Chương 296: Cửu tự chân ngôn
-
Đại Đường Song Long Truyện
- Huỳnh Dị
- 4256 chữ
- 2020-05-09 09:27:08
Số từ: 4250
Nguồn: Sưu Tầm
Khấu Trọng dồn hết sức tàn lê mình lên bãi cát, nhưng rồi cũng không cố được, đành thả mình nằm dài lên cát trắng.
Nhớ lại đêm mưa gió thần sầu quỷ khốc tối qua, trước khi đến được đây, gã đã phải mất một giờ vừa bơi vừa lặn dưới đáy biển sâu để tránh những cơn sóng dữ, nhưng may mà gã có khả năng hô hấp kỳ diệu nên mới có thể chi trì, nếu không giờ này chắc nhìn gã giống loại thuỷ quái chỉ biết thở bằng miệng hơn giống người sống.
Nhờ di chuyển dưới đáy sâu vốn tĩnh lặng hơn mặt biển, gã đã đi được hơn mười hải lý, cũng may là gặp được chỗ này trước khi gã cạn kiệt thể năng, cũng là giới hạn nội công của gã. Trong khi khẩn cấp trồi lên mặt biển, gã hoảng kinh khi phát hiện còn mình cách bờ đến ba bốn dặm mà chân khí thì đã cạn kiệt.
Đó là một trong những giây phút tồi tệ nhất cuộc đời Khấu Trọng.
Gió bão tuy đã tan, nhưng những con sóng vẫn còn khá mạnh, Khấu Trọng chỉ còn biết dựa vào sức lực cơ bắp để chịu đựng trong khi từ từ tấp vào bờ biển, phải nói đau khổ không kể xiết. May mà gã tâm chí kiên nghị, trụ được đến tận bây giờ, không thì đã vùi thây nơi đáy biển.
Lúc đến được bờ biển, điều đầu tiên gã nghĩ tới là trước kia gã thường nhắc nhở Từ Tử Lăng không được ỷ lại vào khả năng hô hấp nội tức để di chuyển dưới đáy sâu quá lâu trừ phi bị bắt buộc, giờ bản thân gã lại phải phá lệ để cầu sinh.
Khắp cơ thể gã như bị kiến độc cắn rỉa, cơ bắp rũ liệt nhức nhối từng chặp, giờ chỉ cần một cao thủ hạng hai hạng ba cũng dư sức lấy mạng gã.
Mây đen đã tan hết trong vòng nửa canh giờ, ánh nắng bắt đầu chiếu lên lưng gã bỏng rát, chợt nhớ ra thanh Tĩnh trung nguyệt vẫn nằm trên lưng gã đang phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ.
Những đồ vật quan trọng gã đã cẩn thận bọc trong vải dầu chống thấm, nhưng có lẽ vài món đã bị ngấm nước biển, thư từ rất có khả năng đã bị bị lem mực.
Chợt nghĩ đến Lý Tú Ninh gã chưa có dịp gặp lại hay Thương Tú Thuần đã liều mạng để trao "thư tình" cho gã, Khấu Trọng không cảm thấy chút hối hận, gã chỉ có thể thở dài "Ái dà!".
Tuy Bạt Phong Hàn đã cảnh cáo gã, cho dù chân nguyên khô kiệt cũng phải cố gắng đứng dậy luyện công mới mong thăng tiến trên con đường luyện võ, nhưng giờ này gã cả ngón tay cũng không cử động được nói gì đến đứng dậy luyện công.
Khi gã sắp sửa chìm vào giấc ngủ, bất thần có tiếng đao kiếm chạm nhau từ xa vọng lại kèm theo tiếng hô "Giết!" mỗi lúc một gần.
