Q3 - Chương 20: Bạn đồng môn
-
Chuyện Xứ Lang Biang
- Nguyễn Nhật Ánh
- 6598 chữ
- 2020-05-09 04:13:49
Số từ: 6586
Quyển 3: Chủ nhân núi lưng chừng
Nguồn: NXB Trẻ
Nguyên ôm Kăply trên tay, loay hoay cả buổi không leo lên được lưng ngựa. Đơn giản vì từ bé đến giờ, nó chưa bao giờ cỡi ngựa. Ngay cả khi Kan Tô đỡ giùm Kăply, Nguyên vẫn hết sức lúng túng trước con ngựa bạch cao lớn. Nó cứ trườn người lên lại tuột xuống, như vậy cả chục lần.
– Sao thế con? – Họa sĩ Yan Dran tặc lưỡi – Con đã quên cách cỡi ngựa rồi sao? Trước đây, những ngày con học vẽ, chính nó đã đưa con đi đi về về mà.
Nguyên không biết đáp như thế nào. Điều duy nhất nó có thể làm trong lúc này là đỏ mặt lí nhí:
– Sau khi trúng lời nguyền Tan xác…
– Thôi, được rồi. Ta sẽ giúp con.
Không đợi Nguyên nói hết câu, họa sĩ Yan Dran ôm ngang người Nguyên, quăng nó lên lưng ngựa, nhẹ nhàng như liệng một chiếc gối.
– Đỡ này! – Kan Tô nói, và bế Kăply đưa lên.
Nguyên ẵm bạn vào lòng bằng một tay, tay kia nắm chặt bờm ngựa, khi bắt gặp ánh mắt của tụi bạn đang ngước nhìn mình, nó nhe răng lẩn thẩn cười, dĩ nhiên nụ cười gượng gạo của nó không thể che đậy một thực tế là nó đang bị sự hồi hộp nhấn chìm.
Đến khi con ngựa bạch rời vó khỏi mặt đất, Nguyên lập tức nằm phục xuống, điếng người vì sợ hãi, đến mức nó nghe họa sĩ Yan Dran và cả đống cái miệng gào lên
Ê, leo xuống đi!
nó cũng không có thì giờ ngoảnh đầu lại nhìn. Nó chỉ tự hỏi tại sao mọi người lại bảo nó leo xuống khi mà nếu làm theo lời họ, nó sẽ té gãy cổ là cái chắc. Chắc tại bọn họ thấy mình căng thẳng quá! Nguyên nghĩ thầm, càng cố sức níu chặt túm lông bờm mềm và dày trước mặt, cảm thấy bữa ăn sáng lúc nãy nằm yên trong bụng bây giờ cựa quậy dữ dội như đòi ọc ra.
Lúc này đang là buổi sáng, ánh nắng rực rỡ và ấm áp. Nguyên bình tĩnh dần khi nhận ra con ngựa bạch bay êm như ru, chiếc thảm bay của gã Mustafa chưa chắc đã êm bằng, đến nỗi có lúc nó nghĩ không nhất thiết phải nằm mọp xuống và mím môi mím lợi níu lấy bờm ngựa làm gì.
Nguyên từ từ thẳng lưng lên. Nó và Kăply, dĩ nhiên cả con ngựa bạch nữa, lúc này đang bay xuyên qua những đám mây nõn như bông, ở xa xa trước mặt những đám mây khác vừa tắm vừa đùa giỡn trong ánh nắng ban mai để tự biến mình thành những đám mây nhiều màu, hình ảnh kỳ diệu đó làm nó rơi vào cảm giác lâng lâng một lúc lâu cho đến khi nó giật mình nghe tiếng ngựa hí bên tai.
Thoạt đầu, Nguyên nghĩ đó là tiếng hí của con ngựa nó đang cỡi. Nhưng đến khi tiếng hí cất lên một lần nữa, nó bàng hoàng nhận ra âm thanh đó phát ra từ phía sau lưng. Nó ngoái nhìn qua vai, kinh ngạc thấy một con ngựa khác đang mải miết bay phía sau, lẽ ra Nguyên cũng không đến nỗi sửng sốt lắm vì nó đã biết trong bức tranh của họa sĩ Yan Dran có một cặp ngựa bay, nhưng điều làm nó trợn mắt lên lúc này chính là con Chacha đang ngồi chễm chệ trên lưng con ngựa thứ hai và hí hửng cất tiếng khọt khẹt khi thấy Nguyên quay lại dòm.
Thì ra lúc mọi người hét ầm
Leo xuống
là để quát con khỉ nghịch ngợm này. Nguyên sực hiểu và bất giác phì cười. Từ lúc tả hộ pháp Balibia xuất hiện rồi bỏ đi, cho đến suốt đêm hôm qua, tụi nó không thấy Chacha đâu, mặc dù Suku sục sạo khắp nơi và gào khản cả giọng. Chắc con khỉ tinh quái này cố tình trốn trong các bụi cây và tờ mờ sáng, nó đã nấp sẵn trên mái nhà để bất ngờ phóng lên lưng ngựa khi hai con phi mã của Yan Dran bắt đầu cất vó.
Nhưng Nguyên không có cơ hội nghĩ ngợi lâu hơn. Con ngựa bạch thình lình chồm lên rồi bắt đầu phóng giật cục như gặp phải ổ gà khiến Nguyên một lần nữa lại mọp xuống, nơm nớp tóm lấy chòm lông bờm trước mặt, tay kia ôm chặt Kăply vào người, cứ thon thót sợ bạn mình bất thần văng ra.
