57.


Số từ: 2380
Dịch giả: Khắc Vinh
Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên
1956. Alabama trong mưa.
Cháu nội thứ ba của chúng tôi, một cô gái xinh đẹp tên Tessa sắp tốt nghiệp Đại học Florida. Chúng tôi đáp chuyến xe Greyhound. Lúc ấy tôi 64 tuổi, chỉ vừa thanh niên. Jan được 59, vẫn xinh đẹp như bao giờ. ít nhất là đối với tôi. Chúng tôi ngồi băng ghế sau suốt lộ trình, và nàng cằn nhằn tôi vì không mua cho nàng máy chụp ảnh mới để ghi lại hình ảnh sự kiện hạnh phúc. Tôi há miệng bảo nàng rằng chúng tôi có cả một ngày để mua sắm sau khi đến, rằng nàng có thể mua máy ảnh mới nếu nàng muốn, ngân sách đủ cung ứng; hơn nữa tôi nghĩ nàng cằn nhằn chỉ vì buồn chán chuyến đi và không thích quyển sách nàng đem theo. Một quyển Perry Mason. Đấy là khi mọi thứ trong ký ức tôi xóa trắng đi một chút, giống như cuộn phim bị bỏ dưới ánh mặt trời.
Bạn còn nhớ tai nạn đó không? Tôi cho là một ít có thể vì đã đọc nhưng phần lớn thì không. Tuy nhiên nó đã nổi đình nổi đám trên hàng đầu trang nhất từ bờ đại dương này sang bờ đại dương kia khi xảy ra. Chúng tôi đang ở bên ngoài thành phố Birmingham dưới cơn mưa tầm tã, Janice đang than phiền về cái máy ảnh cũ thì một bánh xe nổ. Chiếc xe buýt loạng choạng sang một bên trên lề đường ướt nước và bị một xe tải chở phân bón húc vào hông. Xe tải tống xe buýt đập vào trụ cầu với vận tốc hơn 60 dặm một giờ, nghiền nát nó trên nền bê tông và bẻ gãy làm hai. Hai nửa xe buýt sáng loáng, ướt nước mưa xoắn theo hai hướng đối nghịch, nửa có bồn dầu diesel nổ tung, bắn tung một quả cầu lửa màu đỏ đen lên nền trời xám xịt của một ngày mưa. Một phút trước Janice còn đang cằn nhằn về chiếc máy ảnh Kodak cũ của nàng, phút tiếp theo tôi thấy mình đang nằm ở góc kia của đường hầm dưới trận mưa, trố mắt nhìn một cái quần lót bằng nylon của phụ nữ văng ra từ vali của người nào đó. Trên quần thêu chữ Wednesday bằng chỉ đen. Vali sổ tung tóe khắp nơi. Và những xác chết. Và những phần thân thể của xác chết. Có 73 hành khách trên chuyến xe buýt đó, và chỉ có 4 người thoát nạn. Tôi là một trong số họ, kẻ duy nhất không bị thương nghiêm trọng.
Tôi đứng dậy và lảo đảo bước đi giữa những chiếc vali sổ tung và xác người vương vãi, khóc gọi tên vợ tôi. Tôi nhớ đã đá văng một cái đồng hồ báo thức sang bên và tôi nhớ có thấy một bé trai khoảng 13 tuổi đã chết, nằm trên một đống rải rác thủy tinh vỡ, với đồ chơi máy bay P.F. Flyers ở dưới chân và nửa gương mặt đã biến mất. Tôi cảm thấy mưa vỗ vào mặt, rồi tôi đi qua đường hầm và tránh được một lúc. Ra khỏi đầu kia đường hầm mưa lại xuất hiện, đập vào má và trán tôi. Tôi thấy Jan nằm bên buồng lái vỡ nát của chiếc xe tải chỗ phân bón bị lật nghiêng. Tôi nhận ra nàng nhờ chiếc áo đỏ - chiếc áo đẹp hạng nhì của nàng. Bộ áo đẹp nhất đương nhiên nàng để dành cho buổi lễ tốt nghiệp thực sự.
