Chương 82: Quan điểm khác biệt
Người dịch:Nhóm dịch PQT
Biên dịch: Mê truyện
Nguồn: niepo
Sáng sớm ngày mốt, là ngày 22 tháng 11, Bành Viễn Chinh đến trường Đảng Thành ủy tham gia đợt tập huấn cán bộ hậu bị các cơ quan Đảng – Chính phủ toàn thành phố.
Bởi vì đợt huấn luyện do Ban Tổ chức cán bộ tổ chức, cho nên người của Phòng cán bộ được cử đến phụ trách, Chu Đại Dũng dẫn theo vài nhân viên trông coi nơi điểm danh, thấy Bành Viễn Chinh tới, liền cười với hắn, ra hiệu hắn đến ký tên để nhận tài liệu và vào phòng học của trường Đảng.
Thâm gia đợt tập huấn lần này có một nửa số cán bộ cơ sở đến từ xã, thị trấn, một nửa đến từ các cơ quan, đơn vị của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, tuổi bình quân là 27. Trong số đó, Bành Viễn Chinh là một người khá trẻ.
Sau này, đợt tập huấn này được gọi là
khóa học Hoàng Phố
đầu tiên của thành phố Tân An (1), trong số 30 người này, về sau đa số đều là lãnh đạo cấp huyện trở lên. Điều này cũng có ý nghĩa, sau khi Bành Viễn Chinh tái sinh và bước chân vào quan trường, lần đầu tiên chính thức có được mạng lưới quan hệ của mình. Ít ra, trong bước đầu của cuộc đời quan chức, những
bạn học
cũng đã phát huy tác dụng khá quan trọng.
Cầm lấy tài liệu học tập, Bành Viễn Chinh đi vào phòng học tập huấn. Trong phòng học đã có không ít người đến, trên đài Chủ tịch cũng trải thảm nhung đỏ, đặt vài cái bàn, hiển nhiên lễ khai giảng có lãnh đạo thành phố tới tham dự.
Bành Viễn Chinh tùy ý tìm một chỗ ngồi ngoài rìa ngồi xuống, ngồi bên cạnh hắn là một cô gái đeo kính, mặc một bộ quần áo màu xám nhạt, tóc búi lên, mặt mũi thanh tú, trang điểm rất thời thượng.
Cô gái lễ độ nhìn hắn mỉm cười.
Bành Viễn Chinh cũng cười cười, chủ động đưa tay ra:
- Xin chào.
Cô gái đứng dậy bắt tay Bành Viễn Chinh:
- Xin chào. Anh ở đơn vị nào?
Cô gái ngồi xuống, thuận miệng hỏi một câu.
- Phòng Tin tức Ban Tuyên giáo, tên Bành Viễn Chinh, còn cô?
Bành Viễn Chinh vừa lật xem tài liệu vừa trả lời.
- Hì hì, hóa ra là lãnh đạo Ban Tuyên giáo! Tôi công tác ở Phòng Đảng - Chính, thị trấn Vân Thủy.
Giọng cô gái rất trong trẻo và tươi mát:
- Tôi tên là Lý Tuyết Yến.
Bành Viễn Chinh ngẩn người, không kìm nổi lại liếc nhìn Lý Tuyết Yến một cái. Hắn thật sự không ngờ cô lại đến từ thị trấn. Xem cách ăn mặc và phong thái của cô, giống như là đã công tác ở cơ quan lâu rồi.
Hai người nói chuyện với nhau vài câu. Lý Tuyết Yến biết Bành Viễn Chinh là sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Kinh Hoa trong năm nay, rất là kinh ngạc. Đại học Kinh hoa là đại học đứng đầu cả nước, sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Kinh Hoa là rất
có giá
, trong quan trường cả thành phố Tân An chỉ có vài người.
Đồng thời, vừa mới tham gia công tác đã được chuẩn bị đề bạt, khẳng định là có bối cảnh.
Tuy nhiên Lý Tuyết Yến cũng không nghĩ quá nhiều về vấn đề này, bởi vì trong số 30 người đang ngồi ở đây, người nào cũng không đơn giản. Năng lực là một chuyện, nhưng có năng lực chưa chắc có thể nắm lấy cơ hội đúng lúc. Đó là một vấn đề thực tế.
Không bao lâu sau, Chu Đại Dũng đẩy cửa bước vào, cầm micro lên nói:
- Xin mọi người yên lặng, Ủy viên thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Tống, Ủy viên thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Thư ký Thành ủy Trần muốn tới tham dự lễ khai giảng tập huấn lần này của chúng ta. Lát nữa khi lãnh đạo vào cửa, mọi người nhất định phải đứng dậy vỗ tay.
