Chương 1: Mười Học Sinh Mới


Số từ: 2427
Dịch Giả: Dạ Thảo
NXB Hội nhà văn
Buổi sáng hôm ấy, hồi vẫn còn bé, tôi ngồi trên chiếc ghế dài trong sân trường. Dưới tán cây filicium già nua rợp bóng. Cha tôi ngồi bên, hai tay ôm lấy vai tôi, gật đầu mỉm cười chào những ông bố bà mẹ khác đang ngồi cạnh con mình trên chiếc ghế dài đối diện. Hôm nay là một ngày trọng đại: ngày đầu tiên đi học.
Cuối những chiếc ghế dài ấy là cánh cửa để ngỏ dẫn vào một lớp học trống trơn. Khung cửa cong queo. Thật ra, toàn bộ ngôi trường đang trong tình trạng ọp ẹp như thể nó sẽ đổ sập xuống bất kỳ lúc nào. Hai giáo viên đứng ở cứa cứ như hai vị chủ nhà đang chào đón khách đến dự tiệc. Một người đàn ông luống tuổi nét mặt điềm tĩnh, thầy hiệu trưởng K.A. Harfan Effendy Noor, còn gọi là thầy Harfan và một cô gái trẻ măng quấn jilbab - khăn trùm đầu, cô NA. Muslimah Hafsari, hay cô Mus. Giống như cha tôi, hai người họ cùng đang mỉm cười.
Nhưng nụ cười của cô Mus trông mới gượng gạo làm sao: cô đang lo lắng. Nét mặt cô căng thẳng và các cơ cứ rần rật một cách bồn chồn. Cô đếm đi đếm lại mãi số học sinh đang ngồi trên hàng ghế dài bên ngoài, lo lắng đến độ chẳng để ý gì tới mồ hôi đang vã xuống chảy cả vào mắt. Những giọt mồ hôi đua nhau rịn ra xung quanh mũi làm nhòe nhoẹt lớp phấn trang điểm, vạch những đường sọc loang lổ khắp mặt khiến trông giống như người hầu gái của nữ hoàng trong Dul Muluk, một vở kịch cổ của làng chúng tôi.

