Q2 - Chương 18: Kế Hiểm


Dịch: HK Nguyễn
Nguồn: NXB Thời Đại
Chiến dịch Mạc Bắc vào năm Nguyên Sóc thứ tư, Vệ Thanh đại tướng dẫn năm vạn quân xuất phát từ Định Tương, Hoắc Khứ Bệnh dẫn năm vạn quân xuất phát từ Đại Quận, theo quân có mười bốn vạn chiến mã, bộ binh và quân nhu quân dịch có vài chục vạn người.
Hoắc Khứ Bệnh không bận tâm ân oán cá nhân, bổ nhiệm Lý Cảm làm đại hiệu, giữ chức phó tướng, cũng không ngại ngần mà thẳng thắn trọng dụng các hàng tướng Hung Nô như Phúc Lợi Chi, Y Tức Hiên, tập hợp dưới cờ một nhóm tùy tướng thiện chiến dũng cảm. Đoàn quân dũng mãnh này tung hoành ngang dọc nơi sa mạc rộng lớn, hành quân hơn hai ngàn dặm, đối đầu với Tả hiền vương một trong ba đạo quân chủ lực của Hung Nô.
Mặc dù giao tranh trên lãnh địa Hung Nô, nhưng Hoắc Khứ Bệnh cực kỳ quen thuộc với địa hình khí hậu, mạnh dạn tung quân nhu quân dụng ra, thâm nhập vào hậu phương kẻ địch, dùng lương thực của địch tiếp viện cho quân mình, kỵ binh của hắn còn linh hoạt hơn, nhanh nhẹn hơn, dũng mãnh hơn kỵ binh Hung Nô, đánh tan tác quân của Tả hiền vương, bắt được cận thần của thiền vu là Chương Cừ, kết liễu tiểu vương Hung Nô Tỷ Xa Kì, chém chết tả đại tướng của Hung Nô, cướp được quân kỳ và trống trận của bên Tả hiền vương, rồi làm loạn lòng quân Hung Nô. Sau đó, Hoắc Khứ Bệnh lại nhanh chóng vượt núi Ly Hầu, vượt sông Cung Lư, bắt được ba phiên vương trong đó có Truân Đầu vương và Hàn vương, cùng tám mươi ba người khác là các tướng quân, tướng quốc, đương hộ, đô úy. Tổng cộng chém chết hơn bảy vạn người Hung Nô, quân đội của Tả hiền vương gần như bị tiêu diệt.
Vệ Thanh dẫn quân hơn ngàn dặm theo hướng Bắc, vượt qua đại mạc, gặp phải kỵ binh tinh nhuệ chủ lực của thiền vu Hưng Nô. Ông cho quân xếp chiến xa thành vòng tròn, lập trại ứng trận, lại lệnh cho người thiêu hủy toàn bộ lương thực của cải tích lũy ở thành Triệu Tín, đại quân Hung Nô bị mất tiếp viện, sẽ mất dần sức chiến đấu, quân Hán lợi dụng thế loạn giết được gần hai vạn người Hung Nô.
Vệ Thanh một mặt nghe lời dặn dò của Lưu Triệt khi ông này mê tín cho rằng để Lý Quảng đánh trận là rất rủi (căn cứ theo những thất bại liên tiếp trước đây), mặt khác muốn tạo điều kiện cho Công Tôn Ngao lập thêm nhiều chiến công, nên mặc kệ Lý Quảng liên tục thỉnh cầu làm tiền phong, Vệ Thanh vẫn chỉ để Lý Quảng làm dự bị.
Một lần nữa, Lý Quảng lạc đường trong sa mạc, không thể giao chiến với Hung Nô, tiếp tục đánh mất thời cơ được phong hầu, trong cơn bi phẫn, tướng quân tóc bạc đã vung kiếm tự vẫn trước mặt Vệ Thanh.
Tuy rằng thắng lợi của Hán triều bị che phủ bởi bóng đen của việc Lý Quảng tự sát, nhưng suy cho cùng từ lúc Hán triều khai quốc đến giờ, có lẽ đây vẫn là thắng lợi to lớn chưa từng thấy trong lịch sử đánh Hung Nô.
Đến đây, sau khi Vệ Thanh tướng quân tiêu diệt quân đội của Hữu hiền vương Hung Nô vào năm Nguyên Sóc thứ năm, trải qua chẵn năm năm giao chiến giữa Hán triều và Hung Nô, ba chủ lực lớn của Hung Nô: quân của thiền vu, quân của Hữu hiền vương, quân của Tả hiền vương, toàn bộ đều bị Hán triều đánh tan, Mạc Nam từ giờ không còn vương đình của Hung Nô.
Hai đạo quân thắng lợi của Hoắc Khứ Bệnh và Vệ Thanh gặp nhau tại Hãn Hải. Để mừng chiến công, Hoắc Khứ Bệnh quyết lập đàn tế trời tại núi Lang Cư Tư, lập đàn tế đất tại núi Cô Diễn, chuẩn bị bái lạy trời đất.
Tin báo tiệp truyền về Trường An, tuy tôi không thể tận mắt nhìn thấy Khứ Bệnh, nhưng cũng có thể tưởng tượng được hắn bề ngoài thì điềm tĩnh lạnh lùng, thực chất bên trong đắc ý vô cùng. Chắc bây giờ hắn đang cưỡi ngựa giễu võ dương oai đi duyệt khắp đại địa Hung Nô đã bị thuần phục dưới chân mình.
Từ nhỏ đến lớn thường nghe chuyện cữu phụ giao chiến với Hung Nô, từ lần đầu tiên được cữu phụ dạy cưỡi ngựa, lần đầu tiên giương cung tên, hắn đã mơ ước sẽ có một ngày đứng trên đất Hung Nô nhìn ra khắp lãnh thổ của họ, và bây giờ, ước mơ của hắn đã thành hiện thực!
Hoắc Khứ Bệnh còn chưa quay về, bài phú hắn viết cho buổi bái tế trời đất đã được hát truyền về Trường An.
Tứ Di đã bảo vệ, Chư Hạ đã yên bình. Quốc gia an ninh, khúc nhạc vẫn chưa quá nửa. Thu gom gươm giáo, cất hết cung tên. Kỳ lân đến kịp, phượng hoàng bay lên. Cùng Thiên triều bảo vệ lẫn nhau, mãi mãi sẽ không còn biên cương giới hạn. Gắn liền trăm năm, mỗi bên trường tồn lâu dài.
Tiểu Phong hát nhại người đi đường, nghe xong lòng tôi tràn ngập nghi hoặc, thu gom gươm giáo, cất hết cung tên?
Thiên Chiếu phì cười:
Bài hát này ba câu đầu tả thực, ba câu sau sáo rỗng. ‘Thu gom gươm giáo’ lấy ý từ Kinh Thi – Chu tụng – Thời mại, nghĩa là thu gom toàn bộ binh khí, ngụ ý chiến sự chấm dứt, từ giờ trở đi không cần phải động võ nữa, câu này còn có ý ca tụng sự anh minh hiền đức của thiên tử, rất hợp với cảnh hiện giờ, nhưng ‘cất hết cung tên’ viết chưa hay, vế sau của ‘thu gom gươm giáo’ vốn là ‘gói kỹ cung tên’, vế trước của Hoắc tướng quân nếu đã lấy từ nguyên văn của Thời mại, vế sau lẽ ra cũng nên chiếu theo luôn, như thế mới càng ám chỉ được ý tứ nguyên văn là bốn biển ngừng chiến, ca tụng công trạng và thành tích của Chu Vũ Vương, cũng sẽ hợp với ba câu đằng sau. Nhưng làm võ tướng có thể viết được thế này, là rất giỏi rồi.

