Sao Paulo ( Tiếp Theo) - 15 Tháng 9, 1960 - 15 Tháng 7, 1968


Số từ: 7028
Nguồn: isach
Dịch giả: Trịnh Lữ
NXB Văn Học
Năm 1962 thật lắm sự kiện: những cuộc đình công, những bài thuyết giáo chính trị, rồi đồng đôla lên giá vùn vụt. Tình hình này không thể kéo dài được, Paulo thường nói, miệng nhai một trái ôliu. Là giám đốc tại một công ty lớn, Paulo là bạn tốt nhất của tôi. (Peri thì sao?) Chúng tôi có thói quen gặp nhau sau giờ làm việc tại một quầy bar yên tĩnh trong nội thành. Chúng tôi sẽ uống bia và nói chuyện dông dài về công việc làm ăn và tình hình đất nước lúc bấy giờ, tất nhiên rồi, nhưng cũng còn về nhiều chủ đề khác nữa. Paulo sẽ bộc bạch hết với tôi: những rắc rối của anh với vợ, một người đàn bà rất phức tạp, thông minh và xinh đẹp, nhưng đầy những bức xúc tình dục; và những khó khăn của hai vợ chồng trong việc nuôi dạy đứa con gái chậm phát triển trí tuệ của họ. Khi anh hỏi về cuộc sống của tôi, tôi chỉ trả lời chung chung, một chút về gia đình tôi, cái trại ở Quatro Irmaos, ngôi nhà ở Teresopolis. Nếu kể thêm nữa, thể nào tôi cũng bị rơi vào tâm trạng thảng thốt nhớ lại thời còn là nhân mã. Quả thật là quan hệ thân mật ở mức ấy của chúng tôi cũng đã nguy hiểm rồi, vì Paulo có thói cứ nhớ đến chuyện gì buồn cười là lại vừa cười phá lên vừa lấy tay vỗ vào đùi tôi. Có thể anh không cảm thấy được lớp da ngựa bên dưới lần vải quần của tôi, nhưng vẫn cứ có một nguy cơ trong việc đó. Mà đó chỉ là một trong nhiều nguy cơ khác mà thôi. Ngộ có ngày tôi phải mổ cấp cứu thì sao? Hay là bị xe cán phải trên đường phố? Hoặc giả có người dùng ống nhòm nhìn trộm vào trong nhà chúng tôi? (Về chuyện đó, tôi đã cẩn thận dùng toàn màn cửa vải rất dày.) Thế ngộ nhỡ quần tôi bị rách toạc thì sao? Nhiều nguy cơ lắm. Không tránh được, nếu tôi chấp nhận sống một cuộc sống bình thường với mọi người.
Em bé này sắp nổ tung rồi, Paulo đang lẩm bẩm, đã nửa say nửa tỉnh. "Em bé này" có nghĩa là nước Brazil. Paulo tin rằng sắp sửa có một cuộc cách mạng bạo lực với những thay đổi dữ dội trong chính quyền. Thằng cha ở Rio Grande, cái thằng Brizola ấy, quả là điên, đất nước này chưa thể trở thành một nước xã hội chủ nghĩa được. Sẽ có đánh nhau, và chỉ có bọn Do Thái chúng ta là ăn đòn đủ thôi. Nhẽ ra tớ phải về Israel, Guedali ạ. Được thế thì bây giờ tớ đã đang ở một nông trang tập thể, yên trí vắt sữa bò. Nhưng mà không, tớ lại phải làm một thằng khôn ngoan kia, phải quyết chí làm tiền và khi giàu rồi mới về Israel được.
Anh nốc cạn cốc bia. Guedali, đó là cái ngốc của tớ. Tớ sẽ không bao giờ về Israel được đâu. Cậu thấy đấy, vợ tớ rất khó, một mụ tư sản mắc bệnh tâm thần. Nó chỉ muốn sống thật đắt tiền và khiêu khích lòng kiên nhẫn của tớ.
Anh ngừng lời một lúc, rồi lại hăng hái trở lại chủ đề của mình. Guedali, mọi việc tớ làm đều hỏng hết. Tớ đi tin vào chủ nghĩa xã hội trong khi tất cả bọn bạn bè cùng lớp đều đang kiếm tiền rất ác. Còn bây giờ, tớ vừa mới quyết định phải làm giàu thì lại sắp có một chính phủ xã hội chủ nghĩa lên nắm quyền. Và tớ lấy nhầm vợ, rồi lại có một đứa con tật nguyền... Tớ biết quá rồi, Guedali.
Tôi cố an ủi anh: tình hình làm gì đến nỗi ấy, Paulo. Tôi viện ra những người bạn khác để làm chứng: Joel, chủ sự một dãy các cửa hiệu; Armando, giám đốc một văn phòng chi nhánh của một công ty Mỹ; Julio, một nhà tài chính xây dựng cỡ bự, tất cả đều đang kiếm được nhiều tiền, chẳng lo gì cho tương lai, sống thoả mãn.
Trong thực tế thì không phải mọi chuyện đều mĩ mãn như thế. Joel có u xơ trong người và bị huyết áp cao; Armando thì lo cuống cuồng mỗi lần công ty mẹ cho người xuống kiểm tra công việc, cái bọn bới lông tìm vết ấy lại xuống đây làm gì không biết, tháng trước vừa mới có hai thằng rồi! Julio thì đang bị kiện vì cho xây một khu nhà cao tầng trên một lô đất không chính thức là của mình. Nhưng với Paulo đang vừa say vừa chán nản, tôi không thể nhắc đến những chuyện không vui. Tôi cố lái câu chuyện sang hướng khác. Chúng tôi nói đến môn thể thao ưa thích nhất của anh: môn chạy. Paulo tự coi mình là một vận động viên chạy đường dài xuất sắc, có khả năng giật giải trong những cuộc thi đường trường. Anh đã tình cờ tìm ra thú tiêu khiển ấy của mình.
