Chương 654: Cùng đồ mạt lộ
-
Đại Đường Song Long Truyện
- Huỳnh Dị
- 4474 chữ
- 2020-05-09 09:29:33
Số từ: 4468
Nguồn: Sưu Tầm
Ngay trong đêm đó, Khấu Trọng động viên quân đội, nhân lúc trận cước quân Đường chưa ổn định và đại quân chủ lực chưa tới, gã đích thân dẫn ba ngàn kỵ binh đột tập cánh bộ đội tiên phong của Lý Thế Tích. Gã sử dụng chiến thuật dã chiến của người Đột Quyết, đến như gió, tấn công địch từ bốn phương tám hướng. Quân Đường ứng chiến một cách hoảng hốt, sau khi chịu thương vong nặng nề buộc phải rút lui.
Cùng lúc đó, Trần Lão Mưu và hai trăm lính công binh bí mật đi Lạc Dương, Trần Trường Lâm xuất quân hộ tống.
Sáng sớm hôm sau, đại quân chủ lực của Lý Thế Tích theo hai đường thuỷ bộ bắt đầu đến. Khấu Trọng dẫn toàn quân đón đánh, chia quân thành hai đường thuỷ, bộ, chính diện giao phong với quân Lý Thế Tích. Hai bên đánh nhau cả ngày, đều có thương vong. Khi hai bên còn đang giằng co thì cánh quân năm ngàn kỵ binh của Bạch Văn Nguyên từ Đông Hải tới tham gia vào chiến trường. Lý Thế Tích cuối cùng phải rút về một ngọn núi cách Trần Lưu hai chục dặm để chấn chỉnh lại thế trận. Khấu Trọng cũng không còn lực để thừa thế truy kích, gã đành thu binh về thành. Mối nguy cơ của Trần Lưu tạm thời được giải toả.
o0o
Sau cuộc chiến, khi Khấu Trọng và thủ hạ đang kiểm kê lại tình hình cũng là lúc Bạt Phong Hàn và Từ Tử Lăng lại dẫn kỵ binh từ cổng Trường Hạ môn xuất kích, đánh úp toán Đường quân định xây dựng lại doanh trại trên đồi cao.
Lần này, tuy quân Lý Nguyên Cát đã có chuẩn bị cẩn thận, nhưng thực ra hành động lần này chỉ mang tính chất thăm dò để xem phản ứng của quân thủ thành. Đây là thời điểm vừa mới bại trận, sỹ khí quân Đường xuống thấp, vì vậy dù quân lực của bên vây thành hơn gấp bội quân thủ thành nhưng do sợ lại mất thêm doanh trại khác nên sau khi giằng co chừng nửa canh giờ với kỵ binh của Bạt, Từ, Lý Nguyên Cát lệnh cho quân rút lui.
Bạt, Từ không dám truy kích vì sợ bị hai trại tả hữu xuất binh tấn công, do đó không thể mở rộng thành quả thắng lợi. Thật ra, họ cũng không muốn truy kích mà mục đích là tiếp nhận Trần Lão Mưu và hai trăm lính công binh do Trần Trường Lâm hộ tống vừa mới đến. Đám Trần Lão Mưu vào thành xong, Trần Trường Lâm hoàn thành nhiệm vụ liền lập tức trở về Trần Lưu.
Sau khi vào thành, Dương Công Khanh, Ma Thường, Trần Lão Mưu, Bạt Phong Hàn và Từ Tử Lăng bí mật họp trong một căn cứ ở phía nam thành. Hai trăm lính công binh được người khác an bài ổn thoả chỗ ăn ở.
Mọi người ngồi quây quần quanh bàn. Sau khi nghe xong kế đào địa đạo của Trần Lão Mưu, Dương Công Khanh nhíu mày:
- Việc này có nên thông báo cho Vương Thế Sung không?
Trần Lão Mưu đáp:
- Vạn lần không nên làm thế. địa đạo chỉ là đường thoát cho chúng ta vào lúc nguy cấp mà thôi. Con người Vương Thế Sung phản phúc đa nghi, nếu để lão biết chúng ta có đường lùi thì hậu quả thật khó lường.
