Cậu không phải trung tâm của thế giới


Số từ: 1194
Dịch: Nguyễn Thanh Vân
Nguồn text: sachvui.com
Nhà xuất bản Lao Động
Triết gia: Hãy suy nghĩ tuần tự nhé. Trước hết, là một thành viên của cộng đồng, chúng ta thuộc về cộng đồng, cảm nhận được rằng mình có chỗ đứng trong cộng đồng, nhận thức được "mình có thể ở đây", cũng có nghĩa là có cảm giác thuộc về một nơi nào đó. Đây chính là nhu cầu cơ bản của con người.
Chẳng hạn, học hành, công việc, bạn bè rồi yêu đương, kết hôn cũng đều gắn với việc tìm kiếm một nơi đem lại cảm giác "mình có thể ở đây". Cậu có nghĩ vậy không?
Chàng thanh niên: Vâng, đúng vậy, đúng là như vậy! Tôi hoàn toàn đồng cảm!
Triết gia: Và nhân vật chính của cuộc đời mình chính là "mình". Nhận thức này không có vấn đề gì cả. Nhưng thế không có nghĩa là "mình" đang ngự trị tại trung tâm của thế giới. "Mình" tuy là nhân vật chính trong cuộc đời mình, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một thành viên của cộng đồng, một phần của tổng thể.
Chàng thanh niên: Một phần của tổng thể?
Triết gia: Người chỉ quan tâm đến bản thân mình thường cho rằng mình ở trung tâm thế giới. Đối với họ, những người khác chỉ là "người sẽ làm gì đó cho mình", thậm chí họ không tự giác mà nghĩ rằng: "Tất cả đều tồn tại để phục vụ mình, phải ưu tiên cho cảm xúc của mình."
Chàng thanh niên: Cứ như là hoàng tử hay công chúa vậy.
Triết gia: Vâng. Chính xác là thế. Họ đã đi quá giới hạn "nhân vật chính của cuộc đời mình" mà muốn trở thành "nhân vật chính của thế giới". Vì thế, khi tiếp xúc với người khác, họ chỉ toàn nghĩ: "Người này sẽ làm được gì cho mình?" Nhưng - có lẽ đây là điểm khác với công chúa hoặc hoàng tử - mong muốn đó không phải lần nào cũng được đáp ứng. Vì "người khác không sống để đáp ứng mong đợi của mình".
Chàng thanh niên: Đúng vậy.
Triết gia: Thế là khi không được đáp ứng mong đợi, họ sẽ vô cùng thất vọng, cảm thấy bị sỉ nhục kinh khủng, rồi oán giận rằng "người đó chẳng làm gì cho mình", "người đó đã phản bội lại kỳ vọng của mình", "người đó không phải là bạn nữa mà là kẻ thù". Người tin rằng mình là trung tâm của thế giới thì chẳng mấy chốc sẽ chịu hậu quả là mất "bạn".
Chàng thanh niên: Điều đó thật lạ. Chính thầy đã nói là "chúng ta đang sống trong một thế giới chủ quan" còn gì. Một khi thế giới còn là không gian chủ quan thì trung tâm của nó không phải ai khác ngoài mình. Điều đó thì tôi không thể nhường người khác được!
Triết gia: Có lẽ khi dùng từ "thế giới", cậu thường hình dung ra một thứ giống như bản đồ thế giới nhỉ?
Chàng thanh niên: Bản đồ thế giới? Nghĩa là sao?
Triết gia: Chẳng hạn, trên bản đồ thế giới được sử dụng ở Pháp, ngoài cùng bên trái là châu Mỹ còn ngoài cùng bên phải là châu Á. Tất nhiên, nằm giữa bản đồ là châu Âu, là Pháp. Trái lại, bản đồ được sử dụng ở Trung Quốc thì Trung Quốc nằm ờ giữa, châu Mỹ nằm ở ngoài cùng bên phải, châu Âu ở ngoài cùng bên trái. Có lẽ khi người Pháp xem bản đồ thế giới phiên bản Trung Quốc, sẽ cảm thấy khó chịu khó diễn tả bằng lời, giống như mình bị đẩy ra rìa vô cớ hay thế giới bị cắt rời tùy tiện.
