Chương 03 - Phần 02
-
Cô Đơn Trên Mạng
- Janusz Leon Wisniewski
- 4710 chữ
- 2020-05-09 02:23:27
Số từ: 4696
Cô Đơn Trên Mạng
Tác giả:Janusz Leon Wisniewski
Thể loại:Tiểu Thuyết
Nguồn: Gác Sách
Âm thanh, giọng nói, sóng âm tần, cơ sở vật lý hình thành chúng, phương pháp thu nhận chúng, cơ chế tái tạo chúng, bên cạnh toán học và triết học là đề tài của những nghiên cứu thật sự của anh. Anh đi nghe giảng về âm thanh học cả ở bách khoa lẫn ở đại học tổng hợp. Anh bắt đầu nhận ra rằng chúng ta bị chìm trong eter của âm thanh và thực sự thì sự im lặng chỉ là khái niệm của các nhà thơ, nhà văn và những người khiếm thính. Sự im lặng không tồn tại. Ở đâu không có chân không, tức là ở mọi nơi, tức là ở đó có thể thở và có sự vận động, ở đó không có sự im lặng.
Anh đọc tất cả về tai của loài người, anh nắm bắt được chức năng, cấu tạo và những bệnh có thể xảy ra của từng mẩu được đặt tên của tai. Anh đã đi gặp mười hai chuyên gia về thanh quản chuyên sâu về thính học Wroclaw và ba nguời ở Varsawa. Đến ai anh cũng đăng ký với tư cách một người bị điếc đột ngột. Bốn trong số họ là giáo sư y khoa. Và em có biết anh nhận định gì không? Phát hiện ra anh giả vờ nhanh nhất là những người mới ra trường. Và anh cũng biết được nhiều điều từ họ nhất.
Liệu em có để ý rằng tai cũng như thận, phổi hay mắt, là những bộ phận chẵn?
Anh còn nhớ cái lần đến khám ở chỗ ông chuyên gia thanh quản vở Varsawa, khi chuyện đóng giả của anh đã bị lộ tẩy, anh bèn hỏi ông ta về việc ghép tai. Anh cho rằng mình có thể cho Natalia một bên tai, vì với một tai thì vẫn có thể nghe được tất cả. Ông ta cười anh và coi anh như kẻ bị tâm thần. Em biết không, mới đây anh đọc trong Laryngology Today bài của vị bác sĩ ở Varsawa ấy về khả nằng ghép hầu như tất cả các phần quan trọng của tai - sự mê hoặc của âm thanh vẫn đọng lại trong anh cho tới hôm nay?
Anh tin là sẽ có một lúc nào đấy Natalia lại nghe được, giống như trẻ con tin rằng rồi sẽ đến ngày chúng thành người lớn. Vấn đề chỉ còn là thời gian và sự kiên nhẫn.
Rồi một ngày nào đó, đơn giản là thời gian ấy đã đến. Không cờ quạt, không báo trước. Không cảm thấy, bình dị và tình cờ. Anh tổ chức, thông qua Almatur của trường, chủ yếu là vì tiền, hội nghị của Hội các nhà phẫu thuật Ba Lan. Khách sạn, phòng họp, tham quan thành phố. Chẳng có gì đặc biệt. Một chuẩn tổ chức và du lịch thông thường. Vài trăm zloty(10) thêm vào học bổng.
Với anh, các nhà phẫu thuật là tinh hoa tuyệt đối của y học. Đó là những nghệ sĩ. Theo anh, hơn hẳn những bác sĩ khác, họ là chủ nhân của những bộ não nhiều nếp gấp và những đôi bàn tay ma thuật, những đôi bàn tay quyết định sự sống hay cái chết. Chẳng có gì lạ khi trong số tất cả các bác sĩ Ba Lan vốn là những người luôn bị stress, thì các nhà phẫu thuật hay bị chết vì xơ gan do uống quá nhiều rượu nhất, họ nghiện tất cả các loại thuốc có chứa chất gây tê, gây ngủ hoặc đơn giản là nghiện dao kéo, khi đã không thể thoát ra khỏi sự căng thẳng, họ bèn tự cắt mạch máu mình. Đó là vào cái thời mà với em thì đã trở thành lịch sử, chiến tranh và bây giờ cũng vậy. Họ tra tấn buồng gan bằng rượu, vì lúc nào họ cũng có đô để vào Pewex hoặc là Pewex tự đến với họ trong những cái túi của bệnh nhân, thuốc gây tê thì ở ngay trong tầm tay, mà nếu không thì ai chả rõ chìa khoá cái "tủ kính" ấy nằm ở chỗ nào, còn với mạch máu thì cắt chúng bằng dao mổ mua ở Drezn hay Frankfurttreen Men, nơi mà sau khi bức tường đổ thì nhà máy Drezen đã được chuyển về đấy và ba phần tư số nhân viên đã bị thải hồi vì chuyện này, cũng thế cả thôi. Những bác sĩ phẫu thuật "giàu có" của Ba Lan tự do cũng có thống kê đúng như vậy.
