Chương 8


Số từ: 4905
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Đánh máy: Tumbleweed
Nguồn: Nhà xuất bản Phương Đông
Tay bác sĩ là con của chủ nhân nhiều căn nhà cho thuê trên đại lộ Số Mười. Lão đã phải rời bỏ quê hương, làm việc thiếu điều ói máu, ăn uống tằn tiện, chắt mót từng xu từ đám đồng hương thuê nhà để lo cho thằng con học thành bác sĩ. Bác sĩ Silvio Barbato còn trẻ, rất nể trọng ông già và coi lời thề Hippocratic chẳng là gì. Gã rất thông minh trong việc lấy cảm tình đám dân tới từ miền nam nước Ý, sống như lũ chuột ở phía tây thành phố. Gã thấy sống khổ sở thật trái tự nhiên và chẳng có gì phải nhủ lòng thương xót.
Ngày còn bé, trước khi cha gã trở nên giàu có, gia đình gã cũng sống trong khu đại lộ Số Mười này. Gã biết rõ bà Lucia Santa, biết nhà gã ăn uống cực khổ hơn nhà bà nhiều. Vì vậy gã không tỏ ra nghênh ngang, kiểu ta đây là quan đốc tờ. Dù vậy, mỗi lần bước vào căn nhà như vầy, gã lại cảm ơn ông già đã khôn ngoan đưa gã thoát khỏi cảnh tăm tối nghèo khổ. Nơi đây, mặc thời tiết tốt hay xấu, không khí đầy ắp vi trùng, lúc nào chẳng có người đau ốm. Ai sống mà không phải kiếm tiền và khi ngã bệnh, đồng tiền lại chui tọt vào túi của bác sĩ.
Gã uống tí cà phê, uống để thân chủ vui lòng. Không uống là quấy, là khinh người, là khách sáo quá, lần sau họ mời bác sĩ khác. Gã ngẫm nghĩ, chắc trong tủ lạnh đựng đồ ăn, bát dĩa lúc nhúc đầy dán. Nhà này có đứa con gái. Tên nó là gì nhỉ? Lớn thế kia chắc đã đi làm hoặc sắp lấy chồng. Bạn bè, hàng xóm đầy nhà, lao nhao phát biểu linh tinh về tình trạng của bệnh nhân. Mấy mụ già to mồm nhiều ý kiến nhất.
Cuối cùng gã cũng gặp được bệnh nhân. Trời, đâu có lộ bệnh tật gì đâu. Bắt mạch, đo huyết áp. Bác sĩ nhớ lại đồng nghiệp thường gặp căn bệnh giống như vầy: sự căng thẳng quá sức chịu đưng. Một bệnh hầu như không gặp ở phụ nữ, chỉ đám đàn ông bị suy sụp khi có được chút thành đạt ở miếng đất mới. Tiền bạc thiếu thốn, đói khổ, tự nhiên cuộc sống sung túc muốn bay bổng, dễ gục như chơi. Nhiều người đàn ông Ý đã hoá điên, lẩn thẩn như vậy. Dường như rời xa quê hương họ mất hết sinh lực, như cây không có rễ, không còn thiết sống nữa. Trị căn bệnh này, cần an dưỡng.
Frank Corbo cũng vậy, chỉ cần cho vào bệnh viện một thời gian, tránh mọi áp lực xã hội là tỉnh táo ngay. Ngặt một nỗi người đàn ông này còn phải làm việc để nuôi con cái. Và hầu hết đám đàn ông Ý này đều mê cờ bạc. Bác sĩ Barbato giở mền để khám tiếp. Giật nẩy mình khi thấy đôi chân dị dạng:
- Làm sao kỳ cục vậy cà?
Giọng gã lịch sự, cương quyết bắt buộc người bệnh phải trả lời.
Frank nhổm người, kéo mền đắp lên chân:
- Không sao, chân tôi không gây đau đớn gì hết.
- Ông có bị nhức đầu không?
- Có.
- Nhức trong bao lâu?
- Liên tục.
