X - Quyển hồn: Chương: 25


Số từ: 3951
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Âm thanh đón tôi sáng hôm sau là tiếng rú rồi tiếng loảng xoảng. Là Cora, vừa buông rơi khay đồ ăn. Tôi bừng tỉnh. Tôi vẫn còn vắt nửa thân trong tủ, đầu chúi vào cái áo choàng bùng nhùng. Chắc tôi đã kéo tuột nó khỏi mắc, rồi cứ thế ngủ luôn; mất một phút tôi không hiểu mình đang ở đâu. Cora đang quỳ bên cạnh, tôi thấy có bàn tay trên lưng. Chị lại rú lên khi tôi động đậy.
Cái gì thế? Tôi hỏi. Tôi lật người, nhỏm lên.
Ôi, chị nói. Tôi tưởng.
Chị ta tưởng gì?
Cứ như... chị nói.
Trứng đã vỡ tan, trên sàn có nước cam và vụn thủy tinh.
Tôi sẽ phải mang cái mới tới, chị nói. Phí quá đi. Cô làm gì mà nằm trên sàn thế? Chị đang nắm tôi mà kéo, để xách tôi lên, đàng hoàng, thắng thớm.
Tôi không muốn kể mình còn chưa lên giường. Muốn giải thích chuyện đó cũng chịu. Tôi bảo chắc mình đã ngất đi. Cũng tệ không kém, bởi chị tóm luôn câu đó.
Đấy là dấu hiệu ban đầu đấy, chị nói, rất hài lòng. Cái đó và nôn ọe nữa. Chị phải biết rằng chưa đủ thời gian chứ, nhưng chị vẫn rất lạc quan.
Không, không phải đâu, tôi nói. Lúc này tôi ngồi trên ghế. Chắc chắn là không. Tôi chỉ chóng mặt thôi. Tôi đang đứng đây thế rồi tôi sầm lại.
Chắc là do căng thẳng, chị nói, từ hôm qua các thứ. Khiến cô suy sụp.
Ý chị nói cuộc Sinh, và tôi bảo phải. Cho tới giờ tôi vẫn ngồi trên ghế, còn chị quỳ trên sàn, nhặt nhạnh mảnh thủy tinh và trứng, dẹp hết vào khay. Chị thấm bớt nước cam bằng khăn giấy.
Tôi sẽ phải lấy giẻ, chị bảo. Mọi người sẽ hỏi tại sao cần thêm trứng. Trừ khi cô nhịn được. Chị ta nhìn xéo lên, ma mãnh, và tôi hiểu rằng tốt hơn là cả hai vờ như tôi đã ăn sáng như thường. Nếu chị bảo đã thấy tôi nằm bất tỉnh trên sàn, sẽ có rất nhiều cầu hỏi đặt ra. Đằng nào chị cũng phải biện bạch cái cốc vỡ, nhưng Rita sẽ đổ quạu nếu phải nấu thêm bữa nữa.
Tôi nhịn được, tôi nói. Tôi không đói quá đâu. Nói thế được, nó ăn với con chóng mặt. Nhưng tôi sẽ cô miếng bánh mì, tôi nói. Tôi không muốn chẳng có miếng gì trong bụng.
Nó đã chạm sàn rồi, chị nói.
Không sao, tôi nói. Tôi ngồi đó nhai miếng bánh mì nướng màu nâu trong lúc chị vào nhà tắm giặt trôi chỗ trứng vô phương cứu chuộc. Rồi chị quay ra.
Tôi sẽ vờ đã đánh rơi khay trên đường ra, chị nói.
Tôi rất vui thấy chị sẵn sàng nói dối vì tôi, dù chuyện nhỏ nhặt, dù là cho chính chị. Nó tạo ra mối dây ràng buộc chúng tôi.
Tôi cười với chị. Hy vọng không ai nghe thấy chị bảo thế, tôi nói.