Jan chưa chết hẳn. Tôi thường nghĩ sẽ tốt hơn - cho tôi, nếu không phải cho nàng - nếu nàng chết ngay. Có lẽ như thế sẽ khiến tôi để nàng ra đi được sớm hơn một chút, tự nhiên hơn một chút. Hoặc có lẽ tôi chỉ tự lừa dối mình về điều đó. Tôi chỉ biết chắc rằng tôi đã không bao giờ để nàng ra đi, không thật sự.
Toàn thân nàng run rẩy. Một chiếc giày đã tuột ra và tôi thấy bàn chân nàng co giật. Mắt nàng mở nhưng vô hồn, mắt trái đầy máu, và khi quỳ xuống bên nàng dưới trận mưa ám mùi khói, tất cả những gì tôi nghĩ được là cú giật đó có nghĩa nàng đang bị xử tử bằng ghế điện, nàng đang bị xử tử bằng ghế điện và tôi phải giữ cầu dao điện trước khi quá muộn.
- Giúp tôi! - Tôi gào lên. - Hãy giúp tôi, ai đó giúp tôi!
Không ai giúp, thậm chí không ai đến. Mưa giáng xuống kịch liệt - một trận mưa lớn, ướt sũng đã dán sát mái tóc còn đen của tôi vào đầu - và tôi ôm nàng trong tay nhưng không có ai đến. Đôi mắt vô hồn của nàng ngước nhìn tôi với một vẻ chăm chú sững sờ, máu tuôn ra thành dòng từ phía sau cái đầu bị nghiền nát. Bên cạnh một bàn tay run rẩy, co thắt vô thức là một mảnh thép pha crôm, có in chữ GREY bên trên. Kế đó là chưa đầy một phần tư của thứ trước kia từng là một doanh nhân trong bộ y phục bằng len nâu.
- Giúp tôi với! - Tôi gào lên lần nữa và quay về phía đường hầm, ở đấy tôi thấy John Coffey đang đứng trong bóng tối, có điều chỉ là bóng hình của chính gã, một con người to lớn với đôi tay dài đong đưa và một cái đầu hói. - John! - Tôi gào to. - Ôi John, làm ơn giúp tôi! Làm ơn giúp Janice!
Nước mưa chảy vào mắt tôi. Tôi nheo mắt gạt ra và gã biến mất. Tôi có thể thấy mình đã lầm những cái bóng với John... nhưng không chỉ là những cái bóng. Tôi đoan chắc như thế. Gã đã ở đó. Có lẽ chỉ như một bóng ma nhưng gã đã ở đó, nước mưa rơi trên mặt hòa lẫn vào nước mắt.
Nàng chết trên tay tôi, ở đấy dưới cơn mưa, bên cạnh chiếc xe tải chở phân bón bốc mùi dầu diesel cháy khét, xộc vào mũi tôi. Không có lấy một thoáng ý thức - mắt trong lại, làn môi mấp máy thầm thì lời tỏ tình cuối cùng. Có một thứ nghiến chặt run rẩy trong làn da thịt bên dưới tay tôi, rồi nàng ra đi. Lúc ấy tôi nghĩ đến Melinda Moores lần đầu tiên trong nhiều năm, Melinda đang ngồi dậy trên giường, nơi tất cả các bác sĩ ở Bệnh Viện Indianola vốn tin rằng bà sẽ chết; Melinda Moores với dáng vẻ tươi tắn, thanh thản nhìn John Coffey với đôi mắt sáng, đầy ngạc nhiên. Melinda đang nói Tôi thấy anh lang thang trong bóng tối và tôi cũng thế. Chúng ta tìm thấy nhau.
