CHƯƠNG 22
-
Chiếc Xe Đạp Màu Xanh
- Régine Deforges
- 3171 chữ
- 2020-05-09 02:17:14
Số từ: 3155
Nguyên tác: La Bicyclette Bleue
Dịch giả: Nguyễn Trọng Định
NXB Phụ Nữ
Nguồn: Sưu tầm
Lêa không bao giờ nghĩ nàng có thể mảy may đau buồn khi phải xa Cami. Thế mà lòng nàng tan nát khi sà vào vòng tay Cami trước lúc ra đi.
Họ vượt qua đường giới tuyến ở Xanh-Pie-đơ Oriăc không hề gặp trở ngại: mấy bức thư, họ giấu vào trong chiếc va li con của bé Saclơ. Tới Xanh-Emiliông, Cami trao cuốn chỉ nam về Brơtanhơ cho ông Lơphrăng ở Rôsơ-Blăngsơ, Đenpecsơ xúc động đón hai mẹ con nàng.
Đây là lần đầu tiên Lêa trở về ngôi nhà này sau buổi lễ đính hôn đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ hạnh phúc. Nàng chỉ có một ý nghĩ: ở lại đây càng ít càng tốt. Rửa mặt xong nàng vội vã chia tay với Cami và ra đi.
Ở Cađiăc, nàng kịp tới tòa thị chính trước giờ đóng cửa. Trên bậc tam cấp, hai tên lính Đức gặp nàng và mỉm cười. Ở bàn khai hộ tịch, một nhân viên đang chăm chú viết: đúng là Phugiơrông. Lêa trao tập thư và được giao lại một cái gói mang về bỏ bưu điện vùng tự do. Nàng không kịp nói nửa lời: bọn lính Đức xem ra khó chịu rõ rệt. Lêa vội chuồi nhanh cái gói vào xắc.
Từ hôm ấy, nàng thực hiện đều đặn việc chuyển thư tín giữa hai vùng tự do và chiếm đóng. Nàng phải xin trung úy Crame một agsweis đặc biệt, lấy cớ phải trông coi công việc trên đồng ruộng của ông bố ở Lôrangx, gần Xanh-Pie-đơ-Oriăc. Nhờ nàng qua lại giữa các trại ấp, cái ăn uống ở Môngtiac ngày một khá lên. Ngoài ra, Anbectin va Lida cũng nhận được những gói hàng. Họ bảo lúc còn ở Pari thì chỉ chết dần chết mòn.
Đến vụ nghỉ hè, Lôrơ trở về nhà, kiên quyết không quay lại ký túc xá vì giờ đây trong tay đã có bằng. Cô gái mười sáu tuổi vô tích sự và thích làm duyên làm dáng này hết lòng ca ngợi ông Thống chế, sưu tập chân dung ông ta dưới bất kỳ dạng nào. Cô ta không tha thứ cho Lêa đã vứt xuống đất một tấm ảnh có lời đề tặng của vị thần tượng của cô đặt một cách kiêu hãnh trên đàn dương cầm phòng khách. Cô gái khiếu nại với bố, và câu trả lời của bố dẫu sao cũng làm cô ta xúc động:
- Giá mẹ con còn sống, bà cũng làm như vậy.
Từ đấy, cô gái cố tình bước ra khỏi phòng khách mỗi khi Lêa nghe đài Luân Đôn. Còn Phrăngxoadơ thì không ai biết thực sự cô ta đang nghĩ gì. Hễ không làm việc ở bệnh viện là suốt ngày chơi đàn pianô và diễu trước mọi người bộ mặt rạng rỡ, khiến bà già Ruýt phải nói:
- Nếu con bé này không say mê một chàng trai thì thật kỳ lạ.
Say mê ai? Câu hỏi ấy, Lêa không muốn giải đáp. Trong mấy ngày liền, nàng theo dõi cô chị mà không thấy gì khả nghi trong thái độ cả. Nhưng một lần, xuống bếp sớm hơn thường lệ để soạn bữa ăn sáng, trong cảnh tranh tối tranh sáng trên cầu thang, nàng gặp trung úy Hăngcơ. Anh ta cao giọng chào cô:
-Chào cô Lêa.
- Xin chào. - Nàng đáp cộc lốc.
