Phần XIII - Chương 14 15
-
Chiến Tranh và Hòa Bình
- Lev Nikolayevich Tolstoy
- 3486 chữ
- 2020-05-09 02:34:24
Số từ: 3503
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Qua các ngõ hẻm của khu Khamovniki chỉ có đoàn tù binh cùng đi với đội áp giải và những cỗ xe chở đồ của binh sĩ trong đội áp giải kéo theo sau; nhưng khi đi ngang qua các kho lương, họ lọt vào giữa một đoàn xe rất lớn của pháo binh đang trẩy thành một khối dày đặc, chen lẫn với những chiếc xe tải của tư nhân.
Đến sát cầu, tất cả đều dừng lại đợi cho những đoàn đi trước kéo qua. Đứng ở đầu cẩu nhìn ra phía ttước và về phía sau, đám tù binh có thể trông thấy những dãy xe vô tận đang trẩy đi. Bên phải, nơi con đường Kuluga uốn vòng qua Naxkutsnoye và mất hút ở phía xa, có những đoàn quân lính và xe tải kéo dài không dứt. Đó là những dạo quân thuộc lữ đoàn Bôhame đã xuất phát trước tất cả các lữ đoàn khác; ở phía sau, dọc theo bờ sông vào vắt ngang qua cầu Kamenny, quân đoàn của Ney với những đoàn xe tải của nó đang lũ lượt trẩy đi.
Quân của Davu, trong đó có các đoàn tù binh, đang lội qua quãng sông cạn Krymxki và một bộ phận đã đổ ra đường. Nhưng các đoàn xe kéo dài đến nỗi những cỗ xe đi sau cùng của đoàn Bohame chưa ra khỏi Moskva và chưa tiến vào đường Kaluga mà tiền đạo của Ney đã ra khỏi Bolsaya Ordynka rồi.
Khi lội qua chỗ cạn Krymxki, đoàn tù binh đi vài bước rồi dừng lại, rồi lại bước đi, và bốn phía người và xe chen chúc nhà mỗi lúc một thêm dữ dội. Hơn một tiếng đồng hồ họ mới vượt qua cái khoảng cách một trăm thước giữa cáu và đường Kaluga, đi đến quảng trường nơi hai con đường Zamoxkvoretsye và Kaluga gặp nhau, đoàn tù binh ùn lại thành một cụm, dừng lại và đứng yên ở chỗ ngã ba này mấy tiếng đồng hồ liền. Bốn bề đều nghe tiếng bánh xe lăn ầm ầm, tiếng giày dẫm rầm rập, và những tiếng quát tháo chửi rủa hoà với nhau thành một tiếng ào ào không lúc nào ngớt, nghe như tiếng sóng bể, Piotr tựa sát người vào tường một ngôi nhà cháy dở lắng nghe âm thanh ấy; trong trí tưởng tượng của chàng, nó pha lẫn với tiếng trống.
Mấy người sĩ quan tù binh muốn xem cho rõ hơn đã leo lên trên tường của một ngôi nhà cháy dở nơi Piotr đang đứng.
- Đông quá! Chà đông ghê thật…! Đồ đạc được chất cả lên đại bác! Xem kìa, nó chở cả những bộ da lông. Quân khốn kiếp, chúng nó cướp nhiều thật… Xem chiếc xe tải của cái thằng ở phía sau kia kìa… Đúng là lấy ở tượng thánh ra rồi! Hẳn đó là bọn Đức. Có cả một lão mu-gich nhà ta nữa kia, đúng thế…! Chà quân khốn mạt…!
Xem kìa. Chất nhiều đến nỗi không đi được nữa…! kìa nữa, cả xe Droiki chúng cũng lấy? Xem thằng kia ngồi trên dống rương hòm kia…! Cha mẹ ơi! A chúng nó đánh nhau! Nó đánh vào mõm thằng kia, đúng vào mõm! Cứ thế này thì đợi đến tối cũng chưa đi được. Xem kìa, các ông xem kìa… Chính Napoléon đây rồi. Thấy không, toàn ngựa quý, có mang phù hiệu mũ miện! Một ngôi nhà xếp! Thằng kia đánh rơi cái đẫy mà không biết. Lại đánh nhau. Cái bà bế con kia, trông khá đáo để. Nhìn mà xem, đi mãi không thấy hết. Bọn đĩ Nga kia, đúng rồi! Chúng ngồi trên xe rất chễm chệ.
