CHƯƠNG 70
-
Cội rễ
- Alex Haley
- 3100 chữ
- 2020-05-09 04:31:17
Số từ: 3110
Nguồn: isach.info
Vào khoảng thời gian sinh Kitzi, cả Kunta và bác vĩ cầm thỉnh thoảng lại trở về đồn điền với những tin tức về một hòn đảo nào đó bên kia bờ nước lớn, gọi là "Haiti"; nghe đồn ở đó, có khoảng ba mươi sáu nghìn người, phần lớn là Pháp da trắng, quá ít so với độ nửa triệu người da đen bị đưa lên tàu, chở từ Châu Phi tới để làm nô lệ ở những đồn điền lớn trồng mía, cà phê, chàm và dừa. Một đêm, Bel nói là chị nghe thấy mexừ Uolơ thuật lại với các khách ăn tiệc rằng lớp người da trắng giàu có ở Haiti sống như những ông hoàng trong khi làm nhục bao nhiêu người da trắng nghèo không đủ khả năng mua được nô lệ riêng.
"Thử tưởng tượng xem! Có ai nghe thấy chuyện như thế bao giờ chưa?" bác vĩ cầm nói, giọng mỉa mai.
"Suỵt!" Bel vừa nói vừa cười và tiếp tục câu chuyện: sau đó, ông chủ kể cho các vị khách thất đảm là qua nhiều thế hệ ở Haiti, đàn ông da trắng và phụ nữ nô lệ "đi lại" với nhau nhiều đến nỗi hiện nay đã có gần hai mươi tám nghìn người lai và da ngà ngà, thường gọi là "dân da màu" mà hầu hết đã được cha đẻ và chủ người Pháp ban cho tự do. Theo một vị khách khác, Bel kể, cái đám "dân da màu" ấy đều nhất nhất tìm kiếm những bạn đời da sáng hơn, nhằm mục đích sinh con đẻ cái mang hình thức bề ngoài hoàn toàn như người da trắng, còn những người vẫn rõ rệt là lai thì đút lót các quan lại để xin những giấy tờ chứng nhận tổ tiên họ là người Anhđiên hoặc Tây Ban Nha hoặc bất cứ gì cũng được, miễn không phải là gốc Phi. Mexừ Uolơ cho biết - mặc dù ông thấy điều đó thật kỳ lạ, khó tin và rất đáng phàn nàn - rằng qua những hành động ban phát hoặc chúc thư của nhiều người da trắng, một số lớn trong đám "da màu" nọ đã đi đến chỗ sở hữu ít nhất là một phần năm toàn bộ đất đai ở Haiti - và những nô lệ kèm theo - bọn này thường đi nghỉ ở Pháp, cho con cái sang học ở bên đó y như những phú hộ da trắng và thậm chí còn sỉ nhục những người da trắng nghèo nữa. Đám khách của ông chủ bất bình bao nhiêu thì đám cử tọa của Bel khoái chá bấy nhiêu khi nghe chuyện đó. "Các người sẽ cười lệch mép bên kia cho đến méo miệng", bác vĩ cầm ngắt lời, "khi nghe thấy, dư tui, mấy mexừ nhà giàu nói chuyện gì tại một vũ hội mà hồi mới đây tui được thuê đến kéo đờn". Các mexừ, bác thuật lại, gật gù bàn luận về chuyện những người da trắng nghèo ở Haiti ghét đám lai và da ngà đến nỗi họ đã kiến nghị liên tiếp, kỳ cho đến khi nước Pháp phải ra luật cấm dân "da màu" không được đi dạo ban đêm, không được ngồi cạnh người da trắng trong nhà thờ, hoặc thậm chí không được mặc quần áo cùng một thứ với họ. Trong khi chờ đợi, bác vĩ cầm nói, cả da trắng và "da màu" cùng trút mỗi hiềm ghét lẫn nhau lên đầu nửa triệu nô lệ da đen ở Haiti. Kunta nói là theo câu chuyện anh nghe lỏm được trên tỉnh giữa đám người da trắng cười ha hả thì xem ra các nô lệ ở Haiti còn khốn khó hơn ở đây. Anh nghe nói trường hợp những người da đen bị phạt đánh đến chết hoặc chôn sống là chuyện cơm bữa và phụ nữ da đen có chửa thường bị xua đi làm việc cho đến khi sẩy thai. Vì cảm thấy có nói ra cũng chẳng đạt được mục đích gì khác ngoài việc làm cho mọi người ghê sợ, nên anh không kể lại những hành động thú vật, vô nhân đạo hơn thế nữa, tỷ như lấy đinh đóng hai bàn tay một người da đen vào tường cho đến khi anh ta buộc phải ăn đôi tai bị cắt của chính mình; một mụ tubốp sai cắt lưỡi tất cả mọi nô lệ của mình, một mụ khác nhét giẻ vào miệng một em bé da đen cho đến khi nó chết đói.
