Chương 579: Bất tử thất huyễn
-
Đại Đường Song Long Truyện
- Huỳnh Dị
- 4716 chữ
- 2020-05-09 09:29:07
Số từ: 4710
Nguồn: Sưu Tầm
Tinh kỳ rợp cả bầu trời, dưới sự tiền hô hậu ủng của đám tướng lĩnh nội tộc và các đại tướng tâm phúc theo mình nhiều năm, Vương Thế Sung bước lên soái đài bằng gỗ bên ngoài cửa Phụng Thiên ở phía Nam đại quảng trường duyệt binh vừa được xây dựng giữa Hoàng thành và Cung thành, tự mình điều binh khiển tướng, ban phát binh phù soái ấn.
Quảng trường có tới cả vạn quân xếp thành từng hàng để tiến hành đại điển thệ sư, toàn bộ đều là thân binh của Vương Thế Sung, là lực lượng nòng cốt trong việc giữ vững nền quân chủ của lão. Người người sĩ khí dâng cao, chiến ý sôi sục.
Văn võ bá quan hơn ba trăm người xếp thành hai hàng đứng bên soái đài.
Khấu Trọng được Vương Huyền Thứ dẫn đường đến bên Trương Trấn Châu và Dương Công Khanh. Ba người nhìn nhau cười gượng gạo, dựa vào tình hình hiện tại mà nói, thích sát Vương Thế Sung là việc không thể.
Vương Huyền Thứ sắp xếp xong xuôi cho Khấu Trọng liền đi tới hàng ngũ Vương thị gia tộc đang đứng bên cạnh soái đài.
Khấu Trọng đưa mắt nhìn quanh. Những người quen biết như Điền Toán, Dương Khánh, Lang Phụng, Tống Mông Thu đều hướng về gã mỉm cười thân thiện, những ai không quen cũng đều khách khí cúi đầu chào hỏi. Điều này chứng tỏ rằng, đối với các chư tướng bên cạnh Vương Thế Sung, Khấu Trọng là nhân vật nổi tiếng và rất được tôn trọng.
Trương Trấn Châu khẽ nói vào tai gã:
- Đại điển thệ sư tiến hành xong, Vương Thế Sung sẽ phát quân tới Từ Giản, chúng ta đành chờ cơ hội khác vậy.
Quảng trường tuy tập trung hơn vạn người, song không có một tiếng động, không khí vô cùng trang nghiêm.
Khấu Trọng nhìn lên chỗ long ỷ mà Vương Thế Sung đang ngồi, thấy đằng sau lão là hơn chục cận vệ cao thủ, bên phải là thái tử Vương Huyền Ứng, liền ngạc nhiên hỏi:
- Vương Thế Sung đang chờ cái gì vậy?
Trương Trấn Châu trả lời:
- Hắn ta đang đợi giờ lành...
Lời còn chưa dứt, trên cửa lầu Phụng Thiên vang lên một hồi chuông, binh lính toàn trường đồng thanh thét vang, tiếng hô chấn động cả bầu trời phía trên cung thành.
Vương Thế Sung hớn hở vươn thân đứng dậy giơ cao hai tay, đợi thanh âm của tướng sĩ dần dần nhỏ lại mới cao giọng nói:
- Từ khi Tuỳ thất sụp đổ, nhà Đường nổi lên ở Quan Trung, nhà Trịnh lập đế tại Hà Nam, Vương Thế Sung ta trước giờ không hề có ý Bắc tiến. Nay Lý Uyên lệnh cho con thứ là Lý Thế Dân đến xâm phạm nước ta, muốn huỷ gia viên của ta, thật là hành động khinh người quá đáng. Trẫm được nhường mà lên ngôi...
Tiếp theo là hàng loạt lời lẽ ca ngợi công đức của bản thân, Khấu Trọng nghe mà lắc đầu quầy quậy.
