IV - Phòng đợi: Chương 12


Số từ: 1993
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Phòng tắm liền kề phòng ngủ. Giấy dán tường in hoa màu lam nhỏ, đừng-quên-tôi, màu rèm cũng hợp. Thảm chùi chân cũng màu lam, tam lót giả lông lam trên bệ xí; so với ngày xưa chỉ thiếu mồi con búp bê trùm váy che cuộn giấy dự phòng. Ngoại trừ gương trước bồn rửa đã bị lấy đi, thay bằng tấm thiếc thuôn dài, và cửa không ổ khóa, và không có dao cạo, dĩ nhiên. Ban đầu đã có vài vụ trong phòng tắm: cắt mạch, trầm mình. Trước khi người ta thanh toán xong mọi trục trặc. Cora ngồi trên ghế ngoài hành lang, trông chừng không cho ai vào. Trong phòng tắm, trong bồn tắm, các cô dễ bị tấn công, dì Lydia bảo. Dì không nói bởi cái gì.
Giờ tắm là bắt buộc, nhưng cũng là đặc ân. Chỉ cần nhấc bỏ đôi cánh trắng nặng trĩu với tấm mạng, chỉ cần lại cảm thấy tóc mình, trong tay mình, đã là đặc ân rồi. Tóc tôi giờ đã rất dài, không cắt. Tóc phải dài nhưng bọc kín. Dì Lydia bảo: thánh Paul đã phán hoặc thế, hoặc gọt nhẵn tận da. Dì cười, cái tiếng hí bị kìm nén đặc trưng, như vừa kể một chuyện vô cùng hài hước.
Cora đã vặn nước đầy bồn. Khói bốc mù như bát súp. Tôi trút nốt chỗ quần áo còn lại, áo choàng ngoài, áo cộc và váy lót trắng, tất dài đỏ, quần chẽn bằng cô tông. Quần tất làm háng thối ra, Moira thường nói thế. Dì Lydia sẽ không bao giờ dùng chữ háng thối. Với dì là thiểu vệ sinh. Dì muốn mọi thứ vệ sinh tuyệt đối.
Tấm thân để trần của chính mình đã kịp khiến tôi lạ lẫm. Thân thể tôi hình như đã lỗi thời. Thật sự là tôi từng mặc đồ tắm, trên bãi biển? Thật thế, không suy nghĩ, giữa đám đàn ông, không chút bận lòng chân tôi, tay tôi, đùi và lưng tôi đang phơi ra, ai cũng thấy. Dơ dáng, trơ tráo. Tôi tránh nhìn xuống cơ thể mình, không phải vì nó dơ dáng và trơ tráo, mà vì không muốn nhìn thấy nó. Không muốn nhìn một thứ định đoạt mình tuyệt đối đến vậy.
Tôi bước vào trong nước, nằm xuống, để nước ôm lấy mình. Nước như tay người mềm mại. Tôi nhắm mắt, và con đã ở đó bên tôi, đột ngột, không báo trước, chắc do hương xà phòng. Tôi úp mặt vào lớp tóc tơ sau gáy và hít mùi con, mùi phấn trẻ em và da thịt trẻ mới tắm cùng sữa gội, và ẩn hiện bên dưới, mùi nước tiểu lờ mờ. Con luôn ở tuổi ấy khi tôi vào bồn tắm. Con trở lại trong nhiều độ tuổi khác nhau. Nhờ thế mà tôi biết con không hắn là ma. Nếu là ma, lúc nào con cũng sẽ cùng một tuổi.
Một hôm, khi con vừa mười một tháng, ngay trước khi tập đi, có người đàn bà đã bắt cóc con từ xe đẩy hàng siêu thị. Hôm đó thứ Bảy, nghĩa là dịp Luke cùng tôi đi mua hàng mỗi tuần, bởi hai chúng tôi đều đi làm suốt tuần. Con đang ngồi trên ghế trẻ em bé xíu, xe siêu thị thường lắp hồi đó, có chỗ thả chân. Con đang rất hứng chí, còn tôi quay lưng lại, khu thức ăn cho mèo thì phải; Luke ở đầu kia cửa hàng, khuất tầm mắt, bên quầy thịt. Anh thích tự chọn thịt cho nhà ăn cả tuần. Anh nói đàn ông cần nhiều thịt hơn phụ nữ, và đây không phải là mê tín, cũng không phải anh dở hơi, khoa học đã chứng minh rồi. vẫn có những khác biệt nào đó, anh nói. Anh ưa nói vậy, làm như tôi cố chứng minh là không có. Nhưng anh thường nói câu đó nhất khi có mẹ tôi. Anh khoái trêu tức mẹ.