"Tớ chưa bao giờ thích bóng đá, bóng chuyền, những môn đại loại thế."
Ngược lại, anh thuộc loại người hay để ý đến nội tâm, và đã quyết định đi vào khoa học xã hội.
"Cảm giác không thấy thoả mãn, cậu biết rồi đấy. Mình có vấn đề, cả riêng cả không riêng. Mình không ngủ được, nghĩ có lẽ mọi chuyện là do ở xã hội mà ra, thế là mình quyết định phải nghiên cứu xã hội, tưởng sẽ giải toả được nỗi bất an của mình bằng cách ấy. Nhưng mà có giải toả cái con khỉ! Học làm bác sĩ có tránh cho mình không mắc bệnh không? Tất nhiên là không! Rồi thì tớ lại còn khổ sở vì Fernanda nữa chứ, tớ đã nói với cậu rồi... nhưng cuối cùng tớ cũng lấy xong mảnh bằng và tìm được việc làm hầu như ngay lập tức, tại một cơ sở nhà nước lập ra nhằm phát triển nhà ở cho dân chúng. Lúc đó họ vừa chẩn đoán và khẳng định bệnh tật của con gái tớ, và tớ lao vào công việc như thể đó là cách điều trị cho chính mình. Cậu có hiểu không, Guedali?"
Những cộng sự của anh tại cơ quan, hầu hết thuộc phái tả và còn trẻ tuổi, coi chương trình nhà ở ấy là một bước tiến thật sự đến chủ nghĩa xã hội. Đầu tiên hãy cứ là một ngôi nhà cho tất cả mọi người, họ nói vậy, rồi đến thực phẩm cho tất cả mọi người. Việc những ngôi nhà ấy được xây cất bởi những chủ thầu tư nhân không làm họ khó chịu lắm; chân lý sẽ chiến thắng trong cơn sốc biện chứng giữa cá nhân và tập thể, giữa vị kỷ và vị tha, giữa phí tổn xây nhà và giá thành yêu cầu của chủ thầu, giữa lời cam đoan về chất lượng hàng đầu của vôi vữa và những vết nứt rạn chẳng chóng thì chầy sẽ xuất hiện trên các bức tường (những vết nứt khổng lồ, vươn ra khắp phía thành những bức vẽ chi tiết: những bộ gạc hươu, những sơ đồ quản lý, hoặc thậm chí còn giống những chữ viết mà nhà tiên tri Daniel đã phải giải nghĩa cho vua nghe.) Hơn nữa, kế hoạch phát triển nhà ấy còn bao gồm cả một ý tưởng của triết gia xã hội Pháp Louis Blanc (1811-1882). Trong thành phần công cộng của nền kinh tế, người ta sẽ tạo ra những "đơn vị sản xuất xã hội" theo mô hình công ty nhưng lại do chính công nhân điều khiển. Một phần lãi từ những đơn vị này sẽ được chia cho công nhân, một phần nữa dành cho các quỹ y tế và hưu trí, và một phần thì dùng để tái đầu tư. Công nhân đầu tư, đó là một việc vĩ đại: vũ khí của tư bản lại được dùng để chống lại chính tư bản!
Còn đối với những vết nứt kia thì không một ai trong nhóm, bao gồm cả kiến trúc sư, những nhà xã hội học và kinh tế học ngờ vực gì về việc thể nào rồi chúng cũng xuất hiện, và cũng không ai thắc mắc về vai trò của chúng như những dấu hiệu sơ cấp của quá trình tiến len xã hội chủ nghĩa; vấn đề còn tranh cãi chỉ là khi nào thì chúng sẽ xuất hiện. Một số người nghĩ chúng sẽ xuất hiện ngay lập tức, những người khác thì nhắc nhở rằng có thể công trình đối diện sẽ có tác dụng đối lực không biết trước được. Gì thì gì, thời hạn tối đa được họ thảo luận là khoảng một năm, một năm rưỡi. Những ấn phẩm nội bộ của cơ quan đầy rẫy những bài viết về việc này. Người ta thấy có nhiều tranh biếm hoạ và hình vẽ các biểu ngữ với nhiều khẩu hiệu như "Nhà, Bánh mỳ, và không còn các ông chủ nữa!"
Paulo thường xúc động vì tất cả những trò nhiệt tâm kiểu ấy. Có khi anh còn nổi cả da gà nữa là đằng khác.
"Còn các nông trang tập thể thì sao?" Anh sẽ hét tướng lên. "Tại sao chúng ta không thành lập một hệ thống các nông trang như vậy?"
Một số đồng sự của anh cho đó là một ý tưởng hay, một số khác lại nghi ngờ. Họ thật sự thận trọng với Israel và ngại rằng người Do Thái nào cũng có âm mưu bành trướng tư tưởng Do Thái giáo.
Cha mẹ của cả Paulo lẫn Fernanda lại cảnh cáo anh theo kiểu khác. "Đừng có dính vào cái trò đó," họ nói, "rồi sẽ chẳng ra gì đâu. Con không thể liều lĩnh thế được, Paulo, con còn phải lo cho gia đình, cho đứa con bệnh tật."
"Nhưng con không muốn nghe lời chúng. Con nghĩ đó chỉ là tư tưởng bài Do Thái mà thôi. Chúng nó nhìn đâu cũng thấy những phiên toà của giáo hội công giáo (33) và các lò thiêu người cả."
