Q.1 - Chương 5: Bóng Hình Bên Cửa Sổ
-
Đại Mạc Dao
- Đồng Hoa
- 10695 chữ
- 2020-01-29 06:00:08
Dịch: HK Nguyễn
Nguồn: NXB Thời Đại
Hôm nay là ngày thứ 6 biểu diễn Hoa nguyệt nùng, giá vé tăng liên tục nhưng vẫn bán hết sạch, kể cả vé của hai ngày sau nữa cũng không còn.
Tôi đã nói trước là trừ tiền thưởng khách cho, cuối tháng cứ tùy theo vai diễn trong vở ca múa để quyết định thu nhập cho người đó, nên các cô nương trong phường đều tỏ ra hoan hỉ, ngay cả Phương Như cũng nhoẻn miệng mỉm cười. Hiện giờ cô đã thành danh chỉ sau một khúc nhạc, khách muốn gặp cô có lẽ sắp nhiều hơn cả ca nữ nổi bật nhất Thiên Hương phường, vả lại dù là khách đủ tiền trả thì cũng phải xem Phương Như cô nương có vui lòng tiếp hay không nữa, cho nên cơ hội duy nhất để người bình thường được nhìn thấy Phương Như chính là qua vở Hoa nguyệt nùng một ngày diễn một lần.
Bên trong phường hát, ngoài chỗ ngồi thấp nhất ở các bàn trà, trên cao còn thiết kế những phòng nhỏ riêng cho khách, phía ngoài treo rèm lụa và trúc, rèn có thể cuộn lên hạ xuống, rất tiên cho phụ nữ và khách quý nghe hát xem kịch.
Tôi dẫn ba anh em Lý Diên Niên vào một phòng nhỏ, Lý Diên Niên nói:
Ngọc nương, chúng tôi ngồi phía ngoài cũng được rồi, đâu cần phải ngồi chỗ tốt như thế này.
Tôi cười đáp:
Đây vốn là chỗ ta lưu lại không bán, đang không có ai ngồi, Lý sư phụ cứ an tâm!
Lý Nghiên nhìn tôi, ánh mắt chớp chớp tựa như đang hỏi: Phường chủ muốn giữ lại chỗ này cho ai vậy? Tôi nghiêng đầu cười, cô đoán xem.
Một tỳ nữ vén rèm bước vào, không kịp chào hỏi mấy anh em Lý Diên Niên đã vội bẩm báo:
Hồng cô mời phường chủ nhanh ra ngoài một lát, có khách quý đến, Hồng cô nói là phường chủ phải đích thân đón tiếp mới được.
Tôi giật mình đứng dậy, sững người trong giây lát, rồi chậm rãi ngồi xuống, ả tỳ nữ chỉ ngây ra nhìn tôi.
Lý Nghiên cười hỏi:
Người đang chờ đã đến?
Tôi gật đầu:
Mười phần chắc tám, Hồng cô lớn lên ở Trường An, không phải người chưa từng trải sự đời, phải có chút liên quan thì bà ấy mới gọi ta ra.
Lý Nghiên hỏi:
Có cần chúng ta đi ra không?
Tôi lắc đầu:
Vẫn còn phòng trống.
Nói xong tôi nhấp một ngụm trà, trấn tĩnh lại rồi mới chầm chậm đứng lên, chỉnh trang y phục đi ra.
Hồng cô đang dẫn hai người đi ngoài hành lành, cừa nhìn thấy tôi sắc mặt lập tức giãn ra.
Tiểu Hoắc, à không, Hoặc Khứ Bệnh mão ngọc tóc búi, y phục gấm hoa, vẻ mặt lãnh đạm, đang đi nhìn thấy tôi thì lập tức dừng bước.
Tôi nhoẻn miệng cười, hướng về phía trước hành lễ:
Hoắc đại nhân hạ cố thăm Lạc Ngọc phường, thật đúng là rồng đến nhà tôm, phòng tối tự nhiên được thắp sáng thêm hương.
Hắn săm soi tôi một lúc, tự nhiên hai hàng lông mày hình kiếm hơi nhướn lên rồi bật cười:
Cô nương đã đến Trường An thật rồi!
Hồng cô nhìn tôi chăm chú, rồi lại quay sang nhìn Hoắc Khứ Bệnh, nét mặt nghi hoặc bất định.
Tôi vốn để dành vài câu trêu chọc hắn, kết quả hắn chỉ cười nhẹ vài tiếng, chẳng có vẻ gì để tâm. Tôi hơi bực, đứng lùi sang một bên, mời hắn đi tiếp.
Đang định đi thì một tỳ nữ vén váy chạy như bay tới. Hồng cô lạnh giọng khiển trách:
Còn ra cái thể thống gì nữa? Có vội mấy cũng phải chú ý dáng vẻ chứ.
Tỳ nữ ấy vội dừng bước, nhìn về phía tôi với ánh mắt tủi thân. Tôi hỏi:
Có chuyện gì?
Nô tỳ lấy hơi báo:
Ngô gia đến rồi ạ, còn có cả một vị trông rất nho nhã tuấn tú, niên kỷ chỉ tầm ngoài hai mươi, nhưng Ngô gia lại gọi là Thạch Tam gia, hình như vẫn còn một người nữa ngồi trong xe ngựa.
Tôi
a
một tiếng, hơi nhấc váy lên chạy đi, rồi tự nhiên giật mình nhớ gì đó, lại dừng bước, quay người luống cuống xin lỗi Hoắc Khứ Bệnh:
Đột nhiên có việc gấp, hy vọng đại nhân lượng thứ.
Đoạn quay sang dặn dò Hồng cô:
Tỷ dẫn Hoắc đại nhân vào trong ngồi.
Vừa nói xong liền cấp tốc chạy ra ngoài. Tỳ nữ ở đằng sau kêu to:
Ở cửa bên.
Cửu gia lúc này đang đẩy xe lăn chậm rãi đi vào, Ngô gia, Thiên Chiếu và Thạch Phong theo sau. Chưa chạy đến nơi, tôi đã mừng rỡ reo lên:
Sao huynh đến đây mà không sai người báo trước một tiếng?
Cửu gia mỉm cười nói:
Ta cũng là đột nhiên nảy ra ý định, sang xem cô dạo này bận những gì mà tối qua còn không về nhà.
Tôi chun mũi cười, đi tới bên cạnh Cửu gia:
Tối qua thực ra không phải là bận mà là vị gặp mỹ nhân. Lát nữa sẽ dẫn huynh đi gặp một đại mỹ nhân.
Cửu gia mỉm cười không nói gì.
Tôi đưa họ đến hành lang phía ngoài một căn phòng, cười khì khì nói:
Cảm phiền hai vị lão gia theo cầu thang kia lên trên tầng, phiền vị Thạch thiếu gia này đi cùng luôn.
Ngô gia và Thiên Chiếu đưa mắt nhìn nhau, chưa biết làm gì. Thạch Phong thấy bọn họ không động đậy gì cũng chỉ yên lặng đứng im. Cửu gia lên tiếng:
Các ngươi đi lên trước đi!
Ba người hành lễ xong liền quay người lên lầu. Tôi dẫn Cửu gia vào một phòng nhỏ chật hẹp, gọi là phòng thực ra không khác gì một hòm gỗ lớn, chỉ nhét vừa tôi và Cửu gia, mà tôi còn không thể đứng thẳng người, cho nên dứt khoát ngồi xổm bên cạnh Cửu gia luôn.
Tôi áy náy nói:
Vì lý do an toàn nên không dám làm phòng quá rộng.
Đóng cửa vào, lắc lắc chuông đồng mấy tiếng. Không lâu sau, căn phòng nhỏ bắt đầu nâng lên chầm chậm. Cửu gia trầm mặc giây lát, hỏi:
Hơi giống cái giỏ treo dùng khi xây nhà, cô tự mình thiết kế sao?
Tôi nhẹ nhàng
ừm
một tiếng.
Không gian tối om cực kỳ tĩnh mịch, lặng yên đến mức tôi dường như nghe được tiếng tim mình đập
thình thịch
. Thực ra đèn dầu nằm trong tầm tay, nhưng tôi lại không muốn thắp sáng lên, Cửu gia cũng không nhắc, chúng tôi cứ thế yên lặng ngồi trong không gian chật chội này. Hương thảo dược trên người Cửu gia luồn vào mũi tôi, không biết tự lúc nào đã len lỏi quấn lấy trái tim tôi.
Lúc chúng tôi đến nơi thì vở ca múa đã bắt đầu. Tôi đang giúp Cửu gia pha trà thì Ngô gia ở đằng sau thấp giọng nói:
Tốt xấu gì cô cũng nên đi xem Hồng cô thế nào, vứt cho bà ta một đống rắc rối như vậy, không phải chuyện thường đâu!
Cửu gia nghe được chúng tôi thì thầm, liền quay đầu bảo:
Ngọc nhi, nếu bận việc thì cô cứ đi làm đi!
Tôi nghĩ một lúc, rồi đưa trà đang pha dở trong tay cho Thiên Chiếu, xoay người đi ra ngoài.