Tôi cũng hoảng lên đấy, chị nói, đứng giữa cửa tay bưng khay. Đầu tiên tôi tưởng chỉ là quần áo của cô, kiểu thế. Rồi tôi bảo với mình, chúng nó nằm trên sàn làm gì? Tôi tưởng biết đâu cô đã...
Bỏ trốn, tôi nói.
Ờm, nhưng, chị nói. Nhưng lại là cô.
Vâng, tôi nói. Là tôi.
Và là thế, và chị mang khay đi ra rồi mang miếng giẻ quay vào lau nốt chỗ nước đổ, và chiều hôm đó Rita làu nhàu về người ta nào đó hậu đậu hết chỗ nói. Nghĩ trên trời dưới biển, không biết mình đang đi đâu nữa, chị nói, và chúng tôi tiếp tục như chẳng có gì xảy ra.

Đó là tháng Năm. Bây giờ mùa xuân đã rời gót. Bầy uất kim hương đã lên đỉnh vinh quang và đã lụi, trút từng cánh một, như rụng răng. Một hôm tôi vấp phải Serena Joy, đang quỳ trên gối tựa trong vườn, cây can trên cỏ. Bà ta đang dùng kéo làm vườn tỉa hết các bầu hạt. Tôi nhìn ngang khi đi qua bà, tay xách giỏ đựng những cam với đùi cừu. Bà nhắm, đặt lưỡi kéo vào vị trí, rồi cắt một nhát, bàn tay co giật rất kỳ cục. Đây là do chứng viêm khớp, đang lẻn dần lên? Hay là chiến tranh Chớp giật, cảm tử Thần phong, nhằm vào cơ quan sinh sản đang căng ứ của mấy đóa hoa? Phần thân đậu trái, cắt bỏ bầu hạt được coi là cách giúp thân củ tích trữ dinh dưỡng.
Serena thánh nữ, quỳ gối, đang sám hối.
Tôi thường giải trí bằng cách đó, những câu đùa nhỏ nhen chua chát về bà, nhưng không được lâu. Có vơ vẩn lại, ngắm nghía Serena Joy từ sau lưng, cũng chẳng được việc gì.
Tôi thèm thuồng là đôi kéo làm vườn kia.
Chậc. Rồi chúng tôi trồng diên vỹ, vươn lên duyên dáng bảnh chọe trên cuống hoa ngất ngưởng, như thổi bằng thủy tinh, như nước màu nhạt đông cứng giữa lúc đang tung tóe, lam nhạt, hoa cà nhạt, hay các màu đậm hơn, nhung và tía, tai mèo đen trong nắng, chàm chiều hôm, và hoa trái tim rỉ máu, hình dung yểu điệu đến mức phải ngạc nhiên nếu nhớ chúng bị đánh rễ vừa mới đây thôi. Khu vườn của Serena có gì đó nổi loạn, những vật đã vùi xuống đua nhau vượt trội lên, không lời, vươn vào ánh sáng, như để chỉ ra, để nói: Thứ gì bị bịt mồm ắt sẽ khua chiêng gõ trống đòi được lắng nghe, dù không ra tiếng. Một khu vườn kiểu Tennyson, trĩu nặng mùi hương, uể oải; cuộc tái xuất của chữ lịm người. Ánh sáng đổ tràn xuống từ trời, đúng thế, nhưng sức nóng cũng xông lên, từ chính những bông hoa, cảm thấy được rất rõ: như để bàn tay vài phân lơ lửng trên một cánh tay, một bờ vai. Nó hô hấp, trong hơi ấm, hít căng chính mình. Đi qua vườn trong những ngày này, giữa mẫu đơn đỏ, cẩm chướng hồng và tía, đầu tôi váng vất.