Bằng vào mấy lời mở đầu của Vương Thế Sung, người ta càng thấy được tham vọng cát cứ xưng hùng của lão ta so với tâm nguyện thống nhất thiên hạ của Lý phiệt rõ ràng tầm thường hơn một bậc.
Không còn hứng thú nghe tiếp, Khấu Trọng quay qua Dương Công Khanh khẽ hỏi:
- Tình hình Từ Giản thế nào?
Dương Công Khanh thấp giọng trả lời:
- Tình thế nguy cấp, tiền quân Lý phiệt do Tần Thúc Bảo và Trình Giảo Kim thống lĩnh đã vào Tân An tụ hội cùng phản quân của La Sĩ Tín, bất cứ lúc nào cũng có thể kéo đến Từ Giản. Ba người bọn họ từng là bộ tướng của Lý Mật, nay hợp lại thật như cá gặp nước. La Sĩ Tín hiểu rõ hư thực của quân ta, cho nên trận chiến này chắc chắn không hề đơn giản.
Khấu Trọng nhất thời cảm thấy không thoải mái. Mới trận đầu tiên đã phải đối mặt với hai vị hảo bằng hữu, đúng là tạo hoá trêu ngươi. Gã cười khổ nói:
- La Sĩ Tín sao lại dễ dàng phản Trịnh hàng Đường vậy? Ít ra cũng nên đợi Trịnh quốc xuất sư bất lợi hãy quay giáo cũng chưa muộn mà?
Dương Công Khanh chán nản đáp:
- Cũng chỉ vì cái tính xấu đa nghi tráo trở của Vương Thế Sung. Ban đầu hắn vô cùng trọng vọng La Sĩ Tín. Sau này thấy các tướng khác của Lý Mật cũng tới hàng, lão đâm ra coi thường, còn hạ lệnh triệu y về Lạc Dương, lộ rõ ý muốn dùng người khác trấn thủ Tân An. La Sĩ Tín tức giận liền hàng Đường, khiến cho Từ Giản rơi vào hiểm cảnh.
Cùng lúc đó Vương Thế Sung cũng vừa nói xong. Dưới sự chỉ huy của đám tướng lĩnh Vương tộc, quân Trịnh nhất tề hô vang
Đại vương vạn tuế! Đại Trịnh tất thắng!", át cả cuộc đối thoại của hai người.
Tiết mục quan trọng nhất là phân chia quyền lực và chức vụ rốt cuộc đã bắt đầu.
o0o
Từ Tử Lăng cuối cùng đã rõ một Thạch Chi Hiên không có điểm yếu là như thế nào. Gã cũng chợt hiểu nỗi khổ tâm của Sư Phi Huyên khi trăm phương ngàn kế ngăn cản lão ta phục nguyên.
Thạch Chi Hiên trước kia thân pháp là thân pháp, Bất Tử Ấn là Bất Tử Ấn, hai loại chỉ phối hợp tương trợ lẫn nhau mà thôi. Còn Thạch Chi Hiên trước mặt đã hòa hợp hai loại võ công khác xa nhau hơn mười lăm năm thành một chỉnh thể hoàn mỹ vô khuyết, không hề có nửa điểm sơ hở.
Lão đột nhiên bật cười rồi nói như không nhìn thấy thế đánh của Từ Tử Lăng đang mãnh liệt lao tới trước mặt:
- Tử Lăng chắc biết Bất Tử Ấn kì thực chỉ là một loại huyễn thuật cao minh.
Tử Lăng kêu khổ trong lòng, thầm nghĩ ngay cả mình đã cùng lão giao thủ nhiều lần mà cũng nhìn không ra thứ huyễn thuật đó, nói chi đến người khác.
Tà Vương" Thạch Chi Hiên vẫn giữ thần thái ung dung nhàn nhã đứng cách Từ Tử Lăng nửa trượng, dường như sắp bị quyền kình mãnh liệt của gã tạo thành một lỗ thủng trên mặt, nhưng gã vẫn nhìn không ra lão sẽ dùng cách gì để ứng biến.