Đã vậy, con ngựa bạch đột nhiên quay ngang và xoay tít, mỗi lúc một nhanh, như thể rơi vào giữa cơn lốc xoáy. Nguyên nhắm nghiền mắt, cảm thấy một nỗi khiếp hãi đang xuyên thẳng vào tim. Nó không biết phải làm gì trong hoàn cảnh này, hai tay bận bịu, muốn gào lên nhưng không thể thốt được lời nào.
Sau này nghĩ lại, Nguyên không hiểu tại sao lúc đó nó không rớt ra khỏi lưng ngựa, cả con khỉ Chacha nữa. Chỉ biết một lúc thì đầu nó thôi choáng váng, đà xoay của con ngựa có vẻ chậm lại, tiếng gió vù vù bên tai dịu dần rồi im hẳn. Đợi đến khi ruột gan thôi nhộn nhạo, Nguyên mới từ từ mở mắt ra, ngạc nhiên thấy nó đã ở giữa một thảo nguyên bát ngát. Hoa, rất nhiều hoa, có thứ nó biết tên có thứ nó mới nhìn thấy lần đầu nhưng tất cả đều một màu vàng với sắc đậm nhạt khác nhau, hoa mọc xen lẫn với cỏ đuôi chồn trải dài trước mắt như một tấm thảm xinh đẹp của nhiên nhiên. Ở làng Ke của nó cũng có những thung lũng đầy hoa nhưng không nhiều và đẹp như thế này.
Nguyên thầm so sánh và đưa mắt nhìn ra xa. Cuối cánh đồng hoa là dãy đồi trọc, cây xanh rải rác nằm xen kẽ với đất đỏ khiến những ngọn đồi trông như những cái đầu bị hói. Xa hơn nữa là núi đá, xanh màu da trời với những làn mây trắng uốn éo lững lờ trên đỉnh như những tấm voan trắng mềm mại.
Có lẽ đây là núi Lưng Chừng? Nguyên tự hỏi và cúi đầu nhìn con ngựa bạch đang ung dung gặm cỏ, bụng thầm nghĩ giá như mà con ngựa này biết nói.
Lóng ngóng một lát, Nguyên cũng tuột được khỏi lưng ngựa. Nó ngồi bệt xuống cỏ, với Kăply trên tay và con Chacha ngồi xổm bên cạnh, loay hoay không biết phải làm gì và nên bắt đầu mọi thứ từ đâu. Nó ngỡ ngàng nhận ra nó luôn nung nấu đến được núi Lưng Chừng nhưng khi đã đến được đây rồi thì nó bỗng thấy tất cả những gì hiện ra trong đầu giống như một cái nút vừa rối nùi vừa mơ hồ đến mức không thể gỡ nổi.
Kể từ ngày lạc đến xứ Lang Biang, chưa bao giờ Nguyên rơi vào cảnh một thân một mình như thế này. Trước đây, nó luôn luôn có K’Tub, Êmê bên cạnh, lại được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của Suku và Păng Ting. Nếu không có ai thì ít ra nó cũng có Kăply, nghĩa là cũng có một đứa bên cạnh để bàn bạc, trao đổi, tệ lắm thì cũng có chỗ để bày tỏ và chia sẻ ý nghĩ của mình.
Nguyên cứ ngồi thần ra, mặc ánh nắng trượt dần xuống vai rồi xuống đùi nó. Lòng Nguyên ngập tràn lo lắng khi nó nghĩ đến chủ nhân núi Lưng Chừng.
Nếu còn sống đến ngày nay, hẳn chủ nhân núi Lưng Chừng đã hơn bảy trăm tuổi rồi. Không biết ngài là đàn ông hay đàn bà và tính nết có quái dị lắm không. Chủ nhân núi Lưng Chừng là chiến binh giữ đền đời thứ nhất, Nguyên rất hy vọng ngài là người tốt, hiển nhiên rồi, chiến binh giữ đền không thể là người xấu được. Nó nhớ lại những gì sử gia Ama Pô ghi chép về cuộc đối đầu dai dẳng giữa chủ nhân núi Lưng Chừng và trùm Hắc Ám Bajaraka Đầu Bự hồi sáu trăm năm trước, mường tượng lại những trận ác chiến chắc là rung trời chuyển đất giữa hai phù thủy kiệt xuất. Nghĩ ngợi lan man một hồi, Nguyên lại ngạc nhiên không hiểu sao gần đây trùm Bastu lại học được thần chú kim cương vốn đã thất truyền và điều đó bỗng nhiên làm nó hoang mang ghê gớm. Nếu trùm Bastu có dính dáng đến chủ nhân núi Lưng Chừng thì hổng biết số phận xứ Lang Biang sẽ ra sao, có lẽ là banh ta lông hết cả đám, và số phận của nó nữa, chắc là nó bỏ xác tại đây mất.
Giả dụ điều đó xảy ra thì nó sẽ không còn cơ hội đem xác Kăply về làng Ke, nếu chẳng may thằng bạn thân yêu của nó qua đời sau thời hạn ba ngày kể từ lúc bị con basilic mổ trúng. Nguyên buồn rầu nghĩ, rồi tự nhiên nó chợt nhớ đến con chim vàng bay ra từ cái xác Kăply chiều hôm qua, đầu óc bỗng chốc rối bời, cảm thấy cuộc sống càng ngày càng kỳ quặc, không thể giải thích nổi, nói chung là tất cả giống như thi nhau tuột khỏi tầm hiểu biết của nó.
