Chương 01 - Phần 01


Số từ: 4716
Cô Đơn Trên Mạng
Tác giả:Janusz Leon Wisniewski
Thể loại:Tiểu Thuyết
Nguồn: Gác Sách
Chín tháng trước...
Thềm ga cạnh đường tầu số bốn ở sân ga số mười một của ga Berlin Lichtengerg là nơi có nhiều vụ lao xuống đường tàu tự vẫn nhất. Đó là thống kê chính thức và chi tiết theo đúng kiểu Đức đối với tất cả các nhà ga của Berlin. Với lại có thể nhận thấy điều đó nếu ngồi trên ghế chờ trên đường số bốn ở sân ga mười một. Đường ray ở đấy bóng loáng hơn nhiều so với những chỗ khác. Những cú phanh khẩn cấp luôn luôn xảy ra để lại khá lâu những đường ray nhẵn bóng. Ngoài ra, cái nền bê tông xám xỉn và bẩn thỉu trên toàn bộ chiều dài của sân ga có nhiều chỗ sáng hơn hẳn - đôi chỗ gần như trắng. Ở những chỗ này nhân viên nhà ga đã phải dùng những chất tẩy mạnh để rửa những vệt máu từ những cơ thể bị thương hay bị tàu nghiến đứt của những kẻ tự vẫn.
Lichtenberg là một trong những ga xa nhất của ngoại vi Berlin, thêm vào đó, là ga ít được quan tâm nhất. Tước bỏ cuộc sống của mình ở ga Berlin Lichtenberg, người ta cảm thấy như bỏ lại phía sau cái thế giới bằng vữa đã bong tróc, xám xịt, bẩn thỉu và sặc mùi nước đái chen chúc những con người hối hả, buồn bã hay thậm chí thất vọng. Bỏ lại vĩnh viễn một thế giới như vậy dễ hơn nhiều.
Lối vào theo những bậc thang đá lên sân ga số mười một là lối vào cuối cùng trong đường ngầm giữa phòng vé và trạm biến thế. Đường tàu số bốn là đường tàu xa nhất của nhà ga. Nếu chợt nảy ra ý đồ tự vẫn ở phòng vé của nhà ga Berlin Lichtenberg bằng cách lao vào đoàn tàu, thì việc đi lên đường tàu số bốn ở sân số mười một sẽ kéo dài cuộc sống lâu hơn cả. Do đó mà hầu như bao giờ những người tự vẫn cũng chọn đường tàu số bốn ở sân ga số mười một.
Trên thềm ga cạnh đường tàu số bốn có hai cái ghế gỗ chi chít những chữ grafitô được khắc bằng dao được gắn xuống nền bê tông bằng những cái đinh vít cực to. Một người đàn ông gầy còm, hôi hám ngồi trên cái ghế gần cửa xuống đường ngầm. Ông ta sống trên đường phố đã nhiều năm nay. Người run rẩy vì rét và sợ. Ông ta ngồi, hai chân vặn vẹo một cách không bình thường, tay đút vào túi áo khoác vinilon sờn bẩn với nhiều chỗ dán bằng băng dính vàng có dòng chữ Just do it. Ông ta hút thuốc lá. Trên ghế, mấy vỏ lon bia và một cái vỏ chai rượu lăn lóc cạnh ông ta. Cạnh ghế là cái túi nilon quảng cáo của mạng Aldi mà màu vàng của nó đã bị bong từ lâu, trong đó chứa toàn bộ tài sản của ông. Một cái chăn len thủng lỗ chỗ, vài cái ống tiêm, một hộp đựng thuốc sợi, một gói nhỏ giấy cuốn thuốc lá, một cuốn album ảnh đám tang đứa con trai, một cái mở đồ hộp, một bao diêm, hai bọc nhỏ methadone(1), một cuốn sách của Remarque đầy vết cà phê và máu. Một cái ví da sờn cũ kỹ với những tấm ảnh của một phụ nữ trẻ đã ố vàng, sờn, bằng đại học và một giấy chứng nhận không có tiền án tiền sự. Buổi tối hôm ấy, người đàn ông đã ghim vào một trong số những tấm ảnh của người phụ nữ trẻ một bức thư và một tờ 100 mác.
