mờ đất nước này tan đi, rằng công lý sẽ trừng trị những kẻ lầm đường lạc lối đó.

Khi họ định rời khỏi tòa nhà, có người trong Trung tâm kế hoạch hóa gia đình bỗng chạy ra cửa.
Mời vào,
anh ta nói.
Không phải chờ đợi gì hết, bác sĩ đang đến ca trực, chúng tôi có thể làm phẫu thuật ngay bây giờ.


Đừng có động đến của quý của tôi,
Om nạt.
Người kia bắt đầu giải thích bằng giọng chán chường rằng đó là một sự nhầm lẫn người ta hay mắc phải khi nhắc đến phẫu thuật cắt ống dẫn tinh, của quý không liên can gì ở đây, thậm chí bác sĩ còn chẳng sờ đến phần đó.

Không có gì đâu,
Ashraf cười.
Chúng tôi biết mà. Thằng bé này chỉ trêu anh đấy thôi.
Ông vẫy tay chào thân ái, rồi ba chú cháu lại đi tiếp.
Phía bên ngoài cửa hàng đồ may sẵn, những bộ áo-vàquần phối sẵn đung đưa trên mắc, treo lơ lửng dưới mái hiên như những con bù nhìn không đầu. Đa phần hàng hóa được đựng trong các hộp các tông xếp trên kệ. Sau khi ước lượng kích cỡ của khách, anh chàng bán hàng mang ra vài chiếc áo. Om nhăn mặt.
Cậu không thích à?

Om lắc đầu. Anh chàng nọ đẩy mấy chiếc hộp sang một bên và trưng ra một loại mẫu mã khác. Anh ta nhìn mấy vị khách, vẻ căng thẳng.

Cái kia đẹp đấy,
Ishvar nói, cảm thấy thương hại người bán. Ông cầm lên một chiếc áo sơ mi cộc tay kẻ ca rô.
Giống hệt cái Maneck có.


Vâng, nhưng bác xem khuy may ẩu chưa này,
Om phản đối.
Chỉ cần một lần giặt là bung ra hết.


Nếu cháu thích cái này thì cứ lấy đi,
Ashraf nói.
Ông sẽ đơm lại khuy cho.


Để tôi lấy cho mọi người xem thêm,
người bán hàng nói.
Trong hộp này có những mẫu hoa văn đặc biệt của chúng tôi, chất lượng số một, nhập từ công ty dệt may Tự Do.
Anh ta rải khoảng nửa chục mẫu áo lên mặt quầy.
Họa tiết kẻ sọc bây giờ đang thịnh lắm.

Om cầm lên một chiếc áo sơ mi màu xanh lơ nhạt kẻ sọc xanh tím than và bỏ túi giấy bóng kính ra.
Xem này,
cậu nói giọng ghê tởm, đoạn rũ chiếc áo ra.
Túi thì xộc xệch, đường kẻ sọc còn chẳng khớp nhau nữa.


Cậu nói đúng,
người bán hàng thừa nhận và mở thêm những hộp khác.
Tôi chỉ bán quần áo thôi, chứ có may chúng đâu. Biết làm thế nào được, chẳng còn ai biết giữ thể diện nghề nghiệp là cái gì nữa.


Đúng thế thật,
Ishvar nói.
Ở đâu cũng thế.

Cùng ca thán về thời thế đổi thay xem ra khiến mấy vị khách hàng dễ tính hơn. Anh chàng bán hàng gấp những chiếc được chọn theo nếp ban đầu và lồng lại vào túi giấy trong. Chất bóng kính kêu loạt soạt nghe thật sang trọng. Ảo tưởng về giá trị và chất lượng được khôi phục, khi dây và giấy nâu bọc gọn ghẽ mấy chiếc áo thành một gói. Anh ta ghé răng cắn để dứt một đoạn dây vừa phải từ cuộn lớn.

Nhớ quay lại nhé, tôi sẽ rất hân hạnh được phục vụ các vị.

Cảm ơn cậu,
Ashraf nói.
Họ đứng trên phố và bàn xem nên làm gì tiếp theo.
Chúng ta nên đi quanh chợ một vòng,
Om nói,
xem có ai ta quen không.


Ta có kế hoạch này hay hơn,
Ashraf nói.
Ngày mai là phiên chợ. Buổi sáng ta hãy cùng đến đó. Tất cả mọi người từ dưới làng đều sẽ lên cả, hai cháu sẽ được gặp khối bạn bè.


Ý đấy hay lắm,
Ishvar gật gù đồng tình.
Giờ để cháu thết chú một miếng trầu cau trước khi ta về nhà đã nhé.


Đừng nói với ta là cháu đã bị nghiện trầu cau đấy nhé,
Ashraf nói, tỏ vẻ không hài lòng.

Không không, chỉ vì hôm nay là một ngày đặc biệt, chúng cháu được gặp lại chú sau biết bao nhiêu ngày xa cách.

Mồm phồng tướng vì hỗn hợp hạt cau, vôi, và thuốc lá, ba ông cháu đi bộ trở về Hiệu may Muzaffar, nghĩa là lại bước qua Trung tâm kế hoạch hóa gia đình một lần nữa. Đến đây, Ashraf giải phóng một mồm đầy nước trầu xuống rãnh và chỉ vào một chiếc ô tô đang đỗ.
Đấy là cái xe mới của tay chúa đất Dharamsi đấy. Chắc hẳn hắn đang ngồi bên trong, bận đếm số nạn nhân của hắn.

Ishvar lập tức kéo hai người kia qua bên kia đường.

Làm sao bác phải chạy?
Om nói.
Bọn ta việc gì phải sợ thằng chó đấy!


Tránh voi chả xấu mặt nào.


Phải đấy,
Ashraf nói.
Sao phải cố nhìn vào mặt quỷ dữ nếu ta có thể tránh được?

Đúng lúc đó, chúa đất Dharamsi bước ra từ tòa nhà, Om bèn hiên ngang sải bước về phía lão kia, như thể sắp đâm thẳng vào lão. Ishvar cố kéo cậu trở lại bên cạnh ông trẻ Ashraf. Phần đế da mòn vẹt của đôi dép Om mang trượt dài trên vỉa hè. Cậu tự thấy mình thật ngu ngốc. Bác cậu đã thắng trong cuộc kéo co, và thái độ thách thức của cậu đã biến thành nhục nhã ngay trước mắt lão chúa đất.
Om nhổ toẹt.
Cánh cung màu đỏ chấm dứt cách đích vài thước; nước trầu dấp dính thấm ướt khoảng đất giữa đôi bên. Lão chúa đất đứng khựng lại. Hai gã đàn ông đi cùng hắn đứng chờ lệnh. Xung quanh họ, người qua kẻ lại lủi đi nhanh như chớp, sợ hãi không dám chứng kiến những gì sắp xảy ra.
Lão chúa đất nói rất nhỏ:
Tao biết mày là thằng nào.
Lão bước vào xe, đóng sầm cửa lại, và phóng đi.
Trên suốt quãng đường về nhà còn lại, Ishvar phát điên phát rồ vì giận dữ và lo sợ.
Mày điên rồi! Mất trí thật rồi! Nếu mày muốn chết, sao không uống thuốc chuột vào đi?
Mày về đây để làm đám cưới hay làm đám ma thế?


Đám cưới của cháu, và đám ma của thằng chúa đất đấy.


Câm ngay cái mồm của mày lại! Tao nên cho mày ăn một cái tát mới phải!


Nếu bác không cản cháu, có khi cháu đã nhổ trúng nó rồi. Vào giữa mặt nó luôn.

Ishvar giơ tay lên đánh, nhưng Ashraf vội ngăn ông lại.
Chuyện gì xảy ra đã xảy ra rồi. Từ rày trở đi, chúng ta phải tránh xa tên quỷ dữ ấy ra.


Cháu không sợ hắn,
Om nói.

Dĩ nhiên là không rồi. Chúng ta chỉ không muốn có bất kì rắc rối nào làm hỏng công việc chuẩn bị cho đám cưới, vậy thôi. Niềm vui của chúng ta không nhất thiết phải bị che mờ vì bóng tối của con quỷ dữ đó.

Ông phải không ngừng thoa đắp những lời mình nói như dầu bôi lên nỗi đau khổ của Ishvar. Nhưng cứ chốc chốc, sự kinh hoàng lại bục vỡ, phun trào thành hàng tràng chỉ trích cay nghiệt đối với sự ngu dốt của thằng cháu.
Làm ra vẻ anh hùng lắm, nhưng suy nghĩ thì như thằng khùng. Chỉ tại tao đã mua trầu cho mày. Một con cú cáu kỉnh, đúng như cô Dina đã gọi mày. Óc hài hước và những trò đùa của mày đâu mất rồi? Thiếu Maneck, mày đã quên mất cách cười, quên mất cách tận hưởng cuộc sống rồi.


Lẽ ra bác nên đưa cậu ta về, nếu bác nghĩ cậu ta tuyệt vời đến thế. Cháu cứ ở lại trên ấy thì hơn.


Mày toàn nói nhăng nói cuội thôi. Chúng ta chỉ về đây có vài ngày. Chả mấy nữa ta sẽ trở lại làm việc. Mày không thể cư xử cho khôn ngoan dù chỉ trong một thời gian ngắn thôi sao?


Trên thành phố bác chả nói y như vậy còn gì – rằng chúng ta sẽ chỉ ở trên đấy một thời gian ngắn, rồi sẽ sớm trở về quê.


Thế thì sao? Thế ra là lỗi tại tao hết, nên chuyện kiếm tiền ở thành phố mới thành ra nhọc nhằn hơn ta nghĩ phải không?

Rồi cả hai bác cháu cùng bỏ lửng chủ đề tại đó. Cãi cọ thêm cũng đồng nghĩa với việc ông trẻ Ashraf sẽ biết hết bao chuỗi khổ đau bất hạnh được giấu trong những chi tiết họ đã hé lộ cho ông.
Ngày chợ phiên ầm ĩ hơn hẳn bình thường vì Trung tâm kế hoạch hóa gia đình đang quảng cáo cho trại triệt sản của mình từ một gian quầy trên quảng trường, giàn loa được bật to hết cỡ. Băng rôn chăng ngang dọc khắp đường, hô hào người dân tham gia Hội chợ triệt sản. Các món màu mè thường thấy ở các hội chợ – bóng bay, hoa, bong bóng xà phòng, đèn màu, quà vặt – đều được huy động để mồi chài người dân thị trấn và những người nhà quê lên chơi. Các bài hát trong phim liên tục bị gián đoạn bởi tuyên bố về tính cấp thiết của việc kiểm soát sinh sản đối với đất nước, tương lai thịnh vượng và hạnh phúc đang đón chờ những người sẵn lòng làm triệt sản, món tiền thưởng hậu hĩnh cho các ca phẫu thuật cắt ống dẫn tinh và cắt vòi trứng.

