Chương 561: Kế hoạch chu toàn
-
Đại Đường Song Long Truyện
- Huỳnh Dị
- 4489 chữ
- 2020-05-09 09:29:00
Số từ: 4483
Nguồn: Sưu Tầm
Khấu Trọng, Từ Tử Lăng, Tống Sư Đạo và Nhậm Tuấn giục ngựa chạy vào quan đạo, hướng về phía Ngư Dương. Vô Danh thì lượn vòng trên cao bay theo.
Khấu Trọng cười:
- Nhìn tiểu Tuấn thần khí sung mãn, hiển nhiên đao pháp có tiến bộ lớn, không như ta và tiểu Lăng là hai tên vô dụng.
Da mặt Nhậm Tuấn rõ ràng không hề thay đổi so với trước đây, lập tức ửng đỏ, hắn nhăn mặt nói:
- Khấu gia không cần cười ta. Các vị từng căn dặn phải luyện tập cho tốt, tiểu tử này làm sao dám lười biếng?
Từ Tử Lăng hỏi:
- Ngươi khẳng định Âm Hiển Hạc không hề trở về Sơn Hải quan chứ?
Nhậm Tuấn quả quyết:
- Do mọi người đều chờ đợi hai vị trở về bất cứ lúc nào nên đêm ngày luôn phái người quan sát, ai nhập quan cũng không qua được mắt bọn ta. Hứa Khai Sơn về sớm hơn các vị một ngày. Đỗ Hưng vẫn chưa thấy tăm hơi đâu.
Tống Sư Đạo nói:
- Nếu đợi ở Sơn Hải quan hai ngày, nói không chừng có thể gặp Âm Hiển Hạc.
Khấu Trọng than:
- Bọn ta làm gì có thời gian? Ồ! Kia chẳng phải là lão bằng hữu Trương Kim Thụ và Khâu Nam Sơn sao?
Bốn người dừng ngựa lại.
Dưới ánh tịch dương, phía trước bụi bốc lên mù mịt. Trương Kim Thụ, Khâu Nam Sơn và hơn mười tên tuỳ tùng phóng về phía bọn họ. Trương Kim Thụ là đại tướng từng được Cao Khai Đạo phái đi trinh sát tình hình quần hùng, đã có duyên gặp mặt hai gã một lần. Khâu Nam Sơn là Tổng tuần bộ của Cao Khai Đạo, từng cùng bọn gã tại Ẩm Mã Dịch quán chống lang tặc. Miễn cưỡng có thể coi hai người này là chiến hữu cùng trải qua hoạn nạn.
Từ Tử Lăng vui vẻ nói:
- Không ngờ lại là vị bằng hữu yêu chó!
Tốc độ của toán người ngựa chậm dần. Trương Kim Thụ cười lớn:
- Thiếu Soái và Từ huynh phong thái vẫn như xưa, thật đáng vui đáng mừng. Việc các vị tại Tái Ngoại dương danh cho Hán tộc sớm đã truyền khắp giang hồ. Hà!
Khâu Nam Sơn ghìm cương dừng ngựa, nhìn Tống Sư Đạo thi lễ:
- Vị huynh đài này khí vũ bất phàm, chắc là Tống gia nhị công tử. Những kẻ lỗ mãng ở vùng Đông Bắc như bọn ta cũng đã nghe danh từ lâu.
Chỉ hời hợt vài câu là đã có thể biết lần gặp gỡ này không phải là tình cờ.
Sau một hồi hàn huyên khách khí, Trương Kim Thụ nói:
- Chúng ta đi chỗ nào nói chuyện tiếp nhé?
Bọn Khấu Trọng trong lòng ngạc nhiên, biết đối phương chẳng phải đến đón rước bọn gã vào thành mà là có chuyện cần nói.
Trương Kim Thụ giục ngựa tiến vào khu rừng thưa. Tất cả liền đi theo hắn.
Thấy Vô Danh từ trên không hạ xuống đậu vào vai Khấu Trọng, mọi người lại một phen thán phục hỏi han.
Đoàn người xuống ngựa trên đỉnh đồi, ngắm nhìn tia nắng cuối cùng vụt tắt ở cuối chân trời. Chiều tàn lập tức chuyển sang đêm tối, ánh sao dần xuất hiện. Gió đêm trong lành nhẹ nhàng xua đi hơi nóng ban ngày.
