CHƯƠNG 37


Số từ: 3045
Nguồn: isach.info
Lần sau được đưa lên boong, Kunta chủ tâm nhìn kỹ người xếp hàng sau mình, tức là người nằm bên trái anh dưới hầm tàu. Đó là một người thuộc bộ lạc Xêrer, lớn tuổi hơn Kunta nhiều, và toàn thân bác ta, cả đằng trước lẫn đằng sau đều hằn vết roi cứa, nhiều vết sâu và mưng mủ đến nỗi Kunta đâm hối hận vì đôi khi đã ước gì có thể nện cho bác ta một trận trong bóng tối về cái nỗi cứ luôn miệng rền rĩ kêu đau. Chằm chằm nhìn trả lại Kunta, đôi mắt đen của người Xêrer đầy giận dữ và thách thức. Một ngọn roi vút xuống giữa lúc hai người đứng nhìn nhau - lần này nhằm vào Kunta, thúc anh tiến lên. Nhát quất mạnh khiến anh suýt khuỵu đầu gối và làm bùng nổ một cơn điên khùng. Thét đến xé họng như một con thú dữ, Kunta lao tới tên tubốp, chỉ để mất thăng bằng ngã lồm cồm kéo luôn theo cả người bạn cùm, trong khi tên tubốp nhẹ nhàng tránh được cả hai. Mọi người nhốn nháo xung quanh trong khi tên tubốp nheo mắt hằn học, vung roi như một lưỡi dao giáng liên hồi xuống cả Kunta lẫn người Uôlôf. Kunta cố lăn lộn né tránh và bị đá túi bụi vào mạng sườn. Tuy nhiên, anh và người Uôlôf thở hồng hộc vẫn xoay sở lảo đảo đứng được lên, nhập trở lại giữa đám người cùng dẫy ván nằm đang thất thểu bước tới đón những xô nước biển dội vào người.
Lát sau, chất muối mặn sót chà vào những vết thương của Kunta như lửa đốt và cùng với những người khác, anh la lên, trùm lấp tiếng trống và tiếng của cái khí cụ eo éo lại bắt đầu đánh nhịp cho đám người bị xiềng nhảy múa làm trò tiêu khiển cho bọn tubốp. Kiệt sức vì trận đòn mới, Kunta và người Uôlôf vấp ngã hai lần; nhưng những ngọn roi và những cú đá lại thúc họ lóc cóc nhảy lên nhảy xuống, líu ríu trong những dây xiềng. Kunta sôi máu đến nỗi hầu như không nhận ra là toán phụ nữ đang hát "Tubốp fa!" và cuối cùng, bị xích lại chỗ cũ dưới hầm tối, tim anh rộn lên cả một nỗi thèm khát muốn giết lũ tubốp.
Cứ cách mấy ngày, tám tên tubốp trần truồng lại xuống căn hầm tối xú uế một lần để hớt những chậu phân, bã tích lại trên những ván nằm của đám tù nhân bị xiềng. Những lúc ấy, Kunta thường nằm yên, hằn học đưa mắt chăm chăm theo dõi những ánh đèn lập lòe màu da cam, nghe bọn tubốp chửi rủa và đôi khi trượt chân ngã vào đám lày nhày dưới chân - giờ đây càng ngồn ngộn lên vì mọi người mỗi lúc một hay tháo dạ không kiềm chế nổi, đến nỗi cứt đái bắt đầu tong tong rớt từ mép ván nằm xuống lối đi.
Lần lên boong vừa rồi, Kunta nhận thấy một người tập tễnh trên một chân bị nhiễm trùng nặng. Tên trùm tubốp đã bôi thuốc mỡ vào chỗ đau, nhưng không ăn thua, và trong bóng tối của hầm tàu, người đó bắt đầu kêu gào dữ dội. Lần lên boong tiếp theo, anh ta phải có người dìu và Kunta thấy cái chân, trước đó mới chỉ xam xám, giờ đã bắt đầu thối rữa ra và ngay cả ngoài trời thoáng đãng cũng vẫn khắm lặm. Kỳ này, anh ta được giữ lại trên boong trong khi mọi người khác lại bị lùa trở xuống. Mấy ngày sau, đám phụ nữ, qua lời hát kể cho các tù nhân nam rằng chân người kia đã bị cắt cụt và một phụ nữ được đưa đến săn sóc, nhưng anh ta chết ngay trong đêm đó và bị quẳng xuống biển. Từ đó, mỗi lần xuống cọ ván nằm, bọn tubốp còn thả những miếng kim loại nung đỏ vào những xô dấm có độ chua mạnh. Những đám hơi bốc lên khen khét làm cho hầu tàu đỡ hôi thối hơn, song chẳng bao lâu, một không khí ngột ngạt lại bao trùm. Kunta có cảm giác cái mùi ấy sẽ không bao giờ rời khỏi phổi và da thịt mình.