Gã bác sĩ kê một toa thuốc mạnh. Gã cảm thấy hơi bị quê. Vì bà chủ nhà cứ loay hoay đi tìm tiền không nhớ cất ở đâu. Đó là lý do gã thích có những bệnh nhân khá giả, áo quần, đồ đạc tươm tất hơn. Bỗng hắn nhận thấy nhà này có cái radio. Xài sang như vầy nhất định phải có tiền lo cho người bệnh chớ. Nghĩ vậy bác sĩ bớt áy náy lương tâm.
Tuần sau đó, Frank Corbo đi làm trở lại. Sức khoẻ của hắn khá hơn. Thỉnh thoảng hắn mới lên rên rỉ, chửi thề vào nửa đêm nhưng rồi ngủ êm trở lại.
Vậy rồi vài tuần sau, một buổi trưa bất ngờ hắn trở về nhà, đứng ngoài bực cửa bảo vợ:
- Ông cai bảo anh về. Ông ấy bảo anh bệnh quá, không làm việc được.
Hắn bật khóc. Lucia phát sợ.
Bà đưa hắn vào bếp, rót cho hắn tách cà phê. Từ ngày lấy nhau, chưa bao giờ hắn nói nhiều như hôm nay. Hắn run rẩy hỏi:
- Tôi bệnh nặng đến vậy sao? Ông cai bảo tôi lãng trí bỏ ngang công việc suốt, chẳng nhớ gì cách điều khiển máy móc, phải nghỉ một thời gian, bao giờ khoẻ mạnh thì trở lại. Tôi có đau yếu đến vậy đâu. Tôi đang khoẻ lại mà, phải không?
- Anh nghỉ ngơi đi, đừng lo nghĩ đến việc làm nữa. Chiều nay bồng Lena đi hóng gió cho khoẻ người.
Nhìn chồng cúi gục đầu , bà chẳng hiểu hắn mạnh hay yếu, đành chờ đợi xem sao.
Biết chồng thích luôn luôn có chút tiền trong túi để mua điếu thuốc, cái kẹo, khi Frank bồng Lena đi chơi, bà dúi cho hắn mấy đồng làm hắn vui.
Hắn bồng con về đúng bữa ăn tối. Cả nhà quây quần quanh bàn. Octavia, Larry, Vincent, Gino và Sal đều biết hắn mới bị mất việc nên cố làm hắn thoải mái. Frank tỏ ra bình tĩnh, rất tư cách, luôn tay giúp vợ. Cả nhà yên tâm ăn uống vui vẻ. Hình như cú sốc mất việc đã xua đuổi hết những ý nghĩ đen tối trong đầu hắn. Larry la lên có mấy con gián đá bóng trên tường. Hai nhỏ Sal và Gino vừa ngước lên nhìn, nó nhanh tay chôm ngay mấy miếng khoai trên dĩa của chúng. Nhưng trò này không bịp được Vincent, nó khều mẹ. Bà xúc thêm đồ ăn cho nó.
Khi mọi người rời bàn ăn, Lucia hỏi chồng có đi nhà thờ không, Frank thản nhiên nói không cần tới ông Colucci nữa làm Lucia kinh ngạc. Chẳng lẽ chồng bà, con người chưa hề biết đến những mưu mô xảo trá, lại chỉ lợi dụng vợ chồng Colucci để kiếm việc làm? Sự đổi thay đó làm bà lo ngại quá xá.
Tới giờ đi ngủ, Lucia cứ ngồi ì trong bếp may vá tới nửa đêm. Lúc nào bà cũng quần áo chỉnh tề, phòng khi chồng lên cơn, tấn công, bà còn kịp chạy. Sau nửa đêm, nếu không có gì xảy ra, mọi sự đã an toàn, bà mới vào giường ngủ.
Frank Corbo dịu dàng bảo vợ:
- Đi ngủ cho khoẻ, tôi thức chút nữa rồi vô sau.
Bà biết "chút nữa" của hắn có nghĩa là sau nửa đêm. Lúc này mới mười một giờ. Mọi người đã ngủ. Larry cũng đã đi làm. Bà ngồi may, Frank phì phèo điếu xì gà. Rồi hắn rót cho bà và cả hắn ly rượu. Điều này cấm kỵ trong tôn giáo của Colucci.
