Chương 6
-
Đất khách quê người
- Mario Puzo
- 5004 chữ
- 2020-05-09 03:10:08
Số từ: 4989
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Đánh máy: Tumbleweed
Nguồn: Nhà xuất bản Phương Đông
Bế con bé Lena, Lucia Santa đứng bên cửa sổ phòng khách nhìn xuống cảnh nhộn nhịp ngựa xe. Ngay phía dưới cửa sổ, một thằng bé bán rong, cất tiếng rao lanh lảnh "Khoai tây, chuối, hành, cần thật rẻ này". Trên xe của nó từng ô vuông ngồn ngộn màu nâu, đỏ, xanh, vàng của rau, trái. Nhìn vẻ sống động của thằng bé, Lucia có cảm giác như đang ngắm một tấm vải bố trải sàn đầy màu sắc.
Bên kia bãi tàu, bà thấy một đám đông người lớn và trẻ con xúm xít. Cũng may là thằng Lorenzo sau ca làm đêm, đang ngủ li bì, nếu không bà lại có dịp lo sợ mấy vụ đâm chém nhau đổ máu. Nhưng bà cũng chăm chú nhìn.
Một thằng nhóc đang đứng trên mui tàu, nhìn xuống đám đông. Rồi nó lăng xăng chạy tới chạy lui. Nắng sớm soi sáng rực cái sọc xanh trên ngực áo trắng của nó, Đúng thằng Gino rồi. Nhưng thằng ranh đang làm trò gì kia? May là toa tàu không có đầu máy.
Lucia Santa cảm thấy mình từa tựa như thượng đế vén mây nhìn xuống con cái dưới trần, bà đứng trên cao này quan sát con cái, trong khi chúng không hề biết.
Bộ đồng phục da đen bóng lộn của cảnh sát sân ga đang thoăn thoắt leo lên nóc toa tàu. Bà mẹ hiểu ra ngay chuyện gì đang xảy ra, vội chạy vào, hét toáng lên:
- Lorenzo, dậy mau.
Bà lay gọi nó thất thanh cả tiếng. Larry nhảy bắn ra khỏi giường. Lông ngực, lông chân cả đống, đầu tóc thì rối bù, mặt nhớp nháp mồ hôi, nhưng nó không e ngại gì, vì có ai ngoài mẹ ra đâu. Hai mẹ con chạy ra cửa sổ, vừa kịp thấy cảnh Gino nhảy xuống, vì gã cảnh sát đã leo lên được nóc toa. Gino bị một tay cảnh sát khác chộp ngay khi tới đất.
Larry bực mình la lớn:
- Chúa ôi, biết bao lần con bảo mẹ đừng để nó đi ăn cắp nước đá nữa.
Larry chạy vội vào mặc quần áo, chạy xuống cầu thang.
Vừa thấy nó ra khỏi nhà, bà mẹ thò đầu ra cửa sổ hét:
- Mau mau lên, chúng nó đang giết em mày kia kìa!
Bà vừa thấy gã cảnh sát bộp tai thằng Gino. Đám đông lũ lượt di chuyển về khu nhà trên đại lộ Số Mười. Thằng Larry băng qua đường, giật tay Gino khỏ gã cảnh sát. Lúc đó Lucia Santa tha thứ hết tội lỗi của thằng con trai lớn đã gây ra trong mấy tuần qua. Nó vẫn xứng đáng là một thằng anh. Nó vẫn hiểu tình anh em thiêng liêng hơn cả vợ con, nhà thờ, tổ quốc, đàn bà và tiền bạc.
Larry hăng hái băng qua đường như đi bắt tội phạm sát nhân. Mấy tuần vừa qua nó bị xô đẩy từ mọi phía. Vừa tức giận, vừa tủi nhục, vừa mặc cảm tội lỗi. Chính nó cũng phát gớm cho bản mặt của mình, nào là đẩy cho mẹ ngã, làm bà xấu hổ trước mặt người ngoài. Mà có được gì đâu, chúng coi mình như cái thằng sai vặt, làm trò hề cho chúng rồi chúng tống mình ra khỏi cửa. Nó cảm thấy mình như một thằng đểu, không thể nào tin nổi mình đối xử với mẹ như vậy, cứ mong đó chỉ là một tai nạn, bà trượt ngã, nó đưa tay đỡ, chẳng may quá tay nên mới xảy ra sự cố. Nhưng nghĩ vậy cũng đủ làm nó đỏ mặt vì ngượng. Lúc này, không hề nghĩ rằng hành động của nó là để chuộc lỗi mà chỉ như một phản xạ tự nhiên, tuy nó cảm thấy mắt mẹ đang theo dõi. Larry giật lấy thằng Gino khỏi tay gã cảnh sát.