Bạt Phong Hàn gật đầu:
- Việc này không những không được để phía Vương Thế Sung biết, mà cũng phải giấu cả quân sỹ bên mình nữa để khỏi ảnh hưởng đến lòng quân, và không cho họ đoán được chúng ta không hy vọng vào Đậu Kiến Đức.
Ma Thường trầm giọng:
- Vương Thế Sung xây dựng nhiều giếng nghe lén trong thành. Âm thanh tạo ra do chúng ta đào địa đạo chắc không giấu được lão.
Địa đạo chiến cũng là một trong những cách đánh thành, vừa có thể phá huỷ được tường thành, lại có thể cho quân theo đó vào thành đột kích đánh úp. Cách đối phó của quân thủ thành là đào những giếng khô ở những vị trí quan trọng trong thành, bố trí những thiết bị nghe tiếng động trong lòng đất để giám sát động tĩnh trong lòng đất. Năm trước, khi Khấu Trọng và Từ Tử Lăng tiến vào Dương Công Bảo Khố, bị Lý Nguyên Cát dùng phương pháp nghe tiếng dưới lòng đất này phát hiện hành tung, chút nữa thì thất bại.
Từ Tử Lăng nói:
- Hiện giờ, mặt nam thành này nằm dưới quyền khống chế của chúng ta, do đó chúng ta có thể tiếp quản công tác nghe tiếng động trong lòng đất. Như vậy thì sẽ không lo Vương Thế Sung phát giác được nữa.
Ma Thường gật đầu:
- Tình thế chúng ta còn mạnh hơn Vương Thế Sung. Nếu Dương công muốn như thế thì Vương Thế Sung chỉ còn cách nhượng bộ. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc lão nảy sinh nghi ngờ.
Bạt Phong Hàn tham gia:
- Tuy mặt nam thành là nơi duy nhất có thể đào địa đạo, nhưng cần tiến hành cẩn thận vì nếu chúng ta có thể nghe tiếng động trong lòng đất thì địch nhân cũng dùng cách đó giám thị chúng ta.
Dương Công Khanh gật đầu:
- Trong cuộc chiến Quan Độ thời Tam Quốc, Viện Thiệu đào địa đạo định đánh úp Tào Tháo, bị Tào Tháo phát hiện, dùng chính đường địa đạo đó để vào thành phản kích.
Trần Lão Mưu vui vẻ nói:
- Xin các vị yên tâm. Phương pháp đào địa đạo của ta là do Lỗ Diệu Tử truyền lại, ông ấy thiết kế những dụng cụ đào hầm theo cách vừa khoan vừa lấy đất, có thể khiến người theo dõi dù chỉ cách ba trượng cũng không phát hiện được. Dương Công Bảo Khố đã được đào bằng biện pháp đó.
Mọi người vô cùng vui mừng, bèn thương lượng thoả đáng mọi chi tiết. Do mặt nam thành nằm hoàn toàn dưới quyền khống chế của Thiếu Soái quân nên việc xử lý đất đào ra hoàn toàn không thành vấn đề.
Cuối cùng, Dương Công Khanh hỏi:
- Trần công dự kiến khi nào thì hoàn thành địa đạo?
Trần Lão Mưu đáp:
- Ta định trong vòng một tháng sẽ đào ba đường hầm dài thông ra tới khu vực cách phía sau doanh trại đã bị phá huỷ trên đồi cao nửa dặm. Cửa ra là một cánh rừng thưa, lúc khẩn cấp, chúng ta có thể dựa vào đó để mau chóng rút lui.
Cuối cùng sự tình được quyết định như vậy.
Hơn mười ngày sau, hai chiến trường ở Lạc Dương và Trần Lưu đều diễn ra ác liệt.
Về phía Lạc Dương, quân thủ thành không ngừng xuất kích theo các cổng khiến quân Đường bên ngoài rối loạn, mệt mỏi muốn chết. Đã mấy lần Lý Nguyên Cát thử xây dựng lại doanh trại trên đồi cao ở mặt nam nhưng đều thất bại. Hắn chỉ còn cách dựa vào doanh trại vững chắc có hào sâu để chống lại quân thủ thành.
o0o
Khấu Trọng giữ ở Trần Lưu, nhiều lần giao chiến với Lý Thế Tích, có thắng có bại. Cuối cùng hình thành tình trạng giằng co.
