Q1 - Chương 1: Thầy râu bạc
-
Chuyện Xứ Lang Biang
- Nguyễn Nhật Ánh
- 5536 chữ
- 2020-05-09 04:13:38
Số từ: 5526
Quyển 1: Pho tượng của Baltalon
Nguồn: NXB Trẻ
Không biết tự bao giờ, người làng Ke gọi ngọn đồi đó là đồi Phù Thủy. Có lẽ cái tên đó đã có từ lâu lắm, vì hầu như các bậc trưởng lão trong làng đều lắc đầu khi đám trẻ thắc mắc tại sao ngọn đồi lại mang cái tên kỳ bí như vậy.
Trường làng nằm xoay lưng vào ngọn đồi, khoảng cách từ trường đến chân đồi không xa lắm, nhưng có thể nói mà không sợ sét giáng xuống đầu rằng từ khi ngôi trường được xây dựng đến nay, trải qua không biết bao nhiêu là thế hệ nhóc tì ôm cặp đến trường, chưa từng có đứa nhóc nào dám đặt chân lên đồi Phù Thủy.
Đồi Phù Thủy nằm ở cuối Đường Lên Núi, cây cối rậm rạp, um tùm, do không có ai lai vãng nên bộ mặt ngọn đồi còn khoác thêm vẻ âm u, huyền bí. Hằng ngày bọn học trò trường làng rất khoái cái trò rủ nhau thò đầu qua cửa số nhìn lên ngọn đồi phía sau bằng ánh mắt hiếu kỳ và hồi hộp bàn tán lung tung. Tất nhiên là chúng thấy tất cả những gì có thể trông thấy ở một ngọn đồi: những con chim lớn lượn từng bầy bên trên những ngọn cây, thỉnh thoảng lại sà xuống rồi lại nháo nhác tung lên như nắm lá ai ném vào trong gió, những cánh hoa vàng lốm đốm không rõ là hoa gì, những con chồn chạy luồn trong bụi rậm chốc chốc lại vọt ra khoảng đất trống, và những con sóc lượm hạt, tóm lại chúng thấy đủ thứ, cũng có nghĩa là chẳng thấy gì cả. Để cho xứng với cái tên của ngọn đồi, những gì bọn trẻ trông thấy phải nói là quá xoàng.
Khi câu chuyện này bắt đầu thì Nguyên và Kăply đang theo dõi ngọn đồi từ cửa sổ lớp học.
– Tao chẳng thấy gì đáng sợ!
Nguyên nói, nó năm nay mười sáu tuổi, là đứa gan dạ nhất làng.
Kăply, ít hơn một tuổi và ít gan dạ hơn một chút, gật đầu:
– Nhất là khi mày đang đứng ở chỗ này.
Nguyên cảm thấy bị xúc phạm. Nó quay lại nhìn bạn:
– Tao đã thử lên ngọn đồi mấy lần.
Tiết lộ của Nguyên khiến Kăply đờ người ra:
– Thật đấy hở?
– Thật! – Nguyên đưa một ngón tay lên miệng – Nhưng mày chớ có hé ra với ai đấy!
Nguyên chỉ tay lên lùm cây ở lưng chừng đồi, giọng thấp xuống nhưng không giấu được vẻ hãnh diện:
– Tao đã mò lên tới chỗ đó.
Kăply rùng mình, có cảm giác một thứ quỉ quái gì đó đang cựa quậy và kêu ọc ạch trong bụng. Nó nhìn bạn bằng cặp mắt lé xẹ:
– Thế mà mày vẫn an toàn ra về?
Nguyên cầm tay Kăply đập binh binh lên ngực mình:
– Thì mày cũng thấy đây nè. Tao đang đứng trước mặt mày mà.
Tiếng chuông vào lớp chặn ngang mớ câu hỏi đang chuẩn bị trồi ra cửa miệng Kăply.
Kăply ngồi vào chỗ, lật tập với vẻ điên tiết thấy rõ.
Tiếng giấy cọ vào nhau, kêu soàn soạt một cách bực dọc. Nguyên sợ hãi huých vào hông bạn:
– Nhẹ tay tí nào! Coi chừng thầy Râu Bạc!
Thầy Râu Bạc dạy ở ngôi trường này lâu lắm rồi. Ba của Nguyên và Kăply hồi bé cũng học thầy Râu Bạc. Mà hình như ông của Nguyên và Kăply hồi bé cũng học thầy Râu Bạc nốt.
Những câu nói ưa thích của thầy bao giờ cũng bắt đầu bằng hai chữ
hồi đó’’:
– Hồi đó ba của trò thông minh hơn trò nhiều.