1. Methadone: một loại thuốc ngủ.
Lúc này ông ta chờ chuyến tàu từ Berlin ZOO đi Angermuede. Mười hai phút sau nửa đêm. Chuyến tàu tốc hành với những chỗ dự phòng bắt buộc và toa Mitropa cạnh mấy toa hạng nhất. Chuyến tàu này không bao giờ dừng ở ga Lichtenberg. Nó chạy rất nhanh qua đường tàu số bốn và mất hút vào bóng đêm. Đoàn tàu có khoảng hai mươi toa. Về mùa hè thậm chí còn nhiều toa hơn. Người đàn ông biết điều này đã lâu. Ông ta đã nhiều lần đến đây chờ nó.
Người đàn ông sợ hãi. Song nỗi sợ hôm nay hoàn toàn khác. Nó tổng hợp, được biết đến rộng rãi, được đặt tên và được nghiên cứu kỹ. Ông biết rất rõ mình sợ cái gì. Tồi tệ nhất là sợ một cái gì đó không thể gọi tên. Với nỗi sợ không tên thì những ống tiêm cũng chẳng ích gì.
Hôm nay ông đến đây lần cuối cùng. Sau đó sẽ chẳng bao giờ còn phải cô đơn nữa. Không bao giờ. Cô đơn là điều tồi tệ nhất. Ông ngồi đợi chuyến tàu này một cách bình thản, hài lòng với bản thân. Có thể nói là vui sướng nữa.
Trên cái ghế thứ hai, ở đằng sau kiốt bán báo và đồ uống, một người đàn ông khác đang ngồi. Thật khó mà xác định tuổi của anh ta. Chừng ba bảy, bốn mươi tuổi. Da rám nắng, thơm mùi nước cạo râu đắt tiền, mặc một cái áo vét len đen, quần hiệu sáng màu, chiếc sơ mi màu ôliu không cài cúc và thắt cravát màu xanh lá cây. Một chiếc vali kim loại dán đầy nhãn của các hãng hàng không để cạnh ghế. Anh ta bật chiếc máy tính vừa lấy ra từ cái túi da màu đen, nhưng lại đặt ngay sang bên cạnh. Màn hình máy tính nhấp nháy trong bóng tối. Kim đồng hồ trên sân ga đã bỏ qua con số mười hai. Bắt đầu ngày chủ nhật, ba mươi tháng tư. Người đàn ông gục đầu vào lòng bàn tay. Nhắm mắt. Khóc.
Người đàn ông ở cái ghế cạnh lối lên xuống đứng dậy. Với cái túi quảng cáo nhựa, ông ta kiểm tra lại bức thư và tiền trong ví, cầm một lon bia đen và đi về phía cuối thềm ga, ngay cạnh xêmapho(2). Ông đã nhắm cho mình chỗ này từ lâu. Khi đi qua kiốt bán đồ uống, ông nhìn thấy anh. Ông không ngờ lại có ai đó trên sân ga số mười một vào sau nửa đêm này. Bao giờ ông cũng ở đây một mình. Một nỗi bất an khác với sự sợ hãi bao trùm lấy ông. Sự có mặt của người thứ hai này làm hỏng toàn bộ kế hoạch của ông. Ông không muốn gặp bất cứ ai trên đoạn đường đến hết thềm ga. Hết thềm ga... Đó thực sự là hết.
2. Xêmapho: cột đèn tín hiệu xe lửa.
Ông bỗng cảm thấy muốn chia tay với người kia. Ông đi đến chỗ cái ghế. Dịch cái máy tính ra, và ngồi cạnh anh.
- Ông bạn, uống với tôi một ngụm bia chứ? Ngụm cuối cùng. Uống chứ? - Ông hỏi, chạm tay vào đùi anh ta và đưa lon bia về phía anh ta.