Gino khóc ti tỉ, không vì sợ, mà vì tưởng chạy thoát, ai ngờ bị tay cớm khác chộp được. Nó đã dũng cảm nhảy từ trên cao xuống đường rầy toàn sỏi đá lởm chởm như vậy, trầy cả chân tay, mà lại bị tay cớm khác phục kích.
Anh chàng cảnh sát tên Charlie, bị tụi nhỏ gọi là Charlot, là chỗ quen biết của Larry. Nhiều đêm, nó vẫn cùng Charlie tán chuyện mấy con bé trong khu phố, nó còn chọc quê anh ta vì đôi chân vòng kiềng rồi cười hô hố với nhau. Nhưng tay cớm kia lạ hoắc. Larry định làm lành, ăn nói nhẹ nhàng mềm mỏng cho êm chuyện. Nhưng vừa mới mở miệng giọng nó lại có vẻ gay gắt:
- Hai anh làm gì thằng em tôi vậy?
Gã cảnh sát to lớn hỏi Charlie:
- Thằng đếch nào vậy?
Rồi gã tiến lên chộp lại thằng Gino. Larry đẩy em ra phía sau, bảo:
- Về nhà ngay!
Nhưng thằng Gino cứ đứng ì ra đó.
Charlie bảo đồng nghiệp:
- Đây là tay hơn đạo tàu ca đêm. Này Larry, thằng em cậu ăn cắp nước đá của nhà ga suốt mùa hè. Có lần nó ném đá và chửi mình nữa chớ. Trẻ con như vậy, dù là em của bồ, cũng phải đánh cho nát đít ra. Bồ cũng làm cho đường sắt, quên à? Bênh em như vậy là không đúng, đồng ý không?
Một tay công nhân trong đám đông nói với Larry bằng tiếng Ý:
- Chúng nó vả mặt thằng bé chan chát đó.
Larry bước thụt lùi cho tới khi chạm hè đường phố. Anh em nó đã ra khỏi bãi ga. Larry bảo:
- tụi tôi ra khỏi đất đường sắt rồi, các anh đâu có trách nhiệm gì nữa.
không muốn bị mất việc, nó nói phải trái với Charlie:
- Bạn làm mình ngạc nhiên đấy, Charlie. Bạn trở thành người của công ty từ bao giờ vậy? Có đứa trẻ nào trong khu này không ăn cắp nước đá chứ? Kể cả thằng em của bạn. Bạn cứ làm như mình ngốc lắm đấy. Bạn đánh em mình, vì nó ném đá bạn, vậy là hoà rồi, còn bắt nó làm gì.
Nó nhìn quanh đám đông và thằng Gino. Mắt Gino đã ráo hoảnh, nhưng mặt hầm hầm như chỉ muốn nhào vào trả thù, trông rất tếu. Larry âu yếm bảo em:
- Em mà bước chân vào khu nhà ga nữa, anh đập chết. Thôi về đi.
Larry thấy nó cư xử rất điệu, chẳng làm ai mất mặt, nó cũng không hề năn nỉ, xuống nước. Nhưng gã cảnh sát cao to làm hỏng chuyện hết:
- Charlie, cậu bắt tớ tới tận đây để làm trò gì vậy?
Charlie nhún vai, gã kia cáu tiết chộp thằng Gino, tát mạnh:
- Tao thấy mày lảng vảng ở đây, tao đập chết mẹ.
Cú đấm của Larry mạnh tới nỗi cái mũ cảnh sát của hắn bay vèo vào đám đông. Mọi người chờ đợi tay cảnh sát miệng bê bết máu đứng dậy.