Khấu Trọng kinh mang ngẩn đầu lên nghe ngóng, tuy mắt gã đã nhoè đi dưới ánh nắng gay gắt, cũng đủ thấy một đám người, kẻ cầm rìu người vác cuốc, phục trang quái dị, khí thế hung hãn, sát ý trùng trùng. Khấu Trọng mỉm cười chua chát, thả đầu xuống, mặt lại ngập trong cát.
o0o
Chân Ngôn đại sư toàn thân toát lên vẻ trang nghiêm, gương mặt rạng ngời hào quang nói:
- Yếu lĩnh của Phật gia gồm ba điều thân, khẩu, ý. Tu luyện và tham thiền về ba điều này đều quan trọng như nhau. Thân phát ngôn ra là khẩu, khẩu phát từ tâm là ý, ý điều khiển cơ thể là thân, tuy tên gọi chia làm ba, kỳ thực cả ba hoà quyện lại làm một.
Từ Tử Lăng cả kinh thốt lên:
- Đại sư đúng là cao nhân Phật môn, chỉ bằng vài lời ngắn ngủi, làm cho vãn bối hiểu ra trăm điều như đã đọc qua ngàn quyển sách.
Chân Ngôn đại sư cười lớn ba tiếng, vui vẻ nói:
- Lão nạp đã đi khắp thiên hạ, đến hôm nay mới tìm được người sáng dạ như thí chủ, quả là cơ duyên hảo hợp. Thí chủ có thể hiểu được chân lý trong những lời lão nạp vừa nói trong khi kẻ khác có nghe cũng chỉ hiểu qua loa, làm sao có thể tham thấu hết huyền cơ, càng không thể dùng pháp môn này để tu thành chánh quả. Những kẻ ấy thân vốn đã khắc với khẩu, ý chắc gã sẽ theo đó thoát khỏi thân, chỉ được vẻ bề ngoài mà bên trong trống rỗng.
Từ Tử Lăng ngạc nhiên hỏi:
- Làm sao đại sư nhận ra vãn bối không phải chỉ hiểu qua loa đại khái như những kẻ kia, trong khi vãn bối thấy mình không khác gì bọn họ?
Chân Ngôn đại sư hạ mục quang xuống hai tay, cười đáp:
- Khi lão nạp đang đề cập đến Phật gia tam yếu, mười ngón tay của thí chủ lập tức hơi máy động, điều đó chứng tỏ thí chủ cảm nhận được lão nạp ẩn giấu mật ngôn trong lời nói, nhược bằng kẻ khác không hiểu rõ ý nghĩa của chân ngôn, chắc cgã chỉ biết chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời của lão nạp.
Từ Tử Lăng ngượng ngùng giải thích:
- Từ tối qua đến giờ, hai tay của vãn bối như không còn nghe lệnh của não bộ nữa rồi, hây dà!
Chân Ngôn đại sư đáp rằng:
- Cơ thể con người vốn là một kho báu chứa biết bao nhiêu điều bí ẩn của trời đất, Cửu tự chân ngôn thủ ấn của lão nạp, chính là thông qua tam mật, nói cách khác là thông qua cơ thể con người để giao tiếp với vũ trụ, đạt đến cảnh giới thiên nhân hợp nhất, hiểu được lẽ tự nhiên, lập địa thành Phật. Như vậy cho dù đang xuất gia hay tại gia cũng không còn quan trọng nữa, trong tình cảnh đó cho dù thân thể có biến đổi thế nào, ta vẫn là chính ta không gì lay chuyển nổi.
Từ Tử Lăng thích chú vỗ đùi la lên:
- Lời đại sư nói quả nhiên chí lý. Trước giờ vãn bối cứ cho rằng những người theo Phật là phải cam chịu lối sống khổ hạnh bị ràng buộc bởi vô số giáo lý cứng nhắc, từ bỏ mọi ham muốn của thế gian, không thiết gì đến hạnh phúc vui vẻ. Không hiểu những đệ tử Phật môn làm sao chịu đựng được, muốn thành Phật nghĩ sao mà khó quá!
Chân Ngôn đại sư bật cười:
- Ý nghĩ của thí chủ thật là độc đáo, làm cho lão nạp cũng bất chợt ngộ ra được nhiều điều. Cửu tự chân ngôn này, Ah! Hay ta sẽ truyền đạt theo kiểu "tổng tấn công" như vậy sẽ khiến thí chủ dễ tiếp thu hơn.