Tuy nhiên, cha mẹ họ đã nói đúng. Chính phủ thay đổi, và cơ quan phát triển nhà ở ấy được đặt dưới chế độ độc tài của một người có tên là Honorio, một nhân vật bí hiểm và đáng sợ. Lạnh lùng, một bộ mặt khắc vào đá trên đó không có một vết rạn nào, chỉ có những lỗ sẹo trứng cá. Ông ta luôn vận một bộ com-lê xám, thắt cà-vạt đen, đeo một đôi kính gọng sắt kiểu cổ với cặp mắt kính màu đen. Không ai biết ông ta đang đưa mắt vào đâu. Không ai biết rõ về con người ấy ngoài việc ông ta là một kĩ sư và là một kẻ độc thân. Và người ta còn kháo nhau rằng ông có chân trong một tổ chức chống Cộng. Trong lời phát biểu nhậm chức ở cơ quan (ngắn ngủi và khô khan) ông ta nói từ nay trở đi tất cả nhân viên phải nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, và ông sẽ thi hành những biện pháp cứng rắn nhất để trừng phạt những ai có ý chống đối cơ quan. Tuy nhiên, ông nói, mọi người dưới quyền ông không có gì phải lo sợ, ông cũng giống như cha đẻ của họ, đúng như thế, nhưng không ác như thế. Hễ ai có lý lịch trong sạch thì không có gì phải sợ hết.
"Vấn đề là ai sạch và ai không sạch? Không ai cảm thấy mình hoàn toàn sạch cả. Ngay cả người sạch nhất cũng vẫn có cái gì đó, một tí tì vết, trong quá khứ - một câu phát biểu bất cẩn, một cái nắm tay, một lần to tiếng. Chẳng hạn tớ đã có lần viết một bài cho tờ báo của cơ quan. Bây giờ thì họ nhìn nhận bài báo ấy ra sao đây? Một vết nhọ? Hay là bùn bẩn ngập đến bụng? Tớ không thể biết được."
Biện pháp đầu tiên của vị thủ trưởng mới là cho dỡ bỏ toàn bộ các bức vách ngăn chia văn phòng, biến tầng nhà của cơ quan thành một gian phòng lớn, trong đó bàn làm việc của nhân viên được xếp lại thành hàng như kiểu một lớp học. Phần mình, ông ta cho dựng một khoanh nhỏ có vách toàn bằng kính ở ngay cạnh chiếc cửa ra vào độc nhất. Từ đó, ông có thể kiểm soát toàn bộ những người dưới quyền.
Tiếp đó ông ra một loạt các nghị quyết quy định chi tiết những gì được phép và những gì bị cấm.
"Thử nghĩ xem, những việc đó diễn ra ngay trong chính thể tương đối thoải mái của tổng thống Janio Quadro. Quả thật, chỉ toàn những thông cáo và nghị quyết, chẳng có thể chế gì rõ ràng."
Paulo chẳng có mấy việc để làm nữa. Các dự án xây dựng nhà cho dân chúng đã bị đình chỉ. Chỉ thỉnh thoảng anh mới nhận được vài tài liệu này nọ của cơ quan và có nhiệm vụ phải có ý kiến đánh giá vào đó, toàn những thứ cũ rích vẫn được phổ biến mãi rồi. Những việc ấy làm anh rất lo lắng. Anh nháp đi nháp lại những ý kiến của mình, chọn lọc từng câu chữ rất cẩn thận, tra đi tra lại từng chữ trong từ điển và hỏi dò ý kiến của đồng nghiệp, mặc dù chẳng mấy khi có ai giúp được gì anh.
Vị thủ trưởng luôn luôn có mặt, mặc dù không phải lúc nào cũng nhìn thấy ông ta. Có những lúc ông ta kéo màn che kín căn phòng kính của mình. Có những lúc khói thuốc lá mà ông hút liên miên suốt ngày bao bọc làm mờ cả hình ảnh của ông. Khi ngồi yên, ông hình như rất xa xôi, không có mặt ở đó. Nhưng khi ông di chuyển, êm như ru và hầu như không nhận thấy được, thì ánh sáng sẽ phản chiếu nhoáng một cái trên cái gọng kính kim loại của ông. Vâng, ông vẫn ở đó. Quan sát và ghi lại mọi chuyện vào một cuốn sổ tay bìa xanh màu lá cây sẫm.
Vào khoảng thời gian đó Paulo bắt đầu để ý thấy một sự lạ: cái bàn làm việc của anh rung động. Lúc đầu anh nghĩ chắc là vì xe cộ hạng nặng đi lại dưới phố; nhưng rồi anh nhận ra rằng chính anh làm cái bàn rung.
"Cái chân tớ! Chân tớ nó cứ run lên vì lo lắng không đâu. Người tớ như bị thắt thành từng nút."
Anh quyết định đã đến lúc phải đi khỏi cơ quan. Tìm việc khác không phải dễ, và các món chi tiêu cho đứa con gái không phải là nhỏ, nhưng anh cảm thấy không thể tiếp tục như vậy nữa.
"Tớ thường nhìn qua cửa sổ thấy bọn nhóc chạy nhảy dưới vườn hoa. Chúng làm tớ ghen tị. Sao mà chúng tự do thế, vô lo thế."
Một hôm chú bé chạy giấy đưa cho anh một giấy báo của thủ trưởng, đề nghị anh đến gặp ông ta tại văn phòng vào lúc 3h chiều hôm đó. Paulo rơi vào tình trạng hoảng hốt: chắc họ đã phát hiện cái gì rồi, một lỗi lầm gì đó của anh trong quá khứ, một cái gì đó mà anh có thể không còn nhớ ra được nữa, hoặc thậm chí không biết đến.