Khi nàng bước vào nhà bếp thì trung úy Crame vừa ăn sáng xong. Anh ta đứng dậy chào nàng.
- Chào cô Đenmax, sáng nay cô dậy sớm thế! Chắc hẳn cô phải đi trông ruộng đất của cụ nhà ở vùng tạm chiếm?
"Vì sao trên bàn có ba bát và vì sao một bát còn đấy?" - Lêa băn khoăn.
o O o
Tiếp theo sau Lôrơ ít lâu, Philip, Côrin và Pierô Đenmax cùng con cái bác Luych cũng kéo đến. ngôi nhà cũ lại rộn ràng tiếng nói, tiếng cười. Do có người Đức ở trong nhà, mọi người đành chịu chật.
Lêa thích thú gặp lại cậu em họ Pierô mười bốn tuổi nhưng tự xem mình như một người đàn ông. Chẳng khác nào như ngày trước nàng thích thú khi cậu bé cùng ngủ trong buồng trẻ nhỏ.
Trong bữa ăn, họ cãi nhau sôi nổi, nên Becnađet Busactô vội đóng cửa sổ lại:
- Các ông, các bà muốn nói cho mọi người nghe hay sao? Im cả đi!
Quanh bàn ăn chia làm ba phái rõ rệt. Phái một mực theo Pêtanh; Becnađet, Philip, Côrin và Lôrơ, họ không đủ từ ngữ khiếm nhã để nói về những người phản bội Tổng thống một cách hèn nhát tức là phản bội nước Pháp; phái đờ Gôn hay ít nhất là phái những người không chấp nhận kẻ chiếm đóng: Lêa và Pierô; và phái "không có ý kiến" vì những lý do khác: Pie Đenmax, Phrăngxoadơ và Ruýt.
Phái thứ nhất chủ trương sự hợp tác do Pêtanh yêu cầu ngày 30 tháng mười 1940, phương sách duy nhất theo lời họ - để lập lại trật tự, nhân phẩm và tôn giáo ở cái xứ sở bị Do Thái và cộng sản làm tha hóa này. Phái thứ hai thì bảo thời cơ duy nhất làm cho nước Pháp giành lại danh dự và tự do là đi theo đờ Gôn.
- Một tên phản bội! - Phái thứ nhất bảo.
- Một vị anh hùng! - Phái thứ hai cãi lại.
Phái thứ ba nói ít: Ruýt vì tính kín đáo; Pie Đenmax vì thờ ơ, và Phrăngxoadơ. Phrăngxoadơ thế nào? Người ta không biết. Thông thường, khi cuộc bàn cãi quá say sưa thì cô ta dời khỏi bàn.
Một hôm, không chịu được nữa, Lêa đi theo sau. Trước hiên nhà, Phrăngxoadơ ngồi rũ rượi, nức nở trên chiếc ghế sẳt. Lêa bước tới bên cạnh và dịu dàng hỏi:
- Chị sao thế?
Phrăngxoadơ càng nức nở.
- Tao chán lắm rồi, cứ nghe nói mãi về chiến tranh, về Pêtanh, về Hítle, về đờ Gôn, về những sự hạn chế tiếp tế, về người Nga, về vùng tự do, về vùng tạm chiếm, về nước Anh, về... về..., tao chán lắm rồi. Tao muốn họ cút hết cả đi... Tao muốn được tự do yêu... tao muốn... tao muốn chết...
Lòng thương cảm của Lêa đối với nỗi phiền muộn của cô chị gái dần dà biến thành bực dọc, rồi thành kinh tởm: "Khi khóc lóc tới mức vô duyên đến thế thì phải núp kín đi chứ!" - Nàng thầm nghĩ.
- Chị im đi! Giá chị thấy mặt mũi mình! Nếu có điều gì không ổn thì chị nói lên. Nếu người tình của chị khiến chị đến nông nỗi này thì chị bỏ anh ta đi.
Lêa nói chỉ để trêu chọc mà không nghĩ tới điều mình nói. Sự phản ứng dữ dội của Phrăngxoadơ làm nàng sững sờ, không mở được miệng.