ANH: Đã quá nửa đêm. Anh cúi đầu và thấy không thể giữ nổi những giọt nước mắt. Đã lâu rồi anh không cảm thấy cô đơn như vậy. Chỉ tại cái sinh nhật này. Từ mấy năm nay, cô đơn như một cảm giác hiếm khi chạm phải anh trong cái nhịp sống thường nhật điên cuồng. Người ta chỉ cô đơn khi có thời gian cho nó. Anh không có thời gian. Anh cần mẫn tổ chức cuộc sống của mình sao cho không còn thời gian. Những dự án ở Munich, ở Mỹ, làm tiến sĩ khoa học, và những bài giảng ở Ba Lan, hội thảo khoa học, các bài công bố. Không, trong tiểu sử của anh thời gian gần đây không có những quãng nghỉ cho suy ngẫm về nỗi cô đơn, cho sự uỷ mỵ và yếu đuối như anh đang cảm thấy lúc này, ở đây. Ở đây, ở cái nhà ga trống trải xám xịt này, bị trừng phạt bằng cách không có gì để làm, anh không thể làm một cái gì khác để quên, và cô đơn ập đến như một cơn hen. Việc anh ở đây và có quãng nghỉ không hề kế hoạch trước này chỉ là một sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn thông thường, phi lý, vô nghĩa. Giống như một lỗi in. Trước khi hạ cánh ở Berlin Hegel, anh đã kiểm tra giờ tàu trên Internet và không để ý là tàu từ Berlin Lichtenberg đi Warszawa chỉ chạy vào các ngày làm việc. Mà thứ bẩy thì vừa kết thúc trước đây một lúc. Thậm chí anh có quyền không để ý đến điều đó. Khi ấy là buổi sáng và trước mắt anh là hơn chục giờ bay từ Seattle, một chuyến bay khép lại một tuần làm việc không kịp thở.
Sinh nhật vào nửa đêm tại ga Berlin Lichtenberg. Một cái gì đó thật khó tin. Phải chăng anh có mặt ở đây vì một sứ mệnh nào đấy?! Chỗ này có thể là địa điểm cho một cảnh phim, nhất thiết phải là đen trắng, về sự vô nghĩa, ảm đạm và nỗi đau của cuộc đời. Anh dám chắc rằng trong khoảnh khắc như thế này, Wojaczek có thể viết nên bài thơ thê lương nhất của mình.
Sinh nhật. Anh đã ra đời như thế nào nhỉ? Việc ấy đã xảy ra như thế nào? Mẹ anh đã đau ra sao? Mẹ đã nghĩ gì trong cơn đau ấy? Chưa bao giờ anh hỏi mẹ về điều này. Mà tại sao anh lại chưa hề hỏi? Chỉ đơn giản: "Mẹ ơi, lúc sinh con, chắc mẹ đau lắm phải không?"
Giờ đây anh muốn biết điều đó, thế mà khi mẹ còn sống anh lại không nghĩ đến.
Bây giờ thì mẹ không còn nữa. Và những người khác cũng không. Tất cả những người quan trọng nhất, những người mà anh yêu thương, đều đã chết. Bố mẹ, Natalia... Anh không còn ai. Không còn ai quan trọng. Anh chỉ có những dự án, hội thảo, những thời hạn, tiền và đôi khi sự ghi nhận. Nói chung, ai là người nhớ rằng hôm nay là sinh nhật của anh? Điều này có ý nghĩa với ai? Ai quan tâm tới chuyện này? Liệu có ai đó nghĩ tới anh trong ngày hôm nay? Và khi đó nước mắt cứ trào ra, những giọt nước mắt mà anh không kịp ngăn lại.
Anh bỗng thấy bị huých một cái.
- Ông bạn, uống với tôi một ngụm bia chứ? Ngụm cuối cùng. Uống chứ? - Anh nghe thấy một giọng khàn khàn.
Anh ngẩng đầu. Cặp mắt đỏ ngầu, hốt hoảng trên cái trán to của một khuôn mặt gầy guộc, lởm chởm râu và đầy vết thương nhìn anh cầu khẩn. Bàn tay run rẩy của người đàn ông ngồi bên chìa ra lon bia. Người đàn ông để ý thấy những giọt nước mắt của anh, bèn ngồi dịch ra và nói:
- Nghe này ông bạn, tôi không muốn làm phiền ông. Không muốn, thật đấy. Tôi cũng không thích có ai đó xen vào khi mình đang khóc. Tôi đi ngay đây. Cần được khóc trong yên tĩnh. Chỉ khi đó người ta mới có được niềm vui.