Lâu thật lâu, lâu lắm, Nguyên mới ôm cái xác Kăply lọ mọ đứng lên, rảo bước tiến về phía trước, giữa cánh đồng hoa, tin rằng bước đi như vậy sẽ giúp làm dịu đi cơn bão trong lòng hoặc ít ra là không nghĩ đến nó nữa. Trong khi hai con ngựa bạch vẫn thản nhiên gặm cỏ, hoàn toàn không quan tâm Nguyên làm gì hay đi đâu thì con Chacha theo sát sau lưng Nguyên, vẫn nhảy nhót nhưng không luôn mồm khọt khẹt như mọi khi, có vẻ như nó cũng linh cảm được nó và Nguyên đang lạc vào một chốn vô cùng thần bí.
Nguyên ngập ngừng đi tới, thận trọng dò dẫm từng bước, mắt dáo dác nhìn quanh, cố đoán xem những cây táo vàng người ta đồn đãi mọc ở hướng nào, mặc dù nó thừa biết nếu phát hiện ra, nó cũng không có cách nào hái được những quả táo kỳ diệu đó. Păng Ting đã nói rồi, đang canh giữ những quả táo vàng trên núi Lưng Chừng là con rồng Ouroboros, mà nọc độc chứa trong móng của con rồng này được liệt vào ba loại kỳ độc của thế gian, ngang với nọc độc của con basilic và nhựa độc của quả hiến sinh.
Nhưng dù thế nào thì mình cũng phải tìm cho ra những cây táo vàng đã. Nguyên nghĩ, cố xốc lại can đảm và tiếp tục lần tới. Chẳng mấy chốc nó đã vượt qua cánh đồng hoa và bắt gặp mình đang đứng lớ ngớ dưới chân ngọn đồi trọc gần nhất. Vẫn không có một bóng người hay bóng thú vật nào. Bên tay trái nó, kẹp giữa hai ngọn đồi là con đường nhỏ, hai bên mọc một loại cây như cây thông nhưng thấp chùn chụt, lá dày và dài quét đất.
Nguyên lần theo con đường nhỏ đi xuôi xuống, chẳng bao lâu trông thấy trước mặt một thung lũng hẹp, không có các loại cây lớn, một bãi cỏ xanh mượt lốm đốm hoa dại li ti trải từ chân đồi bên này đến vách đá đối diện như một tấm thảm bằng nhung.
Gọi là vách đá nhưng thực ra sườn núi cuối thung lũng trông như một bức tranh ghép từ những phiến đá lớn, giữa các khe đá và trên mặt đá, suối róc rách tuôn xuống từ trên cao tạo thành một thác nước mảnh mai và hiền hòa.
Đang ngồi trên phiến đá chính giữa, mặc nước bắn tung tóe trên đầu, mê mải khua chân vào làn nước trắng xóa để đùa nghịch, là một thằng nhóc khoảng mười tuổi. Nguyên chới với khi nhận ra thằng nhóc đó chính là thầy Akô Nô.
Nguyên hoàn toàn không ngờ có người trong thung lũng, càng bất ngờ hơn khi người đó lại là vị giáo-sư-nhóc-tì này. Nó hoảng hốt thụt người vào sau cây thông lùn, trố mắt ngó ra, tim dộng binh binh.
Nguyên bắt gặp hàng đống câu hỏi nảy ra trong óc nhưng nó không trả lời được câu hỏi nào. Đầu nó tự nhiên trống rỗng như một chiếc hộp đã dốc hết đồ chứa bên trong. Tại sao thầy Akô Nô lại đến đây? Đến đây bằng cách nào và để làm gì? Và làm sao mà thầy biết được núi Lưng Chừng nằm ở đâu nếu không có con ngựa bay của Yan Dran dẫn đường? Thầy đã gặp chủ nhân núi Lưng Chừng chưa và có đúng là thầy vẫn sống sót sau khi gặp ngài? Nguyên nhớ là khi tụi nó chuẩn bị rời khỏi trường Đămri để bắt đầu cuộc hành trình gian khổ đến núi Lưng Chừng, thầy Akô Nô cũng có mặt ở đó, cùng với thầy N’Trang Long và thầy Haifai, thậm chí nó còn nhớ thầy hét om sòm, chúc Păng Ting lên đường bình an, ờ mà thầy cũng ngộ thiệt, cả đống đứa ra đi mà thầy chẳng chúc ai, chỉ chúc mỗi con nhỏ Păng Ting. Như vậy hổng biết thầy có biết là mình đã có mặt ở hòn núi huyền bí này chưa? Ờ, biết đâu thầy cố tình đi tìm mình? Nguyên lại chìm vào những suy nghĩ miên man, chuyện nọ xọ chuyện kia, suốt một lúc lâu nó bần thần vắt óc như người ta vắt một múi chanh nhưng hổng chảy ra được chút nước nào.
Ở trên tảng đá trước mặt, thầy Akô Nô vẫn hồn nhiên đùa giỡn, hoàn toàn là một đứa bé, quần áo và mái tóc trái đào ướt đẫm, những tràng cười thích thú chốc chốc lại vang lên, ngân nga không dứt do đập vào vách đá rồi dội ngược trở ra, lan dài trong gió.
Nguyên nghe tim mình nhảy tưng tưng. Nó biết thầy Akô Nô vẫn có tính cách của một đứa trẻ con, dù thầy là một siêu phù thủy và đang giảng dạy lớp Cao cấp 1 trường Đămri. Mà một đứa trẻ con khi đã vui chơi thì bất kể trời đất. Suốt một lúc lâu, thầy Akô Nô cứ cười như nắc nẻ trên phiến đá, trong khi Nguyên bụng giật thon thót, cứ phải đảo mắt nhìn quanh, sợ tiếng cười của thầy đánh động chủ nhân núi Lưng Chừng hoặc khiến con rồng Ouroboros mò tới.