Họ sẽ làm phẫu thuật ở đâu?
Om thắc mắc.
Ngay đây à?


Sao thế? Mày muốn xem chắc?
Ishvar nói.
Ashraf nói Trung tâm thường dựng lều bên ngoài thị trấn.
Họ dựng lên y như một nhà máy ấy. Cắt chỗ này, xẻo chỗ kia, khâu vài mũi – thế là hàng đã sẵn sàng xuất xưởng.


Ây dà, nghe y như nghề may ấy nhỉ.


Thực ra, thợ may chúng ta còn có tự trọng nghề nghiệp hơn ấy chứ. Chúng ta đối xử với vải vóc còn ân cần hơn lũ quái vật kia đối xử với con người. Đây đúng là nỗi ô nhục của đất nước ta.

Cách không xa quầy kiểm soát sinh sản là một người đàn ông bán thuốc trị chứng bất lực và vô sinh.
Gã lang băm kia còn hút được nhiều khách hơn là mấy người của chính phủ,
Ishvar nói.
Người đàn ông nọ, tóc chải bông xòe thành một vầng hào quang sáng bóng, khoác một tấm da động vật trên vai. Ngực anh ta để trần và một dải dây da căng đét siết lấy bắp tay phải khiến các đường gân nổi lên bần bật trong một sô trình diễn sức mạnh trên suốt dọc cánh tay. Khi có vấn đề sinh sản nào cần minh họa bằng hình ảnh, anh ta lại vung vẩy cái cẳng tay cơ bắp căng cứng và rắn đanh đó.
Bày la liệt trên chiếc chiếu trải trước mặt anh ta là vài chiếc lọ đựng nhiều loại thảo mộc và vỏ cây. Và để phòng khi những thứ này bị nhầm lẫn với sản phẩm thu hoạch của một tay thầy thuốc vớ vẩn nào đấy, anh ta đã gài rải rác giữa các lọ một số xác thằn lằn và rắn chết, để nhuốm đẫm cuộc trưng bày một vẻ cường dương hoang dã, một thứ điện tích bò sát. Ngồi trong một góc là chiếc đầu lâu người. Trung tâm của manh chiếu bị chiếm lĩnh bởi đầu của một con gấu, đôi mắt to thô lố và sáng lấp lánh, hàm há to. Chiến lợi phẩm này đã bị hư hại ít nhiều trên đường rong ruổi, hai cái răng đã mất; những mẩu gỗ hình nón bé tí sơn màu trắng nay thế chỗ cho chúng. Mấy cái răng giả lố bịch phá hỏng cả cái nhìn dữ tợn của con gấu, và hiệu ứng tổng thể thành ra nực cười.
Anh chàng bán thuốc cường dương dạo cầm một cây gậy chỉ vào các bảng biểu liệt kê những chứng bệnh cùng cách chữa, và các sơ đồ có vẻ như là phác thảo hình mạch điện. Đến nửa chừng bài giảng, anh ta túm vạt dhoti và kéo nó lên – lên mãi cho đến khi bắp chân, đầu gối, và sau rốt là hai bắp đùi cơ bắp của anh ta đều lộ ra cả. Làn da nâu sẫm của anh ta sáng bóng lên dưới nắng mặt trời. Với một người đàn ông có bộ ngực rậm rịt đầy lông như thế, cặp chân anh ta nhẵn nhụi đến mức đáng ngờ. Rồi, để nhấn mạnh những gì mình đang nói, anh ta vỗ bành bạch vào những thớ thịt chắc nịch trên đùi mình mấy lần liền. Tiếng vang giòn đanh như tiếng vỗ của những bàn tay hoàn hảo.
Bài rao của anh ta đi theo mô hình câu-hỏi-và-giải-đáp.
Quý vị có đang gặp khó khăn trong việc sinh nở? Thằng nhỏ của quý vị ngoan cố không chịu ngóc đầu dậy? Hay nó đã ngủ gục và quên thức?
Cây gậy của anh ta gục xuống chán chường.
Chớ lo, đã có cách chữa! Như một người lính nghe lệnh là đứng! Một, hai, ba – bùm!
Anh ta vung cây gậy lên.
Vài người trong số khán giả cười hinh hích, những người khác ngang nhiên cười hô hố, trong khi đó một số nhỏ lại khẽ nhíu mày vẻ chê trách, chán nản.

Nó có đứng, nhưng không thẳng? Hay công cụ bị cong vẹo? Nghiêng sang trái như Đảng Marxist – Leninist? Nghiêng sang phải, như bọn phát xít Jan Sangh? Hay lắc lư khật khừ ở chính giữa, như Đảng Quốc Đại? Chớ lo, vì nó có thể được dựng thẳng trở lại! Nó không chịu cương cứng lên dù đã được ve vuốt và mát xa? Nếu vậy, hãy thử dùng dầu bôi của tôi, nó sẽ trở thành cứng đanh như trái tim của chính phủ! Mọi rắc rối của quý vị sẽ tan biến nếu dùng loại dầu kì diệu được làm từ các bộ phận của động vật hoang dã này! Có khả năng biến mọi người đàn ông thành những thợ lái xe lửa! Đúng giờ y như tàu hỏa dưới Tình trạng khẩn cấp! Đêm đêm, các vị sẽ chạy tới chạy lui với sức mạnh của pít tông! Ngành đường sắt sẽ ao ước được khai thác năng lượng của quý vị! Bôi loại dầu này một lần mỗi ngày, vợ các vị sẽ hết sức hãnh diện về chồng! Bôi hai lần một ngày, cô ấy sẽ phải đem các vị đi chia cho cả khu nhà dùng chung!

Câu nói cuối cùng khuấy lên vô số tràng cười hô hố từ phía mấy chàng trai trẻ. Phụ nữ giấu nụ cười sau bàn tay; vài tiếng khúc khích đã kịp thoát ra trước khi bị kìm lại. Những người bất bình vừa nhăn mặt ghê tởm khi nãy liền bỏ đi.
Gã bán thuốc cường dương dạo nhặt chiếc đầu lâu người đang cười nhe nhởn và giơ cao nó lên.
Nếu tôi bôi thuốc vào đầu anh bạn này, ngay đến anh ta cũng phải nhảy nhô nhảy nhếch lên! Nhưng tôi thật không dám, vì còn phải nghĩ đến sự hiện diện của các quý bà quý cô, và vì sự toàn vẹn đức hạnh của họ!
Đám khán giả bèn nhiệt liệt vỗ tay hoan hô.
Anh ta tiếp tục diễn thuyết theo lối đó thêm một chút rồi mới chuyển sang các vấn đề của nữ giới. Đến đây, anh ta nói bằng một vai khác – vai Thầy tu của sinh sản.
Cuộc đời các bà các cô có vương vấn nỗi buồn vì hàng xóm láng giềng của các vị đông con đông cái hơn? Các vị có cần thêm những bàn tay khác để đỡ đần mình những công việc đồng áng không bao giờ dứt, để bê nước, để hái củi không? Các vị có lo lắng ai sẽ chăm sóc mình khi già cả ốm yếu, vì các vị không có con trai không? Chớ lo! Thứ thuốc nước này sẽ khiến những đứa trẻ khỏe mạnh trôi ào ào từ bụng các vị! Mỗi ngày một muỗng, và các vị sẽ sinh cho đức ông chồng sáu thằng con giai! Hai muỗng, tử cung các vị sẽ sản xuất ra hẳn một đội quân!

Tuy rằng đám người bu quanh sạp hàng vô cùng đông đảo, nhưng số khách hàng thực sự lại rất ít ỏi. Chủ yếu họ đứng đó để tiêu khiển. Vả lại, mua những sản phẩm này giữa ban ngày ban mặt cũng đồng nghĩa với một lời thừa nhận công khai về chức năng sinh dục kém cỏi. Chuyện mua bán sẽ diễn ra sau đó, khi sô trình diễn nhạt vị và những kẻ ham vui đã tản đi.

Mày định mua hả?
Ishvar cù vào sườn Om, lúc ấy đang lắng nghe một cách nghiêm trang chăm chú.

Cháu chả cần những thứ rác rưởi đấy.


Dĩ nhiên là không rồi,
Ashraf nói, đoạn quàng tay lên vai Om.
Nhờ ơn Thánh Allah, con trai và con gái sẽ xuất hiện khi đến lúc thích hợp.

Họ tiếp tục cuộc dạo bộ xuyên khu chợ cho tới khi đi đến dãy hàng quán của người Chamaar.
Mọi người đừng nói gì cả, cứ đứng im,
Om nói.
Để xem mất bao lâu họ mới nhận ra chúng ta.

Họ vờ xem xét những đôi dép, những chiếc bì đựng nước, túi, thắt lưng, dây mài dao của thợ cạo, yên ngựa. Mùi da mới thuộc nồng gắt luồn lách vào tận những hang cùng ngõ hẻm, đánh thức những kí ức đã lãng quên. Bỗng một người ở làng nhận ra họ.
Một tiếng kêu hoan hỉ bật lên, được hô ứng bởi một loạt tiếng kêu khác. Cuộc chào đón hết sức nồng nhiệt. Mọi người bu lại xung quanh, chuyện trò nổ như ngô rang. Ai nấy đều sốt sắng muốn khỏa lấp khoảng trống mà cuộc vắng mặt dài ngày của hai người thợ may đã tạo ra.
Ishvar và Om nghe dân làng kể, rằng người bạn thân thiết bao năm của Dukhi, ông Gambhir, người từng bị đổ chì nung chảy vào tai cách đây nhiều năm, vừa mới mất. Dù vết bỏng thường xuyên bị mưng mủ, song chính bệnh nhiễm trùng máu do bị một cây hái gỉ cắt vào chân mới cướp mạng ông. Mấy bà cụ Amba, Pyari, Padma, và Satrivi vẫn khỏe mạnh. Họ là những người nhớ rõ nhất về gia đình thợ may; câu chuyện yêu thích của họ vẫn là nhắc nhỏm tới dịp được cùng Roopa và Dukhi cùng khoảng vài chục người nữa đi xe buýt đến xem mặt cô dâu sắp cưới của Narayan.
Sau khi đã tỏ lòng kính trọng đối với người đã khuất và người già, họ quay về với thực tại. Tin tức về buổi xem mặt cô dâu sắp diễn ra đã lan đi khắp cộng đồng người Chamaar. Hai người đàn ông công kênh Om lên vai và đem diễu hệt như một vị anh hùng chinh phạt, như thể đám cưới đã được ấn định. Lời chúc tụng tuôn trào từ mọi cái mồm, khiến Om phát ngượng. Lần đầu tiên, Om không nghĩ ra nổi một câu đối đáp nào ra hồn, còn bác cậu cười toe toét và gật gù liên tục.
Đối với những người đã biết đến bố cậu, dịp vui này có một ý nghĩa đặc biệt. Họ rất mừng vì dòng dõi của một con người kiệt xuất như Narayan, chàng thợ may gốc Chamaar đã dám thách thức những đẳng cấp trên, sẽ không bị mai một.
Chúng tôi cầu nguyện một ngày nào đó, con trai anh ấy sẽ trở lại,
họ nói,
và lời cầu nguyện của chúng tôi đã được đáp ứng. Om phải tiếp tục sự nghiệp của bố cậu ấy. Và các cháu nội cũng sẽ theo gót.