Thạch Chi Hiên tuy đứng tại đó song lại mơ hồ như không tồn tại, chính là đã bước vào danh giới giữa thực và hư, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động, không cho Từ Tử Lăng một cơ hội nắm được hướng di chuyển tiếp theo của mình.
Một Thạch Chi Hiên không có điểm yếu chính là như thế.
Quyền đó của gã không dám đánh tiếp, vội vã thu về phía sau, chưởng tâm hướng ra ngoài. Cánh tay còn lại chuyển về phía trước cùng phối hợp tạo thành hình một đoá hoa sen. Mười ngón lập tức chuyển động như những con sóng, từng cánh hoa tựa như đang hé nở. Có vẻ gã sắp phát ra những chiêu thức huyền diệu kỳ dị khó lường.
Đoá hoa sen sống động do hai tay mô phỏng mà thành, thế đứng của gã cũng hoàn mỹ vô khuyết. Có thể coi đó chính là chiêu Bất Công của Từ Tử Lăng.
Thạch Chi Hiên nhìn kỹ Liên Hoa Thủ Ấn hư hư thực thực của đối phương, rồi động dung nói:
- Trước đến nay ta chưa từng nghĩ rằng lại có thể dùng phương pháp này để đối phó với Bất Tử Ấn. Hèn gì ta luôn mang tâm trạng đố kỵ nhân tài, sợ cuối cùng sẽ có ngày ngươi thành tựu. Tử Lăng đừng trách ta vô tình, chỉ vì ta không còn lựa chọn nào cả.
Dứt lời, tay trái đưa ra như thăm dò phía trước, sau đó lão dựa vào thủ pháp nhanh không thể tả liên tục vẽ ra mười vòng tròn trước ngực, bán kính to nhỏ khác nhau, cổ quái kỳ dị đến cực điểm. Tức thì khí kình như đều xoay tròn trong không gian.
Tinh thần Từ Tử Lăng tiến vào cảnh giới Tỉnh Trung Nguyệt, hai mắt không hề chớp chăm chú nhìn từng động tác của Thạch Chi Hiên, không dám bỏ sót bất kỳ chi tiết nào. Gã mỉm cười nói:
- Nếu từ đầu Tà Vương luôn thẳng thắn như thế này, có phải đã chẳng lãng phí bao nhiêu lời lẽ không?
Thạch Chi Hiên cười nhẹ, tả thủ vẽ xong thu về phía sau lưng. Các ngón của hữu thủ lập tức hợp lại thành đao, như linh xà trườn theo những lộ tuyến kì dị xuyên qua tâm của hơn mười vòng tròn vừa vạch ra. Cách sử dụng kình khí thần diệu như thế thật khiến cho người ta khó mà tin nổi.
Kỳ chiêu như vậy, Từ Tử Lăng có nằm mộng cũng không thể nghĩ ra. Mười vòng kình khí tràn đầy lực sát thương quấn lấy cổ tay Thạch Chi Hiên, hữu chưởng như mũi nhọn phóng nhanh tới Liên Hoa Thủ Ấn của Từ Tử Lăng, mục tiêu chính nhụy hoa nằm tại trung tâm.
Đó chính là nơi mạnh nhất mà cũng là nơi yếu nhất.
Từ Tử Lăng mười phần chắc chắn có thể ngạnh tiếp một kích trong chưởng phong đó của lão ta, song trong lòng biết rõ không cách nào đối phó nổi mười vòng tròn tích tụ đầy kình khí sẽ tập kích ngay sau đó. Chính vì vậy nơi mạnh nhất của gã đã lập tức biến thành nhược điểm lớn nhất.
Không ai hiểu rõ sự lợi hại của Thạch Chi Hiên bằng Từ Tử Lăng. Gã đã nhiều lần cùng lão giao phong, lại được quan sát lão toàn lực đối phó với sự vây công của Sư Phi Huyên và Chúc Ngọc Hiên. Có điều đó là giai đoạn Thạch Chi Hiên vẫn còn sơ hở, Bất Tử Ấn và Huyễn Ma Thân Pháp vẫn chỉ phối hợp chứ chưa dung hòa không còn chút khoảng cách như hiện tại.
