Phần XV - Chương 14 15


Số từ: 2666
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Khi một tổ kiến đã bị phá huỷ, đàn kiến đi lại tấp nập, con thì kéo từ trong tổ ra những mảnh rác, những cái trứng và những cái xác chết, con thì lại đi vào tổ, và thật khó lòng mà giải thích nổi chúng đi đâu mà tấp nập như vậy, tại sao chúng lại đuổi theo nhau, xô đẩy nhau, cắn nhau như thế. Người ta sẽ gặp một khó khăn tương tự khi muốn cắt nghĩa những nguyên nhân đã khiến cho người Nga sau khi quân Pháp rút đi, tấp nập kéo đến cái nơi trước kia gọi là Moskva. Nhưng cũng như khi nhìn đàn kiến tán loạn chung quanh tổ, mặc dầu cái tổ đã tan tành, sự kiên trì, sự quả quyết sức hoạt động của bầy kiến đông nghịt ấy vẫn cho người ta thấy rằng tất cả đều bị huỷ hoại trừ một cái gì không thể huỷ hoại được một cái gì phi vật chất làm nên tất cả sức mạnh của tổ kiến.
Moskva cũng vậy, vào tháng mười năm ấy, mặc dầu không có nhà chức trách, không có nhà thờ, đền miếu, của cải, nhà cửa, nó vẫn là thành Moskva trước kia, như hồi tháng tám, loại trừ một cái gì phi vật chất, nhưng kiên cường và không thể nào huỷ hoại được.
Những động cơ đã thúc đẩy những con người từ bốn phía đổ dồn về Moskva sau khi quân địch đã rút sạch, là những động cơ hết sức khác nhau, hết sức riêng biệt, và trong thời gian đầu thì phần nhiều là những động cơ man rợ, thú vật. Duy chỉ có một động cơ chung cho tất cả mọi người, đó là cái ước vọng trở về trước kia gọi là Moskva để tìm cách sử dụng sức hoạt động của mình ở đấy.
Sau một tuần, ở Moskva đã có một vạn năm nghìn dân, sau hai tuần đã có hai vạn rưỡi v.v… Con số đó mỗi ngày một tăng lên mãi, và cho đến mùa thu năm 1813 thì đã vượt quá số dân năm 1812.
Những người Nga đầu tiên vào Moskva là những toán lính cô-dắc của chi đội Vintxingherot, những người nông dân ở các làng lân cận và những người dân Nga ẩn náu ở các vùng ngoại ô. Những người dân Nga khi vào Moskva và trông thấy cảnh tượng hoang tàn của cái thành phố bị cướp phá ấy, cũng bắt đầu ra tay cướp phá. Họ tiếp tục cái công việc mà quân Pháp đã làm. Nông dân đưa xe tải đến Moskva để chở về làng tất cả những gì còn vương vãi trong các nhà đổ nát và trên các phố xá hoang tàn của Moskva. Lính cô-dắc lấy tất cả những gì có thể lấy được đem về trại quân; các chủ nhà vơ vét tất cả những gì họ tìm được trong các nhà khác để đem về nhà mình, lấy cớ rằng đó là của riêng họ.
Nhưng sau đợt người đến cướp bóc đầu tiên lại một đợt khác, rồi một đợt thứ ba, và số người đến cướp bóc càng tăng lên thì việc cướp bóc mỗi ngày một trở nên khó khăn và dần dần có những hình thức rõ ràng phân minh hơn.
Quân Pháp đã tiến vào một thành Moskva tuy không người, nhưng có đủ những hình thái hữu cơ của một thành phố sống có quy củ có đủ các tổ chức thương mại, thủ công, xa xỉ phẩm, quản lý nhà nước, tôn giáo. Những hình thái đó đã tê liệt, nhưng vẫn tồn tại.
Hãy còn có những khu chợ, có những nhà máy, những xưởng thủ công; có những bệnh viện, những nhà tù, những toà án, những nhà thờ. Quân Pháp ở càng lâu thì những hình thái sinh hoạt của thành phố ấy càng mất đi và cuối cùng tất cả đều trộn lẫn lại thành một cảnh hỗn loạn không hồn của sự cướp phá.