Đối với đôi tai Ishvar, những nguyện vọng của cộng đồng ông thật thiếu cân nhắc, và xúi giục số phận một cách hết sức bất cẩn. Nỗi sợ hãi xuất phát từ hành động ngu xuẩn của Om với chúa đất Dharamsi hôm qua vẫn còn bần bật trong mạch máu ông. Ông bèn cắt lời những người đang chúc tụng.
Không có chuyện về làng đâu. Chúng tôi có công việc rất tốt trên thành phố. Tương lai của Omprakash rất xán lạn.

Đám người Chamaar ôn lại những năm tháng Ishvar và em trai ông rời làng lần đầu tiên để lên làm thợ học việc ở Hiệu may Muzaffar. Họ kể với Om rằng bố cậu là một thợ may tài giỏi bậc nhất, còn Ashraf, ông thầy đầy kiêu hãnh, chỉ mỉm cười, gật gù ra ý phải, tất cả đều là sự thật.
Cứ như có phép thần ấy,
họ nói.
Narayan có thể đem đồ vứt đi của một lão địa chủ béo ị về và dùng máy may sửa sang lại để vừa với chúng tôi như đồ mới may. Anh ấy có thể biến những món giẻ rách của chúng tôi thành quần áo xứng với một vị vua. Chúng tôi sẽ không bao giờ còn gặp ai sánh bằng anh ấy nữa. Người đâu mà can đảm đến thế, hào hiệp đến thế.

Thêm một lần nữa, Ishvar lại phải đổi chủ đề, vì lo lắng về tác động của những mẩu chuyện quá khứ lên thằng cháu.
Chú Ashraf đã kể chuyện ngày xưa suốt từ hôm chúng tôi về đến đây rồi,
ông nói.
Kể cho bác cháu tôi xem có chuyện gì mới không đi.

Thế là Ishvar và Om được biết rằng mới đây một con suối đã khô cạn, và dưới lòng suối, người ta phát hiện ra một viên đá tròn chằn chặn có khả năng chữa bệnh. Ở làng khác, một vị tu sĩ đã ngồi thiền dưới một gốc cây, và khi ngài rời đi, đường vân trên vỏ cây đã uốn thành hình thần Ganesha[48]. Ở một chỗ khác, giữa buổi hành lễ Mata Ki Sawari, một người được thần nhập đã vạch mặt một mụ đàn bà Bhil chính là mụ phù thủy đã đem tai họa đến cho làng xóm. Mụ bị đánh chết, và cả làng cứ hi vọng tình hình sẽ khấm khá lên; không may là đã một năm trôi qua mà nay họ vẫn đang phải chờ đợi.
Trước khi cuộc chuyện trò lại trượt về quá khứ, Ishvar nói:
Xin hẹn gặp lại các cô bác và anh chị ở đám cưới, nếu mọi sự xuôi chèo mát mái,
và họ rời đi giữa tiếng cười nói và reo hò.
Ba người đi tới khu bán rau trong chợ. Đến đây Ishvar chọn mua đậu, rau mùi, rau chân vịt, và hành.
Hôm nay cháu sẽ nấu món đặc sản của cháu cho ba chú cháu cùng ăn.


Còn chuyên gia chapati sẽ cho chúng ta thưởng thức tay nghề của nó,
Ashraf nói, đoạn lại quàng tay lên vai Om. Ông thấy khó kìm nén bản thân khỏi liên tục ôm vai bá cổ hai người mà ông coi không khác gì con trai và cháu nội. Thêm nữa, ông đang cố né tránh ngày chia li đáng sợ ắt sẽ tới một khi những buổi lễ lạt chúc tụng đã chấm dứt.

Ghé qua một chỗ nữa rồi ta về nhà nhé,
Ishvar nói. Ông dẫn hai ông cháu đến hàng bán đồ thờ cúng và mua một chuỗi tràng hạt rất đắt tiền.
Đây là món quà nhỏ của bọn cháu,
ông quay sang nói với Ashraf.
Chúng cháu hi vọng chú sẽ dùng nó trong nhiều năm nữa.


Đội ơn Thánh Allah,
ông nói và hôn lên chuỗi tràng hạt bằng hổ phách.
Cháu chọn quà đúng ý ta lắm.


Ý của cháu đấy,
Om nhận.
Chúng cháu thấy dạo này ông hay cầu nguyện hơn.


Phải, ý thức về cái chết và tuổi già thường hay gây ảnh hưởng kiểu đấy lên bọn người trần mắt thịt chúng ta.
Ông ngăn người bán hàng đang gấp một cái túi bằng giấy báo để đựng chuỗi hạt của ông.
Không cần đâu,
ông nói, và quấn chiếc vòng quý giá quanh mấy ngón tay của mình.
Gần đó, một người đàn ông bán kẹo bông cất tiếng rao mời gọi:
Kẹo bông đi! Ai kẹo bông đi!

Cháu muốn một chiếc,
Om nói.

Ối chà, ăn thêm đi, lấy hai cái vào!
Người kia lắc lắc chiếc chuông đồng nhỏ.
Ishvar giơ một ngón tay lên, người bán kẹo bông bèn bật máy.
Họ nhìn cây trục quay vo vo, kêu rù rù chăng thành những mớ bông đường hồng hồng. Người bán hàng ngoáy một chiếc que quanh lòng chậu cuốn lấy những sợi tơ ngọt ngào. Khi quả bóng đường đã to bằng đầu người, anh ta tắt máy.

Cháu biết cái này hoạt động thế nào rồi, nhỉ?
Ashraf nói.
Trong ruột máy có một con nhện rất to được người ta cho ăn đường với phẩm màu hồng. Khi người bán ra lệnh, nó bắt đầu nhả tơ.


Chắc luôn,
Om đáp, và đưa tay lên day cằm ông, nghịch nghịch đám râu trắng như cước của ông.
Râu của ông cũng được tạo ra như thế phải không?

Lúc ấy đã quá trưa một chút. Những chiếc xe tải trống không ầm ầm chạy trên đường cái và đỗ lại bên ngoài chợ. Không một ai để ý. Xe cộ thường đi lại nhiều vào ngày này trong tuần.

Có ai muốn thử không?
Om giơ que kẹo ra.
Ishvar từ chối. Ashraf quyết định nếm một chút, mạo hiểm lừa đám bông lọt qua rừng râu của mình. Vài sợi mắc lại, màu hồng điểm trên nền trắng, khiến Om cười rú lên. Cậu dắt ông ra trước cửa sổ của một hiệu may sari và chỉ cho ông xem bộ râu dính đầy tơ kẹo.
Trông bảnh lắm ông ạ. Đi đầu mốt râu mới được đấy.


Giờ thì ta biết tại sao người ta gọi nó là kẹo bông rồi,
Ashraf vừa nói vừa tuốt những sợi tơ kẹo khỏi râu mình.
Ishvar nhìn cảnh đó với vẻ hài lòng và tự mỉm cười một mình. Bất chấp tất cả, cuộc sống vẫn tốt đẹp, ông nghĩ thầm. Làm sao ông có thể kêu ca cho được khi Om và ông đã được trời ban cho tình bạn với những con người như chú Ashraf, cô Dina, và Maneck.
Thêm nhiều chiếc xe tải khác xuất hiện xung quanh quảng trường, chặn kín các con ngõ dẫn đến chợ. Đó toàn là xe tải chở rác, mui tròn, có cửa phía đuôi.

Sao sớm thế nhỉ?
Ashraf thắc mắc.
Phiên chợ họp còn lâu, phải đến tối người ta mới bắt đầu dọn dẹp cơ mà.


Có lẽ mấy tay tài xế cũng muốn vào mua bán một tí.

Đột nhiên, còi rú inh ỏi, xe tải của cảnh sát xộc vào giữa chợ. Cả biển người dạt ra. Đoàn xe đổ ra hẳn một tiểu đoàn cảnh sát, mỗi người chạy đi án ngữ một vị trí bên trong chợ.

Cảnh sát bảo vệ chợ ư?
Ishvar nói.

Xem chừng không ổn,
Ashraf nói.
Những người đi chợ hoang mang giương mắt nhìn. Bỗng cảnh sát xông tới, vồ lấy người dân thường. Những người bị bắt điên cuồng chống cự, hết kêu thét lại nài hỏi.
Phải nói trước cho chúng tôi biết đã! Mau nói xem chúng tôi đã làm gì! Sao các người có thể vô cớ bắt người như thế? Chúng tôi có quyền đến đây, hôm nay là ngày họp chợ kia mà!

Nhóm cảnh sát trả lời bằng cách càn quét qua đám đông một cách không khoan nhượng. Mọi sự chống đối đều được trả lời bằng những nhát gậy. Không khí kinh hoàng bao trùm khu chợ khi dân chúng xô đẩy, van lạy, giằng co với cảnh sát, cố gắng thoát ra khỏi hàng rào. Nhưng cả quảng trường đã bị vây kín. Những người bứt ra được ngoài rìa lại bị đánh dạt vào bàn tay đang chờ chực của thêm nhiều cảnh sát khác nữa.
Hàng quán đổ lanh tanh bành, rổ rá bị lật úp, thùng chậu bị đập nát. Chỉ trong giây lát, toàn bộ khu quảng trường đã ngổn ngang đầy cà chua, hành, bình đất, bột mì, rau chân vịt, rau mùi, ớt – những mảng cam và trắng và xanh bật tung khỏi hàng lối gọn gàng trước kia, hòa trộn vào nhau trong hỗn loạn. Đầu con gấu của anh chàng bán thuốc cường dương dạo bị đủ thứ chân cẳng giẫm đạp lên, mất thêm mấy cái răng, còn lũ rắn và thằn lằn đã chết lại chết thêm một lần thứ hai. Tiếng nhạc từ quầy Kế hoạch hóa gia đình vẫn không ngớt gào rú giữa tiếng la hét của dân thường.