Hai tay Từ Tử Lăng tách ra rồi nhanh chóng hợp lại. Khi lòng bàn tay còn cách nhau khoảng nửa thước, mỗi bên liền phát ra một luồng chân khí hợp lại thành dạng hình cầu chứa đầy Loa Hoàn kình phóng thẳng tới nghênh tiếp chưởng phong của Thạch Chi Hiên.
Chiêu hoàn kích này gã nghĩ ra trong lúc bị bức bách tới mức vô kế khả thi.
Uỳnh! Uỳnh!"
Âm thanh do khí kình giao kích phát ra liên miên bất tận. Chân khí từ chưởng phong của Thạch Chi Hiên trước hết ép Từ Từ Lăng thối lui ba bước, tiếp đó mỗi vòng tròn kình khí lại đẩy gã về phía sau một bước. Từ Từ Lăng liên tiếp phát ra hơn mười luồng khí cầu Loa Hoàn kình, đến khi đỡ xong vòng khí cuối cùng thì lưng đã đập vào bức tường phía Tây đến
bịnh" một tiếng. Cổ họng ngọt lịm, gã phun mạnh ra một búng máu tươi.
Bất ngờ là Thạch Chi Hiên lại không thừa thắng truy kích. Lão ngửa mặt lên cười nói:
- Giỏi! Lấy tròn phá tròn, may mắn là ngươi cũng có chút bản lĩnh. Sau khi tỉnh lại từ cơn ác mộng triền miên, ta đã biến phức tạp thành đơn giản, mang tất cả sở học trong đời dung hợp gọn trong bảy thức, gọi là Bất Tử Thất Huyễn. Vừa rồi chính là đệ nhất huyễn pháp Dĩ Hư Hoàn Thực, chỉ đề cao kỳ ý chứ không chú trọng hình thức, thiên biến vạn hoá. Ngươi chỉ thụ thương mà không chết, thật là khó tin!
Từ Tử Lăng nghe vậy liền thở ra một hơi. Cảm giác khó chịu đã giảm đi nhiều sau khi phun ra được búng máu. Gã lại nhờ vào sự trị liệu thần kỳ của Trường Sinh khí nên vẫn duy trì được phần lớn sức chiến đấu. Khi giọng nói của Thạch Chi Hiên truyền đến tai, Từ Tử Lăng biết không những căn bệnh tâm thần phân liệt của lão đã khỏi mà lão còn có bước đột phá, sáng tạo ra kỳ công Bất Tử Thất Huyễn.
Chỉ mới đệ nhất huyễn mà gã đã phải chống đỡ vô cùng khốn đốn, sáu chiêu còn lại gã dựa vào cái gì mà hóa giải đây? Đúng lúc này Từ Tử Lăng ngấm ngầm cảm nhận được chiến thuật tâm lý của Thạch Chi Hiên, chủ yếu là làm tan rã ý chí chiến đấu của địch thủ. Nếu gã vì sinh tồn của bản thân mà có ý nghĩ bỏ chạy thì chính là rơi vào bẫy của lão.
Gã chắc chắn không thể chạy thoát được dưới Bất Tử Thất Huyễn!
Nhìn bề ngoài Thạch Chi Hiên rất thong dong tiêu sái, sự thực thì kình khí của lão đã bao phủ khoá toàn bộ cơ thể gã. Từ Tử Lăng càng thêm minh bạch bản lĩnh
Mượn khí thám địch" quen thuộc của Thạch Chi Hiên. Chân khí của gã có biến hoá thế nào cũng không thể qua mắt lão được. Chỉ cần Từ Tử Lăng khẽ có hành động khác lạ, bất luận là phản kích hay đào tẩu, sẽ tự chuốc lấy một chiêu công kích trí mạng.