Nguyên nhìn quanh quất như vậy cả chục lần. Đến lần thứ mười một thì nó không nhúc nhích cái cổ được nữa. Cổ nó cứng đơ và miệng há ra khi nhìn thấy ba cái chấm màu đỏ hiện ra ở bên tay trái, trên một con đường khác dẫn vào thung. Chết rồi, rồng Ouroboros?
Từ lúc đó, đôi mắt của Nguyên không nhắm lại được nữa. Sự sợ hãi như một cái que chống giữa hai mí mắt nó. Nó trừng trừng nhìn ba chấm đỏ đang di động về phía nó, ruột gan tan ra, cái xác Kăply trên tay bỗng nhiên nặng như chì.
Nguyên chỉ hơi dễ thở một chút khi ba cái chấm đỏ đến gần và nó thấy những cái chấm đó ngó không giống rồng cho lắm.
Bây giờ thì Nguyên đã biết đó là ba người mặc áo chùng đỏ. Và khi họ lướt ngang qua chỗ nấp của nó để tiến về phía tảng đá thầy Akô Nô ngồi thì nó sửng sốt nhận ra đó là Tam phù thủy Bạch kỳ lân. Lẽ ra khi nhác thấy ba chấm đỏ di động đằng xa, Nguyên phải lập tức nghĩ ngay đến các chàng trai tuấn tú này, nhưng thiệt tình dù có nằm mơ nó cũng không thể hình dung Tam phù thủy Bạch kỳ lân lại xuất hiện ở chốn này. Theo truyền thuyết ở xứ Lang Biang, núi Lưng Chừng là một huyền thoại, đó là ngọn-núi-không-tùy-ý-muốn, là nơi không ai đến được, thậm chí không biết nó ở đâu và nếu đúng như những gì Nguyên nghe được thì tự cổ chí kim chỉ có Đại tiên ông Mackeno là người duy nhất đến được nơi đó mà thôi. Vậy mà bây giờ, ngoài nó và Kăply ra, còn cả đống người có mặt ở đây, biểu làm sao nó không ngỡ ngàng cho được.
Rúc chặt trong bụi, Nguyên thò lỏ mắt dòm ra, mồ hôi chảy ướt trán, cảm thấy sự việc sắp đến hồi quan trọng. Ai đã thuê Bạch kỳ lân đi tìm thầy Akô Nô? Hổng lẽ trùm Bastu cho rằng thầy đến đây để giúp đỡ mình hái những quả táo vàng và tìm cách ngăn chặn? Nhưng khi dùng chiếc mặt nạ thần hộ mệnh để kéo dài mạng sống cho Kăply, Bastu chẳng đã tuyên bố hắn tò mò muốn coi thử chiến binh giữ đền là thứ quái vật gì đó sao? Thiệt ra hắn có sợ cóc gì những chiến binh giữ đền cỡ như mình và Kăply! Những câu hỏi không ngừng gợn lên lăn tăn trong đầu Nguyên, câu này nối tiếp câu kia, tất cả xoắn vào nhau như mớ bòng bong, càng lúc càng rối tít mù.
Tam phù thủy Bạch kỳ lân đã đến trước tảng đá thầy Akô Nô ngồi, đứng thành một hàng ngang, gậy sừng hươu nắm chặt trên tay. Nguyên hồi hộp muốn nín thở khi thấy thầy Akô Nô dường như không hay biết có người đến bên cạnh, vẫn cắm đầu đùa giỡn, hai chân vừa đập ầm ầm vừa đá vung làm nước văng tung tóe.
Nước bắn cả lên đầu cổ các chàng trai Bạch kỳ lân, những chiếc áo chùng đỏ bị dây nước, thẫm lại như tiết gà, cả mái tóc đẹp lẫn tấm khăn choàng trắng tinh bằng lông thú lúc này cũng ướt nhẹp, khiến họ trông giống như vừa từ dưới sông lên.
Nguyên như ngồi trên đống lửa. Nó đinh ninh những chàng trai đỏm dáng Bạch kỳ lân sẽ nổi giận đùng đùng trước những trò quá quắt của thầy Akô Nô, nhưng rồi nó thuỗn mặt ra khi trông bộ tịch của bọn họ nguội ngắt. Họ không phản ứng gì đã đành, hình như cũng không dám cả lấy tay chùi, cứ để mặc nước chảy ròng ròng trên mặt.
Gì thế nhỉ? Nguyên thầm hỏi. Hay là họ biết họ không phải là đối thủ của thầy Akô Nô? Nhưng nếu vậy thì họ nhận lời của trùm Bastu làm gì?
Tam phù thủy Bạch kỳ lân giải đáp các thắc mắc trong đầu Nguyên bằng cách đồng loạt cúi đầu thật thấp trước tảng đá, cất giọng lễ phép:
– Chào thầy…
Đôi môi Nguyên lập tức vẽ thành hình chữ O.
Thầy???
, Nguyên khẽ thốt lên, tay chân tê đi, đầu kêu vo vo như có ai vừa đánh rơi một cái chong chóng trong đó.
Thầy Akô Nô bây giờ mới từ từ quay mặt lại.
– Tụi con đấy à? – Thầy nhìn các chàng trai Bạch kỳ lân bằng vẻ mặt tươi cười.
