IV - Phòng đợi: Chương 9
-
Chuyện Người Tùy Nữ
- Margaret Atwood
- 1554 chữ
- 2020-05-09 03:49:15
Số từ: 1543
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Ừ thì là phòng tôi. Rốt cuộc cũng phải có chốn nào đó tôi nhận là của mình chứ, ngay cả thời buổi này.
Tôi đang đợi, trong phòng mình, ngay lúc này đây là một phòng đợi. Khi tôi đi ngủ sẽ là phòng ngủ. Rèm vẫn còn lay động trong gió thoảng, mặt trời bên ngoài còn chiếu, dù không thẳng vào phòng. Mặt trời đã ngả về Tây. Tôi đang cố không kể chuyện, hay dù sao thì cũng không phải chuyện này.
Đã có ai đó sống trong phòng này, trước tôi. Ai đó cũng như tôi, hoặc tôi muốn tin là thế.
Tôi phát hiện ra ba ngày sau khi đến đây.
Tôi có nhiều thời gian cần tiêu đi. Tôi quyết định khám phá căn phòng. Không vội vã, cái kiểu vội vã trong phòng khách sạn, không chờ đợi bất ngờ nào, mở ra đóng vào hết ngăn kéo bàn lại đến cửa tủ, tháo vỏ quấn từng miếng xà phòng tí tẹo, ấn thử vào gối. Liệu có bao giờ tôi còn ở trong phòng khách sạn nữa không? Tôi đã lãng phí biết bao, những căn phòng ấy, thứ tự do không bị ai nhìn thay.
Phóng túng đi thuê.
Các buổi chiều, khi Luke vẫn còn phải trốn vợ anh, khi tôi vẫn còn là hư ảnh. Trước khi chúng tôi lấy nhau và tôi định hình. Tôi luôn luôn đến trước, nhận phòng. Không nhiều lần lắm, nhưng giờ như đã cả thập kỷ trước, cả thiên kỷ trước; tôi còn nhớ mình đã mặc gì, từng chiếc áo, tùng cái khăn. Tôi sẽ đi đi lại lại, chờ anh, bật ti vi lên rồi lại tắt, chấm nước hoa sau tai, Opium tôi nhớ. Đựng trong cái chai Trung Hoa, đỏ và vàng.
Tôi bồn chồn. Làm sao khi ấy tôi biết anh yêu tôi? Rất có thể chỉ là một cuộc tình loại đó. Sao chúng ta lại nói
chỉ
làm gì? Dù vào thời đó đàn ông đàn bà ướm thử nhau, vô định, như sắm bộ, bỏ đi cái nào không vừa.
Rồi sẽ có tiếng gõ cửa; tôi sẽ ra mở, vừa nhẹ nhõm vừa khao khát. Anh ngắn ngủi biết mấy, anh cô đọng biết mấy. Vậy mà anh cũng dường như bất tận. Chúng tôi sẽ nằm trên những chiếc giường ban chiều, khi đã xong, tay đặt trên mình nhau, bàn đi bàn lại. Có thể, không thể. Làm được gì đây? Chúng ta đã nghĩ mình gặp những vấn đề không thể vượt qua. Làm sao khi ấy chúng ta biết mình đang hạnh phúc?
Nhưng giờ chính những căn phòng tôi cũng nhớ, nhớ luôn những bức tranh khủng khiếp trên tường, vẽ cảnh trút lá mùa thu hay tuyết tan trên rừng rậm, hoặc phụ nữ ăn bận cổ trang, mặt búp bê sứ, váy khung phồng và dù che nắng, hay những chú hề mặt buồn, hoặc bát hoa quả, cứng đà, bệt như phấn. Khăn bông trắng muốt chờ phá hoại, giỏ rác há hoác miệng mời chào, đón đợi món rác bay vào cẩu thả. Cẩu thả à. Tôi đã từng cẩu thả, trong những phòng ấy. Chỉ cần nhấc điện thoại là đồ ăn sẽ hiện ra trên khay, đồ ăn tôi chọn lấy. Loại đồ ăn không có lại cho sức khỏe, hẳn rồi, và đồ uống nữa. Có những cuốn kinh trong tủ quần áo, của hội phước thiện nào đó đặt vào, dù dễ thấy chẳng mấy ai sờ đến. Có cả bưu thiếp nữa, chụp hình khách sạn đang ở, có thể viết lên rồi gửi cho ai cũng được. Một điều phi khả thủ làm sao, lúc này; như là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Thế là tôi đã khám phá căn phòng này, không vội vã, như ở phòng khách sạn, không phung phí. Tôi không muốn tìm hiểu xong một lúc, tôi muốn lâu dài. Tôi chia phòng thành từng khoảnh, trong đầu, dành cho mình mỗi ngày một khoảnh. Khoảnh đó tôi sẽ xem xét tỉ mỉ hết sức: lớp vừa lồi lõm dưới giấy dán tường, những vết xước xát trên ván chân tường và bệ cửa số, dưới lớp son trên cùng, những vết bẩn trên đệm, bởi tôi còn làm cả việc lật chăn và ga, cuốn lại, mỗi lần một chút, để có thể trả lại thật nhanh nếu có người đến.