Quá nửa đêm hai vợ chồng lên giường. Bé Lena nằm giữa. Rồi trong đêm tối như mực, bà giật mình thức giấc vì tiếng chồng lải nhải:
- Con búp bê này làm gì ở giữa vợ chồng mình vậy? Bỏ đi, tôi quăng ra ngoài cửa sổ bây giờ.
- Frank, chuyện gì vậy?
- Sao cô lại đặt con búp bê ở đây?
- Frank, Frank, con gái nhỏ của ấy đấy mà. Tỉnh lại, Frank.
Im lặng, Lucia không dám ngủ tiếp. Thình lình cái giường run lên bần bật.
Đèn phòng trong, phòng ngoài bật lên sáng trưng. Hắn đứng giữa nhà, mặt tím bầm giận dữ. Giọng hắn la vang như sấm:
- Đi ra khỏi cái nhà này ngay, lũ con hoang, lũ con của con đĩ. Đồ chó cái! Đi hết! Tao giết ráo chúng mày bây giờ!
Bà mẹ ôm đứa con gái nhỏ phóng ra khỏi giường. Bà chạy sang phòng ngoài, kêu mấy đứa con trai:
- Mau mặc quần áo, sang nhà bà Zia Louchee ngay!
Đang hò hét, chửi rủa, thấy thằng Vincent, Frank lại hạ giọng:
- Không, Vincenzo ở lại, Vincenzo là thiên thần mà.
Bà mẹ đẩy Vincent cùng hai em nó ra hành lang. Hai người đối mặt. Mắt hắn đầy hận thù, lặng lẽ bảo vợ:
- Mày ôm con búp bê này, đi luôn đi!
Bà nhìn cánh cửa buồng duy nhất trong nhà, hắn bảo:
- Đừng để tao phải đập cửa buồng con gái mày. Bảo con đứng đường đó đi ngay ra đường.
Cửa phòng mở tung, Ocatvia áo quần chỉnh tề, tay lăm lăm cây kéo. Bà vội vàng nói:
- Đi với mẹ, con.
Cô không sợ. Cô sẵn sàng bảo vệ mẹ và các em. Nhưng thấy ánh mắt tàn bạo của người cha ghẻ, lần đầu tiên cô sợ hắn. Cô ôm bé Lena, tay vẫn cầm kéo, chạy sang căn bếp. Ba thằng em trai, choàng áo khoác ngoài bộ đồ lót, run rẩy ôm nhau. Cô dồn các em xuống nhà, chạy ra đường.
Lucia Santa mặc áo váy ra ngoài áo ngủ, run run bảo chồng.
- Cả ngày hôm nay anh khoẻ lắm, có chuyện gì vậy?
Đôi mắt xanh lờ đờ, mặt hắn ngây dại, lải nhải "Đi hết đi!". Hắn đẩy bà ra cửa. Giữa lúc đó Larry và ông hàng bánh nhào vào. Hắn chộp cổ Larry đè vào sát tường, hét lên:
- Bộ mày tưởng hôm nay cho tao một đôla là có quyền can thiệp vào chuyện của tao hả?
- Con về giúp ba mà. Ba bình tĩnh lại đi, đừng la hét nữa. Cảnh sát sắp đến đấy.
Chợt tiếng còi hụ vang lên. Hắn chạy ra cửa sổ dòm xuống.
Hắn thấy dưới đường ba đứa con trai đang co ro quanh Octavia trong khi cô chỉ trỏ lên cửa sổ, lúc mấy tay cảnh sát ra khỏi xe. Hai cảnh sát chạy vào nhà. Hắn bỗng tỏ ra rất biết điều, lặng lẽ vào bếp bảo mọi người:
- Này, cảnh sát có dùi cui. Không chống lại được đâu. Trời cũng thua dùi cui đó.
Hai cảnh sát người Ái Nhĩ Lan cao lớn tiến vào. Larry kéo họ ra một góc thì thầm rồi lại ngồi cạnh người cha ghẻ, rơm rớm nước mắt nói:
- Ba ơi, nghe con nói nè. Ba bệnh, thấy không? Có xe tải thương đến chở ba đi bệnh viện. Ba thương mẹ, thương các em, đi chữa bệnh nhé.