Sau những chuyện khủng khiếp như vậy trong suốt chín, mười tháng qua, trong một chuyến lên tỉnh vào mùa hè năm 1791, Kunta không lấy gì làm ngạc nhiên khi nghe tin những người nô lệ da đen ở Haiti đã vùng lên trong một cuộc nổi loạn điên cuồng, đẫm máu. Hàng nghìn nô lệ đã ào ào tràn ra khắp, tàn sát, đập phá, chặt đầu đàn ông da trắng, mổ bụng trẻ con, hãm hiếp phụ nữ và đốt mọi nhà cửa ở các đồn điền cho đến khi miền Bắc Haiti ngổn ngang đổ nát, mịt mù lửa khói và đám dân da trắng kinh hoàng trốn chạy, cố gắng phấn đấu để sống còn và trả đòn lại - tra tấn, giết, thậm chí lột da mọi người da đen mà họ bắt được. Nhưng họ chỉ là một dúm người sống sót mỗi lúc một teo nhỏ lại trước cuộc dấy loạn đang lan rộng một cách điên cuồng của người da đen, cho đến cuối tháng tám thì chỉ còn mấy nghìn người da trắng tìm nơi ẩn náu hoặc tìm cách trốn khỏi đảo.
Theo lời Kunta, anh chưa bao giờ thấy đám tubốp ở tỉnh lỵ Xpotxylvaniơ phẫn nộ và hoảng hốt đến thế. "Xem chừng họ hốt hơn cả lần nổi dậy vừa rồi ở ngay bang Vơjiniơ này", bác vĩ cầm nói. "Có dễ chỉ độ hai, ba năm sau khi chú mày đến đây, nhưng mà hồi í, chú mày còn lì lì, chả nói chả rằng mí ai, hóa nên chắc chú mày cũng chả biết vụ í. Ở ngay nẻo bang Niu Uêilz, tỉnh lỵ Hanâuvơ, trong một dịp lễ Giáng Sinh, một xúbadăng đánh một tên thanh niên nhọ ngã xuống đất và gã nhọ này vùng dậy vớ một cái rìu xông vào hắn! Cơ mà gã bổ trượt, và thế là dững nhọ khác nhảy bổ vào đánh hắn dữ dội đến nỗi gã nhọ thứ nhất phải lao tới cứu. Tên xúbadăng máu me đầy người, chạy đi cầu cứu, trong khi đó anh em nhọ ta điên đầu lên bắt thêm hai người da trắng nữa, trói lại và đang đánh thì một đám rất đông da trắng mang súng ống rùng rùng kéo đến. Cánh nhọ ta náu vào một nhà kho và bọn da trắng tìm cách dùng lời ngon ngọt dụ họ ra, dưng mà cánh nhọ ào ra vung gậy gộc, ván thùng, kết quả là hai nhọ bị bắn chết và một lô một lốc cả da trắng lẫn nhọ bị thương. Người ta cắt cử dân vệ đi tuần, ra thêm một số luật lệ nữa và cứ thế cho đến khi yên ắng dần. Cái vụ Haiti này làm bọn da trắng tỉnh trí ra, là vì, cũng dư tui đây, họ thừa biết cả một đống nhọ ngay trước mũi họ chỉ cần một tia lửa đúng thì đúng độ là bùng lên ngay tức khắc, và một khi đã loang ra thì, phải, thưa các ngài, sẽ y hệt dư Haiti tại Vơjiniơ này". Rõ ràng bác vĩ cầm rất khoái cái ý nghĩ này.