Cửu gia đưa mắt nhìn Thiên Chiếu, Thiên Chiếu lập tức thôi cười. Tôi vừa nghĩ vừa nói:
Chữ ‘cất’ quả thật chọn chưa tốt lắm, một chữ biến đổi, cảm giác khác hẳn, không chỉ tách niềm vui bốn bể hòa bình mà toàn văn vốn dựa vào Thời mại để biểu đạt khỏi cái tứ trực tiếp ca tụng thiên tử, mà chữ ‘cất’ lại còn giống cách dùng ‘chim hết, cất tung’ trong cảnh thế minh ngôn của Phạm Lãi.

Sắc mặt Cửu gia liền biến đổi, ánh mắt đượm vẻ nghi hoặc, nhưng nhìn thấy vẻ mặt của tôi, hiểu rằng những gì huynh ấy đang nghĩ có khả năng là thật, bèn ngẩn ngơ nở một nụ cười, trong nụ cười lại giấu nét tuyệt vọng:
Hoắc tướng quân khen ngợi Phạm đại phu?

Tôi khẽ gật đầu, lòng có vài phần mừng rỡ, nhưng lại lập tức lo lắng:
Bệ hạ có thể nhìn ra sự biến động của chữ ‘cất’ này không?


Toàn văn chỉ có mỗi một chữ này thôi, huống hồ chữ ‘gói’ và ‘cất’ ở chỗ này vốn cùng một ý, muội vì biết Hoắc tướng quân từng khen Phạm Lãi cho nên mới nghĩ ra được, chứ cả Đại Hán có mấy người hiểu Hoắc tướng quân như muội? Người bình thường chắc đều coi Hoắc tướng quân là một võ phu, viết văn dùng từ không hợp lý mà thôi.

Thiên Chiếu đứng bên cạnh đến giờ mới hiểu ý của tôi và Cửu gia, mặt đỏ bừng lên, lắp bắp hỏi:
Hoắc tướng quân không phải Tư Mã Tương Như, vì sao đang êm đẹp lại đột nhiên viết một bài phú truyền về Trường An?

Tôi nói:
Khứ Bệnh chắc muốn dùng bài ca này thăm dò tâm ý bệ hạ. Chu Vũ Vương là trường hợp hiếm thấy trong các vị đế vương, dùng binh lực trấn áp bốn bề, nhưng vẫn là được bách tính kính yêu, Khứ Bệnh bề ngoài ca tụng Chu Vũ Vương, thực ra lại muốn mượn Chu Vũ Vương nói rõ tâm ý của mình.

Cửu gia cụp mắt nhìn xuống đất:
Đương kim bệ hạ có hứng thú với việc dùng binh đánh trận, đánh Hung Nô xong rồi, chỉ sợ muốn đánh cả Tây Vực. Nhưng Hoắc tướng quân đến Đế quốc Hung Nô hiện giờ chưa suy tàn đã hết sức khinh thường, liệu còn hứng thú gì với việc bắt nạt các nước bé không có sức đánh trả lại? Tướng quân muốn chính là đối thủ thế lực tương đương như Hung Nô cường thịnh bây giờ.

Thiên Chiếu sững sờ một hồi lâu, mới nói:
Ngoài mặt xem như Hoắc tướng quân hành sự rất bừa bãi tùy tiện, gần như chỉ biết quyết chí tiến lên, nhưng nếu xem bài ca này, từ việc sáng tác nhạc đến hát truyền về Trường An, tâm tư của Hoắc tướng quân không hề thua kém lối hành sự trầm ổn trước giờ của Vệ đại tướng quân.

Khứ Bệnh khôn ngoan ở chỗ khiến mọi người đều cho rằng hắn ngoài chiến tranh ra những thứ khác đều không hề khôn ngoan, trong lòng tôi có chút đắc ý, vừa nhoẻn cười thì bắt gặp ngay ánh mắt của Cửu gia, nụ cười lập tức sượng cứng, trong miệng chợt thấy đăng đắng.
Cửu gia quay đầu đi, đẩy xe lăn đi ra ngoài:
Bọn ta không làm phiền muội nữa, muội đi nghỉ sớm đi!