Hồng cô vừa nhìn thấy tôi lập tức dúi luôn khay trà vào tay:
Ta không chịu nổi nữa rồi, bộ mặt của Hoắc đại thiếu giá có thể làm người khác đóng băng mà chết. Từ lúc hắn bước vào đây, ta cứ cảm tưởng như đang giữa mùa đông tháng Chạp, khốn khổ cái thân ta trên người lại mặc phong phanh quần áo mùa xuân. Ta đã cố gượng cười, lại vắt óc suy nghĩ nói đủ thứ chuyện, vậy mà người ta đến lông mày cũng không nhướn lên. Ta sợ đến chết mất, cứ tưởng vở ca múa của chúng ta chưa chọc giận Vệ đại tướng quân, thì đã trêu đến vị bá vương mặt lạnh của thành Trường An rồi. Thế mà muội vừa xuất hiện, người ta lại tự nhiên bật cười, chẳng hiểu hai người đang chơi trò gì nữa, cứ chơi chèo theo hai người thì cái mạng nhỏ của ta không giữ được mất.
Hồng cô vừa nói vừa chực bỏ đi.
Tôi liền chắn đường:
Tỷ không được đi.
Hồng cô vòng qua người tôi:
Nhưng muội là phường chủ, thời khắc quan trọng này mới cần muội ra trận. Bọn tiểu binh tiểu tốt chúng ta đánh với đám thuộc hạ là được rồi.
Lời vừa dứt, người đã chạy biến, chỉ còn lại mỗi mình tôi đứng đấy.
Tôi giận dữ nói:
Không có nghĩa khí.
Hồng cô quay đầu bật cười:
Nghĩa khí quan trọng hay mạng quan trọng? Còn nữa, phường chủ à, ta rất tin tưởng muội, ta sẽ ủng hộ cho muội trên mọi phương diện khí thế, vì muội mà phất cờ hò reo.
Tôi đành thở dài, bê khay trà đi chậm rãi, tên tùy tùng đứng bên ngoài nhìn thấy tôi vội mở cửa, tôi hơi cúi người cảm ơn, rồi nhẹ nhàng đi vào. Vị Hoắc đại thiếu gia tương truyền có thể thay đổi thời tiết này đang ngồi trên chiếu, nét mặt không chút biểu cảm chăm chú xem màn ca vũ trên sân khất.
Tôi gác khay trà lên bàn, hai tay cung kính nâng chén trà đặt xuống. Thấy hắn không có phản ứng gì, tôi cũng lười mở miệng, đành yên lặng đứng xem cùng.
Hoắc Khứ Bệnh tiện tay cầm chén trà lên, nhấp một ngụm. Lúc đấy trên sân khấu cũng chuyển đến cảnh Thu Hương diễn tướng quân xuất hiện, Thu Hương cầm kiếm giả vừa múa vừa hát, quở mắng Hung Nô độc ác tham tàn, muốn đem tài năng sở học của mình ra giữ nước yên dân. Hoắc Khứ Bệnh bật cười
khục khục
phụt cả trà trong miệng ra, một tay đặt trên bàn, tay kia vẫn giữ chén trà, cúi đầu toàn thân rung lên, chén trà trong tay rung lên sắp rơi.
Tôi vội vã tới trước mặt hắn, lấy chén trà trong tay đặt xuống bàn, rồi cầm khăn tay lau nước trà bắn ra. Hắn cố nhịn cười, chỉ tay vào Thu Hương trên sân khấu:
Vệ đại tướng quân mà như thế này, chỉ sợ là Hung Nô giết ông ấy, chứ không phải ông ấy giết Hung Nô đâu.
Nhớ lại dáng vẻ vạm vỡ mạnh mẽ của người Hung Nô trên lưng ngựa, trong lòng tôi lại tự nhiên thấy chua chát, gượng cười định đứng lên quay người trở về chỗ cũ. Hắn giữa tôi lại, tôi nghi hoặc nhìn hắn, hắn nói:
Vở ca vũ này ngoài cô nương đóng vai công chúa đáng xem ra, mấy người khác không xem cũng được. Cô ngồi xuống nói chuyện với ta, ta có chuyện muốn hỏi.
Tôi cúi người đáp:
Vâng, Hoắc đại nhân.
Tiểu Ngọc, lúc đấy ta không tiện tiết lộ thân phận của ta, giờ cô vẫn có thể gọi ta là Tiểu Hoắc.
Hắn nói với vẻ cam chịu.
Giờ tin ta là người Hán rồi?
Không biết. Cô xuất hiện hết sức kỳ lạ, vô cùng thông thuộc địa hình Tây Vực, tự nhận mình là người Hán, nhưng không biết gì về Hán triều, nếu bọn ta không nghi ngờ cô, cô có nghĩ là bọn ta bình thường không? Về sau đi đường cùng nhau mới dám khẳng định có không có ý xấu gì. Nhưng lúc đó ta đang cải trang hành sự ở Tây Vực, thật sự không tiện tiết lộ thân phận của mình.
Tôi vẫn cúi đầu không nói gì, những gì hắn nói đều rất hợp lý.
Hắn nhẹ nhàng hỏi:
Ngọc nhi, lời giải thích của ta, nàng có thể chấp nhận không?
Tôi ngẩng đầu nhìn hắn:
Ta quen thuộc địa hình Tây Vực vì ta lớn lên trong đàn sói, bản năng giúp chúng ta không lại đường giữa đại mạc. Đúng là ta chưa từng sống ở Hán triều cho nên mới hoàn toàn không biết gì. Ta nhận mình là người Hán vì trong ta chính là người Hán.
Tôi chỉ vào tim mình,
Nhưng mà, có lẽ ta chẳng thể coi là người ở đâu cả, gốc gác của ta ở trong bầy sói. Những gì ta có thể nói được chỉ có thế, ngươi có tin không?
Hắn chăm chú nhìn tôi rồi gật đầu:
Ta tin, những chuyện khác, có lẽ một ngày nào đó nàng sẽ tình nguyện kể cho ta nghe.
Chỉ có người cực kỳ tự tin mới hay nhìn thẳng vào mắt người đối diện, Hoắc Khứ Bệnh không nghi ngờ gì chính là người như thế. Tôi với hắn nhìn nhau chằm chằm một lúc mới rời mắt ra, tôi không muốn thăm dò nội tâm hắn, mà cũng không muốn bị thăm dò.
Hắn hỏi:
Nàng đến Trường An bao lâu rồi?
Tôi đáp:
Hơn nửa năm rồi.
Hắn lặng im một lúc rồi mới hỏi:
Nàng cố tình dựng vở ca múa này tức là sớm đã biết thân phận của ta, vì sao không trực tiếp đến tìm ta? Nhỡ ta nghe nói đến vở kịch này mà vẫn không đến xem thì sao?
Không ngờ hắn lại hiểu lầm vở kịch này dựng ra vì hắn, người này đúng là tự tin thái quá. Tôi nhếch môi cười châm chọc:
Lúc muốn tìm thì không biết ngươi ở đâu, biết ở đâu rồi thì ta lại nghĩ gặp hay không gặp cũng thế cả.
Hắn nhìn tôi, sắc mặt chợt lạnh hẳn đi:
Nàng dựng vở ca múa này có mục đích gì?
Tôi không trả lời, mà mải mê nghe giọng hát dịu ngọt của Phương Như.
Bàn tay đang thả lỏng trên đầu gối của hắn tự nhiên nắm chặt lại:
Nàng muốn tiến cung? Cứ tưởng là một đóa kỳ hoa trên đại mạc, hóa ra vẫn là người muốn thành phượng hoàng.
Tôi lắc đầu cười:
Không phải, ta đang sống yên lành tử tế, việc gì phải chui đầu vào chốn quỷ tha ma bắt đấy?
Kinh nghiệm sống cùng hoàng tộc Hung Nô đã dạy cho tôi biết vương cung hoa lệ kỳ thực chính là chốn địa ngục trần gian.
Hắn có vẻ thả lỏng hơn, nhìn về phía Phương Như hỏi:
Nàng nhắm vào cô ta?
Tôi lắc đầu cười:
Cô ấy rất đơn thuần, chỉ muốn tranh thủ thời gian tìm cho mình một chỗ dựa tốt, hoặc ít nhất cũng mong cơm no áo ấm cả đời. Việc mà ta không muốn làm thì cũng không muốn miễn cưỡng người khác làm, hơn nữa ta không nghĩ cô ấy là loại người có thể sinh tồn được ở nơi đó.
Hắn hỏi:
Cái này không phải, cái kia cũng không phải, rốt cuộc nàng muốn làm gì?
Tôi nghiệng người về phía Phương Như trên sân khấu:
Nhắm vào người ấy.
Hắn nhướn mày, như cười như không nhìn tôi:
Ta thấy nàng không giống người lớn lên trong bầy sói, có khi là được hồ ly nuôi lớn cũng nên. Ý đồ của nàng đạt được rồi, công chúa đã nghe nói đến Hoa nguyệt nùng, còn hỏi ta ghé qua Lạc Ngọc phường chưa, đã gặp người biên soạn vở ca vũ ấy chưa.