Chàng thanh niên: Vâng, nhất định là vậy.
Triết gia: Nhưng, khi quan sát thế giới trên quả địa cầu thì sẽ thế nào? Nếu là quả địa cầu thì có thể coi Pháp là trung tâm, cũng có thể coi Trung Quốc là trung tâm, Brazil là trung tâm. Mọi nơi đều là trung tâm nhưng cũng chẳng nơi nào là trung tâm. Tùy thuộc vào vị trí và góc độ của người xem mà tồn tại vô số trung tâm. Quả địa cầu chính là như vậy.
Chàng thanh niên: Ừm, đúng là thế thật.
Triết gia: Điều tôi nói lúc nãy rằng "cậu không phải trung tâm thế giới" cũng vậy. Cậu là một phần của cộng đồng chứ không phải trung tâm của cộng đồng.
Chàng thanh niên: Tôi không phải là trung tâm của thế giới. Thế giới không phải là một bản đồ phẳng mà có hình cầu giống như quả địa cầu. Về mặt lý thuyết thì tôi tạm hiểu. Nhưng, tại sao lại phải cố ý thức rằng mình "không phải là trung tâm thế giới"?
Triết gia: Ở đây chúng ta sẽ quay lại phát biểu đầu tiên. Chúng ta đều mong muốn cảm giác thuộc về một nơi nào đó, rằng "mình có thể ở đây". Nhưng tâm lý học Adler cho rằng muốn đạt được cảm giác thuộc về một nơi nào đó thì điều cần thiết là không chỉ đơn giản có mặt ở đó, mà phải tích cực thực hiện cam kết với cộng đồng.
Chàng thanh niên: Thực hiện cam kết ư? Cụ thể nghĩa là gì vậy?
Triết gia: Là đối diện với "nhiệm vụ cuộc đời". Nghĩa là không lảng tránh các nhiệm vụ của mối quan hệ giữa người với người như công việc, bạn bè, tình yêu mà tích cực chủ động đối mặt. Nếu cậu cho rằng "mình là trung tâm thế giới" thì có lẽ sẽ chẳng buồn chủ động cam kết với cộng đồng nữa, bởi những người khác đều là "người làm gì đó cho mình", mình chẳng cần phải tự làm gì cả.
Tuy nhiên, cả tôi và cậu đều không phải trung tâm thế giới. Chúng ta phải dùng chính đôi chân của mình, chủ động tiến lên đối diện với nhiệm vụ của mối quan hệ giữa người với người. Phải nghĩ "mình có thể mang lại điều gì cho người này?" chứ không phải "người này có thể làm gì cho mình?" Đó mới là cam kết với cộng đồng.
Chàng thanh niên: Ý thầy nói chính nhờ trao đi mà lại tìm được chỗ đứng cho mình sao?
Triết gia: Đúng. Cảm giác thuộc về nơi nào đó không phải là điều bẩm sinh đã có mà phải do chính tay mình giành lấy.
❄❄❄❄❄❄❄❄❄
Cảm thức cộng đồng, khái niệm cốt lõi của tâm lý học Adler, cũng là điểm gây tranh cãi nhiều nhất. Quả thực khó mà chấp nhận được quan điểm đó ngay. Tất nhiên, anh cũng bất mãn cả việc bị chỉ trích "tự coi mình là trung tâm". Tuy nhiên, điều anh khó chấp nhận hơn cả là phạm vi của cộng đồng bao gồm cả vũ trụ và vật vô sinh. Không hiểu Adler và này đang nói đến chuyện gì vậy? Chàng thanh niên bối rối cất lời.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Dám Bị Ghét.