Q4 - Chương 32: Lang Biang ngoại truyện (Hết)
-
Chuyện Xứ Lang Biang
- Nguyễn Nhật Ánh
- 2712 chữ
- 2020-05-09 04:13:59
Số từ: 2700
Quyển 4: Báu vật ở lâu đàu K'rahlan
Nguồn: NXB Trẻ
NHẬT KÝ CỦA NGUYÊN
Chiều nay tôi và Kăply lại rủ nhau lên đồi Phù Thủy. Từ khi trở về làng Ke đến nay, hai đứa tôi đã trở lại ngọn đồi này không biết bao nhiêu lần.
Thầy Râu Bạc cùng với hai thằng K’Brăk và K’Brêt đã biến mất khỏi làng vào cái ngày chúng tôi quay về nên không còn ai dòm ngó chuyện chúng tôi mò lên đồi vào mỗi buổi chiều nữa. Hơn nữa, bây giờ nếu còn ở làng Ke thầy cũng chẳng có lý do gì để cấm cản chúng tôi khi mà tôi và Kăply đã biết tỏng bí mật của ngọn đồi, thậm chí hai đứa tôi còn biết nhiều hơn thầy bao nhiêu là chuyện.
Hôm đó, sau khi đặt chân vào bụi cây bên bờ suối theo lời chỉ dẫn của thầy N’Trang Long, chúng tôi cảm thấy hai mí mắt đột nhiên nặng như chì. Chưa ý thức được chuyện gì, hai đứa lập tức không còn biết gì nữa – y như thể bị giấc ngủ thình lình chụp lấy. Tình huống xảy ra giống hệt lần chúng tôi bị lừa đến xứ Lang Biang.
Khi tỉnh dậy, chúng tôi nhận ra hai đứa đang ở trong căn nhà gỗ trên đỉnh đồi Phù Thủy. Căn nhà vẫn sạch sẽ, láng bóng, đồ đạc bên trong vẫn y như lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy, thậm chí ngay cả vị trí cũng không hề xê xích một li. Vẫn chiếc giường nằm ở sát vách. Chính giữa nhà là chiếc bàn với ba chiếc ghế láng o, như thể chưa từng có ai ở đây trong thời gian chúng tôi mất tích.
Sau khi ngồi thừ ra tại chỗ (dĩ nhiên là ngồi bệt dưới nền nhà), và đưa tay dụi mắt cả chục lần để ép đầu óc làm quen với sự có mặt của chúng tôi tại làng Ke và cũng để tự xác nhận với mình những ngày vừa qua không phải là một giấc mơ, tôi và Kăply lóp ngóp đứng lên và bắt đầu dọ dẫm bước ra khỏi căn nhà gỗ mà bây giờ chúng tôi tin chắc là do bà Ka Ming dựng lên một trăm ba mươi năm về trước.
Cây cối dường như um tùm hơn, tôi nhận thấy thế khi nhìn những con sóc kéo những chiếc đuôi dài ra khỏi bụi rậm, băng qua trước mặt chúng tôi để láu táu chui vào một bụi rậm khác. Khi ngước mắt nhìn lên, tôi bắt gặp một cảm giác thân thiết khi nhận ra những-con-chim-cho-đến-bây-giờ-tôi-vẫn-không-biết-tên với sải cánh bự chảng và dài như tấm phản chao lượn trên đầu.
Kăply nôn nóng giục, bực mình khi thấy tôi cứ tà tà ngắm cảnh:
– Về nhà đi chứ. Hổng lẽ mày nghĩ thời gian tụi mình ở xứ Lang Biang chưa đủ lâu?
– Về ngay bây giờ ư? – Tôi nhún vai và liếc Kăply qua khóe mắt – Mày thử nhìn hai đứa mình đi, xem đã giống thằng Nguyên và thằng Kăply chưa đã!
Rõ ràng câu đáp trả của tôi có tác dụng không kém gì câu thần chú Trẹo quai hàm. Tôi thấy Kăply há hốc miệng, như thể nó đang ngậm cả nùi cá pha lê. Đã quen nhìn hai đứa trong hình dáng của K’Brăk và K’Brêt, Kăply quên mất chúng tôi không thể trở về nhà trong bộ dạng như thế này được.
– Ờ há! – Lâu thật lâu, Kăply mới tìm lại được tiếng nói, chỉ để nói một câu quen thuộc đến mức tôi phải cố hết sức để đừng nhăn mặt.
– Chờ một lát đi. – Tôi hừ mũi – Thế nào tụi mình cũng…
– Anh K’Brăk! Anh K’Brêt!