Cũng như khi đi qua nhà thờ Khamovniki, một làn sóng tò mò lại dồn lại tất cả những tù binh ra đường, và Piotr, nhờ vóc dáng người cao lớn, đã nhìn được qua đầu những người khác và trông thấy cái điều đã thu hút lòng tò mò của đám tù binh. Trên ba chiếc xe ngưạ, lạc vào giữa nhưng chiếc thùng đựng đạn có mấy người đàn bà ăn mặc diêm dúa, màu áo loè loẹt, mặt đánh phấn tô son, đang ngồi chồng chất lên nhau, mồm kêu the thé.
Từ cái phút Piotr thấy hiển hiện cái sức mạnh huyền bí kia, chàng không còn thấy cái gì kỳ lạ hay khủng khiếp nữa: dù là cái xác mà người ta đã lấy bồ hóng trát vào mặt để làm trò đùa, hay những người đàn bà kia, đang vội vã đi đâu không rõ, hay cảnh Moskva cháy tan hoan cũng vậy. Bây giờ tất cả những điều mà Piotr trông thấy hầu như không gây nên một ấn lượng gì chàng nữa. - tưởng chừng như trong khi sửa soạn bước vào một cuộc vật lộn khó khăn lòng chàng không chịu tiếp đón những ấn tượng có thể làm cho nó suy nhược đi.
Đoàn xe chở đàn bà đã đi qua. Theo sau lại có những đoàn xe chở đồ, những toán lính, những xe chở lương, những toán lính, những chiếc xe kiệu, những toán lính những hòm đạn, lại những toán lính, và thỉnh thoảng lại có những tốp đàn bà.
Piotr không thấy rõ từng người riêng biết, chàng chỉ thấy sự chuyển động của họ.
Tất cả những đoàn xe người ngựa ấy tựa hồ như đang bị một sức mạnh vô hình nào xua đi. Trong khoảng một tiếng đồng hồ, thời gian Piotr đứng nhìn họ, tất cả những những đoàn người ngựa ấy từ các phố đổ ra, cùng chung một nguyện vọng duy nhất là làm sao đi qua cho chóng; mỗi khi chạm phải nhau, họ đều phát cáu lên, đánh nhau; những hàm răng trắng nhe ra, nhưng đôi lông mày cau lại, những câu chửi bới ấy lại ném vào mặt nhau, và trên tất cả các gương mặt đều có cái vẻ cương quyết lạnh lùng và tàn nhẫn mà sáng hay Piotr đã trông thấy trên gương mặt của tên hạ sĩ trong khi tiếng trống đổ dồn.
Đến chiều, viên sĩ quan chỉ huy đội quân áp giải tập hợp đơn vị lại và luôn mồm quát tháo và cãi vã, y mở một con đường trong đám xe cộ. Đoàn tù binh len ra con đường Kaluga.
Họ đi rất nhanh, không nghỉ, và mãi đến khi mặt trời đã bắt đầu lặn họ mới đứng lại. Những đoàn xe được xếp sát vào nhau, và đám người bắt đầu sửa soạn nghỉ đêm. Ai nấy đều có vẻ tức giận và cau có. Hồi lâu, bốn phía đều nghe những tiếng chửi rủa, nhưng tiếng quát tháo hằn học và những tiếng ẩu đả. Chiếc xe kiệu đi ở phía sau đội lính áp giải húc càng xe vào chiếc xe chở đồ của đội này, làm cho thùng xe vỡ toác ra. Từ bốn phía có mấy người lính chạy lại, người thì đánh vào đầu những con ngựa kéo chiếc xe kiệu và bắt chúng quay lại, người thì đánh nhau, và Piotr thấy rõ một người lính Đức bị trọng thương vì một nhát đoản kiếm chém vào đầu.
Hình như bây giờ, khi đã đứng lại giữa cánh đồng trong ánh hoàng hôn lạnh lẽo của một của một chiều thu, tất cả những con người ấy đều cùng có một cảm giác khích động khó chịu vì cái tình trạng vội vã và phải di chuyển gấp gáp đến một nơi nào không rõ, cái cảm giác đã bao trùm lên mọi người khi xuất phát. Khi đã dừng lại ai nấy đều đã hiểu ra rằng chưa biết mình sẽ còn đi đâu nữa và trong chuyến đi này sẽ gặp nhiều khó khăn cực nhọc.
Ở trạm nghỉ đêm này lính áp giải đối xử với tù binh còn tệ hơn khi ra đi. Lần đầu tiên người ta phải thịt ngựa cho tù binh ăn.