Vết bẩn trên đệm. Như những cánh hoa khô. Lâu rồi. Yêu đương cũ; trong phòng này giờ không có lối yêu đương nào khác.
Khi trông thấy nó, bằng cứ do hai con người để lại, về tình yêu hay cái gì tương tự, ít ra là thèm muốn, ít ra đụng chạm, giữa hai người có thể đã già hay đã chết, tôi đậy lại giường và nằm lên trên. Tôi nhìn lên con mắt thạch cao mù trên trần. Tôi muốn cảm thấy Luke nằm cạnh. Tôi vẫn gặp chúng, những đợt tấn công từ quá khứ, như cơn mê, như đợt sóng táp qua đầu. Nhiều lúc thật khó mà chịu nổi. Phải làm gì đây, phải làm gì đây, tôi nghĩ. Chẳng làm gì được. Họ cũng phụng vụ Người, cả những ai chỉ đứng mà đợi. Hoặc nằm yên mà đợi. Tôi biết tại sao cửa sổ lại lắp kính không vỡ, và tại sao họ tháo chùm đèn xuống. Tôi muốn cảm thấy Luke nằm cạnh, nhưng không đủ chỗ.
Tôi dành lại cái tủ đến ngày thứ ba. Tôi nhìn thật kỹ cánh cửa trước hết, hết trong lại ngoài, rồi vách tủ có những móc đồng - sao họ lại bỏ qua móc nhỉ? Sao không gỡ đi? Quá gần sàn ư? Nhưng có gì đâu, một chiếc tất dài, chỉ cần có thế. Và gióng ngang treo mắc áo nhựa, áo tôi đang mắc đó, tấm áo choàng len đỏ không tay phòng trời lạnh, chiếc khăn san. Tôi quỳ xuống xem xét sàn tủ, và kia, nét chữ li ti, vẻ còn khá mới, vạch bằng đầu kim hay có khi chỉ là móng tay, ở góc chìm trong bóng tối dày đặc nhất: Nolite te bastardes carborundorum.
Tôi không biết thế nghĩa là gì, thậm chí không biết là tiếng gì. Tôi đoán có thể là La tinh, nhưng tôi không biết tiếng La tinh. Dù sao nữa, vẫn là một thông điệp, một thông điệp bằng chữ, nội như thế đã đủ thành cấm vật, và đến tận giờ vẫn chưa bị phát hiện. Trừ tôi, đối tượng nó gửi tới. Nó gửi tới bất kỳ ai đến sau.
Ngầm nghĩ về thông điệp này làm tôi thích thú. Tôi thích thú mà nghĩ mình đang giao tiếp với cô, người đàn bà bí mật. Bởi cô ta quả là bí mật, hoặc nếu được biết tới đi nữa, cũng chưa bao giờ có ai nhắc đến cho tôi. Tôi thích thú biết rằng thông điệp cấm của cô đã vượt qua, tới được ít nhất một con người khác, khi đặt vào dán mình lên vách tủ tôi, đã được tôi mở ra và đọc. Đôi lúc tôi lặp lại từng chữ cho mình. Chúng mang lại một niềm vui nho nhỏ. Khi tưởng tượng người đàn bà đã viết dòng này, tôi mường tượng cô ta khoảng tuổi tôi, có thể trẻ hơn chút ít. Tôi biến cô thành Moira, Moira của thời đại học, ở phòng kế tôi: nhỏng nhảnh, hoạt bát, vận động viên cưỡi xe đạp một thời, và ba lô chuyên đổ đi bộ đường dài. Lắm tàn nhang, tôi hình dung; ưa nhạo báng, nhiều mưu lược.
Tôi tự hỏi cô tùng là ai, hay đang là ai, và đã trở thành gì.
Tôi đã thử khai thác Rita, hôm tìm thấy thông điệp.
Người từng ở trong phòng đó là ai? tôi hỏi. Trước tôi ấy? Nhỡ tôi đã hỏi khác đi, nhỡ tôi đã hỏi, Có người nào Ở phòng đó trước tôi phải không? Có thể đã chẳng đi đến đâu.
Cô nào? chị ta hỏi; giọng chị ác cảm, ngờ vực, nhưng nghĩ lại hầu như lúc nào chị ta cũng giọng đó với tôi.
Nghĩa là không chỉ có một người. Có người không ở lại hết nhiệm kỳ hai năm. Có người đã phải chuyển đi, vì lý do nào ðó. Hoặc không phải chuyển ði - mà ra ði?
Cô lanh lợi ấy. Tôi đang mò. Cô có tàn nhang ấy.
Cô quen cô ta à? Rita hỏi, ngờ vực hơn bao giờ hết.
Hồi trước, tôi nói dối. Tôi nghe biết cô ta ở đây.
Rita chắp nhận lời này. Chị ta hiểu chắc phải tồn tại một mạng lưới thông tin, một dạng truyền thông ngầm nào đó.
Cô ta không thành công, chị nói.
Cụ thể ra sao? tôi hỏi, cô càng dửng dung càng tốt. Nhưng Rita đã mím chặt môi. Ở nhà này tôi như đứa trẻ, có những điều không được kể cho tôi. Điều gì không biết thì không hại đến cô, chị ta sẽ chỉ nói thế.