Sự cướp bóc của quân Pháp càng kéo dài thì càng phá hoại những của cải của Moskva và sức lực của kẻ cướp bóc. Sự cướp bóc của người Nga, mở đầu cho việc người Nga chiếm lại thủ đô, càng kéo dài, số người tham gia càng đông thì sự trù phú và sinh hoạt quy củ của thành phố lại càng chóng hồi phục.
Ngoài những người đến đấy để cướp bóc ra, còn có những người thuộc đủ các hạng, người thì vì tò mò, người thì vì công vụ, người thì vì quyền lợi - chủ nhà, giáo sĩ, viên chức, quan lại, nhà buôn, thợ thủ công, nông dân - từ nhiều phía đổ về Moskva như máu dồn về tim.
Chỉ một tuần sau khi những người nông dân mang xe tải không đến để chở đồ thì đã bị nhà chức trách giữ lại và bắt buộc phải chở những xác chết ra khỏi thành phố. Những người nông dân khác biết chuyện này bèn chở bột mì, lúa mạch, rơm rạ vào thành phố, phá giá lẫn nhau cho đến khi giá cả tụt xuống thấp hơn giá ngày trước.
Ngày nào cũng có những phường thợ mộc, hy vọng được trả công hời, kéo vào Moskva, và khắp nơi người ra dựng lên những ngôi nhà cũ cháy dở. Những người lái buôn mở cửa hàng trong những cái lán gỗ. Các giáo sĩ lại bắt đầu làm lễ trong nhiều nhà thờ không bị cháy. Những tín chủ mang lại cho nhà thờ những đồ đạc đã bị cướp. Những người công chức đặt bàn viết trải dạ và tủ đựng giấy má trong những căn phòng nhỏ hẹp. Các quan chức cao cấp và sở cảnh sát thu xếp việc phân phối những của cải do quân Pháp để lại.
Các chủ nhân của những ngôi nhà có chứa nhiều của cải từ các nhà khác mang đến than phiền rằng tập trung tất cả đồ đạc tại điện Granovitia là bất công, những người khác một mực nói rằng quân Pháp đang mang đồ đạc lấy được trong nhiều nhà tập trung vào một nơi cho nên của để ở nhà ai mà chủ nhà ấy lấy là bất công, người ta chửi bới cảnh sát; Người ta đút lót cho họ; người ta ước lượng số của công bị cháy lên gấp mười lần sự thật; người ta đòi cứu tế. Bá tước Raxtovsin ra sức viết tuyên cáo.
15.
Vào cuối tháng giêng, Piotr về Moskva và dọn chỗ ở trong toà nhà dọc hãy còn nguyên vẹn. Chàng đến thăm bá tước Raxtovsin, thăm một vài người quen vừa trở về Moskva và sửa soạn đến ngày kia sẽ đi Petersburg. Mọi người đều ăn mừng thắng lợi, mọi vật đều đấy sức sống trong chốn thủ đô tan hoang đang sống lại. Mọi người đều vui mừng khi gặp Piotr, ai nấy đều muốn gặp chàng và ai cũng hỏi han về những việc chàng đã được chứng kiến. Piotr thấy đặc biệt có thiện cảm đối với tất cả những ai chàng gặp; nhưng bây giờ chàng bất giác cư xử với mọi người một cách thận trọng, để không bị ràng buộc vào một cái gì. Có ai hỏi gì chàng - dù là những câu hỏi quan trọng hay những câu không đâu - có ai hỏi chàng sẽ ở đâu? Có xây nhà không? Khi nào đi Petersburg và có thể chuyển hộ một cái thùng con được không? Thì chàng đều trả lời: Vâng, có lẽ, tôi chắc là…
Về gia đình Roxtov, chàng có nghe nói là họ ở Koxtroma và chàng rất ít khi nghĩ đến Natasa. Có nghĩ đến nàng chăng thì cũng như một kỷ niệm êm đềm của một dĩ vãng đã xa xăm, chàng cảm thấy mình không những đã thoát khỏi những điều kiện của cuộc sống, mà còn thoát khỏi cái tình cảm mà chàng cho là chính mình đã nhen nhóm lên trong lòng mình.