- Mày biết gì về người tình của tao, mày, cái đứa lăn lóc trên cỏ khô với một thằng ở, trong lúc này vẫn không ngớt nghĩ tới chồng người khác? Người tình của tao, nếu muốn, thì tất cả bọn bay, anh ấy sẽ... Việc của tao không dính dáng tới mày, không dính dáng gì tới một ai hết. tao thù bọn bay, tao muốn không bao giờ thấy mặt bay nữa!
Nói xong, cô ta vượt qua bậc tam cấp bỏ chạy. Lêa nhìn theo cái bóng vật vờ xa dần trên cánh đồng nho rồi biến mất phía sau Valăngtông.
Nàng ngồi bao lâu im lìm như thế trước phong cảnh quen thuộc này trong lúc một câu nói khiến nàng muốn vỡ đầu: "Người tình của tao, nếu muốn, thì tất cả bọn bay, anh ấy sẽ tóm hết; người tình của tao, nếu muốn, thì tất cả bọn bay, anh ấy sẽ tóm hết..." Nhưng, cũng như mọi lần, vẻ đẹp êm đềm của đồng ruộng, núi rừng, làng mạc, đồi cây, ruộng nho và bờ biển vùng Lăngđơ xa xa kia, tất cả là dịu bớt nỗi kinh hoàng trong lòng nàng, và nàng quên đi câu nói khủng khiếp kia.
Hôm sau, Phrăngxoadơ bảo cô ta đi đến nhà một cô bạn ở Accasông. Lêa bỗng nhớ lại là Lôrơ có gợi ý cho nàng hỏi Phrăngxoadơ xem cô ta có vui thú trong buổi hòa nhạc không. Khi Lêa ngạc nhiên về sự gợi ý, thì cô em gái đáp qua quýt là điều đó chẳng có gì quan trọng, là cô quên rồi. Lêa khẩn khoản nên cuối cùng cô bé phải thú nhận:
- Lúc đầu, em tưởng chị ấy đi với trung úy Crame. Nhưng không phải ông ta, vì người đàn ông đu cùng chị ấy mặc thường phục.
Lêa không nghi ngờ gì nữa: chị gái nàng yêu và là tình nhân của một người Đức. Nàng nói chuyện đó với Cami khi chị đến ở nhà nàng mấy ngày trước mùa hái nho: nàng phải làm thế nào? Có nên nói với cha nàng, với Ruýt, với Ađriêng không?
- Không nói gì hết. - Cami đáp - Nghiêm trọng quá? Chỉ có Phrăngxoadơ hoặc trung úy Crame có thể nói với chị việc đó có thật hay không.
- Nhưng còn câu nói kia?...
- Vì quá giận mà cô ấy nói thôi.
Mùa thu. Mọi người lại đi Boócđô, kể cả Lôrơ. Cô bé bảo ở nông thôn "buồn đến chết được". Sau khi giao trách nhiệm cánh đồng nho lại cho Machiax và Phaya, Lêa vui mừng thấy mọi người ra đi, nhất là việc lo ăn uống cho chừng ấy con người đâu phải là chuyện dễ dàng, mặc dù có thêm tích kê bổ sung. Nàng không quá lo sợ khi mùa đông tới, nhờ có các thứ rau của vườn nhà đã được chế biến để dự trữ và khá nhiều gà, thỏ... không kể tới một đôi lợn trong chuồng. Chỉ có một điều khiến nàng quan tâm: đồng tiền ngày một khan hiếm. Vang bán được chỉ vừa đủ trả công thợ, mà cũng chưa trả hết cho mọi người. Đã sáu tháng đầu năm nay, chưa có tiền trả cho Phaya. Cami cho Lêa biết là Lôrăng chỉ có mấy tháng ở Angiê. Bây giờ anh đang ở Luân Đôn. Nàng vui mừng không thấy Cami nói tới việc đi gặp chồng nữa.
Tuy yêu Lôrăng, nàng vẫn tiếp tục có quan hệ ân ái với Machiax, mỗi ngày một dữ dội hơn nhưng cũng mỗi ngày một chán chường hơn. Sau mỗi lần như vậy, nàng tự hứa với mình đấy là lần cuối cùng, nhưng một tuần sau, cùng lắm là mười lăm ngày, lại đến gặp chàng trai trong kho lúa, trên cánh đồng nho hay trong ngôi nhà cũ kỹ ở Xanh-Make.
