Chương 636: Nắm hết tiên cơ
-
Đại Đường Song Long Truyện
- Huỳnh Dị
- 4286 chữ
- 2020-05-09 09:29:27
Số từ: 4280
Nguồn: Sưu Tầm
Trong làn mưa miên man, trời đất mịt mù, lại vào đêm thu lạnh lẽo nên càng tăng thêm ý vị thê lương.
Hoài Thuỷ êm đềm chảy qua trước mặt. Gió thu từng trận quất tới.
Khấu Trọng và Dương Công Khanh kìm ngựa ở bìa khu rừng rậm, quan sát nơi sẽ vượt sông. Đoạn sông này rất hẹp, hai bên bờ đều là rừng rậm. Vừa là vị trí tốt nhất để vượt sông, song cũng là chỗ phục kích rất tốt của địch.
Cách chừng mười dặm dưới hạ du, thấp thoáng nhìn thấy ánh đèn của thành Chung Ly. Dưới mưa phùn rả rích, chỉ thấy tụ lại thành một quầng sáng yếu ớt. Trên dòng Hoài Thuỷ không thấy bóng dáng một con thuyền nào.
Tay phải Khấu Trọng khẽ vuốt ve Vô Danh đang đậu trên vai gã, lông mày nhíu chặt nhìn sang bờ bên kia.
Dương Công Khanh ngạc nhiên hỏi:
- Nếu Thiếu Soái hoài nghi bờ bên kia có phục binh thì sao không thả Vô Danh sang bên đó thám thính?
Khấu Trọng trầm giọng đáp:
- Bờ bên kia có thể có thám tử địch, nhưng khẳng định là không có lượng lớn phục binh. Hiện giờ chúng ta đang đứng cuối gió. Nếu trong rừng có địch nhân thì gió sẽ mang tiếng hô hấp và khí tức của họ vào tai ta. Đây chính là bí thuật mượn gió thăm dò địch của người Đột Quyết.
Dương Công Khanh không hiểu hỏi:
- Nếu đã như thế, chúng ta sao không dựng cầu mà vượt sông. Gỗ để làm cầu đã chuẩn bị đầy đủ, chỉ cần Thiếu Soái hạ lệnh một tiếng là có thể lắp xong chiếc cầu nổi đó trong vòng một giờ.
Khấu Trọng hỏi lại:
- Chính vì bờ bên kia không có địch nhân nên ta mới sinh lòng hoài nghi. Tả Hiếu Hữu tuyệt không phải là người lần đầu ra trận, làm sao lại sơ sót bỏ qua một địa điểm tốt để vượt sông như thế này? Chẳng khác gì chúng để cho chúng ta thoải mái tiến sâu vào đánh úp Chung Ly. Nếu ta đoán không sai thì bờ bên kia khẳng định là có bố trí quân sự kiểu như bảo luỹ tháp canh gì đó, chỉ là chúng đã phá huỷ những bố trí đó ở gần đây để nhường cho chúng ta vượt sông đánh phá Chung Ly. Đến lúc đó, nếu chúng phá huỷ cầu phao, chúng ta sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội quay trở lại bờ bắc Hoài Thủy nữa.
Dương Công Khanh giật mình lo sợ hỏi:
- Phải chăng Thiếu Soái nói quân phòng thủ Chung Ly đang bày ra cạm bẫy để chúng ta tiến vào?
Khấu Trọng gật đầu đáp:
- Dù không đúng hẳn thì cũng không sai là mấy! Ở thành Chung Ly không những có Tả Hiếu Hữu, mà còn có Lý Tử Thông. Đội thuyền từ Chung Ly rời ổ tới chỗ chúng ta khả năng chỉ là hành động che mắt gạt người.
Dương Công Khanh nói với giọng đầy nghi ngờ:
- Lý Tử Thông liệu có cao minh đến thế không? Chi bằng để ta phái binh sang bờ bên kia điều tra xem có dấu vết điêu lâu hoặc bảo luỹ không nhé?
