Chương 652: Đao pháp nhập binh


Số từ: 4754
Nguồn: Sưu Tầm
Hư Hành Chi nói tiếp:
- Bạt gia còn dặn một câu là
nếu Thiếu Soái của chúng ta có thể dung nạp đao pháp vào binh pháp thì Lý Thế Dân cũng không phải là đối thủ
.
Trần Lão Mưu vỗ bàn tán thưởng:
- Nhận xét của tiểu Bạt thật vô cùng tinh tế.
Khấu Trọng trầm ngâm:
- Trước đây ta đã đưa binh pháp vào đao pháp. Nếu như lại có thể dùng đao pháp nhập vào binh pháp thì chẳng phải Thiếu Soái quân cũng sắc nhọn và linh hoạt giống như Tỉnh Trung Nguyệt của ta sao? Con bà nó là con gấu, ý kiến hay như vậy mà sao hắn lại không sớm trực tiếp nói cho ta biết nhỉ?
Hư Hành Chi thấp giọng đáp:
- Bạt gia dặn rằng chỉ đến khi Thiếu Soái bất chấp tất cả muốn đánh chiếm Khai Phong thì mới được tiết lộ nhận xét này của ông ấy.
Hai mắt Khấu Trọng ửng đỏ, cảm thụ sâu sắc sự yêu mến và quan tâm của Bạt Phong Hàn đối với mình. Thay vì trực diện nói thẳng như tác phong thường thấy, hắn đã thận trọng mượn lời Hư Hành Chi để khuyên can gã. Hắn dụng tâm như thế, hiệu quả càng rõ rệt hơn. Nếu như gã dụng binh như dụng đao được thì khi đao phong hướng về phía địch quả thực là không còn chỗ cho cái tâm của phụ nữ, thứ mà người Đột Quyết luôn miệt thị.
Tiếng Hư Hành Chi tiếp tục truyền vào tai gã:
- Hiện giờ Hạ Vương đã sinh lòng nghi kỵ đối với Thiếu Soái. Nếu Thiếu Soái y theo nguyện ước của mình liều mạng tiến quân đến Hổ Lao thì sẽ làm lão càng thêm khẳng định rằng đại quân Tống Khuyết đã tới gần. Trong lúc Hạ Vương không hiểu rõ nỗi khổ tâm của Thiếu Soái, chưa biết chừng sẽ quyết định sai lầm chết người hỏng việc, đối với quân đội hai bên đều chỉ có hại.
Trần Lão Mưu góp lời:
- Lời Hư quân sư rất có lý, chúng ta chỉ nên phòng thủ chứ đừng tấn công địch. Lý Thế Tích chẳng phải loại dễ chơi, lại được Hương Ngọc Sơn ngấm ngầm trợ giúp, vì vậy thực sự chúng ta không nên mạo hiểm xuất kích.
Khấu Trọng hít sâu một hơi, đầu óc đã tỉnh táo lại một chút. Gã hoang mang hỏi:
- Quả thật chúng ta không nên manh động, nếu không một khi quân Đậu bại trận thì đường trở về Trần Lưu của chúng ta chắc chắn sẽ bị Lý Thế Tích chặt đứt. Hai vị còn có biện pháp ứng phó nào tốt không?
Hư Hành Chi trầm giọng đáp:
- Đào địa đạo, lấy Tương Dương!
Khấu Trọng rùng mình, hoàn toàn tỉnh táo. Gã lẩm bẩm nhắc lại mấy lời vừa rồi của Hư Hành Chi.
Trần Lão Mưu nói:
- Chiêu
Đào địa đạo
là do ta nghĩ ra. Ta là chuyên gia về mặt này nên sẽ chủ trì, Thiếu Soái có thể yên tâm. Hơn nữa, trong cuốn sách về cơ quan học Lỗ Diệu Tử để lại mà Thiếu Soái cấp cho ta có một chương
Thụ tỉnh bình quyển pháp
dạy cách làm sao có thể đào địa đạo vừa sâu vừa rộng vừa dài. Chỉ cần đào được ba đường địa đạo, khi thành Lạc Dương mất thì chúng ta vẫn có thể nhanh chóng rút chạy.