Từ Tử Lăng lạc giọng hỏi:
- Cái gì? Đại sư tính truyền thụ cả chín chữ chân ngôn cho vãn bối cùng một lúc hay sao, làm sao vãn bối đủ sức tiêu hoá kịp?
o0o
Ầm!
Không biết là ai đã đập phát gậy đầu tiên vào đỉnh đầu Khấu Trọng, kỳ lạ ở chỗ tuy đau đớn khó chịu, sâu thẳm trong Thiên Linh huyệt liền phát sinh cảm ứng, một luồng nhiệt năng xuất phát từ đỉnh đầu, từ từ xuyên qua kỳ kinh bát mạch vốn đã khô kiệt chân khí của gã.
"Choang!"
Chiếc cuốc vốn định bổ vào đầu Khấu Trọng trượt xuống vai gã, đụng mạnh vào Tĩnh trung nguyệt, kẻ đánh lén cảm thấy hổ khẩu tê rần, vội vã nhảy ngược lại, va phải ba tên đồng bọn đứng phía sau làm cả đám ngã nhào kêu la oai oái.
Bọn người vây quanh cũng hoảng hồn lui lại.
Khấu Trọng khó nhọc lắm mới nhúc nhích được nửa thân mình, ngoái đầu nhìn lại, chỉ thấy bao vây quanh gã là một đám người nam có nữ có, sử dụng toàn nông cụ làm vũ khí thô sơ, y phục nhiều màu sắc sặc sỡ, làm bằng vải hoặc da thuộc, nam đóng khố, nữ đều mặc váy nhưng độ dài không giống nhau, ngắn thì đến mắt cá chân, dài thì kéo lê thê trên đất. Bất kể là bên dưới đóng khố hay mặc váy, áo trên người đều rất dày, vừa để giữ ấm, vừa đề phòng độc trùng muỗi dữ. Phụ nữ trên đầu quấn khăn thêu kết cấu phức tạp, tuy mỗi người quấn theo một kiểu nhưng đều để một góc khăn thả dài xuống thảnh một dải, màu sắc rất bắt mắt.
Khấu Trọng không hiểu sao trong tình huống ác liệt này mình còn rãnh rỗi ngắm nghía đến từng chi tiết nhỏ nhặt như vậy, đồng thời cũng cảm thấy hài hước thú vị, bèn hét lớn:
- Có ai biết Hán ngữ không?
Đám nông dân này hiển nhiên không phải ác nhân, thấy gã bị côn đập không chết, liền sinh lòng hoảng sợ, ai ai cũng trố mắt nhìn nhau không hiểu chuyện gì xảy ra, cuối cùng một thiếu nữ rụt rè tách khỏi đám đông, run giọng hỏi gã:
- Ngươi không phải hải tặc ư?
Khấu Trọng cảm thấy buồn cười, nghĩ thầm đám người này thật ngây thơ chất phác, trong tình huống này nếu gã thật sự là hải tặc cũng quyết không thừa nhận mình là hải tặc, nghĩ đoạn kêu lên:
- Ta đây chẳng những không phải hải tặc mà còn là địch nhân của hải tặc. Nhìn này! Chính vì ta đã chiến đấu với hải tặc mà thành ra thê thảm thế này, hà!
Thiếu nữ nghe xong quay về đám người dân tộc, ô lý ô lố giảng giải một tràng dài, rồi cả bọn chụm đầu lại xì xầm bàn tán, Khấu Trọng cảm thấy ngạc nhiên không hiểu sao cô gái có thể phiên dịch hai câu nói của gã thành một tràng dài, rất có thể đã biến thành một câu chuyện lâm li bi đát do chính cô gái thêm mắm dặm muối nên.