– Hồi đó ông ngoại của trò đâu có quậy dữ như trò.
– Hồi đó bà nội của trò đâu có tè trong quần mỗi khi bị kêu lên bảng như trò bây giờ.
Mỗi khi thầy trừng mắt nhìn đám học trò ồn ào và tằng hắng hai, ba tiếng liên tiếp là bọn nhóc biết thầy sắp sửa nói
hồi đó
và thế là đứa nào đứa nấy tự tìm cách dán miệng mình lại.
Người làng Ke rất tự hào về thầy Râu Bạc. Vì thầy được xem là người sống lâu nhất làng, được toàn thể già trẻ lớn bé trong làng yêu quý và tôn kính. Có người nói thầy đã một trăm lẻ năm tuổi. Có người nói một trăm hai chục, có người nâng lên tới một trăm tám mươi, tức là hơn kỷ lục ghi trong sách Guinness tới mấy chục tuổi lận. Thật ra không ai biết chính xác thầy Râu Bạc có mặt trên cõi đời này bao nhiêu năm rồi. Chính thầy Râu Bạc cũng không biết. Và đó chẳng phải là điều gì kỳ lạ ở cái làng này. Ông nội của Nguyên cũng không nhớ chính xác tuổi của mình là chín mươi hai hay chín mươi bốn, ông nội của Kăply cũng không biết mình thực ra là chín mươi chín hay một trăm lẻ hai. Ở làng Ke, ai cũng sống lâu và những người sống lâu thường mắc chung một thứ bệnh là hầu như không ai nhớ được tuổi của mình. Vì vậy chẳng ai thắc mắc thầy Râu Bạc thiệt ra là bao nhiêu tuổi. Giả như có ai đó nói thầy hai trăm năm mươi bảy tuổi chắc cũng chẳng có ai phản đối. Phản đối làm gì khi ông nội thằng Nguyên và ông ngoại thằng Kăply cũng từng ôm cặp tới học thầy, bị thầy bắt quỳ gối mệt xỉu và đến bây giờ, đã già sụm rồi vẫn còn sợ thầy một phép.
Kăply bị Nguyên thúc cùi chỏ, liền ngồi im. Nó cũng đâu có khoái nghe câu
Hồi đó ông của trò đâu có khoái cái trò làm ầm ĩ trong lớp như trò
.
Nó ngồi im, không lật tập ì xèo nữa nhưng bụng nóng như hơ lửa. Câu chuyện của thằng bạn nó đang đến hồi hấp dẫn tự nhiên bị tắt ngang khiến nó bứt rứt khó chịu quá. Y như một miếng bánh đang kề miệng bỗng bị ai giật mất.
Trên bảng thầy Râu Bạc bắt đầu dạy môn địa lý.
– Trước khi học địa lý thế giới, các trò phải học địa lý nước Việt Nam. Trước khi học địa lý Việt Nam, các trò phải học địa lý của cái tỉnh mà các trò đang sống. Nhưng tỉnh không phải là đơn vị nhỏ nhất. Vì vậy trước khi học địa lý cái tỉnh các trò đang sống, các trò phải học địa lý của…
Thầy Râu Bạc ngưng ngang, long lanh mắt chờ học trò nói nốt từ còn lại. Đó là thói quen ưa thích của thầy.
Quá rành thầy, mấy chục cái miệng liền rập rang:
– Thưa thầy, làng Ke ạ.
Thầy Râu Bạc bày tỏ sự hài lòng bằng cách dộng cây thước xuống bàn đánh
rầm
một tiếng:
– Đúng rồi, hôm nay các trò sẽ được học về làng Ke.
Làng Ke thì đứa nào chẳng biết. Tụi nhóc như bầy sói con, xưa nay chẳng ngóc ngách nào trong làng là chưa thăm dò, sục sạo. Tất nhiên nếu không kể đồi Phù Thuỷ.
Nhưng làng Ke theo lời mô tả của thầy Râu Bạc mang một hình ảnh vô cùng mới mẻ:
– Làng Ke của các trò, hừm, dĩ nhiên là của cả ta nữa, có hình thù của một con ngựa. Đầu ngựa hướng Bắc, đuôi ngựa hướng Nam, bụng ngựa hướng Đông, lưng ngựa hướng Tây. Đầu ngựa có miếu thờ thần Tam giáp, người có công thành lập làng. Bụng ngựa là chợ Ke. Khu dân cư trải dài từ cổ ngựa đến rốn ngựa, được chia thành sáu khúc…
Nguyên và Kăply giương cặp mắt lạ lùng uống từng lời thầy giảng. Kăply thôi vùng vằng với cuốn tập trước mặt. Nó khoanh tay để trên bàn, công nhận là thầy giảng hay thiệt. Trước nay tụi nó chưa nghe ai nói về làng Ke cặn kẽ và hấp dẫn đến thế. Nhưng có một điều Nguyên và Kăply rất háo hức muốn biết, vậy mà ngồi ngóc cổ cả buổi vẫn không nghe thầy nhắc tới. Đó là đồi Phù Thuỷ.