Khấu Trọng lắc đầu đáp:
- Địch nhân tất sẽ cẩn thận xoá hết dấu vết rồi, ví dụ như rải cỏ dại lên trên chẳng hạn. Phái người sang điều tra chỉ tốn thời gian vô ích. Ta tin tưởng chắc chắn mình đoán không sai. Giờ chúng ta phải lập tức trở về Lương Đô. Nếu chậm chỉ sợ không kịp.
Dương Công Khanh khổ sở hỏi:
- Địch nhân làm sao mà biết chúng ta đến đánh úp? Trừ khi trong Thiếu Soái quân có nội gián.
Khấu Trọng than thở:
- không phải nội gian mà là ngoại gian. Ta thật hy vọng mình đoán sai, nhưng việc này lập tức sẽ biết ngay thôi. Chúng ta người ngựa đã mỏi mệt, mà địch nhân lại nghỉ ngơi đã lâu nên dù chúng ta cơ trí rút lui thì địch nhân tất sẽ toàn lực đuổi đánh. Việc này sẽ chứng minh ta đoán không sai.
Dương Công Khanh ngạc nhiên thốt:
- Ngoại gian?
Khấu Trọng thần sắc u ám, chán nản nói:
- Dương công còn nhớ trước khi đến đây ta từng nói trong lòng cảm thấy không thoả đáng không? Vấn đề ở con người của hai người bạn tốt của ta là Hạnh Dung và Quế Tích Lương. Bọn họ vừa đi khỏi Lương Đô, thuỷ sư Chung Ly lập tức rời ổ mà tới, thời gian vừa vặn tới mức làm người ta hoài nghi. Hơn nữa, đại quân ở Giang Đô của Lý Tử Thông hoàn toàn không có động tĩnh gì, cho thấy chúng biết ta không hề tới Đông Hải. Ài! Ta thật hối hận đã không nghe lời Hành Chi khuyến cáo. Khi lợi hại trước mắt thì cha cũng có thể bán đứng con mình, nói gì đến bằng hữu.
Dương Công Khanh trầm giọng:
- Được! Chúng ta lập tức đi.
Khấu Trọng lắc đầu:
- Người ngựa chúng ta đã mệt mỏi. Nếu lập tức lên đường thì không tới trăm dặm ít nhất cũng phải gục ngã một nửa rồi. May là người truy đuổi là Lý Tử Thông chứ không phải Lý Thế Dân. Hầy! Con mẹ nó! Ta sẽ cho Lý Tử Thông thấy thủ đoạn của Khấu Trọng ta. Trước tiên cứ sai hai trăm người lắp cầu, nhưng nói bọn họ làm chậm rãi thôi.
Dương Công Khanh ngây người hỏi:
- Lắp cầu?
Khấu Trọng giải thích:
- Đó là kế hoãn binh duy nhất. Nếu có thể tranh thủ được hai giờ thì ta có thể khiến Lý Tử Thông thảm bại một trận, mà toàn quân chúng ta lại có thể sống trở về Lương Đô.
---oOo---
Dưới ánh trăng sáng. Từ Tử Lăng cùng Hư Hành Chi, Lạc Kỳ Phi, Tiêu Hoành Tiến, Bốc Thiên Chí, Trần Lão Mưu và Bạch Văn Nguyên đến một khe núi trên Vận Hà ở hạ du cách Lương Đô ba chục dặm. Hai bên bờ vách đá dựng đứng, Vận Hà thu hẹp lại, thế nước chảy xiết.
Bảy người xuống ngựa, tiến sát bờ vực xem xét tình thế. Hư Hành Chi nói:
- Nếu muốn phục kích thuỷ sư địch thì đây là địa điểm tốt nhất. Chỉ cần bố trí máy bắn đá ở hai bên bờ thì cả đoạn sông này sẽ nằm trong tầm uy hiếp của máy bắn đá. Chỗ không được hay lắm là khe núi này chỉ dài không quá trăm trượng, hạm đội của địch chỉ chớp mắt là vượt qua. Hơn nữa, khi sử dụng máy bắn đá còn phải liên tục vận chuyển đá tảng đặt lên nên tối đa chỉ có thể tạo thành tổn thương nghiêm trọng của hơn chục chiến thuyền địch là cùng.