Khấu Trọng gật đầu:
- Hiện giờ coi như Lạc Dương đã nằm trong vòng khống chế của chúng ta, thế nên muốn đào địa đạo hoàn toàn không có vấn đề gì. Đề nghị của Mưu lão quả thực có thể thực hiện được. Mưu lão cần bao nhiêu người?
Trần Lão Mưu đáp:
- Muốn đào ba đường địa đạo sâu, rộng và dài thông từ thành Lạc Dương ra bên ngoài mà thần không biết quỷ không hay thì chẳng những cần công cụ đặc chế, mà còn phải có thợ lành nghề. Ta có thể lựa trong đám thủ hạ của mình ra một trăm người trẻ khoẻ nhanh nhẹn, nếu Thiếu Soái lại cấp thêm cho tám trăm tráng đinh giúp việc thì lão già này nắm chắc trong vòng một tháng sẽ hoàn tất việc đào ba đường địa đạo.
Hư Hành Chi nói tiếp:
- Trong tình hình trước mắt, nếu Thiếu Soái có thể an toàn rời khỏi Lạc Dương khi thành bị phá nhưng lại chạy theo hướng Đông về Trần Lưu thì cũng như tự đâm đầu vào lưới. Phương pháp duy nhất là chạy về phương Nam tìm điểm dừng chân. Nếu như tới được thành Tương Dương có đường thủy thông suốt bốn phương tám hướng thì có thể theo Hán Thủy vào Hoài Thủy, sau đó ngồi thuyền xuôi dòng đến Chung Ly rồi vòng về Lương Đô. Việc này sẽ dẫn dụ quân Đường truy kích theo ngàn dặm, giảm bớt áp lực mà Trần Lưu phải chịu đựng, một công đôi việc.
Khấu Trọng nhíu mày hỏi:
- Tương Dương?
Hư Hành Chi nói:
- Tương Dương tuy không phải là đô thành lớn nhưng lại nằm ở trung du Hán Thủy, phía Tây giáp Ba Thục, phía Bắc nối với Hà Lạc. Nếu không đoạt Tương Dương, khi Thiếu Soái vòng về phía Đông cũng sẽ bị quân Đường chặn đánh. Khi đó, trước mặt không có đường, sau lưng có truy binh, tình thế sẽ rất nguy cấp.
Khấu Trọng hỏi tiếp:
- Tình hình Tương Dương hiện nay thế nào?
Hư Hành Chi đáp:
- Theo tin tình báo của Lạc Kỳ Phi, hơn mười ngày trước Tương Dương bị tướng của Lý Thế Dân là La Nghệ đánh chiếm. Chu Xán và Tiền Độc Quan bị bắt sống tại trận rồi giải về Quan Trung. Quân đội hai bên thương vong trầm trọng, sông hộ thành của Tương Dương bị san phẳng, tường thành bị phá hủy nhiều chỗ, không có vài tháng thì chẳng thể tu sửa xong. Lúc này quân địch lơ là việc phòng bị, Đường thất lại đang tập trung toàn bộ thủy sư ở Lạc Dương, Hổ Lao và Khai Phong nên không thể bao quát hết đường thủy. Nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ này, lấy quân ở Chung Ly tiến đánh theo đường thủy thì rất có khả năng chiếm được thành. Có điều ngày giờ đánh chiếm Tương Dương tất phải nắm rất chuẩn xác. Sớm quá thì quân Đường sẽ đủ thời gian phản kích. Muộn quá thì không thể phối hợp với Thiếu Soái cùng cánh quân rút từ Lạc Dương về.
Trần Lão Mưu tiếp lời:
- Việc đánh chiếm Tương Dương thành hay bại nằm ở chỗ bảo mật, vì thế cần cẩn thận bố trí. Việc này giao cho quân sư phụ trách là tốt nhất.