Không muốn cho ông ta đi, anh liền túm lấy cái áo khoác. Cầm lon bia từ tay ông ta và nói:
- Bác có làm phiền gì đâu. Bác nghe này, thậm chí bác không biết là tôi rất muốn uống với bác. Sinh nhật tôi đã được mấy phút rồi. Bác đừng đi. Tôi tên là Jakub.
Và anh bỗng làm cái mà vào thời điểm ấy anh cho là hết sức tự nhiên, cái mà anh không thể cưỡng lại được. Anh kéo người đàn ông nọ lại gần và ôm ông. Tựa đầu lên bờ vai được che bằng cái áo khoác vinilon đã sờn. Họ cứ để nguyên như thế một lúc, lòng cảm thấy một cái gì đó trang nghiêm. Sự yên tĩnh bị phá vỡ bởi đoàn tàu ầm ầm lướt qua cái ghế mà hai người đang ngồi ôm nhau. Lúc ấy người đàn ông co người lại như một đứa trẻ hoảng sợ, nép sát vào anh và nói gì đó nhưng bị tiếng lọc cọc của bánh tàu át đi. Sau giây lát, anh cảm thấy xấu hổ. Người nọ chắc cũng cảm thấy thế nên đột ngột dịch ra, đứng dậy không nói một lời và đi về phía lối xuống đường ngầm. Ông ta dừng lại bên một cái sọt rác bằng kim loại, lôi tờ giấy trong cái túi nhựa ra, vò nát rồi ném vào sọt rác. Một lát sau, ông ta biến mất trong đường ngầm.
- Chúc mọi sự tốt lành nhân ngày sinh, Jakub - anh nói to và uống nốt lon bia mà người đàn ông nọ để bên cạnh chiếc máy tính đang nhấp nháy.
Đó là một phút yếu lòng. Một cơn loạn nhịp tim, nó đã qua đi. Anh ngồi thẳng người trên ghế. Với cái túi để lấy điện thoại di động. Rút tờ báo Berlin mua ban sáng để tìm phần quảng cáo của các hãng taxi. Anh bấm số. Rồi cất máy tính và kéo vali lọc cọc qua những ổ gà trên sân ga đi về phía đường ngầm ra phòng vé và ra phố.
Mọi cái đã diễn ra như thế nào nhỉ? Ông ta đã nói gì? "Cần được khóc trong yên tĩnh. Chỉ khi đó người ta mới có được niềm vui... "
CÔ: Đã lâu lắm rồi không có một người đàn ông nào cố gắng như vậy để cô có được tâm trạng như thế này, cô cảm thấy mình hấp dẫn và đang có thứ đồ uống tốt nhất trong cốc.
- Chẳng có ai phủ nhận là Cô bé quàng khăn đỏ đã có một tuổi thơ đặc biệt u buồn. Những cô em cùng cha khác mẹ xấu xa, công việc nặng nhọc quá sức và mụ dì ghẻ khủng khiếp. Ngoài việc em bị ngộ độc vì moi tàn thuốc ra khỏi cái gạt tàn, em thậm chí không có cả kênh MTV - người đàn ông ngồi đối diện cô trong quầy bar nói và bật cười.
Anh ta ít hơn cô mấy tuổi. Có lẽ chưa quá hai nhăm. Đẹp trai. Lịch sự một cách hoàn hảo. Đã lâu cô không nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc hài hoà đến vậy. Chính thế. Hài hoà. Anh ta cũng tao nhã như bộ quần áo đặt may rất đẹp của mình. Tất cả nơi anh ta đều hoà hợp với nhau. Mùi nước cạo râu hợp với màu cravát, màu cravát hợp với màu đá của những chiếc gài măng-sét vàng của cái áo sơ mi xanh thẫm sạch bong. Những chiếc gài măng-sét vàng - bây giờ còn ai dùng những chiếc gài măng-sét ấy nữa nhỉ? - bằng kích thước và tông màu của mình hợp với cái đồng hồ vàng anh ta đeo nơi cổ tay phải. Còn đồng hồ thì hợp với từng thời điểm trong ngày. Lúc này, buổi tối, đến cuộc gặp với cô tại quán bar, anh ta đeo chiếc đồng hồ mặt chữ nhật lịch sự với cái quai da thanh mảnh đồng màu với quần áo. Buổi sáng, trong cuộc họp ở trụ sở của công ty tại Berlin anh ta mang một chiếc roleks nặng, trang nghiêm. Ngoài ra buổi sáng anh ta còn có mùi thơm khác. Cô biết rõ điều này vì cô đã chủ ý đứng dậy và nghiêng người ngay trên đầu anh ta để lấy chai nước khoáng, mặc dù cô có cả một khay với đủ các loại nước để ngay trước mặt.