Hắn hung hăng xô mạnh Larry. Hai viên cảnh sát áp tới. Lucia ngăn lại:
- Đừng, khoan đã, cứ từ từ.
Bà nói nhỏ nhẹ với chồng như không để cho ông hàng bánh và cảnh sát nghe. Lúc này, Octavia và mấy đứa nhỏ cũng đã trở lên nhà.
- Mình à, đi bệnh viện để người ta chữa trị cho mau khoẻ. Đừng để các con nhìn cảnh ba bị cảnh sát đánh, trói đem đi. Tội nghiệp các con lắm. Nghe em đi. Em sẽ đến thăm mình hàng ngày. Chỉ một vài tuần mình khoẻ, lại trở về nhà.
Hắn đứng dậy, cúi đầu ủ rũ. Nhưng hắn chợt ngửng lên tươi tỉnh:
- Tất cả uống tí cà phê nhỉ. Để tôi đi pha.
Lúc đó hai nhân viên bệnh viện trong áo blouse trắng đã vào phòng, cùng hai cảnh sát tiến lại gần hắn. Lucia đứng giữa lối đi. Larry đứng bên cạnh mẹ. Bà bảo:
- Xin các ông chiều nhà tôi một chút. Làm cho ông ấy vui, ông ấy sẽ ngoan ngoãn theo các ông. Dùng sức mạnh là ông ấy lại lên cơn điên đó.
Trong lúc chờ cà phê, Frank tỉnh bơ đứng cạo râu trước vòi nước. Hai nhân viên bệnh viện căng thẳng cảnh giác. Hai cảnh sát lăm lăm cây dùi cui. Cạo râu xong hắn nhanh nhẹn bày tách ra bàn, rót cà phê mời khách. Cùng mọi người uống, hắn tỉnh táo bảo vợ tìm cho hắn cái sơ mi sạch. Hắn ngó quanh mọi người với ánh mắt đầy nhạo báng.
- Đồ quỉ sứ. Ta biết hai tên cảnh sát này quá mà. Khuya nào tụi bây chẳng vào hiệu bánh uống rượu. Còn anh, Panettiere, anh nấu rượu lậu trong nhà là phạm luật đó. Trời, đừng tưởng ta không biết gì. Biết hết. Đêm đêm khi mọi người ngủ, ta đi lung tung. Ta thấy hết tội lỗi của mọi người. Quái vật, yêu ma, sát nhân, con cái của lũ nhà thổ. Tao biết tận tim gan chúng mày. Chúng mày tưởng hù được tao sao?
Hắn thét, lưỡi líu lại, xô mạnh cái bàn, ly tách đổ loảng xoảng.
Hình như Frank kiễng ngón chân lên, trông hắn cao hẳn, đầy vẻ đe doạ. Lucia và Larry vùng chạy. Hai cảnh sát và hai nhân viên bệnh viện tiến sát hắn. Thình lình qua mặt bàn rộng, hắn nhìn thấy Gino, mặt nó trắng nhợt, mắt thất thần vì sợ. Đứng quay lưng lại những kẻ thù, hắn nháy mắt với thằng con trai. Hắn thấy mặt thằng bé hồng lên, ngạc nhiên đến quên cả sợ.
Hắn bỗng đưa hai tay về bốn người đang vây quanh như cầu xin họ dừng lại, để nghe hắn sắp nói một điều quan trọng. Nhưng hắn không nói gì, lẳng lặng móc túi lấy chìa khoá nhà và cái bóp đưa cho vợ. Larry và mẹ nắm hai bên cánh tay người cha ghẻ dìu xuống nhà. Hai nhân viên blouse trắng và hai cảnh sát đi sau.
Đường phố vắng lặng. Gió thổi từng đợt quanh xe cứu thương và xe cảnh sát đậu trước nhà. Trong bóng đêm, Frank Corbo nhìn vợ thì thầm năn nỉ:
- Mình ơi, cho tôi vào nhà đi! Đừng để người ta bắt tôi đi! Người ta giết tôi mất!