Qua mười mấy ngày nữa, Khứ Bệnh sẽ có thể quay về, từ sau khi hắn ra trận, trái tim vẫn treo lơ lửng của tôi đã từ từ hạ xuống một nửa, nhưng nửa còn lại thì vì việc Vệ Thiếu Nhi và Vệ Quân Nhụ đến nên càng nâng lên cao hơn.
Hai tỷ muội này ngược hẳn với vẻ lãnh đạm trước đây, bỗng dưng nhiệt tình với tôi hẳn lên. Hóa ra Lưu Triệt muốn đón tôi vào cung đợi sinh, con của thần tử vừa sinh ra đã vinh dự hưởng ơn trên và tôn quý như hoàng tử, nên bọn họ đã đến chúc mừng.
Vinh dự và tôn quý? Tôi nhìn vẻ mặt tươi cười của bọn họ, chỉ muốn cầm chổi đánh đuổi họ đi, bọn họ rốt cuộc có hiểu đằng sau vinh dự và tôn quý có thứ gì hay không? Căn bản không hề hiểu, hoặc căn bản không quan tâm? Phú quý lúc nào cũng phải đánh đổi bằng mạo hiểm, ngay Vệ Tử Phu chẳng phải đã nếm trải bao nhiêu kiếm sương đao gió đấy ư?
Sắp đến cuối hè, bụi trà mi ở góc tường vẫn rậm rạp um tùm, giăng kín đầu cành, từng khóm nở tưng bừng rực rỡ, vô cùng náo nhiệt. Nhưng trà mi nở hoa xong là hết mùa hoa, đây đã là đóa hoa cuối cùng của mùa hè, trong vẻ xán lạn như lửa cháy vẫn toát ra nét xơ xác tiêu điều của mùa thu. Đời người không phải cũng thế ư? Lúc nước đầy là báo hiệu nước sắp tràn, lúc trăng tròn nhất là báo hiệu trăng sắp khuyết, lúc quyền lực đang cường thịnh nhất là báo hiệu thịnh không thể thịnh mãi, tất nhiên sẽ suy yếu.
Lưu Triệt hành động thế này phải chăng là câu trả lời cho bài ca phú của Khứ Bệnh? Khi Khứ Bệnh quay lại thì tôi đã vào cung, chẳng lẽ muốn hắn ngang nhiên kháng chỉ hoàng đế, khăng khăng đón tôi về phủ? Quyền lực càng cao, càng không thể đi sai một bước, nếu không mầm họa tiềm ẩn, thịt nát xương tan chỉ là chuyện trong nháy mắt.
Giơ tay ngắt một cánh hoa trà mi cài vào bên tóc, trong lòng tôi đã quyết.
Trong thư phòng, Cửu gia đang ngồi đọc sách y học. Tôi đi thằng vào, ngồi đối diện huynh ấy:
Cửu gia, muội muốn cầu xin huynh một việc, huynh nhất định phải nhận lời muội.

Bàn tay đang cầm thẻ trúc chợt siết chặt lại, Cửu gia lập tức đáp:
Ta không đồng ý.

Tôi nhìn huynh ấy không chớp mắt:
Mấy ngày vừa rồi muội gần như đã lật xem hết sách xưa của y gia, nhưng rất ít bài văn ghi chép lại việc dùng thuốc trợ sản giúp sinh con sớm hơn, dĩ nhiên biết là trong đấy có nhiều nguy hiểm, nếu không phải vì không còn cách nào, muội làm sao có thể nghĩ ra hạ sách này, mạo hiểm tính mạng của chính mình và đứa bé?

Ánh mắt ngập tràn đau khổ, Cửu gia chậm rãi nói:
Còn cách khác, chúng ta có thể lập tức rời khỏi thành Trường An, tránh xa cuộc tranh đấu hỗn loạn ở đây!

Tôi giữ vững ánh nhìn kiên định, không tiếp nhận câu nói ấy:
Nếu huynh không đồng ý, muội sẽ tìm cách gặp y sư khác.

Tôi biết tôi đang ép Cửu gia, nhưng vào thời khắc này tôi không còn lựa chọn nào khác, tôi không thể nào theo huynh ấy rời bỏ thành Trường An được, như thế sẽ để Khứ Bệnh vào đâu?
Sắc mặt Cửu gia càng lúc càng khó coi, ngoài nét nhợt nhạt còn thêm vẻ tuyệt vọng. Trái tim tôi cũng đau thắt. Chúng tôi thực sự lỡ làng rồi, tôi đã lựa chọn Khứ Bệnh, cho dù xảy ra chuyện gì, cho dù gặp phải nguy hiểm trắc trở thế nào, tôi cũng sẽ không bỏ đi, sẽ không để lại Khứ Bệnh một thân một mình đối diện với mưa gió thành Trường An.
Tôi trầm mặc đứng dậy đi ra ngoài. Giọng Cửu gia yếu ớt vọng theo:
Ta đồng ý với muội.