Tôi đặt cái đầu xác xơ tội nghiệp của Janice xuống vỉa hè ướt sũng của tuyến xa lộ xuyên bang, đứng dậy (điều này dễ hiểu; tôi bị rạch một vết trên cạnh bàn tay trái nhưng chỉ thế) và gào thét tên gã vào trong những bóng tối của đường hầm.
- John! John Coffey! Anh ở đâu, bự con?
Tôi bước về phía những cái bóng, đá một con gấu bông dính máu trên lông sang bên, cặp kính gọng sắt vỡ một mắt, một bàn tay đứt lìa đeo nhẫn mặt ngọc garnet trên ngón út.
- Anh đã cứu sống vợ Haly tại sao vợ tôi lại không? Tại sao không là Janice? Tại sao Janice của tôi không được?
Không có câu trả lời, chỉ có mùi dầu diesel và mùi xác chết đang cháy, chỉ có mưa từ bầu trời xám ngoét rơi xuống không ngừng, nện lên nền xi măng trong khi vợ tôi nằm chết trên con đường sau lưng tôi. Lúc ấy không có câu trả lời và bây giờ cũng không. Nhưng dĩ nhiên không chỉ một mình Melly Moores được John Coffey cứu sống vào năm 1932, hoặc con chuột của Del, kẻ đã diễn trò tinh xảo với cái ống chỉ và dường như đã tìm kiếm Del từ lâu trước khi gã xuất hiện... rất lâu trước khi John Coffey xuất hiện.
John cùng đã cứu vớt tôi. Nhiều năm sau, khi đứng dưới cơn mưa xôi xả ở Alabama và tìm kiếm một con người không hiện diện trong bóng tối đường hầm, đứng giữa đống hành lý ngổn ngang và người chết bị hủy hoại, tôi đã học được một điều kinh khủng: đôi khi tuyệt đối không có sự khác biệt giữa được cứu rỗi và bị nguyền rủa.
Tôi cảm thấy một hoặc hai sự dâng trào qua người khi chúng tôi cùng ngồi trên sạp của gã - ngày 18, 19 và 23 tháng Mười Một. Dâng ra khỏi gã và trào vào tôi, thứ quyền năng kỳ lạ nào đó gã mang trong người đã xuyên qua đôi bàn tay chúng tôi đan vào nhau, theo cách mà tình yêu, hy vọng và ý tốt của chúng ta không bao giờ làm nổi, một cảm giác khởi đầu. Những cơn đau bệnh đã cướp đi bạn bè và những người thương yêu cùng thế hệ cho đến khi không còn lại người nào - đột quỵ, ung thư, lên cơn đau tim, các thứ bệnh gan, bệnh máu - chúng để yên không động chạm đến tôi, chúng tránh tôi như một tài xế lách xe để tránh một con nai hoặc con gấu chuột trên đường. Vào năm 1932, John Coffey đã tiêm chủng sự sống cho tôi. Gã đã xử tử hình tôi bằng sự sống, có lẽ bạn sẽ nói thế. Cuối cùng thì tôi cũng chết - dĩ nhiên sẽ chết, bất cứ ảo tưởng nào của tôi về sự bất tử đều đã chết theo ông Jingles - nhưng tôi ước được chết sớm trước khi tử thần đến tìm. Nói thật, tôi đã ao ước như thế rồi, từ khi Elaine Connelly mất đi. Có cần kể bạn nghe không?