10. Đơn vị tiền Ba Lan.
Vì lý do đức tin chính trị của mình mà anh chưa bao giờ có mặt trong bất kỳ một "hội nghị" đích thực nào, nhưng cho dù vậy thì anh vẫn không thể hình dung ra các đảng viên lại có những buồng gan tốt hơn và rằng có thể ở đâu đó người ta lại uống nhiều hơn.
Ngoài ra, chí ít thì là với anh, khiêu vũ bao giờ cũng khiến ta liên tưởng đến phụ nữ. Với những nhà phẫu thuật thì không. Trong số những thành viên đăng ký tham dự hội nghị chỉ có sáu phụ nữ trên gần tám trăm người. Đã thế, lại chỉ có hai bà đến, còn các ông thì không mang theo vợ, người tình hoặc người yêu đến hội nghị - điều này thì họ đã được dạy ngay từ năm thứ nhất của Trường y thậm chí cả các bác sĩ nha khoa cũng biết. Bên những chị em "đăng ký" thì không thể uống đến sáng và không thể không thấy lương tâm cắn rứt. Điều này thì anh biết được từ một tay bác sĩ phẫu thuật đã ba lần ly hôn, ngồi cạnh anh trong buổi "khiêu vũ" đó.
Anh đại diện cho ban tổ chức. Có nghĩa là chủ yếu anh phải chăm lo sao cho rượu luôn luôn lạnh và luôn có ở trên bàn. Trong hợp đồng đã viết như vậy. Khi nhà phẫu thuật đã ly hôn đã uống say từ trước bữa tối và không còn là đối tác của một cuộc chuyện trò nào nữa, anh nhìn quanh. Anh nhận thấy cùng bàn với anh có một ông đứng tuổi, có thể gọi là một ông già, với mái tóc bạc lượn sóng và cặp mắt xám ướt phía sau cặp kính gọng dầy bị dán một chỗ bằng băng dính màu vàng. Ông ta mặc một chiếc áo vét sờn không màu và đi giày đông mặc dù hôm đó là một ngày đặc biệt nóng, trông ông ta giống như một lão nông Ukraina khoác lên người tất cả những gì tốt nhất mình có trong đám cười cô con gái độc nhất. Cạnh ông già là một trong số hai phụ nữ trên thực tế đã đến hội nghị. Một lúc sau thì thấy rằng cô ta hoàn toàn không phải là bác sĩ phẫu thuật. Cô ta đến với tư cách là phiên dịch và thư ký riêng cho ông già kia. Chiếc áo vét quá chật đã rất sai. Ông già không hề là một lão nông Ukraina, mà là một nhà phẫu thuật và phẫu thuật thần kinh nổi tiếng đến từ Lvov. Là khách mời danh dự của hội nghị. Buổi sáng, trước khi đến đây để uống với các nhà phẫu thuật Ba Lan, ông đã nhận danh hiệu tiến sĩ danh dự của Trường Y lớn nhất trong nước.
Cứ chốc chốc lại có người đến chỗ ông già. Anh ngạc nhiên thấy những người bạn say đến từ Pa Lang có thể trong phút chốc tỉnh rượu và nghe ông già nói với sự tập trung cao độ. Họ nghe, họ xiết tay ông rồi đi. Cảnh này khiến anh nhớ lại một cảnh trong phim Bố Già, khi Don Corleone xiết tay những tên mafia của mình. Thậm chí cả giọng nói cũng giống, cũng khàn khàn và yếu như giọng Brando.