Ra đằng này, mau lên,
Ashraf nói.
Chúng ta sẽ núp ở đây.
Ông dẫn hai người đến trước cửa của một hiệu buôn vải từng dẫn mối khách cho Hiệu may Muzaffar. Cửa hiệu đóng im ỉm, ông bèn bấm chuông. Không một ai ra mở.
Không sao, ta cứ chờ ở đây đến khi tình hình yên ả trở lại. Chắc cảnh sát đang tìm bắt tội phạm trong đám đông.

Nhưng bạ ai cảnh sát cũng bắt. Cụ già, trai trẻ, phụ nữ đi cùng con đều bị lôi lên xe tải. Một số ít chạy thoát được; còn phần lớn đều bị tóm gọn như gà nhốt trong bu, không thể làm gì khác hơn ngoài chờ đợi các nhà thực thi pháp luật thu gom.

Kìa,
Ashraf giục,
góc kia chỉ có một tay cảnh sát thôi.
Nếu chạy nhanh, hai đứa sẽ thoát.


Còn chú thì sao?


Ở đây ta sẽ được an toàn. Ta sẽ gặp lại hai đứa ở cửa hiệu sau.


Chúng ta có làm gì sai đâu,
Ishvar nói, nhất mực không chịu rời chú.
Chúng ta không cần phải chạy trốn như một lũ trộm cắp.

Họ đứng ở ngưỡng cửa nhìn ra trong khi cảnh sát tiếp tục truy đuổi những người dân đang chạy tán loạn giữa hoa quả rơi, ngũ cốc vãi và vụn kính vỡ. Một người vấp ngã, mặt đập phải mảnh vỡ tóe máu. Kẻ đang rượt bắt anh ta hết hứng, bèn quay sang tìm một con mồi mới.

Hai Ram!

Ishvar kêu lên.
Trông chỗ máu me kia kìa! Thế mà bọn họ cứ thế mặc kệ anh ta! Chuyện gì đang diễn ra thế này?


Ta sẽ không ngạc nhiên nếu lão chúa đất quỷ dữ kia đứng sau vụ này,
Ashraf nói.
Đội xe gom rác này là của hắn hết mà.

Thùng các xe tải dần đầy lên, số người trên quảng trường bắt đầu teo tóp. Cảnh sát phải làm việc vất vả hơn để quây bắt nốt số còn lại. Chẳng mấy chốc, sáu nhân viên công lực đã nhắm vào ba người thợ may.
Ba đứa kia! Lên xe!


Nhưng sao lại thế, thưa ngài cảnh sát?


Bảo lên thì lên đi, cự nự cái gì?
Một gã vừa nói vừa vung cây gậy lên.
Ashraf vung hai bàn tay lên che trước mặt mình. Tay cảnh sát túm lấy chuỗi tràng hạt quấn quanh ngón tay ông, giật đứt tung sợi dây. Những hạt vòng lừ đừ lăn khắp vỉa hè.

Oái!
Hai gã cảnh sát kêu oai oái, họ vừa đạp trúng mấy viên hổ phách. Thấy đồng đội của mình ngã lăn quay, gã đầu tiên đáp trả bằng cách vung gậy lên đập túi bụi.
Ashraf rú lên và từ từ đổ gục ra đất.

Đừng đánh chú ấy, xin ngài, chỉ là sơ suất thôi mà!
Ishvar van lạy. Ông cùng Om quỳ xuống để nâng đầu Ashraf lên.

Đứng dậy,
gã cảnh sát nói.
Lão chả sao đâu, chỉ giả vờ là giỏi. Tao chỉ đánh nhẹ thôi.


Nhưng đầu chú ấy đang chảy máu rồi đây này.


Có tí thôi. Nào, lên xe.

Hai người thợ may phớt lờ mệnh lệnh vì còn mải lo cho ông trẻ Ashraf. Tay cảnh sát bèn tung chân đá cho mỗi người một phát. Họ rú lên và ôm lấy sườn. Khi gã kia co chân lên chuẩn bị bồi thêm cú nữa, họ vội đứng dậy. Hắn lùa họ về phía đoàn xe tải.

Còn chú Ashraf thì sao?
Ishvar thét lên.
Các ngài định bỏ mặc chú ấy trên vỉa hè ư?


Đừng có gào vào mặt tao, tao không phải thằng ở của nhà mày! Mẹ kiếp, tao thì cho một đấm vỡ mặt bây giờ!


Tôi xin lỗi, thưa ngài cảnh sát, xin ngài thứ lỗi cho! Nhưng chú tôi đang bị thương, tôi muốn cứu ông ấy.

Gã cảnh sát quay lại nhìn ông cụ bị thương một lần nữa. Máu đang rỉ theo những sợi râu bạc lơ thơ, chầm chậm nhỏ thành dòng xuống tận lề đường. Song đám cảnh sát đã được lệnh không được xúc kẻ nào bất tỉnh lên xe.
Những người khác sẽ chăm sóc lão, các người khỏi cần lo,
hắn nói, đoạn đẩy cả hai lên một chiếc xe tải.
Trên vỉa hè, một con chó chạy ra hít hửi chiếc kẹo bông Om vừa đánh rơi. Cục bông dính luôn vào mõm nó. Con vật giơ một chân lên quào quào túm râu mới màu hồng. Trông thấy trò hề của nó, một đứa bé con đang ngồi trong lòng mẹ trên xe cười phá lên. Cảnh sát chấm dứt cuộc vây bắt khi đội xe chở rác đã kín chỗ. Những người còn sót lại trên quảng trường đột nhiên nhận ra mình đã được tự do rời đi.
Trại triệt sản cách thị trấn một cuốc xe ngắn. Khoảng chục ngôi lều đã được dựng lên trên một cánh đồng ngoại ô, nơi những gốc rạ từ mùa gặt trước vẫn còn sót lại. Băng rôn, bóng bay, và những bài hát giống hệt như ở gian quầy ngoài chợ chào đón đoàn xe tải chở rác. Tiếng rú hét kinh hoảng của đám hành khách càng lúc càng đinh tai nhức óc hơn khi đội xe đỗ lại ở một khoảng đất trống phía sau dãy lều, bên cạnh một chiếc xe cứu thương và một cỗ máy phát điện chạy dầu diesel.
Hai chiếc lều trong số đó to và chắc chắn hơn mấy chiếc còn lại, có dây cáp điện nối từ máy phát vào, rung giật dữ dội trong tiếng nhạc. Những chiếc bình hình trụ màu đỏ dùng cho bếp ga xếp bên ngoài lều. Phía trong kê sẵn một loạt bàn làm việc phủ tấm nhựa để làm bàn phẫu thuật.
Nhân viên y tế phụ trách khu trại nhăn mũi lại khi đến gần đoàn xe chở rác. Mùi hôi thối lưu cữu của món hàng chúng thường chuyên chở vẫn bám riết lấy chúng. Anh ta ra bảo với đám cảnh sát:
Đợi mười phút nữa đã nhé, lúc đấy chúng tôi mới uống trà xong. Mà mỗi lần chỉ đưa bốn người vào thôi – hai đàn ông, hai phụ nữ.
Anh ta không muốn trong lều chứa quá số lượng người mà các bác sĩ hiện có mặt có thể xử lý, kẻo sẽ khuấy động tâm lý hoảng sợ hơn nữa.

Chả ai mời bọn ta uống trà triếc gì sất,
đám cảnh sát càu nhàu với nhau.
Lại còn cái thứ nhạc ngu xuẩn này nữa. Có mỗi mấy bài mà cứ nhai đi nhai lại mãi.

Nửa tiếng sau, họ được lệnh xúc tiến. Bốn người được chọn ra từ xe tải gần nhất, bị lôi đi xềnh xệch trong tiếng gào thét đến hai ngôi lều chính và bị ép nằm lên bàn làm việc.
Đừng chống cự nữa,
bác sĩ nói.
Dao mà đi trượt thì chỉ thiệt thân các người thôi.
Lời cảnh báo khiến họ sợ bở vía, đành chỉ im lặng phục tùng.
Đội cảnh sát theo dõi hai chiếc lều rất cẩn thận, cố gắng duy trì nguồn cung ổn định theo yêu cầu. Nhưng mấy tay cảnh sát không biết đọc thường xuyên bị nhầm lẫn, họ giải phụ nữ sang lều phẫu thuật cắt ống dẫn tinh. Âu cũng là điều dễ hiểu: ngoại trừ tấm biển viết tay, cả hai lều đều giống nhau hền hệt, và các nhân viên y tế mặc áo choàng trắng nom chả khác gì nhau.

Đàn ông sang lều trái, phụ nữ sang lều phải,
các bác sĩ không ngừng nhắc nhở. Nỗi cáu bẳn của họ chồng chất thêm bởi ngờ rằng có lẽ đó là một trò đùa ngớ ngẩn có chủ đích của đám cảnh sát. Rốt cuộc, một viên trợ lý y tế bèn ra tay chỉnh sửa hai tấm biển. Anh ta dùng một cây bút dạ màu đen để vẽ hai hình người lên biển, những hình người ta thường thấy ở các toa lét công cộng. Chiếc khăn xếp trên đầu người nam, và tấm sari cùng bím tóc dài ở người nữ thật không nhầm lẫn vào đâu được, và từ đó, đám cảnh sát làm ăn chuẩn xác hơn hẳn.
Khi công cuộc triệt sản đang được tiến hành, một bà cụ cao tuổi cố phân bua với bác sĩ.
Lão đã già lắm rồi,
bà ta kêu.
Dạ con cằn lắm, chả còn quả trứng nào trong đấy đâu. Sao bác sĩ phải phí công làm phẫu thuật cho lão làm gì?

Bác sĩ nọ bèn tìm đến chỗ viên chức tỉnh phụ trách kiểm kê số ca phẫu thuật trong ngày.
Bà cụ này quá tuổi sinh đẻ rồi,
anh ta nói.
Anh nên bỏ bà ta khỏi danh sách thì hơn.


Đấy có phải là một kết luận y khoa không?


Dĩ nhiên là không,
bác sĩ đáp.
Ở đây chả có thiết bị nào để phục vụ kiểm chứng lâm sàng cả.


Nếu thế, cứ làm đi. Bọn người này toàn khai man tuổi ấy mà. Vả lại, nhìn bề ngoài dễ bị lừa lắm. Cuộc sống như thế thì đứa ba mươi có khi trông chả khác gì đã sáu chục, bị nắng hun cho teo tóp hết rồi mà.

Hai tiếng sau chiến dịch, một nữ y tá hối hả chạy ra chỗ cảnh sát với chỉ dẫn mới.
Hãy tạm giảm bớt số bệnh nhân nữ vào lều,
cô ta nói.
Trong lều cắt vòi dẫn trứng đang có chút trục trặc kĩ thuật.