Tam phù thủy Bạch kỳ lân không trả lời, chỉ đưa cặp mắt lo lắng nhìn thầy Akô Nô.
– Tụi con vừa ăn trúng thứ gì mà á khẩu cả đám vậy hả? – Thầy Akô Nô cười hì hì – Lại đánh thua người ta chứ gì?
Câu hỏi của thầy làm các chàng trai cụp mắt xuống, trông họ tiu nghỉu như các học trò đang chờ trách phạt.
Ra họ là thầy trò thật! Nguyên nhấp nhổm trong bụi cây, lạ lùng nghĩ và cố mở to mắt hơn nữa.
– Đứng thẳng người lên xem nào! – Thầy Akô Nô cao giọng – Tụi con đánh thua Baltalon thì việc gì phải rầu rĩ chớ. Bộ tụi con tưởng tên đó là đồ rác rưởi sao?
Masari lí nhí:
– Ngay cả Tứ bất tử tụi con cũng không làm gì nổi hắn, thưa thầy. Tụi con phải liên thủ với Hắc tinh tinh mới đánh ngang tay với hắn.
– Chẳng sao hết. – Thầy Akô Nô khoát tay – Tứ bất tử là tổng quản lâu đài Sêrôpôk, tài nghệ không phải tầm thường.
Thầy nhỏm người dậy, đứng thẳng người trên phiến đá, thò tay cốc đầu Masari một cái:
– Con ngu quá! Nếu tụi con xuống núi đánh đâu thắng đó, chẳng hóa ra cái xứ Lang Biang là một đống giẻ rách à.
Một thằng nhóc mười tuổi gõ đầu và lên giọng dạy đời một thanh niên hăm bốn, hăm lăm tuổi trông hoạt kê đến mức Nguyên suýt phì cười, nhờ vậy mà nó cảm thấy bớt căng thẳng được một chút.
Thầy lại giơ tay đập bốp lên đầu Pila và Karăm:
– Hai đứa con cũng vậy. Vui vẻ lên. Ta sẽ dạy thêm cho tụi con vài câu thần chú đủ để tụi con đánh cho Baltalon lăn bò càng.
Pila nuốt nước bọt, vẫn cúi gằm đầu:
– Hắn chết rồi, thưa thầy.
– Hắn chết rồi thì kệ hắn. – Thầy Akô Nô gầm gừ – Còn cả đống tên khác nữa chi. Rồi Tứ bất tử nữa. Tụi con phải bẻ giò mấy con vật bẩn thỉu của hắn để trả thù chớ…
Như một đứa trẻ hiếu thắng, thầy Akô Nô càng nói càng hăng, tay huơ loạn xị, đến nỗi Nguyên có cảm tưởng nếu các chàng trai Bạch kỳ lân không kịp thời ngăn lại, thầy sẽ đứt hơi mất.
Thầy Akô Nô tiếp tục tuôn một tràng nữa, cho tới khi tít đằng xa, trên con đường Tam phù thủy Bạch kỳ lân vừa đi qua thình lình xuất hiện ba chấm đen.
Lần này thì Nguyên đoán ra ngay đó là Tam phù thủy Hắc tinh tinh và một lần nữa nó có cảm giác nó vừa trúng phải bùa Ngốc, đầu óc cứ ngu dần từng phút một.
Năm phút sau, Nguyên còn ù ù cạc cạc hơn nữa khi ba thân hình cao lêu nghêu của Hắc tinh tinh đứng nghiêm trước thầy Akô Nô, khom mình cung kính:
– Chào thầy…
Nguyên đứng lặng người trong bụi cây, mắt nhìn trân trối ra phía trước và hoàn toàn không tin những gì nó đang trông thấy. Nguyên biết mình không phải là đứa ngu ngốc, nó tin nó có thể nghĩ ra nhiều chuyện trên đời nhưng chắc chắn không bao giờ nó nghĩ ra được rằng Bạch kỳ lân và Hắc tinh tinh đều là học trò của thầy Akô Nô. Đó là sự thật không ai có thể tưởng tượng ra hoặc mơ thấy, ngay cả khi không còn gì để mà mơ nữa. Bây giờ nó mới nhớ đến những gì thằng Suku nói với nó trên đường đến trường trong ngày đi học đầu tiên. Thằng oắt khoe trường đào tạo tài năng Đămri là nơi sản sinh ra những pháp sư và phù thủy lừng danh nhất xứ Lang Biang trong vòng một ngàn năm nay. Giáo chủ Ama Êban, vợ chồng pháp sư K’Rahlan – Ka Ming, pháp sư K’Srêgơl, pháp sư K’Tul, bà Êmô, kể cả trùm Bastu và các sứ giả khét tiếng của hắn cũng xuất thân tại đây. Chỉ có Tam phù thủy Hắc tinh tinh và Bạch kỳ lân là không phải học sinh trường này. Bữa đó thằng Suku thú nhận là chính nó cũng không biết bọn Tam phù thủy học hành ở đâu. Hóa ra họ là học trò của thầy Akô Nô! Nguyên thở hắt ra, đầu tưng tưng, hơi lo lo khi thấy mình có vẻ bắt đầu giống thằng Mom hết sức.
Tam phù thủy Hắc tinh tinh sau khi cất tiếng chào, lập tức đứng im thin thít, tay chân thẳng đuột như càng cố giống thân cây khô hơn nữa.
Thầy Akô Nô lừ lừ nhìn ba tên học trò mới đến, không nói tiếng nào. Nguyên ngạc nhiên thấy thầy có vẻ ác cảm với bọn Hắc tinh tinh nếu so với thái độ tươi cười lúc thầy gặp các chàng trai Bạch kỳ lân.