Lúc Khấu Trọng giải thích xong chuyện về lang tặc, bầu trời đêm đã hiện lên vô số những vì sao lấp lánh.
Khâu Nam Sơn lạnh lùng nói:
- Hứa Khai Sơn mất đi sự chi viện của Đỗ Hưng, vậy bọn ta không cần khách khí với hắn nữa.
Trương Kim Thụ lắc đầu:
- Sự tình tuyệt không thể giải quyết dễ dàng như vậy đâu. Hứa Khai Sơn nhiều khả năng sẽ đầu nhập La Nghệ. Kẻ này ngoài mặt tuy thần phục Cao gia nhưng thật ra đang xưng bá ở U Châu. Bọn ta đang tạm thời nhẫn nại hắn.
Khấu Trọng nhíu mày hỏi:
- La Nghệ là thằng cha nào vậy?
Tống Sư Đạo trả lời:
- La Nghệ là bá chủ hắc đạo, cũng là thổ hào có thế lực nhất tại U Châu. Nghe nói hắn vẫn ngấm ngầm cung cấp tin tức cho Lý gia. Chỉ cần Lý Thế Dân thành công hạ được Lạc Dương, hắn đại loại sẽ là một trong những người sớm quy hàng.
Khấu Trọng trong lòng lại dâng lên một bầu tâm sự, gã nhăn mặt cười rồi nói:
- Ài! Lại là Lạc Dương!
Trương Kim Thụ hỏi:
- Phải chăng các vị chuẩn bị vào thành gặp Tiễn đại sư?
Từ Tử Lăng lộ vẻ ngạc nhiên:
- Trương lão ca cũng biết việc này ư?
Khâu Nam Sơn cười đáp:
- Trương huynh là hảo hữu duy nhất của Tiễn đại sư, đương nhiên biết quan hệ của Thiếu Soái đối với lão. Bọn ta nghe nói chư vị từ Sơn Hải quan đại giá quang lâm lập tức đến đón.
Trương Kim Thụ hỏi thăm:
- Thiếu Soái lần này có mang theo Phi Vân cung không?
Khấu Trọng vui vẻ đáp:
- Không có Phi Vân cung mà dám đến gặp Tiễn đại sư sao?
Trương Kim Thụ giật mình kinh ngạc nói:
- Giỏi thật! Quả nhiên các vị đã làm được!
Việc gã giết Thâm Mạt Hoàn chỉ xảy ra vài ngày trước khi cả bọn ly khai Long Tuyền nên tin tức này chưa truyền tới Trung Nguyên.
Khấu Trọng lấy Phi Vân cung ra cho hai người xem qua, đoạn cười nói:
- Thì ra các ngươi vì thế mà đến. Ta lại còn tưởng Trương huynh không muốn bọn này vào thành.
Trương Kim Thụ mân mê cây thần cung có khắc hai chữ
Phi Vân
, thần tình kích động nói:
- Thiếu Soái nghĩ không sai. Các vị đúng là không nên vào thành!
Tống Sư Đạo ngạc nhiên hỏi:
- Vì sao?
Trương Kim Thụ chuyển Phi Vân thần cung cho Khâu Nam Sơn chiêm ngưỡng, miệng than thở:
- Vì Cao gia chuẩn bị quy phục Đường thất. Thiếu Soái cứ vào thành thế này sẽ làm bọn ta cảm thấy khó xử.
Khấu Trọng trong lòng chấn động, lập tức hiểu rõ mọi chuyện. Lần trước gặp Trương Kim Thụ, gã đã suy đoán tới khả năng này.
Cao Khai Đạo phái Trương Kim Thụ đi trinh sát trận quyết chiến giữa Lý Thế Dân và Tống Kim Cương rồi mới quyết định có nên sớm quy thuận Lý phiệt hay không. Hiện tại Lý Thế Dân đã đại phá liên quân Tống Kim Cương và Đột Quyết nên Cao Khai Đạo làm thế là điều dễ hiểu.
Tống Sư Đạo hỏi:
- Tình hình hiện tại thế nào?
Trương Kim Thụ hiển nhiên coi bọn gã là bằng hữu nên không hề do dự đáp:
- Tần Vương hiện đã quay về Quan Trung, toàn lực chuẩn bị cho cuộc chiến công phá Lạc Dương. Đường đế Lý Uyên đã phái Lý Thần Thông lãnh một vạn tinh binh đến Lê Dương hội quân với Lý Thế Tích để tăng cường binh lực của nơi này, mục đích để đối kháng
Hạ Vương
Đậu Kiến Đức và
Trịnh Vương
Vương Thế Sung.