Khấu Trọng trầm giọng:
- Giả sử diễn biến hoàn toàn nằm ngoài dự tính của chúng ta, bên thắng là quân Đậu thì sẽ thế nào?
Hư Hành Chi đáp:
- Khi đó Thiếu Soái vẫn phải lập tức rời khỏi Lạc Dương. Lí do là vì Đậu Kiến Đức có thể trở mặt vô tình không cho Thiếu Soái bỏ đi, quăng một mẻ lưới mà vét sạch. Lòng người khó lường, Thiếu Soái tuy đối đãi với người một cách chân thành nhưng chưa chắc đã nhận lại được điều tương tự.
Khấu Trọng nhớ lại việc Đậu Kiến Đức lệnh cho Lưu Hắc Thát ở lại giữ hậu phương. Rất có thể đúng là lão đã sớm có kế hoạch trước hết phá quân Đường, sau đó diệt Thiếu Soái quân. Gã cũng nghĩ tới vị mưu thần không những mưu trí hơn người lại rất hiểu nhân tình thế thái này của mình. Hắn dẫn Trần Lão Mưu tới đây để khuyên can bởi vì lão nửa như thầy nửa như bạn của gã. Dù lão có chỉ thẳng vào mặt gã mà mắng mỏ thì gã cũng chỉ có cách cung kính lắng nghe mà thôi.
Khấu Trọng khẽ thờ dài rồi hỏi:
- Các vị có chắc vừa giữ được Trần Lưu và Lương Đô, vừa xuất quân đánh chiếm Tương Dương được không?
Hư Hành Chi đáp:
- Hơn chục ngày nay thuộc hạ không ngừng tăng cường phòng thủ Trần Lưu và Lương Đô, xây dựng thêm trại lũy ven bờ bờ, lại thêm Phi Luân thuyền bảo vệ mặt sông. Dù binh lực Lý Thế Tích gấp đôi chúng ta nhưng cũng chẳng có năng lực trong thời gian ngắn đánh chiếm Trần Lưu, phá vỡ chiến tuyến mặt Bắc của quân ta được. Nếu Thiếu Soái trở lại Lạc Dương thì Lý Thế Tích tất không thể ngồi nhìn. Chỉ cần chúng ta có chiến thuật thích hợp, dưới sự chỉ huy của Thiếu Soái, hai bên phối hợp là có thể khoá chặt Lý Thế Tích. Theo như thuộc hạ phân tích, ngày nào sự uy hiếp của quân Đậu đối với quân Đường chưa được loại trừ thì Thiếu Soái không phải lo lắng mặt sau.
Khấu Trọng ngấm ngầm thở dài. Mình thì nghĩ cho Đậu Kiến Đức, Bạt Phong Hàn thì nghĩ cho mình, Hư Hành Chi và Trần Lão Mưu lại lo cho sự vinh nhục và tồn vong của Thiếu Soái quốc, việc này tất nhiên sẽ dẫn đến sự mẫu thuẫn. Bản thân gã nếu đã là lãnh tụ của Thiếu Soái quân thì đương nhiên phải lo lắng cho những người đi theo mình, không thể chỉ vì ý kiến của cá nhân gã mà đưa Thiếu Soái quốc vào hiểm cảnh. Chỗ thuyết phục nhất của Hư Hành Chi là việc hội sư với Đậu Kiến Đức chỉ là suy nghĩ đơn phương của Khấu Trọng gã. Đậu Kiến Đức chưa chắc đã có cùng ý nghĩ như vậy mà rất có khả năng là ngược lại.
Đúng lúc này Lạc Kỳ Phi vội vã đi tới. Chỉ nhìn bộ dạng của hắn là biết có việc khẩn cấp.
o0o
Ngoài thành tiếng hò hét rầm trời, binh lính chém giết kịch liệt.
Sau gần hai giờ giao chiến giằng co, quân thủ thành và quân đánh thành vẫn giành giật từng tấc đất, hai bên đều chịu thương vong.