Bên kia đường, có tiếng còi xe lửa vang lên. Người vợ buồn rầu cúi đầu rồi buông cánh tay chồng, lùi lại. Thình lình, hai nhân viên bệnh viện, nửa xô đẩy, nửa nhấc bổng hắn lên xe. Một cảnh sát nhảy tới tiếp tay. Không một tiếng động. Người chồng không hề kêu la. Người vợ nắm chặt tay Larry đứng thẫn thờ, bất động.
Khi chiếc xe tải thương lăn bánh, Lucia Santa khóc nức nở. Trong khi đó Larry khai báo sự tình và tên tuổi của gia đình với hai người cảnh sát.
Trời sắp sáng. Nhưng sương mù che mờ những vì sao trên nền trời.
Chủ nhật sau, gia đình mới được phép thăm nuôi. Bà mẹ hỏi con gái:
- Con nghĩ đưa ông ấy về nhà có sao không?
Octavia ngạc nhiên thấy mẹ quá lạc quan. Cô không dám nói thật lòng. Còn Larry chứng tỏ là người đàn ông trong gia đình, với giọng kẻ cả bảo:
- Ô hay, chỉ vì ba thỉnh thoảng thức giấc vào ban đêm, mà tính bỏ luôn ông ấy trong nhà thương à? Ba sẽ khoẻ lại mà, đừng lo.
Octavia nói ngay:
- Mày nói thì dễ lắm. Ban đêm mày có ở nhà bao giờ đâu. Mẹ và tụi nhỏ có bị cắt cổ, mày về cũng muộn rồi. Mày hơi khôn đấy.
- Chị thì lúc nào cũng chuyện bé xé ra to. Ông già nếm mùi nhà thương rồi, mọi chuyện sẽ ổn hết…Chị ơi, vấn đề quan trọng là từ hồi tới giờ chị có thương ba đâu, có thích ba ở trong nhà này đâu.
- Tại sao tao phải ưa với ghét? Thử hỏi ông ấy đã làm gì được cho thằng Vincent? Kể cả mấy đứa con của ông ấy nữa? Ông đánh mẹ bao nhiêu lần rồi? không bao giờ tao quên, mẹ bụng mang dạ chửa cũng bị ăn đòn.
Lucia Santa rầu rĩ nghe hai con cãi nhau. Toàn chuyện trẻ con. Làm sao chúng hiểu hết chuyện đời.
Cũng như đa số phụ nữ quê mùa, dốt nát, Lucia cảm thấy mình có quyền quyết định cái sống và chết của những người gần gũi nhất. Tình yêu và lòng thương hại có cái giá của nó, cũng là gánh nặng trong đời. Người đàn ông là cha của ba đứa con bà, người đã cứu vớt bà khỏi cảnh bơ vơ, nghèo khổ, đem đến cho bà niềm vui hạnh phúc gối chăn, hương vị cuộc sống đời người. Giờ đây, hắn thật sự không còn giá trị gì. Ông ta làm náo loạn cửa nhà. Nếu để tình trạng này kéo dài, Octavia chỉ còn cách nắm đại thằng ba trợn nào đó làm chồng để thoát khỏi cảnh thấy mặt ông cha ghẻ. Nếu ông ta có trách nhiệm bon chen với đời, bà cũng có bổn phận với con cái, từ đứa lớn đến đứa nhỏ. Con cái là núm ruột mà. Ngoài tình yêu, còn danh dự và bổn phận nữa chứ. Frank Corbo chưa hề trốn tránh trách nhiệm. Nhưng ông ta không đủ khả năng làm tròn bổn phận. Ba đứa con, ba giọt máu của ông còn đó. Sau này bà sẽ đối diện với chúng. Bà còn thêm mối lo, về già phải sống nhờ con.
Thằng Gino đang đùa giỡn, la hét với Sal và Lena, thình lình bảo mẹ:
- Đêm hôm ấy, ba nháy mắt với con.
Nó nói tiếng Anh, bà không hiểu từ "nháy" là gì. Octavia phải cắt nghĩa. Bà phấn khởi quá xá:
- Đó, thấy chưa? Ông ấy giả vờ đó. Biết hết, đầu óc chỉ mệt mỏi thôi.