Tin tình báo liên quan đến cuộc chiến giữa Đậu Kiến Đức và Lý Thế Dân từ Hổ Lao được bay về tới tấp. Sự lo lắng của Khấu Trọng càng ngày càng tăng.
Ngày hôm đó, gã lên tường thành, Hư Hành Chi và Tuyên Vĩnh đứng hai bên. Khấu Trọng theo dõi doanh trại quân địch bên ngoài, đoạn gã thở ra một hơi dài:
- Nếu đổi lại là trong tình thế khác thì ta vô cùng cảm kích Lý Thế Tích vì hắn quả thực là một đối thủ khó kiếm khiến quân ta thu được những kinh nghiệm chiến đấu thực tế vô cùng quý giá. Nhưng giờ ta bị hắn kiềm chế không động đậy gì được, dù có đầy mưu kế trong lòng cũng không thể thực hành được.
Tuyên Vĩnh và Hư Hành Chi đều có cùng cảm giác đó.
Lạc Kỳ Phi thần sắc nặng nề đến sau lưng Khấu Trọng, thi lễ rồi báo cáo:
- Vừa nhận được tin Lý Thế Dân sai Vương Quân Khuyếch dẫn hơn ngàn khinh kỵ đánh lén hậu phương của quân Đậu, đại phá đội ngũ vận lương của Đậu Kiến Đức, lại bắt được đại tướng dưới trướng Đậu Kiến Đức là Trương Thanh Đặc.
Khấu Trọng thất thanh kêu lên:
- Cái gì?
Lạc Kỳ Phi nói lại một lượt nữa. Người nghe không ai không biến sắc.
Sau mấy lần giao chiến bất lợi, Đậu Kiến Đức bị Lý Thế Dân chặn lại ở Hổ Lao. Lão đóng binh ở Bản Chử, không dám xuất kích. Hai bên chỉ có những cuộc giao chiến nhỏ, không có trận nào lớn mang tính quyết định. Hơn nữa, quân Đậu bất lợi nhiều hơn nên tướng sỹ bắt đầu có tâm tình muốn quay về, lòng quân bất ổn. Bây giờ lương thảo lại bị cướp đoạt càng, sự kinh hãi trong quân lan rộng, tình thế càng thêm ác liệt.
Khấu Trọng rợn tóc gáy nói:
- Lần này thì nguy lắm rồi. Nếu quân Đậu thiếu lương thì một là lập tức lui binh, hai là mạo hiểm xuất kích. Bất kể là họ làm thế nào, chỉ có Lý Thế Dân là được lợi.
Hư Hành Chi nói:
- Kế hay nhất lúc này là lập tức rút hết quân đội chúng ta ở Lạc Dương về, tập trung binh lực ở biên cương phía bắc nước ta để chống lại quân Đường sau khi chúng đánh bại quân Đậu, chờ đợi đại quân Tống Khuyết đến cứu viện.
Khấu Trọng lắc đầu:
- Việc đó chỉ đẩy nhanh thêm việc mất Lạc Dương và sự thất bại của Đậu Kiến Đức mà thôi, Đậu Kiến Đức tuy không tin tưởng ta, nhưng ta không thể vô tình vô nghĩa với lão được. Tối nay ta tất phải đến Lạc Dương vì sau khi Lý Thế Dân phá được quân Đậu tất sẽ dẫn quân quay lại Lạc Dương. Ta sẽ dẫn quân xuất kích, thừa thế đánh về phía nam đoạt Tương Dương, rồi theo đường thuỷ về Chung Ly. Các vị chỉ cần chống cự được Lý Thế Tích thì chúng ta không phải không có cơ hội chống cự được đến mùa xuân hoa nở sang năm đâu.
Tuyên Vĩnh quả quyết:
- Thiếu Soái cứ yên tâm mà đi! Có Hư quân sư trù mưu tính kế cho thuộc hạ thì chúng tôi sẽ không phụ sự uỷ thác của Thiếu Soái đâu.
Miễn cưỡng chấn khởi tinh thần, Khấu Trọng nói:
- Từ giờ cho tới đầu xuân sang năm sẽ là những tháng ngày gian khổ nhất của chúng ta. Thường nói
binh bại như núi đổ
nên bất kể tình hình ác liệt thế nào, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên trì. Nếu để thuỷ sư của Lý Thế Tích đột phá được sự phong toả, xuôi nam xuống Vận Hà thì Thiếu Soái quốc của chúng ta sẽ tan tành. Cả hai phía ta và các vị đều không được sơ thất.