Thùy liễu đang phô tầng lá rậm rạp và chẳng giúp gì hơn, khi không ngớt gần xa thủ thỉ. Hẹn hò, nó nhắc, xốn xang, những âm gió xạc xào chạy dọc xương sống, tôi run lên như sốt. Tấm áo mùa hè sột soạt cọ vào da thịt bắp đùi tôi, cỏ mọc tràn chân, trong khóe mắt tôi đầy chuyển động, giữa lá cành: lông cánh, chuyền cành, nốt láy, cây hóa chim, biến hóa tới thành cuồng loạn. Các nữ thần đậu xuống tầm tay, bầu không tràn trề nhục cảm. Ngay cả gạch tường nhà cũng mềm ra, gọi mời đụng chạm; nếu dựa vào tôi sẽ thấy chúng ấm và ủ ấp. Lạ lùng thay cái nhịn gây ra được những gì. Có phải chỉ nhìn thấy mắt cá chân tôi đã làm cậu ta choáng đầu, muốn xỉu, tại chốt kiểm soát hôm qua, khi tôi đánh rơi giấy thông hành và để cậu ta nhặt hộ? Chẳng có khăn tay hay quạt, tôi dùng cái gì có sẵn.
Mùa đông không nguy hiểm đến vậy. Tôi cần cứng cỏi, lạnh lẽo, rắn chắc; tôi không muốn nặng nề, như mình là quả dưa treo đầu cuống, không muốn chín nẫu mọng nước thế này.
Chủ soái và tôi đã dàn xếp xong. Cũng chẳng là vụ dàn xếp đầu tiên trong lịch sử, dù không theo lối thông thường.
Tôi tới phòng Chủ soái mỗi tuần hai hay ba lần, luôn là sau bữa tối, nhưng chỉ khi có tín hiệu. Tín hiệu từ Nick. Nếu anh ta đang đánh bóng xe khi tôi ra ngoài mua sắm, hoặc lúc tôi về, mà mũ kéo lệch một bên hay không đội, thì tôi tới. Nếu anh vắng mặt hay đội mũ bình thường, tôi ở nguyên trong phòng như mọi khi. Các đêm Lễ tháng, tất nhiên, không tính.
Trở ngại ở Phu nhân, như mọi trường hợp khác. Sau bữa tối bà về phòng ngủ, từ đó hoàn toàn có thể nghe thấy tôi lẻn xuống cầu thang, dù tôi luôn cẩn trọng bước thật nhẹ. Có khi bà ngồi lại phòng nghỉ, cần mẫn đan những dải khăn Thiên sứ dài vô tận, sinh thêm hàng thước người len tinh xảo vô giá trị: hình thức sinh sản của riêng bà, chắc vậy. Cửa phòng nghỉ thường mở hé khi có bà trong ấy, tôi không dám đi qua. Khi tôi được triệu nhưng không thể đi, xuống lầu hay qua sảnh ngang phòng nghỉ, Chủ soái luôn thông cảm. Ông hiểu tình trạng của tôi, rõ hơn ai hết. Ông biết mọi luật lệ.
Tuy nhiên đôi lúc Serena Joy cũng vắng nhà, đi thăm một Phu nhân Chủ soái khác, đang đau bệnh; đó là chỗ duy nhất tôi hình dung được bà đi, một mình, vào buổi tối. Bà cầm theo đồ ăn, bánh ngọt, bánh mặn hay bánh mì do Rita nướng, hay một hũ mứt bạc hà cây nhà lá vườn, chính lá bạc hà trong vườn bà. Ai chứ các Phu nhân, họ đau ốm thường lắm. Nó giúp cho đời họ thêm tí màu sắc. Còn chúng tôi, đám Tùy nữ và ngay cả Martha, tránh càng xa bệnh tật càng hay. Các chị Martha không muốn bị buộc nghỉ hưu, vì ai biết rồi sẽ đi đâu? Giờ đây trong thành phố chẳng thấy mấy bà già nữa. Còn chúng tôi, có đau ốm gì thực sự, có uể oải, suy nhược, có sụt cân hay kém ăn, có rụng tóc, hay các tuyến trục trặc gì, sẽ là án tử. Tôi vẫn nhớ Cora, hồi đầu mùa xuân, cố lết đi khắp nhà dù đang cúm, níu chặt lấy cửa khi nghĩ không ai thay mình, hết sức nhịn khỏi bật ho. Cảm nhẹ thôi mà, chị ðáp lời Serena hỏi.