Chín em, mới có chín em thôi, thưa thầy, vẫn còn thiếu một,
cô nói với thầy hiệu trưởng giọng âu lo. Thầy hiệu trưởng Harfan đưa mắt sang cô với ánh nhìn trống rỗng.
Tôi cũng cảm thấy căng thẳng. Căng thẳng bởi vì cô Mus đang bồn chồn không yên, và vì cảm nhận được sức nặng từ cha đè lên toàn bộ cơ thể tôi. Mặc dù sáng nay trông ông có vẻ dễ chịu và thoải mái, nhưng cánh tay thô ráp của ông choàng quanh cổ tôi khiến tôi nghe được cả nhịp tim ông hối hả. Tôi biết ông cũng đang căng thẳng, và tôi cũng nhận thức được rằng đối với một người cha bốn mươi bảy tuổi đông con làm nghề thợ mỏ với đồng lương eo hẹp, cho con đi học không phải là chuyện đơn giản. Dắt tôi đến làm đứa giúp việc cho bà chủ cửa hàng tạp hóa người Hoa ở phiên chợ sáng, hay cho tôi ra bờ biển làm cu li để giúp giảm đi phần nào gánh nặng tài chính cho gia đình là việc dễ dàng hơn nhiều. Cho một đứa con đi học có nghĩa là phải trang trải nhiều khoản chi phí trong suốt mấy năm trời, và đối với gia đình tôi ấy là một việc chẳng hề dễ.
Người cha đáng thương của tôi.
Tôi không đành lòng nhìn vào mắt ông.
Sẽ tốt hơn nếu ngay lúc này tôi đứng lên trở về nhà, quên đi chuyện học hành, nối gót mấy ông anh và cả những người anh em họ của tôi nữa - trở thành một cu li...
Cha tôi không phải là người duy nhất đang trong tình trạng căng thẳng như vậy. Nét mặt của những bậc cha mẹ khác cũng cho thấy dường như họ không thực sự đang ngồi trên dãy ghế này. Giống như cha tôi, họ cũng đang đưa dòng suy tư của mình trôi về phiên chợ sáng với ý nghĩ con trai họ nên đi làm thì hơn. Họ không mấy tin vào chuyện nếu con cái được học hành - mà họ cũng chỉ đủ trang trải cho chúng đến hết bậc trung học cơ sở là cùng - tương lai của gia đình họ sẽ tươi sáng hơn. Sáng nay họ buộc phải có mặt tại ngôi trường này, hoặc là để chính quyền địa phương không khiển trách tại sao chẳng chịu đưa con em đến trường, hoặc là vì nghe theo lời chính quyền những mong cho con mình thoát khỏi cảnh một chữ bẻ đôi cũng không biết.
Tôi quen mặt hết thảy các bậc cha mẹ và cả mấy đứa con của họ đang ngồi đằng trước tôi kia - ngoại trừ một thằng bé nhỏ thó nhếch nhác với mái tóc đỏ xoăn tít cố vùng ra khỏi cái nắm tay siết chặt của cha nó. Người cha đó chẳng giày dép gì cả, còn chiếc quần ông đang mặc được may bằng loại vải cotton rẻ tiền. Tôi không hề biết họ.
Những đứa còn lại đều là bạn chí cốt của tôi. Như thằng Trapani đang ngồi trong lòng mẹ nó kia, hoặc thằng Kucai ngồi cạnh cha nó, haỵ con Sahara, mới lúc nãy đã cáu kỉnh với mẹ nó chỉ vì muốn mau được vào lớp học, rồi còn Syahdan, cái đứa chẳng có cha mẹ gì đi cùng. Chúng tôi là hàng xóm, và đều là những người Belitong-Mã Lai thuộc cộng đồng, nghèo nhất trên đảo. Như ngôi trường này đây, Trường Tiểu học Muhammadiyah, cũng là ngôi trường làng nghèo nhất ở Belitong. Có ba lý do khiến các bậc phụ huynh đưa con em đến học trường này. Một là, Trường Tiểu học Muhammadiyah không bắt buộc đóng học phí, và phụ huynh có thể đóng góp bất kỳ thứ gì vào bất kỳ lúc nào họ có khả năng. Hai là, phụ huynh sợ rằng con em mình với tâm tính yếu đuối có thể dễ bị cái xấu lôi kéo, thế nên họ muốn chúng được dạy dỗ theo những nguyên tắc khắt khe của đạo Hồi ngay từ khi còn nhỏ. Ba là, không một trường nào khác nhận con em họ vào học.
Cô giáo Mus, lúc này càng trở nên bồn chồn tợn, cứ dõi mắt chăm chăm ra đường cái với hy vọng có thêm một học sinh mới nữa. Nhận thấy hy vọng của cô thật khó thành hiện thực, chúng tôi đâm hoảng. Vậy nên không giống như mấy trường tiểu học khác nơi buổi tựu trường dành cho học sinh lớp-một ngập tràn niềm hân hoan, không khí của ngày đầu tiên đi học tại Trường Tiểu học Muhammadiyah này lại nhuốm một màu âu lo khắc khoải, và người lo lắng hơn cả chính lã cô giáo Mus và thầy hiệu trưởng Harfan.
Hai con người khốn khổ đang lâm vào tình trạng đứng ngồí không yên như vậy là do chỉ thị từ vị thanh tra trường học của Sở Giáo dục và Văn hóa miền Nam Sumatra rằng: Nếu trường Tiểu học Muhammadiyah năm nay có ít hơn mười học sinh mới, thì ngôi trường lâu đời nhất ở Belitong này sẽ bị đóng cửa. Do vậy, trong khi cô Mus và thầy hiệu trưởng Harfan lo lắng trường sẽ có nguy cơ đóng cửa, các bậc phụ huynh lại lo lắng về những khoản chi phí, còn lũ trẻ chúng tôi - chín đứa nhỏ mắc kẹt chính giữa - lại lo cả bọn sẽ không được đi học mất thôi.
Năm trước Trường Tiểu học Muhammadiyah chỉ có mười một học sinh. Thầy hiệu trưởng Harfan không mấy tin rằng năm nay trường sẽ đạt chỉ tiêu mười học sinh, nên thầy đã âm thầm chuẩn bị bài diễn văn đóng cửa trường học. Thầy chỉ mong muốn duy nhất một điều - thêm một học sinh nữa. Thực tế đó sẽ khiến cho bài diễn văn càng thêm xót xa.