Kunta nhanh chóng thấy tận mắt nỗi kinh hoàng của người da trắng ở bất cứ nơi nào anh đánh xe tới, trong các đô thị, hoặc gần các cửa hàng ở những ngã tư, các tiệm ăn uống, tụ đường trong nhà thờ, hoặc bất kỳ nơi nào khác mà họ tới túm năm tụm ba, nháo nhác, mặt mày đỏ gay hoặc cau có mỗi khi anh hoặc bất kỳ người da đen nào khác đi qua gần đó. Cả đến ông chủ vốn họa hoằn mới nói với Kunta ngoài việc bảo đánh xe đến những nơi ông cần đến, cũng đổi giọng khiến cho những lời đó rõ ràng là lạnh lùng hơn, cộc lốc hơn. Trong một tuần lễ, dân vệ tỉnh lỵ Xpotxylvaniơ tuần tra các đường cái quan, hoạnh họe hỏi nơi đến và giấy phép đi đường của bất kỳ người da đen nào qua lại, đánh đập và bắt giam bất kỳ ai mà họ cho là có hành động, hoặc thậm chí là có vẻ khả nghi. Tại một cuộc họp của các ông chủ trong vùng, người ta quyết định bãi bỏ cuộc hội mùa lớn hàng năm sắp tới của những nô lệ cùng với mọi cuộc tụ họp dân da đen ở ngoài đồn điền mình; và thậm chí mọi cuộc tụ tập của xóm nô trong đồn điền để nhảy múa hoặc cầu nguyện cũng phải có xúbadăng hoặc một người da trắng nào khác giám sát. "Khi ông chủ biểu tui thế, tui nói với ông chủ là tui với thím Xuki và chị Manđi chủ nhật nào và bất kỳ có dịp nào cũng quỳ xuống cùng nhau cầu Chúa Jêxu, cơ mà ông chủ chả nói gì về chuyện giám sát bọn tui, cho nên bọn tui cứ việc tiếp tục cầu nguyện!" Bel nói vậy với những người khác trong xóm nô.
Trong mấy đêm sau, ở nhà một mình với Kunta và Kitzi, Bel hì hụi đánh vần tìm những tin tức mới nhất trên nhiều tờ báo loại bỏ của ông chủ. Phải mất đến gần một giờ đồng hồ dò dẫm trên một bài quan trọng, chị mới có thể kể được với anh là "một thứ Dự luật Nhân quyền đã được…" Bel ngập ngừng và hít một hơi thật sâu: "Ờ, được phê chuẩn hay gì gì nữa". Nhưng còn có nhiều tin tức hơn nữa về những sự kiện gần đây ở Haiti - mà phần lớn, họ đã được nghe qua những lời đồn đại trong xóm nô. Điều cốt lõi của đa số những tin tức ấy, chị nói, là cuộc nổi loạn của nô lệ ở Haiti có thể dễ dàng làm tràn lan những ý niệm liều lĩnh trong những người da trắng bất mãn trên đất nước này, là cần phải đặt ra những hạn chế cực kỳ ngặt nghèo và những hình phạt khắc nghiệt. Gấp những tờ báo lại và cất đi, Bel nói: "Tui thấy tuồng như họ không cách nào làm dữ tợn hơn đối với chúng ta, trừ phi là xiềng tất cả chúng ta lại, tui đồ là thế".