Tôi biết Cửu gia sẽ đồng ý, vì tuyệt đối không yên tâm giao mạng sống của tôi cho người khác. Tôi không ngoái đầu, mà bình tĩnh bước tiếp ra ngoài, giọng nói không có gì khác thường, thậm chí vẫn lãnh đạm bình thản:
Đa tạ!
, nhưng nước mắt đã đầm đìa như mưa. Nước mắt rơi vì huynh ấy, nhưng quyết không để huynh ấy biết, cứ để huynh ấy nhìn thấy một bóng hình lạnh nhạt mà thôi.
Một cơn dông cuối hè vừa đi qua, mặt đất trơn trượt, lúc tôi tiễn thái y từ trong cung phái đến để khám bệnh, bất đồ trượt chân, ngã lăn từ bật thang trên đình xuống. Người ngoài nhìn vào thì thấy bụng tôi đập đất, thật ra đúng lúc tiếp đất, tôi đã dùng một tay và đầu gối hóa giải toàn bộ xung lực, chỉ là vì muốn hiệu quả giống thật nên cố ý ám thị cánh tay còn lại thành tay của người không biết võ nghệ, mặc cho nó trượt mạnh trên mặt đá xanh, chỉ tích tắc nửa cánh tay áo đã thấm đẫm máu.
Bông hoa trà mi cầm trong tay bị vò nát, mùi thuốc tẩm sẵn trong hoa liền bay vào mũi, lập tức kích thích vị thuốc đã uống lúc trước giờ chỉ đợi xúc tác. Chỉ một lát, tôi đã đau đến nỗi toàn thân co rút, người bê bết những máu trộn mồ hôi thấm hết vào y phục. Thái y hoảng loạn gào to gọi người, Cửu gia hốt hoảng bế tôi lên, máu tôi thấm vào tấm y bào trắng của huynh ấy, trông như đóa hoa nở bừng rực rỡ. Mặt Cửu gia tái nhợt đi, trong con ngươi đen thẫm sâu thẳm đang ngưng tụ một nỗi sợ hãi sâu như biển cả.
Cửu gia thừa biết mọi chuyện đã được tính toán từ trước, nhưng biểu hiện thật không gì bằng, lần này ngay tới cả người thông minh lanh lợi cũng khó mà nhìn ra được sơ hở. Nhưng nhìn lại, thấy trán huynh ấy đẫm mồ hôi mới hiểu huynh ấy đâu có diễn kịch? Đây căn bản chính là phản ứng thực sự của huynh ấy, từ lúc tôi uống bát thuốc trợ sản kia, tính mạng của tôi đã ngàn cân treo sợi tóc.
Tôi gắng sức gồng mình muốn cười với huynh ấy, ra hiệu tôi không sao, nhưng phát hiện ra không còn điều khiển được cơ thể mình nữa, cả người đau đến không ngừng run lẩy bẩy, răng nghiến kèn kẹt, môi trong đã bị cắn chảy máu tự bao giờ. Lông mày Cửu gia nhíu lại, đặt bàn tay vào bên trong miệng tôi, để tôi cắn huynh ấy, không cho tôi làm tổn thương mình nữa. Tôi muốn né ra, không muốn làm huynh ấy bị thương, nhưng hàm răng lập cập lại cứ cắn vào tay huynh ấy.
Mồ hôi trên trán Cửu gia lăn theo chóp mũi và hai gò má, nhìn như nước mắt, từng giọt từng giọt rơi xuống mặt tôi. Máu của tôi, máu của huynh ấy, mồ hôi của tôi, mồ hôi của huynh ấy, hòa lẫn vào nhau, trong miệng tôi vừa có vị tanh ngọt, vừa có vị chua mặn. Khí lực trong người bị rút dần, thần trí bắt đầu hỗn loạn, nỗi đau thể xác gần như đang xa rời tôi, còn nỗi đau của trái tim thì lại ngày càng rõ rệt. Cảm xúc của tôi không còn bị lý trí ràng buộc, toàn bộ đều biểu lộ trong mắt, nước mắt cũng mất kiểm soát, cứ trào ra ào ạt trước mắt huynh ấy. Trước khi chìm vào hôn mê, chỉ nghe thấy một câu lập đi lập lại, là vỗ về, là nài nỉ, là nựng nịu, là bi thương, là mừng rỡ, là tuyệt vọng:
Ngọc nhi, đừng khóc, đừng khóc, đừng khóc…

Trí óc vừa tỉnh táo được vài phần, toàn thân đã thấy đau đớn như bị xé toạc, tôi vốn là người luôn tự kiềm chế, cũng không kìm được mà buột miệng rên rỉ. Không biết đã hôn mê bao lâu, chỉ cảm thấy trong phòng mọi thứ đều rất u ám. Một tấm rèm buông rủ ngang ngực tôi, hai bà đỡ đang bận rộn phía bên kia tấm rèm, Cửu gia ngồi bên này rèm cùng tôi. Huynh ấy mệt mỏi thấy rõ, nhưng vẫn trấn tĩnh khác thường, nắm chặt tay tôi, nói từng chữ một:
Muội sẽ không sao đâu, nhất định là không.
Đáng tiếc tay huynh ấy vẫn run rẩy, cho thấy tâm trạng thật, huynh ấy đang sợ hãi. Tôi ra sức nở một nụ cười, gật đầu yếu ớt nhưng kiên định.
Hết canh giờ này đến canh giờ khác theo nhau trôi qua, vẫn là đau đớn vô biên vô hạn mà đứa bé chưa chịu ra. Bảo bối, sao con mãi không chịu ra? Sức mẹ sắp cạn rồi.
Cùng với tiếng kêu đau đớn của tôi, là tiếng bà đỡ gào to bên kia rèm cửa:
Đứa bé ra rồi, ra rồi. Là con trai, tuy sinh sớm hai tháng, nhỏ xíu đến mức đáng thương, nhưng rất hiếu động, vừa nhìn đã biết không phải tầm thường.

Vẻ mặt Cửu gia nhẹ nhõm hẳn:
Ngọc nhi, làm giỏi lắm.

Một người đàn bà ẵm đứa bé đi ra, mừng rỡ đưa tôi ngắm, tôi nghe thấy tiếng bé khóc, lòng vô cùng đau đớn, lồng ngực se thắt, cơ hồ muốn ngất lịm đi. Bảo bối, con khóc khi vừa mới ra đời, là không muốn gặp mẹ phải không?
Cửu gia vội vã véo vào người tôi, giữ cho tôi tỉnh táo. Huynh ấy đưa mắt ra hiệu cho Thiên Chiếu bấy giờ đang đứng ở cửa, rồi lại nhìn tôi với vẻ mặt thăm dò, tôi đè nén những quyến luyến trong lòng, khẽ gật đầu.
Thiên Chiếu đi vào ôm lấy đứa bé:
Nhũ mẫu đã đợi rất lâu rồi, người trong cung cũng đang đợi để nhìn đứa bé, bây giờ ta sẽ mang đứa bé sang đấy.
Nói rồi liền bước ra ngoài.
Tôi nghẹn ngào muốn nói, nhưng cũng không biết mình định nói gì, Thiên Chiếu lập tức dừng bước, tôi nhìn đứa bé trên cánh tay Thiên Chiếu, một lúc lâu sau mới nhắm mắt lại. Cửu gia khẽ bảo:
Ngươi đi đi!