Từ các sĩ quan đến người lính mạt hạng, ai nấy hình như đều có một mối thù riêng với mỗi tù binh. Sự thay đổi đột ngột trong thái độ rất thân mật trước kia của họ khiến cho người ta có một cảm giác rõ rệt như vậy.
Thái độ thù hằn này càng lộ rõ thêm khi họ điểm danh các tù binh và nhận thấy rằng sau khi rời Moskva một người lính Nga đã thừa lúc lộn xộn giả vờ đau bụng trốn mất. Piotr thấy một tên Pháp đánh một người lính Nga vì anh ta đi ra xa, và nghe tiếng viên đại uý bạn "chàng", trách mắng một viên hạ sĩ quan về tội đã kể cho người lính Nga tẩu thoát và hăm doạ sẽ đưa hắn ra toà. Khi viên hạ sĩ quan phân trần rằng người lính kia ốm không đi được, viên sĩ quan trả lời là đã có lệnh bắn chết những người tụt lại sau. Piotr cảm thấy cái sức mạnh oan nghiệt đã đè bẹp chàng trong buổi hành hình và đã tạm thời bị che khuất đi trong thời gian giam cầm, nay lại hiện ra khống chế cuộc sống của chàng. Chàng thấy sợ hãi; nhưng chàng lại cảm thấy rằng các sức mạnh oan nghiệt ấy càng ra sức đè nén chàng bao nhiêu, thì cái sinh lực trong tâm hồn chàng, không lệ thuộc vào sức mạnh kia, càng lớn mạnh lên bấy nhiêu.
Piotr ăn xúp bột mì đen nấu với thịt ngựa và nói chuyện với các bạn.
Piotr cũng như các bạn đồng hành của chàng không ai nhắc đến những điều họ đã trông thấy ở Moskva, đến thái độ thô bạo của quân Pháp hay đến cái lệnh bắn chết những người thụt lại sau: dường như để đối phó với tình cảnh hiện tại, mọi người đều vui vẻ và phấn trấn. Họ nói đến những kỉ niệm riêng, đến những câu chuyện buồn cười đã xảy ra trong khi chiến dịch, và mỗi khi câu chuyện đả động đến tình cảnh hiện tại họ nói lảng sang chuyện khác.
Mặt trời đã lặn từ lâu. Lác đác trên nền trời, vài ngôi sao đã bắt đầu lấp lánh; một cái ráng đỏ giống như một đám cháy hiện lên ở chân trời, mặt trăng rằm từ từ mọc lên, và quả cầu đỏ ối, to tướng ấy rung rinh một cách kỳ lạ trong bóng tối màu xám. Trời sáng dần lên. Buổi chiều đã tàn, nhưng đêm vẫn chưa xuống. Piotr đứng dậy, rời khỏi những người bạn mới và len giữa các đống lửa đi sang bên kia đường, nơi chàng nghe nói là các binh sĩ Nga bị bắt đang ngồi nghỉ. Chàng muốn nói chuyện với họ. Trên đường cái, một tên lính canh Pháp chặn chàng lại và ra lệnh cho chàng phải quay về. Piotr quay lại, nhưng không trở về đống lửa của các bạn tù binh, mà lại đến cạnh một chiếc xe tải đã tháo ngựa. Ở đây không có ai cả.
Chàng xếp chân ngồi xuống mặt đất lạnh lẽo bên cạnh bánh xe, đầu gục xuống. Chàng ngồi hồi lâu không nhúc nhích, trầm ngâm suy nghĩ. Hơn một giờ trôi qua, không ai đến quấy rầy chàng cả. Bỗng chàng cất tiếng cười hồn hậu, chàng cười to đến nỗi mọi người đều quay lại nhìn xem ai cười một mình mà nghe lạ lùng như vậy.
- Ha ha ha! -Piotr cười lớn. Và chàng nói to lên một mình - Tên lính kia không cho ta đi. Chúng nó bắt ta, giam ta. Chúng nó giữ ta lại làm tù binh.Ai? Ta? Ta à? Phải, ta, linh hồn bất diệt của ta? Ha ha ha! - Chàng cười đến nỗi trào nước mắt ra.
Có ai đó đứng dậy và lại gần để xem cái người to béo và kỳ quặc kia có chuyện gì mà ngồi cười một mình như vậy. Piotr im bặt, đứng dậy bỏ đi để tránh con người tò mò kia, và đưa mắt nhìn quanh.