Paulo không ăn nổi bữa trưa. Anh ngồi trên một chiếc ghế băng trong quảng trường Cộng hoà, nghĩ cách sẽ phải nói năng thế nào với thủ trưởng nếu bị cáo giác. Anh quyết định sẽ chối tất. Người khác ép tôi phải làm thế, anh sẽ nói vậy. Tôi bị bắt buộc phải tham gia.
Đúng 3h, anh gõ lên tấm cửa kính. Ông giám đốc mở cửa cho anh vào, kéo màn che. Ngồi đi, ông giám đốc nói, với một giọng nhẹ nhàng đáng kinh ngạc, rồi đưa cho Paulo một mẩu giấy đánh máy. Tôi biết anh là người có văn hoá, ông ta nói. Tôi muốn anh cho biết ý kiến về cái này.
Đó là một bài thơ. Một bài thơ mười bốn câu dở ẹc, vần không ra vần, mô tả những tai ương của một con chim bị thương.
Một người bạn của tôi đã sáng tác nó, ông giám đốc nói, chăm chú nhìn xoáy vào Paulo. Một người bạn rất thân... ông ta còn nhiều bài nữa như thế, ông ta nói có đủ để làm thành một tập. Tôi đang tính xuất bản chúng bằng tiền của cơ quan ta. Nhưng tôi muốn anh cho ý kiến. Bằng giấy trắng mực đen, tất nhiên rồi. Mà không phải ngay lập tức. Anh có thể có mười ngày làm việc để suy nghĩ cho chín.
Paulo về bàn mình, lo sợ và ưu phiền hơn bao giờ hết. Việc này là bất hợp pháp, tất nhiên rồi, chính cái việc xuất bản ấy, nhưng làm thế nào bây giờ? Tố cáo ông giám đốc ư? Tố với ai? Mặt khác, a dua với ông ta lại khiến anh ghê tởm. Nhưng anh không muốn bị mất việc làm, chí ít cũng là trong thời điểm ấy, khi mà anh chưa có gì để bấu víu.
Ngày lại ngày, Paulo mỗi lúc một thêm lo sợ. Anh mất cả ngủ, và không biết nói chuyện này với ai. Fernanda mỗi lúc mỗi bận thêm với đứa con gái. Anh có nên hỏi ý kiến luật sư không? Hay là bỏ trốn?
"Thế rồi tớ thoát nạn, Guedali ạ. Thoát bất ngờ, có thể nói vậy. Phép lạ đã xảy ra vào một buổi chiều. Đến hết giờ làm, ông sếp vẫn ngồi trong phòng kính. Chuyện đó lạ, vì thường thì cứ đúng 6h là ông ta đứng lên ra về, và tất nhiên là chúng tớ sẽ về sau ông ta một tí. Nhưng hôm đó, 6h rồi mà không thấy gì cả. 6h15, rồi 6h30, mà ông ta vẫn ngồi bất động trong chiếc ghế lưng cao của mình. Chúng tớ nhìn nhau, không biết phải làm gì. Cuối cùng thì cậu chạy giấy lấy hết sức can đảm gõ cửa. Ông giám đốc vẫn không nhúc nhích. Cậu ta bước vào và lễ phép hỏi liệu mình đã được phép về chưa. Không gì hết. Không một lời đáp. Thưa, ông có được khoẻ không ạ? Cậu ta hỏi. Ông giám đốc im lặng. Cậu bé một lần nữa lấy can đảm chạm tay vào vai ông ta. Ông giám đốc đổ người sấp mặt xuống bàn. Ông đã chết hẳn rồi."
Nhồi máu cơ tim, bác sĩ cơ quan nói vậy. Và cảnh cáo tất cả chúng tớ: đây là bài học cho những ai sống mà lười vận động. Tôi biết ông ta: không bao giờ tập thể dục, hút thuốc lá quá nhiều và không ngớt lo lắng buồn phiền.
"Hôm sau," Paulo kết thúc câu chuyện, "tớ xin thôi việc. Tớ quyết định phải có công việc riêng của mình; thề rằng sẽ không bao giờ còn có một thằng giám đốc nào, một thằng thủ trưởng nào hay bất kỳ cái gì khác nữa. Và tớ bắt đầu học nhu đạo ở một câu lạc bộ thể thao gần nhà. Sau đó tớ quyết định bắt đầu chạy. Đến giờ tớ vẫn chạy. Có những lúc thấy mệt mỏi không muốn chạy nữa, nhưng rồi tớ lại nhớ đến lão giám đốc nằm sấp mặt xuống bàn, chết cứng, thế là lại quyết tâm chạy. Thậm chí, Guedali này, tớ có thể nói rằng chạy là việc quan trọng nhất trong đời tớ. Sau gia đình, tất nhiên rồi. Và bạn bè nữa."
Paulo và Fernanda, Julio và Bela, Armando và Beatrice, Joel và Tania, chúng tôi thường đi ăn tối với nhau vào cuối tuần. Joel biết hết những quán ăn ở Sao Paulo và là người dẫn đường của cả nhóm. Mặc dù anh phải kiêng khem nghiêm ngặt vì bị u xơ trong bụng, anh vẫn rất khoái nhìn chúng tôi ăn. Cái rượu quả Hungary này thật tuyệt vời có phải không? Anh hỏi, hai mắt mơ màng, trong khi nhấm nháp một ly sữa bò.
Chúng tôi cũng thường tụ họp ở nhà nhau. Và nếu là đêm thứ bảy, cả bọn sẽ ở lại đến tận gần sáng, nói đủ thứ chuyện: việc làm ăn, tất nhiên rồi, và cả về bọn trẻ con, tình hình chính trị, đám người giúp việc, xe ô tô. Rồi giáo dục tình dục trong nhà trường. Rồi phân tâm học. Rồi vụ li dị mới đây nhất. Rồi du lịch.