Ngày 21 tháng mười năm 1941, ở Boócđo xảy ra cuộc mưu sát một sĩ quan Đức. Ngày 23, năm chục con tin bị hành quyết.
Lêa ngày càng cảm thấy ngột ngạt, âu sầu. Những chuỗi ngày buồn tẻ ấy, nàng tìm cách lãng quên đi trong nhưng cuốn sách của ông bố, nhưng vô hiệu. Bandăc, Prux, Môriăc, không một tác giả nào được nàng ưu ái, vừa cầm sách lên, nàng đã bỏ xuống ngay. Đêm đêm, nàng sống trong những cơn ác mộng khủng khiếp! Khi thì mẹ nàng hiện lên, nức nở giữa đống hoang tàn đổ nát, khi thì gã đàn ông bị nàng bắn chểt ôm chặt lấy nàng vào lòng một cách bỉ ổi. Ban ngày, những cơn nức nở, nước mắt đầm đìa làm nàng mệt lả. Môngtiac đè nặng lên hai vai nàng. Nàng băn khoăn tự hỏi mình có cần làm việc hùng hục đến thế để duy trì sự sống cho tất cả những cái đó nữa không, để giữ lại vùng đất mà giờ đây chỉ còn mình nàng yêu mến này nữa không (vì bố nàng, chị gái, em gái nàng đều bỏ mặc). Nhưng có một người tha thiết với mảnh đất ấy tới mức muốn chiếm hữu: người đó là Phaya. Từ khi con trai trở về, ông lão tìm thấy lại lẽ sống và lòng ham muốn chiếm hữu vùng đất mà ông ta ấp ủ mãi trong lòng. Một hôm ông ta nói thẳng thừng với Lêa:
- Cả cái khối công việc ấy quá nặng nề đối với tuổi thanh xuân của cô. Ông Đenmax tội nghiệp thì mất trí rồi và chẳng bao lâu phải nhốt ông lại thôi. Cần có một người đàn ông để điều khiển một trang ấp như trang ấp này. Cô nên khuyên ông cụ bán đi. Tôi có ít tiền dành dụm và bà nhà tôi vừa được hưởng một khoản thừa kế. Dĩ nhiên, còn thiếu chút ít, nhưng ông cụ sẽ dành cái đó làm hồi môn cho cô.
Sững sờ, Lea không đủ sức cắt ngang lời ông lão. Nàng bỗng hiểu ra rằng trong suốt những năm tháng lao động trên vùng đất này, ông ta chỉ tâm tâm niệm niệm một điều là: trở thành chủ nhân ông. Thời cơ ủng hộ ông ta một cách tuyệt vời. Giá Idaben Đenmax còn sống thì không bao giờ ông lão dám táo bạo đề nghị một việc như thế. Hơn nữa, ông ta vừa nói cho nàng hiểu rằng ông ta hoàn toàn nắm được mối quan hệ giữa nàng và con trai ông.
- Cô không nói gì hết hả?... Tôi biết. Cô sợ phải từ giã ngôi nhà này. Nhưng nó có mãi mãi là nhà của cô hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào cô: cô hãy lấy con trai tôi đi.
Lêa không nén nổi cơn giận bừng bừng trong người.
- Machiax có biết những dự định bẩn thỉu của ông không?
- Ít nhiều. Nó bảo đó không phải là những việc nên bàn tới lúc này.
Lêa cảm thấy cất được một phần gánh nặng trong lòng.
- Phaya, ông nhầm rồi, vấn đề đối với chúng tôi không phải là bán cho ông hay bất kỳ ai khác. Tôi sinh ra trên mảnh đất này và tôi quyết giữ nó. Còn tình trạng của bố tôi thì không đến nỗi thê thảm như ông nói đâu.
- Cô không còn tiền nữa và đã sáu tháng nay tôi chưa được trả công.
- Công việc của chúng tôi không dính dáng tới ông. Còn tiền công thì ông sẽ được trả từ nay đến cuối tháng. Chào ông Phaya.
- Cô Lêa, cô nói cái giọng đó là không đúng đâu. - Ông lão đáp, vẻ đe dọa.
- Thế đủ rồi, tôi không có gì để nói với ông nữa. Chào ông.
Phaya làu bàu bước ra.