Bất hạnh là gã không thể dùng khí kình tiếp xúc để thăm dò động tĩnh của đối thủ, bởi vì Thạch Chi Hiên quả thực không còn sơ hở hay lỗ hổng nào để khai thác.
Tình thế này nếu không thay đổi, ngày này năm sau sẽ là giỗ đầu của gã.
Từ Tử Lăng tình nguyện đối diện với Tất Huyền chứ không muốn gặp phải Thạch Chi Hiên.
Trong chớp mắt gã đem chân khí trong người bảo trì tại trạng thái tuyệt đối yên tĩnh, rồi thong dong cười nói:
- Tà Vương, mời xuất chiêu!
Thạch Chi Hiên lộ rõ vẻ nghi ngờ, đoạn cau mày đáp:
- Tử Lăng thật cao minh, quả thực là vượt ngoài tính toán của ta. Ôi, ngươi nên biết nếu như ta hôm nay không làm một lần cho xong thì tương lai căn bản sẽ không cách nào nhẫn tâm xuống tay được.
Kình khí đột nhiên biến mất.
Từ Tử Lăng chỉ thấy hư hư ảo ảo, nảy sinh cảm giác khó chịu như không biết mình đang đứng ở đâu, trong lòng kêu khổ. Thạch Chi Hiên tựa như từ có chuyển thành không, từ không chuyển thành có, xuất hiện trước gã khoảng hơn năm thước, ngón giữa của tay phải điểm thẳng vào my tâm của gã.
Trong cự ly ngắn ngủi như vậy, thủ pháp của Thạch Chi Hiên như kèm theo vô vàn biến hóa, mỗi một sát na đều có sự thay đổi vi diệu, chỉ cần nhìn không rõ bất kỳ một biến hoá nào trong đó, đều lãnh kết cục bi thảm. Chỉ có điều mỗi cử động của lão đều tạo thành một cảm giác mê hoặc, khiến người ta không nhận ra đâu là thật đâu là giả.
o0o
Khấu Trọng nằm trong đội ngũ của Dương Công Khanh đi đến Từ Giản. Quân bản bộ của Dương Công Khanh có hơn năm ngàn người, đều là binh lính đã theo ông nhiều năm. Cho dù Vương Thế Sung đa nghi đến mấy cũng không dám động vào nhánh quân này, chẳng hạn như hành động cử tướng khác đến thay thế, bởi ngay lập tức sẽ gây ra binh biến. Dương Công Khanh vốn là lãnh tụ nổi danh của quân khởi nghĩa, sau này đầu hàng Vương Thế Sung, cho nên địa vị có chút đặc biệt.
Toán quân này đóng ở bờ phía đông Lạc Thủy, phía tây thành Lạc Dương, đã được huấn luyện nghiêm khắc và trải qua chiến trận. Khấu Trọng cùng Dương Công Khanh cưỡi ngựa xuất thành, nhổ doanh trại khởi hành, giữ vai trò quân tiên phong tới Từ Giản của Vương Thế Sung.
Trương Trấn Châu có nhiệm vụ khác. Y được phái tới trấn giữ mặt Nam của Từ Giản là Thọ An. Nếu Từ Giản thất thủ, Thọ An sẽ là địa điểm nhiều khả năng bị công kích tiếp theo.
Vương Thế Sung đã dày công sắp xếp để khỏi phải lo lắng về hai vị tướng lĩnh có sức ảnh hưởng khá lớn. Lão biết rõ giao tình giữa họ rất sâu nặng nên cố ý an bài Dương Công Khanh ở bên cạnh mình, nếu như Trương Trấn Châu có ý định phản bội cũng phải suy nghĩ thật kỹ. Lão để Khấu Trọng đi cùng Dương Công Khanh cũng là diệu kế, vì Khấu Trọng tuyệt đối không phải là người sẽ đầu hàng Lý Thế Dân, chỉ là chưa hề tính đến việc Dương Công Khanh đã sớm âm thầm xưng thần với Khấu Trọng.