Cửu gia đặt nhẹ tay lên cổ tay tôi, vẻ mặt mỗi lúc một nặng nề, đầu ngón tay lạnh toát đi. Tôi gượng cười:
Muội không thấy đau nữa, chỉ hơi mệt và buồn ngủ. Thể chất muội vẫn luôn rất tốt, huynh không phải lo lắng, muội ngủ một giấc là có thể điều dưỡng cơ thể thôi.

Sắc mặt bà đỡ tái mét:
Máu chảy không ngừng, không cầm được máu.
Nói xong bà không dám nhìn vào ánh mắt Cửu gia, chỉ cúi mặt lắc đầu rất chậm. Cửu gia run lên, thấp giọng nôn nóng dặn dò lão bà phải làm gì, lại sai người lập tức sắc thuốc.
Nước sạch, hết chậu này theo chậu khác bưng vào, rồi đỏ lòm, hết chậu này theo chậu khác bưng ra. Tôi lơ mơ nghĩ, bao nhiêu máu như thế thực sự chảy ra từ người tôi sao?
Cảm giác mệt mỏi rã rời từ trong cốt tủy chảy ra khắp tứ chi bách hài, người thấy ấm áp lờ đờ, chỉ muốn ngủ khò khò, nhưng Cửu gia không cho phép tôi ngủ, cứ thì thào bên tai tôi, ra sức ép tôi nhìn huynh ấy, không cho nhắm mắt:
Ngọc nhi, còn nhớ chúng ta quen nhau lúc nào không?

Làm sao có thể quên được? Sa mạc cát vàng mênh mông, suối nước xanh màu ngọc bích, người thiếu niên trong y phục màu trắng tựa như trăng sáng trên núi.

Còn nhớ bộ váy đó không? Đấy là quà tặng của một bằng hữu Lâu Lan, hắn nói là tặng cho vợ của ta, còn cười nói đã chuẩn bị váy cưới thì chắc chắn sẽ có một cô gái xuất hiện. Muội đã xuất hiện, xiêm áo rách rưới vẫn khó che giấu được khí chất, cả người toát lên vẻ bướng bỉnh hoang dại, sâu trong mắt có nét đau buồn nhưng ngoài mặt vẫn nở nụ cười rạng rỡ, lần đầu tiên ta nghe thấy một cô gái cất tiếng cười vang đầy tự nhiên như thế, tựa hồ trời đất này đều để tùy muội tung hoành. Bấy giờ ta cảm thấy muội mặc bộ váy kia vào nhất định sẽ rất đẹp… Nhưng mà, ta lại chưa từng nhìn thấy muội mặc nó…

Mắt tôi ướt nhoèn, từng giọt từng giọt, lăn xuống lòng bàn tay Cửu gia.
Tôi gắng hết sức nghe huynh ấy nói, song diện mạo của huynh ấy cứ nhòa dần nhòa dần đi, bị một tầng sương trắng giăng mờ, cái gì cũng thành mơ hồ cả:
Cửu gia, có phải muội sắp chết không?

Cửu gia nắm chặt lấy tay tôi:
Không, không đâu…
Không rõ là đang thuyết phục tôi hay thuyết phục bản thân.
Tôi nằm trong lòng Cửu gia, không hề sợ hãi mà cực kỳ bình tĩnh, những lời vẫn giấu kín cuối cùng đã dám nói ra:
Cửu gia, xin lỗi huynh, muội nợ huynh, đời này đành nợ huynh vậy. Muội vẫn luôn hy vọng huynh có thể sống thật vui vẻ, muội từng đổ ra rất nhiều tâm sức, làm rất nhiều việc, chỉ cốt làm lông mày huynh giãn ra, không muốn bất kỳ người nào gây tổn thương đến huynh, nhưng cuối cùng người làm huynh bị tổn thương sâu sắc nhất lại là muội. Đừng buồn, lúc huynh buồn muội cũng sẽ buồn, lúc huynh đau lòng muội cũng đau lòng.

Cửu gia áp mặt vào mặt tôi, làn da ẩm ướt, không rõ là nước mắt của ai?

Ngọc nhi, người phải xin lỗi là ta. Nếu ta đoán không lầm, ân oán giữa muội và Lý Nghiên chắc cũng tại ta mà ra, nếu không phải tại ta, muội sẽ không gần gũi với Lý Nghiên đến thế, và cũng không giúp nàng ta vào cung. Muội đã làm rất tốt, chỉ là ta một mình một ý, đẩy muội ra. Nếu ta thẳng thắn chân thành với muội, sẽ không có bao nhiêu đau khổ như hôm nay.

Tiểu Phong hấp tấp bưng thuốc đi vào, Cửu gia liền giúp tôi uống thuốc. Mỗi ngụm nuốt vào gần như đều phải giúp hết sức lực, Cửu gia vừa lau mồ hôi cho tôi, vừa nói:
Ta biết muội kiên trì, không được bỏ cuộc, nếu không sẽ có rất nhiều người đau lòng.