Khu trại lộ thiên khổng lồ vô tận nãy giờ ầm ĩ những tiếng nói chuyện, tiếng củi lách tách nay đã im lặng; những đống lửa đang lụi dần. Vầng trăng tròn trĩnh treo cao trên nền trời trong sáng. Những khu rừng và những cánh đồng mà lúc nãy đớng trong phạm vi khu vực hạ trại không thể trông thấy, nay đã hiện rõ ra ở phía xa. Và xa hơn những khu rừng và những cánh đồng này nữa có thể thấy những khoảng không vô tận, sáng sủa, rung rinh, đang như kêu gọi lòng người về với nó.
Piotr nhìn nên trời, dõi theo những ngôi sao đang lấp lánh và như đang xa dần mãi, "Và tất cả những cái đó đều là của ta, đều ở trong ta, tất cả những cái đó đều là ta! - Piotr nghĩ, - Và tất cả những cái đó đã bị chúng bắt vào một gian nhà bằng ván!" Chàng mỉm cười và trở về dọn chỗ ngủ bên cạnh các bạn tù binh.
15.
Vào những ngày đầu tháng mười lại có một sứ giả đem thư của Napoléon đến gặp Kutuzov đề nghị giảng hoà. Bức thư đề là gửi từ Moskva, nhưng thực ra bấy giờ Napoléon đang ở cách Kutuzov không xa, trên con đường Kaluga cũ. Kutuzov cững phúc đáp bức thư này giống như đã phúc đáp bức thư trước đây do Lonxton đưa lại: ông trả lời là không thể nói đến chuyện hoà giải được.
Ít lâu sau có tin của đội du kích Dorokhov, bấy giờ đang hành quân ở phía trái Tarutino, báo về là quân địch xuất hiện ở Fominxkoye: đó là sư đoàn của Bruxie, sư đoàn này cách biết với các đơn vị khác khá xa, cho nên có thể tiêu diệt nó một cách dễ dàng. Binh lính và sĩ quan lại đòi hành động. Các tướng tá ở các bộ phận tham mưu, được trận thắng dễ dàng ở Tarutino khích lệ, nằng nặc đòi Kutuzov thi hành lời đề nghị của Dorokhov. Kutuzov cho rằng lúc này không cần phải tấn công gì cả. Rốt cục người ta có được một cái gì nửa vời: đó chính là những việc sẽ được thực hiện.
Một đội quân nhỏ được phái đến Fominxkoye để tấn công Bruxie.
Do một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, công việc này - một công việc hết sức khó khăn và quan trọng, như sau này người ta đã thấy rõ, - được giao cho Dorokhturov, chính cái ông Dorokhturov nhỏ bé, khiêm tốn mà không có ai miêu tả đang ngồi soạn kế hoạch tác chiến là đang phóng ngựa như bay trước các binh đoàn hay đang ném huân chương chữ thập lên các trận địa pháo, vân vân, con người vẫn bị coi là thiếu cương quyết, thiếu sáng suốt, nhưng lại chính là người mà trong suốt thời gian diễn ra những cuộc chiến tranh Nga - Pháp, từ Auxterlitx cho đến năm 1813, hễ nơi nào tình thế khó khăn là ta thấy đứng ở vị trí chỉ huy. Ở Auxterlitx, ông ta đã ở lại sau cùng bên đê Aoghext, tập hợp các trung đoàn, cứu vãn những gì còn cứu vãn được, trong khi mọi người đều đã bỏ chạy hay gục hết và ở hậu quân không có lấy một viên tướng. Chính ông ta, trong khi đang ốm đau, đang lên cơn sốt, đã đem hai vạn quân đến Smolensk để bảo vệ thành phố này, chống cự với toàn thể đại quân của Napoléon. Ở Smolensk, trong khi đang nằm thiu thiu ngủ ở gần cửa Malakhovki trong một cơn sốt cực kỳ dữ dội, tiếng đại bác oanh tạc Smolensk đã đánh thức ông ta dậy, và Smolensk đã kháng cự suốt một ngày ròng rã. Ở trận Bagration đã vỡ trận, các đơn vị ở cánh trái quân ta thương vong chỉ còn một phần chín và pháo binh Pháp tập trung hết hoả lực bắn vào đấy, người ra chẳng cử ai ngoài cái ông Dorokhturov thiếu cương quyết và thiếu sáng suốt ấy; Kutuzov cũng đã toan phái người khác, nhưng lại vội vàng chữa lại sai lầm. Và Dorokhturov, con người thấp bé hiền lành ấy đã phi ngựa đến đấy, và trận Borodino đã trở thành áng vinh quan lớn nhất của quân đội Nga. Người ta đã ca ngợi bằng văn xuôi và bằng thơ nhiều vị anh hùng trong trận Borodino, nhưng Dorokhturov thì hầu như chẳng có ai nhắc đến một câu.