Một người đàn ông trung tuổi bèn nhân cơ hội này van xin cô y tá kia.
Xin cô,
ông ta khóc mếu.
Làm cho tôi đi, tôi không cần gì cả – tôi đã là bố của ba đứa con rồi. Nhưng thằng con trai tôi đây mới mười sáu tuổi! Chưa cưới! Xin hãy tha cho nó!


Tôi không có quyền gì hết, bác phải nói chuyện với bác sĩ ấy,
cô ta trả lời, rồi vội vã quay về để xử lý trục trặc kĩ thuật. Nồi hấp không hoạt động, cô phải đun sôi nước để khử trùng dụng cụ.

Thấy chưa, bác đã bảo rồi,
Ishvar thì thào với Om, hai cánh tay run rẩy ôm chặt lấy thằng cháu.
Bác sĩ sẽ tha cho mày, y tá vừa nói thế mà. Chúng ta phải nói chuyện với bác sĩ và bảo ông ấy mày vẫn chưa có con cái gì.

Cùng trong xe tải với hai người thợ may là một phụ nữ đang cho con bú, không mảy may bị ảnh hưởng bởi những cảnh đau khổ đang diễn ra xung quanh mình. Chị ta ngâm nga một bài hát, thân mình khẽ lắc lư để ru đứa bé vào giấc ngủ.
Khi nào đến lượt tôi, bác giữ cháu hộ tôi có được không?
Chị ta quay sang hỏi Ishvar.
Vâng, chị đừng lo.


Tôi có lo gì đâu. Tôi còn mong nữa là đằng khác. Tôi có năm đứa rồi, thế mà chồng tôi có cho tôi thôi đâu. Thế này thì ông ấy không còn cách nào khác nữa rồi – chính phủ bắt thôi kia mà.
Chị ta lại ư ử hát.
Na-na-na-na Narayan, Narayan bé bỏng buồn ngủ buồn nghê…

Chỉ sau giây lát, cảnh sát đã ra hiệu gọi chị ta, chị ta bèn dứt đứa bé khỏi vú. Cái núm vú căng tròn bật ra với một tiếng pực
nho nhỏ. Om nhìn chị ta nhét bầu vú trở lại bên dưới tấm choli. Ishvar vồn vã chìa tay ra và đón lấy đứa bé. Nó òa lên khóc khi mẹ nó lồm cồm trèo xuống xe.
Ông gật đầu để trấn an chị ta và nhẹ nhàng đu đưa đứa bé trong lòng mình. Om cố tìm cách dỗ nó bằng cách nhăn mặt chun mũi. Rồi Ishvar bắt đầu cất tiếng hát y như mẹ nó, bắt chước giọng ru nho nhỏ của chị ta.
Na-na-na-na Narayan, Narayan bé bỏng buồn ngủ buồn nghê…

Đứa bé thôi khóc. Hai bác cháu liếc nhìn nhau đắc thắng. Nhưng ít phút sau, nước mắt đã chảy dài trên má Ishvar. Om quay đi. Cậu chẳng cần hỏi nguyên do.
Bị cản trở vì dụng cụ trục trặc, các bác sĩ làm việc rất chậm chạp trong suốt buổi chiều, và Hội chợ triệt sản kéo dài tận qua thời điểm đóng cửa lúc sáu giờ tối. Chiếc nồi hấp thứ hai rồi cũng bị hỏng nốt.
Đến khoảng bảy giờ, một vị chức sắc cao cấp từ Trung tâm kế hoạch hóa gia đình tới cùng trợ lý riêng.
Đám cảnh sát đổi chân và đứng thẳng hơn lên trong thời gian trại bị thanh tra. Vị chức sắc nọ tỏ ý không hài lòng trước số bệnh nhân vẫn còn ngồi trên xe. Đoạn ông ta bước đến chỗ các bác sĩ đang đứng cạnh bếp ga, chờ mẻ nước mới sôi, và quyết định lên lớp họ một trận.

Đừng phí thời giờ nữa,
ông ta nói khi họ cất lời chào.
Các người chả còn tí ý thức trách nhiệm nào nữa à? Còn hàng chục ca phẫu thuật nữa phải làm. Việc pha trà cứ để cho một thằng đầy tớ làm là được.


Chúng tôi có pha trà đâu. Nước này là để rửa dụng cụ đấy ạ. Máy bị hỏng rồi.


Dụng cụ như thế là sạch rồi. Các người muốn đun nước trong bao lâu nữa đây? Trong Hội chợ triệt sản, hiệu quả là vấn đề tối quan trọng, cần phải đạt được mục tiêu trong giới hạn ngân sách. Ai sẽ chi tiền cho ngần ấy bình ga đây?
Ông ta đe rằng họ sẽ bị tố lên cấp trên vì tội thiếu hợp tác, thế là hết thăng tiến, lương bổng cũng sẽ bị đóng băng.
Các bác sĩ đành tiếp tục làm việc với những dụng cụ mới được khử trùng qua loa. Họ biết nhiều đồng nghiệp khác mà sự nghiệp đã gặp phải vận hạn tương tự.
Vị chức sắc nọ theo dõi một lúc, bấm giờ các cuộc phẫu thuật và tính số thời gian dành cho mỗi bệnh nhân.
Chậm quá,
ông ta quay sang nói với viên trợ lý.
Có tí việc xẻoxẻo-xẻo đơn giản không, thế mà bọn nó cứ làm như ghê gớm lắm.

Trước khi ra về, ông ta còn gửi một lời đe dọa sau chót tới toàn bộ công xưởng của mình.
Nhớ đấy, chúa đất Dharamsi sẽ đến sau để kiểm tra sản lượng. Nếu ông ấy mà không hài lòng, thì các người cứ đệ đơn xin từ chức đi là vừa.

Vâng, thưa ngài,
nhóm bác sĩ đáp.
Hài lòng, ông ta chuyển sang kiểm tra những lều khác.
Tay trợ lý riêng bám sát bên cạnh như một phiên dịch viên, dùng biểu cảm khuôn mặt hòng làm sáng tỏ thêm lời lẽ của sếp.

Chúng ta phải cứng rắn với các bác sĩ,
vị chức sắc nọ giãi bày.
Nếu họ được toàn quyền trong công cuộc chiến đấu chống lại hiểm họa bùng nổ dân số, đất nước này sẽ bị nhấn chìm, sẽ chết ngạt, sẽ diệt vong – dấu chấm hết cho nền văn minh của chúng ta. Vì vậy chúng ta có nghĩa vụ phải đảm bảo cuộc chiến giành thắng lợi.


Vâng, thưa ngài – nhất định rồi, thưa ngài,
gã trợ lý nói, vô cùng xúc động khi được nhận riêng viên ngọc trí tuệ này. Mặt trời đã khuất dần sau đường chân trời khi đến lượt hai người thợ may. Ishvar nói như van với viên cảnh sát đang túm lấy cánh tay ông.
Thưa ngài cảnh sát, đã có chút nhầm lẫn. Chúng tôi không sống ở đây, chúng tôi từ trên thành phố về vì thằng cháu tôi sắp lấy vợ.


Tôi không làm gì được đâu.
Anh ta càng sải rộng bước chân.
Chân Ishvar cố khua lia lịa hòng giữ mình khỏi bị lôi đi.
Tôi có thể gặp người chịu trách nhiệm được không?
Ông thở hổn hển, giọng đứt quãng.

Bác sĩ chịu trách nhiệm ấy.

Vào đến trong lều, Ishvar rụt rè trình bày với bác sĩ.
Có chút nhầm lẫn, thưa ngài bác sĩ. Chúng tôi không sống ở đây.
Người đàn ông mệt mỏi không đáp.

Thưa ngài bác sĩ, các ngài cũng giống như cha mẹ đối với người nghèo chúng tôi, công việc cao cả của các ngài giúp chúng tôi được khỏe mạnh. Và tôi cũng nghĩ việc triệt sản là rất quan trọng đối với đất nước. Tôi sẽ không bao giờ lập gia đình, thưa ngài bác sĩ, xin hãy làm phẫu thuật cho tôi đây này, tôi sẽ rất sẵn lòng, nhưng xin hãy tha cho thằng cháu tôi, thưa ngài bác sĩ, tên nó là Omprakash và đám cưới của nó sắp được tổ chức rồi, xin hãy nghe tôi với, ngài bác sĩ ơi, tôi lạy ngài!

Hai bác cháu bị đẩy ra trước bàn và bị lột mất quần. Ishvar bật khóc.
Ngài bác sĩ ơi, xin làm ơn làm phước! Đừng làm gì thằng cháu tôi! Ngài muốn cắt muốn xẻo tôi bao nhiêu tùy thích! Nhưng xin hãy tha cho thằng cháu tôi! Đám cưới của nó đã được cắt đặt hết rồi!

Om không nói gì. Cậu cố kìm nén những lời cầu xin đáng xấu hổ, trong bụng ước sao ông bác mình cư xử tự trọng hơn. Nóc lều bằng vải bạt dập dờn nhè nhẹ trong gió. Cậu giương mắt nhìn trân trối trong khi những sợi cáp chằng lều rít kẽo kẹt và bóng đèn điện lắc lư.
Buổi chạng vạng đã chuyển thành đêm tối khi hai người thợ may được y tá dìu khỏi bàn phẫu thuật.
Ây da!
Om kêu lên.
Đau quá!


Mấy tiếng đầu đau là bình thường,
bác sĩ nói.
Không có gì phải lo lắng.

Họ được dẫn đi lê lết qua cánh đồng tối đen như mực, tới lều điều dưỡng.
Giờ các người còn giữ chúng tôi lại đây làm gì?
Ishvar sụt sịt khóc.
Chúng tôi không được về nhà ư?


Được,
y tá đáp.
Nhưng tốt hơn hết là nên nghỉ ngơi một chút đã.

Đi chưa được nửa chục bước chân, cơn đau lại càng nhói buốt. Hai bác cháu quyết định nghe theo lời khuyên của y tá và nằm xuống chiếu. Không ai thèm để ý đến tiếng khóc của Ishvar; đau đớn và nước mắt là tình cảnh chung ở tất cả các lều. Mỗi người được cho nước uống cùng hai chiếc bánh quy.

Hỏng hết rồi,
ông nức nở, đoạn đưa cả hai chiếc bánh của mình cho Om.
Giờ bốn gia đình kia sẽ không đời nào cho phép chúng ta lấy con gái nhà họ.


Cháu đếch cần.


Mày ngu lắm, mày đâu có hiểu như thế nghĩa là gì! Tao đã phụ lòng ông bố quá cố của mày! Không có con cháu, tên tuổi của gia đình ta sẽ mai một, thế là chấm dứt tất cả… tan tành mây khói hết rồi!


Có lẽ là với bác thôi. Nhưng cháu vẫn còn lòng tự trọng của cháu. Cháu không khóc tu tu như trẻ con.