Ngay ngày hôm sau, Lêa viết thư vay Anbectin số tiền thiếu nợ Phaya. Bà cô gửi ngay cho nàng và nàng nhờ bà già Ruýt mang tiền tới trả cho ông lão. Thế là giữa hai bố con ông ta nổ ra một cuộc cãi vã dữ dội, và Machiax quyết định ghi tên tình nguyện đi lao động ở Đức. Lêa khẩn khoản anh từ bỏ ý định đó, bảo nàng cần có anh, và bỏ sang Đức là phản bội lại đất nước.
- Không, cô đâu cần tới tôi. Cô bảo cần đến tôi là vì cô nghĩ tới mảnh đất Môngtiac này. Còn tôi, tôi đếch cần Môngtiac. - Anh ta nói, giọng lè nhè.
- Không đúng! - Nng kêu lên - Anh say rồi.
- Đúng! Tôi không phải như cha tôi. Tôi chỉ muốn cô, dù có đất hay không có đất. Nhưng rốt cuộc tôi đã hiểu là cô không yêu tôi, cô chỉ là một con chó cái động đực thỉnh thoảng cần được thỏa mãn...
- Anh im đi, anh thô bạo lắm...
- Thô bạo hay không thô bạo, tôi đếch cần. Đối với tôi, chẳng có gì là quan trọng nữa sất. Ở đây hay ở Đức...
- Nhưng nếu cuối cùng, nhất thiết phải đi thì anh có thể tìm gặp tướng đờ Gôn.
- Tôi đã bảo cô là tôi đếch cần. Đối với tôi, đờ Gôn, Hítle, Pêtanh, cũng thế cả thôi: chỉ là bọn nhà binh. Tôi không thích bọn nhà binh.
- Em van anh, anh Machiax, anh đừng bỏ em!
- Bây giờ cô có chút thành thực kia đấy! Cô khóc kia đấy! Thế ra cô luyến tiếc cái thằng Machiax tội nghiệp hả, cô ả? Cái thằng Machiax với cái đuôi to tướng của hắn hả?
- Anh im mồm đi.
Lúc đó họ đang ở trong khu rừng nhỏ cạnh vườn rau. Machiax tìm đến Lêa ở đấy để báo cho nàng biết quyết định của mình. Phải chăng anh ta uống để có đủ can đảm?
Đột ngột anh ta đẩy cô gái xuống đất. Nàng trượt ngã trên đám lá thông. Váy nàng lật ngược, để lộ cặp đùi trắng muốt phía trên đôi tất len đen. Anh ta nhảy bổ lên người nàng.
- Đồ đĩ, tất cả những cái cô muốn là cái đuôi, là một cái cọc to tướng chứ gì. Đừng khóc nữa, cô sẽ có nó thôi.
- Bỏ tôi ra, anh sặc sụa mùi rượu.
- Chẳng có gì nghiêm trọng đâu, chẳng vì thế mà không có tình cảm đâu.
Lêa giãy giụa một cách vô ích. Trong cơn say Machiax khỏe lên bội phần. Từ đám lá thông được mặt trời chiều đông sưởi ấm xông lên dư vị những trò chơi trẻ thơ khi họ cùng nhau đùa nghịch dưới những gốc cây. Kỷ niệm ấy làm nàng rạo rực; nàng thôi không kháng cự nữa và hiến dâng mình. Machiax hiểu lầm sự phục tùng của cô gái.
- Quả cô chỉ là một cô gái dâm đãng.
Anh thở phì phì như thổi bễ, muốn làm cho nàng đau đớn, muốn trừng phạt nàng về tội không yêu mình. Cả hai cùng cất lên những tiếng kêu khoái lạc.
Họ nằm trong vòng tay nhau, trần truồng, từ vườn rau người ta có thể nhìn thấy, và cùng nhau khóc lóc như thế trong bao lâu? Trời lạnh và chỗ nằm không mấy êm ái đưa họ trở về thực tại buồn bã. Im lặng, họ vùng dậy rũ đất trên quần áo, gỡ bỏ những chiếc lá thông trên mái tócm, và sau những ánh mắt rầu rĩ, ra đi, mỗi người một ngả.
Trong đêm, Machiax đáp tàu đi Boócđô để từ đó đi sang Đức ngày 3 tháng giêng 1942.