Ngay Serena cũng có khi nghỉ vài ngày, quấn kín giữa mớ chăn. Khi đó đến lượt bà tiếp đón bạn hữu, các Phu nhân loạt xoạt lên xuống gác, cung cúc cười hớn hở; bà lại nhận bánh ngọt bánh mặn, nhận mứt, nhận hoa cắt tại vườn các nhà kia.
Họ thay phiên nhau. Có một danh sách nào đó, vô hình, ngầm hiểu. Ai cũng cẩn trọng không giành quá phần mình được chăm chút.
Những đêm biết Serena sẽ đi, tôi thế nào cũng bị gọi.
Lần đầu tiên tôi khá hoang mang. Những điều ông cần đến tôi không thủng nổi, và trong nhận thức của tôi hình như chúng ngớ ngẩn, nực cười, như thói sủng ái giày buộc dây.
Đồng thời, cũng có đôi chút hẫng hụt nữa. Tôi đã chờ mong gì, sau cửa còn đóng kín, khi đứng đó lần đầu? Một thứ không thể gọi tên, bò cả tứ chi chẳng hạn, đồi bại, quất roi, cắt xẻo? Ít nhất cũng là một trò dâm dục nhẹ nào đó, một thói ngỗ nghịch xưa xa đã vuột khỏi ông, trọng tội theo luật pháp, tội hình chặt chân tay. Đi đánh Scrabble, thay vào đó, kiểu một đôi vợ chồng già, hay hai đứa con nít, có thể coi là quái gở ngoại hạng, một lối xâm hại khác đời. Một đề nghị quá mù mờ.
Thế nên khi rời khỏi phòng, tôi vẫn chưa hiểu ông ta muốn gì, vì sao, hay tôi có thể đáp ứng chút nào hay không. Nếu dự định một cuộc cò kè, các điều kiện trao đổi phải đặt lên mặt bàn. Rõ ràng điều này chưa được thực hiện. Tôi đã nghĩ ông ta đang nhử, đang mèo vờn chuột với mình, nhưng giờ nghĩ có lẽ động cơ, mong muốn của ông là gì, chính ông cũng chưa ý thức được. Chúng vẫn chưa đạt tới cấp độ từ ngữ.
Buổi tối thứ hai bắt đầu hệt như tối trước. Tôi tới bên cửa, còn đóng, gõ cửa, được cho vào. Rồi là hai ván y vậy, những quân cờ vàng nhẵn mịn. Prolix, quartz, quandary, sylph, rhythm2, mọi mánh dùng phụ âm cũ kỹ tôi còn nghĩ được hoặc nhớ ra. Lưỡi tôi phát đau vì cố xướng từ. Khác nào dùng một ngôn ngữ từng học nhưng đã gần quên sạch, một ngôn ngữ gắn với những thói tục từ lâu không còn trên đời: cà phê au lait đặt trên bàn ngoài cửa, bánh mì brioche, bia ngải đắng đựng trong ly cao, tôm hùm bọc báo quấn tù và; những thứ tôi đã đọc, nhưng chưa bao giờ tận mắt nhìn. Khác nào cố bước không dùng nạng, như mấy cảnh vờ vĩnh trên phim truyền hình ngày xưa. Anh làm được mà. Tôi biết anh làm được. Cứ thế trí tôi dò dẫm rồi vấp váp, quanh những chữ R và T sắc nhọn, lướt băng băng qua các nguyên âm tròn xoe như đá cuội.
Chủ soái đã tỏ ra kiên nhẫn mỗi khi tôi do dự, hay hỏi ông cách viết chính xác thế nào. Mình có thể tra từ điển mà, ông nói. Nói mình. Lần đầu tiên, tôi nhận ra, ông đã nhường cho tôi thắng.