Tuy nhiên, trong một vài tháng sau đó tin tức về những phát triển mới ở Haiti dần dà xẹp đi và cùng với sự việc đó, tình hình bớt căng thẳng dần - và những hạn chế được nới ra - trong toàn miền Nam. Mùa gặt bắt đầu và cánh da trắng lại chúc mừng nhau về vụ thu hoạch bông dồi dào - và những giá cả kỷ lục đạt được trong việc bán bông. Bác vĩ cầm được vời đến để đàn ở nhiều cuộc vũ hội và liên hoan trong các đại sảnh đến nỗi ban ngày, khi trở về nhà, bác chỉ lăn ra ngủ, chẳng làm gì thêm mấy tí. "Tuồng dư các ông chủ bán bông được lắm tiền đến nỗi phởn lên dảy múa chí chết", bác bảo Kunta như vậy.
Song chẳng bao lâu, đám da trắng lại có điều gì bất hạnh nữa. Trong những lần đưa ông chủ lên tỉnh, Kunta bắt đầu nghe thấy người ta phẫn nộ bàn tán về con số những "hội chống nô dịch" do những "tên phản bội nòi giống da trắng" tổ chức ra, không những ở miền Bắc mà ở cả miền Nam. Nghi hoặc cao độ, anh đem những điều nghe được kể với Bel và chị nói là đã đọc thấy chuyện đó trong những tờ báo của ông chủ. Báo chí, khi nhắc đến sự tăng lên nhanh chóng của những tổ chức nọ, đổ tại cuộc dấy loạn của người da đen ở Haiti.
"Tui vẫn biểu mình là có một số người da trắng tốt mà!" chị reo lên. "Thật thế, tui đã nghe nói vô khối người trong đám í chống lại những con tàu đầu tiên chở cánh nhọ Phi nhà mình tới đây!" Kunta tự hỏi không biết Bel nghĩ ông bà tổ tiên của bản thân chị gốc gác ở đâu ra, song chị đang phấn khích quá nên anh bỏ qua. "Là vì mỗi khi có chuyện như thế đăng trên báo", chị nói tiếp, "các ông chủ bèn nổi tam bành, gầm thét chửi rủa bọn thù địch của đất nước và đại loại như vậy, cơ mà cái quan trọng là những người da trắng chống chế độ nô lệ càng nói lên những điều mình nghĩ, thì càng có thêm các ông chủ băn khoăn tự hỏi trong thâm tâm là mình đúng hay sai". Chị nhìn chằm chằm vào Kunta. "Nhất là những người tự xưng là tín đồ Cơ đốc".
Chị lại nhìn anh, một ánh ranh mãnh trong mắt. "Mình nghĩ tui với thím Xuki và chị Manđi nói chi về những hôm chủ nhật mà ông chủ tưởng bọn tui chỉ có ca hát và cầu nguyện. Tui theo dõi sát người da trắng. Chả hạn như đám Quêicơ. Họ chống nô dịch, thậm chí còn ủng hộ cách mạng tui muốn nói là ở ngay Vơjiniơ này í", chị nói tiếp. "Và ối người trong bọn họ là những ông chủ có hàng lô hàng xốc nhọ. Cơ mà các giáo sĩ bèn biểu rằng dân nhọ cũng là người, có quyền được tự do như bất kỳ ai khác và một số ông chủ hội viên Quêicơ bắt đầu thả dân nhọ, thậm chí còn giúp họ đi lên miền Bắc nữa. Bi giờ, đã tới mức là những người Quêicơ còn giữ nô lệ nhọ được những người khác giảng giải và tui nghe nói nếu họ vẫn không chịu thả nô lệ, họ sẽ bị nhà thờ rút phép thông công. Ngay bây giờ vẫn tiếp tục, chắc chắn như vậy", Bel nói như reo lên.