– Hay lắm! Hay thiệt là hay!
Mãi một lúc thầy mới nhếch mép, giọng bèn bẹt không rõ khen ngợi hay chế giễu và Nguyên thấy rõ Tam phù thủy Hắc tinh tinh đang run lên trong những chiếc áo thụng đen.
Thầy chống hai tay vô hông, hừ giọng:
– Sao? Tụi bay trở về thân tàn ma dại như thế này à?
Tam phù thủy Hắc tinh tinh trả lời bằng cách cúi đầu thấp hơn nữa.
Thầy Akô Nô tung chân đá vào phù thủy đứng giữa, rít lên giận dữ:
– Ngước mặt lên, đồ khốn!
Thầy đá bồi thêm một cái nữa:
– Nói nghe coi! Mấy con giun thổ tả của tụi bay đâu rồi?
Lúc đầu Nguyên không hiểu thầy muốn ám chỉ điều gì, đến khi phù thủy Hắc tinh tinh đứng giữa lắp bắp đáp, nó mới biết thầy muốn nói đến ba con hắc xà:
– Thưa thầy… thưa thầy… bọn chúng chết rồi…
Thầy Akô Nô gật gù, lặp lại câu nói đầu tiên bằng giọng đe dọa:
– Hay lắm! Hay thiệt là hay!
– Thưa thầy…
– Thưa cái con khỉ! – Thầy Akô Nô quát ầm – May mà thiên hạ không biết tụi bay là học trò ta, nếu biết, chắc ta treo cổ tự tử vì nhục mất.
Phù thủy bên trái lấy hết can đảm ngước mặt lên:
– Thưa thầy… tụi con đụng phải thanh xà bạch xà… mà thầy cũng biết rồi, đó là linh xà…
– Linh cái đầu mày! – Thầy Akô Nô đá đứa học trò vừa lên tiếng một cái
bịch
vào giữa ngực, xẳng giọng – Biết hai con rắn đó là linh xà thì tránh xa ra, ai bảo tụi bay cậy giỏi sấn vào. Hổng lẽ học trò của Akô Nô ngu đến mức không biết hai con ma nhóc Pôcô Pôca đang ở nhà gã Yan Dran sao! Hừm, thiệt tức chết được!
Bị mắng xối xả, Tam phù thủy Hắc tinh tinh im như thóc, lại cúi mặt xuống.
Nhưng thầy Akô Nô không có vẻ gì là sắp buông tha cho ba tên học trò tội nghiệp.
– Thế còn Balibia thì sao? – Thầy gừ gừ – Hắn đâu có phải là linh xà linh xiếc gì, nhưng vừa thấy cấm lệnh của hắn, tụi bay đã chạy vắt giò lên cổ là sao? Lại là cấm lệnh giả nữa mới nhục chớ!
Phù thủy đứng giữa ấp úng phân trần:
– Balibia là tả hộ pháp của Bastu. Mà… thầy… thầy Ôkô Na không cho tụi con đối đầu với phe Hắc Ám…
Nghe nhắc đến Ôkô Na, thầy Akô Nô thở đánh thượt, giọng buồn bực:
– Ôi, cái lão chết tiệt đó! Vừa ngu ngốc, vừa độc ác, vừa xấu xí, lão chẳng dạy cho học trò được điều gì tử tế. Thiệt tình!
Đang than thở, mắt thầy bỗng quắc lên:
– Thế còn Tứ bất tử? Tụi bay gặp hắn, chưa đánh đã són ra quần rồi phải không?
Nguyên càng nghe, đầu óc càng quay cuồng: Thầy Ôkô Na nào nữa? Hổng lẽ bọn Tam phù thủy có tới hai vị sư phụ? Làm thầy của Tam phù thủy chắc chắn trình độ pháp thuật phải ngang cỡ thầy Akô Nô, thế sao mình chưa bao giờ nghe ai nhắc đến cái tên Ôkô Na lạ hoắc này? Ờ, nhưng tài nghệ siêu đẳng như thầy Akô Nô, trước khi thầy về trường Đămri, mình cũng có nghe tiếng tăm gì đâu!
Mải nghĩ ngợi, Nguyên không nghe những đối đáp sau đó giữa thầy trò Tam phù thủy. Khi nó dứt ra khỏi mớ bòng bong trong đầu, ngước lên, đã thấy bọn Hắc tinh tinh người nào người nấy đang ôm mặt nhăn nhó. Còn thầy Akô Nô thì cười nhạt:
– Lần này ta cho mũi tụi bay lệch qua bên phải. Phạt như vậy là nhẹ tay lắm rồi. Lần sau ta mà ngứa mắt, ta sẽ cho cái mũi tụi bay rụng luôn xuống đất. Liệu hồn đó.
Thầy đá chân vào không khí:
– Cút!
Tam phù thủy Hắc tinh tinh cúi gập mình chào rồi lủi thủi quay lại đường cũ, mũ trùm lệch hẳn một bên, tay người nào người nấy vẫn bụm chặt lấy mũi.
– Tụi con cũng về nghỉ đi! – Thầy quay sang các chàng trai Bạch kỳ lân, giọng dịu dàng như thể thầy có thể nói bằng hai thứ giọng khác nhau trong một phút.