Không hổ là danh tướng thân kinh bách chiến, Lô Quân Ngạc chẳng hề trúng kế của Ma Thường. Y chia quân từ phía Hậu Tái môn men theo đường hào đánh tới làm hai ngàn kỵ binh mai phục sau cửa Hậu Tái và Định Đỉnh không còn tác dụng.
Địch nhân dùng toàn lực chống đỡ toán quân đột vây, lúc này đã lấp được đường hào thứ nhất, tràn sang tấn công trận địa hai tòa tiễn lâu sát đường hào thứ hai.
Quân chủ lực của trại đóng trên đồi cao do Lô Quân Ngạc chỉ huy tập trung toàn bộ ở bờ Nam, dùng cung tên phối hợp với máy bắn đá tấn công quân thủ thành ở bên kia hào, khiến cho họ không sao tiến lên hay lấp hào được.
Quân của hai trại bên dưới lại không ngừng tiến quân theo khoảng trống của đường hào thứ hai tấn công vào sườn phải quân thủ thành, đập tan từng đợt công kích như sóng cồn của bọn họ.
Một trong hai tòa tiễn lâu bị máy bắn đá cỡ lớn phá hủy, tòa còn lại cũng đã bắt lửa. Tuy nhiên cung thủ và những máy bắn đá được bức tường đắp bằng bao cát yểm trợ vẫn phát huy sức sát thương rất lớn.
Mưa tên đầy trời bắn qua bắn lại.
Bên phía quân đột vây, khoảng hai chục chiếc Mộc Lư xa bị đá và tên lửa phá hủy, chỉ còn lại năm chiếc vẫn chắn tên trên chiến trường. May là trong mười chiếc Bát Cung Nỗ Tiễn thì bảy chiếc vẫn còn nguyên vẹn dùng để đánh chặn quân địch tấn công vào mạng sườn. Lực bắn của nó có thể xuyên thấu cả thuẫn bài lẫn xe chắn tên của địch, phát huy công dụng quan trọng để chặn đánh quân địch.
Ba máy bắn đá cỡ lớn chưa bị phá hủy tập trung tấn công trận địa bao cát của địch, trở thành vũ khí siêu cấp có thể uy hiếp máy bắn đá đặt trong đó.
Khi đám mâu thuẫn thủ và cung tiễn thủ của quân Đường qua tới đường hào thứ hai bị đẩy lùi, bộ binh và kỵ binh quân Đường đang tấn công bên cánh liền lùi lại như thủy triều rút.
Từ Tử Lăng thấy cơ hội không thể bỏ qua bèn ra lệnh, dẫn một ngàn năm trăm kỵ binh thủ hạ đánh tràn về phía địch. Gã tay trái cầm thuẫn, tay phải cầm thương, một mình một ngựa đi đầu, thi triển thuật nhân mã như nhất khiến Vạn Lý Ban phóng đi như một cơn gió. Quân địch đang lùi chỉ mới bắn ra được hai loạt tên đã bị gã đuổi kịp, nơi nào trường thương đánh tới thì người đổ ngựa ngã, trận thế đại loạn.
Tình thế rối loạn lan tràn như sóng triều, trong chớp mắt đã ảnh hưởng tới toàn bộ cánh quân Đường đang rút lui theo khoảng trống ở đường hào thứ hai. Kỵ binh theo sau Từ Tử Lăng đánh ập tới, rất nhiều địch nhân rơi xuống hào. Những tên may mắn thoát ra được cũng bỏ chạy tứ tán, tình thế cực kỳ hỗn loạn.
Thấy bên mình đã chiếm tiên cơ, Dương Công Khanh và Ma Thường liền chỉ huy đội quân thứ hai tổ chức đợt công kính mới vào trận địch, làm áp lực đối với quân chủ lực của Lô Quân Ngạc tăng mạnh, không thể điều quân nghênh chiến một ngàn năm trăm kỵ binh tinh nhuệ của Từ Tử Lăng theo lối hào đánh ra.