Để trơ cái đầu sói sọi, trông hắn bớt vẻ oai vệ hẳn. Hắn đứng gờm nhìn Larry, rồi cởi dây súng đưa cho Charlie cùng với áo khoác đen. Hắn bảo Larry:
- Được, mày là thằng nhà quê đầu bò đầu bướu nhất khu này. Muốn chơi thì chơi.
Charlie lên tiếng:
- Ở đây không được, ra sau mấy toa kia.
Mọi người đều dồn ra bãi đá. Đây chỉ là màn thanh toán vì danh dự, không phải trò gài bẫy nhau. Cả hai tay cảnh sát đều là dân khu Tây này, chơi kiểu lấy quyền ép nhau là mất mặt với dân khu phố hết.
Larry cởi áo thun, nhét vào quần. Thằng quái còn it tuổi mà lông rậm rì, ngực nở, vai u còn hơn tay cảnh sát. Nó chỉ ngại nhất một điều: mẹ nó xuống ngăn cản ầm ĩ lên. Nếu bà làm vậy, nó sẽ bỏ nhà đi ngay. Nhưng khi ngước lên, nó vẫn thấy bà đứng bên cửa sổ.
Lần đầu tiên trong đời, Larry cảm thấy khoái đập lộn, khoái làm cho người khác phải đau để chứng tỏ nó là chúa tể ở vùng này.
Thêm những đám đông chạy ào ào vào bãi, thêm những cái đầu ló ra ngoài cửa sổ, trên những khu nhà cho thuê. Guido, con trai nhà Panettiere, chạy đến bên nó bảo:
- Yên chí, có tớ tiếp tay.
Thằng Vincent sợ sệt, lấp ló sau Guido. Larry và tay cảnh sát đưa tay lên như võ sĩ thượng đài. Lúc này Larry cảm thấy cái nhìn đầy sức mạnh từ cửa sổ, sự căng thẳng của hai thằng em nhỏ và những đôi mắt đang hau háu mở to của đám đông. Trông nó tràn trề sinh lực. Nó quyết không để bị hạ. Larry nhào vào đối thủ. Cả hai tới tấp tung những cú đấm vào nhau. Nhưng cả hai chỉ bị đánh vào vai và cánh tay. Bỗng gã cảnh sát loi trúng mặt Larry, một vệt máu chảy dài trên má nó.
Guido hét lên:
- Tháo nhẫn ra! Đồ đểu, chơi cho đàng hoàng chớ.
Gã cảnh sát đỏ cả mặt, tháo nhẫn đưa cho Charlie. Mọi người xầm xì chế nhạo. Gã nổi khùng liền lăn xả vào Larry.
Larry hơi sợ vì máu tuôn ròng trên má. Nhưng nó cảm thấy hừng hực một nỗi căm ghét. Nó thoi một cú như trời giáng ngay bụn địch thủ. Tay cảnh sát đầu hói té nhào. Thằng Guide hét toáng lên:
- Cho nó đo ván luôn!
Mọi người im lặng khi tay cảnh sát lồm cồm đứng dậy. Có tiếng bà mẹ Larry gào lên bằng tiếng Ý "Lorenzo, stoppa! (Thôi đi! Thôi đi!)"
Vài người ngoái lại, nhìn lên cửa sổ. Larry bực bội ngoắc tay như bảo mẹ nó đừng nói nữa.
Rồi cả hai lại nhào vào nhau, tay đấm chân đá cho tới khi tay cảnh sát ngồi phệt xuống, thở hồng hộc. Tay cảnh sát vừa đứng lên, Larry tung một cú đấm ngay mặt.
Tay cảnh sát điên tiết, nắm cổ Larry, ráng đá nó. Larry vùng ra. Cả hai đã đuối sức, chẳng anh nào còn đủ sức để dứt điểm. Charlie ôm gã cảnh sát đầu sói. Guido ôm chặt Larry. Cuộc chiến coi như chấm dứt.
Charlie nói như ra lệnh:
- Ô kê, cả hai đều ngang tài ngang sức. Đủ rồi, bắt tay nhau đi.
Guido vừa nháy mắt với Larry vừa bảo:
- Đúng vậy.
Mọi người bắt tay và vỗ vai Larry. Ai cũng hiểu ngầm là nó đã thắng.
Hai đối thủ bắt tay cười ha hả, vỗ vai nhau bôm bốp rất thân thiện.