Đồi Phù Thuỷ nằm sau lưng trường, thuộc về hướng Tây. Nhưng thầy Râu Bạc cứ thao thao về đầu ngựa, đuôi ngựa và bụng ngựa mà chẳng nhắc gì đến lưng ngựa.
– Thế còn lưng ngựa, thưa thầy?
Năm, sáu tiếng nói vọng lên từ các dãy bàn.
– Trò nào nhảy vô họng ta đó? – Thầy Râu Bạc trừng mắt – Trò có biết hồi đó ông ngoại của trò…
Nhưng thầy Râu Bạc nhận ngay ra là có tới cả đống học trò
nhảy vô họng
thầy cùng một lúc nên thầy không biết phải bắn tia nhìn của thầy vế hướng nào. Thầy lừ lừ quét mắt từ trái qua phải, rồi từ phải qua trái, chòm râu dày và trắng của thầy rung rinh như có gió thổi, rồi trước vẻ mặt sợ hãi của học trò, thầy thở phì một cái và thình lình hạ giọng:
– Lưng ngựa hả? Lưng ngựa là núi. Là vách núi. Là núi thì chẳng có gì để kể cả!
Thầy chấm câu bằng cách một lần nữa dộng thước đánh
rầm
xuống mặt bàn khiến mấy cuốn sách đang nằm ngủ trên đó giật mình nẩy tưng lên. Đám học trò cũng giật bắn lên theo và khi hoàn hồn tụi nó nơm nớp hiểu rằng tốt nhất là chớ có dại dột hỏi thêm một câu nào nữa về cái lưng ngựa cấm kỵ kia.
– Ngày mai tao sẽ lại leo lên đồi! – Trên đường về, Nguyên thì thầm vào tai Kăply.
– Đi một mình hở? – Kăply lo lắng hỏi.
– Một mình, nếu mày không đi theo.
Nguyên nói và nhìn Kăply qua khoé mắt, vẻ chờ đợi.
Nhưng Kăply không nói gì. Rõ rang Kăply và Nguyên là bạn thân, nhưng có thân đến mức sẵn sàng cùng bạn dẫn xác đi lên ngọn đồi âm u rùng rợn và chắc chắn đầy rẫy nguy hiểm đó không thì Kăply còn phải nghĩ thêm một lát nữa.
– Theo tao, trên đó chẳng có gì nguy hiểm cả! – Như đọc được sự đắn đo trong lòng bạn, Nguyên bỗng nói – Toàn là cây cối. Và gió thổi lộng. Ờ, thêm vài con thú nhỏ. Những con thú nhỏ thì chẳng làm hại ai.
– Chim chóc nữa! – Kăply bổ sung.
Nguyên hớn hở, giọng nó du dương như tiếng sáo:
– Thì mày cũng biết rồi đấy, toàn những thứ vô hại cả!
Nhưng Kăply không để bị mê hoặc. Những thứ vừa kể đúng là vô hại. Nhưng đó là những thứ hữu hình. Còn những thứ vô hình nữa chi. Cuối cùng nó đành dốc ra nỗi lo lắng trong lòng:
– Nhưng nếu vậy, tại sao ngọn đồi đó có tên là đồi Phù Thuỷ?
Câu hỏi của Kăply khiến Nguyên xịu mặt. Tiếng nói của nó nghe hệt tiếng bong bóng xì hơi:
– Điếu đó thì tao chẳng biết!
Nó lật đật nói thêm:
– Và cả làng Ke chắc cũng mù tịt!
Rõ ràng Nguyên cố làm Kăply hiểu rằng đó là chuyện đương nhiên, có nghĩa là đừng băn khoăn về cái tên vớ vẩn đó làm chi.
Nhưng cũng rõ ràng là Kăply không nghĩ như vậy:
– Theo tao, có một người biết.
Cặp lông mày trên trán Nguyên lập tức xếp thành một đường thẳng:
– Mày muốn nói tới thầy Râu Bạc?
– Ờ, thầy chứ ai! Thầy sống không biết bao nhiêu năm ở cái làng này rồi, chắc từ lúc ông tụi mình chưa sinh. Dám ông cố mình hồi bé cũng học thầy lắm à.