Ngồi trên cây bông gòn ở mảnh đất trồng, dò đoán mãi tâm tư của Ba Nhã Nhĩ… Cây cao lương ở phía Bắc cao quá đầu rồi, Vẫn nghé nhìn theo bóng Ba Nhã Nhĩ. Cây cao lương ở phía Đông đã cao quá đầu rồi, Vẫn từ sau lưng nhìn theo Ba Nhã Nhĩ… Hạt cây du thụ đem trồng sẽ nảy mầm lớn lên. Cô gái đến tuổi sẽ có bà mối đến nhà, Cây cao lương ở phía Tây đã cao quá đầu rồi, Ba Nhã Nhĩ nhìn theo bóng tôi vu quy… Cây cao lương ở phía Đông cũng cao quá đầu rồi, Ba Nhã Nhĩ nhìn theo bóng tôi vu quy.
Giọng hát ôn hòa trầm thấp của Cửu gia vang lên bên tai. Theo giọng hát, huynh ấy cắm từng mũi kim châm cứu lên các huyệt vị trên người tôi.

Ngọc nhi, ta bây giờ mới biết ta chỉ cần muội sống thôi. Cho dù trong trái tim muội có ai, ở cùng với ai, ta chỉ cần muội sống, chỉ cần biết muội có thể sống thật vui vẻ, thì ta cũng sẽ vui vẻ, muội không phải không muốn ta đau lòng sao? Chỉ cần muội sống, ta sẽ không đau lòng.

Tôi từ từ nhắm mắt, giọng Cửu gia vẫn lặp đi lặp lại:
Muội nhất định phải sống, nhất định phải sống, nhất định phải sống…

Bướng bỉnh kiên trì như thế, giọng nói như lời thề đối chọi với ông trời, dù ý thức của tôi đã rã rời, nhưng những lời ấy vẫn cứ khắc dần vào con tim, đan xem với một giọng khác vọng lại từ rất nhiều năm trước:
Nhất định phải sống, hứa với cha, con nhất định phải sống!

Một đường hầm tối đen dài đằng đẵng, chỉ có chút sáng lờ mờ phía trước, tôi chạy về hướng ánh sáng, nhìn thấy một bầy sói đang chạy băng băng, trong đó có con sói từng nuôi dưỡng tôi, tôi vội đuổi theo, bầy sói đột nhiên biến mất, thay vào đó là U Thiền, gã cười vẫy tay gọi tôi, tôi cũng reo to chạy nhanh về phía gã, bỗng nhiên cha xuất hiện sau lưng U Thiền, tôi sung sướng gọi to
cha
giống như hồi còn bé, nhào vào lòng cha, nhưng cha không dang tay đợi ôm tôi vào lòng như trước đây, mà tỏ ra giận dữ vẻ phẫn nộ, như thể không muốn thấy tôi.
Tôi đứng nguyên tại chỗ, do dự nghĩ ngợi, nhưng không nghĩ được gì cả. Quay đầu lại chỉ thấy tối mù, phía trước thì có ánh sáng ấm áp, có cha, có U Thiền. Tôi cầm lòng không đậu, lại tiếp tục tiến tới, cha lộ vẻ thiểu não, im lặng nhìn tôi, vẻ mặt của cha khuấy động một điều gì đó, trong đầu tôi lóe lên một khuôn mặt mơ hồ, lại một khuôn mặt mơ hồ khác, đều thê lương như thế.
Nhất định phải sống, nhất định phải sống…
Mặc dù không hiểu thế nghĩa là sao, bước chân tôi vẫn ngập ngừng dừng lại. Kiềm chế nỗi sợ bóng tối, từng bước một lui dần về phía sau, cha nở nụ cười, còn tôi bắt đầu cảm thấy cơn đau thể xác.
Nhất định phải sống, nhất định phải sống…
Càng lùi ra sau, càng rời xa ánh sáng rực rỡ, cơ thể cũng càng đau đớn.
Hóa ra, mỗi bước đi về phía trước là hạnh phúc, mỗi bước đi về phía sau đều là nỗi đau như kim châm, nhưng cha lại cười, hai khuôn mặt trong đầu tôi hình như cũng đang vui mừng thanh thản, dù nỗi đau có lớn thêm nữa, tôi vẫn có thể chịu đựng được. Tuy không hiểu vì sao mình thà thịt nát xương tan cũng không muốn bọn họ đau lòng, tôi vẫn hết bước này đến bước khác, chậm rãi và chật vật giật lui ra sau…

Ngọc nhi!
Nhiều giọng nói khác nhau cùng vang lên mừng rỡ. Tôi nhìn thấy hai khuôn mặt khác nhau, nhưng cùng chung vẻ nhọc nhằn tiều tụy.
Hai người cùng lúc giơ tay ra đỡ tôi, khi sắp chạm vào gò má tôi, lại đồng thời dừng tay lại, ngập ngừng giữa lưng chừng. Hoắc Khứ Bệnh liếc nhìn Cửu gia, niềm vui lúc mới thấy tôi tỉnh lại mau chóng tiêu tan trong mắt Cửu gia, thay vào đó là nỗi chua xót, nhưng môi vẫn giữ nụ cười ấm áp, bàn tay nắm lại, gân xanh trên tay âm ỉ cuộn lên, từ từ rụt tay lại, bỗng nhiên quay mình đẩy xe lăn ra ngoài:
Ta đi bảo đầu bếp chuẩn bị chút đồ ăn.

Hoắc Khứ Bệnh không nói câu nào nghiêng người nằm xuống giường, hết sức cẩn thận ôm lấy tôi, hai cánh tay vòng kín, nhưng không dám siết chặt vào người tôi. Đây là tư thế tuyên bố bảo vệ và chiếm hữu, nhưng bên dưới lại chôn giấu sự không chắc chắn và lo âu.
Tôi cố ngả đầu vào người hắn, nhưng động tác chậm chạp, hắn vội giúp tôi đặt đầu lên vai mình, bỗng nhếch miệng cười, cánh tay cũng chân thành tha thiết ôm lấy người tôi. Mãi lâu sau, hắn thấp giọng nói:
Ngọc nhi, chúng ta về sau sẽ không sinh con nữa.

Vừa nhắc đến con liền đau lòng, tôi gượng cười nói:
Trước đây còn có người nói muốn sinh một đội thúc cúc cơ mà! Không phải lý tưởng nhất là cha con sát cánh ra trận ư?