Hai trại tả hữu của địch thấy tình thế bất diệu liền phái ra hai đội kỵ binh mỗi đội hai ngàn người để chặn đường cánh kỵ binh của Từ Tử Lăng. Trong tình huống đó, chỉ có kỵ binh với tính cơ động cao mới có thể khắc chế kỵ binh đối phương vì nếu để Từ Tử Lăng tung hoành trên chiến trường, đánh vào mạn sườn hoặc sau lưng quân chủ lực phòng thủ hào của Lô Quân Ngạc thì hậu quả thật không dám tưởng tượng.
Lô Quân Ngạc phản ứng rất hợp với binh pháp, hắn tự thân dẫn ba ngàn kỵ binh bày trận bên trái quân phòng thủ hào, nghỉ ngơi chờ đợi, Chỉ cần Từ Tử Lăng có gan dám tới đánh thì hắn sẽ đánh thốc ra.
Nhất thời, tiếng vó ngựa rầm rập, tiếng chém giết động trời, không khí chiến tranh bị đẩy lên tới mức cao nhất.
Vừa vượt quan cửa khẩu ở đường hào thứ hai, trong chớp mắt Từ Tử Lăng đã suy nghĩ và phán đoán được chiến lược của địch. Nếu gã bất chấp tất cả tấn công quân chủ lực vốn đông hơn quân gã rất nhiều, trong khi đường lùi lại bị kỵ binh hai trại phái ra cắt đứt thì bọn gã sẽ biến thành cánh quân cô độc không có cứu viện, chỉ còn đường chết. E rằng lúc đó không một ai có thể quay trở lại cửa khẩu để rút lui nữa.
Đột nhiên, một người không biết xuất hiện từ chỗ nào, như một mũi tên phi thẳng tới trận địa kỵ binh của Lô Quân Ngạc ở xa xa. Với nhãn lực vô cùng lợi hại, Từ Tử Lăng chỉ liếc qua đã nhận ra đó chính là Bạt Phong Hàn. Gã vội bỏ ngay ý niệm lui binh, thét lớn:
- Theo ta tiến lên!
Gã dẫn một ngàn năm trăm kỵ binh xông thẳng về phía trận địa ba ngàn kỵ binh của Lô Quân Ngạc cách chừng ba ngàn bộ. Chỉ cần thu hút được toàn bộ sự chú ý của phía Lô Quân Ngạc thì Bạt Phong Hàn sẽ có cơ hội.
Lúc này, quân thủ thành ở hai cửa thành phía Đông đã ùa ra xuất kích. Nhiệm vụ của họ là lấp hào chứ không phải giữ hào, có tác dụng kiềm chế Lý Nguyên Cát xuất quân cứu viện.
Do địch nhân không dự đoán được quân thủ thành sẽ theo cửa thành nào xuất kích, hơn nữa, tại các mặt bên ngoài đều phải có lực lượng phòng thủ giữ hào đầy đủ nên dù tổng binh lực quân Đường nhiều hơn quân thủ thành mấy lần nhưng vẫn chỉ chỗ nào giữ yên chỗ đó, khó chia binh cứu viện nơi khác.
Cuối cùng, cuộc chiến cũng đã tới thời khắc quyết định. Nếu Từ Tử Lăng và toàn bộ kỵ binh gã dẫn theo bị tiêu diệt thì thành Lạc Dương không đánh cũng tan.
o0o
Lạc Kỳ Phi nói liền một hơi:
- Đậu Kiến Đức sai Mạnh Hải Công, Từ Viên Lãng làm Soái, tiến quân theo hai đạo thủy lục. Bảy ngày trước, thuyền vận lương của Đậu quân bắt đầu ngược dòng Hoàng Hà tiến lên. Với ba chục vạn đại quân, trước tiên lão vây hãm rồi đánh chiếm Quản Châu, sau đó lấy được Huỳnh Dương và hơn mười thành trì phụ cận. Tiếp đó Đậu quân hạ trại ở bình nguyên phía Đông của Hổ Lao, lập doanh trại ở Bản Chử làm bộ chỉ huy lâm thời.