Nguyên thò tay lên đầu dứt mạnh một sợi tóc:
– Nhưng mày cũng thấy hồi sáng nay rồi, thầy làm như không muốn nhắc gì đến đồi Phù Thủy.
– Chính vì vậy tao mới nghi thầy biết rõ về nó!
Kăply nói như thể nó chỉ phỏng đoán nhưng căn cứ vào cái giọng chắc nịch của nó, có thể thấy nó sẵn sàng nuốt luôn cái lưỡi nếu nó đoán sai.
Nguyên cắn môi, mặt nó nhăn lại không rõ vì ý nghĩ trong đầu quá hắc ám hay tại răng nó lỡ cắn mạnh quá:
– Chẳng lẽ mày định đến gặp thầy trước khi quyết định có lên đồi hay không?
oOo
Nếu áp dụng các hình ảnh mà thầy Râu Bạc vừa vẽ ra sáng nay để mô tả địa thế làng Ke, thì căn nhà của thầy nằm ngay… mông ngựa. Đó là một căn nhà gỗ nhỏ nằm ở hướng Tây Nam, tuốt rìa làng. Căn nhà đứng lẻ loi dưới một cây đa cổ thụ, cách xa khu dân cư làng Ke vốn tập trung đông đúc ở hướng Đông, trông cao ngạo, lạnh lẽo và huyền bí như một cái miếu thờ. Người làng Ke coi lối sống tách biệt của thầy Râu Bạc là chuyện hiển nhiên, mà thực ra thì một bậc kỳ lão như thầy cũng xứng đáng sống trong một cái miếu thờ lắm, tất nhiên là với điều kiện thầy phải sốt sắng qua đời.
Bây giờ thì cặp lông mày của bậc kì lão đó đang dựng đứng lên khi Nguyên và Kăply thình lình hiện ra trước cửa nhà thầy. Vẻ mặt của thầy như muốn báo cho hai đứa nhóc biết là tụi nó đang làm cái chuyện có lẽ là chưa từng xảy ra trong vòng một trăm năm nay.
– Các trò dám không xin phép ta mà tự tiện đến đây. Các trò có biết hồi đó… hồi đó…
Thầy Râu Bạc giận đến nỗi không thể nào nói hết câu nói ưa thích. Chắc nhiều thế hệ dân làng Ke chưa ai từng thấy một cơn giận như thế của thầy. Chòm râu dày của thầy rung bần bật, mũi thầy đỏ lên và nở ra, còn cặp mắt thầy giương tròn quay, không ngừng đảo lia, vừa đảo vừa nhấp nhô, có vẻ như nếu có thể nhảy được thì nó đã nhảy tót ra ngoài hốc mắt của thầy để bắn xuyên qua sọ của người đối diện.
Nguyên và Kăply mặt xám xanh. Trông thầy giống y chang một con sư tử, Nguyên sợ hãi nghĩ và nó nhìn trân trân vào cái chỏm đầu thầy, nơm nớp chờ một cái bờm dài mọc ra từ chỗ đó.
– Thưa thầy…
Mãi một lúc, Kăply mới bóc được miếng băng keo vô hình dán ngang miệng nó. Nhưng nó cũng chỉ thốt được có hai tiếng rồi làm thinh ngó xuống dưới chân như để kiểm tra hồi sáng lúc ra khỏi nhà nó có nhớ mang giày hay không.
Nguyên đỡ lời bạn bằng giọng nịnh nọt thấy rõ:
– Tụi con rất thích bài giảng sáng nay của thầy.
Nguyên vừa nói vừa đưa mắt thăm dò và nó mừng rơn khi thấy trán thầy Râu Bạc từ từ dãn ra.
– Nhưng có một vài điều tụi con chưa rõ, – Nguyên dè dặt tiếp, đôi chân nhấp nhổm như sẵn sàng bỏ chạy nếu thầy Râu Bạc gầm lên – do đó tụi con muốn thỉnh giáo thầy…
Thầy Râu Bạc có vẻ như muốn gầm lên thật. Chòm râu rung rinh dữ tợn cho biết phía sau nó có một hàm răng đang nhe ra. Còn chiếc áo của thầy thì căng phồng lên như chuẩn bị phát nổ. Nhưng rốt cuộc chẳng có sấm sét nào giáng xuống hết. Một phút khắc khoải trôi qua lời thỉnh cầu của Nguyên, và thầy Râu Bạc sau tích tắc cân nhắc đã quyết định đậy nắp miệng núi lửa trong lòng thầy lại.