Vào một lúc nào đấy, anh nghe thấy cô phiên dịch đọc một hơi:
- Phần lớn, thậm chí có thể là tất cả những người điếc bẩm sinh đều liên quan tới hư hỏng của hệ thần kinh trung tâm, cụ thể là các cấu trúc đảm trách việc biến đổi sóng âm thanh thành sóng điện.
Và cô ta dửng dưng nói thêm như thể về việc chữa xe máy:
- Nhưng ở Lvov, chúng tôi giải quyết vấn đề này dễ như chơi. Chúng tôi áp dụng, nghĩa là giáo sư áp dụng cách cấy sên ốc. Đây là một thiết bị dùng để ghi nhận sóng âm ở mức độ của hệ thần kinh trung tâm với giả thiết, rằng dụng cụ truyền âm thanh, là tai ngoài và tai giữa, không bị hư hỏng. Khi đó... cô ta đột ngột dừng lại, quay mặt về phía anh và kêu lên giọng giận dữ và sợ hãi - Xin lỗi, nhưng anh bóp tay tôi. Nói chung, anh tự cho phép mình làm gì thế?
- Xin lỗi chị. Chị vừa nói về một vấn đề làm tôi mất tự chủ. Mong chị thứ lỗi. Chị có thể nhắc lại, ở Lvov các chị cấy cái gì đươc không? anh hỏi và cố gắng bằng mọi giá để giữ bình tĩnh.
Cô ta dịch ra khỏi anh xa nhất mà cô ta có thể và nói thêm:
- Tôi sẽ không nói gì với anh cả. Anh hãy tự hỏi giáo sư ấy.
Khi anh chạy khỏi hội trường đại học tổng hợp, nơi diễn ra buổi "khiêu vũ" ấy, đã là bốn giờ sáng. Phải đến lúc anh đá vào cửa thì mẹ của Natalia mới chịu mở cửa. Bà không phản ứng gì với tiếng chuông cửa. Natalia nhìn anh hoảng sợ khi anh lao vào phòng cô ấy và bật điện, đánh thức cô ấy dậy. Anh ngồi cạnh giường cô ấy.
Em sẽ không bao giờ hiểu được, nó là thế nào khi em muốn nói với ai đó một điều vô cùng quan trọng và em không thể! Anh kéo cô ấy vào sát người mình, hôn tay cô ấy và kể về việc cấy sên ốc, về việc rồi cô ấy sẽ nghe được, rằng đây là một chuyên gia tầm cỡ nhất, rằng cả người Mỹ cũng đến đó, rằng những miếng cấy là của Nhật Bản, rằng sau đó cô ấy chỉ phải học nói nữa thôi, rằng anh yêu cô ấy vô hạn, rằng chẳng bao lâu nữa cô ấy sẽ nghe được, rằng bọn anh sẽ có những đứa con, chúng cũng sẽ nghe thấy khi người ta nói yêu chúng, và rằng anh hoàn toàn không say.
Mẹ Natalia ngồi đối diện với anh ở phía bên kia giường và khóc. Natalia, chẳng hiểu mô tê gì, sợ hãi hết nhìn mẹ lại nhìn anh. Một lúc sau, mẹ Natalia đứng dậy và giải thích cho cô ấy bằng ký hiệu, những gì vừa xảy ra. Cho tới lúc ấy, chưa bao giờ bà làm việc đó một cách vội vã và hăng hái đến như vậy. Đó thực sự nhìn như một tiếng thét. Em có nghĩ rằng có thể thét lên bằng ký hiệu.
Anh lấy tập giấy vẽ trên cái bàn cạnh cửa sổ, trải mấy tờ lên thảm và bắt đầu viết. Natalia đi quanh phòng. Nhìn mẹ và đọc những chữ anh viết trên sàn nhà. Cô ấy đẹp tuyệt vời với mái tóc rối, toả sáng khi cô ấy đến gần bàn, nơi có cái đèn bàn, với cái áo ngủ phồng lên khác thường bởi bộ ngực nở nang của cô ấy và với cặp mắt mở to ngạc nhiên và long lanh nước mắt. Thậm chí lúc đó, trong cái khoảnh khắc ấy anh đã nghĩ đến "chuyện ấy" với cô ấy.