Hư Hành Chi và Trần Lão Mưu nghe xong ngẩn người. Chỉ trong vài ngày, Đậu Kiến Đức có thể đánh chiếm hai trấn quan trọng là Quản Châu và Huỳnh Dương thật làm người ta không dám tin.
Khấu Trọng lại thấy tim mình chìm xuống. Gã than:
- Quả nhiên không ngoài dự liệu của ta. Lý Thế Dân cố ý bỏ các thành mặt Đông Hổ Lao để Đậu nhân sinh lòng kiêu ngạo. Hơn nữa đi sâu vào đất địch thì tuyến vận lương bị kéo dài, đồng thời lương thực sẽ bị hao hụt lớn vì không những phải cung ứng cho quân đội đông người mà còn phải chiếu cố cho các thành chiếm được. Lý Thế Dân chắc đã chuyển hết lương thảo các thành này đi rồi.
Trần Lão Mưu biến sắc:
- Lý Thế Dân thật tàn độc, có thể bỏ, có thể lấy. Đậu Kiến Đức đúng là không phải đối thủ của y. Nhưng quân Hạ ở đâu ra mà tới những ba chục vạn?
Lạc Kỳ Phi đáp:
- Đại quân của Đậu Kiến Đức dẫn đi không quá mười lăm vạn, sau khi chia ra phòng thủ Quản Châu và Huỳnh Dương thì chỉ còn mười vạn người có thể ra tiền tuyến.
Hư Hành Chi hỏi:
- Ngoài việc bỏ Quản Châu và Huỳnh Dương, Lý Thế Dân còn có hành động gì không?
Lạc Kỳ Phi đáp:
- Lý Thế Dân chia quân vây Lạc Dương thành hai đội, lưu lại mười vạn người giao cho Lý Nguyên Cát chỉ huy, dùng Khuất Đột Thông, Lô Quân Ngạc làm phó tướng tiếp tục bao vây Đông Đô (Lạc Dương). Bản thân hắn thì dẫn năm vạn quân tới Hổ Lao. Nghe nói Lý Thế Dân và Đậu Kiến Đức từng giao chiến, Đậu Kiến Đức đại bại, tử thương hơn ngàn người, hai tướng kiêu dũng dưới trướng là Ân Thu và Thạch Toản bị bắt sống. Thất bại này làm Đậu Kiến Đức không dám tiến quân nữa.
Khấu Trọng hận mình không thể lập tức tới Bản Chử để giúp Đậu Kiến Đức đại chiến với Lý Thế Dân. Nhưng gã biết mình chỉ vọng tưởng thế thôi, làm sao thực hiện được? Gã chỉ còn cách chán nản thở dài.
Trần Lão Mưu bàn:
- Xem như vậy thì hoàn cảnh Đậu Kiến Đức không được tốt lắm.
Hư Hành Chi cất tiếng:
- Nếu lão chịu kiên trì phòng thủ Bản Chử thì Lý Thế Dân cũng không làm gì được lão.
Lạc Kỳ Phi nói ngay:
- Cứu binh như cứu hoả, thành Lạc Dương có thể bị phá bất cứ lúc nào. Lão làm sao ở lại giữ Bản Chử được?
Khấu Trọng cười khổ:
- Lão càng sợ đại quân Tống Khuyết tràn lên phương bắc, chiếm được Lạc Dương trước lão một bước, vì thế lão sẽ không đóng quân dừng lại. Dù lão cố thủ thì Lý Thế Dân cũng có thể sai quân bao vây hậu phương Đậu Kiến Đức, cắt đứt đường vận lương, rồi dùng thủy sư phong toả Đại Hà, bức Đậu Kiến Đức phải xuất kích.
Hít một hơi khí lạnh, Hư Hành Chi nói:
- Thiếu Soái nhận xét đúng lắm.
