Phần XII - Chương 2 3
-
Chiến Tranh và Hòa Bình
- Lev Nikolayevich Tolstoy
- 2649 chữ
- 2020-05-09 02:34:20
Số từ: 2670
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Linh tính của Anna Pavlovna quả nhiên đã ứng nghiệm. Ngày hôm sau, trong khi đang làm lễ ca ngợi trong cung nhân ngày sinh nhật của hoàng đế, công tước Bolkonxki được gọi ra ngoài nhà thờ và nhận được một bức thư của công tước Kutuzov. Đó là bức thông báo của Kutuzov viết ở Tatarinovo hôm diễn ra trận đánh. Kutuzov viết rằng quân đội Nga không hề rút lui một bước, rằng quân Pháp tổn thất nặng nề hơn quân ta rất nhiều, nhưng trong khi viết vội thông báo về triều đình ngay tại chiến trường ông chưa kịp thu thập những tài liệu sau cùng. Như vậy, nghĩa là quân ta đã thắng. Thế là trong nhà thờ lập tức làm lễ tạ ơn đấng sáng tạo ra muôn loài đã phù hộ cho quân ta thắng trận.
Linh cảm của Anna Pavlovna đã được xác nhận và suốt buổi sáng hôm ấy trong thành phố tràn ngập một tâm trạng vui mừng hân hoan như ngày hội. Mọi người đều cho rằng đây là một trận toàn thắng, và có mấy người đã nói đến việc bắt Napoléon làm tù binh, phế truất y và chọn một quốc trưởng mới cho nước Pháp.
Xa nơi trận mạc và ở giữa hoàn cảnh sinh hoạt của cung đình, các biến cố thật khó lòng được phản ảnh trọn vẹn. Các biến cố chung vô tình được tập hợp lại chung quanh một sự việc cá biết nào đó. Chẳng hạn bây giờ các triều thần vui mừng vì quân ta thắng trận đã đành, nhưng họ cũng vui mừng không kém vì tin thắng trận này đến đúng vào ngày sinh nhật của hoàng thượng. Cứ như là một trò chơi bất ngờ thành công vậy. Trong bản thông báo của Kutuzov cũng nói đến những tổn thất của quân ta, và trong số các tướng sĩ tử trận thấy có Tutskov, Bagration, Kutaixov. Trong giới xã giao củaPetersburg khía cạnh đáng buồn của nước này tự nhiên lại tập hợp chung quanh một sự việc, - cái chết của Kutaixov. Ai cũng biết ông ta, hoàng thượng yêu mến ông ta, ông ta trẻ tuổi và hấp dẫn. Ngày hôm ấy hễ gặp nhau là người ta nói:
- Thật là một sự tình cờ lạ lùng. Đúng giữa khi đọc kinh Ca ngợi. Kutaixov chết đi thật là một tổn thất nặng nề! Ồ, đáng tiếc thật.
- Đấy tôi đã bảo mà, Kutuzov có phải tầm thường đâu - Bây giờ công tước Vaxili lại nói với giọng kiêu hãnh của một nhà tiên tri, - Xưa nay tôi vẫn nói chỉ có ông ta mới đánh bại được Napoléon thôi mà.
Nhưng hôm sau không nhận được tin tức gì của quân đội gửi về và giọng bàn tán lại có chiều lo lắng. Các triều thần khổ sở về chỗ hoàng thượng rất phiền muộn chẳng biết thật hư ra sao.