Tám giờ sáng thì anh đứng trước phòng làm việc của bố Natalia. Hầu như ông ta chưa nói chuyện với anh. Ông nghe xem anh nói về chuyện gì, chỉ cho anh cái ghế, đưa cho anh bao thuốc lá chưa mở và cái bật lửa và bắt đầu gọi điện. Tay ông run lên. Ông rất khó khăn khi bấm số. Anh ngồi trên ghế đối diện với ông và nhìn khắp lượt trong phòng. Chỗ nào cũng có ảnh Natalia.
Ông đã giải quyết mọi chuyện. Giấy giới thiệu của MSZ cùng thư của Bộ trưởng Sức khoẻ, hộ chiếu công vụ, một khoản ngoại tệ nhiều hơn hai mươi lần so với mức quy định thời ấy, và cả "lệnh tiếp nhận vào khoa" do một vị đảng viên lộng quyền nào đó của Lvov ký.
Chính xác mười một ngày sau Natalia ra ga Varszawa Đông để đi Lvov. Mọi người có mặt ở ga trước giờ tàu chạy hai tiếng. Anh hút hết điếu này đến điều khác, Natalia rất hạnh phúc. Chỉ có mẹ Natalia là đặc biệt buồn và cứ liên tục nhìn quanh.
Đến một lúc anh bị hết thuốc lá. Anh chạy sang kiốt ở sân ga bên cạnh. Ngồi trên cái ghế dài cạnh kiốt, bị kiốt che khuất, là bố của Natalia. Ông không để ý thấy anh.
Khi đoàn tàu khuất sau khúc quành, mẹ Natalia nắm tay anh và hai người lặng lẽ đi về phía cầu thang dẫn xuống đường ngầm. Một lúc sau, khi đã ở trong đường ngầm, bà dừng lại, đưa tay anh lên miệng và chạm môi vào lòng bàn tay. Bà không nói gì cả, chỉ nhìn vào mắt anh. Hai người cứ đứng như vậy một lúc trong đường ngầm.
Ca phẫu thuật của Natalia sẽ được tiến hành sau hai tuần. Ngày nào bố của Natalia cũng gọi điện đến bệnh viện ở Lvov. Sau đó gọi cho anh và anh gọi cho mẹ Natalia. Không bao giờ có sự liên hệ giữa bố mẹ Natalia.
Đó là một cảm giác rất lạ khi biết rằng Natalia thậm chí có thể đứng bên điện thoại, nhưng đằng nào thì cũng không thể nói chuyện với cô ấy được. Đó là cảm giác bất lực.
Natalia viết thư. Mỗi ngày ba cái: cho mẹ, cho bố và cho anh.
Cô ấy viết những bức thư tuyệt vời. Chắc chắn anh biết điều này. Mẹ cô ấy đọc cho anh nghe từng bức thư của mình. Hai lần, một qua điện thoại, ngay sau khi bóc thư, và sau đó buổi tối một lần nữa. Tối nào anh cũng qua chỗ bà.
Anh chỉ đọc cho bà nghe một bức thư của Natalia. Thực ra thì không phải anh đọc thư, mà là anh ngâm lên bức thư đó. Mà mãi ba năm sau. Đến tận bây giờ anh vẫn còn thuộc nó. Và anh sẽ mãi mãi nhớ nó.
Mãi mãi.
Jakub à,
Em nhớ anh đến mức tai ù đi. Anh có hình dung được không? Em, một người điếc, bị ù tai vì nhớ. Em không biết phải làm gì với nó. Anh luôn luôn ở đó. Đơn giản là anh từ phố đi lên và cứ như vậy. Kể từ ngày em yêu anh, anh luôn ở đó. Và cả trước đây cũng thế. Vì thực ra trước anh làm gì có "trước đây".
Em có biết là em luôn nhớ anh, đã nhớ một ít ngay cả khi anh đang đứng gần em. Em cứ nhớ ít một như vậy để dự trữ. Để sau đó, khi anh đã về, đỡ nhớ hơn. Nhưng kể cả thế cũng chẳng giúp gì được cho em.
Không biết em đã nói với anh chưa nhỉ, là bao giờ nghe được, thì đầu tiên em sẽ học đọc tên anh? Bằng tất cả thứ tiếng? Nhưng trước hết là bằng tiếng Nga.