Tôi cúi người:
Đa tạ đã khen tặng.
Cha đích thực là một con hồ ly thông minh.
Hắn chăm chú lắng nghe cảnh vui buồn ly hợp trên sân khấu, vẻ hơi thất thần.
Tôi lặng lẽ ngồi một lúc, thấy hắn có vẻ không muốn nói gì thêm, đang định cáo lui, chợt hắn nói:
Cả vở hát này ta thấy đầy sự thận trọng, từng lời hát câu chữ đều được suy xét đắn đo cho đúng mực, thế mà lúc nãy nàng chẳng nói chẳng rằng dám bỏ mặc ta, vội vã chạy đi tiếp đón chủ nhân Thạch phảng, nàng không sợ ta sẽ tức giận sao?
Lúc nãy đúng là tôi thiếu suy nghĩ, nhưng tôi không hối hận. Tôi nghĩ một lúc rồi cẩn thận trả lời:
Người ấy là ông chủ của ta, thân phận làm thuê nghe nói ông chủ đến, không lý nào lại không ra đón.
Hắn thờ ơ nhìn tôi:
Thật không? Thân phận của ta chẳng lẽ lại không bằng ông chủ kia?
Tôi chưa kịp trả lời, thì tùy tùng ngoài cửa đã bẩm báo:
Chủ nhân, Hồng cô cầu kiến.
Hắn sốt ruột nói:
Có chuyện gì thì nói luôn đi.
Hồng cô vội vã đáp:
Hoắc đại nhân, thiếp làm mất nhã hứng của người, thật sự là vì bất đắc dĩ, xin người lượng thứ. Ngọc nương, nghe Thạch Phong tiểu ca nói phảng chủ rất phẫn nộ, đang nghiêm trách Ngô gia.
Phẫn nộ? Đây gần như là phản ứng tệ nhất trong dự liệu của tôi, tôi vỗ tay lên trán, bất lực nói:
Biết rồi, sẽ mau qua bên đấy.
Nói đoạn, tôi quay sang xin lỗi Hoắc Khứ Bệnh, cười nói:
Ta có việc phải đi trước, nhìn ngươi cũng không phải loại người nhỏ nhen, không nên cố ý làm khó ta. Hiện giờ ta phải đi nhận tội cái đã, tình cảnh đã đủ thê lương rồi.
Chả trách công chúa nghi hoặc không hiểu tại sao Thạch phảng lại tự dưng thay đổi tác phong. Nàng đúng là người làm thuê to gan, chưa được ông chủ đồng ý mà đã dám biên soạn vở kịch liên quan đến chuyện hoàng gia.
Tôi không phản bác, chỉ chậm rãi đứng dậy, hắn đột nhiên hỏi:
Có cần ta đi cùng không?
Tôi thoáng ngẩn người, hiểu ý tốt của hắn, trong lòng cảm thấy hơi ấm áp nhưng chỉ lắc đầu cười.
Hắn uể oải cười ruồi, nói nửa đùa nửa thật:
Không cần phải tự trách, nếu Thạch phảng không cần nàng nữa, phủ ta lúc nào cũng đón chào.
Tôi lườm hắn rồi đẩy cửa ra.
Hồng cô vừa thấy tôi vội nắm chặt lấy tay. Tôi cảm giác như chạm vào một tảng băng, vội lật cổ tay lại nắm lấy:
Có chuyện gì thế?
Hồng cô đáp:
Ta cũng không biết, ta đâu có qua bên đó, là một vị tiểu ca tên Thạch Phong bí mật chuyển lời cho ta, dặn ta mau đi tìm muội, nói là Ngô gia đang quỳ nhận lỗi! Có vẻ là vì vở ca vũ.
Tôi nói:
Không phải sợ, mọi chuyện đã có muội.
Hồng cô thấp giọng nói:
Muội không biết quy củ của Thạch phảng đâu, năm đó từng có người cực kỳ giàu có phải lưu lạc xuống làm ăn mày đầu đường xó chợ chỉ sau một đêm, cuối cùng chết đói. Lại còn những hình phạt khác mà ta cũng không biết, càng nghĩ càng sợ.
Trái tim tôi trĩu nặng, nhưng ngoài mặt vẫn cố cười:
Có chuyện gì thì cũng là muội gánh chịu, không liên quan đến ai khác cả.
Trên mặt Hồng cô đầy vẻ lo lắng, chỉ im lặng đi cùng tôi.
Tiểu Phong chặn chúng tôi lại, nhìn Hồng cô nói:
Bà không được vào.
Hồng cô có vẻ muốn đứng bên ngoài đợi, nhưng tôi nói: Vở kịch sắp hết rồi, tỷ đi xem thế nào, đừng để đúng thời khắc quan trọng lại phát sinh sai sót gì, lúc đấy chỉ gây thêm phiền phức cho Ngô gia thôi.
Thấy lời tôi nói có lý, bà vội gật đầu rồi xoay người đi luôn.
Tôi quay sang nói với Tiểu Phong:
Đa tạ đệ.
Tiểu Phong xì một tiếng, hếch mũi lên trời nói:
Tỷ mau nghĩ cách làm lành với Cửu gia đi! Chả trách Tam sư phụ lúc giảng bài cho đệ có nói cái gì mà con gái khó nuôi.
Tôi với tay gõ vào trán gã, nghiêm khắc nói:
Tiểu tử thối, có giỏi thì sau này đừng lấy vợ.
Lấy hơi thật sau, tôi nhẹ nhàng đẩy cửa đi vào. Ngô gia đang quỳ, lưng quay ra cửa. Cửu gia sắc mặt bình tĩnh, nhìn qua không có vẻ giận dữ gì, nhưng cũng không còn nét ôn nhu dịu dàng hàng ngày. Thiên Chiếu thõng tay đứng phía sau Cửu gia. Rèm trúc bên cửa sổ đã hạ xuống, ngăn cách màn biểu diễn ca múa thướt tha trên sân khấu, trong phòng chỉ còn không khí trang nghiêm.
Nghe tiếng tôi bước vào, Cửu gia và Thiên Chiếu vẫn không buồn đưa mắt nhìn.
Tổng quản ca múa của Thạch phảng cũng đang quỳ dưới đất, cảm thấy mình không có lý gì không quỳ xuống, tôi rón rén đi đến bên cạnh Ngô gia rồi quỳ sụp xuống.
Cửu gia lãnh đạm nói:
Ngươi lui xuống đi! Xử lý ngươi thế nào, Thận Hành sẽ cho ngươi biết.
Ngô gia dập đầu:
Thuộc hạ là đứa trẻ mồ côi, nếu không được Thạch phảng nuôi dưỡng, có lẽ sớm đã bị chó hoang ăn rồi. Lần này giấu giếm chuyện Lạc Ngọc phường, không báo lại cho các vị ở trên, Cửu gia muốn phạt thế nào cũng được, thuộc hạ không oán hận. Nhưng thuộc hạ thật sự không can tâm, vì sao lại để cho Thạch phảng thành ra thế này chứ? Rõ ràng so với các thương gia khác, chúng ta cũng ưu đãi bọn hạ nhân, mua bán sòng phẳng với khách hàng chưa bao giờ lừa gạt cưỡng ép ai, vậy mà bây giờ thuộc hạ vẫn cứ phải lặng lẽ nhìn những phường hát khác dưới tay mình nếu không giành giật miếng ăn của nhau thì cũng bị người khác mua mất. Mỗi lần hỏi Thạch Nhị gia vì sao lại phải như thế, Thạch Nhị gia đều không cho can thiệp, dặn chỉ quan sát là được rồi. Lão thái gia, lão gia vất vả cả đời xây dựng thương nghiệp này, chẳng lẽ cứ để nó lụi bại phá sản như vậy hay sao? Cửu gia, người về sau còn mặt mũi nào mà gặp…
Thiên Chiếu ngắt lời:
Câm miệng! Ngươi càng lớn tuổi, gan càng to ra nhỉ, lão thái gia dạy ngươi nói chuyện với Cửu gia như thế sao?
Ngô gia vừa dập đầu, vừa nghẹn lời nói:
Thuộc hạ không dám, thuộc hạ chỉ là không hiểu, không cam tâm, không cam tâm chút nào!
Lời chưa dứt, y đã nghẹn ngào rồi khóc nức lên.
Sắc mặt Cửu gia vẫn không có chút biến đổi, ánh mắt hướng về phía tôi, tôi không thấy có gì đuối lý nên thẳng thắn nhìn lại, Cửu gia nói:
Muội thật khiến ta bất ngờ, nếu mưu trí thế này thì một Lạc Ngọc phường thật ủy khuất cho muội quá. Kinh doanh chân chính không làm, lại muốn dựa vào người quyền thế, muội mất công làm chuyện này rốt cuộc để làm gì?