Từ Tử Lăng lắc đầu:
- Chỉ khoảng năm, sáu chiếc thuyền là bị tổn thương nghiêm trọng thôi. Ta từng nhìn qua tình hình bọn chúng điều khiển thuyền, giữa các thuyền giữ cự ly từ hai chục đến ba chục trượng. Nếu phía trước xảy ra chuyện thì thuyền địch phía sau có đủ thời gian để lập tức cập bờ phản kích chúng ta.
Tiêu Hoành Tiến tiếp lời:
- Vậy chúng ta có thể mai phục tiễn thủ ở hai bờ hạ du dưới khe núi này, đợi khi thuyền địch cập bờ thì dùng tên lửa chào đón bọn chúng. Nhưng do binh lực địch nhân hơn ta nhiều lần nên chúng ta phải mạo hiểm rất lớn.
Từ Tử Lăng trầm ngâm:
- Đề nghị của Hoành Tiến không có sơ hở, lại khả thi. Mạo hiểm thế nào cần phải xem chúng ta phối hợp với nhau có tốt không.
Gã quay sang hỏi Bốc Thiên Chí:
- Nếu trước tiên dùng máy bắn đá làm loạn trận cước địch nhân rồi dùng Phi Luân chiến thuyền rất linh hoạt thuận giòng xuôi xuống, bằng những máy bắn tên được trang bị trên thuyền tấn công mãnh liệt thì có thể thực hiện được không?
Trần Lão Mưu cười quái dị đáp:
- Hảo kế! Những máy bắn tên do Lỗ đại sư thiết kế, lại do Trần Lão Mưu ta cải tiến có thể liên tục phát xạ mười hai mũi tên đặc chế, lực bắn có thể xuyên thấu ván thuyền. Nếu dùng vải dầu quấn quanh thân tên, trước khi phát xạ mà đốt lên thì có thể trở thành tên lửa, sự uy hiếp đối với địch nhân càng lớn. Đặc biệt là đầu và đuôi Phi Luân thuyền đầu bọc thép, không sợ va chạm. Hơn nữa, địch nhân nằm mộng cũng không tưởng nổi trên thế gian này lại có loại thuyền mau lẹ cơ động cao như thế nên tất sẽ bị đánh cho không kịp trở tay.
Bốc Thiên Chí tiếp:
- Nếu trong đêm tối thì Phi Luân thuyền có thể phát huy uy lực mạnh hơn nữa.
Từ Tử Lăng nói:
- Thuyền địch trở về, có thể tới Chung Ly trước giờ ngọ ngày mai. Cứ cho là chúng cần hai giờ để điều quân lên thuyền thì vào lúc hoàng hôn có thể khởi trình quay lại đây. Như vậy, khi chúng tới khe sông này chính là khi đêm đã khuya. Chúng ta có đủ thời gian bố trí chuẩn bị.
Bốc Thiên Chí than:
- May có Từ Tử Lăng kịp thời về tới, khám phá âm mưu của địch. Nếu không thì…. Ài!
Từ Tử Lăng thấy ai nấy sắc mặt âm trầm, mặt ủ mày chau, biết họ vẫn không thể bỏ mối lo lắng về Khấu Trọng. Gã cười:
- Nếu Khấu Trọng là người dễ dàng bị xử lý như vậy thì đã sớm mất mạng nhiều lần rồi. Yên tâm đi! Ta dám đảm bảo gã sẽ cùng Dương Công Khanh và các huynh đệ an toàn trở về. Thời gian không nhiều, chúng ta lập tức trỏ về Lương Đô chuẩn bị mọi thứ.
---oOo---
Khấu Trọng và Ma Thường đứng ở bờ bắc Hoài Thuỷ, nhìn chiếc cầu phao vẫn còn thiếu một đoạn nữa mới thông sang bờ bên kia. Chiếc cầu này chủ yếu dựa vào sức nổi của bản thân cây gỗ, dùng dây thừng cố định vị trí các cây gỗ lại với nhau nên việc lắp cầu chỉ là để che mắt địch, tuyệt không để sử dụng mà chỉ là kế cự địch.