Lúc này có thủ hạ đến báo Đỗ Phục Uy cầu kiến. Khấu Trọng không ngờ cha hờ lại đến gặp gã trong hoàn cảnh này. Lão lại đến rất đúng lúc chứ nếu gã ở Trần Lưu như bình thường thì sẽ không gặp được. Gã vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, vội ra đón Đỗ Phục Uy.
o0o
Bám sát sau lưng Từ Tử Lăng là một ngàn năm trăm kỵ binh được coi là tinh nhuệ nhất của Thiếu Soái quân, do năm trăm Phi Vân kỵ và một ngàn kỵ binh dũng mãnh của Dương gia hợp thành, từ cửa khẩu tràn ra, khí thế như chẻ tre.
Từ Tử Lăng một người một ngựa dẫn đầu phóng thẳng về phía trận địa kỵ binh của Lô Quân Ngạc. Rốt cuộc thì để giành thắng lợi, gã không màng tới bất cứ chuyện gì khác. Một ngàn năm trăm người theo sau nhìn theo gã mà hành động. Quyết định của Từ Tử Lăng ảnh hưởng tới sự sống chết của họ. Gã có thể không nghĩ cho mình, nhưng không thể không nghĩ cho bọn họ được.
Trên chiến trường máu thịt tơi bời này, điều duy nhất gã có thể làm là đánh vào chỗ trí mạng nhất của địch, trong lòng không thể có chỗ cho hai chữ nhân từ nữa.
Gác trường thương lên ngang đùi, vứt bỏ thuẫn bài, Từ Tử Lăng dùng tay trái lấy mộc cung ra, tay phải lấy tên. Lúc này cự ly với địch nhân chỉ còn khoảng một ngàn bộ.
Lô Quân Ngạc và một đám tướng lĩnh thủ hạ cưỡi ngựa đứng trước trận địa. Hắn không ngừng cười lạnh, rõ ràng cho rằng Từ Tử Lăng không tự lượng sức, tự đến tìm chết. Kỵ binh hai bên hắn đều giương cung lắp tên, nhắm chuẩn Từ Tử Lăng. Chúng nào biết Bạt Phong Hàn đang men theo đường hào phía trái bọn chúng, nơi mà ánh đèn lửa không chiếu tới được mau chóng tiếp cận. Tay hắn giương căng Xạ Nguyệt cung, chỉ khoảng trăm bước nữa là Lô Quân Ngạc sẽ nằm trong tầm bắn của hắn.
Phía Dương Công Khanh, không ai hiểu tại sao với tính cách của Từ Tử Lăng mà gã lại tham công đến mức bất chấp việc đường lùi đã bị chặn đứng, vẫn tiến sâu vào trận địch. Nhưng vì không còn lựa chọn nào khác nên cả ba cánh quân của Bạt Dã Cương, Đơn Hùng Tín và Đoạn Đạt đều tràn lên phía trước, dùng đá lớn và cung tên phát động tấn công mạnh mẽ trận địa địch nhân ở bên kia con hào rộng.
Gần năm chục chiếc Hà mô xa và năm chiếc Mộc Lư xa tiến sát tới tiền tuyến dưới sự chỉ huy của Dương Công Khanh và Ma Thường.
Mối uy hiếp bên cánh phải đã được giải trừ, bảy chiếc Bát Cung nỗ tiễn lập tức quay đầu tiến ra tiền tuyến, lập tức làm gia tăng khả năng sát thương của quân thủ thành đối với địch nhân.
Cuộc chiến đã bị đẩy lên tới mức kịch liệt nhất.
Còn cách Lô Quân Ngạc tám trăm bước, Từ Tử Lăng lắp tên vào cung rồi kéo cung căng vồng. Tâm thần gã tiến vào cảnh giới chí cao
từ có biến thành không, từ không biến thành có
.
Tên rời khỏi dây cung.
Được vận đầy Loa Hoàn Kình, mũi tên bay đi với tốc độ còn nhanh và mạnh hơn cả tên được phóng ra từ Bát Cung Nỗ Tiễn.
Lô Quân Ngạc thấy Từ Tử Lăng buông cung, khi trong lòng hắn còn đang cười thầm Từ Tử Lăng bắn từ khoảng cách quá xa thì mũi tên chỉ còn cách hắn chừng năm trượng, tốc độ chừng như còn tăng thêm. Không hổ là đại tướng thân kinh bách chiến của Đường quân, hắn bạt kiếm nhanh như điện chớp, chém xéo vào mũi tên.