Chúng tôi cũng đi xem phim và nghe hát với nhau. Thỉnh thoảng còn chơi bài, thậm chí chơi cả trò Scrabble và Monopoly (34).
Đến dịp lễ hội giả trang, chúng tôi nghĩ ra một trò vui. Julio và Bela sẽ bí mật ăn vận giả làm cái gì đó không ai được biết, rồi hẹn sẽ đi bộ theo một đoạn đường hẹn trước ở trung tâm thành phố, bắt đầu từ 10h cho đến nửa đêm. Đôi nào tìm trúng được họ trong đám người giả trang đông đúc sẽ được khao một chầu ăn tối.
10h đêm, Tita và tôi đi xuống phố. Armando, Beatrice, Joel và Tania đã có mặt cả ở đó, đang truy tìm hai bạn giả trang. Tita và tôi ăn mặc thành cướp biển, đi quanh quẩn giữa đám người đi tìm nhau, ai cũng đeo mặt nạ. Giữa đám giả trang thành hề cung đình với hề rạp xiếc, làm sao biết được hai anh hề nào là người mình tìm? Hay họ giả làm hai người Ả rậpkia? Hay là mấy con ma kia? Vợ chồng tôi có thể đoán Julio và Bela đang giả trang thành các nhân vật gì nữa. Chúng tôi cứ tìm đại, Tita và tôi, cười ngặt nghẽo vì những lầm lẫn của mình. Tôi túm lấy tay một người sói, cứ tưởng đấy là Julio. Còn Tita thì hét vào mặt một người ăn mặc như cung nữ, "Bela, tớ tìm được cậu rồi!" nhưng đâu có phải Bela. Thế rồi bất chợt tôi nhìn thấy con nhân mã.
Nó đứng im, con nhân mã ấy, nhìn một nhóm người Indian nhảy múa trên đường phố, nhưng nó làm thiên hạ chú ý nhiều hơn là đám nhảy múa. Một đám đông nho nhỏ đã tụ họp xung quanh nó, vừa cười nói vừa bình phẩm. Có người vỗ mạnh vào mông nó, làm nó đá chân loạn xì ngậu ra sau.
Tita ôm chặt lấy cánh tay tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là đưa nàng chạy ngay khỏi nơi đó, cứ như thể họ đã phát hiện ra bí mật của chúng tôi, như thể họ đang nói, chúng bay che giấu thế nào nổi, chúng tao biết hết rồi, chúng tao biết bọn bay đã từng là cái gì. Và ai đang nói vậy? Julio với Bela chăng? Có phải họ đang ở bên trong bộ quần áo nhân mã giả trang kia?
Cố trấn tĩnh và làm chủ bản thân, tôi nắm lấy tay Tita và bước đến gần con nhân mã.
Đó là một bộ giả trang rất tồi tệ, làm bằng một thứ vải thô màu nâu chẳng giống da ngựa một chút nào. Cái đuôi làm bằng sợi nhuộm không được tẩy sạch. Những bộ móng bằng nhựa đen quá to so với thân mình. Trong khi nhìn những cái móng ấy, tôi bất chợt thấy lạ: làm sao mà những người trong gánh xiếc lại có thể nhầm một con nhân mã thật là tôi với hai con người núp trong một bộ giả trang được nhỉ? Những cái móng ngựa của tôi, mặc dù đã rất to (có lẽ tôi có mang huyết thống của giống ngựa Percheron) vẫn cứ nhỏ hơn rất nhiều so với những cái móng giả kia. Có giả trang thì có lẽ phải là người có bàn chân rất nhỏ, hoặc phải luôn đi kiễng trên đầu ngón chân thì may ra... May ra.
Chúng tôi đứng đó, không biết phải làm gì. Mình đi khỏi đây thôi, Tita thì thầm. Tôi nhìn nàng. Mặt nàng tái xanh và hoảng hốt và vẻ mặt ấy đã khiến tôi quyết định phải làm rõ chuyện này cho xong một lần. Nếu Julio và Bela đang ở trong bộ giả trang kia, nếu cuộc chơi này là một thông điệp cho chúng tôi, thì đã đến lúc phải công khai mọi chuyện. Em ở đây nhé, tôi bảo Tita. Chen vai thích cánh qua đám đông, tôi đi thẳng đến chỗ con nhân mã và đứng sững ngay trước mặt nó.
Tôi không thể thấy bộ mặt thật của người đó, chụp dưới một cái túi giấy nâu vẽ thành mặt quỉ sứ. (Thử tưởng tượng xem, một nhân mã có bộ mặt quỉ!) Bộ ngực lông lá và cái bụng tròn trịa kia có thể là của Julio được lắm.
"Mày định gây sự gì thế hả?" Hắn gào lên. "Mày chưa thấy một thằng nào ăn vận giả trang hay sao hả, thằng hề kia?"
Pedro Bento!
Tôi lùi lại, kinh ngạc và sợ hãi. Đúng vậy, đó là Pedro Bento. Cái giọng nói tôi đã từng nghe trong chiếc xe taxi.
"Mày làm cái gì thế, Pedro, muốn đánh nhau đấy à?" Một giọng đàn bà từ trong bụng con nhân mã phát ra, và tôi nhận ra ngay. Đó là bà dạy sư tử của gánh xiếc!
Và rồi bọn họ cãi nhau, bà ta kêu ca cứ phải cúi lom khom thật khó chịu, toát hết cả mồ hôi trong bộ áo giả trang. "Rồi còn phải ngửi rắm của mày nữa chứ, Pedro! Thằng khốn, sao mày cứ đánh rắm liên miên thế! Rồi bây giờ còn gây sự đánh nhau nữa!"