Thật ra, Dương Công Khanh và đám huynh đệ Dương quân đã âm thầm lùi lại một ngọn núi cách Hoài Thuỷ hơn mười dặm, chuẩn bị mọi thứ để an toàn trở về. Phi Vân kỵ của Khấu Trọng cũng đang bố trí cạm bẫy trong rừng như dây cản ngựa, cắm những cây gỗ được vót nhọn trong hầm bẫy.
Khấu Trọng ngửa mặt nhìn trời. Dưới trời mưa bụi, với mục lực siêu phàm của gã vẫn nhìn thấy Vô Danh đã biến thành một điểm đen nhỏ. Từ tận đáy lòng, gã cảm kích Đột Lợi đã tặng gã một con ưng linh thông như vậy. Sự trợ giúp của nó trên chiến trường không thua gì thiên quân vạn mã.
Ma Thường hỏi:
- Nó đang ở đâu?
Khấu Trọng chỉ bầu trời phía đông Chung Ly, nói:
- Nó đang ở trên không phận Chung Ly, phát hiện địch nhân đã chia binh làm hai đường men theo hai bờ sông chầm chậm tới đây. Hiện giờ còn cách trời sáng bao lâu?
Ma Thường đáp:
- Cách khoảng một giờ nữa. Địch nhân không đợi được sao?
Khấu Trọng cười nhẹ:
- Không phải không nhịn được nữa mà là phát giác có biến. Bọn ta đã mất đến ba canh giờ nhưng vẫn không làm xong một chiếc cầu phao mà đối phương không nghi ngờ mới là lạ. Đánh úp Chung Ly vào ban ngày thì chỉ là chuyện đùa mà thôi. Dựng cầu phao để tối mai mới dùng lại càng là chuyện hoang đường nhất thiên hạ! Tới lúc rồi! Gọi những huynh đệ đang dựng cầu về đi.
Ma Thường phát mệnh lệnh. Đám huynh đệ đang dựng cầu vội trở lại bờ Bắc, cởi bỏ áo chống nước, mặc quần áo khô vào rồi lên lưng ngựa.
Cùng lúc đó, từ phía xa xa hai bên bờ sông đồng thời nổi lên tiếng hô chém giết. Hàng trăm ngàn ánh đuốc được thắp lên, một đám đông nhân mã theo hai bờ nam bắc Hoài Thuỷ đánh tới.
Địch nhân bờ bên kia không cách nào vượt sông sang bên này nên không tạo được chút uy hiếp nào. Địch nhân theo bờ Bắc đuổi tới khoảng hai vạn người. Nếu chính diện giao phong thì bọn Khấu Trọng không còn may mắn gì nữa.
Khấu Trọng đánh mắt ra hiệu cho Ma Thường. Ma Thường liền biến vào trong rừng.
Khấu Trọng chậm rãi lấy Xạ Nhật cung ra. Tay trái thuần thục lấy bốn mũi tên từ trong bao tên, ngưng thần nhìn địch nhân không ngừng tới gần.
Chiến tranh chính là như thế, Ngươi phải giết những người mà ngươi chưa từng biết mặt. Sau đó càng không biết đối phương là ai, cũng không muốn nghĩ tới bất kỳ việc gì liên quan đến chúng.
Những địch nhân đầu tiên đã trong vòng ngàn bộ, quân dung cực thịnh. Đuốc chiếu sáng rực hai bờ Hoài Thuỷ. Kỵ binh địch ai nấy giương cung đáp tiễn, chỉ đợi Khấu Trọng lọt vào tầm bắn là đối phương sẽ tuyệt không do dự mà bắn cương tiễn ra. Không phải ngươi chết, thì là ta vong.
Vèo! Vèo! Vèo! Vèo!
Bốn mũi tên từ tay Khấu Trọng liên châu bắn ra. Mục tiêu không phải là địch nhân hay ngựa của chúng, mà là những lá cờ của đám lính tiên phong.
Cán cờ gãy đoạn, cờ bị gió thổi rơi xuống đất. Những kỵ mã theo sát đằng sau lập tức người đổ ngựa ngã loạn hết cả lên.
Khấu Trọng cười rộ, chạy lùi lại. Thiên Lý Mộng từ trong rừng phóng ra. Gã như lưu thuỷ hành vân nhảy tót lên lưng ngựa, chạy vào trong rừng.