Tôi nghe thấy con khóc thét lên. Tôi quay lại và con đang biến đi cuối dãy hàng, trong tay một người đàn bà lạ mặt. Tôi rú lên, chị ta bị giữ lại. Chị ta ước ba lăm. Chị ta đang khóc lóc nói đây là con mình, Chúa đã ban nó cho chị, Người đã cho chị dấu hiệu. Tôi thấy thương chị ta. Chủ của hàng xin lỗi và họ giữ chị ta tới khi cảnh sát đến.
Chị này điên thôi, Luke nói.
Tôi nghĩ đó là một vụ cá biệt, vào hồi đó.
Con nhạt nhòa đi, tôi không giữ được, con biến mất rồi. Có thể đúng là tôi cũng coi con như một bóng ma, bóng ma một cô bé đã chết, một bé gái chết khi vừa năm tuổi. Tôi nhớ những bức ảnh chụp hồi xưa, tôi bế con, điệu bộ mau, mẹ và bé, giam trong một khung hình, để giữ an toàn. Mắt nhắm lại tôi thấy tôi của bây giờ, ngồi bên ngăn kéo mở, hoặc một cái rương, trong hầm, quần áo sơ sinh gấp lại cất vào đó, một món tóc, cắt hồi con hai tuổi, bỏ trong phong bì, màu bạch kim. Sau này nó có sẫm hơn.
Tôi không còn chúng nữa, áo quần và món tóc. Tôi tự hỏi số phận mọi thứ đồ của mình ra sao. Bị nẫng, bị quẳng đi, bị lấy mất. Bị tịch biên.
Tôi đã học được cách sống không cần quá nhiều đồ đạc. Nếu có nhiều đồ đạc, dì Lydia bảo, các cô sẽ bị trói buộc vào thế giới vật chất này mà quên đi những giá trị tâm linh. Các cô cần nuôi dưỡng tâm hồn nghèo khó. Phước thay những kẻ lành hiền. Dì không nói thêm gì về chuyện được đất hứa làm gia nghiệp.
Tôi nằm, nước lấp xấp qua người, bên ngăn kéo mở không tồn tại, nghĩ về bé gái chưa từng chết hồi lên năm; một bé gái vẫn còn tồn tại, tôi hy vọng thế, dù không phải vì tôi. Tôi có tồn tại với con không? Tôi có phải một tấm hình đâu đó, trong khoảng tối tận đáy trí óc con?
Họ hẳn đã bảo con là tôi chết rồi. Đó hẳn là cách họ sẽ nghĩ ra. Họ sẽ bảo như thế giúp con dễ thích ứng hơn.
Tám tuổi, chắc phải từng ấy rồi. Tôi đã điền đủ quãng thời gian đánh mất, tôi biết đã qua bao lâu. Họ nói phải, sẽ dễ hơn, nếu coi như con đã chết. Tôi sẽ không phải hy vọng, hay cô gắng uổng công. Dì Lydia bảo, việc gì phải húc đầu vào tường? Đôi khi dì có cách diễn đạt rất hình tượng.

Tôi không có cả ngày đâu,
giọng Cora cất lên sau cửa. Phải, chị ta không có cả ngày. Chẳng thứ gì chị ta có trọn vẹn. Tôi không được tước đoạt thời gian của chị ta. Tôi xát xà phòng, lấy bàn chải và đá kỳ chà cho hết lớp da chết. Có những vật phẩm kiểu thanh giáo như thế đấy. Tôi muốn được sạch sẽ vô trùng, vô vi khuẩn, như bề mặt mặt trăng. Tôi sẽ không được cọ rửa mình lần nữa, chiều nay, sau đó cũng không, suốt một ngày. Làm thế có thể cản trở, họ nói thế, liều lĩnh làm gì?
Giờ đây tôi không thể tránh nhìn thấy nó, hình xăm nhỏ trên mắt cá. Bốn chữ số, một con mắt, một thứ hộ chiếu tác dụng ngược. Nhằm bảo đảm tôi sẽ không bao giờ tan biến, vĩnh viễn, vào một xứ sở khác. Tôi quá quan trọng, quá hiếm hoi, chuyện đó không được phép xảy ra. Tôi là tài nguyên quốc gia.