Thiếu nữ ấy tuy không thể gọi là xinh đẹp, nhưng trông cũng nhí nhảnh đáng yêu. Trang phục của cô cũng đặc biệt hơn những người khác, bên trong dường như không phải áo mà chỉ là một mảnh yếm từ sau lưng phủ lên khuôn ngực đầy đặn, bên ngoài là một tấm áo khoác mỏng che lên làn da trắng mịn màng thắt gút lại ở chiếc eo thon thả, chiếc váy ngắn tuy không cầu kỳ sặc sỡ nhưng tôn lên đôi chân thon dải, nhìn rất tự nhiên làm nổi bật những đường cong tuyệt mỹ mà lại rất có phong cách hoạt bát đáng yêu.
Khấu Trọng úp mặt xuống cát, bên tai ngân lên giọng nói dịu dàng ấm áp chứa chan của người thiếu nữ:ph
- Đại hiệp đến giúp dân làng chúng tôi đánh đuổi bọn hải tặc phải không?
Khấu Trọng đau khổ rên lên:
- Các người chỉ cần để ta ngủ một đêm ngon giấc, cho dù có đánh nhau với Ngọc Hoàng thượng đế cũng không thành vấn đề.
o0o
Chân Ngôn đại sư bình thản giảng:
- Đừng nên xem nhẹ chín chữ này, nó xuất phát từ cuốn sách nổi tiếng thời Đông Tấn của Đạo gia do Cát Hồng (nhà luyện đan nổi tiếng thời Xuân Thu) trước tác tên là "Bão Phác Tử", cả quyển gồm một ngàn chương, nguyên văn như sau: "Lâm binh đẩu giả, giai trận liệt tiền hành. Thường Đương thị chi, vô sở bất tích"." ("Gặp việc khó khăn, cứ tiến về phía trước. Hiểu lẽ vô thường, không gì cản nổi")
Từ Tử Lăng lộ vẻ không hiểu, ngạc nhiên hỏi:
- Vãn bối tuy không hiểu biết gì về nguồn gốc của cửu tự chân ngôn này, nhưng lấy làm thắc mắc vì sao đại sư vốn là người của Phật môn lại mượn câu chữ từ sách của Đạo gia để thuyết pháp?
Chân Ngôn đại sư nhắm mắt chìm vào suy tưởng, trầm ngâm đáp:
- Lão nạp chủ yếu dựa vào căn cơ hiểu biết của thí chủ để chỉ ra chân ngôn đại pháp này trọng thần không trọng hình, phạm vi sử dụng gói gọn trong vòng tam mật, mà tam mật thì Phật gia hay tam tài Đạo gia đều có cùng một nền tảng mà ra cả.
Từ Tử Lăng tận đáy lòng dâng lên niềm kính cẩn, gật đầu đáp:
- Vãn bối xin thụ giáo!
Chân Ngôn đại sư đột nhiên cất tiếng như hát "Lâm", hai tay đưa lên qua đầu, ngón tay khép lại như nụ hoa, ngón áp út để nghiêng, đầu các ngón tay khẽ chạm nhau.
Từ Tử Lăng chấn động thốt lên:
- Lợi hại!
Chân Ngôn đại sư hạ cả hai tay xuống, vui vẻ nói:
- Thí chủ đã nhận ra điều gì?
Từ Tử Lăng đáp:
- Vãn bối cảm thấy đại sư như hoá thành núi cao vững chãi, không gì lay chuyển nổi.
Chân Ngôn đại sư giảng:
- Đây chính là ấn căn bản nhất Bất động thủ ấn, thủ ấn chia thành mấy nghìn loại, bất động ấn là một trong chín thức cơ bản của Phật môn, hiện nay lão nạp chỉ hướng dẫn chín thức cơ bản này chứ thật sự không thể truyền hết tất cả trong một sớm một chiều, ngày sau thí chủ phải dựa vào căn cơ tu tập để tìm hiểu thêm, xem tiếp đây!
Nhanh như cắt, trong khi vẫn đang giữ tư thế toạ thiền kiết già, hai tay đại sư đan vào nhau nối thành một tràng ấn kết, biến hoá vô cùng, bất ngờ hát lên "Binh!". Người hiểu đạo tự khắc biết sau bất động ấn sẽ là mấy trăm biến hoá khác, từ đó hình thành nên ấn thứ hai.