Larry bảo:
- Mẹ biết vì sao không? Tại ba thấy thằng Gino sợ quá. Ba còn đủ tỉnh táo nháy mắt cho nó vui mà. Con đã bảo không có gì nghiêm trọng đâu. Cứ để ba về đi.
Bà hỏi con gái, tuy đã quyết định trong đầu nhưng muốn cho vui nhà vui cửa:
- Sao con?
- Cứ thử xem vậy.
Cả nhà xúm vào giúp mẹ đóng gói mì ống, trái cây, bánh mi.. Thứ gì cũng có một chút. Phòng xa lỡ hôm nay người ta chưa cho Frank xuất viện. Vừa làm vừa cười đùa vui vẻ. Lucia còn bảo:
- Đêm ấy, nghe ông ấy bảo thằng Vincent là thiên thần, tao biết ba tụi bây điên lên rồi.
Khi bà sửa soạn đi, Gino hỏi:
- Hôm nay ba về thật hả mẹ?
Bà không hiểu vì sao mặt nó thoáng lo âu, bảo:
- Chẳng hôm nay thì ngày mai, đừng lo, con ạ.
Vincent hét toáng lên:
- Hoan hô! Hoan hô!
Octavia bảo:
- Để con tắm rửa, thay quần áo cho chúng nó để đón ba.
Trước khi cùng đi với mẹ, Larry dặn dò:
- Nếu được đưa ba về hôm nay, các em không được quấy, để ba nghỉ. Ba sai làm gì, phải làm ngay, nghe không?
Nghe thằng con lớn nói, bà khoái chí quá chừng. Như vậy là mọi chuyện đều tốt đẹp, cái đêm khủng khiếp đó không có gì là nghiêm trọng. Mọi người chỉ vì căng thẳng nên quá sợ, chớ thật ra cũng chẳng cần phải gọi cảnh sát, xe tải thương làm gì. Mà biết đâu có lẽ như vậy cũng hay, bây giờ cả nhà mới quấn quít nhau hơn.
Trong bộ áo đen, tay ôm bọc đồ ăn, Lucia Santa đi bộ tới trạm xe điện. Larry đi sát bên mẹ như một thằng con ngoan ngoãn, hiếu thảo.
Tới nơi, hai mẹ con đứng đợi trước bàn hướng dẫn đông nghẹt người. Sau thời gian dài chờ đợi, họ được thông báo là phải đi gặp bác sĩ trước. Hai mẹ con phải dắt nhau đi tìm văn phòng bác sĩ.
Người ta đồn đãi cái bệnh viện to lớn này có toàn nhân viên, bác sĩ, y tá tài giỏi nhất thế giới, chế độ săn sóc người nghèo chu đáo, tận tình. Nhưng với Lucia Santa, trong buổi chiều chủ nhật này, dường như bệnh viện Bellevue là địa ngục của người nghèo khổ, một nơi để họ phải chịu nhục nhã, đau đớn lần cuối cùng trên đời trước khi đi vào cõi chết. Hiển hiện đầy rẫy những con người cặn bã, đắng cay, tuyệt vọng. Bệnh nhân lao ủ rũ ngồi đầy ban công, nhìn ra thành phố bê tông đá sắt, hít vào buồng phổi mục rữa cái không khí đầy khói than thành phố nhả ra. Người già lão nằm bơ vơ, thưa thớt vài người thân đem đến chút đồ ăn và mấy câu an ủi. Có khu dành cho những con người phẫn nộ với đời. Những con người cả gan đã nốc cả đống thuốc độc hay huỷ hoại thân mình để được chết. Mà có chết được đâu. Giờ đây thể xác đớn đau, lại cố bám vào cái sống. Dĩ nhiên bệnh viện cho khoa thần kinh, dành cho những con người điên loạn chạy khỏi thế giới này để trốn vào cõi tối tăm êm ả hơn.
Thật tâm mà nói đây là một nhà thương thí. Nơi đây chẳng phải mắc nợ, cũng chẳng đòi hỏi gì từ bà hay những con người như bà.
Cái hành lang lợp ngói tối tăm, la liệt trẻ con chờ khám bệnh, phát thuốc. Còn góc đàng kia là những đứa trẻ què quặt, tàn tật vì tai nạn ô tô hoặc vì cha mẹ say rượu đánh nhau.