Tay cảnh sát bảo Larry:
- Mày khá lắm.
larry choàng vai Guido bảo:
- Về được rồi chớ, chú em?
Larry đi trước. Guido và Vincent lẽo đẽo theo sau.
Tới nhà, bà mẹ vừa đưa tay đánh, Gino né được ngay. Thấy vết thương trên má Larry, bà vội lấy khăn ướt thấm cho nó, hét toáng lên với thằng Gino:
- Thằng mất dạy, vì mày mà anh mày bị người đánh đây.
Larry lại hí hởn cười nói:
- Con thắng mà mẹ. Hỏi Guido xem.
- Đúng vậy đó bác ạ. Larry là võ sĩ chuyên nghiệp. Anh ấy hạ tay cảnh sát ngon lành. Mặt bị xước chỉ vì chiếc nhẫn thôi.
Thằng Gino sôi nổi hẳn lên:
- Mẹ, anh Larry cho thằng chó chết đo ván bốn lần.
- Đúng.
Lúc này Larry cảm thấy thương yêu cả nhà vô cùng, nó bảo:
- Không kẻ nào được đụng vào bất cứ ai trong gia đình mình. Nếu không sợ mất việc, con đập chết thằng cha ấy rồi.
Bà mẹ pha cà phê cho tất cả rồi bảo Larry:
- Con đi ngủ lại đi, tối nay còn phải đi làm.
Guido và Vincent trở lại lò bánh. Larry cởi quần áo, lên giường. Nó nằm dài, thích thú nghe thằng Gino hồ hởi tưởng thuật trận đánh với mẹ. Larry mệt mỏi nhưng thoải mái, nó không còn là một thằng đểu nữa. Tối nay, khi cỡi con ngựa dẫn trước đoàn tàu thậm thượt theo sau, dân trong khu phố lại vui vẻ chào hỏi, chuyện trò với nó. Nó đã bảo vệ thằng em và danh dự gia đình. Không còn ai coi thường, đối xử tệ với người nhà nó nữa. Larry đi vào giấc ngủ.
Trong bếp, tiếng bà mẹ hầm hầm giận dữ bảo Gino:
- Mày còn lởn vởn vào ga thì tao giết chết.
Tuy vui sướng vì thằng con lớn tỏ ra lưu tâm đến gia đình, nhưng Lucia không khỏi bực bội vì hình như đối với bọn đàn ông, con trai, chuyện đánh nhau là một điều rất quan trọng. Bà không muốn nghe thêm một tí gì về chuyện đó nữa. Như nhiều người đàn bà khác, Lucia Santa tuy không nói ra nhưng âm thầm không ưa cái tính anh hùng rơm của cánh đàn ông. Tóm lại, để chứng tỏ tình yêu, có anh đàn ông nào dám liều mạng như đàn bà chưa? Có phải bụng mang dạ chửa, thân hình sồ sề, khốn khổ như đàn bà, họ sẽ hết còn hãnh diện vì cái mũi bị đánh bầm tím, hay mấy vết dao đâm chém.
Thằng Gino vẫn cứ lải nhải chuyện đánh nhau. Nóng máu, bà nắm cổ nó tống ra cửa:
- Đi, ra đường mà nói. Tới giờ ăn không biết đường bò về thì biết tay tao.
Suốt cho tới cuối hè, trong cái nóng ngột ngạt và bụi mùi thành phố, Lucia và con gái lớn ngày nào cũng cãi nhau.
Nhưng cuối cùng Octavia đã thắng. Trước hết là cô đổi việc làm trở thành cô giáo dạy may cho hợp tác xã Melody, một tổ chức tiếp thị máy may. Octavia dạy miễn phí cho khách hàng mua máy. Cô lĩnh lương ba đô la một tuần, ít hơn nơi làm cũ nhưng có hy vọng sẽ tăng. Vả lại cô còn có thể may quần áo cho mẹ và em ngay trong sở làm. Chính vì điều này, cô mới thuyết phục được mẹ đồng ý.