Quân địch như thuỷ triều tràn vào trong rừng. Năm trăm chiến sỹ Phi Vân kỵ chờ đợi đã lâu, khi Ma Thường hạ lệnh một tiếng, tên như mưa bắn tới mục tiêu là địch nhân được ánh đuốc chiếu rõ như ban ngày.
Tiếng la thảm và tiếng ngựa hý vang dậy. Những người không bị thương vì tên cũng không qua khỏi dây cản ngựa té ngã lỏng chỏng, hoặc bước trúng vào hầm bẫy đầy gỗ nhọn. Nhất thời người ngựa ngã lăn lóc, loạn thành một cục. Đám địch quân may mắn không bị thương hoặc bị ngã vội vã lùi lại.
Khấu Trọng theo lộ tuyến an toàn trở lại trận địa trong rừng bên mình, thét lớn:
- Không nên luyến chiến! Các huynh đệ theo ta.
Bọn Ma Thường vội lên ngựa. Năm trăm người theo gã vượt qua rừng rậm tiến vào thảo nguyên rộng lớn.
Tiếng hò hét vang lên. Một cánh kỵ binh địch hơn vạn người từ trong rừng phía sau tràn ra, toàn lực đuổi tới, rõ ràng chúng tuyệt không muốn tha cho bọn họ.
Khấu Trọng ngấm ngầm lau mồ hôi lạnh, thầm nghĩ lần này nếu không sớm phát hiện âm mưu của địch thì dù muốn chạy cũng không còn sức. Địch nhân quen thuộc cả một dải núi rừng ở đây, bọn gã lại mới tới lần đầu nên địch nhân truy đuổi bọn gã thì dễ, mà bọn gã muốn chạy trốn lại khó như lên trời.
Ma Thường chạy tới bên gã than:
- Thiếu Soái đoán không sai. Người đến quả nhiên là Lý Tử Thông. Ta đã nhìn thấy cờ xí của hắn.
Khấu Trọng quay đầu nhìn lại. Quả đúng như Ma Thường đã nói. Trong lòng không khỏi thầm khen Ma Thường lâm nguy bất loạn, gã không được lưu tâm từng tý như hắn. Gã hét lớn:
- Ngươi dẫn đầu, ta khoá đuôi.
Chiến mã của họ tuy đã được nghỉ ngơi ba canh giờ, nhưng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục nên nếu để địch nhân đuổi kịp trước khi tới được chỗ Dương Công Khanh mai phục thì vô cùng bất diệu. Vì thế, gã phải khoá đuôi để đảm bảo an toàn cho quân mình.
Dưới sự dẫn đầu của Ma Thường, năm trăm Phi Vân kỵ như một trận gió phóng qua thảo nguyên mưa gió mịt mù, tiến vào khu rừng thưa gập ghềnh.
Địch nhân phía sau càng đuổi càng gần, tiếng vó ngựa sầm sập rung chuyển cả mặt đất.
Khấu Trọng lùi lại cuối cùng. Gã thét lớn một tiếng, Xạ Nhật cung căng vòng, bốn mũi kình tiễn bắn ra sau tiếng bật dây cung mạnh mẽ, không mũi nào trật đích. Bốn kỵ mã địch lập tức ngã lăn trùng trục trên mặt đất làm đám kỵ sỹ theo sát đằng sau bị vướng chân, đội hình rối loạn.
Trong trận địch, tiếng tù và nổi lên. Trận thế lập tức biến hoá, chạy tản ra hai bên chia ra thành hai mũi như gọng kìm đuổi tới.
Khấu Trọng cố ý rớt lại sau cùng, nhưng trước sau vẫn giữ khoảng cách tám trăm bước, ngay rìa xạ trình cung tên của địch, biến thành chỉ có gã bắn người mà không sợ địch nhân hoàn kích.
Kỵ binh địch không ngừng ngã xuống. Khi Khấu Trọng phát giác bốn bao tên hai bên đã trống trơn thì gã mới thi triển thuật ‘nhân mã như nhất’ đuổi gấp theo đội ngũ bên mình, chạy thẳng lên một hòn núi nhỏ.