Tôi xem lại những trang viết này, lật chúng bằng bàn tay run rẩy đầy vết và tự hỏi có chút ý nghĩa nào ở đây không, như trong những quyển sách được xem là thăng hoa và cao cả. Tôi ngẫm nghĩ về những bài thuyết giáo thời niên thiếu, những khẳng định hùng hồn trong nhà thờ Ngợi Ca Jesus, Chúa Uy Vũ, và tôi nhớ lại các tu sĩ thường nói mắt Chúa ở trong mắt chim sẻ, rằng Người thấy và ghi nhận cả tạo vật kém cỏi nhất của Người. Khi nghĩ đến ông Jingles và những mẩu gỗ bé xíu mà chúng tôi tìm được trong cái lỗ trên cây đà, tôi cho điều đó là đúng. Thế nhưng cũng chính Chúa đã hiến tế John Coffey, người chỉ cố gắng làm điều tốt theo cách mù quáng của mình, tàn bạo cũng như bất cứ nhà tiên tri Cựu Ước nào đã hiến tế một con cừu không có khả năng tự vệ... như Abraham sẽ hiến tế con trai của chính mình nếu được ơn Trên gọi. Tôi nghĩ đến John khi nói rằng Wharton đã giết hai bé gái song sinh nhà Detterick bằng tình yêu của chúng dành cho nhau, rằng điều đó xảy ra hàng ngày, trên khắp thế giới. Nếu điều đó xảy ra, Chúa sẽ mặc cho nó xảy ra, và khi chúng ta nói "Tôi không hiểu,
thì Chúa trả lời, "Ta cóc cần.

Tôi nghĩ đến ông Jingles chết trong khi tôi quay lưng lại và sự chú tâm của tồi bị khuấy đảo bởi một gã xấu bụng, kẻ mà cảm xúc tốt đẹp nhất của hắn dường như là một loài tò mò không khoan nhượng. Tôi nghĩ về Janice, co giật những giây phút vô hồn cuối cùng khi tôi quỳ bên nàng dưới cơn mưa.
Thôi đi, tôi đã cố nói với John vào ngày hôm ấy trong xà lim của gã. Buông tay tôi ra. Tôi sẽ chết chìm nếu anh không buông. Chết chìm hoặc nổ tung.
- Anh không nổ tung. - Gã trả lời, nghe được ý tưởng của tôi và mỉm cười. Và điều kinh khủng là tôi không nổ. Tôi vẫn chưa nổ tung.
Ít nhất tôi cũng mắc một chứng bệnh của người già: khổ sở vì mất ngủ. Đến tận khuya tôi còn nằm trên giường, lắng nghe âm thanh nhớp nháp và vô vọng của những người đàn ông và đàn bà ho khạc ra những lộ trình dấn sâu vào tuổi già. Đôi khi tôi nghe thấy tiếng chuông gọi, hoặc tiếng quẹt của một chiếc giày ngoài hành lang, hoặc chiếc TV nhỏ của bà Javits mở nghe bản tin về khuya. Tôi nằm đây và nếu mặt trăng ở ngoài cửa sổ, tôi sẽ ngắm nó. Tôi nằm đây và nghĩ về Brutal, Dean, và thỉnh thoảng là William Wharton đang lải nhải Đúng vậy, đồ mọi đen, xấu như mày muốn. Tôi nghĩ đến Delacroix nói Xem này, sếp Edgecombe, tôi đã dạy ông Jingles diễn trò mới. Tôi nghĩ đến Elaine đang đứng ở bậc cửa vào phòng sưởi nắng và ra lệnh cho Brad Dolan để tôi yên. Đôi khi tôi ngủ thiếp đi và thấy con đường hầm dưới cơn mưa, có John Coffey đứng bên dưới những cái bóng. Trong những giấc mơ nhỏ bé này, điều đó không bao giờ là sự đánh lừa của con mắt; luôn luôn chắc chắn là gã, anh chàng to xác của tôi, gã cứ đứng đó và nhìn. Tôi nằm đây và chờ đợi. Tôi nghĩ về Janice, tôi đã mất nàng như thế nào, nàng đã rải đầy màu đỏ qua ngón tay tôi dưới cơn mưa và tôi chờ. Chúng tôi nợ nhau một cái chết, không có ngoại lệ, tôi biết điều đó, nhưng đôi khi Chúa ơi, Dặm Đường Xanh dài thăm thẳm.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Dặm Đường Xanh.