– Thôi được rồi, các trò vào đây.
Thầy Râu Bạc quay mình đi trước, hai chú nhóc lẽo đẽo theo sau. Nguyên huých chỏ vào hông bạn một cú khoái trá và khi Kăply định huých trả lại để chia sẻ niềm vui thắng lợi thì đúng lúc đó thầy Râu Bạc như có con mắt sau lưng hắng giọng một tiếng khiến Kăply hoảng hồn rụt tay lại.
Đồ đạc trong nhà thầy Râu Bạc bày biện rất đơn sơ. Có vẻ như thầy chẳng bao giờ tiếp khách nên chiếc bàn để chính giữa nhà chỉ có một chiếc ghế trơ trọi.
Làm sao mà thầy có thể sống trong căn nhà như thế này hả? Nguyên kinh ngạc nhủ bụng, nó đảo mắt nhìn quanh, chẳng biết thầy ngủ ở đâu khi thấy trong nhà chẳng có chỗ nào ngả lưng được.
Để mặc bọn trẻ đứng xớ rớ giữa nhà, thầy Râu Bạc thản nhiên ngồi xuống chiếc ghế duy nhất và rọi cặp mắt sáng quắc vào mặt Nguyên và Kăply như muốn nhìn thấu ý nghĩ trong đầu bọn trẻ:
– Chắc các trò muốn hỏi ta về đồi Phù Thủy?
– Dạ, – Kăply cố trấn tĩnh – con nghĩ ở làng Ke chỉ có thầy mới biết nguồn gốc của cái tên đó.
– Trò đoán đúng! – Thầy Râu Bạc xác nhận một cách ngạo nghễ – Trừ những người đã qua đời, trong số những người hiện nay còn sống e rằng chỉ có ta là người duy nhất từng đặt chân lên đồi Phù Thủy.
Kăply ngứa miệng tính khoe thằng bạn nó cũng đã lên đồi Phù Thủy mấy lần nhưng may sao đến phút chót nó kịp tỉnh trí để tốp cơn cao hứng bậy bạ đó lại.
Nhưng làm như thầy Râu Bạc nhìn thấy cái điều Kăply định nói nên mắt thầy đột ngột loé lên đầy đe dọa:
– Các trò đừng dại dột nghĩ đến chuyện mò lên đồi. Từ trước đến nay đã có nhiều người bỏ mạng trên đó rồi.
Nguyên nghe như có một mũi dùi xuyên qua đầu mình. Nó há hốc miệng:
– Ai vậy thầy?
– Ta có nói các trò cũng không biết đâu. Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi. Nhưng kể từ khi dân làng bắt đầu xa lánh ngọn đồi thì hầu như không ai chết nữa.
Kăply vừa nấc vừa xì ra câu hỏi như nó đang phun ra một hạt táo nghẹn ngang trong cổ họng:
– Sao… sao… những người đó chết vậy thầy?
Đôi mắt của thầy Râu Bạc vẫn bám cứng gương mặt bọn trẻ, quai hàm thầy nhúc nhích y như thể thầy đang quạu quọ nhai bộ râu của mình. Từ sau hàm râu không ngừng lay động đó, bay ra một tiếng thở phì:
– Có lẽ ta cũng nên nói sơ qua cho các trò biết! Phía Tây của làng Ke các trò cũng đã học qua rồi, là lưng ngựa. Lưng ngựa là núi. Núi đá. Đồi Phù Thủy hiển nhiên là dựa lưng vào núi. Nhưng cũng không hoàn toàn chính xác như thế. Đồi Phù Thủy không tiếp giáp hẳn với núi đá. Ở giữa có một cái vực sâu không đáy. Rơi xuống là toi mạng. Thế đấy!
Thầy Râu Bạc chấm dứt bài giảng một cách đột ngột làm hai thằng nhóc ngây ra.
– Là sao ạ? – Kăply liếm đôi môi khô rang – Ý thầy muốn nói người ta bỏ mạng vì đã sẩy chân rơi xuống vực?
– Vậy tụi con đừng mon men đến bên miệng vực thì đâu có sao hả thầy? – Nguyên láu táu tiếp lời.
– Tụi bay đúng là một lũ ngu ngốc! – Thầy Râu Bạc đột nhiên phát khùng – Tụi bay cứ mò lên đó đi. Rồi ba mẹ tụi bay tha hồ mà đi tìm.
Thầy ngó quanh không thấy cây thước đâu để thầy dộng, liền vung tay nện xuống mặt bàn đánh
chát
một tiếng:
– Tụi bay ngu lắm. Bởi vấn đề ở đây không phải là ở gần hay xa miệng vực. Những ai liều lĩnh mò lên ngọn đồi đều rớt hết ráo xuống vực. Tụi bay hiểu chưa?