"Và tốt vào hạng nhì, là những người theo Hội Giám Lý, tui nhớ mươi mười một năm trước có đọc thấy những người Hội Giám Lý triệu tập một cuộc họp lớn ở Baltimo, cuối cùng họ nhất trí rằng nô dịch là trái với lệ luật của Chúa và bất cứ ai xưng là tín đồ cơ đốc đều không nên làm thế. Cho nên phần đông là những người hội Giám Lý và Quêicơ làm khuấy động giáo hội để đòi có luật lệ giải phóng nô lệ da đen. Còn những người dòng Báptít và giáo hội trưởng lão - ông chủ ta và cả họ nhà Uolơ là thuộc vào đám này - ờ, tui xem ý họ còn hững hờ không nhiệt tâm. Họ phần lớn chỉ lo cho bản thân họ được tự do thờ phụng theo ý thích của mình, với lại làm sao vừa có cả nô lệ nhọ vừa yên ổn lương tâm".
Bất luận mọi điều Bel nói về những người da trắng chống nô dịch - mặc dù chị đã đọc một số chuyện như thế ngay trong báo của ông chủ - Kunta vẫn chưa lần nào nghe thấy một ý kiến tubốp phát biểu ra miệng mà không hoàn toàn ngược lại thế! Và trong mùa xuân, và mùa hè năm 1792, ông chủ thường mời một số điền chủ chính khách, luật sư và thương gia vào loại lớn nhất trong bang đi cùng xe. Trừ phi có chuyện gì khác khẩn cấp hơn, còn thì đầu đề nói chuyện muôn thuở của họ là những vấn đề mà dân da đen gây ra cho họ.
Bao giờ cũng có một người nào đó nói như thế này: bất cứ ai muốn cai quản thành công đám nô lệ, trước hết cần biết rằng cái quá khứ sống trong rừng với thú vật ở Châu Phi của chúng đã khiến chúng thừa kế một cách tự nhiên sự ngu xuẩn, lười nhác và những thói quen bẩn thỉu, và bổn phận có tính chất cơ đốc của những người được phú cho địa vị ưu đẳng hơn là dạy cho những sinh vật ấy về một ý thức nào đó về kỷ luật, đạo lý và tôn trọng sự làm việc - tất nhiên là bằng cách nêu gương, song cũng còn bằng những luật lệ và những hình phạt cần thiết, mặc dù nhất thiết là nên động viên, khen thưởng những đứa tỏ ra xứng đáng.
Mọi lơ lỏng về phía người da trắng - cuộc trò chuyện tiếp tục, sẽ chỉ khuyến khích cái thói bất lương, các mánh khóe thủ đoạn, và tính giảo quyệt tự nhiên của một giống thấp hơn, và những tiếng be be của các hội chống nô dịch cùng những gì tương tự như vậy chỉ là của những kẻ, nhất là ở miền Bắc, chưa từng sở hữu một tên da đen nào hoặc cai quản một đồn điền có nhiều nô lệ nhọ bao giờ; những kẻ như vậy, ta đừng mong gì chúng ý thức được là những thử thách và gánh nặng của việc sở hữu nô lệ làm người ta căng thẳng sức kiên nhẫn, trái tim, tinh thần và ngay cả linh hồn đến mức muốn vỡ bung ra như thế nào.
Kunta đã nghe vẫn một thứ chuyện chửi bới vô nghĩa đó suốt một quãng thời gian dài đến nỗi nó trở thành một thứ kinh kệ ê a và anh hầu như không buồn chú ý đến nó nữa. Nhưng đôi khi, trong khi đánh xe, anh không khỏi tự hỏi tại sao các đồng bào của mình không giết béng tất cả những tên tubốp đặt chân lên đất Phi. Không bao giờ anh tự tìm thấy một câu trả lời mà anh có thể chấp nhận được.