Masari có vẻ như chẳng hào hứng gì trước sự trừng phạt thầy Akô Nô dành cho bọn Hắc tinh tinh. Anh nhìn theo ba chấm đen đang thất thểu đằng xa, nhăn nhó:
– Thầy ơi, thầy nặng tay quá…
– Hề hề, ta tưởng ta ra tay như vậy là nhẹ hều đó chớ. – Thầy Akô Nô cười nói, tay xua xua trước mặt như muốn bảo Masari đừng ca cẩm nữa.
Masari không dám hé môi, khẽ liếc sang Pila và Karăm rồi quay lại phía thầy Akô Nô, ngoan ngoãn:
– Thưa thầy, tụi con đi.
Chân mỏi nhừ, Nguyên ngồi bệt xuống cỏ, đưa mắt nhìn theo các chàng trai Bạch kỳ lân đang nối gót Hắc tinh tinh ra khỏi thung trên con đường khi nãy, bụng phân vân không biết nên ngồi lì trong bụi hay chạy ra chào thầy.
Đang lưỡng lự, nó bỗng giật bắn khi nghe tiếng thầy Akô Nô vang lên rất rành rọt:
– Ta nghĩ là ngươi chui ra được rồi đó.
Thoạt đầu Nguyên không nghĩ là thầy nói với nó. Nó hồi hộp quay đầu nhìn quanh nhưng chẳng thấy một bóng người nào quanh đó. Hay là mình? Hổng lẽ thầy biết mình nấp trong này?
– Ngươi nhớn nhác cái gì vậy! Ta nói ngươi đó, K’Brăk! – Tiếng thầy Akô Nô lại oang oang.
Lần này thì Nguyên vội vàng bước ra khỏi chỗ nấp.
Nó chưa kịp lên tiếng chào thì ánh mắt của thầy Akô Nô đã trượt từ mặt nó xuống cái xác của Kăply, mày cau lại:
– Làm gì mà ngươi ôm nó cứng ngắc vậy. Thả nó chỗ bụi cây kia đi!
Nguyên cúi xuống Kăply rồi ngước nhìn thầy Akô Nô, ngơ ngác:
– Thả xuống hả thầy?
– Thì thả xuống chớ ngươi ôm làm gì cho mỏi tay.
Nguyên liền ngồi xổm và sè sẹ đặt Kăply xuống cỏ, chưa kịp buông tay, thầy Akô Nô đã quát giật:
– Ta bảo ngươi đặt nó chỗ bụi cây kia kìa. Chỗ ngươi nấp từ sáng đến giờ đó.
Nguyên không hiểu tại sao thầy Akô Nô lại bắt mình đặt Kăply chỗ đó nhưng nó không hỏi lại, cắm cúi ôm Kăply đi tới chỗ bụi cây khi nãy, thận trọng đặt xuống. Lúc ngẩng lên, nó bắt gặp cặp mắt của con khỉ Chacha lấp ló sau cành lá nhìn ra.
– Cứ để con khỉ con ở trong đó. Ngươi lại đây ta bảo.
Tiếng thầy Akô Nô vang lên và cái cách thầy nhìn thấy hết mọi thứ làm Nguyên muốn nổi da gà.
Đợi thằng nhóc lại gần, thầy Akô Nô nghiêm trang nói:
– K’Brêt chỉ kéo dài tính mạng được đến trưa mai, và tối nay nếu ta không thuyết phục được lão Ôkô Na ra tay giúp đỡ, nó sẽ vĩnh viễn không còn nhìn thấy mặt trời nữa.
Nguyên cúi đầu:
– Dạ, con hiểu.
Và ở tư thế giống như cam chịu đó, một câu hỏi đột ngột xì ra từ cổ họng nó:
– Ủa, Ôkô Na là ai vậy thầy?
Câu hỏi của Nguyên làm thầy Akô Nô nhăn mặt như vừa nhai phải một hạt sạn:
– Lão đó ư? Hừm, đó là một lão già thổ tả nhất mà ta được biết. Có thể nói tóm tắt, lão là một cái túi chứa đủ mọi thứ xấu xa. Nói chung là con không nên biết nhiều về lão ta làm gì!
Nguyên tính hỏi có phải Ôkô Na cũng là thầy của Hắc tinh tinh và Bạch kỳ lân không, nhưng nghe thầy Akô Nô nói vậy, nó đành nuốt câu hỏi trở lại vào bụng.
– Ngươi đừng có nghĩ ngợi lung tung, hãy ráng nhớ những gì ta dặn đây nè. – Thầy Akô Nô hắng giọng, mắt nhìn Nguyên chằm chằm như để kiểm tra xem nó có tập trung hay không – Chiều nay, ngay khi trời vừa tắt nắng, lão Ôkô Na sẽ xuất hiện. Lão sẽ ngồi ngay trên phiến đá ta đang ngồi đây. Bạch kỳ lân và Hắc tinh tinh sẽ đến gặp lão, nghe lão răn dạy, mắng nhiếc và trừng phạt, đại khái là bằng khoảng thời gian mà ta trừng phạt, mắng nhiếc và răn dạy tụi nó. Trong thời gian đó, ngươi cứ nấp trong bụi cây khi nãy, không được lên tiếng, cũng không được cử động gì hết.
Nguyên nín thở:
– Thế lão có biết con đang nấp trong đó không hả thầy?
– Ngươi nấp ở đâu mà lão chả biết, cái lão tà đạo đó. Nhưng nếu ngươi cứ nín thinh, cũng không có bất cứ hành động gì thì lão sẽ không động đến ngươi. Đó là điều mà ta sẽ thỏa thuận với lão.
Nguyên lại thấp thỏm:
– Thế con phải nấp đến bao lâu hả thầy?