Sau đó là chuyện thằng Vincent. Mấy tháng hè đi làm, thằng bé ốm trông thấy rõ. Mẹ và chị đều lo lắng. Một hôm, trước khi nó đi làm cho lò bánh, Octavia đưa ba thằng em đi khám răng miễn phí. Cô thấy bản thông báo của quỹi Môi trường do báo Herald Tribune tổ chức cho trẻ em đi dự trại hè hay nghỉ tại miền quê. Cô đã đăng ký cho Vincent.
Bây giờ, cô mới đem vấn đề đó ra bàn với mẹ. Bà phản đối ngay, tuy Octavia bảo Vincent chỉ mất hai tuần lương, mà lại sắp tới ngày khai trường, phải cho nó nghỉ ngơi, đây là dịp nó được sống ở miền quê thoáng mát, không tốn tiền. Bà mẹ bảo không phải vì chuyện tiền bạc. Bà phản đối là vì sao một đứa trẻ ở thành phố lại phải về quê. Bà là nông dân, còn lạ gì nhà quê, quý giá gì. Làm sao tin nổi chuyện vợ chồng nhà quê lại cho một thằng bé lạ hoắc lạ huơ về nhà mình tự nhiên ăn ở. Ở hai tuần lễ chắc làm mửa mật ra, đời nào được ăn chơi không? Octavia cắt nghĩa cho bà biết nhà báo tài trợ họ một món tiền nho nhỏ.
Bà tuôn ngay một câu đầy hiểu biết:
- Vậy a. Chắc khối tiền cứ chẳng nhỏ nhít gì đâu.
Sau cùng, bà đồng ý với điều kiện thằng Gino phải sang lò bánh, làm thế chân anh nó hai tuần. Phần Vincent, nếu không thích, cứ gởi thư về, chị Octavia sẽ đi đón. Thật tình thằng Vincent không muốn đi, nó phát sợ vì phải đến ở với người xa lạ. Nhưng thấy chị Octavia nổi giận gần phát khóc, nó đành phải đi.
Và rồi, Gino làm cả nhà mang tiếng vì công việc trong lò bánh. Đi giao bánh, phải mất mấy tiếng đồng hồ. Chuyển bột thì nó kéo lê lên thang, làm rách bao, bột rơi vãi khắp nhà. Nó ăn bánh mì và kem vô tội vạ. Vậy mà chẳng ai than trách tiếng nào. Ông chủ lò chỉ bảo chú mày chẳng thay thế được anh trong mùa hè tới. Gino nghe chuyện chỉ biết cười hì hì. Octavia tức muốn phát khùng lên. Thật bất công, nếu là Vincent phạm lỗi như vậy, mẹ nó đánh thằng bé chẳng nương tay rồi.
Thế rồi, trước ngày khai giảng một tuần, Vincent trở về nhà, thay đổi lạ lùng. Tay xách va li da mới tinh, quần nỉ trắng nõn, sơ mi cũng trắng. Lại còn áo vét cùng màu xanh với cà vạt đàng hoàng. Mặt anh chàng no ra, rám nắng hồng hào. Cao hơn đến cả phân. Trông Vincent chững chạc như người lớn khi bước xuống taxi của nhân viên xã hội đưa về tận cửa.
Tối đó tất cả ở nhà, đóng cửa sớm. Gino và Sal há hốc miệng nghe Vincent kể chuyện, bé Lena dường như cũng im thin thít để nghe. Miền quê không có nhà gạch, đường đá. Đường quê toàn bằng đất. Chỗ nào cũng um tùm bóng cây xanh. Táo trĩu nặng trên cành, còn dâu thì bước đi đâu cũng gặp. Muốn ăn gì chỉ việc hái mà ăn. Những ngôi nhà xinh xinh bằng gỗ sơn trắng phau. Ban đêm trời lạnh, ngủ phải đắp mền. Nhà nào cũng có ô tô vì không có đường tàu điện. Bà mẹ từng sống ở quê, chẳng lạ lẫm gì, chỉ thằng Gino thẫn thờ tiếc rẻ, vì không được đi.
Thằng Vincent còn khoe ra bộ pi ja ma. Nó là người đầu tiên trong nhà có một bộ đồ ngủ như vậy. Nó ướm bộ đồ hai màu đen vàng lên người. Bà mẹ tò mò hỏi:
- Đi ngủ mày mặc cái này ấy à?