Tôi gỡ nút thoát nước, lau khô mình, choàng áo bông tắm đỏ. Áo mặc hôm nay bỏ lại đây, Cora sẽ lấy đem đi giặt. Trở vào phòng tôi mặc đồ lại từ đầu. Cỗ khăn trùm trắng tối nay không cần đến, vì tôi sẽ không đi đâu. Nhà này ai cũng đã thấy mặt tôi cả. Tấm mạng đỏ, tuy nhiên, vẫn trùm lấy mớ tóc ướt, lấy cái đầu chưa được gọt của tôi. Tôi đã xem phim ấy ở đâu nhỉ, đám đàn bà, quỳ giữa quảng trường thành phố, trong gọng kìm những bàn tay, tóc rớt xuống từng mảng? Họ đã làm gì? Chắc phải lâu lắm rồi, vì tôi không nhớ nổi.
Cora mang cho tôi bữa tối, đậy điệm kỹ, trên khay. Chị ta gõ cửa trước khi vào. Tôi ưa chị ở điểm đó. Chứng tỏ chị nghĩ tôi vẫn còn một ít cái trước kia gọi là quvền riêng tư.

Cảm ơn chị,
tôi nói, đỡ lấy cái khay, và chị thực sự có cười với tôi, nhưng quay đi mà không trả lời. Khi còn có hai người chị có vẻ ngại tôi.
Tôi đặt khay lên cái bàn sơn trắng và kéo ghế lại. Tôi nhấc bỏ nắp đậy. Cái tỏi gà, nấu quá kỹ, vẫn hon là còn đỏ nguyên, chị ta chỉ có hai kiểu ấy. Rita có vô khối cách đánh tiếng sự ghẻ lạnh của mình. Khoai bỏ lò, đậu xanh, xa lát. Lê đóng hộp làm món tráng miệng. Dinh dưỡng đủ, dù có nhạt miệng. Có lợi cho sức khỏe. Các cô cần đủ sinh tố và khoáng chất, dì Lydia bẽn lẽn nói. Phải làm một bình chứa xứng đáng. Nhưng không được dùng cà phê hay trà, hay đồ uống có cồn. Khoa học chúng minh rồi. Còn có miếng khăn giấy, y như trong căng tin.
Tôi nghĩ đến những người khác, những người thiếu thốn. Đây là trung tâm, ở đây, tôi đang sống trong cảnh nuông chiều, cầu Chúa cho chúng con lòng thành tri ân, dì Lydia bảo, hay là tạ ân không biết, và tôi bắt đầu ăn. Tối nay tôi không đói. Bụng tôi nhộn nhạo lắm. Nhưng không biết bỏ thức ăn đi đâu, không có chậu cây nào, và tôi không có gan thử bồn cầu. Tôi căng thẳng quá, vậy thôi. Liệu có thể bỏ lại trên đĩa, nhờ Cora không mách? Tôi nhai rồi nuốt, nhai rồi nuốt, cảm giác mồ hôi vã ra. Trong bụng thức ăn vón thành cục, một nắm giấy bìa ẩm, nghiền ép chặt.
Dưới nhà, trong phòng ăn, sẽ có nến thắp trên bàn lớn bằng gỗ đào hoa tâm, khăn bàn trắng, dao nĩa bạc, hoa, ly đong đầy rượu. Sẽ nghe tiếng dao chạm đồ sứ lanh canh, tiếng keng khi bà bỏ nĩa xuống, thở dài một hơi khó nhận thấy, để lại gần nửa đĩa chưa đụng vào. Rất có thể bà sẽ nói mình không ngon miệng. Rất có thể bà sẽ chẳng nói gì. Nếu bà nói, liệu ông ta có đáp lời không? Nếu không nói, liệu ông ta nhận thấy? Tôi tự hỏi làm thế nào bà vẫn tìm cách khiến ông nhận thấy mình được. Hẳn là khó lắm.
Có một chấm bơ trên cạnh đĩa. Tôi xé một góc giấy ăn, bọc lấy chỗ bơ, mang ra tủ và nhét vào sâu trong mũi giày phải, đôi dự trữ, như đã làm trước đây. Tôi vò nát miếng giấy còn lại: hiển nhiên, sẽ không ai rỗi hơi vuốt phẳng nó ra, để xem thiếu mất mảnh nào. Tôi sẽ dùng đến nó sau, khi đã khuya. Bốc mùi bơ, tối nay, sẽ chẳng ích gì hết.
Tôi đợi. Tôi soạn sửa mình. Mình tôi là một vật giờ cần soạn sửa, như người ta soạn bài diễn văn. Tôi cần trình ra một vật nhân tạo, không phải một vật trời sinh.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chuyện Người Tùy Nữ.