Từ Tử Lăng bắt chước làm theo tự nhiên thấy nhiệt khí hình thành, chỉ lực bắn ra như đạn. Chân Ngôn đại sư chìm trong luồng tư tưởng xa xôi như không hay biết gì, giảng tiếp:
- Đây là Đại kim cang luân ấn, có khả năng trừ ma trị bệnh, cũng có thể dùng nó để hàng ma vệ đạo, tuỳ thí chủ hiểu lấy!
Từ Tử Lăng nhìn thấy hai tay mình tự nhiên biến hoá thành thủ ấn vô cùng vô tận, bắt đầu hiểu ra tại sao Chân Ngôn đại sư đi khắp nơi mà không tìm được d truyền nhân. Nguyên do pháp môn này vô cùng ảo diệu, chỉ có thể truyền ý không thể truyền lời, người biết tự khắc sẽ hiểu, người không biết có hướng dẫn thế nào cũng vô dụng.
Tiếp theo Chân Ngôn đại sư lần lượt biểu diễn toàn bộ các pháp ấn cơ bản của Phật môn theo thứ tự như: Ngoại sư tử ấn, Nội sư tử ấn, Ngoại buộc ấn, Nội buộc ấn, Nhật luân ấn và Bảo bình ấn.
Mỗi loại ấn cơ bản kèm theo hàng trăm loại biến hoá không giống nhau, Từ Tử Lăng song mục tập trung, nhìn chăm chú, trong đầu mường tượng ra hàng ngàn hàng vạn biến hoá của các loại thủ ấn.
Nếu như Từ Tử Lăng không có ngộ căn cực cao cộng với kinh nghiệm từ trước do ngồi thiền tại La Hán đường này, có nhìn chăm chú thế nào cũng không thể hiểu hết những biến hoá ấy được.
Trong phút chốc tâm thần lĩnh hội, hai tay cũng kết xuất ra những ấn thức không giống nhau.
Ngay cả khi mặt trời đã chuyển về Tây, thời gian trôi đi bao lâu, gã cũng không để ý tới.
o0o
Khấu Trọng từ từ tỉnh dậy, nhất thời hoang mang không biết mình đang ở đâu, bốn phía vang lên những âm thanh thôn làng náo nhiệt, pha lẫn tiếng trâu, bò, dê, cừu kêu inh ỏi.
Gã ngồi bật dậy và nhận ra mình đang ở trong một căn phòng đơn sơ giản dị của người dân tộc Mèo, phảng phất ánh đuốc từ ngoài cửa sổ hắt vào, gã nhìn thấy những người nông dân tốt bụng đã đưa gã về đang bồng bế vợ con dắt díu gia súc, hớt hải tìm đường chạy đi lánh nạn, nét mặt ai cũng hoảng hốt động tác khẩn trương như sợ bị bỏ lại phía sau.
"Bang!"
Cánh cửa gỗ bật tung, thiếu nữ dân tộc đã cứu gã chạy ùa vào, nét mặt đầy hoảng sợ thảng thốt nói:
- Chúng ta phải chạy mau, hải tặc đến thật rồi!
Khấu Trọng lấy làm ngạc nhiên, thầm nghĩ chẳng phải gã đang đóng vai đại anh hùng giết hải tặc sao? Tại sao phải kêu gã cùng với mọi người bỏ chạy? Nghĩ đoạn, Khấu Trọng bình tĩnh nói:
- Không cần sợ, mọi việc đã có tại hạ ứng phó, đao của tại hạ đâu?
Thiếu nữ chỉ tay lên tường, nói:
- Công tử muốn chết à? Chạy nhanh đi!
Rồi không để ý gì đến Khấu Trọng nữa, tự mình lẻn đi mất.
Khấu Trọng đưa mắt nhìn lên tường, quả nhiên thấy Tĩnh trung nguyệt đang an nhiên treo trên đó, thầm nghĩ thôn dân nơi đây quả thật chất phác thuần hậu, trong thời đại này, ngay cả ở những vùng quê hẻo lánh, một cây đao cũ nát đã qua sử dụng cũng có thể bán rất được giá.