Một người đàn ông nằm trên tấm nệm rơm trải bên cạnh đang chăm chú lắng nghe cuộc chuyện trò giữa hai bác cháu. Anh ta chống khuỷu tay nhổm dậy.
Chú ơi,
anh ta nói,
đừng khóc. Quay lại đây tôi bảo, tôi nghe nói có cách chữa được cái phẫu thuật này.


Nhưng chữa bằng cách nào? Ống dẫn tinh bị cắt mất rồi còn đâu?


Không, chú ơi, chữa được đấy. Các bác sĩ trên thành phố lớn có thể nối lại ống.


Anh có chắc không?


Chắc chắn mà. Chỉ có điều, phí tổn cao lắm.


Mày nghe thấy chưa, Om? Vẫn còn hi vọng!
Ishvar chùi mặt.
Không cần biết cao đến đâu – chúng ta sẽ làm! Chúng ta sẽ may như điên cho cô Dina, cả ngày lẫn đêm! Bác sẽ bảo người ta nối lại cho mày!

Ông quay sang ân nhân của mình, người khơi nguồn hi vọng.
Thượng Đế sẽ phù hộ cho anh vì tin này. Chúc anh cũng nối lại được.


Tôi chả muốn,
người đàn ông nọ nói.
Tôi đã có bốn đứa con rồi. Một năm trước tôi đến bác sĩ và tự mình yêu cầu làm phẫu thuật. Hôm nay lũ súc sinh kia lại làm cho tôi lần thứ hai.


Như thế thì có khác gì giết một người đã chết. Chả lẽ họ không chịu nghe tí gì sao?


Biết làm sao được, chú ơi, khi những kẻ được học hành tử tế lại cư xử hệt như lũ man di mọi rợ như thế. Làm sao chú nói phải quấy với chúng được? Khi những thằng có chức có quyền đã mất hết lý tính thì chẳng còn hi vọng gì nữa đâu.
Cảm thấy bẹn đau nhói, anh ta duỗi dần khuỷu tay để nằm xuống.
Ishvar lau khô mắt và cũng nằm xuống theo. Ông vươn tay sang chiếu bên cạnh và vuốt cánh tay thằng cháu.
Ai dà, cháu tôi, chúng ta đã tìm ra giải pháp rồi, không cần phải lo lắng nữa. Ta sẽ quay trở lên, nối lại ống dẫn tinh, rồi năm sau lại về làm đám cưới. Lúc ấy khắc có những gia đình khác quan tâm. Mà có khi đến lúc đấy cái Tình trạng khẩn cấp đáng nguyền rủa này cũng đã chấm dứt rồi, và sự sáng suốt sẽ trở về với chính phủ.

Bỗng có tiếng gì đó như vòi nước chảy nổi lên, và một tràng xì xì; có ai đó đang đái ngay bên ngoài. Tiếng dòng nước ồn ào của hắn xói lên đất khiến người đàn ông bị cắt ống dẫn tinh hai lần nằm trong lều nổi cáu. Anh ta lại chống khuỷu tay nhổm dậy.
Thấy chưa? Rặt một lũ súc sinh, tôi đã bảo mà. Bọn cảnh sát ấy còn không có lấy một chút liêm sỉ để biết đường mà sang bên kia cánh đồng đi đái.

Bóng tối dần buông, các bác sĩ đang hì hụi thực hiện những ca phẫu thuật cuối cùng thì chúa đất Dharamsi tới. Đám cảnh sát và nhân viên của Trung tâm kế hoạch hóa gia đình kéo bầy kéo lũ chạy ra cúi chào hắn, xô đẩy nhau để được chạm lên chân hắn. Hắn nói chuyện qua quýt với các bác sĩ và y tá, rồi dạo qua các lều điều dưỡng, vẫy chào các bệnh nhân, cảm ơn họ vì đã hợp tác trong công cuộc đưa trại triệt sản tới thành công.

Mau, quay mặt đi, Om,
Ishvar hoảng hốt thì thào, khi lão chúa đất tiến đến gần dãy của họ.
Đưa tay lên che mặt đi, giả vờ mày đang ngủ ấy.

Chúa đất Dharamsi dừng lại phía đuôi chiếu Om nằm và nheo mắt nhìn. Hắn nói nhỏ mấy câu với một người đứng cạnh mình. Gã kia chạy đi, và quay lại sau ít phút cùng một bác sĩ.
Lão chúa đất nhẹ nhàng nói gì đó với anh ta, và vị bác sĩ co rúm người lại, lắc đầu quầy quậy. Lão chúa đất lại thì thầm. Vị bác sĩ tái mặt.
Chỉ lát sau, hai y tá đến và dìu Om đứng dậy.
Nhưng tôi muốn nằm nghỉ,
cậu phản đối.
Tôi vẫn còn đau.


Bác sĩ muốn gặp cậu.


Gặp làm gì?
Ishvar quát.
Các người đã làm phẫu thuật cho nó xong rồi còn gì! Các người còn muốn gì nữa?

Trong lều phẫu thuật, bác sĩ đang đứng quay lưng ra phía cửa, nhìn nồi nước sôi sùng sục. Con dao mổ nằm dưới đáy, sáng lấp lánh bên dưới làn bong bóng. Anh ta ra hiệu cho các y tá dìu bệnh nhân nằm lên bàn.

U tinh hoàn,
anh ta cảm thấy có nghĩa vụ phải giải thích với họ.
Ngài chúa đất đã cho phép làm phẫu thuật cắt bỏ, coi như ưu ái đặc biệt cho cậu ta đấy.
Cơn run rẩy trong giọng nói của anh ta đã phản bội lời dối trá.
Quần của Om lại bị lột ra một lần nữa. Một mảnh vải tẩm đẫm thuốc mê được áp vào mũi cậu. Cậu giật phăng nó ra, rồi lịm đi. Bằng một nhát rạch bén ngọt, bác sĩ cắt hai hòn bìu, khâu vết rạch, và phủ lên đó một miếng băng gạc dày.

Đừng cho bệnh nhân về nhà cùng những người khác,
anh ta nói.
Cậu ta sẽ cần ngủ lại đây đêm nay.
Họ trùm cho cậu một tấm chăn và đặt cậu lên cáng khiêng về lều điều dưỡng.

Các người đã làm gì nó?
Ishvar gào lên.
Lúc nãy nó tự đi được kia mà! Giờ các người đưa nó về thì lại mê man bất tỉnh! Các người đã làm gì thằng cháu tôi rồi?


Trật tự,
họ quở, đoạn chuyển Om từ cáng xuống nệm rơm.
Cậu ấy bị bệnh rất nguy kịch, bác sĩ đã làm phẫu thuật miễn phí cứu cậu ấy. Chú phải biết ơn mới đúng, ai lại làm ầm lên như thế. Đừng lo, khi nào tỉnh dậy, cậu ấy sẽ khỏe thôi. Bác sĩ đã bảo chúng tôi cho cậu ấy nghỉ lại đây đến sáng mai rồi. Chú cũng có thể ở lại.

Ishvar đến bên cạnh cháu để tự mình xem xét. Ông đánh tiếng hỏi han để tự trấn an. Trong giấc ngủ mê mệt, Om không trả lời. Ishvar kéo chăn xuống và bắt đầu săm soi cậu: bàn tay, ngón tay, ngón chân vẫn nguyên vẹn. Ông xem lưng – không có những vết lằn rớm máu do roi quất. Miệng cậu cũng lành lặn, lưỡi và răng không hề hấn gì. Nỗi sợ hãi của ông dần lắng xuống, có lẽ lão chúa đất đã tha cho cậu.
Bỗng ông nhìn thấy vết máu ở mặt trong đũng quần. Chẳng lẽ là máu từ cuộc phẫu thuật triệt sản? Ông nhìn xuống đũng quần của mình – có tí máu nào đâu? Ngón tay run run, ông tụt quần Om ra và nhìn thấy miếng băng gạc dày sụ. Ông cởi khuy quần của mình và so sánh: chỉ có một miếng gạc nhỏ và băng cứu thương. Ông đặt ngón tay lên miếng băng của Om và thấy thiêu thiếu thứ gì đó. Vừa nuốt nước bọt, ông vừa hoảng hốt sờ soạng xung quanh, hi vọng sẽ sờ thấy hòn bìu ở đâu đó, trong lòng không dám tin chúng đã mất.
Rồi ông rú lên.

Hai Ram!
Trời ngó xuống mà xem! Xem bọn nó đã làm gì thằng cháu tôi này! Xem này! Bọn nó biến cháu tôi thành hoạn quan rồi!

Có người từ lều chính đi xuống và bảo ông im miệng.
Chú lại gào thét gì thế? Chú không hiểu à? Cậu ấy bị bệnh rất nặng, chỗ đấy có một khối u rất nguy hiểm, một bọc đầy chất độc, thế nên người ta phải cắt đi.

Người đàn ông bị cắt ống dẫn tinh hai lần đã ra về. Những người còn ở lại trong lều còn đang bận vỗ về nỗi đau khổ của riêng mình và gắng chống chọi với những cơn buồn nôn và choáng váng. Khi cảm thấy đã hồi đủ sức, lần lượt từng người gượng dậy và trở về nhà trong nỗi tủi thẹn. Chẳng còn ai ở lại để an ủi Ishvar.
Ngồi một mình trong đêm, ông khóc hờ thảm thiết, chợp mắt vài phút khi kiệt sức, rồi lại khóc. Om tỉnh thuốc mê khi đã quá nửa đêm, nôn ọe, và ngủ lịm đi tiếp.
Sau vụ vây bắt ở phiên chợ, ông trẻ Ashraf được khiêng đến bệnh viện xã, và các họ hàng của ông ở xưởng gỗ được báo tin. Vài tiếng sau ông mất. Theo trình tự tác nghiệp tiêu chuẩn, bệnh viện kết luận nguyên nhân cái chết là do tai nạn:
Do trượt ngã và đập đầu lên lề đường.
Thân bằng quyến thuộc mai táng ông bên cạnh bà trẻ Mumtaz ngay ngày hôm sau, khi Ishvar và Om vẫn còn đang trên đường trở về từ trại triệt sản.
Ngoài vết đau ở bẹn, Ishvar không cảm thấy khó chịu chút nào. Nhưng Om thì đau đớn đến khổ sở. Vết mổ lại chảy máu ngay khi cậu đi được vài bước. Bác cậu thử cõng cậu, nhưng như thế còn đau hơn. Nằm ngửa ra trên tay ông như một đứa trẻ con là tư thế dễ chịu duy nhất cho Om, nhưng quá vất vả cho Ishvar. Dọc đường, cứ đi được mươi bước, ông lại phải đặt thằng cháu xuống.
Đến chiều, một người đàn ông kéo chiếc xe bò ngang qua thấy thế dừng lại.
Cậu ấy bị làm sao vậy?