– Dạ, chưa hiểu! – Nguyên nuốt nước bọt cảm thấy mình ngu thiệt – Làm sao mà tự nhiên rớt xuống vực được kìa?
Thầy Râu Bạc đứng phắt lên khỏi ghế. Chòm râu trên mặt thầy rung rinh dữ dội. Nguyên và Kăply dám cá mười ăn một là thầy đang nổi giận đùng đùng, mặc dù tụi nó không hiểu thầy nổi giận chuyện chi.
Đang đứng thẳng người, cánh tay giơ cao gần đụng trần nhà như định giáng sấm sét xuống đầu hai tên học trò bướng bỉnh, thầy Râu Bạc bất thần rơi bịch người trở lại xuống ghế.
– Thôi, ta cũng không muốn giấu giếm các trò nữa, – Giọng thầy Râu Bạc dịu hẳn, nghe lạ hoắc y như thể thầy đang nói bằng giọng của ai đó – ta sẽ nói cho các trò hay, với điều kiện là các trò phải hứa là không nói lại với bất cứ người nào khác.
– Tụi con hứa ạ!
Nguyên và Kăply thốt ra gần như đồng thời, y như thể giành nhau xem ai hứa trước.
Thầy Râu Bạc bắt đầu câu chuyện bằng cách ngước mắt nhìn lên, làm như thầy chép sẵn câu chuyện ở chỗ nào đó trên trần nhà:
– Cách đây đã lâu, lâu là lâu như thế nào ta cũng không nhớ nữa, chỉ biết là lâu lắm, có một người phụ nữ sống trên ngọn đồi đó…
Nguyên và Kăply hồi hộp đến căng cứng người, hầu như không cả thở, mắt hau háu dán chặt vô chòm râu thầy như dán vô cái loa phát thanh. Bộ tịch của tụi nó không giống như chờ nghe mà giống như đang rình rập để tóm bắt từng lời văng ra từ chòm râu của thầy Râu Bạc, cố sao cho đừng rơi rớt.
– Ngôi nhà của người phụ nữ đó chắc cũng đơn sơ như nhà ta thôi, nhưng bọn trẻ làng rất thích lên chơi trên đó. Người phụ nữ đó cũng rất thích trẻ con. Bà cho chúng bánh kẹo và đồ chơi. Bà lấy các thứ đó không phải từ trong túi áo hay giỏ xách, mà từ trong không trung. Bà quơ tay một cái, lấy cho đứa này một chiếc bánh kem, quơ tay một cái nữa lấy cho đứa khác một con búp bê, một cái nữa lại lấy thêm một thứ khác nữa…
– Như vậy bọn trẻ chắc phải sợ tè ra quần chứ thầy? – Kăply chợt ngứa miệng hỏi xen ngang.
Ánh mắt thầy Râu Bạc rời khỏi trần nhà và đáp một cách thô bạo xuống gương mặt của Kăply. Thầy trừng trừng nhìn nó nhưng vẫn trả lời:
– Hừ, thoạt đầu thì bọn nhóc hơi hoảng. Chúng cho người đàn bà đó là một mụ phù thủy. Nhưng rồi những món bánh ngon ngọt và các thứ đồ chơi xinh đẹp đã hấp dẫn chúng. Thế là chúng quên hết mọi sợ hãi.
Mắt thầy Râu Bạc lóe lên:
– Rồi đến một ngày tất cả bọn chúng đều biến mất. Không ai biết điều gì đã xảy ra cho bọn trẻ. Những người thân của chúng liền đổ xô lên đồi sục tìm. Và sau đó, sau đó như thế nào, các trò biết không?
Kăply đáp mà nghe cổ họng khô dần:
– Dạ chắc là không một ai trở về.
– Đúng thế! – Thầy Râu Bạc gục gặc chòm râu – Chà, lâu lắm ta mới nghe trò nói một câu thông minh y ông ngoại trò hồi đó.
Nguyên và Kăply bộ mặt lập tức chuyển sang màu cà chua chín, một đứa vì sung sướng, một đứa vì ghen tị. Bởi cũng đã lâu lắm, tụi nó mới nghe thầy Râu Bạc mở miệng khen học trò.
– Hồi đó cũng tại cái vụ tìm kiếm dây dưa này mà suýt chút nữa làng Ke đã bị xoá tên trên bản đồ. Cho đến khi trưởng làng ra lệnh chấm dứt mọi lùng sục và cấm tiệt dân làng léng phéng lên đồi thì dân số làng Ke đã giảm mất một nửa.