Cô ngắm kỹ anh ta suốt buổi sáng. Anh tên Jean và là người Bỉ ở "vùng tuyệt đối Pháp của Bỉ", như anh ta nhấn mạnh. Cô không biết vùng Pháp của Bỉ thì khác vùng Flemish những gì, nhưng cô giả thiết rằng rõ ràng là người thuộc vùng Pháp thì có quyền tự hào hơn.
Như sau đó cho thấy, Jean không chỉ là sự hấp dẫn nhất của cái rạp xiếc Berlin này đối với cô. Người ta lôi kéo họ từ khắp Châu Âu đến trung tâm ở Berlin để nói rằng thực ra thì họ chẳng có gì để nói cả. Từ một năm nay, cô tham gia vào dự án cùng với một tương nhiệm Bỉ của họ, ở Ba Lan thì dự án này không thể thành công được. Những thiết bị mà họ muốn bán đơn giản là không phù hợp với thị trường Ba Lan. Thật khó mà bán được kem kéo dài tác dụng phơi nắng cho người Eskimo. Kể cả nếu đó là loại kem chất lượng tốt nhất.
Nói chung là cô không muốn đến đây và làm tất cả để đẩy chuyến đi này cho người khác của ban. Từ lâu hai vợ chồng cô đã lên kế hoạch đi Karkonosz, cô dừng lại ở Praha. Nhưng đã không thành. Theo yêu cầu rất rõ ràng của Berlin thì chính cô phải đi. Thêm vào đó, phải đi tàu hoả, bởi để chuyến đi Berlin của cô nhìn chung có ý nghĩa, thì trước hết cô phải qua chi nhánh của công ty ở Poznan một ngày.
Đi ở đây, từ Warwaszaw - thời gian gần đây cô căm thù việc đi lại bằng tàu hoả - cô có rất nhiều thời gian để chuẩn bị một chiến lược cho phép cô khuyên ngăn trung tâm đừng làm dự án này. Song Jean, cái anh chàng người Bỉ với những chiếc gài măng-set tay áo có lẽ hợp với cả thời tiết ấy, đã thuyết phục tất cả mọi người rằng "thị trường Ba Lan tự họ chưa biết là họ cần những thiết bị ấy" và rằng anh ta "có một ý tưởng cực kỳ đơn giản khiến cho thị trường Ba Lan biết được điều đó". Sau đó suốt một giờ liền với phim đèn chiếu, anh ta nói về "ý tưởng cực kỳ đơn giản" của mình.
Suýt nữa thì cô đã nói về điều đó trong vòng mười lăm phút mà là nói bằng thứ tiếng Anh tốt hơn nhiều, thêm vào đó chẳng có cái gì - ngoại trừ tấm bản đồ Ba Lan - trên những tấm phim đèn chiếu của anh ta nói lên sự thật. Nhưng điều này chẳng tạo nên một ấn tượng nào đặc biệt cho bất kỳ ai ngoài cô. Có thể thấy rất rõ là bà giám đốc ở Berlin đã có quyết định trước cả phần trình bày. Cả cô cũng đã quyết định trước phần trình bày. Vấn đề là ở chỗ, những quyết định đó hoàn toàn khác nhau. Nhưng làm sao mà bà giám đốc lại có thể nhất trí với cô được? Liệu một người đẹp trai một cách quyến rũ như vậy, nói tiếng Anh với kiểu trọng âm Pháp mê hồn như vậy lại có thể nhầm lẫn? Bà giám đốc nhìn anh chàng người Bỉ đang thao thao những điều nhảm nhí qua những tưởng tượng màu mè như nhìn một gã kẻng trai đang sắp sửa cởi bỏ quần áo. Một trường hợp nặng của mãn kinh. Nhưng biết làm sao được, sự cám dỗ chắc chắn đáng, theo bà giám đốc, với đồng tiền bát gạo của các cổ đông. Ngoài ra, bao giờ cũng có thể thuyết phục những người Eskimo rằng có thể tắm nắng cả trong đêm dài bắc cực. Trong những tia bức xạ vũ trụ. Và chắc chắn mấy thứ kem kia sẽ có ích cho họ.