Hễ bọn tubốp đi khỏi là căn hầm lại lao xao lên và tiếng rì rầm trì tục đó cứ loang rộng, tăng cường độ vì sự giao lưu giữa mọi người với nhau mỗi ngày một tiến bộ. Chữ nào không hiểu, họ lại thì thầm từ tai này sang tai nọ cho đến khi một người nào đó biết hơn một thứ tiếng truyền trở lại lời giải nghĩa. Trong quá trình đó, tất cả những người dọc theo mỗi dãy ván đều học được nhiều chữ mới trong những thứ tiếng mà trước kia họ không biết nói. Thi thoảng, có những gã, khoái chí gấp đôi vì chẳng những trò chuyện thông đạt được với nhau mà bọn tubốp lại không hay biết gì, nhún nhảy bật lên va cả đầu vào trần. Cứ thì thào với nhau hàng giờ liền, đám tù nhân phát triển dần một ý thức âm mưu và huynh đệ mỗi lúc một thêm sâu sắc. Mặc dầu khác làng, khác bộ lạc, càng ngày họ càng cảm thấy họ không phải thuộc những dân tộc khác nhau hoặc những địa phương khác nhau.
Bữa sau, khi bọn tubốp đến lùa họ lên boong, đám người bị xiềng bước đi như trong một cuộc diễu hành. Và khi trở xuống hầm, một số người biết nhiều thứ tiếng tìm cách đổi được vị trí trong hàng để được xiềng ở đầu các dãy ván, nhờ đó có thể phiên dịch chuyển tiếp được nhanh hơn. Bọn tubốp không nhận thấy gì cả, và hoặc là chúng không quan tâm, hoặc là chúng không thể phân biệt được ai với ai trong đám người bị xiềng.
Những câu hỏi và trả lời bắt đầu lan đi trong hầm tàu. "Chúng ta đang bị đưa đi đâu thế này?". Một tiếng lào xào chua chát đáp lại "Nào có ai may mắn trở về để nói cho chúng ta hay!" "Bởi vì họ đã bị ăn thịt tất!" Câu hỏi "Chúng ta đã ở đây bao lâu rồi?" dấy lên một loạt phỏng đoán lên dần đến một tuần trăng, cho tới khi nó được phiên dịch cho một người bị xiềng cạnh một lỗ thông hơi nhỏ nên có thể đếm được những lần trời sáng, anh ta nói đã được mười tám ngày kể từ khi con xuồng lớn rời bến.
Vì bọn tubốp thỉnh thoảng lại đột nhập với những chậu thức ăn hoặc những đồ cạo hót, nên có khi chỉ truyền các lời đáp cho một câu hỏi hoặc một phát ngôn cũng mất cả một ngày. Nhiều người bồn chồn muốn điều tra xem có ai quen không. "Đây có ai ở làng Barakunda không?" một hôm có người hỏi vậy và một lúc sau, từ miệng này sang tai kia truyền lại câu trả lời mừng rỡ: "Có tôi là Jabôn Xala đây!" một hôm Kunta phấn khởi cơ hồ muốn vỡ tim khi người bạn Uôlôf hối hả thì thầm: "Đây có ai là người làng Jufurê không?" "Có, Kunta Kintê!" anh đáp lại hổn hền. Phải mất một giờ sau mới có hồi âm, trong khi đó anh nằm yên, hầu như không dám thở: "Phải, đúng là cái tên ấy. Tôi đã nghe thấy làng anh ta đánh trống báo tin dữ". Kunta òa lên nức nở, trong đầu tràn ngập những hình ảnh cuồn cuộn: nào gia đình anh xúm quanh con gà trống trắng giãy giụa đập cánh rồi ngã ngửa ra chết, nào mõ làng đi loan tin buồn cho mọi người, rồi dân làng đến với Ômôrô, Binta, Lamin, Xuoađu và thằng cu con Mađi, tất cả ngồi xổm quanh nhà, khóc lóc trong khi trống làng nện rõ từng lời từng chữ báo cho bất cứ ai có thể nghe thấy, biết rằng một người con của làng Jufurê tên là Kunta Kintê nay kể như đã vĩnh viễn ra đi.