Nói xong, Chu Đại Dũng xoay người đi ra ngoài, có lẽ là đi mời lãnh đạo đến.
Lát sau, Tống Bính Nam đi đầu, Trần Ngôn Hề theo sau, Phó trưởng ban Tổ chức cán bộ đi sau cùng, ba lãnh đạo trước sau đi đến. Có tới hai Ủy viên thường vụ đến tham dự, đủ thấy mức độ coi trọng của Thành ủy đối với đợt tập huấn này.
Tất cả học viên đứng dậy nhiệt liệt vỗ tay, cho đến lúc ba người Tống Bính Nam đã lên đài Chủ tịch ngồi xuống, tiếng vỗ tay mới dần dần lắng xuống.
Phó trưởng ban Lý chủ trì lễ khai giảng, ông ta theo lệ giới thiệu hai vị Ủy viên thường vụ Thành ủy đến tham dự lễ, tất nhiên lại dẫn tới một tràng vỗ tay. Kế tiếp, Tống Bính Nam đại diện cho Thành ủy và Ban Tổ chức cán bộ Thành ủy phát biểu mấy lời quan trọng,
Bành Viễn Chinh ngồi đó, hơi lơ đễnh, bởi vì những lời khách sáo trong quan trường này, thật sự là rất vô vị, nhưng hắn lại phát hiện, bên cạnh hắn, Lý Tuyết Yến đang nghiêng tai chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng cúi xuống ghi chép một cách nghiêm túc.
…
Ban Tổ chức cán bộ Thành ủy yêu cầu tất cả học viên ăn ở ở trường Đảng, không ai được tùy tiện ra ngoài, thực hiện phương thức quản lý khép kín.
Mà chương trình học của Ban tập huấn cũng sắp xếp khá chặt chẽ, sáng sớm tập thể dục, sau đó có hai tiết học, một tiết là về quản lý kinh tế, do giảng viên thỉnh giảng từ trường Đại học Giang Bắc giảng dạy, một tiết là về thời sự chính trị. Buổi chiều cũng có hai tiết học, một là quản lý xã hội và kinh tế thị trường, một là về các lễ nghi xã giao.
Buổi tối, học viên cũng không nhàn rỗi, được bố trí chia tổ thảo luận, tổng kết, hệ thống lại những gì đã được học trong ngày. Suốt đợt tập huấn, người của Ban Tổ chức cán bộ Thành ủy luôn quản lý sát sao, mỗi tiết đều nghiêm khắc kiểm tra sự chuyên cần của học viên.
Thời gian tạp huấn khẩn trương nhưng đơn điệu, đối với Bành Viễn Chinh, thời gian trôi qua rất nhanh.
Tiết học cuối cùng do giảng viên Đại học Giang Bắc Mã Dương Minh đứng lớp, chủ đề bài giảng của ông là
Con đường cải cách: biến chuyển ở Đông Âu và tiếng chuông báo động đối với Liên Xô
.
Mã Dương Minh là học giả nổi tiếng cả nước về kinh tế chính trị học, ông ta lấy biến chuyển ở Đông Âu và sự dần dần tan rã của Liên Xô làm ví dụ, trình bày lập trường, quan điểm của mình một cách rõ ràng dứt khoát: cải cách quá cấp tiến, bất kể là cải cách thể chế kinh tế hay cải cách thể chế chính trị, đều sẽ là một tai nạn, không chỉ khiến quốc gia rung chuyển, còn có thể phá hỏng chủ nghĩa xã hội. Thậm chí, ông ta dùng lời lẽ gay gắt, phê bình Gorbachov, lãnh đạo đương nhiệm của Liên Xô là
rối tinh rối mù
, vô cùng sai lầm.
Bành Viễn Chinh lẳng lặng lắng nghe Mã Dương Minh giảng bài, khóe miệng hiện lên nụ cười. Trong lòng hắn hiểu rõ, ngay tại tháng này, năm này, đúng vào ngày mốt – ngày 25 tháng 12 năm 1991, Gorbachov tuyên bố từ chức, Liên Xô chính thức giải thể toàn bộ. Mà trước đó, không ít nước cộng hòa trong Liên bang Xô Viết tuyên bố độc lập.