Thầy Râu Bạc thở dài:
– Rất nhiều năm sau này, có người tình cờ phát hiện cơ man là xương người dưới đáy vực.
Kăply tưởng như mình đang rớt vào một hố băng. Nó tính hỏi người đó là ai và hiện còn sống hay không nhưng quai hàm nó đã cứng đơ.
– Chuyện đó có thật không hả thầy?
Tự nhiên Nguyên buột ra một câu mà khi nói ra rồi nó mới thấy là mình ngu như heo.
Thầy Râu Bạc như một quả mìn bị châm ngòi. Thầy bắn tung ra khỏi ghế lần thứ hai, giọng thầy sôi lên và nếu không sợ cháy chòm râu rậm, chắc thầy không ngại ngần gì mà không phun lửa.
– Sao mà trò dám hỏi ta bằng cái giọng như thế hả? Hồi đó ông nội của trò đâu có hỗn láo như trò bây giờ.
Mặt Nguyên trắng bệch như trét bột mì. Nó lắp bắp:
– Con xin lỗi thầy. Ý của con là… con chỉ muốn…
– Trò khỏi cần nói, ta cũng biết trò muốn gì rồi. Trò muốn dò xét, lùng sục đồi Phù Thủy chứ gì! Trò tưởng mấy lần trò lén lút mò lên đồi, ta không biết hả?
Lần này thì Nguyên khỏi phân trần luôn. Tại cũng như Kăply, quai hàm của nó bỗng nhiên cứng như gỗ và đôi chân nó rõ ràng là đang dẫm ngay chóc xuống cái hố băng Kăply đang đứng nãy giờ. Nguyên không nói được, cũng không nhúc nhích được nhưng đầu óc nó chưa đến nỗi bị tê liệt. Cho nên nó cứ thắc mắc hoài về cái chuyện làm sao mà thầy Râu Bạc biết tỏng hết những việc làm của nó.
Chòm râu thầy Râu Bạc vẫn tiếp tục bốc khói trước mặt hai đứa nhỏ:
– Trò phải biết không phải tự nhiên mà ngọn đồi đó có tên là đồi Phù Thủy. Nếu trò không tin ta thì mặc kệ trò. Trò cứ việc dẫn xác lên đó đi, để xem có ai dẫn xác trò về không cho biết!
– Thưa thầy…
Kăply đột nhiên tìm lại được tiếng nói. Nó tính lên tiếng bao che cho bạn nhưng thầy Râu Bạc đã xua tay, gầm gừ:
– Các trò về đi! Ta không muốn nghe các trò nói bất cứ một câu gì nữa. Về đi!
Vai xệ xuống, Nguyên và Kăply lếch thếch rời khỏi nhà thầy Râu Bạc với bộ dạng của hai đứa học trò vừa rớt bịch trong kỳ thi kiểm ra.
Kăply giữ bộ mặt dàu dàu chừng vài trăm bước chân. Đến một khoảng cách biết chắc thầy Râu Bạc không thể nghe thấy, nó liền phá ra cười:
– Chà, tao chưa bao giờ thấy thầy Râu Bạc nổi khùng dữ vậy! Tao cứ tưởng mỗi đứa ăn vài cú đá vào mông rồi chứ!
– Cũng tại tao! – Nguyên làu bàu – Tao đã hỏi một câu đúng là đại ngu!
– Quên chuyện đó đi! – Mặt Kăply vẫn tươi hơn hớn – Dù sao cuộc gặp gỡ bữa nay phải nói là thành công quá sức tưởng tượng. Tụi mình đã biết được khối chuyện về đồi Phù Thủy.
– Mày tin những gì thầy Râu Bạc nói là thật sao? – Nguyên đột ngột hỏi.
– Ơ, chứ chẳng lẽ là giả? – Kăply chớp chớp mắt vẻ bối rối – Tao nghĩ thầy chẳng có lý do gì để bịa ra những chuyện đó.
– Tao nghĩ thầy không khoái cái chuyện bọn mình thám hiểm ngọn đồi.
Kăply quay phắt sang bạn, mắt nheo lại như bị chói nắng:
– Ê, có một mình mày lên đồi thôi đấy nhé. Tao chưa có nhận lời à.
Nguyên phớt lờ phản ứng của Kăply về hai chữ
bọn mình
. Nó tiếp tục theo đuổi những ý nghĩ trong đầu:
– Tao có cảm giác thầy đang canh giữ ngọn đồi từng phút một. Nếu không thầy chẳng thể nào biết được tao từng mò lên đó.