Người ta bỏ hàng ngày trời bàn bạc tìm lời giải đáp cho câu hỏi: "Làm sao có thể tấn công và tiêu diệt bọn tubốp trên tàu này?" Có ai có vũ khí gì, hoặc biết có gì khả dĩ dùng làm vũ khí không? Không ai có cả. Trên boong tàu, có ai nhận thấy bọn tubốp để lộ sự sơ suất hoặc nhược điểm nào khả dĩ lợi dụng được để mở một cuộc tấn công bất ngờ không? Một lần nữa, câu trả lời lại là không. Tin tức lợi hại nhất được rút ra qua lời hát của tốp phụ nữ trong khi đám tù nam nhảy múa: cùng đi với họ trên chiếc thuyền lớn này, có khoảng ba mươi tên tubốp. Chúng có vẻ đông hơn thế, song các tù nữ có điều kiện để đếm chính xác hơn. Chị em còn cho biết là lúc khởi hành có nhiều hơn, song tám tên đã chết. Chúng được bó vào trong những tấm vải trắng khâu lại và vứt xuống biển trong khi tên trùm tubốp tóc bạc lầm rầm đọc trong một quyển sách gì đó. Chị em cũng hát rằng bọn tubốp hay đánh nhau dữ dội, thường thường là do cãi cọ tranh giành quyền "dùng" chị em trước.
Nhờ những lời hát của chị em, hầu hết những gì xảy ra trên boong tàu đều được nhanh chóng thuật lại cho đám tù nhảy xiềng và sau đó lại được đưa ra bàn bạc dưới hầm tàu. Thế rồi xảy đến một phát triển mới đầy phấn khởi: đã bắt được liên lạc với những người bị xiềng ở tầng dưới. Khoang hầm Kunta nằm đột nhiên im lặng, rồi từ chỗ gần cửa hầm, một câu hỏi vọng xuống: "Dưới ấy có bao nhiêu?" và một lát sau, câu trả lời lan đi ở tầng của Kunta: "Bọn chúng tôi có khoảng sáu mươi người".
Việc truyền tin tức từ bất kì nguồn nào dường như là chức năng duy nhất khiến họ có lý do để tiếp tục sống. Những lúc không có tin gì, họ nói chuyện về gia đình, làng mạc, nghề nghiệp, đồng ruộng, săn bắn. Và càng ngày càng hay xảy ra bất đồng về chuyện làm thế nào để diệt bọn tubốp và khi nào thì nên khởi sự. Một số người cho rằng cần phải tấn công vào dịp lên boong sắp tới bất luận hậu quả ra sao. Nhiều người khác cho rằng nên theo dõi và đợi thời cơ tốt nhất thì khôn ngoan hơn. Những bất đồng gay gắt bắt đầu nổ ra. Một lần đang tranh luận thì bỗng nhiên vang lên giọng nói của một vị cao niên cắt ngang ý kiến: "Hãy nghe lão đây! Tuy chúng ta thuộc những bộ lạc khác nhau, tiếng nói khác nhau, nhưng hãy nhớ rằng chúng ta cùng một dân tộc! Chúng ta phải coi nhau như người cùng một làng ở nơi này!".
Những tiếng rì rầm tán thành lan nhanh trong khoang hầm. Tiếng nói đó trước đây đã cất lên, răn bảo trong những lần đặc biệt căng thẳng. Đó là một tiếng nói từng trải và đầy uy tín, lại bác tuệ, hiền minh. Phút chốc, người ta rỉ tai nhau thông báo rằng người vừa nói đã từng là thủ chỉ của làng ông. Sau giây lát, ông lại nói rằng bây giờ cần tìm ra và nhất trí bầu lên một người lãnh đạo, rằng phải đề ra và thỏa thuận một kế hoạch tấn công mới hy vọng thắng nổi bọn tubốp, vì hiển nhiên là chúng vừa được tổ chức tốt, lại vừa có nhiều vũ khí. Một lần nữa, khoang hầm lại đầy những tiếng rì rầm tán thành.
Cái ý thức mới, hởi lòng về sự gắn bó chặt chẽ với mọi người, khiến Kunta đầu như bớt cảm thấy sự hôi thối, bẩn thỉu và thậm chí cả chuột bọ nữa. Thế rồi anh nghe thấy truyền đi một nỗi lo sợ mới: người ta cho rằng có một tên hắc gian lẩn đâu đó ở tầng dưới. Một phụ nữ đã hát rằng chính chị ở trong nhóm người bị xiềng và bịt mắt mà tên hắc gian đó đã góp sức đẩy xuống con tàu này. Chị hát rằng khi chị được cởi băng bịt mắt thì trời đã tối, song chị vẫn trông thấy bọn tubốp cho tên hắc gian đó uống rượu cho đến khi hắn say mềm chân nam đá chân siêu, rồi cả bọn tubốp cười hô hố, đánh hắn bất tỉnh và kéo xuống dưới hầm tàu. Theo lời hát của người phụ nữ, thì tuy chị không thể nhận mặt dứt khoát được tên hắc gian, song chắc chắn hắn đang bị xiềng dưới đó như những người khác và đang rất sợ bị phát hiện và giết chết, vì hắn đã biết chuyện thủ tiêu tên tay sai trước đó. Anh em trong hầm bàn luận là có khi tên hắc gian này cũng biết dăm ba tiếng tubốp và có thể tìm cách báo cho bọn tubốp biết kế hoạch tấn công mà hắn nghe lỏm được, hòng cứu vãn cái sinh mệnh khốn kiếp của hắn.