Ishvar kể lại sự tình, người kia bèn đề nghị giúp. Họ đặt Om lên sàn xe. Ông ta gỡ cái khăn xếp để làm thành một chiếc gối. Ishvar cùng ông ta đẩy xe. Xe chẳng nặng nề gì, nhưng họ phải di chuyển rất chậm rãi trên mặt đường gập ghềnh. Từng cú xóc nảy đâm xuyên vào cơ thể Om, và quãng đường được đo bằng những tiếng rú xé ruột của cậu.
Khi họ về tới Hiệu may Muzaffar, trời đã tối. Người kéo xe bò không chịu nhận đồng nào.
Đằng nào cũng tiện đường tôi đi mà,
ông ta nói.
Một người cháu của Ashraf đến từ xưởng gỗ đang ở trong nhà để trông cửa hàng.
Tôi có tin buồn,
cậu ta nói.
Chú Ashraf gặp tai nạn và đã qua đời.

Dẫu vậy, hai người thợ may quá bấn loạn để có thể lập tức thương khóc trước mất mát này hay hoàn toàn thấm thía nó. Những sự kiện xảy ra ngày hôm qua ở phiên chợ đã nhập làm một với tất cả những bi kịch khác trong đời họ.
Cảm ơn cậu đã đến báo cho chúng tôi biết,
Ishvar lặp đi lặp lại một cách máy móc.
Tôi nhất định sẽ tham dự lễ tang, và Om cũng sẽ đến, vâng, ngày mai chắc nó sẽ khá hơn.

Người cháu phải nhắc lại đến bốn lần, họ mới hiểu ra ông trẻ Ashraf đã được chôn cất.
Đừng lo, hai người có thể ở lại đây cho đến khi khỏe hẳn,
anh ta nói.
Tôi vẫn chưa quyết định được sẽ làm gì với căn nhà này. Và nếu hai người cần gì, cứ báo cho tôi biết.

Họ đi ngủ luôn mà không ăn uống gì, vì chẳng còn bụng dạ nào mà ăn. Để khỏi phải leo lên cầu thang, Ishvar trải một tấm đệm ở tầng trệt bên cạnh quầy. Nửa đêm, Om lên cơn mê sảng, khua chân múa tay tán loạn.
Không! Cháu không lấy kéo của ông trẻ Ashraf đâu! Cây ô đâu rồi? Đưa cháu, để cháu cho bọn nó biết tay!

Ishvar kinh hoảng choàng dậy và rờ rẫm công tắc đèn. Ông nhìn thấy một đốm đen sậm trên mặt ga. Ông rửa sạch vết thương của Om và ngồi chong chong suốt đêm để giữ cậu, phòng khi miếng gạc bị bung ra.
Đến sáng, ông nửa kéo nửa bế cậu đến một phòng khám tư trong thị trấn. Vị bác sĩ vô cùng ghê tởm vụ thiến người, nhưng cũng không ngạc nhiên. Thỉnh thoảng ông vẫn chữa cho các nạn nhân của bạo lực đẳng cấp đến từ các làng lân cận, và đã thôi không cố ép luật pháp theo đuổi công cuộc vì công lý nữa.
Không đủ chứng cứ để khởi kiện
là câu trả lời thường lệ, dù bộ phận bị mất là một ngón tay hay bàn tay hay mũi hay tai.

Chú còn may đấy,
ông nói.
Bọn họ đã làm rất sạch sẽ, và khâu lại cẩn thận. Nếu cậu ta nghỉ ngơi một tuần, nó sẽ lành.
Ông sát trùng vết thương và đặt một miếng gạc mới lên.
Đừng cho cậu ta đi lại, nếu không sẽ làm vết thương chảy máu trở lại đấy.

Ishvar trích tiền chuẩn bị đám cưới để trả công bác sĩ, rồi cố hỏi, dù đã biết câu trả lời:
Liệu nó có còn khả năng làm bố không?

Vị bác sĩ lắc đầu.

Ngay cả khi cái ‘xe điếu’ của nó vẫn lành lặn ư?


Túi tạo tinh đã bị cắt đi rồi còn đâu.

Nhớ lời dặn của bác sĩ, Ishvar loạng choạng bế thằng cháu trên tay trở về nhà và đặt cậu lên giường. Ông kiếm được một cái chai và một cái xoong để Om đi tiêu đi tiểu mà khỏi cần ra nhà xí. Các hàng xóm của ông trẻ Ashraf đều tránh mặt họ. Trong căn bếp bé tí nơi bà trẻ Mumtaz từng nấu ăn cho sáu người nhà bà cộng thêm hai cậu bé học việc, Ishvar chuẩn bị những bữa ăn vô vị. Những bóng ma thân thiện của thời thơ ấu cũng không thể giúp ông khuây khỏa, và hai bác cháu ăn trong im lặng bên giường Om.
Đến cuối thời hạn bảy ngày, Ishvar lại bế cậu đến phòng khám tư. Ngoài phố, rất dễ nhận ra những nạn nhân bị cắt ống dẫn tinh cưỡng bức, nhất là những người chỉ có độc một bộ quần áo. Những vết mủ ở đũng quần đã nói lên tất cả.
Vết thương hầu như đã lành hẳn,
vị bác sĩ nói.
Bây giờ cậu ấy có thể đi lại được rồi, nhưng đừng đi nhanh.
Ông không lấy tiền cho lần tái khám này.
Từ phòng khám, họ bước từng bước ngắn, cẩn trọng đến đồn cảnh sát và nói họ muốn làm đơn khiếu nại.
Thằng cháu tôi đã bị biến thành hoạn quan,
Ishvar nói, không kìm nổi nước mắt khi bật ra những lời ấy.
Viên cảnh sát trực hoảng lắm. Anh ta tự hỏi không biết vụ này có đồng nghĩa với một cuộc bùng nổ xung đột đẳng cấp kèm những pha đau đầu cho các đồng nghiệp và chính bản thân anh ta hay không.
Ai làm việc này?


Chuyện xảy ra ở Hội chợ triệt sản. Trong lều của bác sĩ.

Câu trả lời khiến viên cảnh sát nhẹ cả người.
Không thuộc phạm vi quyền hạn của cảnh sát nhé. Đây là việc của Trung tâm kế hoạch hóa gia đình. Khiếu nại về nhân viên của họ được xử lý ở cơ quan của họ.
Và rất có thể, anh ta nghĩ bụng, đây chỉ là một trường hợp nhầm lẫn giữa triệt sản và thiến. Một chuyến đi đến Trung tâm sẽ giúp làm sáng tỏ mọi việc.
Họ rời đồn cảnh sát và đi bộ rất chậm chạp đến Trung tâm kế hoạch hóa gia đình. Ishvar thấy mừng vì không phải vội vã gì. Một vùng nhức nhối kinh khủng đã nổi lên quanh bẹn ông suốt ba ngày vừa qua, nhưng ông lờ đi vì còn bận lo cho thằng cháu.
Om để ý thấy dáng đi kì quặc và hỏi bác bị làm sao.

Không có gì đâu.
Ông nhăn nhó khi từng cơn đau lừ đừ cuộn dọc xuống ống chân.
Chỉ là bị cứng chân một tí vì vụ phẫu thuật. Rồi sẽ hết thôi.
Nhưng ông biết tình hình đang càng lúc càng tệ đi; sáng nay, một khối sưng đã manh nha trên cẳng chân.
Ở Trung tâm kế hoạch hóa gia đình, ngay giây phút Ishvar nói ra chữ hoạn quan, không ai chịu nghe thêm từ nào nữa.
Cút ra,
viên công chức quát.
Chúng tao chán ngấy bọn người ngu dốt chúng mày rồi. Phải mất bao nhiêu lần giải thích nữa? Triệt sản chả dính dáng gì đến thiến hết. Sao chúng mày không chịu nghe mấy bài tuyên truyền của bọn tao? Sao không đọc tờ rơi bọn tao phát?


Tôi biết là khác nhau chứ,
Ishvar nói.
Nếu anh chỉ cần nhìn một lần thôi, anh sẽ thấy các bác sĩ của anh đã làm gì.
Ông ra hiệu cho Om tụt quần ra.
Nhưng đúng lúc Om chuẩn bị cởi khuy quần, viên chức nọ đã vội lao đến giữ chặt cạp quần của cậu.
Tao cấm mày cởi quần áo giữa cơ quan tao. Tao không phải bác sĩ, trong quần mày có cái quái gì tao không quan tâm. Nếu chúng tao tin bọn mày, thì tất cả những đứa hoạn quan ở cái đất nước này sẽ kéo đến đây nhảy múa trước mặt chúng tao, đổ tội cho chúng tao đã làm bọn nó ra nông nỗi này, rồi tìm cách làm tiền chúng tao. Chúng tao biết trò của bọn mày rồi. Toàn bộ Chương trình kế hoạch hóa gia đình sẽ bị đình trệ. Đất nước sẽ bị hủy hoại. Bị bóp nghẹt bởi tăng trưởng dân số mất kiểm soát. Cút ra ngay, kẻo tao gọi cảnh sát đến bây giờ!

Ishvar van xin anh ta xem lại, chí ít cũng nhìn một lần thôi. Om bèn kề sát vào tai bác cậu, đe ông không được khóc thêm lần nào nữa. Người kia vẫn tiếp tục sấn tới đầy đe dọa. Hai bác cháu buộc phải thối lui. Khi họ đã ra đến ngoài phố, cánh cửa bị đóng sập lại cùng một tấm biển Đóng cửa nghỉ ăn trưa
treo phía trên.

Bác nghĩ chúng nó sẽ giúp mình thật à?
Om nói.
Bác còn chưa hiểu hay sao? Đối với chúng, bọn ta còn chẳng bằng súc vật.


Mày câm ngày cái mồm lại,
Ishvar nạt.
Chính sự ngu dốt của mày đã đẩy hai người chúng ta đến nước này.


Như thế nào? Vì ngu mà cháu mất hai quả cà. Nhưng bác bị triệt sản là lỗi do cháu à? Đằng nào việc đấy chả xảy ra. Nó xảy ra với tất cả mọi người ở chợ.
Cậu ngưng bặt, rồi cay đắng tiếp lời.
Thực ra, tất cả là lỗi của bác. Cơn cuồng dại của bác khi cứ khăng khăng đòi quay trở lại đây và kiếm một cô vợ cho cháu. Lẽ ra chúng ta đã được an toàn trên thành phố, trong hành lang nhà cô Dina.