Thầy Akô Nô lừ mắt nhìn Nguyên một cái, thản nhiên tiếp:
– Sau khi lũ học trò giải tán, lão Ôkô Na sẽ tự biến thành con basilic. – Chỗ này, Nguyên hoàn toàn không nghe mình thở, nó vểnh tai lên, ước chi có thêm vài cái tai nữa để nghe cho rõ – Con basilic sẽ bò đến chỗ K’Brêt để hút nọc độc ra.
Giọng thầy Akô Nô chuyển qua dặn dò:
– Suốt trong thời gian đó, kể từ lúc lão Ôkô Na hóa ra con basilic, ngươi nhớ đeo cặp kiếng pháp thuật của thằng oắt Suku vào.
Nguyên liếm môi:
– Con sẽ nhắm tịt mắt lại cho chắc ăn.
– Điều này mới quan trọng nè. – Thầy Akô Nô đột ngột cao giọng – Khi con basilic hút xong nọc độc trong người K’Brêt và bỏ đi, con khỉ Chacha phải nhào ra ôm K’Brêt chạy đi liền…
– Sao vậy thầy?
– Nếu không đem K’Brêt đi, khi con basilic tiêu hóa xong nọc độc mà nó vừa hút, chắc chắn nó sẽ quay lại tấn công. – Thầy Akô Nô nhìn cái miệng há hốc của Nguyên, thở dài giải thích – Lão Ôkô Na nếu đã hứa sẽ hút nọc độc cho K’Brêt thì dĩ nhiên lão sẽ làm, nhưng lão coi chuyện sau đó lão mổ chết K’Brêt hay biến nó thành đá là một chuyện hoàn toàn khác, không liên quan gì đến lời hứa kia. Lão ôn dịch này tính khí rất kỳ quặc, vì vậy ngươi phải nhớ kỹ lời ta dặn.
Nguyên dứt mạnh một sợi tóc:
– Thầy ơi, thế con không tự mình ôm K’Brêt chạy đi được sao? Con khỉ Chacha chắc gì đã cẩn thận…
Thầy Akô Nô sờ tay lên đầu Nguyên, nắn tới nắn lui một lúc rồi hừ mũi:
– Ta thấy đầu ngươi cũng mềm đó chớ, đâu có giống cục gạch.
Thầy bỏ tay xuống,
xì
một tiếng:
– Lúc nãy ta nói gì, hổng lẽ ngươi quên sạch rồi sao? Ta nói là ngươi không được làm bất cứ hành động gì, nghĩa là không động đậy gì hết, chỉ khi nào con Chacha cắp thằng nhãi K’Brêt chạy đi thì ngươi mới được co giò chạy theo, và cố mà chạy cho xa, hiểu chưa?
– Dạ hiểu.
Nguyên gượng gạo đáp, trong khi nó nghĩ là nó không hiểu cái quái gì hết. Đã vậy, nó còn khổ tâm hết sức khi bị đem ra so sánh với cục gạch, tự nhiên nó thấy nó giống thằng Kăply dễ sợ và ý nghĩ đó làm miệng nó như bị ai kéo lệch đi.
– Hiểu rồi thì đi đi. – Thầy Akô Nô phẩy tay về phía bụi cây – Ta cũng đi đây.
Nguyên nói nhanh, như sợ thầy Akô Nô biến mất:
– Thế tối nay thầy có tới đây không hả thầy?
Nó hối hả nói thêm, khi thấy thầy Akô Nô có vẻ như sắp sửa lắc đầu:
– Thầy tới nha thầy. Có thầy bên cạnh chắc con sẽ đỡ sợ hơn.
– Có lẽ là ta không tới được, K’Brăk à. – Trong khoảnh khắc, giọng thầy Akô Nô chợt chùng xuống, nghe trầm và buồn hiu hắt, thứ giọng không thể nhầm lẫn của người chất chứa nhiều tâm sự nặng nề, và khi thầy thốt ra những lời đó, Nguyên thấy rõ đôi mắt của thầy bỗng nhiên trở nên xa vắng và có vẻ thầy cố tình nhìn đi đâu đó phía trên đầu Nguyên như không muốn nó nhận ra nỗi buồn thăm thẳm của thầy – Hừm, ta không muốn giáp mặt với lão Ôkô Na. Ngươi biết không, lão và ta giống như là nước với lửa, thậm chí còn hơn thế nữa. Ở đâu có người này thì không có người kia.
Thầy đặt tay lên vai Nguyên, một động tác giống như để sưởi ấm đứa học trò và lấy giọng điềm tĩnh:
– Nhưng ngươi chẳng việc gì phải lo lắng. Nếu ngươi làm đúng theo những gì ta dặn, mọi chuyện ắt sẽ tốt đẹp. Lão Ôkô Na tuy độc ác nhưng dẫu sao lão cũng biết giữ lời. Hà, nếu một ngày nào đó lão thực sự trở thành con người táng tận lương tâm thì ta sẽ liều với lão. Bất quá cả hai đều chết là cùng!
Những câu cuối cùng, giọng của thầy Akô Nô lại trở lại âm sắc ban đầu, ấm ức và phiền muộn, có lẽ hoàn toàn không ý thức, cái kiểu của người tự nhiên rơi vào trạng thái độc thoại với chính mình.
Cái cách thầy cắt ngang câu chuyện cũng rất đáng chú ý. Đang cúi đầu suy tư, Nguyên bỗng nghe vai mình nhẹ hẫng. Nó ngẩng phắt lên, chớp mắt liền hai, ba cái, bàng hoàng thấy phiến đá trước mặt trống trơn.