- Tình cảnh của hoàng thượng thật là bi đát! - Các triều thần bảo nhau như vậy, và họ không còn ca tụng Kutuzov như hôm qua nữa, mà lại lên án ông ta đã làm cho hoàng thượng lo âu. Ngày hôm ấy công tước Vaxili cũng không tán dương Kutuzov, người được ông ta bênh vực mà chỉ im lặng mỗi khi có ai nói đến vị tổng tư lệnh. Hơn nữa, tối hôm ấy dường như mọi việc đều dồn dập làm cho dân Petersburg lo sợ lại có tin bá tước phu nhân Elena Bezukhov vừa qua đời một cách đột ngột vì cái chứng bệnh kỳ lạ mà người ta thích nhắc đến tên. Trong các buổi lễ tiếp tân lớn mọi người đều chính thức nói rằng bá tước phu nhân Bezukhov chết vì một cơn bệnh viêm ức kinh khủng, nhưng những lúc họp mặt thân mật người ta lại nói chi tiết rằng ông bác sĩ thân cận của hoàng hậu Tây Ban Nha đã kê đơn cho Elen uống một thứ thuốc nào đấy với những liều lượng nhỏ đều gây nên những tác dụng nhất định; nhưng Elen, xót xa vì bị ông bá tước già nghi kỵ và vì đã viết thư cho chồng (cái thằng cha Piotr phóng đãng khốn nạn ấy) mà không được trả lời, nên đã uống thuốc với một liều lượng rất lớn và đã chết trong những cơn đau quằn quại trước khi người ta kịp chạy chữa. Họ kể lại rằng công tước Vaxili và vị bá tước già cũng định bắt viên thầy thuốc người Ý, nhưng ông này đưa ra những bức thư nhỏ gì đấy của người quá cố bất hạnh, làm hai người lập tức phải thả ông ta.
Cuộc trò chuyện tập trung vào ba sự kiện đáng buồn: nỗi băn khoăn của hoàng thượng, Kutaixov tử trận và và cái chết của Elen.
Những cuộc thăm viếng chia buồn nhận cái chết của Elen, công tước Vaxili nhắc đến Kutuzov, người mà mấy hôm trước ông vừa tán dương (trong khi buồn rầu tang tóc như thế này ông ta có quên những lời nói trước kia thì cũng chẳng có gì đáng trách), có nói rằng lão già đui chột và truỵ lạc ấy tất nhiên phải hành động như vậy, không thể chờ mong gì hơn được nữa.
- Tôi chỉ lạ không hiểu sao người ta lại có thể trao vận mệnh nước Nga cho một con người như vậy.
Trong khi tin này chưa phải là tin chính thức thì người ta còn có thể hồ nghi được. Nhưng hôm sau lại nhận được một bản thông báo của bá tước Raxtovsin như sau:
"Sĩ quan phụ tá của công tước Kutuzov đã đem lại cho tôi một bức thư yêu cầu tôi cung cấp những sĩ quan cảnh binh để giúp vào việc chuyển quân ra con đường Ryazan. Công tước nói rằng công tước đành lòng phải bỏ Moskva. Tâu bệ hạ! Hành động của Kutuzov định đoạt vận mệnh của thủ đô và toàn thể đế quốc của bệ hạ. Nước Nga sẽ rung chuyển khi biết tin bỏ ngỏ Moskva, nơi tập trung sự vĩ đại của nước Nga, nơi chôn cất tro tàn của hài cốt các tiên đế. Tôi sẽ đi theo quân đội. Tôi đã cho chuyển tất cả những cái gì cần phải chuyển ra khỏi thành. Nay tôi chỉ còn biết khóc thương số phận của tổ quốc nữa mà thôi".
Nhận được bản thông báo này, hoàng đế liền phái công tước Bolkonxki đem trao cho Kutuzov tờ dụ sau đây:
"Công tước Mikhail Ilarionovich! Từ ngày hai mươi chín tháng tám ta không nhận được tin gì mới của công tước. Trong khi đó ngày mồng một tháng chín, ta lại nhận được của quan tư lệnh thành Moskva, chuyển qua đường Yaroxlav, cái tin đáng buồn là công tước đã quyết định cùng quân đội rời khỏi Moskva. Chắc công tước có thể tưởng tượng được tin này đã tác động đến ta như thế nào và sự im lặng của công tước lại càng khiến ta kinh ngạc bội phần. Ta phái phó tướng của ta là công tước Bolkonxki mang thư này đến gặp công tước, để biết rõ tình hình quân đội và những nguyện nhân đã khiến công tước quyết định một việc đáng buồn như vậy"
3.
Chín ngày sau khi Moskva bị bỏ ngỏ có một tín sứ của Kutuzov đến Petersburg đưa tin chính thức về việc này. Tin sứ này là một người Pháp tên Misô, người không biết tiếng Nga nhưng tuy người là ngoại quốc mà lòng dạ lại là Nga như chính ông ta vẫn nói.