Đêm đó tôi đã nghĩ mọi thứ cũng sẽ y vậy, cho đến cái hôn tạm biệt. Nhưng khi chơi xong ván sau, ông ngồi lui lại trong ghế. Ông ta chống hai tay lên thành ghế, mười đầu ngón áp vào nhau, nhìn tôi.
Tôi có chút quà cho cô, ông nói.
Ông hơi mỉm cười. Rồi ông mở ngăn kéo trên cùng lấy ra một vật gì đó. Ông giữ nó một phút, khá hững hờ, giữa ngón trỏ và ngón cái, như ngẫm nghĩ rốt cuộc đưa tôi hay là không. Dù từ chỗ mình nhìn bị ngược chiều, tôi vẫn nhận ra. Ngày xưa chỗ nào cũng thấy chúng. Một tờ tạp chí, nhìn ảnh có lẽ là tạp chí phụ nữ, một cô người mẫu in trên giấy bóng, tóc lòa xòa, cổ quấn khăn, môi đánh son; thời trang mùa thu. Tôi cứ nghĩ loại này đã bị hủy hết, nhưng đây, một tờ sót lại, trong phòng riêng một Chủ soái, nơi ai mà tưởng tượng được ra. Ông ta nhìn xuống cô người mẫu, xuôi chiều; nụ cười vẫn đọng lại, nụ cười luyến tiếc đặc trưng. Cái nhìn ấy người ta thường dành cho loài vật gần tuyệt chủng, trong vườn thú.
Mắt dán vào cuốn tạp chí, tay ông đang dứ trước mũi tôi, tôi thèm có nó. Tôi thèm nó mãnh liệt đến mức đầu ngón tay nhức lên. Cùng lúc tôi thấy nỗi thèm này sao mà nhỏ nhặt và quái dị, vì ngày xưa tôi coi rẻ chúng chừng nào. Tôi đã đọc trong phòng khám răng, đôi khi trên máy bay; tôi mua mang đến khách sạn, giết thời giờ khi chờ Luke tới. Lật lật các trang xong tôi sẽ quăng vào xó, bởi thứ này thừa mứa quăng đi chẳng tiếc, và một hai ngày sau tôi sẽ quên bẵng trong đó có gì.
Dù bây giờ tôi lại nhớ. Trong đó có lời hứa hẹn. Những tạp chí ấy nói về thay hình đổi lốt, chúng trình ra những khả năng vô tận, mở rộng như ảnh trong hai tấm gương đối diện nhau, nhân thêm mãi, hết bản sao này đen bản sao khác, thắng tới không cùng. Hết một cuộc dấn thân chúng trình thêm cuộc dấn thân, hết một bộ cánh lại bộ cánh nữa, hết tiến bộ này lại tiến bộ nữa, hết một người đàn ông lại có một người. Chúng trình ra sự hồi xuân, con đường khắc phục và khuất phục nỗi đau, tình yêu bất tận. Lời hứa hẹn xét cho cùng là về bất tử.
Và nó nằm trong tay ông, mà ông không biết. Ông bật bật các trang. Tôi cảm thấy mình vươn người ra.
Cuốn này cũ rồi, ông nói, một thứ của lạ. Từ hồi bảy mươi, có lẽ. Vogue. Như một tay sành sỏi buông nhãn rượu. Tôi nghĩ biết đâu cô thích.
Tôi kìm mình. Có thể ông ta đang thử, xem giáo lý thực tình ngấm đến mức nào. Cái này bị cấm, tôi nói.
Ở đây, thì không, ông lặng lẽ nói. Tôi hiểu ý ông. Đã phá giới luật nghiêm trọng nhất, tôi còn để ý thứ khác, thứ nhỏ nhặt hơn làm gì? Rồi thứ khắc nữa, khác nữa; ai biết điểm dừng là đâu? Sau cánh cửa này, mọi giới luật tan biến.