Còn khi nào mà em về rồi, em sẽ ngồi lên đùi anh, đặt tay lên vai anh và hôn mặt anh. Từng li từng li một. Anh hãy hứa với em đi, là không được cởi áo váy của em trước khi em hôn xong.
Chỉ còn hai ngày nữa là mổ. Em đợi. Sự chờ đợi này sao trang trọng đến thế. Em có cảm giác như mình đang đến gần một sự thổ lộ tiếp theo nào đấy.
Jakub à, anh vốn vẫn biết là thậm chí em không cố mô tả là em biết ơn anh như thế nào. Bởi làm sao có thể mô tả được điều đó. Mà anh thì biết rằng cho tới lúc này, em có thể mô tả được tất cả.
Ở đây tuyệt nhiên không có nhà thờ nào. Mà em thì muốn cầu nguyện biết bao. Dù sao thì em vẫn cầu nguyện. Em mang theo cây thánh giá bằng gỗ của Mẹ. Em đặt nó lên gối và cầu nguyện, nhưng em vẫn muốn cho dù chỉ một lần thôi, trước khi phẫu thuật, được cầu nguyện trong một nhà thờ thực sự. Chắc chắn là Chúa biết phải làm gì. Chẳng phải Người đã tìm được anh cho em đấy sao.
Anh nghĩ rằng em sẽ không bị điếc vì tiếng ồn sẽ dội vào em khi em bắt đầu nghe được? Đừng cười em nhé, nhưng em thực sự lo lắng về điều này đấy.
Họ đã chuyển em sang buồng khác. Em cũng không biết tại sao. Buồng trước tốt lắm mà. Có cả thảy mười sáu chị em và bọn em nằm giường tầng. Em chưa bao giờ ngủ trên giường tầng.
Bây giờ em ở buồng đôi. Chắc là do bố em rồi. Ở đây, chỉ có con cái của những ông bố quan trọng hay chính những ông bố quan trọng mới được ở buồng đôi.
Bây giờ em ở với một người đàn ông! Người này tên là Vitia và lên tám tuổi. Vitia cũng không nghe được từ khi mới lọt lòng. Nó đến từ Leningrat. Một cậu bé tuyệt vời. Một anh chàng tóc vàng tí hin với hai mắt cách xa nhau. Hơi giống anh trong tấm ảnh chụp chung với anh và bố mẹ anh hồi anh lên chín tuổi ấy.
Em với Vitia nói với nhau đủ thứ chuyện. Có nghĩa là bọn em ra hiệu cho nhau. Anh biết không, Vitia ra hiệu bằng tiếng Nga đấy. Người Nga có một số ký hiệu khác. Em học cậu ta tiếng Nga nữa.
Bọn em hay chơi ngoài sân trước dãy nhà cấp bốn của bệnh viện. Ở đấy có một cái hố rất to do những cái máy đào khổng lồ để lại.
Chưa bao giờ em nhìn thấy cái gì giống như thế. Những cái máy đào ấy trông giống như những cỗ xe tăng rỉ mà phần mũi được thay bằng những cái gầu xúc đất.
Nhưng ở đây mọi cái như ở những bức ảnh cũ của ông em. Sở dĩ có những cái máy đào đất ở đó là vì họ sẽ xây một khu nhà mới cho bệnh viện. Ông giáo sư đã nói với bọn em thế. Ông ấy rất xấu hổ vì cái dãy nhà lụp xụp kia và không thể chờ đợi một cái bệnh viện mới được.
Vatia rất khoái nhảy xuống cái hố ấy, còn em thì giả vờ không biết hắn ta ở đâu và đi tìm.
Chỉ còn hai ngày nữa là mổ. Đó sẽ là thứ sáu. Em đã kiểm tra lại, anh sinh đúng vào ngày thứ sáu. Đây sẽ lại là một ngày thứ sáu hạnh phúc, phải không Jakub?
Em ngưỡng mộ anh.
Natalia
TB. Thế giới thiếu vắng anh của em bỗng trở nên im ắng quá...