Tôi chưa nói hết câu đã giật bắn người khi nghe tiếng kêu mừng rỡ bất thần vang lên từ phía sau. Kăply còn tệ hại hơn: lẽ ra phải hoan hỉ, trông nó lại giống như người đang cảm thấy một cái gì đó trơn trợt và lạnh ngắt như một con rắn đang trườn qua bao tử.
Chúng tôi quay phắt ra sau, chết sững khi thấy thằng Đam Pao và con Chơleng đang từ trong căn nhà gỗ chạy ào ra.
– Trời đất! – Thằng Đam Pao vừa chạy vừa la như cháy nhà – Ôi, anh K’Brăk và anh K’Brêt kìa! Sao hai anh lại ở đây?
– Chứ còn… còn tụi mày? Sao tụi mày cũng… cũng ở đây?
Tôi lắp bắp hỏi lại, hai tay cầm lấy quai hàm lắc lắc để nó khỏi đông cứng lại vì kinh ngạc:
– Dĩ nhiên tụi này ở đây là có lý do. – Đam Pao toét miệng cười – Nhưng còn hai anh…
Tôi chưa kịp mở miệng đã nghe một tiếng
bụp
khe khẽ vang lên. Ngay tức khắc thằng Đam Pao hết cười nổi. Lần này, tới lượt nó và con Chơleng đứng như trời trồng. Trước mặt nó, K’Brăk và K’Brêt thình lình biến mất, thay vào đó là hai thằng nhóc làng Ke chính hiệu từ tóc tai, màu da đến cách ăn mặc.
Trong khi tôi và Kăply sung sướng nhìn nhau và thở phào nhẹ nhõm thì Đam Pao ú a ú ớ:
– Hóa ra tụi bay là… là hai thằng nhóc làng Ke…
– Nè, mày đừng có hỗn nghe chưa? – Kăply thu nắm đấm dứ dứ trước mặt Đam Pao, gầm gừ – Dù tụi tao có là dân làng Ke thì vẫn lớn tuổi hơn hai đứa mày…
Lần thứ hai trong vòng năm phút, một tiếng bụp lại vang lên. Y như thể trúng phải thần chú Bất di bất dịch, cánh tay đang giơ ra phía trước của Kăply bỗng treo bất động trên không. Còn tôi thì giống như bị trời sập trúng đầu: hai đứa đầu bếp của lâu đài K’Rahlan trong tích tắc bỗng biến thành một ông cụ và một bà cụ – người nào người nấy già khụ và vẻ ngoài của họ đúng là hình dáng không thể nhầm vào đâu được của các bô lão làng Ke.
– Con hiểu rồi. – Tôi thở hắt ra sau khi trấn tĩnh – Ông và bà cũng bị người ta lừa đến xứ Lang Biang.
– Lừa ư? – Bà cụ lắc đầu, có lẽ bà đang nhăn trán nhưng vì những đường rãnh trên mặt không thể hằn sâu hơn được nữa nên tôi chỉ có thể đoán điều đó qua nét mặt – Hừm, lừa còn khá. Mười ba năm trước, à không, phải nói là một trăm ba mươi năm trước, ta và lão này bị bà Ka Ming bắt cóc. Bả đưa bọn ta về lâu đài K’Rahlan và biến bọn ta thành hai đứa lóc chóc như tụi bay thấy đó.
Thốt nhiên tôi phì cười:
– Chỉ có ông và bà mất tích, thế mà có người bảo là thời kỳ đó gần một nửa dân làng biến mất và tất cả đều phơi xương dưới đáy vực.
– Tệ hại thiệt tình! – Kăply méo xệch miệng – Ở chung với nhau bao nhiêu lâu mà tụi con đâu có biết ông và bà là người ở thế giới thứ ba, lại là người cùng làng…
Ông cụ tặc lưỡi:
– Thì bọn ta cũng đâu có nhận ra hai đứa bay.
– A. – Kăply bỗng kêu lên – Hèn gì có lần nghe ông bảo gì chứ sở thích về ăn uống thì dù trăm năm cũng không thay đổi, con cứ tưởng thằng Đam Pao láo, nó sống được bao nhiêu năm trên đời mà dám khoác lác…
Trong khi bà cụ mỉm cười thì ông cụ dường như không quan tâm lắm đến những gì Kăply nói. Ông nhìn tôi, mắt trợn lên:
– Ủa, thế ra tụi bay bị người ta lừa à?
– Dạ.