Ta sẽ đợi đến mười một giờ,
thầy hiệu trưởng Harfan nói với cô Mus và với cả những bậc phụ huynh hoàn toàn không còn chút hy vọng nào. Bầu không khí im phăng phắc bao trùm.
Khuôn mặt cô Mus giờ đã hơi sưng lên do cố nén những giọt nước mắt cứ chực trào ra. Tôi hiểu cảm giác của cô hiện giờ, vì niềm hy vọng được đứng lớp của cô cũng lớn lao ngang bằng niềm mong ước được đi học của bọn tôi. Hôm nay là ngày đầu tiên cô được làm cô giáo, cái giây phút mà bao lâu nay cô hằng mong mỏi. Cô vừa tốt nghiệp trường Sekolah Kepandaian Putri (trường dạy nghề dành cho nữ sinh) tuần trước, một trường trung học cơ sở ở Tanjong Pandan. Cô chỉ mới mười lăm tuổi. Đáng buồn thay, cái mong ước bỏng cháy được làm cô giáo của cô đang sắp bị thực tại cay đắng kia dập tắt một cách phũ phàng - trường học có nguy cơ đóng cửa chỉ vì thiếu một học sinh.
Cô Mus đứng thần người ra bên dưới cái chuông, nhìn chăm chăm vào khoảng sân trường rộng lớn và con đường cái phía trước. Vẫn không thấy ai xuất hiện.
Mặt trời lên cao, sắp Ngọ. Nỗi chờ đợi thêm một học sinh nữa chẳng khác nào nỗ lực cố tóm bắt một cơn gió.
Trong lúc ấy, các bậc phụ huynh có lẽ đang miên man với suy nghĩ rằng thiếu đứa học sinh thứ mười có nghĩa là con cái họ sẽ không phải đến trường nữa - thật tốt hơn nhiều nếu cho chúng đi làm kiếm tiền. Cả tôi lẫn mấy đứa kia đều cảm thấy tim mình như vỡ ra: thật đau lòng khi phải đối mặt với những người cha người mẹ nghèo khổ cơ cực, đau lòng khi phải chứng kiến những giây phút cuối cùng của ngôi trường cũ kỹ trước khi nó bị đóng cửa vào chính cái ngày đầu tiên đi học của bọn tôi, và đau lòng quá đỗi khi biết rằng cái khao khát học hành mãnh liệt của bọn chúng tôi sẽ bị đập tan không thương tiếc chỉ bởi thiếu một học sinh. Đầu đứa nào đứa nấy đều rũ cả xuống.
Còn năm phút nữa là đến mười một giờ. Cô Mus không thể che giấu nỗi thất vọng được nữa. Những dự định lớn lao của cô dành cho ngôi trường tội nghiệp này sắp vỡ tan tành trước khi cô kịp bắt tay vào thực hiện, và ba mươi hai năm toàn tâm toàn ý dành cho sự nghiệp trồng người thầm lặng của thầy Harfan sắp khép lại vào buổi sáng bi thảm hôm nay.