Tôi cầm lấy tờ báo và xoay ngược lại phía mình. Lại là chúng đây, những hình ảnh thời niên thiếu: bạo dạn, sải dài, tự tin, tay vung ra như giành lấy không gian, chân xoạc rộng, đặt vững chãi trên sàn. Một tư thế rất Phục hưng, nhưng là tôi đang nghĩ đến các ông hoàng, chứ không phải các cô thiếu nữ khăn bịt đầu, tóc quăn thành lọn. Mắt nhìn thẳng, có đánh phấn thật đấy, nhưng không khác mắt mèo, tập trung cao độ sắp chồm lên. Không có chuyện run sợ hay bấu víu, trong bộ áo choàng hay đồ tuýt nhám thế kia, trong đôi bốt cao đến gối. Những nữ tướng cướp, chính thế, chiếc cặp da quỷ phái cất giấu chiến lợi phẩm đi với hàm răng ngựa tham tàn.
Tôi cảm thấy mắt Chủ soái theo dõi mình đang giả từng trang. Tôi biết mình đang làm việc đáng lẽ cấm làm, và cũng biết ông ta khoái trá quan sát tôi làm thế. Lẽ ra tôi phải thấy mình là kẻ dữ; theo mực thước của dì Lydia, tôi thuộc phe dữ. Nhưng tôi không thấy vậy. Tôi thấy mình như một tấm bưu thiếp biển Anh đầu thế kỷ: đú đởn. Rồi tiếp theo ông ta sẽ cho gì nhỉ? Đai nịt bụng ư?
Sao ông lại có cái này? Tôi hỏi.
Trong số chúng tôi, ông nói, có người vần giữ lòng ngưỡng mộ với thời đại xa xưa.
Nhưng lẽ ra những cái này phải đốt hết rồi chứ, tôi nói. Đã khám xét đến từng nhà, đã thiêu hủy..
Thứ nào nguy hiểm khi rơi vào tay đại chúng, ông nói, không phân biệt nổi có phải mai mỉa hay không, lại an toàn trong tay những ai có động cơ...
Ngoài tầm khiển trách, tôi nói.
Ông nghiêm nghị gật đầu. Chịu không đoán nổi ông có nghĩ như vậy thật không.
Nhưng cho tôi xem làm gì? Tôi hỏi, và lập tức thấy mình xuẩn. Ông ta còn nói gì đây? Rằng đang muốn mua vui, và lấy tôi trả giá? Bởi hẳn ông phải biết tôi xót xa chừng nào, khi phải nhớ về thời trước.
Tôi không lường nổi câu trả lời của ông. Tôi còn cho ai xem được nữa? Ông nói, và nỗi buồn bã lúc trước lại vang lên.
Ta có nên đẩy tiếp không? Tôi nghĩ. Tôi không muốn thúc ông, nhanh quá, xa quá. Tôi biết mình thuộc loại không ai sợ thiếu. Nhưng tôi vẫn nói, nhẹ như hơi thở, Thế còn vợ ông?
Ông có vẻ nghĩ ngợi. Không được, ông nói. Bà ấy không hiểu đâu. Đằng nào thì bà ấy cũng không nói chuyện với tôi mấy nữa. Có vẻ chúng tôi có ít điểm chung, dạo này.
Vậy đó, phơi bày ra rồi nhé: vợ ông không hiểu ông.
Nguyên nhân tôi tới đây, ra vậy. Vẫn bài cũ. Nhàm đến không tin nổi.
Đêm thứ ba tôi hỏi ông có sữa dưỡng da không, tôi không muốn khởi sự xin xỏ, nhưng tôi muốn thứ trong phạm vi mình có thể.
Sữa gì kia? ông hỏi, vẫn nhã nhặn như thường. Ông ngồi đối diện bên kia bàn. Ông không đụng chạm mấy vào tôi, trừ cái hôn duy nhất đã thành lệ. Không mó máy, không thở gấp hay tương tự, cảm giác chuyện đó ở đây hình như không đúng chỗ, ông cũng như tôi.