Cũng chính vì như thế, ở trong nước, số người có quan điểm
kìm giữ cải cách
như Mã Dương Minh không phải ít, nảy sinh sự hoài nghi và dao động đối với mục tiêu cải cách và mở cửa, trên báo chí cũng thường xuyên thấy những bài báo có quan điểm tương tự.
Bài giảng của Mã Dương Minh khiến cả giảng đường tán thưởng, đủ thấy quan điểm của ông ta nhận được sự đồng tình của tuyệt đại đa số.
- Bài giảng của giáo sư Mã thật sâu sắc, tôi cũng cho rằng chính sách cải cách và mở cửa của chúng ta càng phải tiến hành một cách từ từ và vững chắc, không nên tiến nhanh quá, Liên Xô chính là tấm gương tày liếp…Bành Viễn Chinh, anh cảm thấy thế nào?
Lý Tuyết Yến ngồi cạnh hưng phấn nghiêng đầu hỏi.
Bành Viễn Chinh lắc đầu:
- Tình hình nước ta khác biệt, hai nước thật ra không thể so sánh.Thể chế cải cách của chúng ta và Liên Xô hoàn toàn khác nhau. Tôi cho rằng, chúng ta nên tiếp tục kiên định đẩy mạnh cải cách và mở cửa, phát triển mạnh kinh tế, trong phát triển giải quyết vấn đề tồn tại, mà không cần phải đi chậm lại, rồi lại ngồi mà lý luận suông.
Lý Tuyết Yến nhíu mày, hơi tỏ ra coi thường, cười nhạt:
- Bành Viễn Chinh, anh sai lầm rồi, hiện nay cả nước trên dưới đều rút ra bài học Đông Âu và Liên Xô một cách sâu sắc, tôi nghĩ Trung ương sẽ có suy xét.
Bành Viễn Chinh hờ hững mỉm cười, cũng không tranh luận với Lý Tuyết Yến. Cũng chẳng hay ho gì mà tranh luận. Ngay tháng sau, sau Tết Nguyên Đán 1992, vĩ nhân (2) sẽ phát biểu trong chuyến
Nam tuần
xuống các tỉnh phía nam sông Dương Tử, nhắc lại chính sách cải cách và mở cửa sẽ không thay đổi; mà lời phát biểu này đã mang lại tác dụng thúc đẩy mấu chốt đối với cuộc đại cải cách và tiến bộ xã hội của toàn bộ thập niên 90, kết thúc những lời tranh luận trái chiều về vấn đề này.
Mã Dương Minh kết thúc khóa học, để lại cho tất cả học viên một bài tập, đó chính là luận văn về vấn đề ông vừa giảng, cũng là đề thi tốt nghiệp cho đợt tập huấn này.
(1) Trường quân sự Hoàng Phố (tên chính thức là Học viện Sĩ quan Lục quân Trung Hoa Dân quốc), là một trường đào tạo sĩ quan lục quân của Trung Hoa Dân quốc có cơ sở ban đầu đặt tại ở khu Hoàng Phố ở đảo Trường Châu, thành phố Quảng Châu (năm 1924). Trường quân sự này đã đào tạo ra nhiều danh nhân quân sự cho cả quân đội Trung Hoa Dân quốc lẫn quân đội của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và họ tham gia các cuộc Bắc phạt (1926-1927), Nội chiến Trung Quốc, cũng như cùng nhau chống lại quân Nhật Bản trong Chiến tranh Trung - Nhật. Nhiều nhà cách mạng của Việt Nam cũng từng học tại Trường quân sự Hoàng Phố (Wikipedia)
(2) Vĩ nhân: Ám chỉ Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ Trung Quốc từng bị Mao Trạch Đông cách chức, lưu đày năm 1966 trong
Đại Cách mạng văn hóa
vì tư tưởng cải cách của mình. Sau ba lần bị cách chức, năm 1977, Đặng Tiểu Bình được phục chức Phó thủ tướng. Năm 1978 Đặng Tiểu Bình nêu kế hoạch cải cách kinh tế trước phiên họp toàn thể Đảng cộng sản Trung Quốc, đánh dấu sự mở đầu của chính sách
mở cửa
của Trung Quốc. Họ Đặng là người có công rất lớn đối với sự phát triển thịnh vượng của Trung Quốc ngày nay, nhưng ông ta cũng chính là người ra lệnh
dạy cho Việt Nam một bài học
năm 1979. Trên thực tế, ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đã dùng 9 quân đoàn với khoảng 300 ngàn quân, trên 550 xe tăng và xe bọc thép, 2.558 khẩu pháo, bất ngờ tấn công VN trên toàn tuyến biên giới.