Ba người đồng thời dạ vang.
Khấu Trọng đưa mắt nhìn ra đám doanh trại san sát khí thế hừng hực của địch bên ngoài thành, cảm thấy trên vai chồng chất thêm gánh nặng tựa ngàn cân, nặng đến mức gã không thể đứng thẳng người lên được. Con đường mà gã đang đi là không thể quay lại được nữa, việc duy nhất gã có thể làm là kiên cường tiến lên phía trước, làm cho hết sức mình rồi nghe theo mệnh trời. Xem xem ông trời có tiếp tục ủng hộ gã không.
o0o
Từ Tử Lăng và Bạt Phong Hàn đứng trên mặt tường thành quan sát tình hình địch nhân điều động bên ngoài thành nam.
Tối qua, một vạn quân theo hai đường thuỷ, bộ từ Trường An tới tăng viện cho quân vây thành của Lý Nguyên Cát đã tới. Từ lúc đó trở đi, quân thủ thành lập tức đề cao cảnh giác, bình tĩnh chờ đợi hành động phản kích của Lý Nguyên Cát.
Sau giờ Ngọ, Lý Nguyên Cát bắt đầu điều động, thiết lập bộ chỉ huy trung tâm ở nơi vốn là doanh trại trên đỉnh đồi, tập kết gần ba vạn quân bày trận, lại vận chuyển nguyên vật liệu đến phía sau đồi, bất cứ lúc nào cũng có thể xây dựng lại doanh trại.
Bạt Phong Hàn chán ngán nói:
- Cuối cùng Lý Nguyên Cát cũng đã ổn định trận thế, chúng ta không thể cản trở hắn xây dựng lại trại trên đồi nữa rồi.
Dưới ánh chiều tà, trong tiếng trống trận vang lừng, Đường quân với bộ binh làm chủ lực từ từ tiến lên tới sát bờ đường hào đã bị lấp. Lính công binh mau chóng triển khai hoạt động san bằng chướng ngại.
Bạt Phong Hàn thấy Từ Tử Lăng không nói gì bèn đặt tay lên vai gã hỏi:
- Tử Lăng đang nghĩ gì vậy?
Từ Tử Lăng cười khổ:
- Ta đang tưởng tượng tình cảnh bên ngoài vào sáng ngày mai. Khi đó tất cả đã phục hồi lại nguyên trạng. Mọi nỗ lực trong hơn mười ngày qua, sự hy sinh của chiến sỹ chỉ là một cơn ác mộng đã qua, chẳng hề có tác dụng gì. Phải chăng chiến tranh là không thể tránh được? Phải chăng việc con người tự tàn sát lẫn nhau sẽ tiếp tục mãi mãi? Từ khi có lịch sử loài người đến nay, chưa lúc nào không có các cuộc chiến tranh lớn nhỏ với hình thức khác nhau, tính chất khác nhau.
Bạt Phong Hàn nhún vai, điềm đạm nói:
- Đó là vấn đề lợi ích. Từ khi còn ăn lông ở lỗ, tổ tông chúng ta đã không ngừng đấu tranh với đại tự nhiên để sinh tồn. Họ vừa phải chống lại mưa gió tuyết lạnh, lại cần làm cho đầy cái dạ dày mình, hoặc ứng phó với mãnh thú tấn công,.. nên từ thời nguyên thuỷ, thế giới loài người đã là thế giới mà kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu. Đến thời chúng ta có xã hội, quốc gia thì tình hình càng phức tạp, nguyên nhân chiến tranh cũng trở nên vô cùng đa dạng. Có chiến tranh giữa các bộ tộc, chiến tranh giữa kẻ muốn thống nhất thiên hạ và kẻ muốn cát cứ phân liệt, chiến tranh phát sinh do mẫu thuẫn xung đột trong nội bộ tầng lớp thống trị, chiến tranh giữa kẻ xâm lược và phía bị xâm lược… Lòng tham con người không bao giờ thoả mãn nên chiến tranh sẽ không bao giờ ngừng lại cả.