Sữa dưỡng da, tôi nói. Hoặc sữa bôi mặt. Da chúng tôi bị khô. Không chủ tâm tôi nói chúng tôi mà không nói tôi. Tôi muốn xin thêm cả dầu tắm nữa, những hạt nhỏ đủ màu xưa từng dễ kiếm, từng hiển hiện như phép màu trước mắt tôi trong bát thủy tinh tròn góc buồng tắm ở nhà mẹ. Nhýng tôi nghĩ ông chắc không biết. Dù sao thì chắc giờ đây không ai còn sản xuất dầu tắm nữa.
Khô à? Chủ soái nói, như chưa bao giờ nghĩ ra chuyện đó. Thế các cô làm cách nào?
Chúng tôi dùng bơ, tôi nói. Khi nào kiếm được. Hoặc mácgarin. Thường là mácgarin.
Bơ à, ông tư lự nói. Thông minh lắm. Bơ. Ông cười to.
Tôi suýt vả vào mặt ông.
Tôi nghĩ mình có thể kiếm được, ông nói, theo kiểu chiều lòng đứa trẻ đòi kẹo cao su thổi bóng. Nhưng bà ấy có thể ngửi ra cô. Tôi ngờ nỗi sợ này liệu có đến từ những kinh nghiệm cũ. Cũ lăng lắc: vết son trên cổ, nước hoa dính cổ tay, có người nhảy tăng gô, khuya muộn, trong bếp hay phòng ngủ. Đàn ông không có tí kinh nghiệm nào sẽ không nghĩ ra. Trừ phi ông ta tinh ranh hơn bề ngoài.
Tôi sẽ cẩn thận, tôi nói. Hơn nữa bà ấy không bao giờ đến gần tôi quá.
Đôi lúc cũng có, ông nói.
Tôi nhìn xuống. Tôi đã quên cơ đấy. Tôi cảm thấy mình đỏ mặt. Những đêm đó tôi sẽ không dùng, tôi nói.
Đêm thứ tư ông đưa tôi, một lọ nhựa không nhãn. Không phải loại xịn; nó hơi có mùi dầu thực vật. Bông huệ trong thung không đến lượt tôi. Chắc là loại chế ra dùng trong bệnh viện, bôi chỗ loét khi nằm nhiều. Nhưng tôi vẫn nói cám ơn.
Phiền nỗi là, tôi nói, tôi không cất đâu được cả.
Phòng cô đó, ông nói, như là chuyện quá đơn giản.
Họ tìm ra ngay, tôi nói. Có người tìm ra ngay.
Tại sao? ông hỏi, như thực tình không biết. Có thể thực tình. Không phải lần đầu tiên ông để lộ mình hoàn toàn không biết chúng tôi thực sự sống trong tình trạng ra sao.
Họ lục soát, tôi nói. Họ lục soát khắp phòng chúng tôi.
Tìm gì? ông hỏi.
Tôi nghĩ lúc đó mình hơi mất bình tĩnh. Tìm lưỡi lam, tôi nói. Sách vở, chữ viết, hàng chợ đen. Tất cả các thứ chúng tôi bị cấm rờ tới. Giê su lòng lành, ông phải biết chứ. Giọng tôi cáu giận hơn tôi muốn, nhưng ông thậm chí không nhăn mặt.
Vậy cô phải để ở đây thôi, ông nói.
Nghĩa là tôi làm thế.
Ông ta nhìn tôi xoa khắp hai bàn tay rồi mặt, thái độ như nhòm vào qua hàng chấn song. Tôi muốn quay lưng lại - cảm giác như ông ta đang trong phòng tắm cùng mình - nhưng không dám.
Với ông ta, đừng quên, tôi chỉ là ngẫu hứng thoáng qua.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chuyện Người Tùy Nữ.