Một cách tóm tắt, tôi thuật sơ qua chuyện chúng tôi đã đến xứ Lang Biang trong trường hợp nào.
– Và những gì xảy ra sau khi hai đứa con đến xứ Lang Biang thì ông và bà cũng biết rồi đó. – Tôi tặc lưỡi kết luận, hai tay nhốt trong túi quần để khỏi dứt tóc theo thói quen.
– Ừm. – Ông cụ gật đầu, vui vẻ – Công nhận tụi bay giỏi thiệt đó. Hà, chiến binh giữ đền đâu có phải chuyện chơi.
– Ông cũng đâu có kém gì. – Kăply cười hì hì – Thần chú cầu vồng đâu phải thứ ai cũng học được.
– Ối dào. – Ông cụ phẩy tay – Ba thứ đó hay thì hay thiệt, nhưng về tới đây hổng xài được chút xíu nào hết.
Bây giờ, có lẽ Kăply đang nhớ lại cuộc đối thoại với ông cụ và vẫn còn thấy tiếc hùi hụi. Cho nên bất thần nó quay sang tôi, đập đập tay vô túi áo, xuýt xoa:
– Tao chả cần thần chú chiến đấu hay chiếc áo tàng hình vô tác dụng này. Chỉ cần làm cho cọng lông chim bay lên như hồi ở xứ Lang Biang đủ khiến khối đứa trong trường lé mắt rồi.
– Mày toàn nghĩ chuyện vớ vẩn. – Tôi lừ mắt nhìn nó – Mày nên nghĩ cách làm sao cuối năm đừng đứng bét lớp thì hay hơn.
Nhắc nhở của tôi làm mặt Kăply lập tức xệ xuống. Thời gian tôi và Kăply trong lốt K’Brăk và K’Brêt lang thang ở xứ Lang Biang, K’Brăk và K’Brêt cũng bày đặt biến thành hai đứa tôi, ngày ngày ôm cặp tới lớp, tối tối vẫn về nhà ăn ngủ bình thường. Nói chung là chẳng ai nghi ngờ gì hết. Nhưng chả hiểu hai thằng ôn dịch đó học hành cách sao và thầy Râu Bạc cho điểm kiểu gì mà ngày đầu tiên từ xứ Lang Biang trở về, tôi và Kăply vừa ló đầu vô nhà đã bị các bậc phụ huynh chửi như tát nước. Bữa đó ba thằng Kăply rút từ trên vách một cây roi dài ơi là dài khiến nó xanh mặt, phải ba chân bốn cẳng chạy trốn qua nhà tôi.
Làm như cái cảnh nó chạy phía trước ba nó cầm roi chạy phía sau lúc này đang hiện ra trong đầu nó hay sao mà đang nói chuyện tôi thấy mặt nó thình lình quạu đeo.
Y như tôi đoán, nó hổn hển một lúc rồi nghiến răng trèo trẹo:
– Tao mà gặp lại thằng K’Brăk và thằng K’Brêt, tao sẽ cho tụi nó biết tay.
Giọng nó đột ngột chuyển sang than thở:
– Chà, hôm bị ba tao rượt, tao giống như người mộng du mày ạ. Tao rút chiếc áo tàng hình trong túi ra tính tròng vô người, nhưng sực nhớ ra ở làng Ke thì chiếc áo của thằng Suku chẳng khác gì một miếng giẻ rách…
– Dần dần rồi tụi mình sẽ quen. – Tôi an ủi nó, bằng cái giọng người ta vẫn thường dùng để an ủi chính mình – Hôm trước tao gặp lại thằng Đam Pao, à quên, gặp lại ông cụ hôm nọ. Ổng than dạo này ổng cứ khoái mò vô bếp lục đục làm lũ con cháu cứ phải lôi ổng ra. Ổng và bà cụ kia đã lỡ phịa chuyện cả hai bất thần rơi vào giấc ngủ mê man trên đồi Phù Thủy suốt một trăm ba mươi năm qua, nay đành phải phịa tiếp rằng trong quãng thời gian dài dằng dặc đó đêm nào hai người cũng mơ thấy mình là đầu bếp…
Tôi vừa nói vừa kín đáo quan sát Kăply, ngạc nhiên thấy nó chẳng tươi tỉnh lên được chút nào. Tôi có cảm giác Kăply không nghe tôi nói gì. Gương mặt nó đột nhiên trở nên xa vắng như thể tâm trí nó đã rời bỏ nó để chạy đi đâu.
– Mày nghe tao nói gì không, Kăply? – Tôi hắng giọng, mắt vẫn dán chặt vào vẻ mặt lạ lùng của nó.