Ngô gia gạt nước mắt, tranh đáp trước:
Ngọc nương tuổi nhỏ, muốn nâng cao danh tiếng của phường hát, hành sự như thế không có gì sai. Có sai thì là thuộc hạ sai, là thuộc hạ không nhắc nhở cô ấy, lại để mặc cô ấy làm bừa. Cửu gia nếu muốn phạt, mọi chuyện thuộc hạ sẽ nhận hết.
Cửu gia lạnh lùng
hừ
một tiếng, chậm rãi nói:
Lão Ngô, lần này ngươi nhầm to rồi, cẩn thận lắng nghe ca khúc, từng từ từng chữ đều được đắn đo kỹ càng, loại người nhất thời tham công mà làm được thế này ư? Ca múa ta xem rồi, cũng đặc sắc lắm, nếu chỉ để đánh bóng tên tuổi Lạc Ngọc phường ở Trường An, một câu chuyện tầm thường cũng đủ lắm rồi, không đáng phải mạo hiểm bóng gió chuyện riêng tư của hoàng gia. Đằng sau một cuộc mạo hiểm lớn ắt hẳn là một âm mưu lớn.
Thấy Ngô gia kinh hoàng nhìn mình, tôi áy náy nhìn lại, rồi nhìn Cửu gia thản nhiên trả lời:
Đúng là muội cố ý làm thế, mục đích là muốn Bình Dương công chúa chú ý, như vậy có thể kết giao với công chứa.
Cửu gia gật đầu nhìn tôi:
Dã tâm của muội thật lớn, nhưng muội đã bao giờ nghĩ đến hậu quả mà mình có thể sẽ gánh vác hay chưa?
Tôi đáp:
Hậu quả? Không biết Cửu gia sợ cái gì? Thạch phảng hôm nay thành ra thế này, không ngoài ba khả năng: Thứ nhất là nội bộ kém cỏi, không có người quản lý gia nghiệp to lớn, nhưng muội biết là không phải thế. Thạch phảng suy tàn cùng với sự suy tàn của nhà họ Đậu và sự trỗi dậy của nhà họ Vệ. Như vậy thì còn hai khả năng nữa, hoặc là Thạch phảng từng có quan hệ mật thiết với nhà họ Đậu bởi vì đương kim thiên tử căm ghét nhà họ Đậu nên Thạch phảng bị liên lụy, hoặc Thạch phảng từng có quan hệ không tốt với nhà họ Vệ, một bên trỗi dậy một bên suy yếu cũng là chuyện bình thường.
Thiên Chiếu ngước mắt nhìn tôi. Ngô gia bừng tỉnh ngộ, nét mặt vừa mừng vừa lo. Tôi nói tiếp:
Tuy quyền thế của nhà họ Vệ đang buổi cường thịnh, nhưng Vệ đại tướng quân trước giờ vẫn luôn ước thúc đám người thân thích, nghiêm cấm bọn họ cậy thế hiếp người, thậm chí cả người từng đánh đập ông ta năm xưa cũng bỏ qua không truy cứu. Cho nên, trừ phi Thạch phảng đắc tội lớn với nhà họ vệ, bằng không ngày nay Thạch phảng ra nông nỗi này, khả năng tại nhà họ Vệ là rất thấp. Có câu tiền quyền xưa nay không thể phân ly, từ xưa đã thế, muốn làm ăn lớn, ắt phải kết giao với quan phủ, huống chi là nơi bách quan tụ tập, các thế lực chằng chịt giao nhau như thành Trường An? Tuy muội chưa gặp lão thái gia, nhưng cũng có thể tưởng tượng được phong thái năm đó của người, cho nên muội đoán năm đó lão thái gia từng có mối quan hệ với nhà họ Đậu.
Cửu gia nâng chén trà lên nhập một ngụm:
Nếu muội đã hiểu rõ, tại sao vẫn làm việc này?
Tôi đáp:
Nếu là ba bốn năm trước, muội chắc chắn không dám, nhưng sự tình ngày hôm nay đã khác rồi.
Mắt Thiên Chiếu và Ngô gia sáng bừng lên, nhìn tôi chằm chằm. Sắc mặt Cửu gia vẫn không một gợn cảm xúc, chỉ đặt chén trà xuống hờ hững nói:
Kim Ngọc cô nương, dưới trướng Thạch phảng là vài nghìn miệng ăn, bọn họ không mưu trí như cô, không có hùng tâm như cô, cũng không thể đem tính mệnh của gia đình ra cùng cô diễn vở kịch này. Từ hôm nay trở đi, Lạc Ngọc phường bán cho cô nương, không còn quan hệ gì với Thạch phảng nữa, cô muốn quản lý kinh doanh thế nào thì tùy. Thiên Chiếu, về phủ.
Chính vì hết sức hờ hững, sắc mặt lại vẫn ôn hòa, cho nên càng toát lên ý tứ lạnh nhạt, tỏ rõ là về sau không muốn thân thích gì nữa.
Tôi không dám tin, nhìn Cửu gia chằm chằm, nhưng Cửu gia không thèm đếm xỉa, chỉ đẩy xe lăn ra ngoài, lúc qua người tôi và Ngô gia, vì chúng tôi đang quỳ trước cửa nên xe không đi được. Cửu gia nhìn về phía cửa nói:
Phiền hai vị nhường đường.
Lời nói khách khí đến băng lạnh, làm trái tim người ta từ từ đông thành băng đá.
Tôi vội đứng dậy, mở cửa lao ra ngoài. Tiểu Phong gọi theo
Ngọc tỷ tỷ
, tôi không để ý, chỉ muốn thật nhanh rời xa chỗ này, rời xa Cửu gia, rời xa sự lạnh lẽo này.
Bỏ chạy một đoạn khá xa, tôi mới sực nhớ ra không biết Cửu gia làm thế nào để xuống lầu, chắc chắn y không muốn để người khác chạm vào người. Tôi cắn môi, giẫm chân rầm rập, lại vội vàng chạy về, đi tìm người thao tác cái hộp gỗ kia dặn đi bảo Thiên Chiếu và Thạch Phong cách xuống lầu.
Phàm phép dụng binh, chủ tướng nhận lệnh của vua, tập hợp quân đội, đất xấu không dựng trại, đất có đường lớn thì phải kết giao với nước láng giềng, đường cùng không được nấn ná, đất bị vây phải tính kế, đất chết thì phải chiến, đường đi có lúc không tránh được, quân có lúc không tấn công được, thành có lúc không đánh đước, đất có lúc không tranh được, tướng có lúc không hợp…
Trong lòng suy tư, tôi dừng bút viết. Vì sao chứ? Ngày hôm trước bị thái độ và ngữ khí của Cửu gia nói cho sợ quá chưa suy nghĩ thấu đáo những lời y nói. Theo như Cửu gia nói, vì hàng nghìn miệng ăn trong Thạch phảng nên mới không cho tôi sinh sự, nhưng chúng tôi nhờ vả vào quan gia chỉ vì muốn làm ăn được thuận tiện, sẽ không tham gia vào cuộc tranh giành quyền lực trong triều, thậm chí còn có ý tránh xa là đằng khác. Năm xưa họ Đậu ngang ngược vô lý suy tàn cũng không khiến mấy nghìn người của Thạch phảng đầu rơi xuống đất, tôi dựa dẫm vào người hành sự cẩn trọng như công chúa, há chẳng phải càng ổn thỏa hơn sao? Chỉ cần làm việc đến nơi đến chốn, về sau cùng lắm cũng là từ thịnh chuyển thành suy, chẳng lẽ còn tệ hơn cả bây giờ? Cửu gia rốt cuộc nghĩ gì? Chẳng lẽ vẻ sầu não mơ hồ trên mặt Cửu gia không phải vì Thạch phảng?
Nghe tiếng mở cửa, tôi vẫn ngồi bất động, ngây người ra nhìn chằm chằm vào bản Tôn Tử Binh Pháp đang chép dở.
Lý Nghiên đặt một bầu rượu trước mặt tôi:
Phường chủ định nhốt mình trong nhà đến bao giờ?
Tôi đặt bút lông xuống nhìn nàng hỏi:
Là Hồng cô bảo cô đến à?
Lý Nghiên cứu mặt rót rượu:
Kể cả bà ấy không bảo ta đến, ta cũng sẽ tự đến để hỏi rõ ngọn ngành. Phường chủ sắp xếp huynh muội ta ở đây, chắc không phải để chúng ta ăn không ngồi rồi chứ?
Nói xong, nàng ta nâng chén rượu đưa tôi,
Uống một ít không? Thứ này có thể khiến cô phần nào quên đi khổ não.
Tôi đẩy chén rượu về phía nàng:
Chỉ là cảm giác tê liệt tạm thời thôi, tỉnh rượu rồi thì mọi thứ vẫn tiếp tục.
Lý Nghiên lắc đầu, cười nhẹ rồi cầm chén rượu lên uống cạn:
Phường chủ không hiểu hết cái hay của rượu, nó khiến người ta không còn là chính mình nữa, khiến cho mọi gánh nặng trong lòng đều biến mất, người nhẹ như bay, tuy chỉ là tạm thời, nhưng vẫn tốt hơn không có gì.