Tiếng trống trận ầm vang. Dương Công Khanh và phục binh lập tức xuất hiện trên đỉnh núi. Tên như mưa bắn xuống kỵ binh địch đang trèo lên sườn núi.
Địch nhân không ngờ bị trúng mai phục, lập tức người đổ ngựa ngã, quân không thành quân phải lùi xuống chân núi.
Khấu Trọng đang do dự không biết có nên thừa thế phản kích hay không thì bỗng thấy xa xa bụi mờ bốc lên. Gã biết địch quân đến tiếp viện, vội hạ lệnh lui binh.
---oOo---
Trong cảnh đẹp hoàng hôn, một đoạn khe núi lại bao phủ mây đen chiến tranh, sát khí xung thiên.
Ba trăm chiếc máy bắn đá vốn dùng để thủ thành được vận chuyển từ Lương Đô tới, bố trí ở những chỗ cao hai bên bờ, do một ngàn chiến sỹ phụ trách thao tác. Bốc Thiên Chí chỉ huy hai mươi tám Phi Luân chiến thuyền, mỗi thuyền có năm mươi chiến sỹ, bố trí ở bên ngoài cửa khe phía thượng du, lúc nào cũng có thể đánh úp thuyền địch trong khe. Hai ngàn chiến sỹ còn lại mai phục trên hai bờ Đông Tây phía hạ du của khe, có thể đánh phá khi địch nhân định lên bờ phản công. Lúc này thời tiết mùa thu khô hanh nên họ lấy hoả công làm chủ để đối phó với chiến thuyền địch đóng bằng gỗ.
Từ Tử Lăng, Tiêu Hoành Tiến, Bạch Vân Nguyên, Trần Lão Mưu, Hư Hành Chi và Bốc Thiên Chí đang ở trên đỉnh núi nghiên cứu chiến lược. Lạc Kỳ Phi phóng ngựa chạy tới báo cáo:
- Vừa nhận được tin tức, một trăm hai mươi chiếc thuỷ sư thuyền của địch hoàng hôn hôm qua đã vượt qua chỗ giao nhau giữa Vận Hà và Hoài Thuỷ tiến vào Vận Hà. Có thể tới chỗ này vào giờ ngọ.
Hư Hành Chi vui mừng nói:
- Tạ thiên tạ địa. Thiếu Soái quả nhiên cát nhân thiên tướng, an toàn trở về rồi.
Trần Lão Mưu ngạc nhiên hỏi:
- Tin đó là tin nói Lý Tử Thông toàn lực tới đánh Lương Đô, có quan hệ gì với Thiếu Soái đâu?
Hư Hành Chi vui vẻ đáp:
- Lý Tử Thông đến vội vã như vậy là vì Thiếu Soái đã triệt thoái được trở lại phương Bắc, vì thế hắn muốn nhanh hơn Thiếu Soái một bước để đánh chiếm Lương Đô, cắt đứt đường lùi của Thiếu Soái. Hành Chi vì thế mà đoán vậy.
Lời của Hư Hành Chi rất có lý, mọi người đều cảm thấy sỹ khí đại tăng, chiến ý càng thịnh.
Bốc Thiên Chí bật cười:
- Thật không tưởng nổi kế ‘dẫn xà xuất động’ của Thiếu Soái lại thành công theo kiểu này. Trước đó thì không ai tưởng tượng nổi.
Trần Lão Mưu nói với vẻ già dặn:
- Thiếu Soái đánh giá thấp Lý Tử Thông, không nghĩ đến hắn ta vẫn còn có có chút bản lĩnh. May là Từ Tử Lăng kịp thời trở lại, nếu không đợi đến khi quân địch đến dưới thành rồi chỉ sợ chúng ta vẫn không biết là chuyện gì.
Bạch Vân Nguyên trầm giọng:
- Kế hoạch của Thiếu Soái vốn như áo trời không kẽ hở, những việc xẩy ra lần này, chắc phải có nguyên nhân.
Hư Hành Chi muốn nói lại thôi, cuối cùng y không nói gì cả.
Từ Tử Lăng thấy thế, đợi khi mọi người trở lại vị trí của mình để chuẩn bị chiến đấu gã mới kéo Hư Hành Chi sang một bên hỏi chuyện.