Tiếng ồn ào của thôn dân trôi xa dần, bên ngoài không còn chút âm thanh của sự sống đã từng ngự trị nơi đây vài canh giờ trước đó.
Khấu Trọng duỗi người thư giãn gân cốt, đột nhiên phát hiện công lực đã phục hồi như cũ, thậm chí còn hồn hậu hơn trước, lấy làm kỳ quái, thầm nghĩ lần chạy trốn này đã tiêu tốn không ít chân nguyên, nói phục hồi còn tin được làm sao lại có chuyện tăng tiến? Nếu sự thực là vậy, lẽ nào gã đã vô tình luyện công cả trong lúc ngủ.
Trong thâm tâm Khấu Trọng đang lo lắng cho sự an nguy của đám thôn dân, bèn nhảy xuống đất, rút Tĩnh trung nguyệt, chạy ra ngoài cổng làng, cả một thôn làng hơn trăm nóc nhà im ắng như quỷ vực, chứng tỏ thôn dân đã quen với việc chạy trốn thế này nhiều lần, ngay cả gà chó cũng không để rơi rớt lại.ủ
Bất thình lình cảm nhận sự thay đổi, Khấu Trọng nhìn về hướng đông bắc, chỉ thấy lửa bốc cao sáng rực như ban ngày, khói đen cuồn cuộn che kín bầu trời, ẩn ước có tiếng hô hoán truyền lại.
Khấu Trọng tâm thần đại chấn, mắt thấy bọn hải tặc hung tàn, công nhiên phóng hoả đốt hết vùng phụ cận làng mạc. Tức thì đại khai sát khí, tay lăm lăm Tĩnh trung nguyệt, thi triển khinh công tộ cùng như bay về phía ánh lửa.
o0o
Kẻ đang hoá thân thành đại hiệp mặt sẹo không ai khác ngoài Từ Tử Lăng, đang lững thững đi dạo dọc theo các con phố phía Nam Thành Đô, để lại phía sau ám kí liên lạc cho Trịnh Thạch Như tìm đến.
Tuy gã chưa luyện hết quyển thượng của "Hoán nhật đại pháp" nhưng đã có cảm giác thoát thai hoán cốt.
Võ công của gã bây giờ đã bao gồm tất cả những tạp học cóp nhặt suốt bao năm trời bôn ba khổ chiến, tất cả hoà thành một thể thống nhất. Nhớ lại mỗi khi lâm nạn đến lúc sinh tử quan đầu gã lại không ngừng sáng tạo nên những chiêu thức mới, nhưng giờ đây cũng đã quên sạch tất cả. Lợi thế của gã bây giờ là một thân võ công tự tạo không còn biết rõ nguồn gốc, tuỳ ý sử dụng muốn gì được nấy mà không bó buộc theo một công pháp nhất định nào.
Từ sau khi tiếp thu "Cửu tự chân ngôn thủ ấn" do Chân Ngôn đại sư truyền lại, võ công gã đã như trăm sông đổ về biển lớn, gã đã lĩnh hội tất cả một cách tâm đắc, giờ đây đã đến lúc viên mãn tựu thành.
Điều duy nhất gã không biết là từ sau khi từ biệt Chân Ngôn đại sư, gã đã bước một bước dài trên con đường tu tập, trong người đã nắm cả tâm pháp chí cao vô thượng của hai nhà Phật
Đạo, phóng tầm mắt ra khắp Trung Nguyên cũng không tìm được người thứ hai ngoài Khấu Trọng có khả năng tranh giành ngôi vị Nhất đại tông sư với gã.
Từ Tử Lăng tâm tình phảng phất như muốn bắt đầu lại tất cả, ngay cả những suy nghĩ miên man bất chợt về Thạch Thanh Tuyền hay Sư Phi Huyên cũng đã lui vào quá khứ, hiện tại có chăng cũng chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trong lòng gã.