Đến Moskva được hai ngày, chàng được vợ chồng Drubeskoy cho biết rằng công tước tiểu thư Maria hiện ở Moskva. Cái chết của công tước Andrey, những nỗi đau đớn, những phút cuối cùng của công tước vẫn thường ám ảnh Piotr và bây giờ nó hiện lên trong tâm trí Piotr một cách da diết hơn. Trong bữa ăn chiều hôm ấy chàng nghe nói tiểu thư Maria hiện ở trong một ngôi nhà riêng không bị cháy ở phố Vozdvizenka, và ngay tối hôm ấy chàng đến nhà nàng.
Trên đường đi đến nhà tiểu thư Maria, Piotr không ngừng nghĩ đến công tước Andrey, đến tình bạn giữa hai người, đến những cuộc gặp gỡ với chàng, nhất là cuộc gặp gỡ cuối cùng ở Borodino.
"Có thể nào khi chết anh ấy vẫn giữ tâm trạng hằn học như hôm ấy? Trước khi chết anh ấy có tìm thấy được lời giải thích cuộc sống không?" - Piotr nghĩ. Chàng nhớ đến Karataiev đến cái chết của bác ta và bất giác so sánh hai người, hai con người hết sức khác nhau nhưng cũng lại hết sức giống nhau vì cả hai đều là những người mà chàng yêu mến, vì cả hai đều đã sống và cả hai đều đã chết.
Trong một tâm trạng hết sức nghiêm trang, chàng ghé xe vào toà nhà của cô công tước. Toà nhà vẫn còn nguyên vẹn. Có thể trông thấy những vết tích tàn phá, nhưng dáng dấp của toà nhà vẫn như cũ. Người quản gia già ra đón Piotr với vẻ mặt nghiêm nghị, và dường như muốn cho vị khách cảm thấy rằng sự vắng mặt của lão công tước không hề phá vỡ những quy củ trong nhà, lão nói rằng công tước tiểu thư nay đã về phòng riêng và thường tiếp khách vào chủ nhật.
- Lão vào báo đi, có lẽ tiểu thư sẽ tiếp tôi cũng nên - Piotr nói.
- Xin vâng, - viên quản gia đáp, - Xin mời ngài vào phòng tranh.
Mấy phút sau viên quản gia và Dexal ra gặp Piotr, Dexal chuyển lời công tước tiểu thư nói rằng nàng rất mừng được gặp chàng và nếu chàng vui lòng bỏ quá cho, xin mời chàng lên thẳng phòng tiểu thư.
Trong một gian phòng trần thấp, chỉ thắp một ngọn nến, công tước tiểu thư đang ngồi với một người nào nữa mặc áo đen. Piotr nhớ rằng bên cạnh tiểu thư bao giờ cũng có những người tuỳ nữ, nhưng những người tuỳ nữ ấy là ai thì Piotr không biết và không nhớ. "Đây chắc là một trong những cô tuỳ nữ ấy" - chàng nghĩ thầm khi đưa mắt nhìn người đàn bà mặc áo đen.
Công tước tiểu thư vụt đứng dậy đón chàng và đưa tay ra cho chàng.
- Phải rồi, - nàng nói, mắt nhìn thẳng vào gương mặt đã thay đổi cho chàng sau khi chàng hôn tay nàng - chúng ta lại gặp nhau như thế này đây. Ngay trong những ngày cuối cùng, anh ấy vẫn nhắc đến anh luôn, - nàng vừa nói vừa đưa mắt nhìn về phía người tuỳ nữ với một vẻ e dè khiến Piotr ngạc nhiên trong giây lát.
- Nghe tin anh được cứu thoát tôi mừng. Đó là tin mừng duy nhất mà mấy lâu nay lâu lắm tôi mới nhận được - công tước tiểu thư lại lo lắng nhìn về phía người tuỳ nữ và toan nói một câu gì, nhưng Piotr đã ngắt lời nàng.
- Chị có thể tưởng tượng được không, tôi chẳng được tin gì về anh ấy cả - chàng nói - Tôi tưởng anh ấy đã tử trận. Tất cả những điều tôi biết đều do những người khác nghe người ta nói rồi kể lại với tôi. Tôi chỉ biết rằng anh ấy lại tình cờ được đưa về nhà Roxtov… Thật éo le!