Chỉ có chín em thôi, thưa thầy,
cô Mus thốt lên giọng run rẩy. Cô dường như không còn nghĩ ra được điều gì khác mà cứ lặp đi lặp lại mãi cái thực tế mà ai nấy đều đã rõ. Nghe giọng cô cứ như thể cô sắp chết đến nơi.
Rốt cuộc, thời khắc quyết định đã điểm. Mười một giờ năm phút rồi mà tổng số học sinh vẫn chưa đủ mười. Niềm hân hoan vô bờ bến khi được đến trường trong tôi giờ đã gần như cạn sạch. Tôi hất tay cha ra khỏi vai. Sahara nức nở khóc trong vòng tay mẹ nó bởi vì quả thực nó muốn đi học tại trường Tiểu học Muhammadiyah này biết mấy. Con nhỏ mang tất và giày, jilbab, chiếc áo cánh, mấy cuốn sách, một chai nước và túi xách - tất cả đều mới toanh.
Thầy hiệu trưởng Harfan đến bên các bậc phụ huynh và chào lần lượt từng người một. Thật đau lòng. Ai cũng vỗ vỗ lưng thầy tỏ ý an ủi. Hai mắt cô Mus giờ giàn giụa nước. Thầy hiệu trưởng Harfan bước ra đứng trước các bậc phụ huynh. Trông thầy thật khốn khổ khi chuẩn bị đọc bài phát biểu cuối cùng của mình. Thế nhưng, ngay khi thầy vừa thốt ra được mấy từ,
Assalamu’alaikum, cầu chúc mọi người an lành,
thì thằng Trapani hét tướng lên và chỉ tay về phía ngoài sân trường, khiến ai nấy đều giật bắn cả mình.

Harun kìa!

Ngay lập tức, tất cả đều quay lại nhìn, và ở xa tít ngoài kia là một cậu con trai gầy nhẳng cao kều đang lóng ngóng tiến về phía chúng tôi. Quần áo đầu tóc của cậu rất tinh tươm. Cậu mặc sơ mi trắng dài tay được bỏ gọn gàng trong quần soóc. Hai đầu gối cậu lục cục va vào nhau theo mỗi bước đi loạng choạng. Một phụ nữ trung niên béo tròn đang chật vật cố nắm chặt tay cậu. Cậu con trai ấy là Harun, một cậu con trai vui nhộn và là bạn tốt của cả bọn chúng tôi. Cậu đã mười lăm tuổi, ngang tuổi với cô Mus, nhưng đầu óc hơi kém phát triển. Cậu vô cùng sung sướng và bước đi thật nhanh gần như chạy, như thể cậu không thể đợi thêm một phút giây nào nữa để được nhập bọn cùng chúng tôi. Cậu chẳng để ý gì đến mẹ mình, còn bà thì khấp kha khấp khởi chạy theo cậu con trai, cố nắm chặt tay cậu.
Cả hai gần như thở không ra hơi khi đến được trước mặt thầy hiệu trưởng Harfan.

Thưa thầy,
bà mẹ nói trong hơi thở hổn hển.
Làm ơn nhận thằng Harun với. Trường dành cho trẻ đặc biệt mãi tít ở đảo Bangka. Chúng tôi không đủ tiền để cho thằng bé học ở đấy.

Harun khoanh tay trước ngực, nét mặt bừng lên rạng rỡ. Mẹ cậu nói tiếp.

Và quan trọng hơn cả, đưa nó vào học trường này còn hơn là cho nó ở nhà, thằng bé cứ rượt đuổi bọn gà con chạy tán loạn hết cả.

Harun ngoác miệng cười, để hở những chiếc răng dài, vàng khè.
Thầy hiệu trưởng Harfan cũng cười. Thầy đưa mắt nhìn cô Mus, nhún vai.

Đủ mười rồi đấy,
thầy nói.
Harun đã cứu chúng tôi! Tất cả đồng loạt vỗ tay hoan hô. Con nhỏ Sahara không thể nào ngồi yên được nữa, nó đứng thẳng lên sửa sang những nếp gấp trên jilbab và xốc xốc lại túi xách cho chắc chắn. Cô Mus mặt đỏ bừng. Cô giáo trẻ giờ đã thôi khóc, lấy tay quệt vội mồ hôi trên khuôn mặt nhòe nhoẹt phấn.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Binh Cầu Vòng.