Sau Jean là đến lượt cô. Bà giám đốc thậm chí không chờ cho đến lúc phần trình bày của cô kết thúc. Bà ta đi ra, cô thư ký gọi bà ra nghe điện thoại. Bằng cách đó, tất cả mọi người hiểu rằng không cần phải nghe cô. Họ đồng loạt cúi đầu trên bàn phím của những chiếc máy tính xách tay và lo vào mạng. Thực ra thì cô có thể đọc thơ hoặc kể chuyện tiếu lâm bằng tiếng Ba Lan - đằng nào thì họ cũng chẳng để ý đến chuyện đó. Chỉ có anh chàng người Bỉ, khi cô kết thúc phần trình bày của mình, anh ta đứng trước mặt cô và nói với nụ cười xoa dịu:
- Chị là một kỹ sư đẹp nhất mà tôi từng biết. Thậm chí nếu chị không có lý thì tôi vẫn hồi hộp nghe chị nói với sự tập trung cao độ nhất.
Khi cô với cái túi để chỉ cho anh ta những tính toán của mình, anh ta nói thêm:
- Chị có thể khiến tôi tâm phục khẩu phục vào buổi tối nay tại quầy bar trong khách sạn của chúng ta được không? Vào khoảng mười giờ chẳng hạn?
Cô nhận lời không đắn đo. Thậm chí cô không thử gây khó dễ bằng bất cứ một lý do bịa đặt nào kiểu như tối nay cô rất bận. Tất cả những gì chính thức có thể làm vào buổi tối thì đã được làm. Tàu đi Warszawa sáng mai cô mới có, lúc gần trưa. Hơn nữa cô cũng muốn cho dù chỉ một lần gặp tay người Bỉ này mà không có bà giám đốc Berlin của họ.
Lúc này, ở đây, trong quầy bar của khách sạn, cô mừng vì ban sáng đã không phản đối quá quyết liệt về vấn đề trong dự án này. Anh chàng người Bỉ quả rất hấp dẫn. Rõ là anh ta thường xuyên lui tới khách sạn này. Anh ta nói với người chạy bàn bằng tiếng Pháp - hệ thống khách sạn Mercure mà công ty theo thông lệ vẫn thường đặt chỗ cho họ, là của người Pháp nên nhân viên nói bằng tiếng Pháp - và thấy rõ là họ có vẻ thân thiết với nhau.
Bây giờ, khi dự án được hoãn đến năm tới thì cô sẽ có cơ hội để gặp anh ta thường xuyên hơn. Cô thích anh ta. Cô nghĩ đến điều này khi nhìn anh ta gọi thêm đồ uống. Khi người chạy bàn mang đến những cái cốc đầy bọt màu tùng lam mà cô chưa hề nhìn thấy và những cái tên Pháp kỳ cục, anh chàng người Bỉ ghé mặt sát vào mặt cô.
- Lâu lắm rồi tôi không bắt đầu ngày chủ nhật với một người hấp dẫn như thế này. Đã quá nửa đêm. Chúng ta đang có ngày ba mươi tháng tư - anh ta nói rồi chạm nhẹ cái cốc vào tay cô và môi anh chạm nhẹ lên tóc cô.
Như có một luồng điện chạy qua. Đã từ lâu cô không có cái cảm giác tò mò muốn biết cái gì sẽ đến tiếp theo. Cô có nên để anh cho tóc cô vào miệng? Cô có quyền được tò mò như vậy không? Cô thực sự muốn điều gì xảy ra tiếp theo đây? Cô, vợ của một người đàn ông đẹp trai mà tất cả các cô bạn của cô phải ghen tị. Cô có thể đẩy xa hơn bao nhiêu, để cảm thấy một cái gì đó nhiều hơn sự run rẩy đã bị quên lãng từ lâu này, khi lại có một người đàn ông hôn lên tóc cô mà mắt thì khép lại? Chồng cô đã từ lâu rồi không hôn tóc cô và... có thể biết trước là sẽ thật kinh khủng.