Mùa đông người trong nhà chỉ chơi đồ lót dầy, thêm cái áo len đan là xịn ngất trời rồi, pi ja ma chỉ có tụi Tàu mới mặc.
Bà vẫn còn thắc mắc:
- Nhưng tại sao người ta cho con lắm quần áo vậy? Chắc nhà nước cho họ khối tiền ấy nhỉ?
- Không đâu, tại họ mến con. Còn mời con hè sang năm lại đến, đưa cả Gino đi cùng. Con kể hết chuyện nhà mình cho họ nghe. Họ sẽ viết thư và gởi quà Giáng sinh cho con. Con cũng sẽ phải gửi thư cho họ.
- Chắc họ không có con cái chứ gì?
- Vâng.
Nhìn em vui vẻ, Octavia xúc động bảo:
- Em không phải trở sang lò bánh nữa, Vincent ạ. Một tuần nữa đi học lại rồi.
Vincent sướng mê. Nhưng hai chị em đều liếc nhìn mẹ. Bà mỉm cười đồng ý. Bà có vẻ đăm chiêu. Vậy là trên đời này vẫn còn người tốt, những con người làm cho cả những đứa trẻ sung sướng , hạnh phúc. Họ là loại người như vậy sao? Đời sống được bảo đảm đến đâu mà dám phung phí tiền bạc và tình thương cho một đứa trẻ chưa hề gặp. Và có thể chẳng bao giờ gặp lại? Bà lờ mờ cảm thấy như ngoài thế giới của bà, còn một thế giới khác nữa. Họ đến từ thế giới đầy nhân ái, rực rỡ như những vì sao. Ôi, còn ở Ý, tụi nhà giàu, đám chủ đất, chúng ăn tươi nuốt sống trẻ con nhà nghèo. Tối nay bà thấy yên lòng, các con bà hạnh phúc và chứa chan hy vọng vào cuộc đời.
Nhưng mùa hè chấm dứt lại chẳng vui vẻ gì cho Octavia. Lão chủ của cô, mập tốt, vui vẻ, luôn tỏ ra là một con người rất tử tế, một chiều gọi cô bảo:
- Này cô Angeluzzi, tôi đã quan sát công việc của cô. Cô là một cô giáo giỏi đấy. Các bà mua máy may của chúng ta, được cô hướng dẫn, ai cũng hài lòng vì cô. Và…hài lòng với cả máy may họ đã mua. Nhưng…cái đó mới là phiền đấy.
Octavia ngỡ ngàng.
- Thật tình tôi không hiểu ý ông.
- Cô còn trẻ, lại rất thông minh. Tốt, rất tốt. Cô giải quyết công việc thật hiệu quả. Tôi đã thấy một mụ khách hàng hết sức ngu dốt, nhưng cô vẫn kiên trì chỉ dẫn cặn kẽ cho tới khi mụ ta nắm được kỹ thuật sử dụng máy. Từ trước đến giờ, chúng tôi chưa bao giờ có được một nhân viên khá như cô.
Lão thân mật vỗ cánh tay cô. Octavia lùi lại. Lão mỉm cười. Cái chất lo xa của dân Ý bảo cô cảnh giác: đàn ông đụng chạm tới mình là hư hết mọi việc.
Nhưng những lời tán dương của lão cũng làm cô mừng thầm. Cuối cùng, giấc mơ làm cô giáo đã thành hiện thực. Quả thật, cô đã luôn cố gắng trong công việc.
Lão chủ nhẹ nhàng tiếp:
- Nhưng Octavia ạ, việc chính của công ty không phải là dạy may, cũng không phải mục đích quảng cáo của chúng ta chiêu dụ khách hàng đến đây, để bán những loại hàng thứ phẩm kia. Chúng ta cần bán hàng xịn, hàng cao cấp. Tôi sẽ tăng lương cho cô thêm hai đô la, công việc thật sự của cô vẫn là dạy may, nhưng không phải ở trong cửa hàng, mà là…giao tế ở ngoài…Ồ, không, cô đừng hiểu lầm, không phải với tôi. Cô ra ngoài đến những bà bạn hàng cô từng hướng dẫn đó. Kết bạn với họ, uống tách cà phê. Họ toàn là dân Ý, cô lại biết nói tiếng Ý, công việc sẽ rất hiệu quả. Cô sẽ làm sao để họ mua những máy may đời mới hơn, tốt hơn. Cô hiểu rồi chớ? thân mật, kết bạn sẽ làm họ tin cẩn, đi chơi khuya cũng được. Đi làm trễ buổi sáng cũng được. Bán được hàng, cô còn được hưởng lương phụ trợ ngoài giờ nữa đấy.