Những người dự hội ở xung quanh đó nghe rõ hết cả và buồn cười nôn ruột. Pedro Bento đấm vào mông mình thình thịch, tức là vào người đàn bà; và bà ta cũng đấm trả từ bên trong bộ áo giả trang, đến nỗi cuối cùng thì nó rách toạc ra và để lộ nguyên hình bà, lôi thôi lốc thốc và mặt mũi đầy kinh ngạc. Quả thật, đó chính là bà dạy sư tử ở gánh xiếc.
Đi thôi, tôi bảo Tita. Tôi quàng tay ôm lấy sườn nàng và đưa nàng vào một quán bar gần đấy. Chúng tôi cùng ngồi, tôi vẫn còn khó chịu, nhưng còn lo lắng hơn khi thấy vẻ hốc hác trên gương mặt Tita. Tôi cầm lấy hai bàn tay nàng, chúng lạnh như băng. Tôi gọi rượu mạnh và ép nàng uống. Khi nàng đã bình tĩnh hơn, tôi kể cho nàng biết hai người ở bên trong bộ áo nhân mã ấy là ai. Nàng nhìn tôi chằm chằm, không nói một lời. Tôi biết không phải nàng ghen với người đàn bà dạy sư tử. Mà là một nỗi hãi hùng khủng khiếp đang hành hạ nàng. May sao, những người bạn của chúng tôi đã thấy chúng tôi và cùng kéo cả vào quán bar ấy. Chúng mình đi chén thôi! Julio và Bela reo lên, vui mừng vì không ai phát hiện ra họ trong hai bộ áo quần du hành vũ trụ. Tita và tôi làm đủ mọi thứ để hoà mình vào niềm vui chung ấy, nhưng vẫn chỉ thấy vui gượng mà thôi. Tôi biết Tita cũng đang tự hỏi như tôi rằng: liệu bí mật của chúng tôi còn giữ được bao lâu nữa?
Những ngày sau đó trôi qua đầy lo lắng. Từng giây từng phút, tôi sợ bị chạm trán với Pedro Bento. Đi đâu tôi cũng đeo kính râm; hễ thấy một cái taxi dừng lại gần mình là tôi lập tức quay đi chỗ khác. Còn bà dạy sư tử... phải, tôi cũng rất sợ chạm mặt bà ta, nhưng là một cái sợ khác, vừa hoảng vừa thích. Tôi tưởng tượng thấy mình sau khi cơn kinh ngạc của bà ta đã qua đi, tôi mời bà đi uống rượu, rồi đưa bà tới một nhà trọ, và hỏi khi đang ở trên giường, "Thế nào, ai là ngựa, hả? Bà gọi ai là ngựa thế hả?" Còn bà thì hổn hển thì thào với tôi, "Anh... đồ ngựa đực... anh..."
Còn Tita, nàng mỗi ngày một thu mình lại nhiều hơn. Nàng đã bỏ các môn học và thậm chí không còn xem cả TV nữa. Cả ngày nàng chỉ ngồi im một chỗ và nhìn đăm đăm vào không trung.
Tôi tưởng nguyên nhân là cái con nhân mã giả kia, sự chạm trán với Pedro Bento và người dạy sư tử kia ở Sao Paulo. Tôi cố trấn tĩnh nàng: Nghe này, Tita, họ sẽ không nhận ra anh đâu. Cái người mà họ đã quen ngày trước có mình ngựa, móng ngựa và đuôi ngựa hẳn hoi cơ.
Nhưng sự thực đó không phải là cái làm nàng phiền lòng. Hoặc có thể, nó không làm phiền lòng đến mức ấy. Nàng có một chuyện gì khác, một cái gì đó vừa khiến nàng lo sợ, cũng vừa khiến nàng đôi khi lại nở một nụ cười bí hiểm.
"Em có chuyện quái quỉ gì vậy?" Tôi hỏi nàng, lòng đầy thắc mắc. Nàng không trả lời. Rồi một đêm, lúc chúng tôi đang từ chỗ Julio trở về nhà, nàng bảo tôi: "Em có mang."
Tôi không chịu tin. Ông bác sĩ Morocco đã cam đoan với tôi nếu uống những viên thuốc ấy thì nàng sẽ không bao giờ có thai. Nhưng tình cờ, nàng nói, em đã quên không uống thuốc ấy nhiều tháng nay rồi. Em điên rồi, tôi nói. Chúng tôi đang ngồi trong ô tô, bàn tay tôi đang liệt cứng lại, không thể bật khoá khởi động. Nàng không đáp, nhưng châm một điếu thuốc lá.
Tôi mở máy và phóng hết tốc lực về nhà. Tôi vào thẳng chỗ để điện thoại và gọi ngay một cú đường dài sang cho ông bác sĩ Morocco. Ông nhấc máy, nhưng buồn ngủ hoặc say rượu, mãi không nghe ra tôi nói gì. Cuối cùng thì tôi cũng làm cho ông hiểu rằng Tita có mang. Ông đoan chắc với tôi nàng sẽ không việc gì, nàng có một tử cung người bình thường. Nhưng cái gì rồi sẽ từ đó chui ra? Tôi hét lên. A... ông nói, cái đó thì tôi không biết được. Nếu anh sợ như vậy thì đưa chị ấy đến đây, nếu cần thì tôi sẽ nạo cái thai ấy cho anh.
Tôi đặt điện thoại xuống. Tita đăm đăm nhìn tôi. Em muốn có đứa con của em, nàng nói, dù cho nó có là người, nhân mã, hay là ngựa. Em muốn có con, nàng nhắc đi nhắc lại.