Khấu Trọng nhíu mày hỏi:
- Lý Thế Tích và Lý Thần Thông bằng cách nào có thể ứng phó được hai lộ đại quân đó?
Trương Kim Thụ trầm giọng:
- Đường quân ở Lê Dương đúng là không đủ lực lượng để đảm đương việc này. Có điều Lý Thế Tích là người tinh thông quân sự và binh pháp nên đã nhìn rõ Hạ quân và Trịnh quân đều nghi ngờ lẫn nhau. Hắn không cần đề phòng Vương Thế Sung, thoải mái áp dụng sách lược
Bắc công Tây phòng
nên đã chiếm thế chủ động trên chiến trường, lại không hề bỏ trống Lê Dương.
Lê Dương nằm ở phía Đông Bắc thành Lạc Dương, phía Tây Nam của Hứa Thành.
Tây phòng
là chỉ cách ứng phó Vương Thế Sung, còn
Bắc công
là sách lược đối với Đậu Kiến Đức.
Khâu Nam Sơn tiếp lời:
- Lý Thần Thông trước tiên kéo quân lên phía bắc Lê Dương đánh chiếm Triệu Châu của Đậu Kiến Đức. Đậu Kiến Đức tức giận đích thân xuất lãnh năm vạn tinh binh Nam hạ nhằm chiếm lại Triệu Châu. Trận này Lý Thần Thông tổn thất nghiêm trọng cụp đuôi chạy về Lê Dương, làm sách lược
Bắc công Tây phòng
của Lý Thế Tích phá sản. Hiện nay Đậu Kiến Đức đang tấn công mãnh liệt Lê Dương. Nếu như nơi này thất thủ thì các thành trì xung quanh mà quân Đường đã chiếm được như Vệ Huy sẽ không thể giữ nổi. Đậu Kiến Đức có thể trong một thời gian ngắn khuếch trương thanh thế nhập quan, hình thế nguy cấp phi thường.
Khấu Trọng than:
- Như thế là bức Lý Thế Dân phải xuất quan sớm rồi.
Trương Kim Thụ nói:
- Lý Thế Tích không phải là hạng dễ nuốt như vậy, hơn nữa hắn phòng thủ Lê Dương rất kiên cố. Đậu Kiến Đức muốn chiếm được nơi này tuyệt không phải là chuyện đơn giản.
Từ Tử Lăng hỏi:
- Thái độ của các vị phải chăng là rung đùi xem các bên đánh nhau?
Trương Kim Thụ mỉm cười đáp:
- Từ huynh suy đoán rất đúng! Tạm thời không cần nói những chuyện phiền nhiễu đó. Chi bằng bọn ta đến chỗ nào uống vài chén rượu, rồi sai người đưa Tiễn đại sư rời thành đến đây để lão tự tai nghe Thiếu Soái kể chuyện giết chết Thâm Mạt Hoàn.
o0o
Nói về tình thế thiên hạ hiện nay, từ lúc
Tri Thế Lang
Vương Bạc tụ tập khởi nghĩa ở Trường Bạch Sơn, quần hùng đuổi hươu, các phương tranh giành nhau kịch liệt. Đến khi Vũ Văn Hoá Cập phát động binh biến ở Giang Đô rồi giết chết Dương đế, Trung Thổ trở thành mảnh đất vô chủ. Các thế lực quân phiệt hùng mạnh ở mọi miền lần lượt lấy danh khởi nghĩa để cắt đất xưng bá. Quy mô tuy lớn nhỏ bất đồng, nhưng đại đa số đều xem chiều gió, ngả theo kẻ mạnh, hy vọng có thể đầu quân cho minh chủ tương lai sẽ thống nhất thiên hạ, mong sau này được phong Hầu tấn Tước, hưởng hết phú quý vinh hoa. Vì vậy mà nơi nào cũng lúc hợp lúc phân, tình thế biến hoá vô cùng kịch liệt.
Trước đây, thế lực lớn nhất là Lý Mật. Việc lão đại phá Vũ Văn Hoá Cập càng làm bá nghiệp của mình lên đến đỉnh điểm. Có điều đó lại là nguồn gốc của mối hoạ. Lý Mật thảm bại ở Yển Sư, rồi bị bức bách phải đầu hàng Đường thất. Đó chính là thời điểm lão thân bại danh liệt, không thể ngóc đầu lên được nữa.