Nhà vua lập tức cho ông ta bệ kiến trong phòng riêng ở cung điện Kemmenny Oxtrov, Misô chưa bao giờ trông thấy Moskva trước chiến dịch này và lại không biết tiếng Nga. Nhưng vẫn rất cảm động khi ra mắt vị hoàng đế chí nhân của chúng ta (như ông ta vẫn viết) để đưa tin Moskva bị cháy, lửa bừng sáng rực cả đường đi của ông ta. Tuy nhiên nguyên do khiến ông Misô buồn chắc phải khác hẳn những nguyên do khiến người Nga đau khổ, gương mặt ông khi ông bước vào văn phòng hoàng đế cũng rầu rĩ đến nỗi nhà vua hỏi ngay:
- Đại tá mang lại cho ta những tin buồn chăng?
- Rất buồn, tâu hoàng thượng, - Misô đáp trong một tiếng thở dài, mắt nhìn xuống đất, - Moskva đã bị bỏ ngỏ!
- Chẳng lẽ người ta đã bỏ ngỏ cố đô của ta mà không chiến đấu sao? - Nhà vua bỗng đỏ mặt lên nói nhanh.
Misô kính cẩn truyền đạt lại những điều Kutuzov đã dặn: không thể nào chiến đấu ở vùng Moskva, cho nên có thể chọn một trong hai đường, - hoặc mất cả quân đội lẫn Moskva, hoặc chỉ mất Moskva, vì vậy nguyên soái đành phải chọn lấy cách sau cùng.
Hoàng thượng im lặng nghe, không nhìn Misô.
- Quân địch đã tiến vào thành phố chưa? - ngài nói.
- Tâu bệ hạ, vào giờ này thành phố đã cháy ra tro. Khi tôi ra đi cả thành phố đang cháy rực lên!
- Misô nói giọng quả quyết nhưng khi nhìn hoàng đế, ông phát hoảng vì đã nói như vậy. Hoàng đế bắt đầu thở dồn dập, môi dưới của ngài run lên và đôi mắt xanh đẹp của ngài trong khoảnh khắc đã rớm lệ.
Nhưng chỉ một phút sau, hoàng đế đã cau mày lại như muốn tự trách mình đã yếu đuối như vậy. Và hoàng đế ngẩng đầu lên cất giọng rắn rỏi nói với Misô.
- Đại tá ạ, qua tất cả những việc đang xảy ra, ta đã thấy rõ rằng Thượng đế đòi hỏi chúng ta hy sinh lớn lao. Ta sẵn sàng phục tùng tất cả những ý muốn của Thượng đế, nhưng ông Misô, ông hãy nói cho ta rõ tinh thần quân đội khi ông ra đi như thế nào, khi họ thấy cố đô của ta bị bỏ ngỏ không hề bắn một viên đạn như vậy? Ông có thấy họ có nản lòng không?
Thấy vị hoàng đế chí nhân huệ của mình đã bình tâm lại Misô cũng yên tâm, nhưng câu hỏi trực tiếp và trọng yếu cuả hoàng thượng cũng đòi hỏi một câu trả lời trực tiếp mà ông ta chưa kịp chuẩn bị.
- Tâu hoàng thượng, hoàng thượng có cho phép tôi được nói thắng thắn như một quân nhân trung thực không? - Misô nói để có thêm thì giờ.
- Đại tá ạ bao giờ ta cũng đòi hỏi như vậy, Hoàng thượng nói. - Đại tá đừng giấu giếm gì hết, ta nhất thiết muốn biết rõ tình hình thật hiện nay ra sao?
- Tâu hoàng thượng! - Misô nói, miệng chỉ khẽ nhếch một chút thành một nụ cười tế nhị: bấy giờ ông ta đã kịp chuẩn bị câu trả lời dưới hình thức một trò chơi chữ, nhẹ nhàng và kín cẩn, - Tâu hoàng thượng khi tôi ra đi thì toàn thể quân đội, kể từ các vị chỉ huy cho đến người lính thường không trừ ai, đều cũng chung một mối lo sợ khủng khiếp!
- Sao lại thế? - Hoàng thượng cau mày ngắt lời Misô, giọng nói nghiêm khắc. - Chả lẽ dân Nga của ta nản lòng trước cơn hoạn nạn. Không đời nào!