Từ lúc đó trở đi tôi không yên được một phút nào. Ở văn phòng, trong xe, trong những giấc mơ, lúc nào tôi cũng bị hành hạ bởi cùng một thứ nhãn ảnh: những quái vật với các bộ phận người (tay, chân, môi, mắt) và các bộ phận ngựa (chân, đuôi, bờm, dái) kết hợp lại theo các tỉ lệ khác nhau, và luôn luôn, luôn luôn thành những hình thù khủng khiếp.
Càng gần đến ngày sinh, bụng Tita càng to ra một cách đáng sợ. Tôi khẩn khoản rằng hai vợ chồng phải đi Morocco, ít nhất thì cũng để tham vấn ông bác sĩ xem sao. Nhưng quyết tâm của nàng là không thể lay chuyển. Không cần đâu, em biết mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả, nàng bình thản nói, thậm chí còn có vẻ rất hạnh phúc. Thế còn lúc sinh nở thì sao, tôi hỏi. Chúng ta sẽ thu xếp thế nào đây? Thế nào thì cũng là theo ý Thượng Đế cả, nàng đáp. Em sẽ sinh con như những người đàn bà Indian, có bao giờ họ cần đến bệnh viện và bác sĩ đâu. Nghe nàng nói, tôi cảm thấy nàng đã điên rồi, điên hẳn rồi.
Nhiều khi tôi hoảng hốt tỉnh giấc trước lúc bình minh. Tita vẫn ngủ, và tôi nhìn bụng nàng, lộ rõ dần dưới làn ánh sáng còn rất nhẹ của buổi rạng ngày. Cảm giác bao trùm của tôi là sợ hãi, lo lắng, và một ý muốn nổi loạn mù quáng, không phải chống lại Tita mà là chống lại chính bản thân mình, và chủ yếu là phản kháng cái thực thể linh thiêng có tên là Jehovah hoặc bất kỳ một cái tên nào khác, người phải chịu trách nhiệm về những nỗi nhọc nhằn đau khổ nhiều đến thế.
Nhưng nhiều khi tôi cũng xoay ngược được những lo sợ của mình, cởi bỏ được mối hiềm nghi căm phẫn đang tích tắc như một trái bom nổ chậm trong lòng. Quầng ánh sáng nhẹ nhàng phản chiếu từ làn da bụng kia xâm nhập vào tôi, khiến cho tâm trí tôi êm dịu lại. Và nếu tôi để ý thấy bất kỳ một động cựa nào, chắc chắn là do những động cựa của một cánh tay nhỏ bé hoặc cái đầu xinh xinh, là lập tức tôi lại thấy xúc động đến mức, giống như Schiller, muốn ôm chầm lấy hàng triệu người một lúc. Hàng triệu người, kể cả ít nhất là vài chục người da đen, người India, mấy anh khủng bố Palestine, những quái thai (một anh khổng lồ một mắt, một cậu quỉ lùn có hai chân cong ngược lên và giữa các ngón lại mọc ra một bàn chân vận động viên to tướng, đấy là chưa kể đến các anh gù có bướu trên lưng và các chị có những bộ mặt sùi vì bỏng axit,) và cả một con nhân mã con, nếu phải có cả nó. Đúng thế, tôi sẽ có thể yêu cả một con nhân mã con, và tình cảm ấy chỉ có thể xuất hiện từ thiện căn làm cha tự nhiên vẫn còn ở trong tôi. Vậy tôi có sợ nữa không đây? Có sẵn sàng liều lĩnh đón nhận tương lai không đây? Tôi không biết, thực lòng là tôi không biết. Gì thì gì, nào những đợt sóng yêu thương, nào những cơn oán hận, kết quả cuối cùng là một bãi biển vắng vẻ và rộng lớn, một phong cảnh yên bình, và khi tôi thẫn thờ đứng trước khung cảnh ấy, tôi dần dần thiếp đi vào một giấc ngủ yên lành. Cho đến khi chuông đồng hồ đánh thức tôi dậy. Nhưng đó không phải là tiếng kèn của thiên sứ, chỉ là một dụng cụ cơ khí gọi tôi trở lại với thực tế có thể không hoàn toàn phũ phàng, nếu tôi dám trực diện đương đầu với nó.
Việc đầu tiên phải làm là chuẩn bị những thứ cho cuộc sinh nở được tiến hành trong những điều kiện thích hợp nhất. Nhưng làm gì đây? Tôi nảy ra một sáng kiến: mụ đỡ đã đón nhận tôi vào đời. Mụ còn sống không? Tôi gọi điện cho Mina, cầu mong mình đừng gặp chị trong trạng thái trầm uất. May sao, chị Mina có vẻ rất vui, chị vừa đính hôn với ông bác sĩ phân tâm vẫn điều trị cho mình.
Tôi bảo chị Tita đã có mang, và chị chúc mừng tôi nhiệt liệt, nhưng khi tôi nói đến những nỗi lo âu của mình thì chị lập tức sợ hãi và nói rằng chị lại cảm thấy một cơn u uất đang dâng lên rồi đây. "Ôi không được, không có đâu!" Tôi hét ầm lên. "Chị phải giúp em đây này!"
Mina không phụ lòng tôi. Chị lên xe đi luôn xuống những con đường quê bụi mù của Rio Grande và tìm thấy mụ đỡ già trong một cái trại gia súc ở tít tận một nơi hẻo lánh, đang ngồi uống trà cỏ đắng. Mụ đã gần như loà, khổ thân mụ. Mụ có nhớ Guedali không? Tất nhiên rồi, thằng cu Do Thái nửa người là ngựa chứ gì? A, vậy là cậu ấy sắp làm cha hử? Thời gian đi nhanh vậy sao, thưa cô.