Từ Tử Lăng nói:
- Ta bỗng có một suy nghĩ là vấn đề phát sinh do có sự mất mát, từ đó lòng người không thoả mãn, loạn lạc mới xẩy ra,. Nếu có thể tìm lại được những thứ đã mất đó thì người người trong thiên hạ sẽ chung sống hoà bình với nhau. Ài! Chỉ sợ tình hình đó sẽ chẳng bao giờ xuất hiện.
Bạt Phong Hàn gật đầu:
- Nhận xét của ngươi tuy huyền diệu nhưng ta có thể hiểu đại khái ý tứ của ngươi. Nói cho cùng thì đó là vấn đề lòng người. Nếu mỗi người đều có suy nghĩ giống như Tử Lăng thì thiên hạ thái bình rồi. Chỉ tiếc trong thiên hạ này lại chỉ có một Từ Tử Lăng mà thôi. Ta và ngươi có một sự khác nhau rất lớn, đó là ta không hề có cảm giác chán ghét chiến tranh, từ nhỏ quen với việc vào sống ra chết.
Từ Tử Lăng cười nhăn nhó không biết nói sao.
o0o
Trước khi trời sáng, Khấu Trọng lẻn qua vòng vây quân Đường, tới được Lạc Dương. Lúc này, Lý Nguyên Cát đã xây dựng xong trại trên đồi, Lạc Dương lại rơi vào tình cảnh bị phong toả khốn đốn.
Trước hết, Khấu Trọng vào cung gặp Vương Thế Sung, cùng Vương Thế Sung và các tướng lĩnh khác lập tức cử hành hội nghị quân sự. Đương nhiên là chẳng bàn ra được biện pháp gì hay, chỉ nhất trí quyết tử thủ Lạc Dương, ngồi yên chờ biến hoá. Sự thắng bại của Lạc Dương đã không còn do họ làm chủ nữa mà chiến trường quyết định là ở Hổ Lao.
Khấu Trọng quay về bản doanh ở phía nam thành. Gã cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Dương Công Khanh, Ma Thường, Trần Lão Mưu, Bạt Phong Hàn và Từ Tử Lăng tập trung trong nhà, trao đổi tình hình hai bên từ khi chia tay.
Liệp ưng Vô Danh dáng vẻ hưng phấn đậu trên vai người chủ đã xa cách lâu ngày. Thỉnh thoảng nó lại cọ cọ đầu vào đầu tóc Khấu Trọng. Khấu Trọng vỗ về âu yếm.
Sau khi Khấu Trọng thuật lại tình hình Trần Lưu, Trần Lão Mưu nói:
- Chỉ hai ngày nữa là đường hầm thứ nhất hoàn thành. Cửa vào là địa lao gần cửa Trường Hạ môn, cửa ra trong khu rừng đằng sau trại trên đồi. Mọi việc tiến triển thuận lợi.
Ma Thường cũng nói:
- Đường hầm rộng rãi chắc chắn, ở cửa vào có lắp máy thông khí đưa không khí trong lành vào trong hầm nên đến đoạn cuối đường hầm mới có cảm giác khó thở.
Bạt Phong Hàn nhíu mày:
- Chẳng phải Trần lão đã nói sẽ đào ba đường hầm song song sao? Giờ đã khởi công được nửa tháng rồi mà vẫn chưa hoàn thành đường hầm thứ nhất thì làm sao đào kịp ba đường hầm trong vòng môt tháng?
Trần Lão Mưu hăng hái nói:
- Đường hầm đầu tiên cần nhiều thời gian nhất vì dưới lòng đất có rất nhiều yếu tố bất trắc. Ví dụ như gặp phải đá lớn hoặc mạch nước ngầm chẳng hạn. Giờ ta đã nắm được tương đối tình hình dưới lòng đất rồi nên có thể phát triển đường hầm theo hướng khác, đồng thời sẽ đào thông một số chỗ giữa ba đường hầm khiến chúng liên kết với nhau. Đảm bảo trong vòng mười lăm ngày sẽ hoàn thành toàn bộ công trình.
Dương Công Khanh nhắc nhở:
- Ba cửa ra tốt nhất nên để cách nhau một khoảng để dễ bề bày trận hoặc chống địch.
Khấu Trọng vuốt ve Vô Danh, trầm ngâm hỏi:
- Địa đạo có thể cho ngựa đi qua được không?