Sáng thứ sáu, trên đường đến trường anh rẽ vào nhà thờ. Sau đấy thì anh có giờ cho đến chiều muộn. Buổi tối anh có hẹn với mẹ Natalia. Từ khoa, anh chạy vội ra xe buýt. Cạnh lối vào bãi đỗ xe của khoa, có một cái Volga đen đang đỗ. Phía trong cánh cửa mở, cạnh ghế của lái xe, là bố Natalia đang ngồi và hút thuốc. Ông để ý thấy anh. Ông quẳng điếu thuốc hút dở xuống đường, đứng dậy, sửa cravát và đi về phía anh. Ông đến gần anh, đứng sát anh và nói bằng một giọng hoàn toàn xa lạ, không bình thường, như thể đang nói đến lần thứ một trăm cái câu của một vai đang tập:
- Natalia chết sáng nay rồi. Hôm qua một cái máy đào đã nghiền nát nó ở chỗ sân gần bệnh viện. Thằng bé mà nó cố đẩy ra khỏi chỗ cái máy đào, bị cụt cả hai chân. Thằng bé không để ý thấy cái máy đào và cũng không nghe thấy tiếng kêu của Natalia. Người điều khiển máy đào bị say rượu. Từ hôm qua đến giờ người ta vẫn đang tìm hắn.
Anh không thể nghe thêm được nữa. Bởi được một lúc thì mỗi lời ông nói như một tảng đá đập vào đầu anh. Anh lấy tay bịt miệng ông lại. Ông cắn vào tay anh cố để nói tiếp. Khi ông thoát ra được, anh quay đầu chạy. Anh chỉ còn nghe thấy tiếng kêu của ông phía sau mình. Nó như tiếng tru của chó.
- Jakub, chờ đã... Jakub, đừng chạy... Jakub, đừng làm thế với bác. Jakub, đừng bỏ bác đi một mình lúc này, bác xin cháu! Jakub, phải đưa nó về. Bác sẽ không làm việc đó. Jakub, mẹ kiếp...
Anh nhớ hồi còn bé, khi bị ai đó xúc phạm ngoài sân chơi là anh chạy ngay về nhà. Lại giống như hồi ấy. Khi bố anh mở cửa, anh ôm chặt lấy ông. Ông không hỏi gì. Lại như hồi ấy. Đã không còn quá đau đớn.
- Natalia chết rồi - sau một lát, anh thì thầm trên bờ vai ông.
- Con trai...
Đêm ấy thì anh hiểu rằng tại sao bố anh lại uống rượu khi mẹ anh mất. Vào cái đêm hôm ấy, rượu như thể oxy. Và lại có thể thở được. Sáng ra, anh đứng trước cửa nhà Natalia. Một phụ nữ trẻ đội mũ hộ lý ra mở cửa.
- Chị ấy không có nhà. Mời anh quay lại sau vài ngày nữa - Người phụ nữ nói.
Đúng lúc ấy mẹ Natalia xuất hiện phía sau chị kia. Tóc bà bạc trắng. Tóc bà đã bạc qua cái đêm ấy.
Bà sập cửa. Anh nghe thấy tiếng kêu khủng khiếp khi chạy xuống cầu thang.
Bố anh đợi trong taxi ở dưới nhà.
- Con phải đi đưa nó về. Chỉ còn hai tiếng để con đổi ngoại tệ ở ngân hàng. Con không thể đến đấy mà không có tiền rúp. - Bố Natalia đã gọi điện.
- Bây giờ thì anh đến ngân hàng - ông nói với người lái taxi đang sốt ruột.
Đó là một ngân hàng nhỏ ở ngoại vi Wroclaw. Phòng đổi tiền dầy đặc khói thuốc. Hàng chờ ở cửa đang phục vụ vòng trong vòng ngoài. Cạnh tường, trên một cái giá nặng nề, cái gạt tàn đầy ắp những đầu mẩu thuốc.
Phía sau tấm kính là một nam nhân viên còn trẻ, béo.
Gã liên tục ăn bánh mì kẹp được lôi từ cái túi bị dây đầy mực để cạnh máy tính. Những mẩu cà chua và pho- mát rơi từ miệng gã, qua cằm xuống mặt bàn. Anh đứng chờ một tiếng trước cửa đó.
- Không có rúp - hắn lầu bầu không rõ, vừa nuốt bánh mì. - Chúng tôi chỉ có rúp vào thứ hai và thứ tư. Mời anh thứ hai đến.
- Anh biết đấy, tôi không thể đến thứ hai mới đi được. Anh phải có rúp. Tôi phải đưa cô ấy về. Trước chủ nhật.