Đối việc phân chia binh quyền và chức phận, Vương Thế Sung vẫn lấy đám tướng lĩnh gia tộc làm chủ, tướng lĩnh ngoại tộc chỉ là bổ trợ. Lão để Sở Vương Vương Thế Vĩ, Thái tử Vương Huyền Ứng, Tề Vương Vương Thế Uẩn, Hán Vương Vương Huyền Thứ, Lỗ Vương Vương Đạo Tuẫn cả thảy năm tướng trấn thủ Lạc Dương.
Mặt phía Đông quan trọng nhất là Hổ Lao thì do Kinh Vương Vương Hành Bản phụ trách. Các thành trì quan trọng ở phụ cận do Dương Khánh giữ nhiệm vụ lãnh đạo. Ngụy Lục thủ Vinh Dương, Vương Hùng thủ Trịnh Dương, Vương Yếu Hán thủ Biện Châu. Đám tướng lĩnh này đại bộ phận theo lão từ hồi nhà Tuỳ cũ, một vài người trong đó còn có quan hệ rất mật thiết, ví dụ như vợ của Dương Khánh là cháu gái Vương Thế Sung.
Còn một sắp xếp khác tương đối đặc biệt là phái Ngụy Vương Vương Hoằng Liệt tới Tương Dương, liên kết với Tiền Độc Quan toàn lực phòng thủ trọng trấn ở mặt Nam của Lạc Dương, cũng có thể cùng Chu Xán hỗ trợ lẫn nhau.
Các đại tướng có thực lực khác như Đoạn Đạt, Đơn Hùng Tín, Bính Nguyên Chân, Trần Trí Lược, Quách Thiện Tài, Bạt Dã Cương đều được phong làm đại tướng chỉ huy các lộ quân, do Vương Thế Sung ngự giá xuất chinh.
Càng lợi hại là Vương Thế Sung công cáo cho toàn quân rằng chỉ có Lang Phụng, Tống Mông Thu và tướng lĩnh tâm phúc Trương Chí Phương mới có tư cách là sứ giả truyền chiếu chỉ của lão. Có thể thấy rõ Vương Thế Sung đã tính toán sâu xa để loại trừ cái họa là đám thủ hạ định tạo phản có thể giả truyền chiếu chỉ.
Dương Công Khanh là người tinh thông binh pháp, đem năm ngàn binh mã phân làm tiền, trung, hậu tam quân hỗ trợ lẫn nhau; đồng thời phái khoái mã đi trước, chiếm lĩnh cao điểm suốt dọc đường tới Từ Giản, quyết bảo đảm an toàn cho toàn quân.
Khấu Trọng cùng Dương Công Khanh đi cùng trung quân, cả hai đều có chút suy nghĩ lo lắng, không còn tâm tình nào để nói cười.
Khấu Trọng than:
- Dương công đối với con người Vương Thế Sung hiểu được bao nhiêu?
Dương Công Khanh cau mày hỏi:
- Ngươi muốn nói về mặt nào?
Khấu Trọng nhìn đoàn quân dài dằng dặc không thấy điểm đầu đang đi phía trước, trầm giọng nói:
- Ý ta là xuất thân lai lịch của Vương Thế Sung. Lão ta là người Hồ, vì sao Dương Đế vẫn trọng dụng nhỉ?
Dương Công Khanh đáp:
- Ta cũng không rõ lắm, chỉ nghe người ta nói hắn vốn họ Chi, thuộc bộ lạc người Hồ nào đó ở Tây Vực, chỉ e không ai biết được. Bà nội hắn tái giá với một người họ Vương ở Phách Thành, nên cha hắn từ thời còn trẻ đã đổi sang họ này. Còn vì sao Dương Đế trọng dụng Vương Thế Sung, có khi liên quan tới công phu vỗ mông ngựa của hắn, đúng không? Ha ha!
Khấu Trọng nghe thấy trong khẩu khí của lão đối với Vương Thế Sung chứa đầy sự căm ghét khinh bỉ, liền hỏi:
- Vậy thì tại sao Dương công còn vì lão mà ra sức?