Mụ rất thích vì tôi đã tìm mụ để đỡ cho vợ mình. Tuy vậy, mụ không muốn đi xa: thưa cô, tôi già quá rồi, chẳng muốn rời khỏi túp nhà bé nhỏ của mình nữa. Tôi chẳng đi nổi một bước khỏi đây đâu. Nếu muốn, họ có thể đến đây. Mina thuyết phục mụ rất khó khăn; chị phải hứa đủ mọi thứ: quần áo, đồ bát đĩa bằng sứ, đồ đạc trong nhà, rồi cuối cùng thì mụ cũng đồng ý. Mina chở mụ về Porto Alegre rồi đưa mụ lên máy bay.
Tôi ra đón mụ ở sân bay. Nhìn thấy cảnh một bà già nhỏ thó mặc bộ đồ đen, tay ôm khư khư một bọc đồ (về sau tôi mới biết là bọc thức ăn), ngơ ngác giữa những đám dân Sao Paulo đông đặc, tôi thấy đau nhói trong lòng. Liệu mụ có khả năng đỡ đẻ nữa không đây? Tuy nhiên, lúc về đến nhà, ấn tượng của tôi lại khác đi. Vừa được giới thiệu với Tita, mụ đã đặt bọc đồ xuống, xắn tay áo lên và bảo: nào, con gái thân mến, con cởi bỏ quần áo ra và nằm xuống đây. Hơi giật mình khi thấy cặp móng ngựa ("Ta đã quên mất các con như thế nào rồi") mụ khám cho nàng với vẻ rất tự tin và thành thạo. Chưa trở dạ ngay đâu, mụ bảo chúng tôi. Sẽ trong tuần tới đấy. Còn đứa bé, nó có bình thường không? Tôi hỏi. Mụ không đáp, vờ như không nghe thấy. Tôi hít một hơi dài, bụng bảo dạ: thôi, trăm sự ở cả trong tay Thượng Đế.
Paulo trêu chọc tôi: chưa có một anh sắp làm cha nào lại lo lắng như cậu cả, anh nói. Mà đúng thế: tôi thu xếp cho mụ đỡ ở căn phòng sát cạnh chúng tôi, chỉ một tiếng động nhỏ của Tita là tôi chạy ngay sang mụ. Bình tĩnh nào, Guedali, mụ đỡ già ngái ngủ bảo tôi (mụ ngủ suốt ngày). Chưa đến lúc đâu, tôi đã bảo cậu rồi mà.
Một đêm, Tita thức giấc, thấy những cơn đau đều đặn và dữ dội. Tôi chạy sang gọi mụ đỡ, đã thấy mụ dậy rồi, mặc quần áo và đang canh chừng rồi. Lần này thì đúng rồi, Guedali, đã đến lúc rồi. Ta đi thôi. Cậu sẽ giúp tôi một tay.
Hết sức trấn tĩnh cơn bồn chồn lo lắng trong lòng, tôi nhìn thấy cái đầu đứa trẻ xuất hiện, rồi đến thân mình, rồi hai cái chân. Bình thường. Bình thường cả. Nó có bình thường không, Dona Hortensia (35), tôi hỏi, đứa trẻ có bình thường không? Lẽ nhiên rồi, mụ đỡ lẩm bẩm khi cắt nhau cho đứa trẻ. Một thằng cu hoàn toàn bình thường. Mà tại sao không chứ? Cậu tưởng ai sinh ra cũng có móng ngựa đấy chắc?
Mụ dừng lại, nhìn sang tôi vẻ rất ngạc nhiên. Nhưng cậu có bốn cái chân ngựa cơ mà, Guedali, hai cái kia đâu rồi? Tôi đã mổ chúng đi rồi, nhưng tôi sẽ kể cho mụ nghe sau, hãy để ý vào đứa bé đi đã, xin Thượng Đế thương lấy chúng con.
Nó là một đứa bé đẹp đẽ, cái thằng cu mà mụ đỡ vừa đưa cho tôi ẵm. Tita nhìn tôi và mỉm cười, kiệt sức nhưng vui vẻ. Mụ đỡ nhìn bụng nàng. Vẫn còn to lắm. Hừm, mụ nói, vẫn còn nữa đấy.
Vẫn còn nữa? Tôi hoảng hốt nhìn mụ. Cái gì nữa? Cái gì khác nữa sẽ ra đời? Chân ngựa chăng? Một cái đuôi chăng? Một cái thân ngựa chăng?
(Quang cảnh thế này: Tita nằm trên giường, chăn nệm be bét máu, cặp chân ngựa của nàng dang rộng, mụ đỡ đang lắng nghe bụng nàng, chau mày và lẩm bẩm cái gì đó không thể nghe ra được; còn tôi thì đứng dựa vào tường, gần như xỉu.)
Tôi trấn tĩnh lại. Tôi hít vào một hơi dài. Nếu là một cái thân ngựa, tôi nghĩ bụng, mình sẽ đập chết nó, ngay cả nếu nó có vẻ đang sống, thậm chí chân nó có thể động đậy cũng vậy thôi. Tôi sẽ dùng gậy đập chết nó rồi sau đó sẽ đốt sạch nó đi.
"Nó đây rồi!" Mụ đỡ lên tiếng.
Một cái đầu nữa xuất hiện, một cái thân nữa, với hai cánh tay và hai cái chân. Một đứa bé bình thường nữa. Một thằng cu nữa, sinh đôi!
"Anh chị trúng giải rồi," mụ đỡ nói, nhưng tôi hầu như không nghe thấy tiếng mụ. Tôi đang ôm chầm lấy Tita, cả hai chúng tôi nước mắt ròng ròng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Con Nhân Mã Ở Trong Vườn.