Misô chỉ chờ có thế để thực hiện trò chơi chữ của mình.
- Tâu hoàng thượng, - Ông ta nó với một giọng bông lơn nhưng vẫn kính cẩn, - Họ lại lo sợ bệ hạ nghe theo lòng nhân từ mà thuận tình hoà giải. Họ đều nức lòng muốn chiến đấu, ông ta nói với tư cách một người đại diện toàn quyền của nhân dân Nga, - và thiết tha mong được hy sinh tính mệnh để chứng minh cho hoàng thượng rõ họ hết lòng vì hoàng thượng đến chừng nào…
- À! Hoàng thượng yên tâm, vừa nói vừa vỗ lên vai Misô, mắt long lanh một ánh sáng dịu dàng trìu mến. - Đại tá làm cho ta yên tâm! - nhà vua cúi đầu im lặng một lát.
- Thôi, đại tá hãy quay về quân đội đi, - ngài nói, người đứng thẳng lên, quay về phía Misô với một cử chỉ tuy nghiêm mà thân mật, - và hãy nói lại với những người lính dũng cảm của chúng ta, nói lại với tất cả các thần dân tốt lành của ta ở bất cứ nơi nào đại tá đi qua, ta sẽ thân hành đứng ra chỉ huy, lớp quý tộc yêu quý của ta và đám nông dân tốt lành của ta, ta sẽ sử dụng đến hết tài lực chối cùng của đế chế ta. Đế chế của ta còn nhiều tài lực hơn là những kẻ thù của ta vẫn tưởng. - Nhà vua nói, mỗi lúc một thêm phấn chấn, - Nhưng vạn nhất, nếu Thượng đế truyền phán rằng, - ngài ngước đôi mắt đẹp đẽ, dịu dàng và sáng long lanh vì xúc động nhìn lên trời - rằng vương triều của ta sẽ không còn được trị vì trên ngai vàng của các tiên đế nữa, thì sau khi đã tận dụng các phương tiện mà ta có thể sử dụng được, ta sẽ để cho râu mọc dài đến đây (nhà vua giơ tay chỉ ngang ngực) và ta sẽ đi ăn khoai với người dân cày bần cùng nhất của ta, còn hơn là ký kết thừa nhận nỗi ô nhục của tổ quốc và dân tộc yêu quý mà ta biết quý trọng những hy sinh của nó… - Nói xong mấy câu này với một giọng cảm động, nhà vua bỗng quay mặt đi, như để cho Misô khỏi trông thấy những giọt nước mắt đang trào lên mi, và bỏ đi về phía cuối phòng. Sau khi đứng yên ở đấy một lát, ngài lại bước những bước dài trở về phía Misô và xiết cánh tay ông ta ở phía dưới khuỷu một chút trong một cử chỉ hùng tráng. Khuôn mặt đẹp đẽ dịu dàng của nhà vua ửng đỏ lên, và trong đôi mắt ngài sáng long lanh ánh lửa của chí cương quyết và lòng căm phẫn.
- Đại tá Misô ạ, ông đừng quên những điều mà tôi nói với ông ngày hôm nay, ở nơi này, có lẽ rồi một ngày kia chúng ta sẽ nhớ lại và lấy làm thú vị… Napoléon hay là ta, - nhà vua đưa tay để lên ngực nói - Hai người không thể cùng trị vì được nữa. Ta đã có dịp hiểu rõ Napoléon, y sẽ không lừa ta được nữa đâu…- và nhà vua cau mày im lặng. Nghe mấy lời này và trông thấy vẻ quả quyết kiên cường trong ánh mắt của nhà vua, Misô - tuy người lú ngoại quốc nhưng lòng dạ lại là Nga - trong giây phút long trọng này cảm thấy mình nức lòng phấn khởi nước tất cả những điều vừa được nghe (về sau ông ta có nói như vậy), và đã biểu đạt ra bằng những lời sau đây những tình cảm của mình cũng như của nhân dân Nga mà ông ta tự xem là người đại diện toàn quyền.
- Tâu hoàng thượng, - Misô nói, - Trong lúc này hoàng thượng đang ký kết sự vinh quang của dân tộc và cứu vớt cho toàn thể châu Âu!
Nhà vua từ giã Misô bằng một cái gật đầu.