Sắc mặt Dương Công Khanh sa sầm, tràn đầy cảm xúc nói:
- Hắn trước kia không như thế này. Từ khi đánh bại Độc Cô phiệt, lại thêm đại thắng Lý Mật rồi xua đuổi Khấu Trọng ngươi, con người hắn đã thay đổi, chính xác là thay đổi đến nỗi khiến người ta khó mà tưởng tượng nổi. Nếu năm đó hắn ta đã giống như thế này, ta thà chết chứ không đầu hàng.
Lão đón nhận cái nhìn của Khấu Trọng, ánh mắt lấp lánh, cất giọng hỏi nhỏ:
- Thiếu Soái không phải đã nói muốn ta hết sức bảo tồn thực lực sao?
Khấu Trọng thất kinh, hạ giọng trả lời:
- Ngài không phải muốn quay đầu bỏ đi ngay lúc này đấy chứ?
Dương Công Khanh đáp:
- Đây là cơ hội cuối cùng, Thiếu Soái người có thể một lời quyết định cho sớm.
Khấu Trọng tim đập thình thịch, nhưng lại lắc đầu nói:
- Nếu chúng ta mà bỏ đi như thế, Trương Trấn Châu sẽ là người đầu tiên mở cửa thành nghênh đón quân Đường. Chắc chắn Vương Thế Sung sẽ trận cước đại loạn, bị Lý Thế Dân thế như chẻ tre cuốn phăng đi, khi đó liệu chúng ta giữ được Bành Lương trong bao lâu?
Dương Công Khanh cười khổ trả lời:
- Ta không phải chưa nghĩ tới vấn đề này, chỉ là không muốn mình và những huynh đệ kia bán mạng cho tên đê tiện tiểu nhân Vương Thế Sung. Thật không đáng!
Khấu Trọng tiếp tục lắc đầu:
- Chúng ta đâu có vì Vương Thế Sung, chỉ là vì chuyện sống còn của bản thân mà phấn đấu thôi. Ta có một đề nghị khác có thể đồng thời bao gồm cả những gì mà Dương công vừa đề nghị. Giả sử có thể đẩy lui Lý Thế Dân về Tân An, chúng ta và Vương Thế Sung sẽ đường ai nấy đi, thế nào?
Dương Công Khanh lạnh giọng hỏi:
- Khấu Trọng ngươi đã tới Từ Giản bao giờ chưa?
Khấu Trọng nghe vậy là hiểu ngay, liền hỏi với giọng hoang mang:
- Từ Giản không phải là trọng trấn quân sự quan trọng nhất ở phía Nam Lạc Dương sao?
Dương Công Khanh ngán ngẩm đáp:
- Vương Thế Sung luôn muốn liên minh với Lý Uyên để đối phó với Đậu Kiến Đức, nên đã chủ động cho Đổng Thục Ni nhập Quan Trung làm hoàng phi. Để thể hiện tình hữu hảo, hắn không xây dựng bất kỳ công sự phòng ngự nào ở Từ Giản hết. Việc gia tăng phòng thủ giữa Từ Giản và các thành trì khác chỉ mới được tiến hành sau khi Lý Mật đại bại. Do đó hệ thống phòng thủ của Từ Giản không thể so sánh được với Hổ Lao và Tương Dương, còn chẳng thể so bì với thành Bành Lương của người nữa. Chu vi của toàn thành chỉ hơn chục dặm, lại thuộc khu vực đồng ruộng bằng phẳng trống trải không có hiểm địa để phòng thủ. Nếu chúng ta muốn đẩy lùi Lý Thế Dân, chỉ có thể quyết chiến cùng hắn bên ngoài thành mà thôi.