Và chính Dorokhturov đã được cử đến Fominxkoye rồi từ đấy lại được cử đến Maly Yaroxlav, nơi đã xảy ra trận đánh cuối cùng với quân Pháp, và là nơi mà quá trình diệt vong của quân đội Pháp đã bắt đầu. Và người ta lại ca ngợi nhiều bị anh hùng và nhiều nhà cầm quân thiên tài đã lập công trong thời kỳ này, nhưng Dorokhturov thì chẳng ai nói đến, hoặc chỉ nói rất ít, hoặc nói với một thái độ hồ nghi. Và việc họ tảng lờ Dorokhturov đi như vậy chính là bằng chứng hiển nhiên nhất tỏ rõ tài năng và công lao của ông. Lẽ tự nhiên khi một người không hiểu hoạt động của máy móc mà nhìn vào bộ máy đang chạy, thì có thể tưởng đâu bộ phận quan trọng nhất là cái mảnh vỏ bào tình cờ rơi vào máy đang chạy loạn xạ giữa các bánh xe và cản trở hoạt động của máy. Một người không biết rõ cơ cấu của máy thì không thể hiểu rằng bộ phận quan trọng nhất trong máy không phải là cái mảnh vỏ bào kia, vốn chỉ làm cho máy khó chạy và hư hỏng đi, mà là cái trục chuyển tiếp nhỏ đang quay đều không tiếng động.
Ngày mồng mười tháng mười, chính cái ngày mà Dorokhturov đã đi được nửa đoạn đường dẫn đến Fominxkoye và dừng lại ở thôn Arixtovo chuẩn bị thi hành một cách chính xác mệnh lệnh đã nhận được, quân đội Pháp lúc bấy giờ trong cuộc hành quân hoảng hốt đã đi đến vị trí của Mura, có vẻ như định mở một trận đánh, thì bỗng nhiên vô cớ quay về bên trái, tiến về con đường Kaluga mới và bắt đầu tiến vào thôn Fominxkoye nơi mà trước đây chỉ có một mình Bruxie đóng. Lúc ấy dưới quyền chỉ huy của Dorokhturov, ngoài đội du kích của Dorokhturov ra còn có hai đội quân nhỏ của Figner và Xexlavin.
Tối hôm mười một tháng mười Xexlavin đem một tù binh trong đội cận vệ của Pháp vừa mới bắt được đến gặp thượng cấp ở Arixtovo. Tên tù binh cho biết rằng những đạo quân đến Fominxkoye hôm nay là tiểu đạo của đại quân, rằng Napoléon hiện có mặt ở đấy, rằng toàn quân đội đã ra khỏi Moskva được năm hôm nay. Cũng như tối hôm ấy, một người gia nô ở Borovxk đến kể lại rằng y đã thấy một đạo quân rất lớn tiến vào thành phố. Những người lính cô-dắc trong đội du kích của Dorokhturov báo cáo rằng họ đã trông thấy đội quân cận vệ của Pháp đi trên con đường dẫn đến Borovxk. Qua tất cả những tin tức ấy có thể thấy rõ rằng nơi mà trước đây người ta đã dự tính sẽ gặp một sư đoàn, thì nay là toàn thể quân đội Pháp từ Moskva đến theo một hướng đi bất ngờ - Theo con đường Kaluga cũ. Dorokhturov không muốn quyết định tiến hành một việc gì hết vì bây giờ ông ta không thấy rõ nhiệm vụ của ông là thế nào. Ông đã được lệnh tấn công Fominxkoye. Nhưng trước đây ở Fominxkoye chỉ có một mình Bruxie mà nay thì lại là toàn thể quân đội Pháp, Yermolov muốn hành động theo ý mình, nhưng Dorokhturov một mực nói rằng ông ta cần phải có lệnh của Điện hạ Tối quang minh. Họ bèn quyết định gửi báo cáo về đại bản doanh.
Với mục đích này họ chọn một viên sĩ quan thông minh, tên là Bokkhovitinov, ngoài việc đưa thư ra còn có nhiệm vụ trình bày hết tình hình hiện tại. Vào khoảng gần nửa đêm Bokhovitinov nhận phong thư và những lời căn dặn, rồi đem theo một người lính cô-dắc và mấy con ngựa dự bị, phi nước đại về đại bản doanh.