Dĩ nhiên không cần phải thông thái lắm mới thấy những băn khoăn của Nguyên là hoàn toàn xác đáng:
– Ờ, vụ này lạ thiệt! – Kăply gục gặc đầu.
– Tao dám đánh cá với mày thầy Râu Bạc dựng lên câu chuyện rùng rợn đó là để hù bọn mình.
– Chậc, mắc mớ gì thầy phải ngăn cản bọn mình kìa! – Kăply đập đập tay lên trán, câu chuyện bỗng trở nên gay cấn đến mức nó không những không bắt bẻ hai chữ
bọn mình
trong câu nói của bạn mà còn để chính cái từ đó nhảy vô miệng mình – Chẳng lẽ có một kho báu đang được cất giấu trên đó?
Nguyên kín đáo liếc bạn qua khoé mắt, hí hửng khi thấy Kăply bắt đầu quan tâm đến bí ẩn của ngọn đồi, và cái lối Kăply bị dính cứng vào câu chuyện chẳng khác gì chiếc lá bị hút vào vũng nước xoáy làm Nguyên khoái trá quá.
– A, kho báu đó, nếu có chắc là lớn lắm! – Nguyên hùa theo với cái giọng hân hoan trắng trợn như thể nó đã biết kho báu đó nằm ở đâu.
Nguyên không ngờ tiếng reo hò quá trớn của mình đã đánh thức Kăply. Và thằng này đã kịp nhìn nó bằng ánh mắt cảnh giác:
– Mày vẫn còn muốn rủ tao lên đồi sao?
– Nếu mày không đi thì tao đi một mình. – Nguyên thở dài và cụp mắt xuống với cái vẻ rất chi là vờ vịt – Bởi vì trừ thầy Râu Bạc ra, khắp làng Ke không ai có thể xác nhận câu chuyện thầy kể là thật hay là dóc tổ.
Dù rất nghi ngờ vẻ mặt rầu rĩ như sắp sửa tử vì đạo của bạn, cái câu vừa rồi Kăply biết là Nguyên nói đúng. Nó đã từng hỏi ông ngoại nó, bạn của ông ngoại nó và bạn của bạn ông ngoại nó, những người có mặt ở cái làng này xấp xỉ một trăm năm, nhưng chẳng ai biết tại sao ngọn đồi phía sau trường có tên là đồi Phù Thủy, và cũng chưa có ai từng đặt chân lên đó. Có nghĩa là cái tên đó, cũng như cái lệnh cấm đó, đã có từ lâu lắm.
– Thế nhỡ những điều thầy Râu Bạc nói là thật thì sao? – Kăply thốt thành lời những lo lắng trong đầu – Nếu trên đồi đúng là đang trú ẩn một mụ phù thủy thì bọn mình sẽ tan xác dưới đáy vực.
– Mày nghe đây! – Nguyên đập hai bàn tay vào nhau – Những gì thầy Râu Bạc nói với bọn mình chưa hẳn là thật. Giả dụ thầy không cố tình hù bọn mình thì câu chuyện đó cũng xảy ra rất lâu rồi đúng không? Mày cố ra lệnh cho cái đầu của mày suy nghĩ đi! Có phải nếu mụ phù thủy kia vẫn còn ở trên đồi thì làng Ke hẳn đã xuất hiện lắm chuyện kỳ quái rồi không? Nhưng chẳng có chuyện gì đáng kể là kinh hãi cả, ngay một lời đồn cũng không. Ông mình, bà mình, ba mình, mẹ mình, rồi tới mình, có ai thấy gì đặc biệt đâu!
Kăply nghe lùng bùng hai lỗ tai. Nó lúc lắc đầu và đáp trả lời thuyết giảng tràng giang đại hải của thằng bạn bằng một câu cụt ngủn:
– Giờ tính sao?
– Chiều mai lên đồi.
Kăply ngước mặt lên nhìn bạn, nó thấp hơn Nguyên gần một cái đầu:
–
Bọn mình
lên á?
– Không có mày thì tao cũng vẫn đi.
Nguyên nói hùng hổ nhưng ánh mắt nó cho thấy nó đang mong Kăply nhận lời đi với nó đến chết đi được. Nhưng Kăply đã bất ngờ ngoảnh mặt đi chỗ khác:
– Chiều mai tao bận rồi!
Rồi cũng bất ngờ như thế, nó quay mặt lững thững bỏ đi. Nguyên nghệt mặt dõi theo lưng bạn, ngạc nhiên sao thằng Kăply không biến thành thứ gì đó, như một con cóc hôi hám chẳng hạn, quách cho rồi.