Trần Lão Mưu thản nhiên đáp:
- Chỉ sợ làm thế sẽ có vấn đề. Ngựa chắc không chịu được không khí ẩm thấp, nóng nực dưới đường hầm.
Khấu Trọng ngạc nhiên thốt
- Các vị chưa từng nghĩ qua vấn đề đó sao? Nếu không có ngựa cưỡi thì dù chúng ta có thể theo đường hầm chạy đi nhưng chắc chắn không chạy thoát kỵ binh truy kích của Lý Thế Dân. Đừng quên con liệp ưng của Khang Sao Lợi đó.
Từ Tử Lăng cười khổ:
- Cho tới tối qua thì việc đó hoàn toàn không thành vấn đề vì bên ngoài thành nam không hề có doanh trại kiên cố chặn đường. Chúng ta có thể đưa bộ binh theo đường hầm ra ngoài trước mai phục ở hậu phương địch rồi những người còn lại mới đột vây đánh ra. Giờ thì đương nhiên lại là chuyện khác.
Ma Thường nói:
- Lần trước chúngta có thể phá được trại trên đồi là có chút may mắn. Giờ Lý Nguyên Cát gian khổ xây dựng lại trại tất sẽ đóng trọng binh cố thủ. Nếu chúng ta mạo hiểm tấn công sẽ thương vong nặng nề, mất công vô ích.
Khấu Trọng cười nhẹ:
- Cùng tắc biến, biến tắc thông!
Gã quay sang hỏi Trần Lão Mưu:
- Phải chăng địa đạo chạy qua bên dưới trại trên đồi?
Trần Lão Mưu vỗ đùi khen tuyệt rồi đáp:
- Phương pháp đơn giản như vậy, tại sao ta lại không nghĩ ra nhỉ. Việc đó cứ giao cho ta, ta có thể đào ngược lên sàn trại, đảm bảo thần không biết quỷ không hay.
Bạt Phong Hàn vui mừng nói:
- Cửa ra phải tính toán cho thật chính xác, tốt nhất là chính giữa doanh trại. Ta sẽ phụ trách đánh trận đầu.
Trần Lão Mưu cười đáp:
- Đặt cửa ra ở đâu là một môn học vấn. Ta sẽ xử lý cẩn thận. Thiếu Soái định bao giờ thì tấn công trại trên đồi?
Khấu Trọng đáp:
- Ta còn chưa nghĩ ổn thoả. Tốt nhất là chờ ba đường hầm hoàn thành rồi, chúngta mới quyết định thời điểm hành động. Ồ! Có khách tới!
Bạt Phong Hàn và Từ Tử Lăng cũng nghe thấy tiếng quần áo xé gió của người vượt tường vào, trong lòng đều ngạc nhiên.
Tiếng Bạt Dã Cương bên ngoài vang lên:
- Bạt Dã Cương, Đơn Hùng Tín, Quách Thiện Tài cầu kiến Thiếu Soái có việc gấp cần thương lượng.
Khấu Trọng cười rộ:
- Mời ba bị đại tướng quân vào.
Mọi người cảm thấy bất ngờ, đứng lên đón bọn họ.
Thần sắc ba người Bạt Dã Cương, Đơn Hùng Tín, Quách Thiện Tài nặng nề, theo cửa ngách vào phòng. Sau khi ngồi xuống, Bạt Dã Cương lên tiếng phá vỡ bầu không khí trầm lặng:
- Vương Thế Sung khí số đã hết, nay lão như chim trong lồng. Ba người chúng tôi sau khi thương nghị đã quyết định đầu về với Thiếu Soái.
Đơn Hùng Tín tiếp lời:
- Chúng tôi không phải là người không biết tín nghĩa. Chỉ vì Vương Thế Sung chỉ dùng người nhà, khó thành nghiệp lớn. Lão lại không nghe lời trung ngôn của Thiếu Soái nên mới có kết quả ngày nay.
Quách Thiện Tài cũng biểu hiện thái độ:
- Thật ra là chúng tôi đại biểu cho những tướng lĩnh xuất thân từ các tỉnh khác ở đây, mong Thiếu Soái thay thế Vương Thế Sung chỉ huy thì Lạc Dương mới có hy vọng.