Trong thời Tuỳ mạt, bất kể về chính trị hay võ lâm giang hồ, Tứ đại môn phiệt đều là những trụ cột, là những tập đoàn quân phiệt mà thực lực có thể thay thế triều đình nhà Tuỳ. Vũ Văn Hoá Cập bị suy yếu, Độc Cô phiệt thảm bại trong cuộc chiến với Vương Thế Sung nên phải chạy về Quan Trung quy phục Lý gia. Tình thế dần dần rõ ràng, trở thành cục diện Bắc Nam đối chọi giữa Lý phiệt có căn cơ ở Quan Trung và Tống phiệt ở Lĩnh Nam.
Lúc này, trong số các anh hùng phương Bắc, Lưu Vũ Châu và Tiết Cử bị Lý Thế Dân lần lượt đánh bại ở Bách Cử và Thiển Thủy Nguyên, hùng bá Giang Hoài là Đỗ Phục Uy lại không đánh mà hàng. Ở Trung Nguyên, chỉ còn hai đại thế lực có thể chống chọi với Lý phiệt là Đậu Kiến Đức và Vương Thế Sung.
Trong các thế lực ở phương Nam, Lý Tử Thông và Trầm Pháp Hưng vì nhiều năm đánh lẫn nhau không lúc nào được nghỉ ngơi nên chỉ có thể ngồi chờ bị làm thịt, không thể có sức mạnh Bắc thượng tranh bá. Còn những phương có thực lực là Tiêu Tiễn ở Ba Lăng và Lâm Sỹ Hoành ở Dự Chương lại kiềm chế lẫn nhau, không đủ sức để tham gia vào trường quyết chiến Hoàng Hà có tầm quan trọng bậc nhất Trung Nguyên.
Trong tình thế ngày càng rõ ràng đó, Khấu Trọng biến thành lợi khí của Tống phiệt, từ phương Nam xa xôi tham dự trực tiếp vào trường quyết chiến ở Hoàng Hà. Thiếu Soái quân tuy vẫn chưa đủ lông đủ cánh, nhưng chỉ cần giữ chắc căn cứ địa Bành Lương thì không ai có thể xem thường.
Thiếu Soái quân sở hữu hải cảng ở phía bắc Bành Lương, có thể phát triển mậu dịch trên biển, lại được sự chi viện không ngừng của Tống phiệt. Quan trọng hơn cả là người đứng đầu Thiếu Soái quân, Khấu Trọng danh chấn thiên hạ, một trong những cao thủ xuất quần bạt tụy trong lớp thanh niên, chiến tích huy hoàng, thạo việc lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều. Không ai dám hoài nghi tài năng quân sự của Khấu Trọng. Khả năng của gã so với Lý Thế Dân quân công cái thế cũng không hề thua sút, nên đã trở thành kình địch mà Lý Thế Dân cố kỵ nhất.
Ngoài ra, Lý phiệt lại có mối lo bên trong. Việc Lý Thế Dân, Thái tử đảng và Phi tần đảng không những phải tranh đấu với nhau, mà còn phải phòng ngừa người Đột Quyết ở biên cương phía Bắc lúc nào cũng như mắt hổ rình mồi, tuỳ thời Nam hạ càng làm sự tình biến hoá khó lường.
o0o
Trong tình hình đó, Khấu Trọng và Từ Tử Lăng chia tay. Khấu Trọng mang theo tiểu liệp ưng một mình đến Triệu Châu gặp Đậu Kiến Đức. Chỉ cần có thể làm y và Vương Thế Sung kết thành liên minh là sẽ có cơ hội khiến Lý Thế Dân vốn chưa bao giờ thất bại phải thua thảm một trận, giữ vững Lạc Dương, giúp Thiếu Soái quân tranh thủ được thời gian và không gian để phát triển, từ một tiểu liệp ưng chưa đủ lông đủ cánh trở thành một liệp ưng uy mãnh tung hoành trời cao.
Sau ba ngày đêm liên tục hành trình, vào lúc hoàng hôn, Khấu Trọng tới Triệu thành. Tướng giữ cổng lập tức phi báo Đậu Kiến Đức. Lưu Hắc Thát đích thân ra đón, hai người gặp lại vô cùng vui mừng.