Tôi không phản bác, chỉ cầm chén trà lên nhấp một ngụm. Lý Nghiên vừa uống rượu vừa hỏi:
Phường chủ định thế nào?
Tôi nâng chén trà, thất thần một lúc, lắc đầu:
Ta không biết. Ta vốn muốn giúp Thạch phảng xoay chuyển cục diện suy yếu từng ngày, nhưng đột nhiên phát hiện ra chẳng có ai muốn ta làm thế cả, chỉ có mình mình tự tác đa tình. Lý Nghiên, có phải ta làm sai rồi không?
Kim Ngọc, lời ngu xuẩn thế này mà cô cũng nói được à? Đời người làm gì cũng giống như chèo thuyền ngược dòng, lấy đâu ra sự bình ổn, càng không cho phải cô dẫm châm tại chỗ, nếu không ra sức khua mái chèo thì chỉ có thể bị dòng nước chảy xiết đẩy ngược lại thôi. Cho dù Lạc Ngọc phường chỉ muốn giữ cho việc làm ăn vừa vừa phải phải, liệu có giữ được không? Thiên Hương phường lúc nào chẳng ép người, đằng sau ắt hẳn có thế lực quan gia, không ít phường hát của Thạch phảng đã bị bọn chúng bóp chết rồi mua lại, cô cam tâm một ngày nào đó phải khuất phục dưới chân bọn chúng không?
Tôi nở một nụ cười ý vị sâu xa:
Cô tới thành Trường An chưa được bao lâu mà cũng biết nhiều chuyện gớm.
Sắc mặt Lý Nghiên biến đổi bất định, đột nhiên nắm lấy tay tôi, nhìn tôi chăm chú nói khẽ:
Chúng ta là người hiểu biết, không nói chuyện vòng vo nữa, từ lúc ta đoán được ý đồ trong vở ca múa của cô, chắc cô cũng đã hiểu điều ta muốn, ta cần cô giúp một tay.
Tuy tôi không rút tay lại nhưng cũng không trả lời nàng ta, chỉ khẽ cười nói:
Dù không có ta, với trí tuệ và sắc đẹp của cô, cô cũng thừa sức giành được thứ mình muốn.
Lý Nghiên nhìn tôi một hồi, cười nhạt buông tay tôi ra, ngẩng cổ nốc thêm 1 chén rượu nữa. Hai má nàng hơi ửng sắc rượu, rạng rỡ như cánh hoa đào, thật sự diễm lệ vô song. Đôi mắt nàng tựa như nước hồ thu, không gợn sóng lăn tăn như hôm trước, mà phẳng lặng tĩnh mịnh. Vẻ đẹp tựa hoa, dung mạo khuynh quốc, nhưng gương mặt ấy lại đượm nét u sầu.
Giọng nói mềm mại của Phương Như vọng vào:
Ngọc nương, muội có thể vào không?
Ngữ khí như trưng cầu ý kiến nhưng hành động thì không hề có ý đó, vừa hỏi xong, đã đẩy cửa đi vào.
Tôi thở dài:
Hồng cô còn mời mấy vị thuyết khách nữa?
Chẳng ngờ Hồng cô cũng ở bên ngoài, cười đáp:
Đến khi nào muội phiền đến mức không thể ở trong phòng được nữa thì thôi.
Tôi nói:
Tỷ vào đây, thôi thì cả bọn cùng ngồi xuống nói cho rõ ràng.
Lúc Phương Như vừa bước vào phòng, Lý Nghiên đã cài mạng che mặt lên, cúi đầu lặng lẽ ngồi ở góc bàn. Phương Như và Hồng cô sánh vai ngồi đối diện với tôi. Tôi vừa thu xếp mấy cuốn sách thẻ tre trên bàn vừa nói:
Hồng cô, Ngô gia chắc đã nói với tỷ, Thạch phảng không cần chúng ta nữa rồi.
Hồng cô cười nói hì hì:
Không biết ta nói thế này, muội có giận không, dù sao thì mấy lời này ta cũng không dám nói trước mặt Ngô gia. Lần này, Thạch phảng đã buông bỏ hết những phường ca vũ do Ngô gia nắm trong tay, nói là vì muốn tập trung tiền kinh doanh thảo dược gì đó, chỉ cần có thể giao đủ tiền trong một khoảng thời gian nhất định là có thể tự kinh doanh, cũng cho phép người ngoài mua lại, nhưng sẽ ưu đãi cho người trong Thạch phảng. Ngô gia hôm nay trông thảm hại cứ như vừa khuynh gia bại sản, cả ngày chỉ ngồi trong nhà. Nhưng ta nghe được tin này lại rất vui! Không bị Thạch phảng buộc tay buộc chân, chúng ta không phải thích làm gì thì làm sao?
Buông bỏ toàn bộ rồi? Tôi cúi đầu nhìn xuống mặt bàn không nói gì, Hồng cô đợi một hồi, thấy tôi không có động tĩnh, bèn kéo lấy tay hỏi:
Ngọc nương, muội làm sao vậy?
Tôi giật mình, vội lắc đầu, nghĩ ngợi giây lát rồi nói:
Mọi người muốn đi theo muội, muội rất cảm kích, nhưng mọi người đã nghĩ xem muội sẽ đưa mọi người về đâu chưa? Phía trước là gì? Cứ lấy vở ca vũ này ra mà nói, sơ sẩy một chút là chọc giận oai trời, tai họa không phải tầm thường đâu.
Hồng cô lắc đầu cười:
Ta đã trù tính kỹ lưỡng chuyện này rồi, giả sử có họa, có bị chặt đầu thì người đầu tiên sẽ là muội, bọn ta cùng lắm chỉ bị coi là lũ tòng phạm nhất thời hồ đồ thôi, nhưng nếu có vinh hoa phú quý, muội cũng không thể bỏ rơi bọn ta được. Huống hồ ta nhìn muội không phải người điên mà cũng chẳng phải kẻ ngốc, chắc không đem đầu mình ra đặt trước lưỡi đao, cho nên ta hết sức an tâm.
Phương Như cúi đầu, mân mê chiếc khăn lụa trên tay, chờ Hồng cô nói dứt lời, mới ngẩng đầu nhìn tôi, thấp giọng nhẹ nhàng nói:
Hôm nay Tôn đại nhân muốn muội hầu rượu, nhưng muội không muốn nên từ chối. Tuy hắn có vẻ rất tức giận nhưng lại không dám làm gì, vì hắn biết bộ hạ của Vệ đại tướng quân là Công Tôn Ngao tướng quân, Hoắc tướng quân, cháu trai của hoàng hậu nương ngương và Vệ đại tướng quân, cháu trai của Ngự sử đại phu Lý đại nhân, Lý Tam Lang con trai của Lý Quảng tướng quân, đều đã xem kịch hát của chúng ta, Lý Tam Lang ban thưởng cho muội tơ lụa, Hoắc đại nhân thưởng cho vải gấm.
Tôi lắc đầu cười, nhìn Hồng cô. Bà cũng cười nói:
Muội cả ngày giam mình trong nhà đọc sách, ta làm gì có cơ hội kể cho muội mấy chuyện này.
Phương Như nói tiếp:
Tiền đồ như thế nào muội không biết, nhưng muội biết nếu không có tỷ, muội không có tư cách nói với Tôn đại nhân một tiếng
không
kia. Ngay cả với cô nương khác trong nhà, không muốn gặp ai thì không gặp, ngày xưa phải miễn cưỡng bản thân vì đồng tiền, nhưng bây giờ biểu diễn một ngày, dù chỉ diễn nô tỳ cũng kiếm được không ít, thêm nữa, hồi trước không dám đắc tội với khách hàng, nhưng bây giờ, đám khách ấy hiểu rất rõ phường ta đã có những ai đến, Hồng cô lại rất bảo vệ bọn muội, thành ra bây giờ chính là bọn họ không dám tùy tiện đắc tội với Lạc Ngọc phường.
Hồng cô nghe Phương Như ca tụng mình, không ngờ lại hơi ngại ngùng, vội tự rót trà cho mình, tránh ánh mắt của chúng tôi. Tôi cười nói:
Mấy ngày ngắn ngủi, tỷ làm được không ít việc nha!
Hồng cô cúi đầu uống trà, tựa hồ không nghe thấy lời tôi vừa nói.
Lý Nghiên vẫn cúi đầu ngồi yên, dường như không nghe thấy chúng tôi nói chuyện. Tôi liếc mắt nhìn nàng, vẫy tay nói:
Vậy chúng ta tiếp tục, chỉ cần ngày nào ta chưa rời Trường An, chúng ta gắng sức kiếm tiền ngày ấy.