Tuy tính cách của gã và Khấu Trọng đại đồng tiểu dị, tựu trung cả hai đều không thích bị người khác quản thúc, càng không muốn kẻ khác an bài mọi việc cho mình. Sở dĩ lần này gã chịu xuất lực vì Thạch Thanh Tuyền và Sư Phi Huyên, cũng là vì gã thấy có thể tự hành động theo phong cách của mình, không cần bất cứ một sự giúp đỡ nào khác.
Nói thẳng ra là hiện tại gã chỉ có chút không cam tâm phá bỏ mối nhân duyên vi diệu với Thạch Thanh Tuyền và Sư Phi Huyên mà thôi.
Nhưng rồi tất cả cũng sẽ trở thành quá khứ.
Chân Ngôn đại sư cũng như Lỗ Diệu Tử, mỗi người đều nâng đỡ gã vươn lên những tầm cao mới, đến mức có thể nhìn thấu những sự việc gút mắc và đạt đến cảnh giới khác hẳn.
Từ Tử Lăng nhẹ nhàng dừng bước, tách khỏi dòng người bộ hành chờ đợi bóng dáng của Trịnh Thạch Như xuất hiện gần đại môn, nét mặt nhàn nhã như một phú gia công tử đang ngắm cảnh, nhưng so với một đầu mục nổi tiếng võ lâm như Trịnh Thạch Như, xem ra cũng còn kém vài phần, thế mới biết người sống trong giang hồ cần phải có danh tiếng.
Làm thế nào để tìm một người trong phố xá đông đúc này nghĩ cũng thật khó, bất ngờ cánh cổng lớn bật mở từ đó một hàng dài năm sáu người bước ra, nhằm hướng bắc thẳng tiến, đi chính giữa hiển nhiên là Trịnh Thạch Như.
Từ Tử Lăng cảm thấy phấn chấn.
Trước nay gã đều nghi ngờ Trịnh Thạch Như và Âm Quý Phái có quan hệ mờ ám chỉ là chưa có chứng cứ xác minh, giờ chính là cơ hội tốt để khẳng định chuyện này.
Dù sao đi nữa, chuyện lựa chọn Trịnh Thạch Như làm người loan tin Bá Đao Nhạc Sơn xuất hiện tại Thành Đô gã đã xác định rõ từ trước. Đúng như Sư Phi Huyên đã suy đoán, nếu như Tịch Ứng đã dám công nhiên đàn áp tăng nhân Đại Thạch Tự, chuyện này tuyệt đối không đơn giản, có lẽ là kế điệu hổ li sơn dụ Thiên Đao Tống Khuyết Bắc tiến (chỗ này có lẽ Hùynh Tiên sinh nhằm khi để là Nam hạ, vì Tống Khuyết đang ở phương Nam), rồi tìm cách đối phó.
Nhưng Từ Tử Lăng cũng có chủ kiến riêng của mình.
Nếu kế hoạch của Tịch Ứng đơn giản chỉ nhằm dụ Thiên Đao Tống Khuyết Bắc tiến, gã chỉ cần hạ chiến thư, nhất định Tống Khuyết dù có nghi ngờ nhưng để bảo toàn danh dự cũng phải vác đao phó ước.
Đằng này Tịch Ứng hành động gián tiếp, không dám công nhiên khiêu chiến Thiên Đao Tống Khuyết, hẳn là đã trù tính sẵn âm mưu quỷ kế gì đây.
Tại giải đất địa đầu Tứ Xuyên này, Tịch Ứng đang muốn gì nơi đây?
Tóm lại có thể khẳng định một chuyện Tịch Ứng đã được Âm Quý Phái chống lưng, như vậy Trịnh Thạch Như và đám lâu la chạy ngược chạy xuôi là để dò la tình hình.
Giả sử những suy nghĩ của Từ Tử Lăng là thật thì nội trong đêm nay gã sẽ có dịp đối đầu với Tịch Ứng.
Từ Tử Lăng nép mình vào một ngõ hẻm, và khi gã rời khỏi đó, vị đại hiệp mặt sẹo thoắt cái đã hoá thành đỉnh đỉnh đại danh Bá Đao Nhạc Sơn, bước nhanh tới chặn đầu Trịnh Thạch Như và đám bộ hạ của gã.