Lưu Hắc Thát đã nghe tin Khấu Trọng dương uy ở Tái Ngoại, nay lại thấy liệp ưng đậu trên vai gã liền tán thưởng:
- Các dân tộc thảo nguyên đều coi thường bọn ta. Hôn quân Dương Quảng chinh chiến Cao Ly càng đánh càng bại, trở thành trò cười cho người ngoại tộc. Lần này Thiếu Soái có thể làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của chúng, không còn kẻ nào dám nói Trung Nguyên bọn ta không có người tài nữa.
Khấu Trọng nói:
- Cuộc chiến ở Bách Cử của Lý Thế Dân cũng chấn động thảo nguyên, ai dám nói Trung Nguyên bọn ta không có người!
Lưu Hắc Thát tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Bụng dạ của Thiếu Soái quả nhiên rộng rãi hơn hẳn người thường, đối với địch nhân lại đề cao đến thế.
Khấu Trọng cùng hắn cưỡi ngựa rong ruổi về tổng bộ chỉ huy Đô đốc phủ của Đậu Kiến Đức ở giữa thành. Chỉ thấy quang cảnh trên đường phố vẫn bình thường, hàng quán vẫn mở cửa làm ăn như mọi khi, dân sinh không hề bị ảnh hưởng. Trong lòng thầm tán thưởng, gã mỉm cười nói:
- Coi thường địch nhân là tối kỵ của binh pháp. Hà! Đừng có lúc nào cũng Thiếu Soái này Thiếu Soái nọ được không? Ta vẫn là tiểu Trọng ngày nào thôi!
Chẳng biết có phải lời nói vừa rồi động chạm vào vết thương lòng của Lưu Hắc Thát đối với Tố Tố hay không, chỉ thấy gã thiết hán này khẽ than một tiếng, không hề đáp lại.
Để làm hắn phân tâm khỏi chuyện buồn, Khấu Trọng hỏi:
- Tình hình Lê Dương gần đây thế nào?
Tinh thần có vẻ phấn chấn hơn, Lưu Hắc Thát trả lời:
- Lý Thần Thông thua trận chạy về Lê Dương rồi cùng với Lý Thế Tích đóng cửa phòng thủ. Bọn ta đánh không được mà không đánh lại càng không được. Hạ Vương đang vô cùng đau đầu.
Khấu Trọng lại hỏi:
- Phía Vương Thế Sung có động tĩnh gì? Các người có định kết thành liên minh với lão không? Nếu lão chịu xuất quân lên phía Bắc đánh vào mặt sau của Lý Thế Tích thì dù hắn có giỏi phòng thủ như Lý Thế Dân cũng chỉ sợ sẽ không có cách gì giữ được.
Lưu Hắc Thát tỏ vẻ khó chịu:
- Nhắc đến lão ấy chỉ làm bọn ta tức khí. Cứ theo thám tử báo về thì Vương Thế Sung giam lỏng Dương Đồng tại điện Hàm Lương, bức bách y phải nhường ngôi để lão danh chính ngôn thuận xưng Đế. Ngươi nói xem bọn ta làm sao mà có thể hợp tác với loại người không hiểu tình thế như lão?
Khấu Trọng ngạc nhiên nói:
- Ta còn nghĩ lão đã sớm làm thịt Dương Đồng để ngồi lên bảo tọa Hoàng Đế rồi. Thì ra lão vẫn chỉ là Trịnh Vương thôi!
Lưu Hắc Thát liền giải thích:
- Trước đây có một hiệp nghị giữa Hạ Vương và lão, rằng tạm thời giữ lại Dương Đồng, đôi bên hoãn việc xưng Đế, đợi đánh đổ đại quân Lý phiệt rồi sẽ phân chia chiến lợi phẩm. Không ngờ Vương Thế Sung lại không biết điều. Nếu lão xưng Đế, rõ ràng muốn đặt bọn ta vào vị trí phải cúi đầu thần phục. Vì thế minh ước giữa hai bên đã bị xoá bỏ. Gặp Hạ Vương rồi nói tiếp. Người sẽ vô cùng vui mừng khi thấy ngươi đến đó.
Cả hai chầm chậm tiến vào Đô đốc phủ.
o0o
Khi Khấu Trọng tiến vào thành môn Triệu Thành thì Từ Tử Lăng, Tống Sư Đạo và Nhậm Tuấn đã có mặt tại một tiểu trấn ở phía Tây Nam thành Lạc Dương để gặp Lôi Cửu Chỉ đang dưỡng thương ở đó.