Mắt Ishvar giàn giụa nước.
Thế ra mày bảo chúng ta nên ru rú trong cái hành lang đấy cho đến hết đời phải không? Đây là cuộc đời kiểu gì, đất nước kiểu gì thế, mà sao chúng ta không thể đến rồi đi theo ý mình được? Chả lẽ tao về thăm nơi chôn rau cắt rốn cũng là tội à? Cưới vợ cho cháu tao cũng là tội à?
Không thể bước thêm được nữa, ông ngồi thụp xuống vỉa hè, run lẩy bẩy.

Thôi nào,
Om rít lên,
đừng có diễn trò giữa phố nữa, trông chẳng ra sao cả.

Nhưng bác cậu vẫn khóc nức nở, Om bèn ngồi xuống bên cạnh ông.
Dào, cháu không có ý đấy đâu, không phải lỗi của bác mà, đừng khóc nữa.


Cơn đau,
Ishvar rúm ró.
Nó lan khắp nơi… đau lắm… bác không biết phải làm sao.


Ta về nhà thôi,
Om nhẹ nhàng nói.
Để cháu đỡ bác. Bác phải gác chân lên mà nằm nghỉ.

Họ gượng dậy và, với Ishvar bước tập tễnh, lê lết, run rẩy vì đau, hai bác cháu về tới cửa hiệu của ông trẻ Ashraf. Họ nhất trí là một giấc ngủ ngon sẽ chữa lành cơn đau của ông. Om bày đệm và gối sao cho bác mình nằm thật thoải mái, rồi mát xa chân ông. Hai bác cháu cùng lăn ra ngủ, bàn chân Ishvar còn nằm trong tay cháu ông.
Một tuần sau, chân Ishvar đã sưng bằng cái cột. Toàn thân ông sốt hầm hập. Phần thịt từ bẹn xuống đầu gối đã đen sạm lại. Họ quay trở lại Trung tâm kế hoạch hóa gia đình và rụt rè đứng ngoài cửa nhòm vào. May thay, lần này một bác sĩ đang trực, còn người họ đã gặp lần trước không thấy lảng vảng quanh đấy.

Vụ triệt sản ổn,
vị bác sĩ nói, sau một cái liếc qua.
Nó không liên quan gì đến bệnh ở chân chú. Trong người chú có chứa chất độc gây phù nề. Chú nên đến bệnh viện mà khám.

Thấy vị này có vẻ là người biết điều hơn lẽ thiệt, Ishvar bèn nhắc đến vụ thiến cháu ông, và vị bác sĩ lập tức trở mặt.
Cút ngay!
Anh ta quát.
Nếu các người muốn nói nhăng nói cuội thì mau biến đi cho khuất mắt tôi!

Họ đến bệnh viện, ở đây, Ishvar được kê một đợt thuốc: bốn lần một ngày trong mười bốn ngày. Thuốc giúp hạ sốt, nhưng chẳng có chút chuyển biến nào ở chân ông. Đến cuối kì điều trị nửa tháng đó, ông còn không thể đi được nữa. Khoảng đen sạm đã lan xuống dưới như một vết bẩn, tiến dần đến các ngón chân, khiến ông nhớ đến thứ thuốc nhuộm da đã thấm bện vào da ông khi còn bé, hồi ông vẫn còn làm việc với bố và những người Chamaar khác.
Chiều hôm ấy, Om tìm thấy người đàn ông kéo xe bò ngoài chợ và nhờ ông ta giúp.
Lần này là bác cháu. Bác ấy không đi được, cháu phải đưa bác ấy đến bệnh viện.

Người kia đang dỡ hành khỏi xe. Vài củ đã bị cán dập trong quá trình vận chuyển, bầu không khí sặc lên mùi cay nồng nặc. Ông ta chùi mắt, vần một bao hành lên vai và vác nó vào kho. Hơi cay xộc cả vào mắt Om dù cậu đứng cách đó khá xa.

Được rồi, tôi xong rồi,
hai mươi phút sau, người kéo xe bò nói. Ông phủi sạch sàn xe và họ cùng đến Hiệu may Muzaffar để đón Ishvar. Họ ghé đuôi xe vào sát bậc thềm rồi dìu ông lên. Mấy người hàng xóm núp mình sau rèm cửa trông theo, khi những bánh xe lỏng lẻo lọc cọc lăn đến bệnh viện.
Người kéo xe chờ ở bên ngoài trong khi Ishvar nằm bệt ở lối ra vào, còn Om chạy đi tìm phòng cấp cứu.
Thuốc không có tác dụng,
vị bác sĩ trực tuyên bố sau cuộc kiểm tra.
Chất độc trong máu quá mạnh. Cần phải cắt hai chân đi để ngăn chất độc lan ngược lên trên. Đấy là cách duy nhất để cứu sống ông ấy.

Sáng hôm sau, hai cẳng chân đen sạm bị cắt bỏ. Bác sĩ phẫu thuật nói hai mẩu đùi cụt cần được theo dõi vài ngày, để đảm bảo chất độc đã tiêu hết. Ishvar nằm viện suốt hai tháng. Sáng nào Om cũng đem cơm nước đến và ở lại đến tận khuya.

Mày phải viết thư cho cô Dina đi,
Ishvar liên tục nhắc Om.
Kể cho cô ấy biết chuyện gì đã xảy ra, chắc cô ấy lo lắng về chúng ta lắm đấy.


Vâng,
Om đáp, nhưng cậu không có gan thực hiện nhiệm vụ ấy. Cậu biết viết gì đây? Làm sao cậu có thể giải thích nổi chỉ trên một tờ giấy?
Đến cuối thời gian hai tháng, người kéo xe bò quay lại bệnh viện và giúp đưa Ishvar trở về Hiệu may Muzaffar.
Đời bác thế là xong rồi,
Ishvar khóc.
Mày cứ quẳng bác xuống con sông chảy qua làng ta. Bác không muốn trở thành gánh nặng cho mày.


Dào, thôi đi,
Om nói.
Đừng nói vớ vẩn. Xong đời là thế nào? Bác quên Shankar rồi à? Chú ấy chẳng còn ngón tay nào cơ. Bác vẫn còn cả hai bàn tay, bác có thể may. Cô Dina có một cái máy may quay tay cũ, cô ấy sẽ cho bác dùng nó khi nào chúng ta quay lại.


Mày điên rồi. Bác không ngồi được, bác không đi được, thế mà mày còn nói đến may với vá ư?


Nếu hai người cần đi lại thì cứ bảo tôi một tiếng,
người kéo xe vội vã chêm vào,
kể từ nay tôi sẽ lấy công hai người bằng giá vé xe buýt thôi.


Vâng, nhà cháu sẽ trả cho chú, chú khỏi lo,
Om nói.
Bác cháu sẽ còn phải đến bệnh viện. Và có lẽ sau vài tuần nữa, khi nào bác ấy thấy khá lên, chú có thể đưa hai bác cháu ra ga tàu hỏa. Nhà cháu sẽ sớm trở lên thành phố.

Cuộc hồi phục diễn tiến rất chậm. Tiền bạc của họ cạn dần. Ishvar ăn rất kém, và những buổi đêm của ông thường xuyên trôi qua trong sự dằn vặt của những cơn nóng sốt và ác mộng. Ông liên tục choàng dậy và khóc nức nở. Om vỗ về ông, hỏi ông muốn gì.

Mày mát xa chân cho bác với, bác đau quá,
ông luôn nói thế.
Một tối, người cháu của ông trẻ Ashraf ở xưởng gỗ đến gặp họ. Anh ta đã tìm được người mua lại cửa hiệu.
Tôi rất tiếc phải ép hai người rời đi. Nhưng ai mà biết được đến bao giờ tôi mới kiếm được mối mới?
Anh ta đề nghị cho hai người trú tạm ở một cái lều hoặc lán, chắc chắn ở xưởng gỗ sẽ có góc nào đó họ có thể tận dụng.

Không, không sao đâu,
Om nói.
Chúng tôi sẽ quay lại thành phố và tiếp tục công việc may vá.

Lần này Ishvar đồng ý với cậu. Ông cảm thấy tốt hơn hết là ra đi, thay vì ở lại cái nơi chẳng mang lại cho họ điều gì khác ngoài khổ đau này. Giờ đây, mỗi ngày đều ê chề tủi nhục, khi những người quen biết họ, nhất là các hàng xóm láng giềng, giương mắt nhìn họ chòng chọc trên những chuyến đi về bệnh viện, rồi thì thọt với nhau, rồi tránh dạt đi mỗi khi họ nhìn thấy chiếc xe bò đi tới.

Anh giúp chúng tôi một việc cuối cùng được không?
Om nhờ người cháu của ông trẻ Ashraf.
Anh có thể bảo các thợ mộc trong xưởng làm một cái bệ lăn be bé có gắn mấy cái bánh xe nhỏ cho bác tôi được không?

Anh ta nói chuyện đó cũng đơn giản thôi. Hôm sau, anh ta mang cái bệ lăn tới cửa hiệu. Ở phía trước bệ có đóng một cái móc buộc sợi dây để Om tiện kéo đi.

Không cần sợi dây này đâu,
Ishvar quả quyết.
Bác sẽ tự đẩy bệ bằng tay, như Shankar ấy. Bác muốn được độc lập.


Rồi, để xem.

Họ tháo bỏ sợi dây, và Ishvar bắt đầu luyện tập trong nhà.
Ông cần phải học cách khom sụp người xuống để toàn thân có thể đứng vững được khi không có hai chân làm đối trọng. Nỗi chán chường của ông càng lúc càng chồng chất. Đang lúc ốm yếu, ông còn không đẩy nổi cái bệ, nói gì đến chuyện đi ra phố.

Kiên nhẫn nào,
Om nói.
Khi nào khỏe lên, bác sẽ làm được thôi.


Kiên nhẫn cái gì,
Ishvar khóc thút thít.
Kiên nhẫn cũng có làm chân bác mọc lại được đâu.
Thất bại cay đắng, ông đành cho nối lại sợi dây kéo.
Gần bốn tháng kể từ ngày trở về chuẩn bị cho đám cưới, hai người thợ may lên đường ra ga tàu hỏa cho chuyến quay lại thành phố. Trên đường đi, họ ghé qua mộ của ông trẻ Ashraf và bà trẻ Mumtaz.
Bác ghen với họ quá,
Ishvar nói.
Thế là yên thân.


Bác lại nói linh tinh rồi,
Om nói, đoạn quay chiếc bệ lại để rời đi.

Ta ở lại đây thêm một chút nữa không được sao?


Không, ta phải đi thôi.
Om kéo sợi dây, và bánh xe nghiến lên mặt đất nghĩa địa. Bác ấy nhẹ quá, cậu chợt nghĩ, nhẹ như đứa bé ấy, kéo bác ấy đi chẳng tốn sức chút nào.

Chú thích
[48] Ganesha là vị thần có đầu voi, mình người trong Ấn Độ giáo, tượng trưng cho trí tuệ và tri thức.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cân bằng mong manh.