Hư Hành Chi kể hết những gì mình biết về việc hai người Quế Tích Lương và Hạnh Dung hai lần đến gặp Khấu Trọng. Đoạn y than:
- Bọn ta hiểu con người Thiếu Soái, luôn lấy lòng dạ chân thành đối đãi với bằng hữu. Nhưng khi liên quan tới lợi hại thì quả thực không thể không có lòng đề phòng người khác.
Từ Tử Lăng nói:
- Quế Tích Lương và Hạnh Dung là bằng hữu tốt của chúng ta. Theo ta thấy thì họ không phải là loại vô sỉ bán đứng bằng hữu đâu. Mặt khác, nếu quả thực họ làm việc cho Lý Tử Thông thì lần đầu đến gặp Thiếu Soái đã không từ chối giúp đỡ như vậy. Thật ra, trước khi họ đến gặp Thiếu Soái lần thứ hai thì Lý Tử Thông đã sớm chuẩn bị thoả đáng thuỷ sư Chung Ly rồi. Để chế tạo những người giả để trên thuyền ít nhất cũng phải mất hai, ba ngày. Rõ ràng là Lý Tử Thông đã sớm nhìn ra kế ‘dẫn xà xuất động’ của chúng ta rồi.
Hư Hành Chi nhíu mày:
- Kế hoạch của Thiếu Soái hoàn toàn không có sơ hở, lại hợp tình hợp lý. Trừ phi là người hiểu rõ tính cách Thiếu Soái, nếu không thì làm sao đoán được việc chuyển quân đến Đông Hải không phải là muốn theo đường biển bỏ chạy, mà là kế dụ địch?.
Từ Tử Lăng biết y vẫn hoài nghi hai gã Quế, Hạnh. Chỉ vì lão ngại trước mặt mình nên không dám nói thẳng mà vòng vèo ám chỉ hai gã Quế, Hạnh là người hiểu rõ tính cách Khấu Trọng. Gã ung dung cười đáp:
- Còn một người hiểu rõ Thiếu Soái như Tích Lương và Hạnh Dung nữa. Bọn ta còn mấy món nợ trên người hắn chưa đòi lại. Người đó là Hương Ngọc Sơn của Ba Lăng bang. Xưa nay Tiêu Tiễn luôn qua lại với Lý Tử Thông, vì vậy nhiều khả năng Hương Ngọc Sơn là người chủ mưu bên trong chuyện này. Hương tiểu tử này võ công bình thường, nhưng quỷ kế đa đoan. Chúng ta cần cẩn thận ứng phó.
Hư Hành Chi tán:
- Chẳng trách thiên hạ thường nói nếu hai người Thiếu Soái và Lăng thiếu gia liên thủ thì bất kể là trong võ lâm hoặc trên chiến trường sẽ không ai thắng được. Nghe được những lời tâm khí bình tĩnh đó của Lăng gia, phân tích lý lẽ tinh vi, Hành Chi bội phục đến sát đất.
Từ Tử Lăng đưa mắt nhìn về phía tận cùng phương Nam của Vận Hà. Vầng trăng trên cao càng lúc càng tròn đầy. Giờ vốn là lúc thích hợp để ngắm trăng, nhưng gã lại phải ở đây cung hầu địch nhân đến đánh.
Thạch Thanh Tuyền đã tới nơi ở mới của nàng chưa? Phải chăng giờ này nàng cũng đang ngẩng mặt ngắm trăng? Có nghĩ đến Từ Tử Lăng gã như gã lúc này đang nhớ về nàng không?
Một trận gió lớn thổi tới khiến y phục Từ Tử Lăng bay phần phật. Hư Hành Chi thấy gã trầm tư không nói, liền lẳng lặng bỏ đi. Chỉ còn một mình gã đứng cô độc ngưng thần nhìn dòng Vận Hà chảy mãi không ngừng bên dưới.
Trên trời bỗng vang lên tiếng vỗ cánh. Tất cả Thiếu Soái quân ở đỉnh núi hai bên bờ đều ngẩng đầu lên nhìn.
(Hết hồi 636).