Tinh thần Lôi Cửu Chỉ đã phục hồi, chỉ là nhiều lúc vẫn cảm thấy khó chịu. Thất Châm Chế Thần quả thực vô cùng độc địa và di hại nặng nề.
Sau khi được Từ Tử Lăng dùng Trường Sinh chân khí đả thông kinh mạch, lão liền cùng gã và Tống Sư Đạo ngồi trong tiểu thính thảo luận. Nhậm Tuấn phụ trách việc cơm nước.
Lôi Cửu Chỉ vươn tay duỗi chân, lộ vẻ ngạc nhiên:
- Không gặp mới khoảng ba tháng mà nội công Tử Lăng lại tiến bộ một bước dài, thần tốc đến mức làm người ta không thể tin nổi. Bây giờ những di họa của tà thuật trong người ta đã hoàn toàn biến mất. Ta vốn nghĩ mình sẽ không bao giờ hồi phục như trước được nữa.
Hai người nghe lão nói thế đều vô cùng vui mừng.
Tống Sư Đạo lên tiếng:
- Kẻ hiểu Thất Châm Chế Thần đi cùng với Triệu Đức Ngôn dạo đó rất có thể là người của Ma Môn. Nếu có cơ hội, bọn ta phải vì dân trừ hại.
Từ Tử Lăng nói:
- Chỉ cần nghe được giọng của hắn, chắc chắn ta sẽ nhận ra.
Lôi Cửu Chỉ đi vào vấn đề chính:
- Nếu như có thể đóng giả thành Tư Đồ Phúc Vinh thì ý tưởng lúc đầu của bọn ta sẽ càng thêm hoàn mỹ. Nên biết hành nghề cầm đồ không hề dễ dàng gì, danh dự lại rất lớn. Những tiệm cầm đồ của Tư Đồ Phúc Vinh phân bố trên khắp thiên hạ. Giả sử Hương gia có thể đoạt được tất cả trên bàn đổ bác, thế lực của chúng sẽ càng thịnh, chẳng khác gì hổ thêm cánh.
Dừng một lát, lão lại nói tiếp:
- Nhưng khả năng bọn ta bị lộ chân tướng cũng rất lớn vì Hương Quý không dễ gì tự thân xuất mã. Nếu như bị bức bách phải cùng bọn ta phân thắng bại ở đổ trường, với tác phong của hắn tất sẽ điều tra kỹ càng. Đối với bọn chúng đây là việc rất dễ dàng vì tai mắt của Hương gia được bố trí khắp thiên hạ. Chỉ cần hắn biết được Tư Đồ Phúc Vinh vẫn còn ở Bình Diêu thì hàng giả là bọn ta lập tức bị nhìn ra. Có thể bỏ trốn được hay không cũng là một vấn đề lớn đó.
Tống Sư Đạo khẽ cười nói:
- Nghe nói Tư Đồ Phúc Vinh là một tên tham sống sợ chết. Bọn ta có thể lợi dụng điểm này, bức bách hắn phải rời khỏi Bình Diêu để lánh họa. Trong tình thế đó, hắn đương nhiên sẽ giấu kín hành tung. Bọn ta khi đó sẽ hiện thân ở Trường An, vậy thì kín kẽ như áo trời rồi còn gì.
Lôi Cửu Chỉ như thể lần đầu tiên gặp mặt Tống Sư Đạo, ngẩn người nhìn hắn một lát rồi vỗ bàn tán thưởng:
- Nhị công tử không những tâm tư mẫn tiệp mà còn vô cùng can đảm. Làm cách nào để bức bách hắn rời khỏi Bình Diêu?
Tống Sư Đạo thản nhiên đáp:
- Việc đó để ta lo. Gần đây, công việc làm ăn của Tư Đồ Phúc Vinh khuếch trương mạnh mẽ xuống cả phương Nam. Vì hắn lấy lợi tức cực cao nên làm rất nhiều người phải khuynh gia bại sản. Ta có thể mượn việc đó, viết một phong thư gửi cho Tư Đồ Phúc Vinh, trong đó nói rõ sẽ đến Bình Diêu tính toán với hắn. Tên này chỉ có một lựa chọn, chính là làm theo cách mà bọn ta mong muốn.