Kăply vẫn không trả lời.
Tôi nhắc lại câu hỏi, một lần rồi hai lần. Đến lần thứ ba thì tôi nghe Kăply thì thầm:
– Giờ này Mua đang làm gì hở mày?
Thực ra tôi không nghe thấy Kăply. Giọng nó thấp đến mức tôi phải nhìn cử động của đôi môi mới đoán được nó định nói gì.
– Mua á?
Tôi hỏi lại một cách máy móc, mặt bất giác ngẩn ra. Tự nhiên, hình ảnh của đám bạn xứ Lang Biang hiện ra trong đầu tôi. Ký ức tôi bây giờ giống như bức màn trong rạp chiếu phim và tôi đang nhìn vào đó, thấy mồn một từng bóng người diễu qua. Đến khi mái tóc vàng và chiếc mũi hếch của Êmê hiện ra và cô nàng cười với tôi thì tôi thấy tay mình run lên.
– Bữa nay tụi nó đã biết mình là ai chưa nhỉ?
Tôi nghe tiếng Kăply lẩm bẩm bên tai. Tôi không rõ Kăply hỏi ai, hỏi nó hay hỏi tôi, nhưng vẫn nói:
– Chắc là biết rồi.
Im lặng một lúc, Kăply lại buột miệng băn khoăn:
– Thế tụi nó có nhớ mình không hở mày?
– Dĩ nhiên là nhớ. – Tôi nói nhanh.
– Sao mày biết?
– Sao lại không biết. – Tôi giận dỗi đáp – Nếu mình nhớ tụi nó thì đương nhiên tụi nó cũng nhớ mình.
– Nếu nhớ mình sao tụi nó không đến thăm mình? Mình đã đợi tụi nó trên ngọn đồi này bao nhiêu buổi chiều rồi.
– Chắc chắn tụi nó sẽ đến. Một ngày nào đó tụi nó sẽ đến. – Tôi quả quyết nhưng giọng lại yếu ớt đến mức người nghe hoàn toàn có thể hiểu ngược lại.
Kăply không nói gì, mặt nghệt ra. Có vẻ như nó đang lắng nghe tiếng chim đập cánh trong những tàng cây đầy nắng. Tiếng chim động khẽ trong nhánh lá một cái rồi thôi, đồi Phù Thủy lại chìm vào sự im lặng buồn tênh và trống rỗng.
Lâu thật lâu, Kăply mới mấp máy môi:
– Tao nghĩ tụi nó sẽ không đến, Nguyên à. Tao biết mày chỉ an ủi tao thôi.
– Nghe tao nói nè, Kăply.
Tôi đặt tay lên vai Kăply như muốn bằng cử chỉ đó sưởi ấm nó, nhưng tôi chưa kịp nói câu tiếp theo đã nghe những tiếng gọi lanh lảnh từ phía sau, đúng là tiếng của đám bạn mà chúng tôi ngày đêm mong ngóng:
– K’Brăk! K’Brêt! Anh K’Brăk! Anh K’Brêt!
Tôi choáng váng đến mức phải mất mấy giây sau mới nhúc nhích được cái cổ để quay sang Kăply, thấy Kăply cũng đang sửng sốt nhìn tôi.
Đây là sự thực hay ảo giác?
. Hai đứa tôi đều đọc thấy nỗi hoang mang đó trong mắt nhau và điều đó đã ngăn chúng tôi ngoảnh phắt lại như lẽ ra phải thế.
Làm sao tụi Êmê, K’Tub, Suku, Păng Ting, Tam, Mua… có thể nhận ra tụi mình khi tụi mình đã trở lại hình dáng của những đứa trẻ làng Ke?
. Tôi nhìn thấy thắc mắc của Kăply trong mắt nó và biết nó cũng sung sướng nhìn thấy câu trả lời trong mắt tôi
Có lẽ K’Brăk và K’Brêt đã mô tả về tụi mình. Ờ, mà cần gì. Păng Ting hoàn toàn có thể nhìn thấy tụi mình qua chiếc hộp liên giới…
.
Tới đây thì tôi và Kăply nhận ra mình không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Chúng tôi ngần ngừ một thoáng rồi cắn chặt môi từ từ xoay người lại, chậm chạp như hai cây kim xoay trên mặt đồng hồ, vừa xoay vừa nhắm nghiền mắt như để cầu nguyện cho những tiếng gọi vừa rồi không phải là tiếng dội của nỗi nhớ bên trong…
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/8/2006.