Khấu Trọng hít sâu một hơi. Lần này số binh lính Vương Thế Sung có thể đưa tới Từ Giản, tính luôn cả số quân của Dương Công Khanh trong đó, chỉ khoảng ba vạn người. Các lộ quân còn lại phải phòng thủ ở các điểm chiến lược quan trọng khác để ứng phó với bốn cánh quân do Lý Thế Dân phái tới đang không ngừng uy hiếp. Đến lúc này gã mới cảm nhận được sâu sắc sự cao minh trong chiến lược của Lý Thế Dân, hắn đẩy Vương Thế Sung vào thế vô phương tập trung toàn lực để nghênh đón quân chủ lực của mình.
Dương Công Khanh trầm giọng nói:
- Chư tướng Thiên Sách Phủ của Lý Thế Dân vô cùng hùng dũng. Hắc Giáp Thiết Kỵ tuy chỉ hơn ba ngàn nhưng có thể ví như
thiên binh", thường đứng lẫn trong đám quân Đường rồi bất ngờ xuất kích nên khó mà tính toán được lực đột phá của đám quân này. Tiết Cử và Lưu Vũ Châu đều đã vì điều đó mà chịu thiệt thòi lớn. Trận chiến Từ Giản lần này Lý Thế Dân thực sự áp đảo về mặt lực lượng. Việc La Sĩ Tín đầu hàng khiến hắn nắm rõ như trong lòng bàn tay địa thế của Từ Giản cũng như tình hình bên ta, lại thêm được Tân An làm hậu phương chi viện, Thiếu Soái cho rằng trong hoàn cảnh này chúng ta nắm được bao nhiêu phần thắng?
Khấu Trọng chợt nghĩ tới chiến thuật "tạc xuyên" của mình. Nếu để cho thiên binh dũng tướng của Lý Thế Dân đâm xuyên một nhát vào đám quân của họ Vương, không những Từ Giản khó giữ mà ba vạn đại quân còn bao nhiêu người chạy về được Lạc Dương cũng là cả vấn đề.
Dương Công Khanh nói tiếp:
- Vì vậy nếu hiện tại chúng ta lập tức quay về Bành Lương rồi tìm cách công hạ Giang Đô trước khi đại quân Lý Thế Dân áp tới thì mới là hành động sáng suốt.
Hô hấp của Khấu Trọng bắt đầu nặng nề, một lúc sau mới cương quyết nói:
- Chúng ta tuyệt đối không thể bỏ Lạc Dương như vậy, bởi đó không những liên quan tới động thái sau này của Ba Thục, mà còn khiến ta cảm thấy mình không thể so bì được với Lý Thế Dân. Theo như ta nhận định, trận chiến Lạc Dương chính là cơ hội duy nhất khiến cho Lý Thế Dân nếm mùi bại trận. Trong tình huống nguy hiểm, ta chắc chắn sẽ thuyết phục được Đậu Kiến Đức kéo quân xuống phía Nam cứu viện, Thiếu Soái quân của ta cũng nhân đó phát huy tác dụng. Trận chiến Từ Giản lần này chúng ta không thể thối lui, bởi chỉ cần lùi một bước lập tức đất cũng chẳng có mà chôn. Chúng ta sẽ đánh theo kiểu tiêu hao sinh lực địch. Lý Thế Dân lao sư viễn chinh, cho dù khâu tiếp viện có hoàn thiện đến thế nào đi nữa thì con người cũng sẽ mệt mỏi. Khấu Trọng ta sẽ dùng chính trận chiến Từ Giản này để chứng minh cho Lý Thế Dân thấy cuộc chơi không hề đơn giản như hắn nghĩ. Vương Thế Sung chả phải đã phong ta làm hộ giá quân sư con mẹ gì hay sao? Tuy binh quyền hơi ít, nhưng trước thực tế thiên quân vạn mã đối lũy sa trường chừng nào mới đến phiên hắn không nghe lời ta!
Dương Công Khanh ngửa mặt lên trời cười nói:
- Hay! Tất cả theo lời Thiếu Soái. Nếu như suy nghĩ của ngươi giống ta thì đã không trở thành Thiếu Soái danh chấn thiên hạ người người phải khiếp sợ.
(Hết hồi 579).