Những người đàn ông bệnh nặng nằm trên giường, ánh mắt rõ ràng lo sợ cho cái viễn cảnh đói khổ của vợ con.
Đây là cái bệnh viện mà người ta phải tự đem đến từ miếng ăn, xà bông, khăn lau mặt…Giống như một công ty bách hóa trong một con tàu, nơi mọi người gắn bó với nhau nhưng không hề có chút âu yếm, dịu dàng, xót thương, yêu quý. Đây là nơi làm cho một con vật có thể thích nghi với gánh nặng trên lưng. Chẳng ai quan tâm tới nỗi đau tinh thần, làm gì có chuyện trao tặng một cành hoa.
Bệnh viện đứng sừng sững phía đông thành phố với hình dáng như một cái tháp thời trung cổ và cánh cửa sắt nặng nề như một nhà tù. Những bệnh nhân sùng đạo, khi bước qua cánh cửa này như treo mình lên thập ác, còn những kẻ bệnh thập tử nhất sinh thì coi như tự trao mình cho Thần Chết.
Khi hai mẹ con bước vào văn phòng, Lucia ngạc nhiên thấy con người nắm vận mạng chồng bà là một bác sĩ trẻ măng. Hai mẹ con bà ngồi xuống . Ông bác sĩ nói ngay:
- Bà không thể thăm chồng bữa nay, tốt nhất là nên ký một số giấy tờ.
Bà mẹ thì thầm với con trai bằng tiếng Ý.
- Nói cho ông ta biết chuyện cái nháy mắt đi.
Bác sĩ cũng nói bằng tiếng Ý.
- Không, thưa bà, chính bà cho tôi biết thì hơn.
Bà trố mắt nhìn. Ai ngờ cha này trông y như Mỹ, mà lại cũng là dân Ý mình. Có điều bác sĩ nói bằng thứ tiếng Ý của dân nhà giàu và cư xử rất lịch sự. Bà cắt nghĩa, trong cái đêm khủng khiếp đó, khi chồng bà điên loạn nhất, ông ấy nháy mắt với thằng con ruột. Ông ấy làm vậy để thằng bé yên tâm, ông không điên thật đâu. Rõ ràng là ông ấy chỉ muốn nghỉ ngơi vì quá mệt mỏi hay để chọc tức gia đình vì thất vọng trong cuộc sống đó thôi. Nhà nghèo, ông ấy phát bệnh vì phải gắng làm nuôi vợ con. Chắc mẻm đó là lý do làm đàn ông phát khùng lên. Suốt mùa đông, ông ấy đi làm chẳng nói niếc gì, làm sao mà không buốt óc. Lại nữa, khi đào đường hầm tại đại lộ Số Tám, ông ấy bị chôn sống mất mấy phút, đầu bị chấn thương.
Bà kể lể đủ thứ để chứng minh bệnh tật của chồng chẳng qua chỉ là do tác động bên ngoài, bệnh thể xác thôi, chớ không phải là thần kinh đâu. Bà lại dẫn chứng tiếp cái nháy mắt tỉnh táo của chồng với thằng con.
Bác sĩ nghiêm túc lắng nghe, gật gù đồng ý. Cái nháy mắt vào lúc đó cũng lạ thật đó. Trời lạnh, chấn thương đầu cũng có thể là nguyên nhân bệnh. Ông Bác sĩ lẩm bẩm như khích lệ bà. Bà sức mấy mà nhận ra thái độ lịch sự của bác sĩ chỉ là lòng thương hại mà thôi. Ông nói cho bà bằng tiếng Ý.
- Thưa bà, chồng bà bệnh rất nặng. Bệnh viện này không đủ khả năng, mà về nhà lại không nên. Ông nhà phải được đưa đến nơi khác. Có thể một hoặc hai năm chữa trị. Điều đó chưa thể nói chắc được. Bộ não con người còn là điều bí ẩn.
- Tôi chỉ mong gặp mặt chồng tôi. Tôi không ký kết gì hết.