Octavia ra về, lòng thơ thới hân hoan. Công việc tốt, đầy tương lai. Ngay chiều hôm đó, cô đến thăm mấy bạn hàng. Họ bảo:
- Cái máy này tốt lắm, vậy mà ông sếp cô cứ khuyên chúng tôi mua cái khác đắt tiền hơn. Để làm gì chứ? chúng tôi chỉ cần may ít quần áo cho chồng con. Hà tiện đồng nào đỡ đồng ấy thôi mà…
Vậy là Octavia quá hiểu sếp yêu cầu cô phải làm gì. Kể từ khi bước vào nghề bán hàng, cô phải quyết định bằng lương tâm, không thể đemthân xác, tình cảm, gia đình bán rẻ để dụ dỗ khách hàng. Cô đã học được một điều, muốn tiến thân vào đời cũng đồng nghĩa với sự lường gạt, chiếm đoạt tài sản của đồng loại. Hãy tưởng tượng người mẹ chân chất của cô bị phỉnh phờ bằng kiểu này làm sao cô chịu nổi. Nếu cần phải nâng giá, cô còn có thể đành làm để giữ việc. Nhưng cười nói thân mật, lấy lòng để gạt người khác, có khác chi bán mình để kiếm tiền. Đôi khi Octavia cũng cố gắng thử, cô quá thật tình, nên không đạt được kết quả như ý chủ.
Hai tuần sau đó, cô bị đuổi. Lão sếp đứng ngay cửa. Lão nhìn cô, vả lả cười, lắc đầu thương hại:
- Cô lương thiện quá, Octavia ạ.
Cô ném cho lão cái nhìn khinh thị, lão đâu đủ tư cách để hiểu cô. Vậy là Octavia hết cả mộng với mơ. Dường như những thầy cô giáo mà Octavia hằng yêu kính đã chơi khăm cô với những lời ca tụng, thúc giục cô vươn lên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các vị ấy đã bán cho cô cái ý tưởng quá đắt đỏ đối với thế giới của cô.
Octavia đành trở về với cái nghề bán quần áo. Kiếm được việc làm ổn định rồi, cô mới kể hết cho mẹ nghe. Giữ chặt thằng Sal giữa hai đầu gối, vừa chải đầu cho nó, vừa lắng nghe, Lucia buông một câu:
- Ngữ như cô thì chẳng bao giờ giàu nổi.
Octavia hét toáng lên:
- Bịp người nghèo thì làm sao con nỡ chứ. Mẹ có nỡ làm vậy, chỉ để cho tụi khốn kiếp ấy đầy túi bạc không?
- Tao già rồi, chẳng có tài làm chuyện ấy. Tao cũng chẳng ưa mấy đứa ngọt mật chết ruồi, dù có vì tiền. Nhưng mày còn trẻ phải học hỏi chớ, khó khăn gì chuyện đó nào. Ối dào, người nhà này nào là đọc sách, nào là đi xem phim, cứ làm như con nhà giàu không bằng. Hãnh diện lắm nhưng cứ nghèo xơ nghèo xác. Tao chẳng cần cái thứ mơ mộng, không có thật. Tao nghèo, các con tao nghèo, vậy thôi.
Thằng Sal bảo:
- Cho con hai hào uống nước.
Bà mẹ gắt:
- Mày không nghe mẹ nói gì à? Nhà mình nghèo. Đi đi.
Thằng nhỏ nghiêm trang nhìn bà. Sao lũ con bà đứa nào mặt mày cũng đăm đăm nghiêm túc đến vậy? Thằng Sal lý luận rất chững chạc:
- Mẹ không cho con hai hào, mẹ có giàu không?
Octavia bò ra mà cười. Bà mẹ đành móc túi. Sal chộp tiền rồi chạy vọt ra khỏi nhà.