Thời gian gần đây cô rất hay nghĩ đến điều này. Nói chung là không cảm thấy yên tâm lắm. Không, không phải mọi cái đã trở nên nhàm chán. Không đến mức như vậy. Nhưng đã không còn cái háo hức ấy nữa. Anh nhao nhác đâu đó trong cái thường nhật. Mọi cái đã nguội lạnh. Thỉnh thoảng lại được hâm nóng lên chốc lát. Vào đêm đầu tiên khi cô hoặc anh trở về sau một chuyến đi dài, sau những giọt nước mắt và cuộc cãi lộn mà họ quyết định chấm dứt ở trên giường, sau khi đã uống rượu hoặc sau những chiếc lá thơm được đốt trong các bữa tiệc, trong một đợt đi nghỉ trên những chiếc giường lạ, những sàn nhà lạ, cạnh những bức tường lạ hoặc những chiếc ô tô lạ.
Chuyện đó thường xảy ra. Cứ cho là vẫn có. Nhưng thiếu sự hoang dại ấy. Sự hờn dỗi của thuở ban đầu ấy. Sự không bão hoà ấy. Cái đói ấy, cái đói mà chỉ cần nghĩ tới nó là máu đã sục sôi chảy xuống phía dưới như điên và cái ướt xuất hiện như được triệu tập. Không! Điều này đã không có từ lâu rồi. Cả sau những ly vang, cả sau những chiếc lá thơm, thậm chí cả ở bãi đỗ xe bên đường cao tốc mà anh đến đó vào một đêm khi họ trở về từ một bữa tiệc nào đó và không để ý rằng họ đi quá nhanh, cô đã cúi đầu - do tác dụng như thế nào đó của âm nhạc phát ra từ chiếc radio - dưới tay anh đang cầm vôlăng và cởi thắt lưng quần anh.
Điều đó chắc chắn là do sự sở hữu ấy. Tất cả đều ở trong tầm tay. Chẳng cần phải vận động vì bất cứ cái gì. Biết từng sợi tóc của nhau, từng mùi có thể có, từng vị có thể có của da thịt, khô hay ẩm. Biết mọi ngóc ngách của cơ thể nhau, nghe thấy từng hơi thở, đoán trước mọi phản ứng và đã từ lâu rồi tin vào mọi lời tỏ tình. Một số điều đôi khi lặp lại. Nhưng đã không còn gây ấn tượng. Đơn giản là chúng nằm trong kịch bản.
Gần đây cô thấy như đối với chồng cô, "chuyện ấy" cùng với cô mang trạng thái - làm sao mà ý nghĩ như vậy lại chui vào đầu cô được nhỉ?! - của một buổi đọc kinh. Đơn giản là anh lắp ráp, không phân vân trước bất cứ chuyện gì và thế là được yên thân suốt cả tuần.
Hay là ai cũng thế? Liệu có thể đòi hỏi một cái gì đó hoang dại khi đã biết nhau từ bao nhiêu năm nay và khi nhìn thấy anh quát tháo, nôn mửa, ngáy, đi tiểu và để lại cái bồn cầu dơ bẩn?
Hay điều đó không đến nỗi quan trọng như vậy? Có thể nó chỉ cần thiết cho thời gian đầu? Có thể quan trọng nhất không phải là muốn cùng ai lên giường, mà là muốn sáng mai cùng ai dậy và pha trà cho nhau?
- Tôi đã làm điều gì không phải chăng? - Jean bứt cô ra khỏi dòng suy nghĩ.
- Tôi chưa thể biết được - cô trả lời với nụ cười gượng gạo - Xin lỗi anh, tôi ra ngoài một lát sẽ quay lại ngay.
Trong phòng vệ sinh, cô lấy thỏi son từ ví xách tay ra. Nhìn vào gương và nói với chính mình:
- Ngày mai mày còn có cả một chặng đường dài trước mắt đấy.
Cô tô lại môi.
- Và mày còn có cả chồng nữa - cô nói thêm, tay dứ dứ vào hình ảnh trong gương.
Cô ra khỏi toilet. Đi qua lễ tân, cô nghe thấy một người đàn ông nào đó, đứng quay lưng lại phía cô, đang đánh vần tên cho người trực:
- J- a- k- u- b...
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cô Đơn Trên Mạng.