Bọn Khấu Trọng nghe xong ngơ ngác nhìn nhau. Đơn Hùng Tín phản Vương Thế Sung thì không có gì kỳ lạ vì y là tướng của Lý Mật đầu hàng Vương Thế Sung, quan hệ với Vương Thế Sung không sâu sắc. Nhưng Bạt Dã Cương và Quách Thiện Tài đã theo Vương Thế Sung nhiều năm, luôn trung thành với Vương Thế Sung. Như vậy có thể thấy Vương Thế Sung đã rơi vào cảnh chúng bạn rời xa rồi.
Khấu Trọng cười rộ:
- Các vị coi trọng Khấu Trọng ta đến thế làm ta thấy cũng thấy bối rối. Nhưng giờ ta tự thân khó giữ, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp cảnh thuyền lật người chết. Các vị theo ta, chỉ sợ không có được những tháng ngày tốt đẹp đâu.
Dương Công Khanh hỏi:
- Rốt cuộc là đã phát sinh chuyện gì mà khiến ba vị đột nhiên bất mãn Vương Thế Sung đến thế?
Bạt Dã Cương lạnh lùng nói:
- Từ khi lão bức Thiếu Soái phải bỏ đi ở Từ Giản, chúng tôi đã vô cùng bất mãn cách làm của Vương Thế Sung rồi. Tối qua, Lý Nguyên Cát dùng tên bắn thư vào trong thành. Dù chúng tôi không hiểu trong thư nói gì, nhưng chỉ thấy việc Vương Thế Sung không đề cập tới chuyện này trước mặt Thiếu Soái thì dường như lão có lòng khác. Thiếu Soái đã không màng sinh tử mang lương thảo đến Lạc Dương, lại nghĩa thấu trời xanh ở lại cùng với chúng tôi thủ thành, trong quân từ trên xuống dưới không ai là không cảm kích. Vì vậy càng thêm chán ghét hành vi của Vương Thế Sung.
Mọi người giật mình. Thư của Lý Nguyên Cát gửi vào khẳng định là khuyên Vương Thế Sung mở cửa thành đầu hàng, tiện thể bán đứng Khấu Trọng.
Đơn Hùng Tín phẫn nộ tiếp:
- Chúng tôi vào sinh ra tử thay cho lão, Vương Thế Sung lại chỉ nghĩ cho riêng mình. Đương nhiên rồi! lão có Đổng Thục Ni nói tốt cho lão trước mặt Lý Uyên nên dù không được như ý nhưng có thể giữ được mạng, nói không chừng Lý Uyên còn phong cho lão một chức quan gì đó để lão sống phong lưu nốt quãng đời còn lại. Còn chúng tôi thì tất chết không sai.
Từ Tử Lăng không hiểu hỏi:
- Tại sao đại tướng quân lại có suy nghĩ đó? Chẳng phải Lý Thế Dân luôn đối đãi rất tốt với những tướng đầu hàng sao?
Quách Thiện Tài than:
- Theo như tin tức từ Trường An truyền đến thì lần này Lý Nguyên Cát đến là tuân theo mật dụ của Lý Uyên. Nếu Lạc Dương bị phá, trừ gia tộc Vương Thế Sung còn tất cả tướng lĩnh khác sẽ xử tử hết để cảnh cáo thiên hạ.
Rầm!
Khấu Trọng tức giận vỗ mạnh tay lên mặt bàn, hai mắt quắc lên, gã trầm giọng:
- Nếu Vương Thế Sung muốn bán đứng Khấu Trọng ta thì chỉ sợ lão phải đợi kiếp sau mới có cơ hội. Từ lúc này trở đi, chúng ta là huynh đệ, nếu có chết cũng phải chết như một nam tử hán. Tuy nhiên hiện giờ vẫn chưa đến lúc phế truất Vương Thế Sung, trừ khi lão dám mở cửa thành rước địch vào. Chúng ta thảo luận cho thật kỹ, ngấm ngầm giám thị động tĩnh các thuộc hạ của Vương Thế Sung. Nếu lão bất nhân thì ta buộc phải bất nghĩa. Còn không thì ta vẫn giữ đúng lời hứa, giúp lão thủ Lạc Dương cho đến thời khắc cuối cùng.
(Hết hồi 654).