Bà nhún vai, cười cười với con gái. Tuy nhiên, trong thâm tâm bà tự nhủ, nếu không cho các con hai hào uống nước, không bao giờ cho tiền chúng đi xem phim, một tuần chỉ ăn thịt một lần thôi, trời tối mịt mới cho mở đèn, nếu bắt chúng đi làm suốt năm, thay vì đợi đến khi xong trung học, nếu bắt chúng đơm khuy nút ban đêm, thay vì đọc sách, nghe đài…thì giàu thật chớ giỡn sao.
Hàng ngàn ngôi nhà được mua ở Long Island bằng đồng tiền tiện tặn như vậy đó. Nhưng gia đình bà không làm được. Lỗi là do bà, thấy con cái khổ, bà không chịu nổi. Chúng khổ một, bà khổ mười.
Bà cũng chẳng quá ảo tưởng đối với đồng loại. Chẳng ai cố tâm xấu xa, đểu giả. Chung qui chỉ tại đồng tiền. Tiền là Thượng Đế, tự do, hạnh phúc, an toàn. Bỏ tiền ra? Bộ khùng à, chẳng khác nào giữa rừng đầy thú dữ mà bị tược súng.
Tiền bạc là lá chắn cho con cái, đẩy nó ra khỏi vùng tăm tối. Ai không khóc vì túng thiếu? Ai chưa từng khóc vì tiền? Tiền bạc réo lên, người ta ào ào xô đến, kể cả bác sĩ, thầy tu và cả những đứa con bất hiếu.
Tiền bạc là quê hương mới. Chẳng vậy mà, nửa đêm thức giấc, nhẩm tính tiền dành dụm trong ngân hàng, Lucia Santa vừa mừng vừa lo đến lạnh cả người, cứ như tù nhân đếm từng ngày chờ ra khỏi vòng lao lý vậy.
Tiền bạc đem lại bạn bè, người thân. Một đấng Jesus mới chẳng bao giờ hiện ra để khiển trách kẻ có tiền.
Không cần giàu, nhưng phải có tiền, có tiền làm chỗ dựa. Có tiền để mạnh dạn đối mặt với đời.
Octavia biết mẹ đang ngồi lẩm cẩm nghĩ về tiền bạc. Nào tiền bác sĩ, quần áo, dầu bếp lò, tập vở, tiền sắm bộ cánh đi lễ nhà thờ. Rồi còn tiền dành dụm để mua nhà bên Long Island, còn mon thằng Sal lên trung học nữa chớ.
Tuy nhiên, Octavia cho rằng bà cũng là người tiêu pha hơi quá tay. Dầu ăn hảo hạng thì mới mua, phô mai nhập khẩu loại đắt tiền. Ít nhất cả nhà được ăn thịt ba lần một tuần, Nhiều khi trẻ con hơi sổ mũi, nhức đầu đã vội mời bác sĩ, trong khi những nhà khác thuốc men qua loa thôi. Mùa Phục sinh, con cái đều có quần áo mới.
Vậy mà hàng tuần bà vẫn đưa cho Octavia năm, mười đô la đi gởi tiết kiệm. Ngoài hai mẹ con, không ai biết bà đã để dành được một ngàn rưỡi đô la. Octavia tự hỏi, dấu hiệu phép lạ nào làm bà vững niềm tin vào sự đổi đời của gia đình, kiên quyết sẽ mua bằng được ngôi nhà ở Long Island.
Mùa thu tới rồi. Trẻ con đi học. Trời lạnh như cắt da cắt thịt, việc nhà bề bộn, chẳng còn ai ra hè đường ngồi tào lao. Nào giặt ủi quần áo, đánh bóng giày, đơm khuy nút để kiếm thêm chút tiền, dọn mấy cái lò từ dưới hầm lên. Thành phố như thay da đổi thịt, mặt trời vàng nhạt, hè đường, cống rãnh xam xám màu chì. Những ngôi nhà như cao hơn, mảnh hơn, tách biệt nhau hơn. Không còn hơi nóng hổi bốc lên từ đá xanh và nhựa trải đường. Khói toả ra từ đầu máy xe lửa cũng dịu hơn. Và trong một buổi sáng như vậy, Frank Corbo trở về nhà với gia đình.