Bác sĩ nhìn. Larry lắc đầu nói:
- Thôi mẹ ạ, con đưa mẹ về. Có thể ngày mai mình sẽ được vào thăm ba.
Lucia vẫn thẫn thờ im lặng. Bác sĩ nhỏ nhẹ nói:
- Nếu ông nhà bị cảm hay sốt rét thì không khi nào bà để ông ấy đi làm, ép ông ấy ra ngoài trời lạnh. Nếu chẳng may ông nhà gãy chân, bà cũng sẽ chẳng để ông ấy bước đi. Lúc này, với ông ấy , ra khỏi nhà thương trở lại đời sống hàng ngày là quá sức chịu đựng. Ông ấy sẽ bị đau đớn lắm. Căn bệnh dù mới chỉ là dấu hiệu nhưng không thể để ông ấy đi đến cái chết được. Bà hãy chứng tỏ tình thương yêu với chồng, bằng cách ký những giấy tờ này.
Ông ta chạm tay vào bao thư màu vàng đặt trên bàn. Lucia ngửng đầu trừng trừng nhìn bác sĩ, nói bằng tiếng Ý cộc cằn:
- Tôi không ký gì hết.
Mặt bác sĩ đỏ bừng, ông nghiêm nghị nói:
- Tôi thấy bà có gói quà cho ông nhà. Bà có muốn tự đưa lấy cho ông ấy không? Không được ở lại lâu, bà chỉ có thể nói đôi câu.
Đến lượt bà đỏ mặt, vì lòng tốt của người thầy thuốc. Ông ta bốc điện thoại giơ lên nói rồi quay lại bảo bà đi theo. Khi Larry đứng dậy, ông bảo:
- Anh nên đợi ở đây.
Bà đi theo cái áo blouse trắng trong cái hàng lang thăm thẳm tối tăm như trong nhà tù. Lên thang. Xuống thang. Rồi tới một cửa mở vào căn buồng rộng lát gạch men, rải rác những bồn tắm, có cái được che màn. Bà theo bác sĩ tới một cánh cửa tận góc nhà. Thình lình bác sĩ dừng lại trước một bồn tắm che màn kín mít rồi một tay ông ta nắm chặt cánh tay bà như sợ bà bị té, tay kia ông kéo xoẹt tấm màn.
Một con người trần truồng, hai cánh tay bị trói sát bên sườn, ngồi thu lu trong bồn nước.
Bà bật kêu lên:
- Trời ơi! Frank ơi !
Cái sọ trơ xương quay lại, gương mặt dài thượt ra, nhăn nhó, nhe răng như con thú hoang đang khiếp đảm vì mắc bẫy. Đôi mắt xanh vô hồn như bằng sứ, không nhìn bà, mà nhìn vớ vẩn tận đâu đâu. Đó là cái nhìn tuyệt vọng, điên cuồng của ma quỷ. Ông bác sĩ buông vội tấm màn che xuống, vì tiếng kêu ai oán thống khổ của Lucia làm đám y công ào ào chạy tới. Gói đồ ăn rớt xuống sàn, vung vãi.
Trở lại văn phòng, dù Larry cố gắng an ủi mẹ, bà vẫn không thể nào ngưng khóc. Khóc cho bà lại thêm một lần nữa goá bụa, lại đêm ngủ, ra vô trơ trọi một mình. Khóc cho ba đứa con thơ dại của hắn bị mất cha. Khóc cho thân bà một lần nữa lại chịu thua số mệnh. Khóc vì chưa bao giờ bà phải chịu đựng cái cảnh khủng khiếp đến vậy: người đàn ông bà yêu, sinh con cho anh ta, giờ phút này đành nhìn anh ta sống chẳng ra sống, chết không ra chết.
Bà ký tất cả các giấy tờ rồi cám ơn lòng tốt của bác sĩ. Hai mẹ con ra về bằng taxi. Larry phập phồng lo cho mẹ. May mắn là cho tới khi xe về tới nhà, bà vẫn hoàn toàn tỉnh táo như thường. Larry không phải dìu mẹ lên thang. Cả hai mẹ con đều không nhìn thấy Gino, Vincent và Sal thấp thỏm đứng chờ mẹ đón cha về nơi góc đường.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đất khách quê người.