Hồng cô ngẩng đầu nói:
Phải làm ăn lớn, trước mắt là một cơ hội cực kỳ tốt. Từ lúc muội tiếp quản phường hát đến nay, thu nhập của chúng ta tăng lên từng ngày, cộng thêm tích lũy của ta mấy năm nay, giờ vừa đủ để mua lại Lạc Ngọc phường. Tuy nhiên, không phải phường hát nào cũng được như chúng ta, có thể kịp thời gom góp một khoản tiền lớn, chúng ta chỉ cần có tiền là có thể thừa cơ…
Tôi khẽ gật đầu, ra hiệu đã hiểu, nhưng miệng lại ngắt lời bà:
Nếu không còn chuyện gì nữa thì về nghỉ thôi! Mấy hôm này tôi toàn ở trong nhà ngột ngạt quá rồi, muốn ra ngoài đi bộ một lúc.
Phương Như cúi đầu hành lễ rồi đi ra đầu tiên, Hồng cô cũng theo sau.
Tôi đứng dậy quay sang Lý Nghiên làm động tác mời:
Không biết mỹ nhân có muốn cùng tại hạ thưởng thức phong cảnh không?
Lý Nghiên tao nhã đáp lễ:
Nhã ý khó từ chối, xin sẵn lòng.
Hai người trong mắt đều ẩn ý cười, sóng vai cùng đi.
Lý Nghiên hỏi:
Tối nay cô có định qua bên Thạch phảng không?
Tôi thở dài không đáp.
Lý Nghiên nói:
Chủ nhân Thạch phảng thật là kỳ quái, đang êm đềm tốt đẹp sao không tiếp tục kinh doanh phường ca múa ít mạo hiểm lại đi kinh doanh thứ giá cả dao động lớn như dược liệu? Bỏ việc dễ cầu việc khó, nếu cô vẫn còn quan tâm đến Thạch phảng thì nên qua đấy hỏi rõ ràng.
Tôi cười trừ lảng sang chủ đề khác, nói chuyện với nàng về những chỗ có thể đi chơi ở ngoại thành Trường An trong thời tiết này, bàn xem chúng tôi có nên đi chơi một chuyến không.
Bên hồ cành liễu xanh tươi um tùm rũ xuống, mấy tỳ nữ đang ngồi đấy đùa vui, một người tiện tay vớ lấy một cành liễu, bẻ thành mấy phần rồi cầm khuấy nước vui đùa.
Trong mắt Lý Nghiên thoáng hiện lên vẻ không vui, nàng chau mày liếc mắt sang hướng khác, nói với tôi:
Ta về trước đây.
Tôi gật đầu, nàng xoay người nhanh chóng bỏ đi. Nhìn thần sắc của nàng, tôi có chút động lòng, hình như vừa nhớ ra điều gì nhưng không kịp nắm bắt, chỉ đành gác lại.
Mấy tỳ nữ thấy tôi đều giật mình, vội vàng ném cành liễu xuống rồi hành lễ. Tôi không nói gì cả, đi tới nhặt mấy cành liễu lên, nhìn họ hỏi:
Cành liễu này nếu cắm xuống đất còn sống được không?
Mấy người đưa mắt nhìn nhau, môt người lớn tuổi đáp:
Giờ đã qua mùa trồng liễu rồi ạ, chỉ sợ không sống được.
Tôi nói:
Mang cho người làm vườn trồng thử xem sao! Chăm sóc cẩn thận có khi vẫn sống được một hai cây.
Tỳ nữ nghi hoặc nhận lấy, tôi ôn hòa nói:
Nếu vì muốn ngắm hoa mà hái hoa mang vào cắm trong nhà, hoặc cài lên tóc, hoa cũng không trách người. Nếu để dùng, lấy cành liễu đem đan thành rỗ, tận hết công dụng, liễu cũng nguyện làm. Nhưng nếu chỉ bẻ cành hái hoa rồi ném đi, thì tốt nhất là đừng đụng vào.
Mấy tỳ nữa hoàn toàn không hiểu tôi nói gì, nhưng ít nhất cũng biết tôi không hài lòng khi thấy bọn họ tùy tiện bẻ cành, sắc mặt đều có chút sợ hãi. Tôi đành xua tay bảo cả bọn họ đi đi, mấy người liền vội vã tản đi. Bọn họ sinh ra và lớn lên ở Trung Nguyên đất đai phì nhiêu, căn bản không hiểu sắc xanh của lá cây quý báu nhường nào.
Tôi nghĩ đến cha, nghĩ về màu vàng mênh mang của Tây Vực, cố kìm nén những dòng cảm xúc, trong lòng vẫn có chút trống trải, cứ đứng ngây ra bên bờ hồ nhìn liễu rũ phía bờ bên kia. Họ không hiểu, họ không hiểu? Lý Nghiên tức giận, Lý Nghiên hiểu? Lý Nghiên tuyệt không phải loại người rớt lệ vì hoa rơi. Lại nghĩ đến chuyện từ lúc Lý Nghiên xuất hiện, trong thâm tâm tôi đối với nàng vẫn còn nhiều nghi hoặc chưa giải thích được, chợt giật mình, tự nhiên nghĩ đến có thể liên quan đến thân phận của Lý Nghiên, tôi
a
lên một tiếng.
Không ngờ từ sau lưng cũng có một tiếng vọng tới, tôi lập tức xoay người gấp quá tôi suýt nữa lao vào ngực hắn, vội vàng nhảy lùi lại theo bản năng, nào ngờ nhảy rồi mới nhớ ra sau lưng là hồ nước, muốn xoay một vòng lại, nhưng không có chỗ nào để phát lực.
Hoắc Khứ Bệnh vội với tay ra định kéo tôi lại, nhưng tôi nhanh nhẹn đâm ra lại bị nhanh nhẹn hại, đã nhảy ra quá xa, tay hai người còn chưa chạm nhau thì tôi đã rơi tõm xuống hồ.
Tôi học bơi với Lang huynh, chắc có thể gọi là
bơi sói
. Động tác bơi lội này trái hẳn với những từ ngữ kiểu như mỹ lệ thanh nhã, đẹp tựa du long, lướt như cánh hồng. Thấy tôi bơi vào bờ, Hoắc Khứ Bệnh phá lên cười, về sau hắn còn ôm lấy bụng mà cười, suýt chút nữa ngã lăn ra đất:
Nàng đúng là được sói nuôi dưỡng, tư thế kia, tư thế kia, ha ha ha … chỉ thiếu mỗi há mồm và thè lưỡi ra nữa thôi…
Lời hắn nói hoàn toàn chìm lấp trong tiếng cười.
Tôi tức thấu tim, ruột gan sôi sùng sục, hai tay lần lượt quạt nước, miệng há ra, học theo điệu bộ lè lè lưỡi của sói, cho ngươi cười chết đi! Hắn hét ầm lên, lấy tay che mắt, ngồi thụp xuống đất cúi đầu cười rũ rượi.
Tôi bơi đến sát bờ, hắn giơ tay ra định kéo lên. Tôi định mặc kệ hắn, nhưng rồi lại đổi ý giơ tay ra giữ chặt tay hắn, hắn vừa định dùng sức, thì tôi đã lấy hết hơi hết sức kéo mạnh một cái, đoạn nín thở chìm xuống đáy nước.
Không ngờ hắn chẳng hề phản kháng, bàn tay chỉ hơi bóp chặt một chút, rồi cứ để tôi kéo rơi xuống hồ. Tôi đã được thỏa cơn tức, muốn bỏ tay hắn ra, nhưng hắn cứ nắm chặt không buông. Chúng tôi nhìn nhau qua làn nước xanh biếc dưới đáy hồ, sóng nước bập bềnh, mái tóc đen của hắn xõa ra trong nước, càng làm cho nét cười trên gương mặt thêm phóng túng.
Tôi đạp mạnh hai chân, nổi lên mặt nước, hắn nắm tay tôi cũng nổi theo. Lúc đến bờ hồ, hắn vẫn không có ý buông tay ra, tôi với ngón cái tay kia định điểm vào huyệt tên trên khuỷu tay hắn, nhưng hắn nhanh tay chặn lại được, lật tay tiện thể nắm nốt tay kia. Tôi nhoẻn miệng cười tươi, đột nhiên lại nắm lấy cả hai tay hắn, mượn sức hai cánh tay, tung chân đá vào háng hắn. Hoắc Khứ Bệnh thấy nụ cười của tôi có vẻ kỳ dị, liếc liếc mắt xuống dưới, vội hét lên rồi đẩy tôi ra:
Sao nữ nhân mà tâm địa độc ác vậy? Nếu bị đá trúng, không phải đời ta xong rồi sao?
Tôi vịn tay vào bờ rồi lấy đà nhảy lên. Đang giữa tháng Năm nên y phục của tôi vốn khá mỏng manh, lại bị nước ngấm bó chặt vào người. Nghe tiếng hắn ở dưới nước tặc lưỡi cười cười mấy tiếng. Tôi không dám ngoảnh lại, cắm đầu chạy như bay về phòng.
Tôi vội vội vàng vàng trở về phòng, vừa thay đồ vừa dặn dò tỳ nữ Tâm Nghiên ở bên ngoài:
Báo với mọi người trong nhà, chốc nữa tùy tùng của Hoắc đại nhân có đòi quần áo sạch thì cấm ai được đưa, nói là ta bảo thế, y phục nam nhân vừa khéo đếm đem đi giặt hết rồi, y phục nữ nhân thì không thiếu, có thể đưa đại nhân hai bộ.