Hắn dùng cằm cọ cọ vào trán tôi:
Đều không quan trọng bằng nàng. Ta bây giờ đang hơi hận đứa bé này, lúc ta trông bên giường nàng, một mực nghĩ nếu vì sinh đứa bé mà nàng có chuyện gì, ta sẽ không muốn gặp nó.

Tôi lưỡng lự một chút, hỏi:
Chàng gặp con chưa?

Hắn trầm mặc trong chốc lát, giọng nói trầm đi nhiều:
Chưa, lúc ta quay lại, con đã bị đón vào trong cung rồi. Bệ hạ đặt tên là Thiện, nói là do hoàng hậu nương nương đích thân nuôi dưỡng, tất cả đãi ngộ đều ngang với thái tử, còn được chiều chuộng quý trọng hơn hoàng tử bình thường. Vì sinh sớm hai tháng, sức rất yếu, xung quanh lúc nào cũng có một nhóm thái y túc trực, làm cho trong cung ồn ào không thôi. Lúc đó tính mạng nàng đang nguy kịch, ta chỉ vội vã vào cung bái kiến bệ hạ, báo cáo sơ qua tình hình chiến dịch xong liền về chăm sóc nàng.

Thấy mắt hắn đỏ ngầu, tôi vừa ấm áp vừa đau lòng:
Lại mấy ngày chưa hề nghỉ ngơi rồi? Đi ngủ một giấc đi!

Hắn lắc lắc đầu:
Ta ở lại đây trông nàng, không đi đâu hết.

Lâu ngày mới cảm nhận được hơi hướm của hắn, lòng tôi thấy yên bình khó tả:
Thế ngủ luôn ở đây đi, thiếp rất nhớ chàng.

Tôi chưa bao giờ chủ động nói thẳng những lời tình cảm, có lẽ đây là lần đầu tiên, nên hắn lập tức chồm dậy, nhìn tôi chăm chú hỏi:
Nàng nói gì cơ?

Tôi nhếch môi, cười không trả lời, hắn chằm chằm nhìn tôi:
Nói lại lần nữa.

Tôi chậm rãi nói:
Lời hay không nói hai lần.
Hắn hiển nhiên rất thất vọng, ngả mình xuống gối. Tôi nói bên tai hắn:
Thiếp rất nhớ chàng, rất nhớ chàng, sau này sẽ không ở lại Trường An một mình nữa.

Hắn thoạt nghe thì hớn hở, nghe đến đoạn sau lại vô cùng đau lòng, khuôn mặt lộ vẻ bất lực, ngón tay nhẹ nhàng lướt qua môi tôi:
Xin lỗi nàng.

Chắc hắn đã biết tất cả mọi chuyện xảy ra sau khi rời thành Trường An, không biết trong lòng hắn phán đoán thế nào về tình trạng vướng mắt hiện nay. Câu
xin lỗi
này chắc cũng bao hàm sự hoài nghi của hắn với Vệ hoàng hậu, với việc đứa bé bị đưa vào cung nuôi dưỡng làm con tin.
Trong lòng tôi bất an, do dự không biết có nên nói cho hắn chân tướng về đứa bé không, bỗng hắn nói:
Hung Nô đã bị đuổi sạch khỏi Mạc Nam rồi, không còn dư lực tiến hành xâm lấn Hán triều nữa, về sau nhiều nhất cũng chỉ là mấy thế lực nhỏ không đáng kể.

Tôi giật mình:
Hoàng thượng ban thưởng chàng thế nào?


Thì vẫn quyền lực phú quý chứ gì.
Có lẽ vì đứa vé, ngữ khí bình thản của hắn đượm phần chán ngán, vẻ sung sức sôi nổi nơi đuôi mày khóe mắt giờ đã hoàn toàn không còn.
Hắn đánh Hung Nô chỉ vì đấy là giấc mơ từ bé, lúc đầu chắc cũng vì quan cao lộc hậu, từng vui mừng vì sự tôn vinh thịnh cực nhất thời trong thành Trường An, nhưng chức càng cao, quyền càng lớn, thì thế giới của hắn càng không hạn chế ở Hung Nô nữa, mà dần dần chìm vào cuộc đấu mưu tính hãm hại nhau tại thành Trường An. Thậm chí, khi các hoàng tử lớn lên, từ giờ trở đi, có khả năng cuộc chiến ngoài sa trường sẽ ngày càng mờ nhạt, còn cuộc tranh đấu quyền lực vô vị phức tạp lại càng nặng nề.
Hắn chưa bao giờ chịu mất công mất sức vào mấy chuyện này, nói như hắn dạo trước thì
Không phải không hiểu, nên mới phớt lờ,
nhưng hiện giờ chung quy vẫn tránh không xong, vô tình bị cuốn theo sự việc.

Ngọc nhi, buổi tối chúng ta về nhà, được không?
Chiến dịch kéo dài mấy tháng, hắn ở sa mạc chiến đấu di chuyển mấy ngàn dặm chiến trường, đêm hôm vội vã trở về Trường An, song lại vì tôi mà không thể nghỉ ngơi, lúc nói ra lời này, mắt đã nhắm lại, rõ ràng đã rất buồn ngủ.
Tôi vội thả lỏng mọi tâm tư, dịu dàng nói:
Được, buổi tối chúng ta sẽ… về nhà.

Vẻ mệt nhọc liền tiêu tan, hắn dịu nét mặt, mỉm cười thiếp dần đi.
Tôi rúc đầu vào lòng hắn, lắng nghe hơi thở dài đều đặn của hắn. Thật ra thiếp hiện giờ đã ở nhà rồi! Chỗ nào có chàng chính là nhà, vòng ôm của chàng chính là nhà!