Vung còng đập một con chuột béo mập, Kunta chợt nghĩ: tại sao cho tới nay, mình lại hiểu biết ít thế về bọn phản bội? Hẳn là vì không một tên nào trong bọn chúng dám sống với mọi người trong làng, ở đó một sự nghi vấn mãnh liệt về chân tướng chúng cũng đủ khiến chúng đi đời nhà ma lập tức. Anh nhớ lại hồi ở Jufurê, anh luôn luôn cho rằng chính cha mình, Ômôrô, cùng những người khác lớn tuổi hơn nữa, những lúc ngồi quanh đống lửa ban đêm, cứ hay bận tâm một cách không cần thiết với những lo lắng và suy đoán u ám về những nguy cơ mà anh cùng các thanh niên khác vẫn thầm nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ mắc vào. Nhưng giờ đây, anh đã hiểu tại sao những người lớn tuổi lại lo lắng cho an ninh của làng xóm; họ biết rõ hơn anh rằng biết bao tên hắc gian đã lẻn vào đất Gămbia. Bọn con trai da lờn lợt đáng khinh bỉ có bố là tubốp thì cũng dễ nhận ra thôi, nhưng không phải tất cả. Kunta chợt nghĩ đến cô gái làng mình bị bọn tubốp bắt cóc rồi trốn thoát, sau đó được đem ra xét ở Hội đồng bô lão ngay trước khi anh bị bắt, anh muốn biết người ta xử trí với đứa con lai của cô ta ra sao và Hội đồng bô lão đã quyết định cô ta phải làm thế nào.
Qua trò chuyện trong hầm tàu, giờ đây anh được biết một số hắc gian chỉ cung cấp một số hàng hóa như chàm, vàng, ngà voi cho các tubốp. Nhưng có hàng trăm tên khác giúp bọn tubốp đốt làng và bắt người. Một số tù nhân kể chuyện chúng đem mía dụ dỗ trẻ con rồi chụp bao tải lên đầu như thế nào. Nhiều người khác cho biết bọn hắc gian đã đánh họ tàn nhẫn suốt chặng hành trình sau khi họ bị bắt. Vợ một người trong bọn họ, đang mang thai, đã chết trên dọc đường. Một người khác có con trai bị thương vì những roi đòn, chúng để mặc thằng bé chảy máu đến chết. Càng nghe, Kunta càng căm phẫn cho những người khác cũng như cho mình.
Anh nằm đó, trong bóng tối, văng vẳng bên tai lời cha nghiêm khắc dặn dò anh và Lamin không bao giờ được lang thang đi xa một mình; một cách tuyệt vọng, Kunta ước gì giá mình đã chú ý nghe theo lời cảnh cáo của cha. Tim anh trĩu xuống với ý nghĩ rằng anh sẽ không bao giờ được nghe cha răn bảo nữa, rằng từ nay đến hết đời - dù cuộc đời đó có xoay vần ra sao chăng nữa - anh sẽ phải tự suy nghĩ lo liệu lấy cho bản thân.
"Mọi sự đều là ý của Chúa Ala!" Lời phát ngôn đó - khởi đi từ chỗ vị thủ chỉ - truyền từ miệng người này sang tai người kia và khi nó được người nằm bên trái Kunta nhắc lại, anh bèn quay đầu thì thầm với người bạn cùm Uôlôf. Sau một lát, Kunta nhận ra là người Uôlôf không tiếp tục truyền câu đó cho người bên cạnh và sau khi băn khoăn tự hỏi lý do vì đâu anh cho rằng có lẽ tại mình nói không rõ, cho nên anh lại bắt đầu thì thầm câu sấm ngữ một lần nữa. Nhưng bất thình lình, người Uôlôf văng ra những tiếng khá to, đủ để cả căn hầm nghe thấy: "Nếu Chúa Ala của các người muốn thế, thà tôi theo quỷ sứ còn hơn!" Từ các nơi khác trong bóng tối, vang lên những tiếng hô tán đồng với người Uôlôf và đây đó bùng ra những cuộc tranh cãi.
Kunta bị xáo động sâu sắc. Sự bất bình vì nhận ra là mình nằm cùng với một kẻ vô đạo xói vào óc anh như một vết bỏng, vì đối với anh lòng tin ở Chúa Ala cũng quý giá như bản thân cuộc sống vậy. Cho đến nay, anh vẫn tôn trọng tình hữu hảo và những ý kiến lịch lãm của người bạn cùm lớn tuổi. Song giờ đây, Kunta biết rằng giữa họ không thể tồn tại bất kỳ tình bằng hữu nào nữa.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cội rễ.