Gã kinh ngạc quay về phía anh và lè nhè cao giọng, vừa phủi những vụn bánh mì dính bơ trên tấm kính ngăn giữa anh và gã:
- Tôi chẳng phải cái gì hết. Nếu anh vội và anh muốn có tiền Nga vào chủ nhật, xin mời đổi đô. Đổi đô dễ hơn.
Gã cười, phủi nốt những vụn bánh và nhìn quanh vẻ đắc thắng, xem mọi người có cười không. Những người xếp hàng chẳng ai cười, như thể họ linh cảm thấy những gì sẽ đến sau một lúc nữa.
Anh lách người qua cái khe giữa tấm kính và quầy, định tóm cổ gã. Hắn đột ngột và kinh ngạc lùi lại. Sau đó thì không phải là anh nữa. Anh đến dưới tấm kính. Bình tĩnh đi đến chỗ cái gạt tàn. Túm lấy nó và dùng hết sức đập phần đế nặng của nó vào tấm kính trước mặt gã nhân viên. Anh nghe thấy tiếng la hét đằng sau mình. Gã kia tắc thở vì miếng bánh mì khi bị anh dùng hết sức bóp cổ. Sao mà anh muốn giết chết hắn thế.
Anh không còn nhớ chuyện gì đã xẩy ra sau đó. Chỉ biết là anh bị còng tay, đi trên xe cảnh sát và máu chảy ra sàn ôtô kim loại, bị một tay cảnh sát tóc hung mặt đầy tàn nhang nện bằng cái dùi cui trắng.
Sau bốn mươi tám tiếng thì anh được thả. Họ buộc anh đủ thứ tội: định đốt toà nhà thuộc sở hữu công cộng, tấn công cán bộ nhà nước, bẻ khoá, còn cả ý đồ cướp đoạt ngoại tệ nữa chứ. Anh bị đuổi khỏi đại học tổng hợp, và hai tuần sau, khỏi trường bách khoa.
Một tuần sau thì Natalia bay về. Không một ai đi đón cô ấy. Bố Natalia nằm bất tỉnh trong bệnh viện. Sau cái hôm thông báo cho anh về cái chết của Natalia, ông say rượu, đi theo đường tàu điện về nhà. Tại một bến tàu điện sau khúc quành, ông đã bị một chuyến tàu điện sớm cán phải. Người lái tàu không thể nhìn thấy ông được. Những người làm chứng kể lại rằng ông không hề chạy khi thấy tàu điện đang lao thẳng về mình.
Bình thường thì các thi hài được chuyên chở bằng máy bay trong những chiếc quan tài kẽm đặc biệt. Điều này thậm chí đã được ghi trong Công ước về Quyền Con người của ONZ. Natalia được chở trong một cái tủ lạnh thường được các hãng hàng không dùng để chứa những xuất thức ăn đựng trong các hộp nhựa dành cho hành khách trong các chuyến bay đêm. Họ lấy các ngăn kim loại ra và đặt xác của Natalia vào trong đó. Ở Lvov không có quan tài kẽm cho Natalia. Mà bố cô ấy lại đang nằm bất tỉnh trong bệnh viện nên không thể gọi điện cho một nhân vật quan trọng nào đó để có thể có được.
Anh đến lễ tang mấy tiếng sau tang lễ. Lúc ấy không còn ai. Ngôi mộ được đắp bằng cát vàng và được phủ những vòng hoa, những bó hoa. Anh nhìn vào tấm bảng trắng ghi họ tên cô ấy. Anh không còn nước mắt để khóc nữa. Anh suy nghĩ làm thế nào để chịu đựng nỗi sự im lặng của Chúa. Anh cảm thấy trong lòng trống rỗng. Anh đến nghĩa trang không mang theo hoa. Với anh, thế nào cũng được. Ngoài nỗi tức giận của Chúa, anh không cảm thấy gì hết. Những chỉ là anh tưởng thế. Có một lúc, anh nhìn ngôi mộ và những vòng hoa. Ngay cạnh cây thánh giá là vòng hoa to nhất. Trên nền dải băng đen anh đọc thấy dòng chữ vàng: "Con vẫn biết rằng con không đi xa. Những người luôn yêu con: Mẹ và Jakub ".