Tâm Nghiêm nghi hoặc vâng một tiếng rồi chạy đi. Tôi ngồi trước gương vừa chải lại tóc ướt, vừa dẩu môi lên cười, dám cười nhạo ta ở địa bàn của ta, để xem rốt cuộc là kẻ nào mới bị cười nhạo.
Lúc ăn cơm, Hồng cô nhìn tôi nói:
Hoắc đại thiếu gia hôm nay lạnh lùng bước vào đây, xem ca múa được một lúc thì biến mất. Lát sau, tùy tùng của hắn hỏi ta trong nhà có quần áo sạch không, nhưng muội đã dặn từ trước, nên bọn ta rất khó xử, chỉ sợ Hoắc đại thiếu gia tức giận quá gây chuyện, thành Trường An ai cũng biết đắc tội Vệ đại tướng quân thì không sao, nhưng đắc tội Hoắc đại thiếu gia chỉ e phải tự đi mà chuẩn bị hậu sự.
Tôi cười, gắp cho Hồng cô miếng rau:
Thế rốt cuộc tỷ có cho hắn quần áo không?
Hồng cô khổ sở đáp:
Không, nhưng sém chút nữa ta đau tim mà chết mất. Bà cô trẻ của ta ơi, hai người muốn chơi thế nào cũng được, nhưng đừng có lôi đám nhãi nhép như bọn ta vào, nữ nhân bị dọa thế này, già nhanh lắm.
Tôi nhịn cười hỏi:
Thế bọn tỷ có thấy Hoắc đại nhân không?
Hồng cô đáp:
Không, về sau hắn sai người đánh xe ngựa đến trước cửa phòng, lệnh cho tất cả mọi người tránh đi, rồi cứ thế đi về. Chỉ là… chỉ là…
Tôi vội hỏi:
Chỉ là làm sao?
Hồng cô bật cười:
Chỉ là.. chỉ là Hoặc đại thiếu gia đi đến đâu là chỗ đấy như thể có mưa rơi đến đó, trong phòng hắn ngồi, cả cái chiếu đều ướt sủng.
Tôi buông đũa xuống, một tay chống trên bàn, một tay ôm bụng cười phá lên.
Từ khi đương kim hoàng thượng độc tôn Nho thuật, yêu cầu đối với
Lễ
mà cả đời Khổng Tử luôn đề cao cũng không phải tầm thường, có câu
Đức tòng lễ xuất, y quan vi bản
[1], mũ áo chính là yêu cầu cơ bản nhất của
Lễ trị
. Thành Trường An từ thiên tử đến thứ dân đều hết sức coi trọng việc ăn mặc áo mũ, mà Hoắc Khứ Bệnh còn đội mũ ngọc búi tóc, áo xống chỉnh tề, khí độ bất phàm. Lần này đúng là làm hắn đau đầu rồi, nếu không may bị đám người quyền quý ở Trường An bắt gặp, e rằng hắn sẽ trở thánh chuyện cười trên triều mất.
[1] Đạo đức từ lễ nghĩa mà ra, lấy mũ áo làm gốc.
Trước mắt tôi thoáng lướt qua ánh mắt không e dè của hắn, chợt cảm thấy có khi mình đã nhầm. Hắn có để tâm không? Chắc là không, hắn không phải là loại người bị ràng buộc trong áo xống, tránh được thì tránh, nhưng giả dụ bị người khác bắt gặp thật, chỉ sợ một là hắn cứ trưng cái bản mặt lạnh lùng ra, hờ hững nhìn đối phương như không có chuyện gì, làm đối phương lại đâm ra nghi ngờ chính bản thân mình, không biết có phải mình mặc nhầm đồ rồi, thành Trường An bây giờ đang thịnh hành kiểu
quần áo ướt hay không
, hai là hắn chỉ cười khẩy, khiến đối phương cũng cho rằng chuyện này chẳng to tát gì.
Gió vù vù bên tai, từ ngày đến Trường An, đây là lần đầu tiên tôi chạy hết tốc lực trong màn đêm, cảm giác vui sướng dễ chịu khiến tôi suýt nữa thì không kiềm chế được định vươn tai hú một tiếng dài.
Lúc đến Thạch phủ, tôi dừng lại quan sát tường bao một lát rồi, quăng dây móc, mượn lực đu người lên. Tôi còn chưa chạm chân xuống đất đã có hai người từ hai bên trái phải công tới. Tôi không muốn đánh trả làm họ bị thương nên hết sức né tránh, nhưng hai người kia thân thủ không kém, lập tức dồn tôi về phía góc tường.
Thường ngày ở trong phủ chưa bao giờ thấy Thạch phủ đề phòng nghiêm ngặt, lúc này mới biết hóa ra ngoài lỏng trong chặt. Tôi đảo mắt, thấy hình như là Thạch bá đứng trong bóng tối, vội kêu lên:
Thạch bá, là Ngọc nhi ạ.
Thạch bá nói:
Các ngươi lui đi.
Hai người kia nghe vậy lập tức dừng tay lui vào trong bóng đêm. Thạch bá lom khom đi lại chỗ tôi:
Cổng chính rộng rãi đàng hoàng không đi, không dưng sao lại giả làm phi tặc?
Tôi kéo khăn che mặt xuống, dẩu môi không nói gì. Thạch bá nhìn tôi cười lớn, rồi vừa xoay người rời đi vừa nói:
Ai dà! Chẳng hiểu bọn trẻ mấy đứa nghĩ gì nữa, Cửu gia chắc vẫn chưa nghỉ đâu, cháu vào đi!
Tôi hầm hừ nói:
Ai bảo cháu đến tìm Cửu gia, mấy ngày rồi chưa gặp Thạch bá, cháu đến thăm Thạch bá mà!
Thạch bá chẳng màng quay đầu lại, chỉ cười ha hả:
Ta già rồi, phải đi nghỉ sớm một chút, không thức được đâu, lần sau đến thăm ta thì đến sớm một chút, lần này để Cửu gia thay ta tiếp khách đi!
Nói xong người đã đi xa.
Tôi đứng ngẩn ra tại chỗ, cắn môi, rồi co chân chạy như bay.
Tiếng sáo len lỏi trong rừng trúc, trăng lạnh gió mát, lá trúc lao xao, tôi chợt thất hơi lạnh, vội rảo nhanh bước chân.
Cửa sổ căn nhà trúc nhỏ có rèm che, ngọn đèn nhỏ như hạt đậu, ánh lửa leo lét, bóng Cửu gia hiện lên cửa sổ, tựa hồ cũng đượm vẻ tịch mịch như đêm. Tôi ngồi ở bờ tường nghe hết khúc nhạc mới lẳng lặng tuột xuống đất, đứng một lúc lâu, Cửu gia vẫn ngồi yên bất động.
Tôi đứng ngoài cửa sổ, vừa khéo tựa vào bóng hình Cửu gia, tôi nhấc tay rồi hạ xuống, hạ xuống lại nhấc lên, rốt cuộc đầu ngón tay cũng nhẹ nhàng chạm vào mặt Cửu gia.
Đây là lông mi, đây là mắt, đây là mũi, còn đây là… là môi, đầu ngón tay tôi vừa chạm vào, trong lòng đã run lên, vội vã nhích ra. Lòng bàn tay nhẹ nhàng lướt qua hai hàng lông mày của Cửu gia, tuy không nhìn thấy nhưng tôi biết nơi này có một tầng sương khói bao phủ, liệu tôi có thể làm gió xua tan lớp sương khói này không? Ngươi là bóng hình của Cửu gia, hẳn ngươi phải biết tâm sự của huynh ấy, vì sao sắc mặt Cửu gia lại không vui vẻ? Nói cho ta biết đi!
Cửa sổ đột nhiên bật mở, gương mặt Cửu gia xuất hiện ngay trước mặt tôi, tay tôi vẫn đang vươn ra trong không trung, rất gần rất gần mặt Cửu gia, gần đến mức dường như có thể cảm nhận được nhiệt độ cơ thể Cửu gia, nhưng rốt cuộc tôi vẫn chưa chạm được vào gương mặt ấy.
Trong lòng tôi không biết là cảm giác gì, tiếc nuối hay vui mừng? Tôi nhìn Cửu gia ngây ngô cười, rút tay giấu ra sau lưng.
Cửu gia cũng mỉm cười dịu dàng:
Đến đây lâu chưa?
Tôi nói:
Mới đến.
Cửu gia nói:
Bên ngoài sương xuống, nếu không vội đi thì vào nhà ngồi một lát.
Tôi gật đầu rồi đi vào, Cửu gia khép cửa sổ lại, đẩy xe lăn về phía bàn, tiện tay đặt sáo ngọc xuống.
Tôi cúi đầu nhìn chằm chằm vào ngọn đèn dầu trên bàn, bấc đèn đã đóng lại thành một khối đỏ như đậu đỏ, lép bép nổ thành tiếng, tôi gỡ ngân trâm cài đầu xuống chỉnh lại bấc đèn, muội đèn vừa rơi xuống, ánh đèn liền sáng hẳn lên.