Nói là buổi tối, nhưng Hoắc Khứ Bệnh ngủ một mạch đến ngày hôm sau.
Chúng tôi cáo biệt Thạch phủ quay về Hoắc phủ, chỉ có Thiên Chiếu ra mặt đưa tiễn, Cửu gia từ lúc nói đi bảo đầu bếp chuẩn bị đồ ăn xong không hề xuất hiện trở lại, chúng tôi cũng giả vờ quên mất chuyện này.
Thiên Chiếu đưa cho Hoắc Khứ Bệnh một đơn thuốc rất dài, nói trong một tháng có thể để thái y khám cho tôi, nhưng không được dùng thuốc bọn họ kê đơn, mọi thứ phải nghiêm ngặt tuân theo điều dưỡng trên này, sau một tháng có thể dùng đơn thuốc của thái y nào đã tin tưởng. Thiên Chiếu đặc biệt ngừng lại ở ba chữ
đã tin tưởng
, mắt Hoắc Khứ Bệnh tối sầm lại, sau khi nhận lấy đơn thuốc, lần đầu tiên chắp tay vái Thiên Chiếu. Thiên Chiếu cũng không né tránh, cười thờ ơ nói:
Tôi sẽ truyền đạt cho Cửu gia.

Khứ Bệnh không yên tâm để người khác đỡ tôi, khăng khăng đòi chính mình ôm tôi lên xe ngựa, tôi cau mày trợn mắt phồng má phản đối cũng vô hiệu, đành để tùy hắn.
Lúc đi qua mặt hồ Thạch phủ, uyên ương đằng ven bờ đã sắp tàn, không còn màu trắng, chỉ có màu vàng lấp lánh, tuy không nhiều, nhưng điểm xuyến trên nền xanh trông càng thêm đẹp mắt. Hoắc Khứ Bệnh đảo mắt nhìn quanh, mặt mày vô cảm ẵm tôi đi qua giữa những rặng uyên ương đằng rậm rạp. Tôi vùi đầu vào hõm cổ hắn, không dám nhìn gì hết.
Về tới phủ đệ của Khứ Bệnh, xe ngựa vẫn chưa dừng hẳn, một thiếu niên tầm mười bốn mười lăm tuổi đã rảo bước chạy ra đón, vừa chạy vừa gọi to
Đại ca
, giọng đầy hân hoan. Thấy Khứ Bệnh đang bế tôi xuống xe, gã vội giúp vén rèm lên.
Khứ Bệnh nhìn sang gã, mắt lộ vẻ ôn hòa hiếm có:
Ngọc nhi, đây là Hoắc Quang, đệ đệ của ta. Lần này ta về, có đi bái kiến phụ thân. Quang đệ muốn đến Trường An, ta liền dẫn theo cùng.

Hai chữ
đệ đệ
nhấn rất mạnh, sâu sắc như phát ra từ tận đáy lòng. Hoắc Quang lộ vẻ đắc ý và tự hào, trịnh trọng hành lễ với tôi, giọng lanh lảnh:
Tẩu tẩu đã khỏe hơn nhiều chưa ạ?

Tuy quan hệ của tôi và Khứ Bệnh người nào cũng biết, nhưng chưa có ai dám thừa nhận ra miệng, Hoắc Quang gọi một tiếng
tẩu tẩu
khiến tôi nhất thời không biết nên phản ứng thế nào, Khứ Bệnh thì mỉm cười vui vẻ, vừa đi vừa nói với Hoắc Quang:
Đại tẩu của đệ xấu hổ. Tinh thần đại tẩu hiện không tốt, đợi đại tẩu dưỡng bệnh khỏe rồi, hai người có thể nói chuyện với nhau. Mấy ngày nay đệ làm gì?

Hoắc Quang vừa cười vừa tỉ mỉ kể lại những gì nhìn thấy nghe được trong thành Trường An, mặt mày kích động hưng phấn. Vừa từ một nơi hoang vu hẻo lánh đến thành Trường An thủ phủ của một đế quốc, kể cả người lớn cũng sẽ kinh ngạc rúng động, huống hồ là một thiếu niên? Huống hồ lúc vừa mới vào thành Trường An đã có thể lấy thân phận em trai của Hoắc Khứ Bệnh kiêu ngạo đi ngắm toàn bộ thành Trường An?
Khứ Bệnh vừa đi vừa lặng lẽ lắng nghe, khóe môi vẫn giữ nụ cười. Tôi nhìn nụ cười của hắn, không kìm được cũng cười theo. Tuy anh em bà con của Khứ Bệnh nhiều, nhưng không thực sự thân thiết, sự thân mật của Hoắc Quang với hắn có lẽ là điều hắn khao khát từ rất lâu rồi.
Tôi lại nhìn Hoắc Quang, bất giác cũng thấy trìu mến. Hoắc Quang rất nhạy cảm thông minh, tuy tôi không nói một chữ, song gã cũng hiểu trong lòng tôi đã chấp nhận gã như một đứa em trai, vầng trán lập tức giãn ra, tuy không còn cố ý gọi tôi là đại tẩu để kéo gần quan hệ, nhưng ngữ khí hiền hòa càng biểu lộ sự thân thiết trong lòng.
Trong lúc tôi hồi sức, thời tiết đã từ cuối hè sang đầu thu.
Đây trở thành lần ốm lâu nhất từ khi tôi ra đời, thể chất tôi vốn tốt, y thuật của Cửu gia lại cao minh, vậy mà cũng thập tử nhất sinh, đổi thành các cô gái khác chắc đã đi gặp Diêm Vương từ lâu.
Vào lúc đêm sâu tĩnh lặng hồi tưởng mọi chuyện, lòng bàn tay lại đột nhiên vã mồ hôi, cảm thấy mình thực sự rất to gan, chẳng may có gì sai sót, Khứ Bệnh biết sự thật xong liệu có tha thứ cho Cửu gia? Nhưng lúc đó vì đứa bé, chẳng ai tính toán xa xôi, chỉ một lòng một dạ nghĩ tuyệt đối không thể đưa con mình vào chốn cung đình tăm tối kia, cũng tuyệt đối không thể trở thành quân cờ ràng buộc Khứ Bệnh được.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đại Mạc Dao.