Nhậm Tuấn vừa mang cơm canh đặt lên bàn, nghe thế vô cùng khâm phục, liền buột miệng:
- Tống nhị gia thật lợi hại!
Nói xong quay đầu đi xuống nhà bếp.
Lôi Cửu Chỉ vui vẻ nói:
- Chẳng riêng gì Tư Đồ Phúc Vinh. Bất cứ ai biết Tống gia ở Lĩnh Nam đến tìm mình trút giận thì cũng chỉ còn cách trốn đi phương nào càng xa càng tốt mà thôi. Việc này coi như được giải quyết xong. Vấn đề tiếp theo là Tư Đồ Phúc Vinh là người như thế nào? Có tập quán, thói quen gì đặc biệt không, bộ dạng hắn ra sao? Còn cả tên thủ hạ đắc lực Thân Văn Giang của hắn nữa. Tóm lại bọn ta càng biết tường tận càng tốt, như vậy mới khó bị phát hiện.
Từ Tử Lăng đáp:
- Chuyện đó hoàn toàn không có vấn đề gì. Bọn ta có thể từ miệng Âu Lương Tài mà biết được những thông tin cần thiết. Tuyệt nhất là Tư Đồ Phúc Vinh rất ít khi gặp gỡ người lạ, lại chưa từng đến Trường An bao giờ. Việc này đối với bọn ta vô cùng có lợi.
Lôi Cửu Chỉ liền nói:
- Không phải là ta muốn dội vào ngươi một gáo nước lạnh, nhưng cần biết cẩn thận trăm bề vẫn có thể có sơ hở. Cơ hội khó gặp này, bọn ta phải thành công chứ không được thất bại. Bình Diêu không chỉ là tòa thành giàu có nhất của Lý phiệt ở Thái Nguyên, mà còn có quan hệ buôn bán rất mật thiết với Trường An. Chỉ cần có một thương nhân Bình Diêu nào đó tới Trường An buôn bán, mà người đó lại biết Tư Đồ Phúc Vinh, thì bọn ta khả năng sẽ bị lộ đó.
Tống Sư Đạo trầm ngâm:
- Việc ấy quả là nằm ngoài sự khống chế của bọn ta. Phương pháp để giảm đến mức thấp nhất khả năng này là nhờ Âu Lương Tài tìm một người làm ăn ở Bình Diêu đã lâu, lại quen thuộc tất cả những thương nhân ở đó, thay bọn ta điều tra trước xem có những thương nhân Bình Diêu nào đến làm ăn ở Trường An không. Khi đó bọn ta có thể tiên phát chế nhân, sử dụng mọi thủ đoạn để đôi bên không có cơ hội bất ngờ gặp mặt.
Từ Tử Lăng trong lòng chợt nảy ra một ý, nói:
- Đại Đạo xã là lựa chọn lý tưởng cho việc đó. Vì họ chuyên phụ trách công việc vận chuyển cho Bình Diêu thương nhân nên biết rõ ai sẽ tới Trường An. Có điều để bọn họ hợp tác với chúng ta tuyệt không dễ dàng. Việc này lại không thể cưỡng bức được.
Lôi Cửu Chỉ trầm ngâm một lúc, đoạn trầm giọng:
- Có nên gặp Lý Tịnh xem có cách nào không nhỉ? Bình Diêu thương đa số đều ủng hộ Lý Thế Dân. Khâu Kỳ Bằng của Đại Đạo xã cũng không thể không vì nể Lý Thế Dân để cho Lý Tịnh chút thể diện được.
Từ Tử Lăng nhìn lên trần nhà than:
- Ta không nghĩ sẽ lôi Lý Tịnh vào trong chuyện này. Ài!
Tống Sư Đạo góp ý:
- Ngươi có thể trực tiếp gặp Lý Thế Dân. Làm thế sẽ đơn giản hơn nhiều, vì việc trừ khử Hương gia đối với Lý Thế Dân chỉ có lợi mà không hại. Lý Thế Dân thậm chí có thể ám trợ bọn ta. Cái dở duy nhất là chuyện này bị làm lớn lên mà thôi.
Lôi Cửu Chỉ cười nói:
- Làm càng lớn thì Trì Sanh Xuân càng không nghi ngờ, vở diễn lại càng tinh tế.
Từ Tử Lăng lập tức quyết định:
- Được rồi! Xem ra không còn lựa chọn nào nữa, phải không?
(Hết hồi 561).