Tôi vừa cài lại ngân trâm vừa hỏi:
Sao không thắp nến, lại đốt đèn dầu như dân thường thế?
Cửu gia nhìn chăm chú vào ngọn đèn dầu đáp:
Người xưa hay nói ‘đăng hỏa bạo, hỉ sự đáo’[2], ta muốn thử xem có đúng không
[2] Ý nói nếu đốt đèn nổ càng to thì sẽ có chuyện vui đến
Tim tôi đột nhiên đập mạnh, nhưng vẫn làm bộ như không có việc gì, hỏi:
Thế có đúng hay không?
Khóe miệng Cửu gia từ từ nhếch lên tạo thành một đường cong đẹp mắt, y không trả lời câu hỏi của tôi, chỉ cười nhẹ nói:
Còn nghe nói đèn dầu có thể phát hiện ra quỷ, dễ có quỷ đến ánh đèn sẽ biến thành màu xanh, lúc nãy chình vì thấy đèn biến thành màu xanh nên ta mới mở cửa sổ xem, muội đứng bên ngoài có cảm thấy bên cạnh có gì không?
Tôi che miệng cười khúc khích:
Nghe nói ma quỷ rất ưa thích những nam nhân tuấn tú, luôn muốn hấp thụ dương khí của họ, có khi huynh mới là người phải cẩn thận đấy.
Cửu gia nói:
Ta thấy muội đúng là không sợ trời không sợ đất, trên đời này muội có e ngại thứ gì không?
Tôi suýt nữa buột miệng nói:
Huynh!
Nhưng tôi không dám, cũng không muốn phá hoại không khí vui vẻ dưới ánh đèn này.
Tôi đảo mắt một vòng rồi cười hỏi:
Cửu gia, nghe Tiểu Phong nói huynh còn biết xem bệnh? Thế về sau bọn muội bị bệnh, chẳng phải có thể tiết kiệm tiền mời đại phu rồi ư?
Cửu gia cười khẽ nói:
Bệnh lâu ngày nên tự học cách chữa thôi, hồi nhỏ các đại phu giỏi nhất thiên hạ cứ ra ra vào vào trong phủ, có người còn ở lại cả năm trời, ta nghe nhiều đâm ra cũng biết.
Tuy Cửu gia cười, nhưng tôi nghe lại cảm thấy hơi buồn buồn, bèn nghiêng đầu nhìn ra phía cửa sổ. Nếu lúc này có người ở bên ngoài nhìn vào, hẳn sẽ thấy hai cái bóng tựa kề nhau hắt lên cửa sổ, đêm đen lạnh vắng không thể ảnh hưởng đến bọn chúng.
Cửu gia hỏi:
Muội đang cười gì?
Tôi đáp:
Vui thì cười thôi, cần nguyên nhân sao?
Cửu gia cũng bật cười khe khẽ.
Huynh cười cái gì?
Tôi hỏi.
Cửu gia mỉm cười đáp:
Cảm thấy vui thì cười thôi, không cần nguyên nhân.
Hai người ngồi yên lặng, tôi cầm cây sáo ngọc trên bàn nghịch ngợm, vô ý đưa lên môi thổi nhẹ mấy điệu vu vơ, chợt y lộ vẻ kỳ quái, xoay mặt nhìn sang phía khác. Tôi hơi hoang mang một lúc, sau mới hiểu ra, sáo ngọc trơn bóng này tựa như vẫn còn phảng phất hơi ấm trên môi Cửu gia ban nãy, cảm giác hoảng hốt pha lẫn chút thích thú, tôi đặt cây sáo lên bàn.
Thoáng sau, Cửu gia quay đầu lại, bình thản nói:
Khuya rồi, về phòng nghỉ ngơi đi!
Tôi hỏi:
Huynh còn cho muội ở đây?
Cửu gia nói:
Phòng đó vốn để trống, cứ để dành cho muội cũng không sao, chỉ là giờ muội bận việc làm ăn, đi đi về về nhiều lúc không tiện.
Tôi nghĩ kỹ rồi hỏi:
Vì sao huynh muốn bỏ các phường hát ở Trường An? Nếu muội nghĩ cách mua lại những phường hát huynh bỏ rơi ấy, huynh có phản đối không?
Cửu gia điềm đạm đáp:
Muội muốn làm ăn thế nào là chuyện của muội, trả đủ tiền thì hai bên không còn liên quan gì cả, chúng ta ai làm việc nấy.
Tôi buồn bực nhìn Cửu gia, huynh càng muốn vạch rõ quan hệ thì muội càng muốn nhập nhằng:
Muội không có tiền, huynh cho muội vay đi.
Cửu gia chỉ mỉm cười nói:
Ta chỉ có thể cho muội đủ tiền mua lại Lạc Ngọc phường thôi, những nơi khác muội đã không có tiền mua, chi bằng cứ an phận kinh doanh Lạc Ngọc phường cho tốt đã.
Tôi mở to mắt nhìn Cửu gia, trong lòng đầy uất ức:
Cửu gia!
Cửu gia thu lại nụ cười, nhìn tôi chằm chằm rồi chậm rãi nói:
Ngọc nhi, nước ở thành Trường An này sâu lắm, ta không còn cách nào khác mới buộc phải lặn ngụp trong đầm nước đục này, nhưng muội thì có thể sống yên ổn, nếu muốn làm ăn, cứ làm cho tốt Lạc Ngọc phường là đủ rồi.
Tôi dẩu môi nói:
Nào có dễ dàng như vậy? Muội không phạm đến người ta, người ta sẽ phạm đến muội! Thiên Hương phường có thể buông tha Lạc Ngọc phường sao?
Cửu gia lại cười nói:
Muội yên tâm, ta có cách khiến chúng không làm gì được muội.
Hóa ra huynh vẫn muốn giúp muội, tôi nhoẻn miêng cười nói:
Cửu gia, muội không muốn làm cây leo. Cây leo phải bám vào cây cao mà sống, cây cao có thể chắn gió che mưa cho dây leo, nhưng cây cao cũng có ngày mệt mỏi chứ? Hoặc có ngày mưa to gió mạnh, nó cũng cần giúp sức, nhưng dây leo chỉ có thể trơ mắt ra nhìn, chẳng thể làm gì được. Muội không muốn dựa vào cây cao để sống, muội cũng muốn trở thành cây cao, có thể chắn mưa đỡ gió giúp cây cao bên cạnh mình, cùng hưởng ánh dương, cùng ngắm cầu vồng rực rỡ sau cơn mưa gió.
Nói ra một mạch những tâm sự trong lòng, tôi đâm ngượng đỏ mặt. Cửu gia kinh ngạc nhìn tôi, đủ loại cảm xúc phức tạp thoáng qua trong mắt. Tim tôi đập thình thịch, đầu cúi gằm, cánh tay ở dưới bàn cứ loay hoay vung vẩy ống tay áo.
Cửu gia trầm mặc thật lâu rồi thong thả buông từng chữ:
Ngọc nhi, cứ làm theo tâm ý của mình đi!
Tôi ngẩng đầu vui sướng nhìn Cửu gia, Cửu gia cười cười, giọng nói pha chút trêu cợt:
Nhưng ta chỉ cho muội mượn đủ tiền mua Lạc Ngọc phường thôi. Muội đã muốn làm cây cao thì phải dựa vào bản thân đấu với mưa gió chứ.
Tôi bĩu môi cười:
Không cho mượn tiền thì thôi, chẳng lẽ muội lại không có cách nào khác ư?
Cửu gia gật đầu cười nói:
Ta sẽ rửa mắt đợi xem.
Sao huynh muốn chuyển sang kinh doanh dược liệu?
Tôi cười hỏi.
Chừng như sực nhớ tới điều gì, nụ cười trên gương mặt Cửu gia thoáng vẻ chua chát, gượng gạo nói:
Chúng ta đã thỏa thuận làm ăn rõ ràng, sau này ai lo việc nấy, không liên can đến nhau.
Trái tim đang ấm áp của tôi tự nhiên cảm thấy hơi lạnh, tôi ngơ ngác nhìn Cửu gia, lẽ nào tôi vừa nói gì sai sao?
Cửu gia nhìn tôi, vẻ bất đắc dĩ:
Ngọc nhi, muội và ta không giống nhau, ta an bài như thế là muốn tốt cho muội, cũng muốn tốt cho phường hát.
Chúng ta không giống nhau chỗ nào?
Tôi vội hỏi.
Cửu gia nhìn tôi cười, nụ cười phảng phất nét cay đắng:
Về ngủ thôi! Ta mệt rồi.
Nhìn hai hàng mi Cửu gia nhuốm vẻ mệt mỏi, lòng tôi mềm nhũn, vội đứng lên:
Thế muội về đây.
Cửu gia gật đầu, vươn tay lấy một ngọn đèn hình cá chép bằng sứ, lại lấy thêm một cây nến gắn vào thắp lên, đưa cho tôi. Tôi chào từ biệt y, rồi cầm đèn quay về phòng mình.