Choang!

Lô Quân Ngạc toàn thân chấn động, thiếu chút nữa thì ngã lăn xuống ngựa. Mũi tên tuy bị hắn gạt rơi xuống đất, nhưng cả cánh tay hắn tê chồn đau đớn khôn tả, khí huyết nhộn nhạo, toàn thân bủn rủn.
Đúng lúc đó, từ phía bên trái, một mũi ngạnh tiễn không biết bắn ra từ chỗ nào, cũng không hề phát ra tiếng động bay thẳng đến. Tốc độ nhanh đến mức mắt thường khó mà nhìn rõ. Lô Quân Ngạc dù đang cầm kiếm trong tay nhưng không cách gì đỡ gạt được, thầm than mạng mình đã hết.
Tả hữu đồng thanh hét lên kinh hãi.
Lô Quân Ngạc hồn phi phách tán, đang định né tránh thì mũi ngạnh tiễn đó đã xuyên thủng cổ họng hắn, máu tươi bắn ra thành vòi.
Bạt Phong Hàn thét lớn:
- Thiếu Soái Khấu Trọng đến rồi!
Xa gần đều nghe rõ.
Trước ánh mắt ngỡ ngàng của các tướng lĩnh thủ hạ, Lô Quân Ngạc từ trên lưng ngựa nặng nề rơi bịch xuống đất.
Trận địa kỵ binh quân Đường lập tức đại loạn.
Từ Tử Lăng cất mộc cung đi, múa tít trường thương đánh dạt hết tên địch bắn tới. Gã thi triển thuật Nhân mã như nhất, chỉ thấy Vạn Lý Ban nhảy vọt lên, xông thẳng vào trận địch.
Bạt Phong Hàn từ sườn trái cũng đánh thọc vào trận địch, đoạt một con chiến mã. Thâu Thiên Kiếm đánh ra không ai địch nổi.
Một ngàn năm trăm kỵ binh tinh nhuệ bám sát Từ Tử Lăng dũng mãnh đánh tràn tới, trong nháy mắt đã phá tan trận địa quân địch vốn đang rối loạn.
Bốn chữ Thiếu soái Khấu Trọng quả là có uy lực không gì so sánh nổi. Địch nhân nghe thấy kinh hồn táng đởm, quân thủ thành thì sỹ khí dâng trào. Dương Công Khanh thấy sự đại loạn của Đường quân lan rộng khắp cả chiến trường liền hạ lệnh cho Hà Mô xa tiến lên, dùng cát đá lấp hào. Quân dân trong thành bất kể nguy hiểm, cố hết sức mau chóng đổ đất đá lấp hào.
Đường quân vội vàng cho cờ hiệu ra lệnh toán kỵ binh từ hai trại, vốn định chặn đường rút của Từ Tử Lăng, chạy tới cứu viện nhưng đã chậm một bước.
Từ Tử Lăng và Bạt Phong Hàn gặp nhau giữa chiến trường rồi dẫn quân đánh phá trận địa phòng thủ giữ hào. Quân Đường vốn đã mất chủ soái, lại tưởng Khấu Trọng dẫn quân tới đánh, cuối cùng cũng phải bỏ cả đường hào và doanh trại, chạy tứ tán.
Quân thủ thành vượt hào đánh qua, một lúc sau đã không chế hoàn toàn cục diện. Tiếp đó với sự chỉ huy của Dương Công Khanh, họ nghênh kích đội kỵ binh địch tới cứu viện.
Từ Tử Lăng quát lớn:
- Đánh chiếm trại trên cao!
Cánh kỵ binh lần đầu tiên biết mùi thắng trận ở Lạc Dương được Bạt Phong Hàn dẫn đầu như một cơn gió đuổi theo đám quân địch đang chạy về doanh trại trên đồi cao.
Thắng bại đã định.
(Hết hồi 652).
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đại Đường Song Long Truyện.