Piotr nói nhanh, giọng sôi nổi. Chàng đưa mắt nhìn về phía người tuỳ nữ và thấy một đôi mắt trìu mến, chăm chú và tò mò, nhìn chàng, và như ta vẫn thường thấy trong khi nói chuyện, không hiểu sao chàng có cảm tưởng người tuỳ nữ mặc áo đen ấy là một người hiền lành, đáng mến; một người rất tốt không ngăn trở cuộc nói chuyện của chàng với tiểu thư Maria.
Nhưng khi chàng nói đến nhà Roxtov, gương mặt tiểu thư Maria càng lộ vẻ luống cuống hơn. Nàng đưa mắt nhìn về phía người mặc áo đen và nói:
- Chả nhẽ anh không nhận ra?
Piotr nhìn lại lần nữa khuôn mặt nhợt nhạt, thanh thanh của người tuỳ nữ có đôi mắt đen và cái miệng là lạ. Trong đôi mắt chăm chú ấy có một cái gì thân thuộc đã bị quên lãng từ lâu nhưng đáng mến vô cùng đang nhìn chàng.
- Ồ không, chẳng có lẽ? - Chàng nghĩ thầm - Khuôn mặt già trước tuổi, nghiêm nghị, gầy gò và xanh xao ấy ư? Đó không thể là nàng được. Đó chỉ là một kỷ niệm. Nhưng ngay lúc ấy công tước tiểu thư Maria nói: "Natasa" Và khuôn mặt có đôi mắt chăm chú ấy khó khăn, gượng gạo như một nách cửa kẹt mở trên những bản lề han rỉ, mỉm cười, và từ khung cửa ấy một niềm hạnh phúc đã quên lãng từ lâu bỗng toả ra như một luồng gió thơm mát và lùa vào Piotr, niềm hạnh phúc mà chàng không nghĩ đến, nhất là trong lúc này. Nó phả vào chàng, bao trùm và tràn ngập cả tâm hồn chàng.
Khi người ấy mỉm cười, không có thể nghi ngờ gì nữa: đó chính là Natasa, và Piotr yêu nàng.
Ngay phút đầu Piotr đã bất giác nói lên với nàng, với tiểu thư Maria và chủ yếu là với bản thân chàng, cái điều bí ẩn mà chính chàng cũng không biết. Chàng đỏ mặt lên vì vui sướng và đau khổ. Chàng muốn che giấu nỗi xúc động trong lòng. Nhưng càng muốn che giấu thì nó lại càng lộ rõ ra - rõ hơn là nói bằng lời lẽ minh xác nhất - với mình, với nàng và với tiểu thư Maria rằng chàng yêu nàng.
"Không, chẳng qua vì quá đột ngột mà thôi", - Piotr tự nhủ. Nhưng ngay khi chàng toan tiếp tục nói chuyện với tiểu thư Maria, chàng lại nhìn Natasa và mặt chàng lại càng đỏ bừng lên, và cảm giác bồi hồi vui sướng lại càng tràn ngập lòng chàng. Chàng nói ấp úng và dừng lại giữa câu.
Piotr không trông thấy Natasa bởi vì chàng không thể nào ngờ có thể gặp nàng ở đây, nhưng chàng không nhận ra nàng là vì từ khi chàng gặp nàng lần cuối cho đến nay Natasa đã thay đổi nhiều quá.
Nàng gầy xanh hơn trước. Nhưng đó không là nguyên do khiến chàng không nhận ra nàng: Phút đầu khi mới bước vào phòng chàng không thể nhận ra được là vì trên khuôn mặt ấy trước kia bao giờ đôi mắt cũng ánh lên một nụ cười yêu đời thầm kín, thì nay, khi chàng bước vào phòng và nhìn nàng lần đầu, không hề có lấy bóng dáng của một nụ cười, chỉ có một đôi mắt, chăm chú, hiền lành, buồn rầu nhìn chàng như có ý dò hỏi.:
Trước sự bối rối của Piotr, Natasa không lộ vẻ bối rối, chỉ có một nỗi vui mừng kín đáo thoáng bừng lên trên khắp gương mặt nàng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.